Mưa Xuống Lại Thèm Thuồng Bánh Xèo Cù Lao Dài...
Không cần phải là con của xứ cù lao Dài (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) thì khi đi xa bạn mới nhớ đến món ăn đặc biệt của người dân nơi đây - bánh xèo hến với măng mạnh tông, mà chỉ cần đến một lần vào mùa Hè, cũng là mùa mưa về, thưởng thức một lần cũng đủ để bạn nao lòng mong có dịp được quay lại...
Với người miền Tây, mưa xuống cũng là mùa thu hoạch của măng mạnh tông (vốn có nhiều ở đây) và cũng là thời điểm xách rổ xúc kéo nhau đi cào hến.
Măng mạnh tông ở miền Tây hoàn toàn khác với măng le ở miền Bắc. Mưa xuống vài cơn là măng đâm đầu trồi lên khỏi mặt đất, đầu xám đen nhưng mập ú. Xẻ ra bên trong có rất nhiều thịt non mềm. Vị chỉ hơi nhân nhẫn chứ không đắng nghét như măng ở miền Bắc, chỉ cần luộc qua nước có tí muối thì khoảng 15 phút sau là hết đắng nên người dân xứ này hay ăn tươi để thưởng thức hết vị thơm ngon của nó, ít khi ngâm muối hay ngâm chua. Nấu cùng với móng heo hay kho cùng với thịt ba rọi xắt cục ngon vô cùng. Vị đắng trở nên ngọt thơm tự bao giờ, lại còn giòn giòn ăn no mà không thấy ngán. Cũng chính vì vậy mà người dân nơi đây đem măng đi đổ bánh xèo, thay nguyên liệu củ sắn của bánh xèo truyền thống nhằm đổi vị cho người thưởng thức.
Song song đó, người ta đổi cả nguyên liệu thịt vịt, thịt heo thành hến, tôm đất tươi bắt từ sông mập mạp to tròn. Vậy là có bánh xèo hến măng mạnh tông như bây giờ, khách du lịch đến thưởng thức một lần nhớ mãi. Đặc biệt, người miền Trung mà ăn thử thì càng ngạc nhiên. Bởi hến ở miền Tây nói chung và ở cù lao Dài nói riêng mập mạp lại ngọt hơn hẳn hến ở miền Trung. Con to, thịt trắng vàng, ăn rất thơm, con nào đáng con nấy, có con to gần bằng con nghêu.
Mưa về cũng là mùa sinh sôi nảy nở của loài hến nước ngọt này. Đến các bãi bồi vào mỗi con nước cạn, bạn sẽ thấy hàng chục người cười nói rôm rả xúc hến. Người nào cũng có cái nồi to cột sợi dây đeo vào thắt lưng để chứa hến, những gia đình nào đi nhiều người thì mang theo cả chiếc xuồng con để cho hến vào cho tiện. Sau động tác dùng rổ xúc cào xuống mặt bãi bồi rồi chao qua chao lại nhiều lần dưới nước đãi sạch bùn cát là tiếng rổn rảng, cheng cheng đổ hến vào nồi của mọi người.
Vậy là chiều tối hoặc hôm sau ở một số nhà sẽ đổ bánh xèo hến tôm thịt măng mạnh tông. Rau ăn cùng với bánh xèo của người dân trên cù lao Dài cũng hoàn toàn khác so với ở Sài Gòn. Là các loại rau hái ngoài vườn vừa sạch vừa tốt cho sức khỏe như lá cách, cát lồi, cải bẹ xanh, dấp cá... Trong đó, đặc biệt lá cách và lá cát lồi là loại rau hoang dại rất tốt cho sức khỏe người. Những loài rau này mang đến đầy đủ vị chua, cay, đắng, chát hòa cùng vị ngọt thịt của hến của tôm và vị ngọt béo của bột bánh xèo chấm cùng nước mắm ớt, tỏi chua ngọt mang đến hương vị độc lạ cho món ăn.
Cách chế biến bánh xèo của người miền Tây nói chung và người dân cù lao Dài nói riêng cũng hoàn toàn khác người Sài Gòn, không hề dùng dầu để chiên, lâu lâu chảo khô quá thì lấy cục mỡ heo quơ ngang cho ướt chảo một cái là đủ. Bởi bánh được chiên trên chảo gang vốn có độ dính thực phẩm rất ít lại áp dụng thêm bí quyết gia truyền là giã ngò gai lấy nước, cho vào bột bánh rồi chiên, bột sẽ không dính chảo lại rất giòn góp phần làm nên sự hoàn hảo cho món ngon, ăn hoài không biết ngán...
Cho nên, hôm nay, khi những cơn mưa đầu mùa về thì lòng tôi lại nhớ đến món bánh xèo đặc biệt ấy của xứ cù lao Dài. Ôi quê ta, nơi nơi đều có món ngon để ta thưởng thức, để lòng lưu luyến, về rồi lại quay lại...
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top