Nhớ Nhà...

Mấy hôm nay tôi nhớ nhà. Nó không là một nỗi nhớ cồn cào ruột gan. Nó dai dẳng và âm ỉ, hệt như những trận mưa dầm rả rích của Đà Lạt mùa bão.

Tôi nhớ những cái Tết nghèo của tuổi thơ, "của ngon vật lạ" ngày Tết chỉ là những viên kẹo đường bọc giấy hoa. Gỡ hoài gỡ mãi không ra, đành ngậm cả viên kẹo còn nguyên giấy gói vô miệng. Cuối cùng kẹo đường tan hết chỉ còn lại một nhúm giấy rã nát vô vị trên đầu lưỡi. Tôi nhớ những bữa cơm Tết chỉ với ít thịt ngâm nước mắm và dĩa rau sống là đã rất huy hoàng. Tôi nhớ đôi giày simili màu đỏ mẹ lo sắm từ tận tháng Mười, báo hại tôi phải kéo hộc tủ ra vô không biết bao nhiêu lần để ngắm, để sờ, để ngửi, mà mong cho đến Giao Thừa để được mang vào đôi chân nhỏ. Tôi nhớ nồi bánh tét lửa cháy bập bùng trong cái rét căm căm của đêm Đà Lạt. Ba canh lửa cho giòn, mẹ tranh thủ ké hơi nóng hừng hực toả ra để luộc gừng làm mứt. Tôi ngồi bên mẹ, chờ được hưởng nồi nước luộc gừng để tắm như là một thông lệ mỗi cuối năm. Mùi gừng thơm ngát và cảm giác ấm bừng trên làn da con trẻ đã theo tôi cho đến tận bây giờ. Gần đây mẹ cũng có làm mứt gừng, mẹ cũng vẫn réo gọi tôi đi tắm nước luộc gừng y như cái thời xa xưa ấy. Cũng ấm áp, cũng thơm tho, mà sao không phải nó, nhất định không phải nó. Có những cảm nhận đến trong đời, rồi đi. Một lần là mãi mãi.

Tôi nhớ những cái Tết Trung thu chơi đi chơi lại chiếc lồng đèn giấy ba làm lấy. Rước đèn quanh xóm xong là mẹ vuốt ve xếp lại từng nếp, treo ngay ngắn vô góc tủ để sang năm dùng lại. Mẹ lại còn cẩn thận nhét vô đó vài cục long não. Tôi nhớ cả xóm tôi coi ké chung một cái tivi màu duy nhất của nhà bác hàng xóm. Mỗi khi đài chiếu phim hay, như Maika Cô Bé Từ Trên Trời Rơi Xuống hay Vòi Bạch Tuộc, là hàng hàng lớp lớp khán giả không mời mà đến ngồi tràn cả ra sân. Có hôm muốn đi ngủ sớm mà không nỡ mời đám trẻ con đang há hốc miệng coi tivi, bác lặng lẽ vào phòng, rồi chờ đến khuya lơ khi không còn khán giả nào mới trở dậy, đi đóng cửa tắt đèn.

Tôi nhớ những ngày hè về quê nội ngoại, cậu dì, chú bác ai cũng cưng những đứa cháu ở xa mà để dành cho từng củ khoai trái bắp ngon nhất. Tôi nhớ những ngại ngùng vấn vương của tuổi mới lớn, ôm chục hoa hồng trắng trong tay vào ngày sinh nhật, mà cảm động bồi hồi khi tình cờ biết được người tặng hoa đã phải làm những gì để có được số tiền khiêm tốn chỉ vừa đủ cho bó hoa ấy.

Và tôi cũng nhớ Sài Gòn. Nhớ cái nắng đổ lửa và những cơn mưa rào chợt đến chợt đi như cái dỗi hờn của cô gái mới lớn. Nhớ quãng đường dài đạp xe đi học, lưng áo đẫm ướt mồ hôi và vị ngọt của ly nước sâm uống đến đâu mát lịm đến đó. Nhớ những tô mì hoành thánh lề đường mà ngon hơn bất kỳ một món sơn hào hải vị nào. Nhớ những buổi chèo ghe ở miền quê với bạn, tiếng cười khuấy động cả một góc sông dài. Nhớ những con đường có hai hàng me cổ thụ cao vút, đạp xe chầm chậm mà như đi xuyên qua một làn mưa lá lấp lánh.

Cách đây nhiều năm tôi đưa các con về thăm lại ngôi nhà tuổi thơ ở Đà Lạt. Cũ nát và hoang tàn nhưng vẫn còn đó những dấu vết dấu yêu. Tôi đưa các con đi một vòng quanh sân, chỉ cho tụi nó từng khe nứt trên sàn nơi tôi từng ngồi cả buổi để coi kiến tha mồi, hay cái hốc hình chữ nhật trong cái cột giữa sân, nơi tôi từng dùng làm nơi bí mật để cất giấu "của nả". Cảm xúc cứ mỗi lúc một dâng trào, tôi bật khóc oà lên. Khóc như chưa bao giờ được khóc. Tôi cứ để mặc cho dòng nước mắt tuôn trào, như để cho vỡ oà ra hết những nhớ thương dai dẳng. Các con trai vụng về ôm lấy tôi. Thì ra có lúc mẹ cũng cần được tụi nó vỗ về.

Rồi tôi trở qua lại bên kia bờ Thái Bình Dương, bỏ lại sau lưng những kỷ niệm. Trở lại với những tháng ngày miệt mài với công việc mà vẫn lắng nghe từng tin tức bên nhà. Buồn nhiều hơn vui. Căm phẫn nhiều hơn hy vọng. Đớn đau nhiều hơn hạnh phúc.

Mấy hôm nay nhớ nhà tôi cứ ngân nga hát bài Quê Nghèo của Phạm Duy, bài hát được viết ở Quảng Bình năm 1948. Đã 70 năm đã qua, mà sao từng chữ từng lời vẫn như cứa vào tim. Cái nghèo, cái đói cũng vẫn còn quanh đây, như từ gần ¾ thế kỷ trước.
"...Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười,
Vui vì nồi cơm ngô đầy..."

Hôm qua tôi nói chuyện với một người anh. Anh khóc. Những giọt nước mắt nhớ nhà. Những giọt nước mắt bất lực trước sự đổ nát của một quê hương yêu dấu. Những giọt nước mắt thương cho chúng tôi, cho con cái chúng tôi, nếu một ngày kia quê hương sẽ không còn. Và, trong những ngày này, những giọt nước mắt ấy sao mà cô độc và quạnh hiu quá...

Nhưng, dù sao đi nữa, chúng tôi vẫn nuôi một hy vọng, chúng tôi vẫn nuôi một giấc mơ.
"....nằm mơ mơ thấy trăm họ tốt tươi,
mơ thấy bên lề cuộc đời
áo dài đùa trong nắng cười..."

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn