Nhớ Nhà Với Ốc Len Xào Dừa Trên Đất Mỹ

Ốc len xào dừa, lá mơ, nhành hoa rau muống như những chiếc neo bé bỏng nhưng mắc chặt họ vào những miền quê một thuở...

Hàng năm, sau khi ăn Tết trở lại Mỹ, bà Nga Phạm,người Mỹ gốc Việt sống ở bang Georgia đều mang theo hai vali đầy ắp quà Việt, loại đặc sản quê nhà như tôm khô, cá khô, mực khô... để làm quà cho người thân, bạn bè.

Nói là vali cho sang, nhưng thật ra là hai thùng cáctông – mỗi thùng ngót 23kg (50 pound) để tận dụng tối đa khối lượng hàng hoá bên trong. Cảnh bà Nga một mình lặc lè đẩy chiếc xe hành lý, khệ nệ thêm cái xách tay cũng khá ngao ngán. Nhưng
có lẽ đó đâu chỉ là thức ăn, mà còn là cái tình quê hương của chị Hai, dì Sáu, dượng Bảy Kỳ... gói ghém cho con cháu phương xa.

Nhưng năm nay, có lẽ vali của bà Nga sẽ nhẹ hơn chăng khi từ tháng 9/2016, hải quan Mỹ đã cấm hoàn toàn các loại hải sản từ Việt Nam. Qua cuộc trò chuyện mới đây, bà cho biết dù sao thì cũng cảm ơn Chính phủ Mỹ!

Tuy nhiên, bà Nga kể, trong cái thời tiết mùa Đông lạnh giá của Bắc Mỹ, có một bữa cơm với cá kho chấm rau luộc, cộng với chén ốc len xào dừa hâm nóng là đã thấy được cả một trời quê hương. "Tôi cũng không nhớ ai là người đầu tiên sáng kiến ra món ốc len xào dừa cấp đông. Thú thiệt, thoạt đầu nghĩ nước cốt dừa để lâu cũng hơi ớn, nhưng sau khi ăn lần đầu an toàn, bà chị tiếp tục gửi người quen mang qua mấy ký nữa. Đợt đó, gói ốc len cuối cùng có hạn chẵn hai tháng", bà Nga nói.

Trong một lần tình cờ được mấy người bạn mới mời dự tiệc cuối năm tại nhà riêng ở vùng ngoại ô Lawrenceville, tôi hết sức bất ngờ khi được vợ chồng anh Đông, dân gốc Huế, dẫn ra khu vườn phía sau nhà. Trên mảnh vườn cỡ 400m2 trồng cơ man là rau quả. Gừng, nghệ, ớt, húng, quế... đến cà chua, đậu bắp, bầu bí, mùng tơi đều đủ cả. Anh Đông cho biết lúc mới định cư (cách đây gần 20 năm), gia đình anh thuê căn hộ gần thủ phủ Atlanta, bang Georgia, vì ở đó đông người Việt. Nhưng sau này, vợ chồng bàn nhau mua căn nhà vùng ngoại ô này để "tiện nghi" hơn. Tiện nghi, theo anh là ngoài ngôi nhà rộng rãi – giá cũng rẻ chừng 150.000 USD, lại có mảnh đất rộng bao quanh để tha hồ trồng tỉa.

"Lúc đầu chỉ trồng một ít cây gia vị, về sau thỉnh thoảng lại có người mang qua cho ít hạt giống thế là thành một vườn rau. Có khi ăn không hết đem cho bớt bạn bè. Được cái là đám con nít biết được mùi vị món ăn của quê hương mình", anh Đông tâm sự. Thực đơn bữa tiệc ấy có đủ các món đậm chất Việt gồm cá lóc nướng bánh tráng, gỏi ngó sen tôm thịt, gỏi cuốn, canh khổ qua hầm... đặc biệt là có cả lẩu mắm!

Theo tiết lộ của gia chủ, lẩu mắm mà không có rau muống là bất thành. Nhưng mấy năm gần đây, chính phủ nhiều tiểu bang Mỹ cấm các chợ bán rau muống, dĩ nhiên là cấm luôn người trồng. Nghe đâu lý do được chính phủ đưa ra là cây rau muống có thể làm kẹt sông ngòi, là cây lạ xâm lấn (invasive exotic), nếu không kiểm soát thì sẽ lan tràn có hại cho môi trường. Quyết định này đã bị người Mỹ gốc Việt ở một số tiểu bang miền Nam như Texas, Florida... phản ứng dữ dội. Bởi ngoại trừ ở các vùng nhiều sông ngòi, đa số Việt kiều đều trồng rau muống khô trên cạn và quy mô hẹp. Người viết bài đã từng chứng kiến cảnh một ông già người Việt từng chở rau muống bằng xe hơi lén lút đem bán tại một khu chợ của người Việt với giá 6 USD một bó, cỡ 500g. Vì vậy, theo lời Đông, mặc dù hạt giống không khó tìm, nhưng nhà chỉ trồng rau muống đủ dùng, mà phải định trước dùng cho sự kiện gì để còn tính ngày thu hoạch.

Trong lịch sử hơn 40 năm tìm đến những bến bờ mới để mưu sinh, chưa bao giờ trong tâm khảm của mấy triệu di dân gốc Việt không quay quắt nhớ về nơi chốn quê nhà. Và các món ăn, một thứ tượng hình thay thế những nỗi nhớ nhung cụ thể như con đê đống rạ, cội me già, cành phượng vĩ, một viên ngói vỡ phủ rêu xanh và những bóng chim sẻ trước hiên nhà... mà người ta không thể nào với tới được.

Trương – ông bạn sống tại bang Florida mới rồi lên Facebook khoe mảnh vườn quanh nhà giờ đủ các loại cây trái nhiệt đới từ dừa, cam, xoài cho tới bụi trúc, giàn bí xanh trĩu trịt với khóm mía đường. Trương còn cho biết tự mày mò làm luôn cái máy ép nước mía, theo kiểu nước mía siêu sạch nhan nhản tại Việt Nam để nhà dùng.

"Cây trái thì theo mùa. Vì thời tiết miền Nam nước Mỹ chia bốn mùa khá rõ. Mùa này rau xanh khó trồng vì lạnh, ngoại trừ trồng trong nhà kính. Tuy những năm gần đây rau sống kiểu Việt bán khá nhiều tại các chợ, nhưng nếu trồng theo cách của mình (ít phân bón) thì vị rau sẽ thơm hơn", Trương nói. Tỷ lệ thuận với sự gia tăng số lượng người Việt định cư trên đất Mỹ là sự xuất hiện các khu chợ Việt. Ngoài tiểu bang California, tại Atlanta có khu chợ nổi tiếng mang tên Hong Kong nhưng lại là chợ của người Việt làm chủ, nhân viên cũng toàn người nói tiếng Việt và bán toàn hàng Việt. Ở đây, người ta có thể mua từ thực phẩm khô đóng gói như trà sen, cà phê, mứt, bánh tráng, bún khô, hải sản khô... cho đến gia vị như tiêu, tỏi, bột nghệ, bột cà ri, nước tương, mắm, rau củ quả, hàng thuỷ sản đông lạnh và cả hột vịt lộn. Tuy nhiên, cũng không loại trừ một số sản phẩm chẳng hạn như gạo có nguồn gốc Thái Lan nhưng trên bao bì in toàn chữ Việt – một cách làm thương hiệu quen thuộc của người Thái, giống như cách thức mượn danh nước mắm Phú Quốc mà họ đã từng.

Riêng nói về hột vịt lộn, có lẽ người kinh doanh món này phải rất "đẳng cấp". Thứ này Mỹ không cấp phép nhập khẩu nên chắc sản xuất ở trang trại tại Mỹ. Nó được xếp vào loại động vật sống nên người bán phải có giấy phép đặc biệt. Nghe đâu dạo trước có một cửa hàng Việt Nam từng bị phạt nặng vì bán hột vịt lộn không xin phép. Còn siêu thị bán phải tính toán ngày giờ, lỡ đâu có người mua nhầm trứng nở ra vịt con thì coi chừng hầu toà (?).

Bà Nga Phạm cho biết, một thứ mà ngay cả nhiều khu chợ tại Việt Nam chưa chắc thấy cũng có bán tại đây là trầu cau. Cau và lá trầu tươi hẳn hoi, không rõ nhập khẩu hay trồng ngay tại Mỹ, nhưng rõ ràng chứng minh văn hoá tập tục dân tộc của người Việt trên đất Mỹ vẫn còn sâu đậm lắm! "Tết cách đây vài năm nghe đâu có công ty ở trong nước xuất khẩu bánh chưng, bánh tét sang thăm dò thị trường không thành công, vì luật Mỹ không cho bán hàng thực phẩm quá 24 tiếng. Chuyện đó xưa rồi, bây giờ gần Tết các chợ Việt bên này bán đủ cả gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, dưa hành và lá dong, lá chuối để gói bánh. Lá dong, lá chuối nhập qua hàng container bán tưng bừng...", bà Nga kể.

Nhiều người Việt mới qua cứ thích đi chợ có lẽ là vì vậy. Những khu chợ Việt chất chứa hồn cốt Việt như thế này giúp những người con xa xứ phần nào vơi bớt đi nỗi nhớ quê hương. Người viết bài đã từng đến một chợ nhỏ (cửa hàng thì hợp lý hơn) mang tên Chợ Bà Huệ. Hỏi ra nhiều người không biết bà Huệ là ai, có lẽ chợ đã sang tay qua nhiều đời chủ. Nhưng ở đó chuyên bán hàng đặc sản là mắm và chả. Mắm các loại từ mắm ruốc, mắm sặt, mắm lóc, mắm tôm, mắm thái... Chả từ chả lụa, chả bò Quảng Nam đến chả Huế... Tất cả đều nhập từ Việt Nam qua.

Có lẽ cũng vì muốn phát dương việc kinh doanh của cộng đồng người Việt mà Chính phủ Mỹ bắt đầu hạn chế mang hàng hoá thực phẩm theo hành lý chăng?

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn