Ăn Bốc Có Thú Riêng

Ông bạn không ngớt cằn nhằn chuyện một bạn trẻ trong bàn thò tay bốc thịt gà, lấy cớ rằng làm thế là bất kính với người lớn trong bàn. Bài này nhơn đó nói về chuyện ăn bốc.

Trong vở kịch Becket của Jean Anouilh năm 1959 nói về mối quan hệ giữa Vua Henry II của Anh Quốc và Tổng giám mục Canterbury, Thomas à Becket, có một chi tiết đáng chú ý liên quan đến ẩm thực.

"Đêm nay", Becket tâu, "Bệ hạ có thể cho thần hân hạnh 'khai trương' cái nĩa của thần?". "Nĩa?", nhà Vua hỏi. "Đúng vậy, nó từ Florence. Một sáng chế mới. Dùng để xiên thịt đưa lên miệng, giúp cho Bệ hạ khỏi dơ các ngón tay". "Nhưng rồi Đức cha làm dơ nĩa?". "Đúng, nhưng nĩa dơ rửa được mà". "Thì các ngón tay cũng rửa được", nhà Vua trả lời. "Ta chẳng thấy khác gì".

Nếu để ý, bạn sẽ thấy bàn ăn thưa thớt trong các bức tranh vẽ các bữa tiệc ngày xưa. Trong bức tranh La ultima cena của Leonardo da Vinci, được vẽ vào năm 1495, chẳng có dao cũng chẳng có nĩa. Bánh mì không men để lâu bị cứng, đã không được cắt mà là bẻ.

Nĩa, như Anouilh gợi ra, là biểu tượng của nhà quyền quý. Lúc mới ra đời, chúng khan hiếm đến nỗi khách lữ hành thường phải đem theo nĩa riêng. Thậm chí, trong lúc xài, họ chỉ dùng để xiên một miếng thịt từ chiếc dĩa đựng để bỏ vào dĩa của mình. Sau đó họ ăn bốc bằng các ngón tay và chùi tay lên chiếc khăn của họ. Một trong những dấu hiệu sớm nhất về phép lịch sự trong ăn uống là sự ra đời của khăn ăn. Kết quả kiểm kê điển hình một gia đình ở Pháp thế kỷ 17 chỉ có 18 cái nĩa nhưng tới 600 khăn ăn. Ở bàn ăn của Vua Louis XVI (bị tử hình năm 1793), ăn bốc bằng ngón tay còn là đặc quyền của Vua. Mãi sau ông mới có thói quen dùng nĩa lấy thịt từ dĩa chung về dĩa riêng, rồi thò tay vào dĩa để xé thịt.

Từ thời Trung cổ một con dao trong chiếc vỏ bằng da, được chạm dấu hiệu riêng của dòng họ, là phụ kiện cần thiết cho bất kỳ quý ông nào trong việc cắt thực phẩm, quan trọng thứ nhì sau thanh gươm.

Vì thức ăn trở nên ngày càng cầu kỳ hơn, nên các đồ dùng cần có để ăn và cách thức chúng được sử dụng. Các mã hành vi đó dần dà trở thành quy ước và được dán nhãn. Những người không rành quy tắc đồ dùng, bàn ăn trở thành một "bãi mìn xã hội". Cũng từ đó những chiếc ly chuyên dụng dành cho rượu vang đỏ, vang trắng, nước, rượu khai vị và rượu trợ tì, dao cơ bản, nĩa và muỗng, gọi chung là một bộ đồ ăn, trở nên phổ biến.

Ở Trung Quốc và các nước lân cận, đũa được sử dụng thay cho việc ăn bốc từ khá lâu. Các cặp đũa lâu đời nhất được làm từ đồng đã được khai quật từ những tàn tích từ 3.200 năm trước của thành phố Yên (hay còn gọi là Yinxu, gần Anyang, Hà Nam). Kích thước, vật liệu và thiết kế của những chiếc đũa này cho thấy rằng chúng không được sử dụng như một dụng cụ để ăn uống, mà là như một công cụ để nấu ăn, khuấy lửa, phục vụ, và thu giữ thực phẩm. Việc dùng đũa từ từ lan ra khắp châu Á và đến Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản được cho là vào khoảng năm 500.

Nhưng ăn bốc vẫn tồn tại. Người Ấn Độ cho rằng thực phẩm là do đấng tối cao ban cho nên phải đón nhận bằng tay trần một cách thành kính. Lâu dần, họ lại cảm thấy việc ăn bốc tạo cho họ cảm giác ngon miệng hơn. Một số vùng ở Indonesia, người dân vẫn thích ăn bốc hơn. Malaysia và các nước đông người Hồi giáo đều giữ thói quen ăn bốc bằng tay phải. Người Lào dùng tay vo nắm cơm nếp và cho vào miệng.

Chưa kể người ta tiếp tục sáng chế ra những thứ để ăn bốc, như việc dùng hai miếng bánh mì sandwich kẹp thịt ở giữa để cầm tay ăn của John Montagu năm 1772. Cũng thời gian này, Louis XVI vẫn nghiện cảm giác ăn bốc. Ông sáng chế ra món giò heo hầm trong hai ngày, để có lý do thịt quá mềm, không dùng nĩa được mà phải ăn bốc. Cách ăn của ông khiến những nhà mô phạm bảo vệ phép lịch sự lo lắng là xã hội sẽ quay trở lại thời ăn bốc. Thế là một quy ước được đưa ra: ngoài giò heo hầm nhừ như là ngoại lệ, các con biết bay được ăn bốc. Chân và cánh gà được phép nhưng các bộ phận đó của thỏ, và giò cừu thì không. Việc ăn bốc sống sót ở Pháp. Bánh mì trong một số dịp được xé thay vì cắt...

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn