Về Với Lá Thôi
Trở lại với những nền nếp sinh hoạt của cha ông, lối sống thanh đạm, gần gũi thiên nhiên, cũng là đem lại sự nhẹ nhàng, thanh khiết cho tâm hồn.
1. Trước khi đi làm, chị tranh thủ bỏ mấy túi giấy vào cốp xe máy, để chiều về ghé mua thực phẩm cho buổi tối có túi đựng sẵn nếu nơi bán hàng không có. Gần đây, nhiều nơi đã có túi giấy cho khách hàng đựng đồ thay cho túi ni-lông nhưng thói quen dùng túi ni-lông vẫn còn khá phổ biến. Lâu nay, người Việt thường lấy túi ni-lông đựng hàng, tiện dụng để xách đi, treo móc trên xe, song sự tiện dụng này đem lại cái giá đắt cho môi trường. Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư trên thế giới về xả chất thải nhựa ra môi trường biển. Dọc các bờ biển Việt Nam, nhiều nơi rác ni-lông ngập ngụa trên bờ, dưới đáy biển. Rác thải nhựa cũng chiếm tỉ lệ đáng kể trong nguồn rác thải ra mỗi ngày. Những chai nước, ly nhựa, ống nhựa từ các hàng quán qua tay người dùng, thải ra môi trường là rất lớn. Chỉ hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, trung bình một ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni-lông, đều là những chất phải mất đến hàng trăm năm mới phân hủy được...
Chị mừng khi nhiều đồng nghiệp và bạn bè cũng bớt dần dùng túi ni-lông, tiến tới nói không với túi ni-lông trong sinh hoạt hằng ngày.
2. Chị nhớ những ngày xưa. Bà và mẹ cắp chiếc mủng tre, nhẹ nhàng ra chợ. Trưa về trong chiếc mủng là rau trái, tôm cá, lót dưới lá chuối. Cả những chiếc kẹo, tấm bánh cho lũ cháu, con như chiếc kẹo ú, kẹo cau, chiếc bánh ít, bánh dừa cũng gói trong lá chuối, lá gai, lá dừa hay đặt trên lá chuối.
Rồi thời gian trôi, chị lớn dần lên. Những năm 1970, với kỹ thuật tân kỳ, hàng nhựa lên ngôi. Bắt đầu các bà các cô xách chiếc làn nhựa đi chợ. Ở nhà, những thau chậu, rổ rá bằng nhựa thay dần cho vật dụng bằng tre hay nhôm, inox. Phải đến thế kỷ XXI, trải qua mấy chục năm, đủ để loài người nhận ra "lợi bất cập hại" của nhựa, nhất là với môi trường ngày càng xấu đi; chưa kể những thức ăn nóng khi đựng trong túi ni-lông có thể gây ra những nguy hại cho sức khỏe con người.
Chủ Nhật, cùng chị ra siêu thị, mẹ chị vui ra mặt khi thấy tại quầy bán thực phẩm, rau quả đã dùng lá chuối gói lại. Mẹ nói nhìn những bó cần tây, măng tây, rau muống, rau thơm... gói trong lá chuối thấy thân thương làm sao. Bà nhắc chị nhớ lại ngày bé ra bờ rào hái cho mẹ những chiếc lá vông để đậy các hũ mắm nhà làm. Những chiếc lá kỳ diệu, nhỏ bé mà nhiều công dụng, từ gói những chiếc bánh, chiếc nem đến đậy đệm nhiều món ăn dân dã. Những chùm lá cũng được các chị các cô để trong thùng nước trong veo để gánh từ giếng làng về mà không sóng sánh, tràn ra.
3. Ra đường, vào quán, vào chợ, những chiếc túi ni-lông vẫn còn nhiều lắm, nhất là với những người buôn bán nhỏ, hàng tạp hóa. Hạn chế dần dùng túi ni-lông là người Việt đã xác lập một thói quen sinh hoạt, một lối sống thân thiện với môi trường để nghĩ về sự phát triển bền vững là xu thế chung của toàn cầu. Một số hàng quán tại TP lớn đã dùng ống hút tre, ống hút tự hủy. Có nhà hàng thông báo không dùng hộp nhựa, khách mua về thì đem đồ đựng. Chị tin rằng người Việt sẽ làm được, nhất là người Việt hàng ngàn năm quen sống gần với thiên nhiên, thân thuộc với cây tre, bụi chuối, hàng dừa. Ăn cơm đũa tre vẫn dễ cầm, ngon miệng hơn đũa nhựa. Món chả lụa bánh dày kẹp trong lá chuối cầm vừa tay và ngon bởi màu sắc, hương vị, chất liệu làm nên. Món bún đậu mắm tôm đặt trong mẹt tre, lót lá chuối xanh nhìn ưng cái bụng, mát mắt, đánh thức vị giác thực khách ngồi quanh.
Về với lá thôi. Cho cuộc sống quanh ta giữ được màu xanh với sự đồng lòng của cộng đồng, xã hội. Trở lại với những nền nếp sinh hoạt của cha ông, lối sống thanh đạm, gần gũi thiên nhiên, cũng là đem lại sự nhẹ nhàng, thanh khiết cho tâm hồn. Một lối sống cần có, nên có trong thời kỹ thuật số.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top