Loài Rau Báo Biển Thời Ngây Dại

Tuần trước, chợt nhớ canh chùm ngây khi thấy đâu đó một miền cát biển. Lục trong trí nhớ: ra rồi! Một tiệm rau sạch trên con đường mang tên thuỷ tổ hải quân – Lê Chân, mở cách đây vài tháng, tôi có dịp chụp hình, nhìn thấy có rau chùm ngây và thầm hẹn ngày tìm đến...

Năm tôi lên bảy, sau nhiều lần xin xỏ, ba tôi được thuyên chuyển về một trường huấn luyện ở Nha Trang, một miền đầy đất cát ở những ngôi làng ven biển. Ở đó rất gần với quê nhà của ông. Tôi cũng sinh ra ở đó, nhưng tuyệt nhiên chẳng còn miếng ký ức nào về nó.

Ở đó, tôi biết được hai loại cây, nho dại thân bụi và chùm ngây. Tôi thường được rủ đi bứt những trái nho chùm chín tím sẫm nhỏ hơn cả trái cò ke, để ăn. Làng quê đất cát pha còn nhiều vùng đất hoang sát biển mọc dày loài này. Một hai năm sau, tôi mới biết những cây chùm ngây mọc dại ven rào các khu vườn nhà quê. Chẳng ai quan tâm, khi người khác bẻ lá của chúng... Đất cát nhưng chúng vẫn cao lớn phổng phao.

Năm lớp nhất, một cô bé hàng xóm học cùng lớp thường qua nhà rủ tôi đi bẻ lá chùm ngây. Con nít hồi đó thiếu sữa đứa nào đứa nấy như đứa bé tí hon so với hồi này. Hồi đó nhà nào cũng tiết kiệm kiểu người lớn nuôi vài con heo, trẻ nhỏ nuôi heo đất (xưa gọi là bục bịch, bủng bỉnh – gọi theo tiếng heo kêu?). Nhưng trẻ nhỏ muốn có tiền nuôi heo phải kiếm cái cho heo người lớn ăn. Lá chùm ngây hồi đó chỉ dùng cho heo ăn. Cô bé và tôi hai đứa vác hai cái khều móc dài gấp rưỡi chiều cao chúng tôi, từ nhà đi bộ xuống những xóm giáp biển, theo những con đường đất bùn, gặp hàng rào nào có cây chùm ngây thì dừng lại lấy khều móc kéo nhánh cho gãy rớt xuống đất. Lượm bẻ khúc cho vào thúng. Chẳng biết trong những lần lang thang ấy hai đứa nhóc nói với nhau chuyện gì, mà cô bé cứ thích qua nhà rủ tôi đi bẻ chùm ngây. Loài cây có trái thẳng dài, nên người Anh gọi là cây dùi trống – drumstick tree. Chiều về nhà với mớ lá chùm ngây mà hai đứa ngồi ở một góc nào đó tuốt lá sẵn, được thù lao vài đồng. Năm cắc đủ ăn bữa sáng tại cổng trường.

Nhưng có những bữa, mua được ít trăm (gram) thịt bò, mấy bà má cũng lấy lá chùm ngây non để xào thịt bò. Thường là vào dịp đầu tháng khi những ông ba lãnh lương.

Từ dưới Sài Gòn chạy Hai Bà Trưng qua khỏi nhà lồng chợ Tân Định quẹo phải là Lê Chân, qua khỏi Mã Lộ một khúc là tới cái tiệm rau sạch. Tiệm đóng cửa, phải bấm chuông, nhưng người đàn ông tầm lục tuần, cởi trần ra trả lời khách là tiệm chỉ bán trái nhàu và nước nhàu. Ra là hàng rau sạch ế đã đóng cửa, chỉ còn lại cái bảng hiệu chủ nhà lười gỡ xuống. Chẳng biết những con người tâm huyết với cái sạch đã đi về đâu!

Nghe nói bên chợ Thị Nghè, có một gánh bán rau chùm ngây thường ngồi gần đầu đường vào chợ, sát chân cầu. Đi hết các hàng rau từ đầu đến cuối chợ, gánh rau chùm ngây nỗi nhớ của thời thơ dại không thấy đâu. Chắc đã hơi trưa nên bà gánh rau quê đã về.

Lá chùm ngây còn thường được các bà má nấu canh chung với mướp vườn hái ngoài giếng sau nhà. Chỉ là canh suông, nhưng chan cơm ăn ngon gì đâu. Lớn lên mới biết canh ngọt nhờ chùm ngây giàu đạm – hơn hai lần lượng đạm trong yogurt (1). Canh suông thường xuất hiện vào cuối tháng khi các bà má đã cạn tiền chợ.

Cái thèm không ngưng được vì là nỗi thèm trào niềm thương nhớ kiểu Vũ Bằng tiên sinh viết trong Thương nhớ mười hai. Thế là message bằng Facebook cho ông bạn dưới Cần Thơ. May sao ông chủ nhà hàng Ven Sông có trồng chùm ngây trong khu vườn thuốc ông dùng để chế biến món ăn theo phong cách thực dược. Đóng gói giấy báo rồi bọc thêm bao nhựa, gởi theo xe Thành Bưởi về Sài Gòn, lá vẫn còn tươi nguyên chớ không héo như ông bạn lo ngại.

Bửu Việt quán Ven Sông dặn chừng: "Rau này ai ăn không sao, tui ăn bị tào tháo rượt muốn chết. Có lần tui xay lấy nước làm thuốc trị táo bón cho ba tui, ổng đi cái rẹt, xuất viện liền một khi. Nên quán không dám dọn cho khách, mà không hỏi trước".

Tô canh chùm ngây với nấu với tép tối hôm đó như một vết xước vào ký ức về một làng Thanh Hải xưa xanh ngắt những vườn rau, giờ trắng nhách muôn khối bêtông...

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn