Chữ Nghĩa Ẩm Thực Và Món "Mêm Xối Xiên"
Từ một câu chuyện của một người nói tiếng Tây 'ba rọi', dân gian bèn dùng chính thứ tiếng Tây ấy – mêm xối xiên – đặt cho món giả cầy.
Trong cuốn Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển có kể lại một giai thoại về món 'mêm xối xiên' (1): "Tôi chép ra, nhưng xin cô bác đừng hỏi nhiều vì không bảo lãnh đúng sự thực. Tương truyền vào một dịp đầu Xuân, [một ông] đem dâng cho một quan Lang Sa quà Tết: một con dê xồm béo mỡ kịp đút lò đêm Giao Thừa. Quan hỏi: "Con gì? Ông cho tôi con gì đó?". Quýnh quá quên phứt, không nhớ rõ "bouc" hay "chèvre", thôi thì tả hình dạng nó cũng được: "Luỹ", "mêm xối xiên", "dà na bắp", "dà na cót" (lui même chose chien, il y a barbe, il y a corne – nó giống con chó, có râu, có sừng)".
Câu này đúng nguyên văn hay chăng, tôi không dám chắc. Điều tôi dám chắc là quan đút lò "dê xồm" ăn ngon lành và từ đó câu kia đã để đời trở nên bất hủ. Gần đây trong Nam còn ưa nói với nhau thành ngữ "mêm xối xiên" để thế từ ngữ "đồng một thể như nhau".
Phải nói ông nói tiếng Tây trên có năng khiếu thiên bẩm của một nhà tự điển học khi đưa ra định nghĩa về con dê. Một mặt đáng chê cười, nhưng một mặt cũng đáng khen lắm chớ!
Rồi dân gian lại thông minh hơn khi dùng ngữ "mêm xối xiên" để chỉ món ăn độc đáo của Việt Nam. Đó là món "giả cầy" vì nói là một món thịt, ngày xưa thường là thịt heo, bây giờ có thêm thịt dê, nấu với các thứ gia vị giống như dùng để nấu thịt cầy nên nó đúng là "mêm xối xiên" (même chose chien). Rồi có lúc sự đời tréo ngoe, người ta có thịt cầy lại nấu giả cầy theo kiểu hầm giò heo. Theo ông Lãng Nhân (2), nhóm chữ nầy, tuy rằng bắt đầu do một người ít học dùng, sau đó lại là nhóm chữ được phổ thông một thời. Người ta dùng trong văn nói với giọng bông đùa, hơn là trong văn viết trong thập niên 1950 và 1960.
Cớ sự của mêm xối xiên – giả cầy là ở đó.
Một chuyện khác, chuyện đồng âm của từ 'phay'. Có ông bạn khá rành tiếng Tây, lập nguyên một bảng đối chiếu các từ Việt gốc Pháp. Tôi email hỏi ổng gà xé phay có phải từ chữ fraise tiếng Pháp không. Cũng như nhiều vị xử ép phở là từ pot au feu, rồi bánh mì là từ pain de mie. Ông bạn quở tôi hỏi cắc cớ, fraise là trái dâu, liên quan gì đến gà xé phay. Nhưng fraise tiếng Tây có tới mấy nghĩa lận. Fraise trong cơ khí được miệt ngoài phiên âm là "phay". Nhưng đến chữ dao phay cả bên thợ tiện và dân gian đều dùng, theo nhiều ý kiến lại là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên. Chữ 'dao' trong tự điển Việt Bồ La của giáo sĩ Đắc Lộ chú là xem chữ 'dĕao', giải là cao dao, dĕao sac, dĕao mlụt. (3) Mãi đến đời ông Huình Tịnh Paulus Của, chữ 'phay' được chú là gốc nôm, dao phay: dao lớn thường dùng mà xắt cá thịt; thịt phay: thịt luộc xắt ra từ miếng mỏng; thịt gà xé phay: thịt gà luộc xé ra từ miếng; Làm phay: làm bây giờ, làm tất ngữ (xong rồi hết việc – NY); ăn phay: ăn sạch, ăn hết tất. (4) 'Phay' tiếng Việt còn nhiều nghĩa nữa như phiên âm từ chữ faille tiếng Pháp, chỗ đứt gãy, lụa phay là lụa sồi; độc bình phay nghệ thuật; dàn phay máy cày dùng băm đất. Gà xé phay coi như gần nghĩa với phay – băm đất.
Nói đến gà xé phay tưởng cũng không nên bỏ qua chính sách cháo gà xé phay của Pháp. Số là Vua Henri IV của Pháp được cho là một ông Vua vĩ đại. Dân sử học còn bảo có thể nói ông là nhà chính trị thực sự đầu tiên của thế giới – vì trong suốt mười năm chiến đấu bảo vệ ngai vàng cho dòng Bourbon, ông chủ tâm cho công bố ý kiến quần chúng và thậm chí còn đưa ra được một khẩu hiệu chính trị giúp ông 'do dân và vì dân'. Nhận ra được con đường ngắn nhất để đi đến trái tim thần dân là bao tử, ông phán với họ, "Trẫm muốn không có người nông dân nào trong vương quốc của trẫm nghèo đến độ không thể có một con gà trong nồi cháo của người ấy vào mỗi ngày Chủ Nhật". Không phải chính sách cháo gà xé phay là gì?
——————
(1) Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển bản pdf, phần 6-2, tr. 102.
(2) Chơi chữ, Lãng Nhân.
(3) Tự điển Việt Bồ La, tr.165.
(4) Đại Nam quấc âm tự vị, tr. 183.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top