Ôi Sài Gòn, Sài Gòn Giờ Tới Luôn!
"Sài Gòn giờ tới luôn" có nhiều kịch bản, mỗi người mỗi gu. Trong bài này là những lời giống như "khai tội" của những bạn bè ăn rong ở đất Sài Gòn, nên xin không nêu tên nhân vật. Mong độc giả thông cảm.
Trước tiên, xin hương hồn nhạc sĩ Trần Thiện Thanh thứ lỗi cho việc biến thể câu hát của ông "ôi Sài Gòn, Sài Gòn giờ giới nghiêm". Không phải vì lời hay mà vì câu hát thống thiết trong cái tâm cảnh đứt gãy của những người thương nhau mà sự mất còn, ly hợp là vô thường của thời chiến.
Giờ tới luôn cũng là lúc một ông "nguyên" thầy giáo (gọi là thầy bể cũng đúng) bắt đầu thống thiết hát cái bài hay nhất Chiều trên phá Tam Giang của Trần Thiện Thanh. Nhiều người coi bộ đồng cảm với ông khi nghe nhắc đến cái thương xá đã rớt vào hố thẳm dĩ vãng sau khi hoá thân sang tận Little Saigon – thương xá Tam Đa. Và, món ăn ông ta không ngớt kể lại cho anh em trong bàn hàm thụ là món rắn mối, chưa từng thấy trên thực đơn nhà hàng. Quê Bến Tre ông thuở đó nhiều rắn mối. Ông lại mắc bệnh suyễn nặng. Nhà ông nghe nhiều người mách ăn rắn mối hết bệnh suyễn. Thế là ông bị buộc bắt rắn mối, ăn riết, bèn cảm được cái ngon của con "thằn lằn" to con ấy. Ông hít hà: "Nướng lên thơm lắm. Đến nỗi mấy con heo nghe nướng từ trong chuồng kêu la đòi "phá mồi" của ông inh ỏi".
Còn một ông "nguyên" giám đốc thường tăng đô mạnh như bão Linda thổi xơ xác những dáng đứng của dừa Bến Tre năm xưa, nếu như trong bàn có một "bợm" ăn rong khác giới. Làm nhớ lại lũ dừa xứ dừa cả tàn lá nghiêng qua một chiều đều tăm tắp ngược với hướng gió. Lúc có "bóng hồng sa mạc" đó không biết "ôi Sài Gòn, Sài Gòn giờ tới luôn" của ông sẽ kéo dài bao nhiêu "tăng". Ông lại có tật, hễ bắt đầu tăng đô, tăng động, lại thèm mồi "giới tính nữ". Xin nói ngay, không có chuyện gì tào lao ở đây. Bản thân ông cũng nói mình "đạo đức sáng ngời". Giới tính nữ ở đây là nói về giới tính của món ăn. Người đầu tiên đưa ra giới tính cho ẩm thực là GS Gilly Lehmann trong chương sách tham gia cuốn The Meal (1) "Các bữa ăn và thời gian bữa ăn" theo quan điểm người Anh: "những món ngọt và các thức uống vô thưởng vô phạt (như trà) có thể xem là "nữ tính", trong khi thịt thà và rượu mạnh tiềm ẩn "nam tính". Người ăn rong tăng đô nhờ bợm khác giới này khi "tới luôn" lại thèm khoai mì, chè trôi nước, chè đậu ván rất nữ tính. Đồ ngọt làm tăng đô bia của ông không ai theo lại.
Một ông bạn khác khi "ôi Sài Gòn, Sài Gòn giờ tới luôn" lại khoái món Boléro hơn là ẩm thực. Thì Boléro cũng là ẩm thực tinh thần làm say bao nhiêu người như say thuốc lào mà! Bài không thể thiếu vào thời điểm "chết trước chấm phạt đền" của ông nguyên thiết kế viên này là Lời đắng cho cuộc tình, câu được nhai kẹo cao su là: "Một đường tàu biết mấy sân ga/ xin em, xem anh như một ga nhỏ dọc đường". Nhưng tuy "tới luôn" vậy mà ông rất biết "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành", nghe tiếng điện thoại khách hàng, là lật đật lử đử giã từ "tới luôn" đi chở hàng theo yêu cầu. Anh em đặt cho ông biệt danh giám đốc logistics không lâu sau một cái chết của người thân ngày 28.2, khi ông bỏ nghề thiết kế làm nghề cung cấp nguyên liệu cho ngành "nâng niu đôi chân".
Một ông ăn rong khác là ông nguyên dược sư. Đô của ông cao hơn hết trong đám ăn rong. Ngoài đô cao ông còn tốc độ cao. Tốc độ của ông khó ai trong bàn theo nổi. Cái lưỡi của ông có vẻ tinh tế hơn hết trong bàn. Có lẽ nhờ một thời theo học cây cỏ, nếm náp đủ thứ thực vật. Ông lại là người may mắn sắm được đôi Nike bảy dặm, nên đi nhiều và học được không biết bao nhiêu là sàng khôn. Phong cách "tới luôn" của ông là nói lớn tiếng như những người hàng xóm phương Bắc của chúng ta, khi ta tình cờ gặp họ đi du lịch sang xứ mình. Ẩm thực Sài Gòn nhiều ngóc ngách. Số ngóc ngách ông rành thường làm tôi phải lấy nón. Ông nổi tiếng với bài hát của Lê Uyên Phương mà ông cả gan đổi tựa mà không đổi lời: "Dạ khúc cho tình d." thay vì Dạ khúc cho tình nhân, một bài hát được ngưỡng vọng một thời trong giới học sinh mới lớn.
Phần tôi, vì cái tôi đáng ghét nên không khai. Vả lại tôi lại có bệnh sợ người khác giới ở nhà, ít khi dám "Sài Gòn giờ tới luôn".
———————–
(1) The Meal – Proceedings of the Oxford Symposium on Food and Cookery 2001 (tạm dịch: Biên bản Hội nghị chuyên đề Oxford về thực phẩm và chuyện nấu ăn năm 2001), 9/2002.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top