Ăn Mắm Kiểu Miền Tây Nam Bộ

Khi bàn về văn hóa ẩm thực Nam bộ, có lần nhà văn Sơn Nam từng khẳng định: "Mắm là đặc trưng của Nam bộ, được hình thành bởi sự "hôn phối" giữa trời đất và con người. Đó là tính hào sảng của thiên nhiên và tính tiết kiệm của con người".

Theo tác giả Hương rừng Cà Mau, vùng đất Nam bộ thuở cha ông ta đi mở cõi đầy ắp những cá tôm, ăn không hết nên những người đi khai hoang ngày ấy đã biết đến cách làm mắm để dành. Mắm là thức ăn được ưa chuộng của người dân Đồng bằng sông Cửu Long từ hàng trăm năm nay.

Ngoài cách làm mắm để dành, bà con còn làm khô, nhưng mắm có ưu thế hơn vì có thể dự trữ dài ngày hơn và chế biến được thành nhiều món ăn, với nhiều cách ăn khác nhau: ăn mắm sống, kho mắm, chưng mắm, chiên mắm, làm lẩu mắm...

Gần như loại cá nào cũng làm mắm được, trừ những loại cá nhiều mỡ, bởi cá nhiều mỡ làm mắm hoặc làm khô dễ bị hôi dầu. Mắm làm từ các loài thủy sản khác nhau: tôm, cua, còng, ba khía... mỗi thứ có một hương vị đặc trưng riêng. Ăn mắm là một nghệ thuật ẩm thực dân gian trong dòng chảy văn hóa bình dân miền đất mới.

Mắm sống "độc" mà lạ

Ăn mắm sống tức là không qua chế biến, nấu nướng. Mắm ăn sống rất đa dạng về chủng loại, nhưng được nhiều người cho là ngon nhất có mắm cá chốt, cá linh, cá rô, cá sặc, cá trê, đặc biệt là mắm tép và mắm ba khía. Mắm lóc sống còn được chế biến bằng cách xắt thịt con mắm rồi ướp đường, tỏi trộn với đu đủ mỏ vịt bào nhỏ và được gọi là mắm thái. "Thủ phủ mắm" Châu Đốc nổi tiếng với mắm thái, không nơi nào sánh bằng.

Mắm cá linh, cá chốt sau khi ướp muối, để một thời gian rồi trộn với thính và chao qua đường hoặc mật ong. Để khi mắm "tới", dở mắm ra ăn sống với cơm, hoặc với khoai lang luộc một cách ngon lành. Ăn kèm với con mắm sống là trái bần chua hay chấm mắm với nước cốt chanh, tắc và không thể thiếu ớt hiểm, ít lát gừng, tỏi... để món ăn trung hòa, ngon miệng.

Riêng mắm tép được trộn với đu đủ mỏ vịt, củ riềng... để thêm một hai ngày cho mắm chua, gọi là nem mắm. Nem mắm được gói rau sống bằng cách hái đọt đu đủ non trải ra, đặt mấy lát chuối, khế, trái sung, trái gòn non, trái ớt hiểm cùng mắm tép sống rồi cuốn lại một cuốn cỡ cườm tay người lớn, ăn như thế mới đã, và cách ăn này đã trở thành dấu ấn ẩm thực dân gian của người xa xứ đến đây lập nghiệp. Ngày nay, thay vì dùng đọt đu đủ non, người ta thường dùng bánh tráng để gói nem mắm. Cũng theo nhà văn Sơn Nam, mắm tép Cà Mau có màu đỏ au bắt mắt, nhìn đã thích, lại có mùi thơm nồng của gừng, vị cay của ớt, vị mặn của nắng vùng biển...

Để ăn mắm ba khía, người ta xé con ba khía đã làm thành mắm ra trộn với nước cốt chanh, đường, ớt, tỏi, gừng... để một thời gian cho thấm. Ăn mắm ba khía phải dùng tay bốc mắm đã ướp nhai rau ráu cùng với khoai lang nấu, củ chuối luộc hay cơm nhưng phải là cơm nguội mới đúng điệu và mới ngon.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn