Rổ Rá Thì Phải Cạp

Mẹ thằng Bớp bỏ hết đi theo trai. Bỏ căn nhà cấp bốn trong con hẻm nghèo ngoằn ngoèo chứa trong lòng nó ông bà già chồng, một chồng, một con trai, một con gái. Mà bỏ cũng phải, người không ưa ba thằng Bớp phán ngon ơ vậy.

Ngày ba thằng Bớp cưới vợ, trai trong hẻm Cây Khế nhìn mà ngẩn ngơ. Cái thằng, đỉa mà bu được chân hạc. Cái thằng, có chút éc, dáng ngồi đầu gối quá tai, da trắng như cục than bóc nõn, chỉ được nết siêng làm mà rinh được hẳn một cô vợ đẹp đến phát khóc.

Mà cũng chưa kịp nghe chuyện quen biết, cưa cẩm gì, đùng cái kêu cưới vợ. Tưởng vợ cũng tàng tàng, ai dè. Thôi đích thị con nhỏ có chuyện gì uẩn khúc nên phải về theo thằng này. Rồi người ta tưởng tượng, thử nhìn mặt cô dâu coi, y chang bị lừa, cưới chồng gì mà không cười nổi một nụ.

Mặc kệ mọi bàn tán lèo xèo, mười tháng sau thằng Bớp ra đời. Chưa biết ngồi nhưng đã rõ dáng đầu gối quá tai. Ba năm sau thằng Bớp có em gái còn xinh hơn cả mẹ. Đã vậy hai anh em thằng Bớp còn thân thiết nhau. Ông bà nội thì khỏi nói, cưng dâu như trứng mỏng. Không giàu không sang thì cưng theo kiểu không sang không giàu.

Từ ngày về làm dâu, mẹ thằng Bớp nghỉ làm công nhân, chỉ lo chuyện chửa, đẻ và nuôi con. Bố mẹ chồng có xe chè các loại, đẩy đi bán cũng kiếm lai rai. Chồng làm hồ, Chủ Nhật nghỉ làm cho ông thầu thì tự kiếm việc sửa chữa nhà này nhà khác mà làm, có khi ngày kiếm tiền triệu, tiền làm bao nhiêu giao hết cho vợ. Nhưng mà vẫn thiếu.

Nhưng mà con Hạc vẫn có nét buồn buồn gì đấy. Khi em thằng Bớp đủ tuổi, mẹ nó đi làm công nhân lại. Và ngày vui cũng tàn. Đánh nhanh, thắng nhanh và cũng giải tán nhanh, kết thúc một cuộc tình, cũng giúp mấy cái loa xóm phố có chuyện mà bình.

Mẹ thằng Bớp đi làm gặp lại người tình xưa. Cuộc gặp giúp mẹ nó rút ra một điều, mấy năm rồi mẹ nó và cả người ta đều đã sai lầm. Mà sai thì phải sửa. Trai có vợ, gái có chồng gá nghĩa với nhau thì chỉ có nhà trọ làm tổ. Mà nhà trọ thì sao mang theo con dù có thương đứt ruột.

Ba thằng Bớp biết chuyện ngày xưa người ta lấy mình vì lẽ gì, nay người ta tìm lại được hồn người ta thì không trách, chỉ thương. Vài lần gặp năn nỉ, đi theo người ta mà ở nhà trọ, nheo nhóc, thôi về đi, tui quên hết rồi. Nhưng mẹ thằng Bớp có quên được người dưng đâu mà về với ba nó?

Ban đầu, mẹ hay thập thò đầu hẻm hẹn gặp anh em thằng Bớp. Gửi vài đồng quà, tấm bánh, bịch nước mía, nói dăm ba câu, ôm mái đầu khét mù của anh em nó, dùng dằng rồi lại đi. Có khi mẹ thuê xe ôm, xin ba chở hai anh em nó đến chơi phòng trọ. Nhưng người kia không ưa, ba nó cũng không ưa.

Mẹ đi, giờ ba giầu heng Bớp, trả hết nợ cho mẹ, lại có xe tay ga. Ba trả được nợ không phải tại mẹ đi mà tại tụi con lớn, ba không phải tốn nhiều tiền nữa. Về đi ha mẹ, ba buồn, uống rượu hoài. Nội cũng buồn, nội nói mẹ về Nội vẫn thương như trước.

Về ha mẹ. Nói đâu cỡ chục lần, giờ nó hận mẹ không chịu gặp mặt nữa, cả nhỏ em cũng hận mẹ theo anh.

Ba thằng Bớp buồn sang quán cà phê tại gia của mẹ Bủng nói chuyện dưới đất trên trời cho nó quên câu chuyện buồn. Ngày làm thợ hồ, mà thợ cả lương ngày ba trăm ngàn chớ ít gì. Chiều về tắm rửa, cơm nước, nhớ vợ chẳng biết đi đâu, tìm đâu lại qua uống cà phê bên nhà Bủng. Thủ theo hai, ba trái ổi rủ mọi người ăn chung. Ăn hết chừng hai, ba tạ gì đấy thì Bủng về làm mẹ thằng Bớp.

Mà tối nào câu chuyện cũng xoay quanh con Hạc. Có cả Bủng và mấy người làm chung công ty tới góp phần.

Chuyện bữa nay nó mập, ốm, trắng hay đen; lương nó tháng này bi nhiêu; hôm nay nó gặp ai, nói gì, ngó bộ ra sao; bữa nó về nhà thăm con bị mẹ chồng nói gì, con nói gì, nó nói gì; chuyện ngày xưa tại sao nó lấy ba của thằng Bớp; chuyện cái bản mặt thằng cướp vợ người ta với mồm ngang mũi dọc mắt mọc hai bên như thế nào... ôi chao ôi, nói suốt đêm, suốt tháng còn chưa hết.

Con Bủng khoái đề tài này lắm, tham gia hăng hái ra trò. Ôi trời ơi, thấy người ta vợ với chồng, khổ chưa; khổ cả mẹ cả cha, cả con cả cái, như tui nè, phẻ re! Nó còn tình nguyện làm liên lạc giữa hai người. Rồi bình luận, phân tích nghe cũng sắc sảo, chí lý lắm. Nhưng mà đề tài có hay cách mấy cũng phải nhàm.

Phố xóm này có bao nhiêu chuyện kiểu như ông Năm tự thiêu, bà Sáu có thằng con nghiện kết hợp HIV, lão Tửng mới kiếm chuyện mua rẻ ngôi nhà hương hỏa và đuổi hết anh em ra khỏi nhà... hấp dẫn và nóng hổi kiểu đó thì chuyện nhà thằng Bớp thành con tép ngay.

Câu chyện nhà thằng Bớp không còn nóng nữa nhưng tối nào ba nó cũng đến nhà Bủng ăn ổi. Cái miệng nhai ổi trệu trạo như nhai rơm. Mùa khô mọi người còn phụ ngồi nhai, mùa mưa ổi nhạt phèo mà thằng chả vẫn mang đến, xẻ ra, chấm chấm, nhai nhai.

Sao không mang bánh tiêu, bánh bao hay bánh ngọt gì đến, ổi, ổi hoài vậy cha? Chỗ quen biết, nể mặt lắm phụ ăn cho khỏi lãng phí nha. Nhưng phụ được vài bữa chớ ai phụ hoài. Chỉ có Bủng chủ nhà ở tình thế buộc phải phụ và vui vẻ phụ, rồi còn cung cấp thông tin cho ba thằng Bớp về con người tệ bạc không hiểu nổi nọ.

Bủng hai lăm tuổi nhưng dáng dấp bằng đứa lên mười. Nhà có bốn chị em nhưng nhìn đội hình thấy rõ chị cú, các em tiên. Nghe đâu hồi nhỏ bị bệnh gì đó nan y lắm, tưởng không qua khỏi, may chữa trị dài ngày, thuốc men đủ thứ vào người thì giữ được mạng nhưng con nhỏ hết lớn luôn. Nhưng bù lại, khuôn mặt Bủng rất ưa nhìn, cũng mắt sáng, mũi cao, cái miệng cười duyên và nước da ngăm ngăm mặn mà.

Bủng cũng làm công ty may dày da của mẹ thằng Bớp, làm mấy công việc dạng lào cào thôi, sức đâu. Công ty nhận Bủng cũng là một cách đảm bảo lượng lao động coi như khuyết tật để vừa đảm bảo theo quy định, vừa thể hiện đạo đức trong kinh doanh gì đấy. Hai lăm tuổi nhưng Bủng chưa yêu ai bao giờ vì đã có ai yêu đâu.

Nhưng Bủng là người yêu đời. Trước khi đi làm, sau khi đi làm về Bủng tranh thủ phụ má bán cà phê. Khách toàn dân trong xóm. Vừa bán vừa giỡn hớt, chọc ghẹo, cười nói ì èo. Con Bủng này tính tình, mặt mũi cũng được nhưng riêng điệu cười thì không ngửi được. Gặp chuyện nghe đã lỗ nhĩ thì ré lên rồi sằng sặc, sằng sặc như bị dìm nước.

Mày cười cái kiểu gì vậy Bủng. Con gái con đứa, nhà bán cà phê mà sáng nào cũng ngồi hóng chuyện đủ thứ dưới đất lên trên trời rồi trên trời xuống dưới đất. Mày cười kiểu đó rồi sao ha Bủng? Vài lần má nó sừng sộ chỉnh đốn. Nhưng mà Bủng quen rồi, cười vậy mới đã. Cười mà cũng đòi có kiểu.

Kiểu gì hén, tui cười kiểu muốn lấy chồng đó, được chưa? Vậy là xóm phố có chuyện mới mà bàn. Câu chuyện được phiên ra, loang đi nhanh như tia chớp: Chuyện con Bủng cười điệu muốn cưới ba thằng Bớp. Gì chớ chuyện này thì cả xóm nhất trí OK.

Mỗi tối, người ta ý tứ dành cho Bủng và ba thằng Bớp một khoảng không gian, thời gian riêng tư sau khi kết thúc những câu chuyện bàn luận thường ngày.

Anh em thằng Bớp tối nào thấy ba còn xớ rớ ở nhà chưa đi cà phê còn biết nhắc; coi bộ hai đứa khát mẹ lắm rồi. Những lúc ba nói chuyện với dì Bủng, thỉnh thoảng hai đứa còn chạy ra chạy vô kiếm chuyện. Mà kiếm chuyện những lúc này là dễ hưởng lợi nhất. Gì chớ cái bánh bao, lon nước ngọt hay bịch snack là những chuyện trong tầm tay.

Lúc ấy, ngó Bủng cũng dịu dàng, nũng nịu ra trò. Tuyệt nhiên không còn nghe tiếng cười điệu muốn lấy chồng nữa. Hình như sắp cưới rồi còn gì.

Tui nói với Bủng, rổ rá thì phải cạp mới chắc, mới dùng được, cạp xổ thì cạp lại. Ê giờ người ta xài rổ nhựa, rổ inox không, làm gì còn vành với cạp.

Ông nói vụ này nghe cũ ri, hèn gì bả bỏ đi là phải. Sao ngày xưa không thèm dòm ngó đến người ta, mà người ta cũng gần sát vách chớ xa xôi gì. Giờ kêu rổ rá cạp lại, nghề thủ công truyền thống, anh cạp lại chớ tui cạp lần đầu à nha. Ham vợ đẹp làm chi, giờ cho biết mùi đau khổ là gì.

Tui nói Bủng làm ơn nghe cho hết, chưa gì nhảy vào họng người ta, con gái con đứa! Mai rày về một nhà, nói năng kiểu đó mấy đứa nhỏ nó học theo là mệt à nha. Ừa tui vô duyên vậy đó, chịu thì về, không thì thôi, tui ở với ba má cũng cười khỏe re.

Ừ Bủng cứ chửi tui đi. Nhưng hồi tui cưới má thằng Bớp, Bủng mới chút éc, đẹt ngắc mà trách tui cái nỗi gì. Mà Bủng có ưng thì về, không thì thôi, chửi cho đã miệng làm gì, khổ tui.

Tui về là để thằng Bớp đi học lại, để con Lượm có người cột tóc, chở đi học mỗi sáng, không phải về vì ông à nha. Tui về nhà anh là tui phải hi sinh dữ lắm đó, tui biết không sung sướng gì đâu. Mà tui không ế đâu nha. Cũng có người đeo tui như đỉa đói mà tui chưa chịu đó nha. Mà tui về với anh, người ta nghĩ lại người ta cũng về thì sao, anh tính tui nghe thử coi.

Tui biết mà, thằng Nâu heo sạch mới vô công ty chứ gì? Ừa. Mà Bủng biết sao kêu nó là Nâu heo sạch, sao nó vô công ty không. Là nó khoe nó nuôi heo không cho ăn cám mà ăn... sổ đỏ không đó. Ăn sổ đỏ nên sạch, mà sạch tiền nên nó vô công ty. Thương tui về với tui thì phụ lo hai đứa con còn thương thằng Nâu thì phụ làm lấy tiền chuộc sổ đỏ, Bủng chọn đi.

Tui về nhưng anh không được nhớ đến người ta nữa nghen. Nhớ là tui về lại nhà tui liền. Nhà tui cách có hai mươi mét chớ đâu xa. Ờ nhưng lỡ anh phụ tui tui cũng không về ba má đâu, nhục lắm, tui ra sông Đồng Nai, tui nhảy ào xuống cho rồi. Mà anh với người ta ra tòa chưa. Để tui khỏi mang tiếng giật chồng người ta.

Bủng nghĩ chuyện xui không à. Ừ, về vì gì cũng được, miễn là về. Nhớ làm chi cái con người bội bạc. Tui với ba má tui bàn rồi, không có cửa đâu; năn nỉ hết nước hết cái rồi, không nghe thì ráng chịu, Bủng lo chi chuyện ở đâu.

Tui chờ, tui năn nỉ cả hơn năm nay rồi Bủng không thấy sao. Người ta còn tình, còn nghĩa người ta biết đường biết lối, người ta nghe con nó năn nỉ cỡ đó, người ta đã về. Tối nào tui không ngồi bên nhà Bủng. Mà tui với người ta có ra phường ký giấy đâu mà phải ra tòa.

Tui về nhưng không được bắt tui... đẻ đâu nha! Có anh em thằng Bớp là đủ rồi. Tui nhìn con nít đỏ đỏ, ngoe ngoe tui ớn lắm. Mà tui sợ đau nữa, người ta nói đau đẻ muốn thấy mấy ông trời luôn.

Tui về, mang cái mình không thôi nha, tiền lương công nhân ít xỉn nhưng tui phụ ba má cất nhà rồi.

Tui về, anh vẫn đi làm chăm chỉ y vầy nha, đừng ỷ y cho tui, tui không đủ sức cày đâu, mà ba má anh cũng già rồi.

Tui về...

Tui về...

Ừ, Bủng cứ giao ước đi, gì cũng chịu hết. Cả nhà đang mong chờ Bủng về mà.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn