Người Quê Ở Phố
Nơi này có hồn quê trong phố, đi về mỗi ngày nhận lấy nụ cười và lời thăm hỏi ân cần.
Trước Giáng Sinh cỡ chục ngày, mấy bà mấy chị xóm tôi đã nhắc nhau sao chưa thấy Tài ghé về. Chắc biết họ nóng ruột nên mấy ngày sau, chiều đi làm về đầu hẻm, đã thấy Tài đứng trên thang, cười chào. Cũng chẳng có gì to tát, Tài ghé về, cùng mấy người trai trẻ xóm tôi giăng dây đèn trang trí, đón Giáng Sinh và năm mới.
Quý người giỏi giang, chân tình
Xóm tôi, vốn là khu tập thể với các dãy nhà liền kề cũ, sau này hoá giá, đổi nhiều đời chủ, mỗi người xây một kiểu, nhìn cũng khang trang. Riêng khoảng sân trước các dãy nhà khá rộng, làm chỗ sinh hoạt chung, chỗ cho trẻ con chạy nhảy mỗi chiều. Mấy năm trước, có người nảy ra sáng kiến treo đèn kết hoa dù xóm tôi không ai theo đạo. Nói là làm, kinh phí mỗi nhà góp lại và Tài là người năng nổ cũng như thạo việc nhất, nhưng được ưu tiên khỏi đóng tiền. Giăng dãy đèn lên, mỗi tối cả xóm sáng bừng và ấm áp hẳn, ai đi qua cũng trầm trồ.
Đối diện phía xéo với nhà tôi là nhà anh Ngành. Anh làm ăn khá, dời đi chỗ khác, nhà này anh sửa lại cho thuê. Tài là một trong nhiều người đến rồi đi, song lại là người được bà con xóm tôi quý mến nhất. Vào Sài Gòn từ năm 25 tuổi, tới nay đã tròn 30 mà Tài vẫn giữ giọng Quảng Ngãi đặc sệt, nói mười câu thì người khác chỉ nghe được chừng hai ba câu. Nhưng có hề gì, dân xóm tôi hiểu hết và quý Tài ở cái nết chịu thương chịu khó và chân tình. Ban ngày Tài chạy chiếc xe máy cũ, phía sau là rơ-moóc nhỏ để đủ thứ đồ lạc-xoong, bày hàng bán tại địa điểm quen thuộc ở mấy quận vùng ven. Tài nuôi vợ và phụ cha mẹ nuôi cô em gái học Đại học Sư phạm. Chiều về sớm, phụ vợ việc nhà, trong xóm ai có việc gì cần là hắn xắn tay giúp đỡ, từ sửa ống nước hư đến chở người đi khám bệnh...
Rồi vợ Tài sinh con, rồi Tài mua được đất, xây nhà ở Quận 12, chia tay bà con lối xóm. Ai cũng mừng và khen Tài giỏi giang. Lâu lâu, Tài lại tạt qua xóm cũ, thăm hỏi bà con. Cô em gái của Tài tốt nghiệp Đại học, đã có trường nhận về dạy học, song vẫn qua xóm tôi kèm cho mấy cháu nhỏ học thêm.
Cảm kích tấm lòng người Sài Gòn
Dù ở thành phố lớn, tiện nghi không thiếu gì, song xóm nhà tôi có "chất quê" khá rõ. Chất đó từ mấy bà chị ngày xưa làm công nhân quốc phòng, quen nói thật to trong xưởng máy ồn ào. Nay về hưu, sáng chiều bắc ghế ngồi trước sân nói chuyện, giọng Bắc đặc trưng Hà Tây, Thanh Hoá, thỉnh thoảng vui miệng hát lên vài câu Qua miền Tây Bắc, Giải phóng Điện Biên, đám trẻ cứ tròn xoe mắt. Lại có bà dân Quảng Nam, vào chăm cháu nội, nhà ở đầu xóm. Không phải mặc áo thay vai như ngày xưa, nhưng bà hay mặc những chiếc áo đã cũ, chiều bế cháu lần bước qua chuyện trò với hàng xóm. Dần dần, vẻ rụt rè mất đi, bà cũng hay chuyện với giọng Quảng Nam rổn rảng. Còn vài bà chị trẻ hơn, dân miền Tây thì chủ yếu làm việc nhà, đi chợ giùm cho bà con lối xóm và nhận hàng về gia công, kiếm thêm tiền chợ. Dĩ nhiên khi các bà các chị ngồi lại với nhau thì chuyện cũ mới gì của cả xóm – và cả xóm khác, cũng được lôi ra. Như hôm kia ở khu phố 2, nhờ có camera mà mấy anh công an và dân phòng phát hiện sớm, bắt được hai tên trộm. Còn xóm mình, ông mới dọn nhà về có tật ngủ không đóng cửa, bà con nhắc rồi mà không nghe nên hôm qua bị trộm vào nhà đẩy hai chiếc xe máy đi luôn...
Cũng trong nhà cho thuê ở cuối xóm là vợ chồng cô giáo Thanh. Từ miền Bắc, cô chuyển vào theo chồng. Chồng làm công nhân ngành điện, đi theo công trình quanh năm, cô được nhận vào dạy tại một trường ở Gò Vấp. Con vừa sinh được vài tháng thì chồng bị tai nạn xe ở Phú Quốc, đưa về Sài Gòn trong tình trạng hôn mê sâu. Nhờ được điều trị tích cực nên sau mấy tháng nằm viện, chồng cô mới tỉnh dần. Nay con đã tròn năm, chồng vẫn liệt giường vì chấn thương cột sống. May nhờ đồng nghiệp và các đoàn thiện nguyện hỗ trợ, vợ chồng cô qua cơn khốn khó. Cô nói mình cảm kích tấm lòng người Sài Gòn, dù là dân gốc nhiều đời hay tứ xứ về lập nghiệp, sự phóng khoáng và đối xử với nhau chí tình là điều quý giá giữa cuộc đời.
Nụ cười và lời thăm hỏi
Chất quê của xóm tôi rõ nhất là buổi trưa, giữa yên ắng thường có nhà mở tuồng cải lương hay đĩa nhạc bolero nào đó, nghe cứ ngỡ như đang ở vùng quê miền Tây Nam bộ, chỉ thiếu dáng người trong áo bà ba, bóng cây xanh toả trong vườn và chiếc võng đưa trong gió. Người hay mở loại nhạc này là chị Ba Ngung. Vợ chồng chị nghỉ hưu, hai con cũng làm công nhân. Cha mẹ ở quê qua đời, các em chị cũng kéo nhau lên Sài Gòn sống. Rồi ai cũng yên ổn, chỉ có Mười, em trai chị là lận đận. Vợ chồng chỉ có con gái gần mười tuổi, vợ làm mướn, chồng chạy xe ôm, chỉ ở nhà thuê. Mười đậu xe đầu hẻm, ai gọi thì đi, hiền lành, chất phác. Tôi đi công tác ở các tỉnh thường gọi Mười chở ra sân bay, như một nghĩa tình. Vậy mà có ai ngờ. Mười phát bệnh ung thư rồi mất đột ngột, quan tài kê chật gian nhà thuê, thấy mà xót lòng. Nhưng biết sao hơn, đời người hữu hạn...
Thấm thoát mà tôi đã ở xóm này gần 30 năm, nhà cũ đã sửa rồi xây nhà mới. Những lúc đám tiệc ở trung tâm thành phố hay xa hơn, vùng Phú Mỹ Hưng, bạn bè hay ái ngại, nói sao không chuyển nhà lên các quận gần trung tâm hơn, cho tiện bề đi lại. Tôi nói ở đâu quen đó rồi, hơn nữa ở những nơi gần nội ô cũng hay bị kẹt xe, ngập nước, nhà cửa chật chội; trong khi nơi tôi sống bây giờ là vùng cao ráo, nhà tôi khá rộng rãi, lối xóm thân tình. Đó cũng là một phần lý do tôi chọn nơi này để sinh sống gần trọn đời người. Nơi này, có hồn quê trong phố, đi về mỗi ngày nhận lấy nụ cười và lời thăm hỏi ân cần.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top