RAU "NGỔ"
Năm ấy tôi 10 tuổi. Cả nhà vẫn ở Phụ Khánh, Phú Thọ nhưng mới chuyển từ trong làng ra sát bờ sông Thao. Vẫn chỉ có mấy bà cháu trong căn nhà tranh, vách nứa, nhưng xung quanh không còn đồi cọ và những cây dọc mà mỗi khi tới mùa quả chín, lũ vẹt ở khắp nơi lại kéo về quây quần, đua nhau ăn quả, "chí chóe" ầm ĩ.
Giờ vây quanh nhà là bãi ngô. Trước Tết mọi nhà đều gieo ngô, sau Tết ít lâu, ngô lên khoảng gần gang tay, là lúc phải vun gốc. Đúng lúc "mưa phùn gió bấc".Trời rét căm căm, mưa phùn lâm thâm, gió thổi hun hút khiến những cây ngô rạp hết cả sát đất, hai Bà cháu đội nón lá, khoác cái áo tơi cắm cúi bên những luống ngô. Hầu như ngày nào đi về cũng bị ngã. Ngã vì đường trơn, ngã vì cái áo tơi lòa xòa quét đất vướng víu, ngã vì cái cuốc cán dài hơn thân minh, ngã vì gió thổi lật cái nón, giơ tay ra đỡ, ...không biết bao nhiêu là nguyên nhân. Hôm nào về tới nhà cũng lấm bê lấm bết. Giờ nhớ lại vẫn thấy rùng mình, vừa vì rét, vừa vì khổ quá.
Chẳng có báo chí tin tức gì, nhưng cũng thấy tin đồn đánh nhau to lắm trên Điện Biên Phủ. Đó là nghe người lớn giải thích những chuyến bay của máy bay "đa-kô-ta" hay bay qua vào buổi chiều. Những tốp máy bay vận tải lên thả dù tiếp tế cho Điện Biên Phủ, tiếng động cơ nặng chịch, bay khá chậm (khác hẳn với loại "Bê vanh cát" (B.24) hay "Bê vanh xít" (B.26), máy bay oanh tạc lao rất nhanh với những tiếng xé gió chói tai). Giá như thời chống Mỹ thì khối "anh" bị dân quân hạ! Ban đầu, nghe tiếng máy bay còn chạy ra hầm trú ẩn, sau thì quen dần, cứ đứng trong sân ngóng lên, mắt dõi theo cho tới khi không còn nhìn thấy máy bay nữa. Rồi ít lâu sau lại thấy máy bay quay về. Cũng lại đứng nhìn theo. Khi quay về, hình như cũng bay nhanh hơn. Rồi đôi khi, những chiếc máy bay "bà già" bay cao chỉ trên ngọn tre gọi loa kêu gọi đầu hàng. Mỗi khi thấy mấy "bà già" này, lũ trẻ con cũng biết không có gì nguy hiểm chạy trên đường ngõ, chạy trên những đám ruộng khô ngóng lên reo hò ầm ĩ, nhìn thấy cả phi công ngồi trên buồng lái. Buổi tối, thỉnh thoảng có những đoàn dân công hay bộ đội đi qua. Được báo trước nên dân làng nhất là đàn bà trẻ con thường chờ đón bên đường. Cũng chẳng có gì nhiều, nhà mang nải chuối, nhà hái quả bưởi giúi vào tay trong khi các anh vẫn mải miết bước. Có nhà không có gì thì mang ấm nước vối và vài cái bát, vừa đi theo, vừa mời các anh uống nước. Cứ mỗi khi có nghe ai nói tình hình chiến sự, về nhà, Bà đều nói với tôi ( chỉ mới 10 tuổi nhưng lớn nhất, Bà có thể chia sẻ ít nhiều) và kết thúc bao giờ cũng là một câu nói chứa đầy niềm tin: "Sắp yên hàn rồi! Săp được về Láng rồi!" Nghe Bà nói thì cũng biết thế, chứ tôi có biết Láng là thế nào đâu vì tôi theo cả nhà đi tản cư từ khi mới gần 3 tuổi.
Một buổi chiều, khi cô Đạt đang chuẩn bị đưa cả bọn gần chục đứa cả con lẫn cháu ra tắm ở sông Thao (hình như Cô được nghỉ mấy ngày sau đợt chỉnh huấn), thấy có đám đông ồn ào. Tới nơi thì thấy mấy người có cả du kích mang súng vây quanh một "thằng" Tây. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một "thằng" Tây trắng. Mấy lần trước chỉ nhìn thấy "tây đen" những người gốc Phi đi lính cho Pháp. Tất nhiên họ đều là tù binh vì tôi chưa bao giờ sống trong vùng Pháp kiểm soát, toàn sống ở vùng tự do. (Lúc ấy tự hào lắm, vì có khẩu hiệu "Đi tản cư là yêu nước" mà!). Hắn chỉ mặc mỗi cái quần ngắn (không nhớ là quần đùi hay quần "sooc"). Trời nắng nên toàn thân hắn đỏ như gà chọi. Ngôn ngữ bất đồng nên toàn chỉ thấy mọi người "hoa chân múa tay". May cô Đạt biết tiếng Pháp, hỏi chuyện. Hắn kể: là tù binh bị bắt ở Điện Biên Phủ, rồi tìm cách thoát khỏi nơi giam giữ. Đang trên một cái bè bằng thân chuối xuôi sông Thao để về Hà Nội thì bị bắt. Hỏi chuyện ăn uống, hắn còn kể thêm: Cứ ban ngày thì trôi theo sông, sáng mang theo mấy tàu lá chuối che nắng, đêm dạt vào những bãi ngô, bãi chuối ven bờ nghỉ đêm và kiếm cái ăn. Thấy hắn kêu đói, có người về nhà mang cho một nải chuối. Chuối chưa chin, chỉ mới có mấy quả "ương ương", thế mà cuối cùng cũng chẳng còn sót quả nào! Rồi du kích giải hắn đi đâu không rõ!
Buổi trưa hôm ấy (chắc chắn phải sau ngày 7 tháng 5 dăm bảy ngày vì thông tin khi ấy chậm trễ lắm), đi học về, mấy Bà cháu đang ngồi ăn cơm. Không hiểu sao năm mươi năm vẫn nhớ cơm hôm ấy chỉ có cà muối (mấy cây cà pháo trồng trước sân, thỉnh thoảng hái cả quả già lẫn quả non đem muối, Bà gọi là cà muối "xổi", nghĩa là vừa muối, chưa kịp chua, nhưng chắc cũng phải ăn vì không có thức ăn gì khác), có thêm ít mắm tôm. Thời ấy, việc trồng rau chưa phổ biến. Vùng trung du hay miền núi chỉ ăn măng và rau dại mọc trên đồi hoang hay trong rừng, nổi tiếng nhất là rau tàu bay. Rau trồng chỉ có vài cây mồng tơi leo bờ rào hay luống rau cải ăn ngay từ khi mới mọc được ba bốn lá. Rồi ngọn cây sắn muối chua nấu canh. Chất đạm chỉ có con tôm, con cua, con cá, con tép hay trai, hến bắt được nếu chịu khó lặn lội nắng nôi hay mưa rét. Vừa bưng bát cơm lên, Bà đã vui vẻ loan tin:
– Ta thắng ở Điện Biên Phủ rồi cháu ạ! Yên hàn rồi! Sắp được về Láng rồi!
Đến giờ vẫn thấy lạ, chiến thắng Điện Biên từ đầu tháng 5, mãi cuối tháng 7 mới ký Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, mới hòa bình. Thế mà không hiểu sao, Bà còn chưa đọc thông viết thạo, lại ở một nơi hẻo lánh xa mọi nguồn tin thời sự lại có thể tiên đoán để có niềm tin như vậy? Rồi Bà nói thêm nhân chuyện ăn cà pháo với mắm tôm, giọng nói chứa chất biết bao hy vọng:
– Về Láng có cái rau "ngổ" ngon lắm!
Khi ấy, tôi chưa biết rau "ngổ" thế nào (vì xa Láng, đi tản cư từ khi còn rất nhỏ). Mãi tới khi về Hà Nội, về Láng, tôi mới thấy rau ngổ, và quả thật tôi cũng không thích loại rau này. Nhưng câu nói ấy của Bà vẫn không quên, không quên cả giọng nói đầy vẻ "ngưỡng mộ" với một thứ rau chắc đã gắn bó với Bà từ thuở ấu thơ (Bà là người quê gốc làng Láng), không quên cái hồ hởi đợi "ngày yên hàn" để chấm dứt những ngày gian khổ thiếu thốn. Từ đó, cứ mỗi khi nhìn thấy nó, dù ở vườn, ở chợ, hay trên đĩa rau sống bên mâm cơm, tôi đều nhớ tới lời Bà, đều thấy rưng rưng.
Yên hàn cũng chỉ được mươi năm, đất nước lại bước vào một cuộc chiến tranh khác. Bà lần này không phải đi tản cư, không phải chăm bẵm một đàn cháu, nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn ngay cả những năm cuối, Bà sống trong tật bệnh. Thiếu thốn vì bom đạn, mọi thứ khan hiếm vì bao cấp. Giờ con cháu hưởng lộc của Ông Bà để lại càng nhớ Bà, sống trên bao đất đai, nhà cửa dành dụm suốt cuộc đời tần tảo tháo vát mà vẫn nghèo, vẫn thiếu. Đúng là nước mắt chỉ chảy xuôi.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top