Mắm Kho Bông Súng - Dư Vị Quê

Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm...

Mỗi lần nghe lại hai câu ca dao trên, người dân An Giang và Đồng Tháp lại hoài niệm về mùa cá linh và mùa bông súng trắng đồng.

Bông súng từ lâu đã được bà con miệt vườn xem như một thứ hương đồng cỏ nội, một món quà của thiên nhiên ban tặng người nghèo trong mùa nước nổi. Vào những ngày này, tại các huyện đầu nguồn An Giang, đặc biệt phía bên kia kênh Vĩnh Tế, mỗi ngày có đến hàng mấy chục người chèo xuồng đi nhổ bông súng khiến sinh hoạt mùa lũ trở nên sôi động khác thường.

Tuy không kiêu sa đài các, nhưng loài hoa này luôn giữ mãi trong lòng người Nam bộ dư vị dịu êm của miệt đồng: Tôi lại về đây vẫn mái dầm khua đêm trước... Ơ mắm đồng nhà ai mùi khói thoảng thơm bông súng nở trắng ngần trong gió chiều miên man dìu dịu...(*)

Bông súng là loại sáng nở chiều tàn. Vào mùa nước nổi, trên các cánh đồng bưng mọc toàn bông súng trắng, bà con thường bơi xuồng ra đồng nhổ vào sáng sớm. Nhiều nhà nghiên cứu cho biết bông súng nở quay về hướng mặt trời nên cọng bông súng có tính ấm và ôn.

Người sành điệu thường ăn bông súng kèm với nhiều món ngon hấp dẫn như cá kho, thịt kho hoặc làm dưa chua, xào tép, tuyệt nhất là chấm mắm kho cá linh. Bởi thế dân gian mới ca ngợi: Mặn mà lẩu mắm cá linh/ Bông súng, điên điển chấm vào quên no.

Nhằm tạo cho món ăn thăng hoa, dân sành điệu ẩm thực còn vẽ vời nạo dừa khô trộn chung với bông súng để chan mắm vào, vừa lùa vừa húp một cách ngon lành. Canh chua bông súng cũng là món ăn dân dã thường ngày.

Ai đã từng sống ở đồng bưng, ai đã từng chiến đấu trên các nẻo đường miền Tây chắc hẳn không bao giờ quên món canh chua bông súng của mẹ nấu:

Đêm đêm về em vượt mấy đồng bưng... giặc Mỹ ngăn em bằng tàu bay súng trường đại bác, mẹ vẫn đợi em bên nồi canh bông súng ngọt ngào (***).

Gần đây, nhiều nhà hàng đã có sáng kiến làm món gỏi bông súng vừa ngon vừa hấp dẫn không thua bất cứ loại gỏi nào. Những ai từng ca ngợi món gỏi ngó sen hay gỏi bồn bồn, chắc chắn sẽ không khỏi bất ngờ khi chạm đũa vào đĩa gỏi bông súng vì nó vừa lạ miệng, vừa mềm mại và quyến rũ! Nhất là trộn với tôm, thịt và ăn kèm bánh phồng tôm càng kích thích vị giác.

Cách làm cũng dễ thôi nhưng đòi hỏi phải công phu, tỉ mỉ. Bông súng đem lột sạch lớp da bên ngoài rồi cắt khúc, rửa sạch, có thể ngâm nước đá để tăng độ giòn, xong cho tỏi, ớt, chanh, đường và nước mắm vào. Sau đó đổ tôm sú luộc và thịt nạc khìa xắt mỏng vào trộn chung. Nhiều đầu bếp khéo tay còn chăm chút rắc thêm rau răm, ớt đỏ thái chỉ, hành tây... vừa để trang trí vừa làm tăng thêm hương vị đậm đà, nhìn vào là phát thèm và muốn khám phá ngay mùi vị đặc trưng của bông súng hương đồng gió nội.

Ngoài làm gỏi, nhiều người khéo tay còn làm thêm món dưa chua bông súng cũng không kém phần thi vị: Bồn bồn bông súng làm dưa/ Cá kèo kho quẹt ăn no vẫn thèm...

Những món ăn đậm chất dân dã nhưng hương vị đậm đà nhờ độ giòn, hòa lẫn với vị chua, cay, nồng khiến thực khách dù chỉ thưởng thức một lần thôi cũng đủ nhớ đời...

Bông súng có tên khoa học là Nymphaea Spp, thành phần gồm có nước nên có tên là Waterlilies, nhiều chất xơ, ít dinh dưỡng nhưng bà con rất thích bông súng vì đây là loài rau sạch, không bị nhiễm hóa chất. Thời chiến tranh thiếu thốn, bà con nông dân nghèo thường móc củ co và hái trái bông súng về luộc ăn, tuy là món ăn chơi nhưng cũng tạm no lòng.

Bông súng có nhiều loại, trên thế giới có tới 65 loài (**). Ở Việt Nam có ít nhất 5 loài, phổ biến nhất là bông súng đỏ, thường trồng trong ao hồ, hoa nở quanh năm, cọng, hoa và lá rất to. Kế đến là bông súng trắng, thường mọc tự nhiên ngoài đồng trong mùa nước nổi, cọng to, cánh hoa màu trắng, nhụy vàng, cọng có thể dài trên 4m. Ngoài ra còn một loại bông súng cọng nhỏ, cánh hoa màu xanh đọt chuối, đài hoa trắng, gọi là bông súng ma.

(*) (***) Trích bài Bông súng trắng của soạn giả Ngô Hồng Khanh.
(**) Bài viết Mùa bông súng và củ co của tác giả Lương Thư Trung.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tận#vân