Khổ Qua Rừng Đã Về Vườn Nhưng Vẫn Ngon
Tuy đã được trồng đầy các vườn nhà nhưng những trái khổ qua bằng ngón tay cái vẫn được gọi tên là khổ qua rừng. Nó nổi tiếng với vị đắng không phải ai cũng thấy ngon.
Cái đắng ấy đồng vọng suốt mấy ngàn năm, có sách vở cho là tận giai đoạn Veda sớm (thời gian ra đời kinh Veda) của xứ càri (1500 TCN – 1100 TCN). Câu chuyện đắng của khổ qua rừng nằm trong sử thi Mahabharata như sau:
Số là sau chiến tranh Mahabhararta, Vua Yudhishtira và các anh em ông quyết định làm một chuyến hành hương để rửa sạch tội lỗi mà họ phạm phải trong cuộc chém giết. Yudhishtira yêu cầu Sri Krishna tháp tùng họ trong chuyến hành trình. Krishna tuân phục nhưng thay vì chính ông phải đi, ông đã gởi một trái khổ qua đi thay, nói với Yudhishtira đối xử với trái khổ qua như đối xử với chính ông, nhúng trái ấy vào trong nước thánh và mang nó về cho ông.
Yudhishtira không thắc mắc hoặc nghi ngờ gì những lý lẽ của Krishna và làm y theo lời khuyên. Ông ta nhúng trái khổ qua vào trong nước thánh tại tất cả những thánh địa mà ông đến viếng rồi đem trở về cho Krishna. Krishna bấy giờ mới cắt trái khổ qua ra và dọn nó cho tất cả anh em nhà Pandavas (trong đó có Yudhishtira) và biểu họ hãy ăn khổ qua đi. Anh em Pandavas dường như không khoái lắm khi nhai khổ qua, vì nuốt qua cần cổ vẫn còn đắng. Họ than phiền. Krishna sau đó mới ngỏ với họ một điều minh triết, rằng chỉ nhúng khổ qua vào nước thánh mà khổ qua vẫn cứ đắng thì tội lỗi các vị cũng thế. Có thể rửa sạch tội lỗi các ông bằng cách đi hành hương và ngâm mình trong nước thánh chỉ thuần tuý là một ý tưởng (1).
Câu chuyện này gây tranh cãi, một số người cho là không có trong Mahabharata. Nhưng Mahabharata gốc gác là truyền khẩu, thì biết đường nào mà lần!
Nhưng nói gì nói, khổ qua rừng hay có tổ tiên trên rừng đắng thiệt. Lần đầu tiên tôi trông thấy nó là ở ngay hiên nhà một người hàng xóm. Ông ấy tìm ở đâu về trồng không phải để thưởng thức thứ lá và trái rừng đắng ngắt ấy, mà là để nấu lấy nước uống trị bịnh tiểu đường. Hồi xưa, khi người ta chưa biết nhiều đến loại trái rừng này, nó mọc dại ở trong rừng cao su, trên đất rẫy, và coi bộ hạp với đất ở miền Đông Nam bộ.
Bây giờ thì khổ qua rừng đã thành khổ qua nhà, độ tinh khiết của nó chẳng biết đâu mà lần. Những ngày tháng 5/2017, ngoài chợ Thái Bình, Sài Gòn có bán hai loại, một chỗ bán thường xuyên với giá 7.000 đồng/lạng, ăn chỉ đủ một bữa. Chỗ bán đựng trong thúng, có vẻ như của người nhà quê, nghĩ cho an tâm vậy nên tôi thường mua 5.000 một mớ lại ăn được hai bữa. Chứ trong bụng cũng chẳng mấy yên. Vì chẳng hiểu họ xử ong ruồi, bọ xít như thế nào. Có bà đi chợ đến lúc này vẫn còn thắc mắc khi nhìn thấy loại khổ qua trái như bị "đèo": "Khổ qua bi lớn đó làm sao nhận thịt?". Trời, nấu canh nó với cá thác lác ngon phải biết. Ai sợ đắng thì chịu khó xắt mỏng ra. Cái ngọt-dai-sựt của miếng chả cá chọt muỗng tới bến ngon khó tả, đi chung với gắp khổ qua hoà điệu "ngọt-đắng" tạo ra một vị đáng đồng tiền bát gạo. Nhưng những người ăn đắng độ cao thường chỉ xào nó với nước tương, dầu hào, tóp mỡ sau khi khử dầu bằng tỏi. Ngon, thơm, ăn lâu mới cảm được vị "cam" trong cái "khổ".
Dân Ấn Độ ngoài món càri khổ qua, còn chế biến nó với yaourt để hãm đắng. Cái món khổ qua xào trứng trong các tiệm ăn có lẽ là bắt chước người Philippines, nhưng dân xứ đảo ấy còn cho nước xốt vào trông ngon lành hơn. Còn dân Nhật lại xào với đậu hũ, dân Indonesia xào với tương ớt. Người Đài Loan chiên khổ qua ngập trong dầu cho đến khi vàng hườm rồi cho vào giấy thấm loại bớt dầu.
Bởi vị đắng nổi tiếng, nên bên Trung Quốc và ở Okinawa, Nhật, một số loại bia dùng khổ qua thay cho hoa bia.
Mùa mưa, thời tiết vẫn cứ nực, nên khổ qua rừng là thực phương không còn gì thú hơn. Có lẽ người dân miền Nam giải nhiệt bằng các món đắng nên độ ăn đắng của họ cao thủ hơn dân miệt ngoài. Khổ qua rừng đắng ăn thua gì với sầu đâu trộn gỏi!
Nhớ lại trong bộ tem các loại trái cây ngày trước, khổ qua được lên tem và ghi tên chính thức là "khổ qua", ngoài cau, mãng cầu và điều. Có lẽ vậy mà dân Nam quen gọi là "'khổ qua" chăng?
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top