Tôi Làm Bếp

Gia đình tôi chỉ toàn con trai, có ba anh em, tôi là con út. Má bận buôn bán, ba cùng anh tôi đi may áo quần tại một tiệm may ở nội thành. Anh kế tôi đi làm công nhân từ sáng đến tối mới về nhà. Tôi thì đi học một buổi, còn một buổi ở nhà lo việc... nội trợ giúp má sau khi học bài xong. Anh em tôi phải tự giặt ủi áo quần, quét nhà, lau nhà, đi chợ mua thức ăn hay mua hàng cho má và thường xuống bếp nấu ăn, ăn xong phải rửa chén, thu dọn bếp núc cho gọn gàng, sạch sẽ.

Khi còn nhỏ và cả khi lớn lên, tôi thường lẽo đẽo theo má làm công việc bếp núc. Má vừa làm vừa giải thích cho tôi nghe về việc lựa chọn cá, tôm, thịt, rau, củ... sao cho tươi ngon; nấu món gì thì thực hiện quy trình ra sao, cùng những mẹo vặt để thức ăn được tươi, bổ, nấu nhanh... Tôi cũng nhiều lần đi chợ mua cá, thịt, rau... khi má bận. Ra chợ, các cô, các bà bán hàng thấy tôi là con trai, còn nhỏ, thật thà, không biết trả giá nên họ lựa chọn giùm thực phẩm cho tôi và không thách giá gì. Khi tôi làm giáo viên, sau giờ dạy thường tranh thủ ghé chợ để mua thực phẩm về nấu cơm cho ba má tôi ăn sớm, vì người già không thể ăn muộn được. Khi tôi vào chợ, chỗ này mời "thầy, mua thịt này thầy", chỗ kia "thầy, mua cá thầy ơi", rồi rau, củ... Vì những người bán hàng đó biết tôi dạy học trong xã và trong số đó không ít có con, em học ở trường tôi.

Tôi "làm bếp", nấu ăn khi vợ bệnh, vợ bận mãi đến tận bây giờ trong tuổi già lão. Con cái ở xa, không ai phụ giúp. Tôi nghiệm rằng tôi nấu món gì, tôi ăn cũng vừa miệng hơn người khác nấu. Vợ tôi bảo mình nấu món gì có cái "tâm" trong đó thì món đó sẽ ngon thôi. Má tôi ngày xưa cũng nói với tôi như thế. Cho nên, món canh chua "cá tràu Võ Cạnh" má tôi nấu, sau này tôi không thấy ai nấu món này ngon như má nấu. "Cái tâm" trong việc nấu nướng cho gia đình thêm đầm ấm, khắng khít là như thế. Đối với tôi, nấu được một món ăn là như một "tác phẩm nghệ thuật" đầy hương vị. Do đó, tôi không cảm thấy mệt nhọc gì trong việc bếp núc. Và đó cũng là một cách giúp gia đình trong cuộc sống đầy chật vật, khó khăn, bận rộn này.

Sau bữa ăn là chuyện rửa chén bát. Tôi "phụ trách" việc rửa chén bát sau bữa ăn từ khi còn đi học, chỉ trừ khi đi học xa nhà, nay già rồi cũng thích rửa. Ngày xưa, tôi thường được má khen rửa rất sạch và nhất là không bị bể cái chén, cái bát nào. Má dặn không nên chồng chén bát lên cao, dễ ngã nhào và má đọc cho tôi câu ca dao rút ra từ kinh nghiệm của người xưa mà giờ đây tôi vẫn còn nhớ: "Rửa chén chớ có chồng cao/Bể mất chiếc nào thiệt lắm, em ơi!". Nhà nghèo, chén bát không phải vật dễ kiếm, dễ mua. Thời đó rửa chén bát dùng xà bông cục, chà vào miếng xơ dừa hay vỏ mướp khô để kỳ cọ chén bát cho sạch. Lại phải đứng lên, ngồi xuống xách từng gàu nước giếng. Không như ngày nay đa số nhà có nước máy, dùng miếng xốp bán sẵn, có nước xà phòng rửa bát đóng chai..., lại còn có máy rửa chén bát nữa. Má tôi thường bảo, "Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm", không thể dọn lên bàn ăn những vật dụng còn nhờn chất dầu mỡ, còn hôi tanh mùi, chén bát còn đọng nước..., làm cho bữa ăn mất ngon, thiếu tôn trọng người ăn. Còn tôi thường "triết lý": Rửa cái bẩn cái dơ đi, cho cái sạch, cái ngon, cái đẹp đến, cũng như con người vậy, hàng ngày cần gột rửa cái tâm xấu, cái bụng ác để có cuộc sống thanh thản, an nhàn, yên ổn, hạnh phúc hơn...

Việc rửa chén bát tuy nhỏ, dễ làm, nhưng cũng lắm chuyện để nói.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tận#vân