Cơm Dừa Kho Tương

Dừa trái gần đây từ 170.000 đồng một chục mười hai rớt xuống còn 30.000 chẳng hiểu sao lại làm tôi đâm thèm món dừa kho tương.

Nhưng đất Sài Gòn muốn ăn món cơm dừa kho tương coi bộ khá gian nan. Nhiều chợ chỉ bán dừa uống nước, cơm còn non. Lần thứ nhất đi chợ về với món cơm dừa dẻo quẹo, kho ăn, không bù được nỗi nhớ một thời khốn khó, phải ăn cơm dừa kho hoài hoài, nhưng ngon chớ không thấy ngán. Lần thứ hai, kiếm được miếng cơm dừa một người bán đang ngồi ăn. Anh ta nói, cơm dừa này không ai mua. Và cho không. Già hơn nhưng chưa phải là dừa cứng cạy. Trong đầu đang tính kho đại miếng dừa khô, nhưng không kham với độ cứng và xảm, mất ngon. Lần thứ ba, ở chợ Bàn Cờ, hỏi một bà có cơm dừa cứng cạy không? Bà cho biết mới liệng gần đó. Lại cho không, nhưng hổng lẽ không mua giúp bà một hai trái dừa. Đành vậy.

Ông bạn gốc Bến Tre giải thích: "Dừa cứng cạy kho ăn ngon nhứt. Vừa béo, vừa còn độ dẻo.Thường muốn lựa đúng boong dừa cỡ đó phải là dân sành coi màu dừa. Dừa cứng cạy là lúc cho nước ngọt và nhiều gas nhứt". Một ông bạn khác kể: "Ở nhà chỉ mình tui thỉnh thoảng thèm món cơm dừa kho đậu hũ với đậu phộng rang giã gãy. Mọi người coi mình là thứ kỳ cục".

Nhớ ngày xưa, vào mùa mưa, tàu thuyền không đi biển, món cơm dừa kho tiêu trở thành món ngon trong bữa ăn. Ngon mà lâu ngán. Có lẽ thời đó, người dân làm nông có nhu cầu tinh bột và chất béo nhiều. Mà dừa lại cây nhà lá vườn. Muốn ăn là ra sau vườn bẻ. Rồi vào xắt mỏng như nậu làm mứt, và kho thật thấm. Miếng "thịt" dừa béo vừa vừa, mặn mặn, ngọt ngọt, dễ gì miếng thịt ba rọi sánh cùng. Hồi đó, không có dừa cứng cạy, chơi luôn cả dừa già, vì răng còn rất ư xuân nồng, lại được bonus cục phổi dừa thơm phức...

Với dân miền Tây, kho tương là món ruột, gì cũng kho tương. Kể cả rắn. Tôi chưa được phúc ăn món rắn kho tương lần nào, chỉ nghe ông bạn Đỗ Khuê kể lại rồi xuýt xoa: "Ngon lắm". Về nhà thử đem cá ồ về kho tương mới ngộ được cái ngon. Ngon thiệt chớ chẳng chơi!

Bất quá tam, lần này được ăn món dừa cứng cạy kho tương. Ai cũng thèm món này như tôi, chắc dân Bến Tre đỡ phải trông vào người Trung Quốc cà giựt cà dẹo. Mà cơm dừa đâu phải chỉ kho không. Nó còn làm món "tập thể" với nào thịt ba rọi, tôm, kho với cà chua thành một món xốt cà; vỏ dừa non còn ủ được món dưa chua; nước dừa còn thắng được màu để dành kho các thứ. Mà ăn dừa đâu phải chỉ là ăn không, nó còn dẫn nhiều người Việt về với những bóng dừa xanh mà ai cũng thèm ngồi dưới bóng những trưa Hè; ai đến Bến Tre, Cam Ranh, Bình Định cũng nhớ hoài những xứ dừa rợp bóng...

Ngẫm chuyện dừa thấy cũng ngồ ngộ. Mấy ông thực vật học thích phân loại không chịu xếp nó là quả. Còn người dẻo miệng hơn lại bảo đó vừa là quả, là hạch và là hột. Đúng thật! Nếu áp định nghĩa của ba thứ kia trái dừa đều có đủ.

Chỉ có một điều không hình dung được là những kẻ đi trên chuyến thuyền trong cuộc hải hành thứ năm của nhà hàng hải Simbat trong truyện Ngàn lẻ một đêm, lần đầu tiên gặp trái dừa lại bảo đó là trứng của loài chim Roc – một giống đại bàng thần thoại của Ả Rập. Họ đã bổ quả "trứng dừa" ra, uống nước và ăn cái thứ thịt con chim màu trắng. Kiểu như ăn trứng lộn. Nhưng không thấy truyện nói thêm chi tiết về mùi vị của thứ "thịt-chim-cơm-dừa". Theo nhiều sách vở, đó cũng là lần đầu tiên quả-hạch-hột dừa xuất hiện trong văn chương. Còn nguồn gốc của trái dừa cho đến nay vẫn còn tranh cãi om sòm, nhưng phần lớn đồng ý dừa gốc Ấn Độ – Indonesia. Một số ông cứ một hai bảo rằng dừa gốc Nam Mỹ. Vậy sao không có xứ nào ở đó nhiều dừa bằng Philippines?

Giá dừa còn làm nhớ đến truyện ngắn Rung cây dừa của Bình Nguyên Lộc. Ông viết: "Ngoài khơi Thái Bình Dương có những hòn đảo thần tiên, mà dân trên đó, suốt ngày ca hát, vui chơi. Khi một người chủ gia đình trở nên già yếu, họ bắt y leo lên ngọn dừa, rồi áp nhau mà lung lay gốc cây dừa ấy. Người leo cây, nếu bám chặt được, là sẽ sống thêm ít lúc. Bằng rủi tay rơi xuống, thì họ cho ngay hắn ta là một cái miệng vô ích, cần phải cô lập một nơi cho chết đói lần mòn". Ông Lộc đem chuyện này để so sánh với thân phận của một ông giáo bệnh đau trên một đảo của quần đảo Củ Tron – nơi người dân vẫn sống đời hoang dã.

Liệu giá dừa như thế rồi có ai bị "rung cây dừa"?

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn