Đi Tìm PadThai Qua Sợi Phở Việt
Như người Việt, phở là món ăn quốc hồn quốc túy thì với người Thái, PadThai là món đặc trưng và phổ biến. "Pad" nghĩa là xào và nhìn vào chữ PadThai là có thể thấy rõ sự trân trọng cũng như tính khẳng định của ẩm thực Thái vì rất hiếm món ăn nào gắn liền với chữ "Thai".
Thế nhưng, từ nhỏ, dẫu là người Thái chính gốc, tôi vẫn luôn tò mò tự hỏi, tại sao người Thái quen dùng cơm và xôi, mà PadThai là món sợi lại được xếp vào hàng đặc trưng của ẩm thực Thái.
Câu hỏi dần phôi pha theo thời gian, và trong tâm trí một đứa trẻ con, có ăn ngon là hạnh phúc rồi.
Năm 2008, tốt nghiệp Phổ thông, ba má cho phép tôi đến Việt Nam du lịch. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món phở tại quán Phở 2000 gần chợ Bến Thành (TP.HCM) và chợt giật mình, nhớ lại câu hỏi thuở bé. Tôi nhận ra sợi phở Việt rất giống nguyên liệu làm nên PadThai.
Hỏi thăm và lần tìm các tài liệu liên quan, thật thú vị khi có thuyết ghi rằng PadThai theo chân người Hoa đến Thái, nhưng cũng có thuyết ghi rằng PadThai là sự giao thoa văn hóa giữa cộng đồng người Việt đến Thái dưới thời Vua Minh Mạng và người Thái bản địa.
Sau khi thưởng thức thêm Phở 24 và các quán phở địa phương được bạn bè dẫn đi trong những con hẻm ngoằn ngoèo không tên đất Sài Gòn, tôi nghiêng về thuyết người Việt hơn. Lý do ư? Người Thái không giỏi phân biệt các món sợi như bún, hủ tíu, phở, bánh canh... Thêm nữa, cọng hủ tíu ở Thái khá to, tựa như sợi phở, mà hủ tíu đúng là món ăn của người Hoa, được người Thái đón nhận nhiệt tình.
Để làm nên PadThai, các nguyên liệu bắt buộc phải có là sợi phở, tôm, đậu hũ, trứng, giá, hẹ, đậu phộng và nước sốt me.
Tùy theo vùng miền, PadThai có khẩu vị và thêm thắt nguyên liệu khác nhau. Tôi thấy phở cũng vậy, mùi thơm đặc trưng của quế và hồi cùng nồi nước lèo hầm xương ngọt ngào thơm phức, nhưng vị và rau đi kèm ở miền Bắc khác miền Nam.
PadThai ngon nhờ sợi phở, và tôi nghĩ phở tương tự. Món sợi thì sợi phải ngon trước tiên. Chú tôi, một người Thái chính gốc "bị" phở hấp dẫn đến nỗi đến Sài Gòn mở quán bán PadThai chỉ vì thích phở Việt. Chú nói với tôi: "Sợi phở Việt làm món PadThai ngon hơn".
Phở ngon, độc đáo, đủ cả hương vị đất trời, xứng đáng là đại diện của Việt Nam về ẩm thực. Trong cẩm nang du lịch của những người nước ngoài khi đến Việt Nam, món ăn được đề nghị là phở. Thế nhưng, khác với văn hóa bản địa thưởng thức trong các quán ăn truyền thống, du khách thường chọn dùng phở ở các chuỗi thương hiệu như Phở 24, vì e ngại vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm và trên hết, thực đơn có tiếng Anh, thuận tiện trong việc gọi món.
Do vậy, tôi nghĩ rằng để phát triển và quảng bá phở rộng rãi, không chỉ đảm bảo chất lượng món ăn mà cần nâng cao chất lượng phục vụ, từ đó, đưa ra bộ tiêu chí gắn sao hay một biểu tượng để đưa tín hiệu cho du khách biết đến và yên tâm thưởng thức.
Đồng thời xây dựng câu chuyện về phở và giới thiệu rộng hơn các món ăn gắn liền với phở như phở nước quá quen thuộc, còn có phở xào, phở cuốn, phở chua, phở nhiều màu...
Có thể tổ chức các cuộc thi khích lệ các đầu bếp khám phá cách sử dụng sợi phở làm nên món ăn mới, hoặc biến tấu phở gắn liền với vùng miền.
Nếu xem kinh nghiệm của các nước phát triển mạnh về du lịch, có thể thấy Nhật Bản, Thái Lan... cũng rất chú trọng xây dựng tên tuổi các món ăn cùng việc giới thiệu địa điểm du lịch. Ví dụ, món sợi của Nhật Bản, đến Hokkaido thì khách sẽ được thưởng thức món sợi với bò Kobe hay đến tỉnh Kagawa sẽ được biết đến món Udon làm từ bột mì đặc sản... Thái Lan với món Padthai phong phú khẩu vị, màu sắc.
Trường hợp của Nhật và Thái có thể là ví dụ cho thấy việc phát triển món ăn theo vùng miền sẽ nhấn mạnh thêm sự phổ biến của món phở trong bối cảnh du khách ngày càng đòi hỏi sự đa dạng. Đồng thời, du khách vẫn hiểu được giá trị của phở và đặc sản vùng miền.
Tôi chợt nghĩ, nếu ngày của phở, bên cạnh các món phở quen thuộc (phở bò, phở gà), có thêm PadThai cùng dòng chữ "sợi phở Việt làm món PadThai ngon hơn", liệu có làm khách Thái háo hức đến Việt Nam để đi tìm món PadThai độc đáo không?
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top