Hơi Ấm Và Hương Vị Những Ngày Xa
"Chiều ấy khói nồi cơm toả nắng/ Cha kể chuyện..."; vâng, đó không chỉ là ký ức một thời của anh trai tôi, nhà thơ Lưu Quang Vũ, mà là phần quan trọng trong đời sống của gia đình chúng tôi.
Hơi ấm và dư vị của những bữa cơm sum họp gia đình, với những món ăn đơn sơ mà tinh tế của mẹ, những câu chuyện giản dị, đầy ý nghĩa của cha đã đi theo chúng tôi suốt cuộc đời. Những bữa ăn thời Bao Cấp thiếu thốn đủ thứ nhưng sao thấy yên bình và thật đầm ấm. Hồi đó có thể thiếu hụt nhưng không bao giờ bị ám ảnh bởi khái niệm thực phẩm bẩn, biến đổi gien, hàng giả, hàng nhái... Gia đình tôi đông anh em, chủ yếu sống bằng đồng lương tháng của cha mẹ. Gạo, mì, dầu hoả bán theo sổ. Đường, thịt, cá, đậu phụ, nước mắm... bán theo tem phiếu.
Ngày đó, vào mùa lạnh, mẹ tôi hay làm món nước mắm chưng. Rất đơn giản, chỉ là cho nước mắm vào một cái chảo nhỏ, cô đặc lại. Vậy mà thứ nước mắm "đồng mốt" mặn chát, bán theo tiêu chuẩn tem phiếu thời đó bỗng thơm phức, trở nên ngon lạ lùng. Ngay như món rau muống luộc, mẹ tôi bao giờ cũng đòi hỏi rau phải xanh, nước luộc dầm me hoặc sấu phải trong và có vị chua dịu. Nhà đông con, ăn nhiều, mẹ thường luộc một rổ rau to tú ụ, khi rau chín mềm, bao giờ bà cũng phải vớt ra một cái rổ nan, để ráo nước rồi mới gắp ra đĩa, các ngọn rau phải tơi, không được cuốn thành búi. Có những món ăn đơn giản như tép rang khế hay canh rau cải nấu cá rô đồng. Đĩa tép đỏ au cùng với những lát khế vàng rộm điểm thêm vài cọng hành xanh thơm bùi, béo ngậy ăn một lần là nhớ mãi. Canh rau cải cá rô thì khi luộc cá chín, gỡ thịt ngâm vào bát nước mắm gừng, xương giã nhỏ, lọc lấy nước nấu chín rau đổ cá vào, bắc ra ăn nóng với cà muối vô cùng tốn cơm. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, người hàng xóm thân thiết nhiều năm của gia đình tôi, khi chuyển vào sống ở TP.HCM, thường hay nhắc nhở đến các món ăn mà ông đã từng được thưởng thức của mẹ tôi. Những năm trước đây khi còn khoẻ, có dịp ra Hà Nội, ông lại thân tình "vòi" mẹ con tôi chiêu đãi các món "khoái khẩu".
Những bữa ăn không chỉ đơn thuần là việc nạp năng lượng, mà còn là nơi gắn kết các thành viên trong gia đình và không ít những câu chuyện, những bài học về phép đối nhân xử thế chúng tôi đã thu nhận được từ đây. Người miền Bắc, nhất là các gia đình Hà Nội xưa, thường có tục lệ trước khi ăn phải mời đủ hết những người có mặt trong mâm. Cha tôi là người miền Trung, ông bỏ qua cho các con thủ tục này. Nhưng ông lại có những quy ước riêng là trong bữa ăn không được nói những chuyện không vui. Xoay quanh bữa cơm gia đình chủ yếu là những câu chuyện vui, nhẹ nhàng về một cuốn sách hay, một vở diễn, một bộ phim đang trình chiếu ngoài rạp, các địa danh trong nước và thế giới, hoặc nhiều khi là các mẩu chuyện về những người bạn văn nghệ sĩ cùng cơ quan với cha mẹ tôi. Vô vàn những câu chuyện thú vị, những bài học đạo lý nhẹ nhàng mà thấm sâu, thường xuyên hiện diện trong các bữa cơm gia đình tôi. Nhiều khi bưng bát cháo lên ăn cha tôi nói với các con: "Nếu như có bát cháo này cụ Vitalis đã không chết" (cụ Vitalis là nhân vật chính trong cuốn truyện Không gia đình của nhà văn Pháp Hector Malot).
Những ngày ấy đã xa. Qua rồi một thời gian khó, nhưng yên tâm và thanh thản.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top