"Chán Cơm Thèm Phở Mỹ"

Tôi đã nhiều lần ngao du xứ Huê-Kỳ, thuộc vào diện "ăn dầm nằm dề", đi từ bờ Đông sang bờ Tây. Thi thoảng, có làm vài miếng sandwich, hamburger... gọi là cho vui miệng rồi cũng quay về bản chất ăn uống của một anh dân Việt: cơm và phở.

Thèm phở!

Tới thành phố nào ở Mỹ, có bận rộn cỡ nào, tôi cũng tìm cách ghé ít nhất một tiệm phở. Mà cũng thiệt lạ, hễ qua tới xứ sở này là trở chứng thèm phở vì khoái cái cảm giác được ăn tô phở Việt. Với tôi, cảm giác ấy lạ lắm. Nói theo ngôn ngữ của giới trẻ, cảm giác ấy rất ư là... yo-most!

Phở ở Việt Nam được nấu bằng bánh phở tươi, còn ở Mỹ phải xài bánh phở khô, giống sợi bánh đa của người miền Bắc, nhưng sợi mỏng và nhỏ hơn, nhiều khi ăn có cảm giác giống như ăn hủ tíu. Nghe nói chỉ có vài nơi có đông người Việt sinh sống tập trung như Little Saigon, San Jose... hoạ may mới kiếm được bánh phở tươi. Ăn phở ở Mỹ không thiếu hai món xốt đặc trưng của phở là tương đen và tương ớt. Về tương ớt, phổ biến nhất là loại tương ớt Sriracha nhãn hiệu Con Gà của cơ sở Huy Fong Foods ở California sản xuất.

Không chỉ riêng tôi mà nhiều người Việt đi chơi sang Mỹ đều lâm vào tình cảnh lúng túng khi vào quán phở. Trước đây có ba cỡ tô phở: nhỏ, trung và lớn. Với sức ăn của tôi, cỡ trung là vừa. Nhưng mấy năm sau này, nhiều tiệm phở chỉ còn hai cỡ tô là nhỏ và lớn. Tháng 10.2017, ăn phở ở vùng gần Washington DC thấy giá in trên thực đơn là 8,25 USD cho tô nhỏ và 9,25 USD cho tô lớn. Giá chênh nhau chỉ có 1 USD, nên tôi chọn tô lớn để bảo đảm ăn no bụng với nguyên tắc "thà dư còn hơn thiếu", mà có ăn hết đâu. Tô bự chà bá...

Tôi có một kỷ niệm không quên với món phở Việt ở Mỹ. Có lần qua Florida ở chơi gần một tuần với ông anh thời Trung học ở Boston (bang Massachusetts) nhưng lại kinh doanh nhà cửa ở Florida. Gặp đúng thời điểm, ông anh đang có thương vụ bán nhà. Trước khi về Boston, bà chị nấu cho một nồi nước phở rồi chế vô nhiều hộp nhỏ bỏ tủ lạnh. Chị cẩn thận chia bánh phở và rau sống ra từng bịch ni lông. Mỗi sáng, hai anh em cứ việc lần lượt cho các hộp nước phở đó vô lò hâm nóng rồi "chiến đấu". Cầm cự gần một tuần với món phở... tủ lạnh. Nhớ suốt đời.

Ngán cơm Việt

Người Việt ở Mỹ ăn sang hơn người Mỹ, vì ăn toàn "đặc sản nước ngoài". Bởi lẽ họ ăn thức ăn Việt (vốn được coi là thực phẩm nước ngoài ở Mỹ) đắt hơn thực phẩm Mỹ. Hai ông bà là cha mẹ của người bạn (ở Houston) qua Mỹ chỉ làm mỗi công việc: tận dụng các khoảng đất trống để trồng rau húng quế rồi đem ra chợ bán. Vậy mà mỗi tháng kiếm được vài ba ngàn đôla Mỹ, gấp mấy lần tiền dưỡng già. Tới Florida, bang có khí hậu hao hao Việt Nam, tôi choáng ngợp như lọt vào vùng quê ở nước Việt, với đủ các loại rau củ quen thuộc, ăn cho đỡ nhớ quê. Nhờ tự sản tự tiêu mà giá nhiều loại thực phẩm Việt ở Mỹ sau này rẻ hơn, chỉ còn từ nước ngoài, chủ yếu Thái Lan, những thứ không thể tự sản xuất được hay chỉ làm được với số lượng nhỏ.

Nói chuyện ăn cơm ở Mỹ, thú thiệt, tới chơi nhà người Việt, tôi sợ nhất là phải ăn thứ cơm nấu bằng gạo lức. Người Việt ở Mỹ bây giờ ăn uống "healthy" (vệ sinh, lành mạnh) lắm, hơn cả người Mỹ. Có ông anh Việt Nam lần đầu sang Mỹ thăm gia đình chị mình. Vài ba ngày đầu, ông không nói gì, chỉ quan sát. Tới ngày thứ tư ông lên tiếng càm ràm: "Sao ngày nào cũng phải ăn cơm bỏ tủ lạnh hoài vậy?". Bà chị giận dỗi: "Ở Mỹ tụi tui sống vậy đó". Ông kia ở Việt Nam bao nhiêu năm nay quen ăn cơm mới nấu nóng sốt vừa hít hà thổi vừa ăn, giờ phải ăn loại cơm lấy từ tủ lạnh, bỏ vào lò micro wave hâm nóng nên có cảm giác ê răng đó mà.

Người Việt ở Mỹ chỉ rảnh hai ngày cuối tuần. Họ dành thời gian đó để dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua hàng hoá, rồi nấu ăn cho cả tuần để sẵn trong tủ lạnh. Tôi từng có lần ăn món canh nấu bằng cái đầu cá mà bỏ trong tủ lạnh hơn một năm trước. Với chỗ làm gần nhất cũng cả giờ lái xe hơi, sáng sớm đã phải ra khỏi nhà, tối mịt mới về, đâu có thời gian nấu nướng từng ngày, chớ nói chi từng bữa.

Có một điều coi bộ nghịch lý. Đi ra tiệm kêu dĩa cơm, cơm nhiều ná thở, còn về nhà người Việt, thấy gia chủ nấu cái nồi cơm bé bé xinh xinh khiến mình cũng phải ép bụng chớ dám "xông pha". Khi nào thèm cơm, tôi thường mua một hộp cơm Việt giá 10,99 USD có đủ cơm và thức ăn cho... hai bữa. Ở trong nước, tôi mê món cơm chiên cá mặn. Vào nhiều nhà hàng ở Việt Nam, gọi món cơm này, chỉ còn cái vị mặn trong nỗi nhớ, chẳng thấy miếng cá mặn nào. Nhưng cũng món này bên Mỹ, đã nhiều chục lần ăn cơm chiên cá mặn ở Mỹ, tôi đều được hả hê nhấm nháp cá mặn ra cá mặn.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn