Miền Tây: Chuyện Mùa Thứ Ba

Miền Tây ngoài hai mùa mưa nắng, còn có mùa thứ ba. Năm nay mùa thứ ba không hanh hao như những năm trước.

Nước về sớm làm nông dân phải gặt lúa chạy ngập, không quên săn đón cá tôm của mẹ thiên nhiên, bất chấp nhiều cái "đáy" khổng lồ đã đóng trên đầu nguồn...

Mùa về chợ

Chợ cạn là cách gọi của vài người làm tour ở Cần Thơ để chỉ chợ trên bờ thời chợ nổi chỉ còn nổi lên một màu áo phao đỏ rực ngược xuôi cả đoạn sông dài. Tàu du lịch nhiều hơn ghe xuồng mua bán, chợ nổi bây giờ không còn cảnh hàng hoá sang mạn, nhổ sào lui ghe..., cũng hết luôn những thanh âm huyên náo của chợ trên sông, của đủ loại máy tàu, máy ghe.

Câu chuyện thương hồ không còn gì để kể nên đành chuyển hướng lên bờ, và chợ cạn Cái Răng được chú ý, đặc biệt là vào mùa nước nổi.

Màu đỏ son dập dềnh từ sông cái mênh mang chảy vào những con rạch nhỏ giữa phố là dấu hiệu đầu tiên của nước đổ, nhưng mùa đang về rõ hơn lại là những sản vật bày bán ở chợ, và cái chợ mà giới tour guide kêu là chợ cạn là chợ Cái Răng hội đủ sắc màu ấy.

Đầu tiên là một cú điện thoại của người quen, reo lên mừng rỡ: Cá bống trứng đầy chợ ông ơi. Mùa về bất chợt như vậy khi dạo qua bất kỳ một cái chợ lớn nhỏ nào ở Cần Thơ. Chợ Cái Răng còn tuyệt hơn bởi giữ lại được dáng dấp của phiên chợ quê khi dạo quanh những con đường nhỏ bên ngoài nhà lồng chợ. Ai đó cho rằng cứ quan sát nhịp điệu của chợ, sản phẩm của chợ mỗi ngày, sẽ thấy được nhịp sống của cư dân, thấy được sự dịch chuyển của mùa màng rất rõ quả không sai.

Khách thả bộ, lân la nhìn ngắm những chị bán cá, những bà bán rau. Những thau mủng sề mẹt, chỗ này mớ ớt, chỗ kia bó rau. Không phải một màu một vẻ trật tự ngăn nắp mà chệch choạc, vụng về nên hoá ra sống động tươi rói và đẹp đến ngỡ ngàng. Cá tép ngồn ngộn xoi xói, không nhiều nhưng đủ loại, lô nhô một đoạn đường, từ cá linh, cá bống tới cá thiểu, lòng tong, bã trầu, tép rong tép gạo... chắc chắn là từ một mẻ lưới đâu đó dưới bến sông mới chuyển lên bờ.

Phát hiện ra sức hấp dẫn của chợ cạn mùa nước, hành trình khám phá của khách phương xa có thêm địa chỉ để câu chuyện bên bàn ăn cứ nối dài tưởng chừng không bao giờ dứt.

Mùa vào trong bếp

Năm ngoái có hai lần dạo chợ cách nhau một con nước, cá bống trứng đầu mùa nước đổ không còn, thay vào đó là mè vinh, he vàng lấp lánh bạc. Hỏi ông Ba Cát, lão ngư hơn nửa đời người xuôi ngược trên một đoạn sông Trường Tiền ở xã Mỹ Khánh, rằng liệu con nước sau bống trứng có còn? Ông nói ít lắm, hết mùa rồi. Ngẫm ra, chuyện mùa nào thức nấy hay cái ăn cái uống thuận theo mùa là sự tinh tế đáng nể. Vừa hết những ơ cá bống trứng kho khô hao cơm, chiên giòn hao rượu thì cá linh non lẳng lặng về chợ kèm theo bông súng ma, bông điên điển cho nồi kho lạt. Đúc kết từ dân sành ăn thì cá linh chỉ thật sự ngon khi còn non và nên kho lạt. Cá linh mau lớn và khi "có tuổi" sẽ chạy vào mấy cái khạp ủ mắm tháng Mười, hay vô hộp dán nhãn cá linh kho mía ăn đỡ ghiền.

Cá mè vinh có lai rai quanh năm, nhưng tháng Chín mới đúng mùa và nên ăn "chính vụ" vì thịt vừa ngọt vừa béo, xương lại mềm. Với người biết ăn thì họ phân tích rằng cá càng nhiều xương, thịt càng ngọt càng ngon như một bù trừ của tạo hoá. Nếu sợ xương thì kho mềm rục với dầu ô liu như cá sardine của Tây cũng thành món, nhưng dẫu sao cá mè vinh kho lạt với trái chòi mòi vẫn là lựa chọn số một khi tới mùa.

Cuối mùa nước là lúc cá chốt lội ra chợ. Những thau cá chốt mập ú mang đầy trứng được đưa lên từ Long Mỹ – Hậu Giang sẽ được xếp lớp trong nồi kho khô có điểm thêm tóp mỡ và rắc thật nhiều tiêu. Còn cá nanh heo đang được chào mời tại những nhà hàng lớn với giá trên trời, thì cô bán cá chợ Cái Răng kêu giá 200.000 đồng/ký, và không quên nhấn mạnh chỉ còn vài ngày nữa là hết mùa rồi anh ơi. Bà kề bên mời mua ốc bươu với giá hai chục ngàn một ký, vô mùa rẻ hơn mọi khi tới mười ngàn mà con ốc vừa sạch vừa mập, chỉ cần bỏ thêm bó sả vô nồi là có món ốc luộc chấm cơm mẻ lai rai tới bến.

Hết mùa nước cuối mùa cá thì sao? Chẳng sao cả vì câu chuyện còn kéo dài tới khô và mắm. Cực ăn thì đã có con khô hũ mắm cũng từ cá tép mùa này mà thành. Nước giựt cũng là mùa của rau đồng, mà mắm sống rau đồng thì kể chừng nào mới hết chuyện.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn