Tết Xưa Vẫn Đong Đầy Trong Ký Ức Của Tuổi Thơ Tôi
Gió đồng thơm hương, lượn lờ chim én, mai vàng lộc biếc chồi xanh, cánh bướm chập chờn trong nắng sớm, đó là tín hiệu của mùa xuân, là tín hiệu khởi đầu tốt đẹp. Xuân về khắp nhân gian căng tràn nhựa sống, lòng người háo hức phấn khởi đợi Tết sang để hưởng niềm vui gia đình sum họp. Nhưng đó là thời điểm để người ta nhớ về cái Tết thuở xưa, với tôi Tết xưa vẫn đong đầy trong ký ức.
Tết xưa thật dung dị nhưng không khí của ngày Tết ngày xuân luôn chan hòa rộn rã, năm nào cũng thế khi vừa mới bước sang tháng Chạp là từ làng trên xóm dưới ai nấy tranh thủ lúc nông nhàn chuẩn bị các thứ cần thiết cho cái Tết, bởi hồi ấy mọi thứ trong nhà từ đồ ăn thức uống cho đến các vật dụng để trang trí nhà cửa đều do người dân tự tay làm lấy chứ không như bây giờ, gì cũng có sẵn ở chợ. Không khí náo nhiệt của ngày xuân cũng theo đó mà lan tỏa khắp xóm làng, không khí Tết rộn ràng từ 23 tháng Chạp, ngày đưa Ông Táo về trời, ngày này khi trời còn chưa sáng nhà nhà đã nấu xong nồi chè trôi nước và chuẩn bị sẵn nhang đèn để chuẩn bị tiễn chân Ông Táo. Theo quan niệm của người xưa, Ông Táo sẽ về trời trình tấu với Ngọc Hoàng những điều xảy ra trong năm cũ vậy nên nhà nhà đều tiễn đưa Ông Táo từ sáng sớm. Lễ vật đơn sơ nhưng gia chủ hết lòng thành kính mong Ông Táo nói tốt cho gia đình mình với Ngọc Hoàng và nói bớt đi những điều không hay.
Sau lễ cúng đưa Ông Táo thì mọi hoạt động chuẩn bị Tết chính thức được bắt đầu; những công việc như giặt giũ mùng mền chiếu gối, rãy sạch cỏ xung quanh nhà, dọn dẹp nhà cửa nhanh chóng được hoàn tất. Riêng cái việc cắt giấy làm bông treo trên trần là hơi kỳ công, phải xếp giấy cắt từng bông 1 xong lấy hồ dán lại để khô rồi luồn dây vào kết thành xâu chuỗi dài sau đó giăng lên trần nhà. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ không gian trong nhà cũ kỹ của ngày thường đã trở nên mới lạ hẳn ra trong dịp Tết. Trong ý niệm của người xưa việc trang hoàng nhà cửa cho thật đẹp, dọn dẹp cho sạch sẽ để ăn Tết mang hàm ý xua đi những cái cũ, xua đi những điều không may, để đón một năm mới tươi vui hạnh phúc, sức khỏe dồi dào, làm ăn may mắn. Người xưa quan niệm, con người sống có nhà, chết có mồ nên việc xuân về dân quê tôi ngoài việc trang hoàng nhà cửa cho mình, họ còn quét dọn sửa sang mồ mả ông bà để bày tỏ sự tôn kính,nhớ về tổ tiên cội nguồn của người sống.
Những ngày giáp Tết khắp từ làng trên xóm dưới nhà nhà đều bận rộn hơn với công việc, nào là nướng bánh Bông Lan, bánh Kẹp, làm bánh Phục Linh, mứt dừa, muối dưa cải, nhà nào việc nấy nhưng thật xôn xao nhộn nhịp, cho người ta có cảm giác nôn nao đến lạ thường. Dân quê tôi ngoài những vụ mùa thì trong những dịp Tết mọi người cũng tập trung làm dần công với nhau, từ sáng sớm cho đến tận khuya, những ngày này gà chưa gáy sáng đã nghe tiếng chày quết bánh phồng khua bồm bộp, tiếng nói cười rôm rả cả xóm làng. Dù phải thức dậy từ sớm, dù công việc quết bánh phồng nặng nhọc nhưng ai nấy đều tươi vui hớn hở. Làm dần công với nhau như thế vừa đem lại cho mọi người không khí vui tươi vừa giúp hoàn thành nhanh công việc, hơn hết đó là chất keo gắn kết cho tình làng nghĩa xóm, càng thêm bền chặt.
Ngày cuối năm nhà nhà đều bày mâm cỗ để dâng cúng tổ tiên, hồi ấy thịt heo hiếm, đắt tiền nên ngày thường ít ai dám mua ăn nhưng Tết đến ai không có tiền thì đổi lúa mùa mỗi nhà đều gói ghém để có được nồi thịt kho cúng ông bà. Có lẽ thế nên thịt heo kho tàu như món ăn truyền thống không thể thiếu trong 3 ngày Tết. Sau khi dâng cúng tổ tiên cả nhà cùng quây quần với nhau bên mâm cơm tất niên, không khí thật chan hòa đầm ấm; theo tập quán ở quê tôi, bữa cơm ngày cuối năm ngoài thịt kho tàu thì khổ qua là món ăn cần phải có bởi với quan niệm ăn trái khổ qua cho qua đi cái khổ. Ngày cuối năm hằn sâu trong ký ức của tôi còn là hình ảnh của bà con xóm giềng cùng nhau gói bánh tét, ngồi phụ đút bánh tôi được dịp học hỏi và rèn luyện thêm cho mình sự khéo léo cần thiết của người gói bánh tét, qua đó tôi cũng được nghe các bà các cô kể chuyện về nguồn gốc của bánh tét. Bà Hai nói bánh tét không chỉ đơn thuần là món ăn ngon trong những ngày Tết mà nó còn mang ý nghĩa tốt đẹp về sự phồn thực về tình cảm gia đình yêu thương gắn bó .
Đêm đến người lớn trong nhà ngồi đàm đạo chuyện đời bên tách trà nóng, con nít xúm xít ngồi bên bếp lửa bập bùng chờ bánh chín và đợi đón giao thừa. Trong cái không khí cuối năm, làn hơi nhẹ mỏng thơm lừng tỏa ra từ đòn bánh tét như phả vào lòng người hơi ấm. Bánh chín vừa đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, ngày ấy quê tôi cúng giao thừa đơn giản lắm. Vật cúng gồm bánh mứt, nhang đèn, thêm đòn bánh tét nóng hổi vừa cắt ra thơm phức, gia chủ thắp hương thành tâm khấn vái cầu được bình an sung túc. Tương truyền mỗi năm có 1 vị thần đến cai quản nhân gian, giao thừa là các vị thần của năm mới tuần hành nên nhà nhà bày lễ cúng cầu mong được thần ban phúc lành cho gia đình.
Sáng mồng 1 cả đất trời như mở hội đón Tân Niên khắp từ làng trên xóm dưới trai gái vui cười mừng đón Tết, trẻ vào hoan hỉ đón xuân sang. Trên các nẻo đường quê tiếng trống lân sập sình khiến lòng người thêm náo nức. 3 ngày Tết được xem là ngày trọng đại nhất trong năm, những phong tục cổ truyền mang tính lễ nghi hiếu nghĩa tôn sư trọng đạo như mồng 1 Tết cha, mồng 2 Tết mẹ, mồng 3 Tết thầy. Dân quê tôi luôn ghi nhớ ngày đầu năm bà con quê tôi cũng chọn người hợp tuổi có vận may để nhờ xông nhà lấy hên, trẻ con cũng mặc đồ mới chúng Tết ông bà để được nhận lì xì mừng tuổi.
Riêng tục đi lễ gia tiên và chúc phúc xóm giềng trong ngày đầu năm là nét văn hóa đặc trưng của quê tôi, sáng mồng 1 các nam thanh nữ tú ăn mặc chỉnh tề tươm tất cùng với 1 người lớn tuổi làm đại diện đi chúc Tết bà con hàng xóm, đoàn chúc Tết thường có 8-10 người mặt mũi sáng láng ăn nói có duyên, biết lễ nghĩa và phải là những thanh niên chưa thành gia lập thất. Bất kể giàu nghèo họ cũng ghé qua chừng 5-10p, việc đầu tiên người đại diện sẽ cùng chủ nhà thắp nhang bàn thờ gia tiên sau đó từng cặp trai gái hành lễ trước bàn thờ xong mọi người cùng gia chủ dùng bánh mứt uống tách trà đầu năm. Người đại diện của đoàn sẽ gửi đến chủ nhà lời chúc phúc, gia chủ cũng đáp lễ bằng 1 bao lì xì đỏ hoặc chỉ là đòn bánh tét vậy mà cũng khá vui.
Trưa mồng 1 nắng vàng như trải mực,đoàn lân sập sình qua các nẻo đường quê,trong nhà ngoài ngõ già trẻ gái trai đều háo hức đón xem múa lân và chờ mời lân vào nhà ban phúc lành năm mới. Theo quan niệm dân gian, Lân là biểu trưng của sự thịnh vượng, thanh bình, may mắn, còn ông địa bụng phệ tay cầm chiếc quạt lá miệng cười rộng toét là biểu tượng của sự tươi vui lạc quan và trù phú, với ý nghĩa đó mà từ xưa dân gian có câu " Kỳ Lân xuất thế thiên hạ thái bình ".
Tết quê xưa đọng lại trong tôi còn hình ảnh các bậc trung niên lão làng quây quần bên mâm rượu thịt, họ chơi đờn ca tài tử và cùng chén chú chén anh cho thỏa tình hàng xóm, chị em phụ nữ cũng góp mặt để vừa nghe ca hát cũng vừa tranh thủ hàn huyên bà con vui Tết mộc mạc nhưng thắm đượm tình quê. Không khí rộn ràng ngày Tết được kéo dài đến hết ngày mồng 7 và lai rai cho đến hết tháng Giêng, thật đúng với hai từ ăn Tết bởi một năm làm lụng vất vả, ngày Tết là để nghỉ ngơi vui chơi thoải mái để rồi khi hết Tết cuộc sống lại bắt đầu một chu trình mới của một năm, mọi người lại trở về với công việc thường nhật của mình, còn về ý nghĩa tâm linh còn việc ăn Tết đủ đầy như thế với 1 ngụ ý cầu mong 1 năm mới ấm no sung túc.
Ai đã từng trải qua những cái Tết quê xưa mới thấy được hết giá trị của nó. Tết không chỉ đơn thuần mọi người ngoài việc vui chơi nghỉ ngơi sau một năm dài lao động mà Tết còn là một lễ hội ghi đậm dấu ấn về bản sắc và bề dày văn hóa truyền thống giàu tính nhân văn của dân tộc Việt, bởi những phong tục của những ngày Tết xưa luôn mang ý nghĩa Tốt đẹp về sự gắn kết cộng đồng,của tình bạn bè thân hữu với lòng hiếu kính của con cháu đối với tổ tiên ông bà cha mẹ.
Dù đã trải qua nhiều thập kỷ, cuộc sống của xã hội đã thay đổi từng ngày, nhưng với tôi phong tục truyền thống tốt đẹp của Tết quê xưa vẫn tồn tại mãi mãi trong tâm thức.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top