Cuối Năm Lạnh Thèm Mắm

Cuối năm, tức đầu năm Dương lịch 2019, trời trở lành lạnh, tự dưng thèm mắm. Bất ngờ có ông bạn trẻ hứa cho hũ mắm. Đúng là đang díp mắt mà gặp chiếc chiếu manh.

Hũ mắm của một ông bạn trẻ, vốn sành ăn và sành viết về cái ăn, tặng vào lúc trời buổi sáng trở lạnh những ngày cuối năm.

Nhưng nỗi ám ảnh của sự ngọt ngào mà người miền Tây bị nghiện khiến tôi phải hỏi ngược lại: "Mắm có ngọt không đó? Ngọt, thôi cho từ chối nhận, không mắc công mang ơn". Ông bạn trẻ nói chắc như đinh đóng cột: "Không hề!". Bây giờ sợ ngọt đã được báo động trên toàn thế giới. Chưa kể gặp ngọt, bạn còn có nguy cơ trở thành nhà vô địch. Mà đâu phải ai cũng bị dụ trở thành nhà vô địch, khi đường vào cơ thể đốt không hết vì phải học thêm không còn giờ chơi, thiếu vận động, bị vô địch... béo phì! Nhưng coi vậy mà đại dịch ngọt từ khi thực phẩm theo chuẩn miền Nam đã lan ra cả nước. Món chả cá quê tôi xứ Vạn Giã từng được mấy người bạn Sài Gòn trong một chuyến du lịch Đầm Môn bình chọn đệ nhứt hạng, vài năm trở lại đây ăn vào ngọt ngay. Nhỏ con gái từ kẻ nghiện chả cá Vạn Giã, giờ quay lưng. Mới tuần trước, một ông bạn già mời món chả cá quê Phan Rang của ổng. Cũng ngọt ngay. Rồi nữa, mỗi lần nghe tôi buột miệng than thịt xông khói của ông làm sao ngọt dữ dằn. Ông chủ tiệm chả lớn ở miền Tây chỉ biết cười trừ: "Miền Tây nó vậy. Không ngọt bán không được!". Đúng là đại dịch ngọt hoành hành!

May sao, đúng như lời nói chắc nịch "không hề", món mắm của ông bạn được chao thính và trộn đậu phộng, vừa khô queo, vừa ăn vừa miệng với vị chua không làm những kẻ đau bao tử phải rùng mình, sởn da gà.

Trời lành lạnh, sáng làm chén cơm nguội với năm ba con mắm là thấy người ấm lên. Chỉ phải tội là dân xứ mình hiện nay muốn bắt chước Campuchia làm lúa dài ngày, nhưng người tiêu dùng lại gặp toàn gạo ngắn ngày – tức là sau bữa ăn mà không cho cơm vào tủ lạnh, là hôm sau cơm bị thiu. Nên chén cơm nguội sáng lười cho vào lò vi sóng, ăn lạnh lẽo phải biết. Mắm cá hủn hỉn đi với đậu phộng vừa béo vừa chua cộng với cái ngọt của gạo và một thiếu thời mắm nhiều hơn thịt, làm chén cơm nguội ngon gì đâu.

Nói đi rồi phải nói lại. Mà chê mắm miền Tây ngọt, cũng không chánh đáng lắm. Tự khi nào người miền Tây muối mắm khi vừa tới độ chín, họ đem mắm chao với đường và thính. Bằng cách đó, xương con cá biến mất tăm, và "tuổi thọ" của mắm kéo dài hơn, cho vào tủ lạnh, càng dài hơn nữa. Nhưng buồn một nỗi, cả nhà, chỉ mình tôi ăn mắm, nên cái ngon không chia sẻ được trong bữa ăn. Cái ngon cô đơn là cái ngon dở nhất trần đời.

Nói chuyện mắm mới nhớ đến bài ca dao vừa đọc trong cuốn Từ điển Nhà Nguyễn ở mục "quan". Bài ca dao như một cái tin về vật giá, như một bảng khẩu kê của người vợ đi chợ về, có ông chồng tính toán không thua gì một ông nhà thơ lớn chuyện tình cảm cũng tính rặt ròi mấy phần dành cho ai:
Một quan tiền tốt (1) mang đi
Nào mua những gì mà tính chẳng ra?
Thoạt tiên, mua ba tiền gà
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu
Trở lại mua sáu đồng cau
Tiền rưỡi miếng thịt, giá rau mười đồng
Có gì mà tính chẳng thông!
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi
Ba mươi đồng rượu chàng ơi!
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng
Hai chén nước mắm rõ ràng
Hai bảy mười bốn kẻo chàng hồ nghi
Hăm mốt đồng bột nấu chè
Mười đồng nải chuối
Chẵn thì một quan.

Đúng là chịu khó cộng lại bảng kê này, bữa chợ rõ ràng là chẵn sáu trăm đồng kẽm. Chị vợ giỏi thiệt, không biết có ăn gian chút nào để ăn vụng chén chè không. Chẳng hạn tăng giá tiền gà. Thời đó ta cũng thấy nước mắm hai chén mà có mười bốn đồng so với con gà 180 đồng. Rẻ thiệt! Mắm mua chén, chắc không phải cỡ 10 độ đạm rồi. Nhất là ở nhà quê, chẳng hạn như Mỹ Thuỷ, người ta chượp mắm chỉ ăn có một nước một, còn xác mắm dùng làm phân bón.

——————

(1) Dưới thời nhà Nguyễn (1802 – 1945), một quan tiền gồm 600 đồng tiền kẽm nặng 1,5kg (Lacroix), chia làm hai xâu, mỗi xâu là 5 tiền, gồm 300 đồng kẽm (1 tiền = 60 đồng kẽm). Từ điển Nhà Nguyễn, Võ Hương An, tr. 506.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn