Khoảng Xanh Chim Sẻ

Trong khi đạp xe bánh mì đi bỏ mối, sáng nào tôi cũng dừng lại chốc lát trước ngôi nhà mặt tiền đường Huỳnh Văn Bánh để lắng nghe bầy chim sẻ lếch chếch lạch rạch.

Tôi không hình dung được bên trong cái cửa sắt kín bưng ấy, khu vườn rộng đến đâu, chỉ thấy vươn lên tận sân thượng là những cành sapôchê xanh um.

Thi thoảng những sớm mai trời trong, tôi còn được thấy từng cặp, từng cặp chim sẻ dìu nhau bay từ ngọn sapôchê lên, những đôi cánh bé xíu quạt nhanh đến mức tưởng chúng chỉ dang ra giữa không trung, con này đỡ con kia, lượn vòng vòng, quấn quít áp hai cái bụng lông trắng vào nhau.

Chúng truyền nòi giống trong tiếng ríu rít đầy hoan lạc. Tôi nói những sớm mai trời trong mới thấy được cảnh ấy bởi chim sẻ cũng dậy sớm như tôi, chưa đến 5 giờ chúng đã làm rộn rã ngọn cây trên lầu thượng cái nhà xa lạ kia.

Tôi phát hiện ra tiếng kêu rộn ràng của bầy chim sẻ ấy là do một nỗi ám ảnh... Hơn tháng trước, còn lâu mới hừng đông, trong lúc chờ lò ra bánh mì, thấy một tờ báo nhăn nhúm nằm trên sàn nhà, tôi nghiêng vào ánh sáng lửa củi hắt ra từ miệng lò, đọc cho đỡ ngáp vặt, không ngờ bắt được một "tin nóng": Tây Nhựt Bình Chánh người ta đang dùng nhạc Rock phát hết cỡ qua loa phóng thanh làm chim sẻ (và nhiều loại chim khác) điếc đặc, khiếp đảm nép vào thân cây, để dễ dàng bắt.

Tây Nhựt là quê tôi, chỉ cách trung tâm Sài Gòn khoảng một giờ chạy xe máy nhưng đã là vùng nông thôn đặc trưng Nam Bộ với tiếng cuốc kêu chiều, tiếng bìm bịp neo vào dòng chảy con nước lớn, nước ròng, tiếng cu đất cúc cu lung lay bụi trâm bầu..., đặc biệt nhiều là chim sẻ, sáng sớm, chiều tối chúng ầm ĩ như con nít chơi ném dép, tạt loong cãi nhau ở các hẻm phố Sài Gòn. Vậy mà ai đó đã dùng tiếng nhạc chát chúa, ầm ào như bão tố để vây bắt chúng?

Tôi còn nặng lòng với chim sẻ bởi có lần, khi còn ở quê, đầu hồi nhà tôi chim sẻ làm tổ rất nhiều, tôi bắt một cặp vừa ra ràng bỏ vào lồng nuôi, cho ăn gì chúng cũng từ chối, cứ chờ bố mẹ ngày mấy lần tha mồi về, khi thì hạt thóc, lúc thì con sâu. Khi đôi chim con đã biết bay nhảy trong lồng, cặp chim bố mẹ vẫn cứ sớm hôm nuôi nấng.

Có lẽ chúng hiểu con của chúng bị cầm tù nên càng yêu thương hơn. Trước tình cảnh ấy, tôi phải thả đôi chim non ra, chim bố mẹ chờ có thế, bay vút theo con, kêu lên những tiếng chích chích náo nức một khoảng trời...

Đọc xong bài báo tôi bần thần cả người, đạp xe bánh mì giữa phố mà cứ tưởng như đang gánh cỏ đi trên con đường làng, quanh tôi là tiếng kêu vui vẻ của bầy chim sẻ. Đúng là tiếng chim sẻ thật, trên cành cây sapôchê buông cành xuống sân thượng nhà ai...

Từ hôm ấy, mờ sáng nào tôi cũng dừng lại nơi đây chốc lát, vui với cái vui của những con chim giữa bốn bề bê tông cốt thép, nhất là những sáng Chủ Nhật khi mà các xe bán bánh mì không cần bánh quá sớm, để được nghe thỏa thích tiếng chim sẻ.

Sáng nay cũng thế, tôi kiễng chân trên xe đạp, cố vươn cao để thấy được những con chim bé bỏng vô tư. Bỗng cánh cửa sắt mở vào phía trong, một người đàn ông dáng vẻ nho nhã, ăn vận giản dị bước ra.

Ông lên tiếng trước sự lúng túng của tôi, rằng tôi muốn tìm ai. Tôi thưa thật là chỉ đứng trước cổng nhà ông để được nghe tiếng chim sẻ kêu. Hình như ông cảm động lắm. Ông bảo như vậy là đã tìm được người đồng điệu. Ông mời tôi khoảng bốn rưỡi, năm giờ chiều đến nhà, ông sẽ dẫn lên sân thượng.

