Sài Gòn "Bán Dạ Tiểu Quan"
Ở đây, nơi từng phủ bóng của một Đại La Thiên nổi tiếng với mục "nhất dạ đế vương", những người ít tiền cũng có thể hưởng "bán dạ tiểu quan" (23 giờ đóng cửa) với những món ăn ngon của truyền thừa đầu bếp Đại La Thiên một thời...
Nhắc tới Đại La Thiên người ta không thể không nhớ đến nào là Bảy Viễn, cọp rừng Sác, nào là Lý Long Thân, trùm tài phiệt gốc Phúc Kiến, nào là Lý Bing Bing – nhiều người cho là hoa hậu Phúc Kiến Chợ Lớn một thời. Bing, cô gái nhảy được Lý Long Thân bao riêng và đã được Thân cho cùng nhất dạ đế vương đãi Bảy Viễn với giá 4 triệu đồng thời những năm 1950. Những nhất dạ đế vương thời đó thường diễn ra trong một không gian không khác gì cung đình, và được dọn ăn những thứ cường dương theo style triều Mãn Thanh, để có thể trở thành "Minh Mạng nhất dạ lục giao" trong một đêm...
Mấy mươi năm sau, từ cái thời "khoái ăn sang" chuyển sang "sáng ăn khoai", Đại La Thiên mất máu, đầu bếp của nó trở về nhà mở quán nhỏ bán một phần là thức ăn thừa từ nhà hàng chế biến lại, một phần những món do ông tuyển nguyên liệu rẻ ở chợ nấu nướng, tạo ra một khí quyển Đại La Thiên, nhưng cái không gian bé nhỏ tính luôn cả không gian hẻm khéo co mới đủ và trong nhà chỉ chứa chưa tới chục bàn. Dân thường lui tới quán bèn đặt cho nó cái tên "Quán Nghèo" vì thức ăn vừa ngon vừa rẻ. Gọi nó là Tiểu La Thiên còn chưa xứng, may ra tàm tạm gọi là Vi La Thiên... Vi là siêu nhỏ ấy mà. Lâu dần, ông chủ quán cũng mặc nhận tên quán ông là Quán Nghèo.
Ông Quang, khách quen của quán từ thời ông chủ đầu bếp còn sống, có lẽ là suốt chiều dài đời của quán, kể chuyện về triết lý sống của ông chủ này: "Thân nghèo nhưng chí không nghèo, Đậy hòm mới biết thực hư". Chiều hôm chúng tôi đến, ông chủ đời thứ hai cầm một bó nhang lớn đốt vái thiên, rồi vái (ông) địa. Quán Nghèo tối hôm 11/3/2017, đông khách, ngồi kín hết sáu bàn ngoài sân và ba bàn trong nhà. Hình như đoán trước được chuyện đó, nên ông Quang đã book bàn sẵn và ung dung đến... hơi trễ. Ngoài sân cũng không lấy gì lớn mà chỉ là con hẻm 434 Nguyễn Tri Phương nối thông với hẻm 411 Bà Hạt, Quận 10, nơi là điểm giữ xe cho khách Quán Nghèo; chủ coi xe lại là người khác. Tôi luôn luôn thích loại kiến trúc Bauhaus – giờ nào chức năng đó – của các con hẻm Sài Gòn. Hẻm 434 chỉ vừa lọt hai xe gắn máy phải chật vật lách nhau, nên khách ngồi ở trước căn nhà 434/14 của quán và hai căn xuyệc 16 và 18 bên cạnh phải "thật co" mới đủ.
Ngoài bán món ăn tại chỗ, quán còn là nơi bán các món cho những nhà trong xóm không có giờ nấu nướng đến gọi về.
Đêm đó, tôi chứng kiến khách phần đông gọi rượu hoàng hoa. Làm nhớ đến bài Đêm ngắn tình dài điệu tango habanera của Dương Thiệu Tước: "Còn một tối gần bên nhau/ rượu hoàng hoa xoá ưu sầu..." và "có nhớ chăng anh cùng vui đêm trăng say hoàng hoa"... Rượu này cũng từng làm ông Tú Xương mê say nhưng có lẽ uống thiếu chịu nhiều quá nên: "Rượu cúc nhắn đem hàng biếng quẩy".
Nó làm tôi nhớ đến chị bạn Hoàng Việt Hằng cứ thi thoảng gởi cho một mớ hoa cúc chị phơi sấy với lời dặn trong mail: để em pha trà uống... Nhưng tôi không pha trà mà pha rượu. Rượu thoang thoảng mùi cúc và vị ngót đắng là lạ khó tả. Rượu Quán Nghèo nhạt hơn, nhưng khách vẫn cứ tín nhiệm. Chẳng hiểu sao. Có lẽ họ đã quen và chịu cái gu đó.
Thực đơn Quán Nghèo chỉ mười mấy món. Giá gần như đồng đều 70.000 đồng/món. Hôm đó chúng tôi gọi ba món gân bò tiềm thuốc bắc, tuỷ bò chiên trứng và cá chẽm xốt chua ngọt ăn bánh mì. Cả ba món đều đồng giá. Món ăn nấu thật bài bản. Gân thật mềm đúng độ. Trứng trộn đều với tuỷ xắt nhỏ như xắt hành nêm canh. Cá trước khi xốt được chiên rất giòn. Khăn ướt 1.000 đồng/cái so với các nơi khác 2.000. Quán phục vụ khá tốt. Nhưng ít người làm, khách đông nên lên món hơi lâu. Ông Quang phải than: "Có khi mình say muốn đi về rồi mà món mới bưng lên".
Tôi nghĩ nghe kể về Vi La Thiên, có lẽ quý vị cũng sẽ thích, vì ít tiền mà được "bán dạ tiểu quan" cũng đã là oách xà lách lắm rồi, giữa cái thời mà lương của dân Sài Gòn lười lên.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top