Ngỡ Ngàng Mứt Cà Pháo
Một phần ký ức tuổi thơ của tôi gắn liền với ngôi nhà nhỏ ở đường Lam Sơn (nay là đường Điện Biên Phủ, TP Huế), chỉ là một mái nhà ngói đơn sơ trong khu vườn chỉ vừa cho ba cây mít, một cây trứng cá, hai cây trứng gà, một cây ngọc lan... và cả mảnh vườn nhỏ sau nhà để bà o tôi trồng cây theo mùa, khi thì dưa gang, mướp đắng, khi thì cà tím, cà pháo, ớt xanh... nhưng là cả một thiên đường của tôi thời thơ ấu.
Bà o là em của ông nội tôi, chồng bà là một nhà giáo tiếng tăm của Huế nhưng mất sớm, để bà một mình tần tảo nuôi các con. Cuộc sống thanh đạm nhưng với tài khéo léo của một người con gái mang họ Công Tằng Tôn Nữ, bà vén khéo từ việc nhà đến việc xã hội. Ông nội tôi luôn đem bà làm hình mẫu để dạy chúng tôi. Để chúng tôi được học tập nết mẫu mực ấy, mỗi cuối tuần, ba tôi thường hay đưa chị em chúng tôi đến chơi với bà. Bà dịu dàng kiên nhẫn dạy chúng tôi từ việc nấu các món ăn, làm bánh, làm mứt, tỉa hoa, những món bà học từ người chị họ trong cung cấm ngày trước, từ bà cố của chúng tôi.
Cứ mỗi 28 Tết, bà mặc áo dài, đi đôi hài lam kết cườm trắng mang quà Tết biếu ông nội tôi. Quả mứt Tết của bà là cả một thế giới hấp dẫn, bắt mắt với tôi và bà con họ hàng, vì bánh mứt bà làm đều rất đẹp và rất ngon. Chỉ là những thứ trong vườn nhà hay của vườn hàng xóm, không tốn nhiều tiền để mua, nhưng qua bàn tay bà, mọi thứ trở thành lộng lẫy: bánh thuẫn, bánh mận, bánh măng, hay mứt mít, mứt gừng, mứt me dầm, mứt chùm ruột,... mỗi thứ một chút nhưng độc đáo nhất là mứt cà pháo - thứ tôi chưa thấy ở đâu có, ngoài nhà bà tôi ngày ấy. Trái cà pháo thanh bần đó lại có thể trở thành món mứt màu trắng trong suốt như trái nhãn lồng sang trọng, được bày trong cái ô màu đỏ của đĩa lồng mứt, nổi bật giữa các màu xanh đỏ, tím vàng của mâm mứt bánh ngày tết Huế.
Để chuẩn bị cho món mứt độc đáo ấy, bà o tôi phải lựa từng trái cà pháo thật đều nhau, đem muối trước hai tháng cho chín cà. Tôi còn nhớ bà cứ căn dặn năm chén cà, một chén muối, nén cho thật chặt. Mãi tới gần Tết ta, lũ con nít chúng tôi ngồi quây quần quanh lò than ấm áp và xem bà, các o ngồi gọt vỏ. Ai gọt không sạch là không được với bà vì để còn sót chút vỏ là trái mứt không khéo nữa. Ôi chao, phải dùng cái dao lam mỏng dính, là là quanh trái cà thật nhẹ nhàng, mới biết ai là người khéo tay. Trong các cháu dâu, mạ tôi là người luôn được bà khen gọt cà khéo, nhờ mạ tôi là người có tiếng làm mứt kim quất, gọt kim quất giỏi không ai bằng. Gọt xong phải dùng cây tre vót nhọn đầu đâm ở cuống lấy hột ra, sau đó bỏ phần cồi ở giữa trái cà. Chưa hết, công đoạn phơi nắng mới là điều kỳ diệu nhất, bà dùng chanh vắt lấy nước, bỏ cà vô, đem phơi nắng ba ngày. Cứ mỗi ngày xả nước lạnh rồi phơi nắng hai lần. Tiếp theo là hỗn hợp rượu, chanh, một chút phèn chua cho vào nước nấu sôi, rồi thả cà vào quậy một chút là phải đem ra xả nước lạnh nhiều lần cho đến lúc nào nếm thấy nước hết chất chua của phèn. Lúc này, cái trái cà pháo đã biến thành một nàng công chúa thanh mảnh màu trắng trong suốt, đáng yêu.
Tiếp theo là đến lúc chuẩn bị cho công chúa lớp áo kiêu kỳ. Phải lường cà, đường, vani, nước cho đúng, đem sên cho tan đường và sệt lại thì bỏ cà vô, đảo thiệt nhẹ tay cho đến khi đường khô. Lớp đường áo bên ngoài được chăm chút để sao cho như là lớp áo voan trắng tinh khiết đến ngẩn ngơ. Nếu không nói, không ai biết được cái quả bé nhỏ xinh xinh ăn như tan nhẹ nhàng trong miệng đó là từ trái cà pháo muối của bà o tôi.
Món mứt độc đáo đó bà truyền dạy cho chúng tôi như một truyền thống của gia đình. Hằng năm, trong mâm cỗ ngày Tết, chị em chúng tôi đều chia phiên nhau làm để cúng bà. Giữa không gian ngan ngát mùi trầm hương, đắm trong sắc mai vàng ngày Tết, trái mứt cà pháo cứ mãi lung linh trong tôi, sáng ngời tấm lòng bà tôi ngày ấy.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top