Chiều, cánh cổng sắt vừa mở, tiếng sẻ ùa ra làm choáng ngợp hồn tôi. Thì ra ngôi nhà ông không có vườn, chỉ có một khoảng sân trời, từ đó, một cây sapôchê vươn lên. Cái sân trời hai phía là tường của một nhà cao tầng thành ra cây sapôchê chỉ trải được cành lên sân thượng nhà ông sau khi lả ngọn vào mấy phòng ngủ ở lầu một.

Đàn sẻ bắt đầu về. Bầy thì đậu tít trên lan can tầng thượng nhà cao tầng hàng xóm, bầy thì sà xuống, bay lên, nhưng đông nhất là trong kẽ lá của cây sapôchê, bởi từ đó tiếng của chúng làm loãng cả tiếng xe cộ chạy ngoài đường Huỳnh Văn Bánh.

Ông kể, một buổi sáng tinh mơ sau Tết năm ngoái, tự nhiên nghe tiếng chim sẻ bên cửa sổ, vài chục con cùng kêu một lúc. Ông tưởng có một đàn sẻ nào đó đi kiếm ăn, sà vào cây sapôchê. Thấy bóng ông, đàn sẻ không bay đi mà còn kêu to hơn, như thể chúng vui mừng báo cho ông biết đã tìm được một chỗ trú mới.

Ông nghĩ chắc là chúng đến đây từ chiều hôm qua, cũng kêu vang như vậy nhưng ông đi vắng nên không biết. Từ đó đàn sẻ về ngày một nhiều, chắc là chúng rủ nhau. Cũng từ đó, nếu không quá bận, ông lại về nhà khoảng năm giờ chiều, để, như ông nói, được nghe đàn sẻ cãi lộn một cách dễ thương, và khi cần dậy sớm, ông không phải dùng đồng hồ báo thức, đã có những con chim trở nên một phần cuộc sống của ông.

Theo ông, bầy sẻ cả ngàn con chọn cây sapôchê làm nơi trú đêm, trước hết vì là nơi yên tĩnh tương đối, mèo hoang không dễ đột nhập bắt chúng, cả gió cũng không nhiều bởi tường nhà hàng xóm và một phần nhà ông đã che bớt, mùa sapôchê chín sau Tết, lại là thức ăn bổ dưỡng cho chim.

Ông kể ông đã sống hơn nửa đời người ở các thành phố lớn nước ngoài, chưa bao giờ có được diễm phúc thấy một "sân chim" ngay giữa chốn phồn hoa, vậy mà cả năm rồi ông được vui buồn cùng bầy sẻ ngay tại nhà mình thì đó là hồng phúc mà thiên nhiên ban tặng cho gia đình ông.

Sống với bầy sẻ cả một quãng chiều ngả hoàng hôn, tôi cảm thấy người lâng lâng nhẹ. Mấy năm ròng, vì chén cơm manh áo, tôi bỏ quê, vào nội thành, thuê một căn phòng sáu mét vuông vây bởi gạch và tôn sét, nóng hầm hập, chỉ có một lối vào đủ lách người, để trú những lúc không đi bỏ mối bánh mì, chưa bao giờ hình dung được phố phường cũng có một góc xanh cho con chim sẻ nhỏ nhoi tội nghiệp.

Tôi lại bị ám ảnh về tội lỗi của con người khi biết rằng ven quốc lộ 1A đoạn qua Phụng Hiệp hay chợ Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) và ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, mạn Vườn Ổi, Bà Lát, An Lạc, Bình Lợi có những "vựa chim" chuyên bỏ mối cho quán nhậu.

Những gà nước nấu chao, nấu cháo, nấu cà ri; những cò lửa ram, bìm bịp rô ti, đặc biệt là chim sẻ nướng, rượu huyết chim sẻ là những món mà dân nhậu cho là bổ dương hơn cả pín bò Tây Tạng, pín ngựa Ả rập ngâm rượu...

Cây sapôchê khó nhọc lắm mới vươn lên được giữa bốn bề bê tông cốt thép để dang cành cho bầy sẻ trú mà sao con người lại lăm lăm khẩu súng săn để rình bắn từ con manh manh đến con chim sâu bằng ngón tay út!

Những cây viết, cây phượng bông vàng đêm ngày dang cành cho bầy sẻ trú mà sao con người lại đặt bẫy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để bắt chúng bán cho quán nhậu với giá mỗi con chỉ ba ngàn đồng?

Đồng Tháp Mười đang báo động về nạn săn bắt chim bằng... "câu trời", tức dùng cần câu tre cắm thành dàn giữa các cánh đồng, mỗi dàn khoảng một ngàn cần móc lưỡi câu thép, trải dài vài trăm mét, cò, cúm núm, trích, ốc cao, chằng nghịch... bay qua, không bị móc vào đầu cũng bị móc vào cánh. Vì thế mà dọc theo tỉnh lộ 843 (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đã hình thành những "chợ chim" tấp nập kẻ mua người bán...

Nhiều lúc trên đường đạp xe đi bỏ mối bánh mì, tôi lại nghĩ miên man, ai đó càng khoái khẩu với chim trời thì môi trường sống của chính họ càng bị tàn phá, và họ đang ăn vào cuộc sống của chính mình!

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn