Những Người Không Liên Quan
Vừa cho thức ăn vào tủ, nhân lúc chưa có khách, bà hủ tiếu băng qua đường, sang bên tiệm của bà bánh mì làm ly trà đá cho hạ nhiệt. Dù có xô trà đá dưới gốc cây đằng kia nhưng bà vẫn muốn tranh thủ tỉ tê với người bạn hàng của mình. Người Bắc kẻ Nam, cùng cảnh tha hương rồi cùng cảnh hàng rong hồi nào không hay. Nhưng công việc đầu tắt mặt tối, có chăng chỉ đôi câu với từ bên này qua bên kia, không phải lúc nào hai người cũng rảnh rỗi mà ngồi nói chuyện với nhau.
- Dễ sợ - vừa ngồi xuống chiếc ghế nhựa bà hủ tiếu vừa chặc lưỡi thở dài - Nắng kiểu vầy hoài chắc chết!
Chưa kịp kêu ly trà đá như mục đích ban đầu, bà đã nghe bà bánh mì thủng thẳng:
- Thằng đó là ma chớ không phải người!
Nghe xong, bà hủ tiếu nhận ra trên chiếc ghế bên cạnh đã có một ly trà đá vàng ươm, mát lạnh. Đương nhiên, ly trà đó là dành cho bà. Bà hủ tiếu ngạc nhiên, không phải vì sự xuất hiện của ly trà đá khi bà chưa kịp gọi, mà vì câu nói vừa thốt ra của bà bánh mì.
- Thằng nào? - bà hủ tiếu hỏi lại.
Bà bánh mì vẫn giữ thái độ điềm nhiên như lúc đầu:
- Thằng nhóc hay qua đây bán vé số đó. Thật, con nít ranh!
"Thằng nhóc bán vé số thì mình biết - bà hủ tiếu nhủ trong bụng. Sao bà bánh mì lại gọi nó là ma?".
Bà bánh mì chừng như hiểu rõ thắc mắc của người đối diện, vội đáp:
- Chẳng hiểu ai dạy mà nó nói những câu đến tui nghe cũng sợ!
- À - bà hủ tiếu như reo lên - nghe bà nói tui mới nhớ. Có bữa xế nọ, bên tiệm tui cũng đông khách lắm. Đúng lúc đó, thằng nhóc mang xấp vé số bước vào, miệng lanh lảnh: "Thử vận may đi cô chú ơi! Vận may không của riêng ai". Nghe nó rao vậy, có vị khách nọ mới kêu lại hỏi: "Ê nhóc, vận may có thiệt không?". Thằng nhóc có khuôn mặt thanh tú mỉm cười: "Thiệt chớ sao không, chú! Sống ở đời, mọi sự vẫn cần đến may mắn mới thành. Như con nè, ngày nào cũng đi bán vé số, có bữa may mắn gặp được nhiều khách người ta thương, người ta mua hết nên được về sớm. Còn mấy người mua, không phải ai mua cũng trúng". "Mua không trúng thì mua làm chi, nhóc?" - ông khách hỏi vặn.
- Bà biết thằng nhóc trả lời sao không?
- Sao? - bà bánh mì vội hỏi.
- Không một chút nao núng, nó nhìn ông khách rồi nói: "Dạ. Là xác suất trúng không nhiều nên mới cần đến may mắn. Cái gì càng hiếm mới quý. Má con vẫn nói vậy đó chú!". Ông khách nọ cười khà: "Khá, thằng này khá. Thôi đưa đây tui mua năm tờ, thử vận may coi sao!". Dễ sợ thiệt!
- Trời! - bà bánh mì thốt lên khi bà hủ tiếu vừa kết thúc câu chuyện - Tui là tui chịu nó rồi đó! Chẳng biết con cái nhà ai mà khổ vậy, rồi có được học hành gì không. Nhìn mà thương!
- Tui lạy bà! - bà hủ tiếu vội xua tay - Thương quá hóa dại. Có khi nó nằm trong nhóm người chăn dắt nào đó. Diễn là nghề của nó rồi. Thời buổi bây giờ, những chuyện như vậy nhan nhản trên báo. Có khi, cả tui và bà cùng mấy người khách đặt lòng thương sai chỗ không chừng. Người đáng thương là tui và bà đó!
Nhác thấy khách đến, bà hủ tiếu lật đật chạy về làm đồ ăn cho khách. Bà bánh mì nhìn theo, khuôn mặt thất thần. Chẳng phải bà không biết những chuyện mà bà hủ tiếu vừa nói. Nghĩ đến thằng nhóc kia, bà bánh mì nửa như muốn tin nửa lại không dám. Bất giác, bà thở dài một cái.
***
Bẵng đi mấy hôm, trong lúc chờ mối mang bánh đến, bà bánh mì băng qua đường, tay cầm theo tờ báo đã hơi nhàu. Vừa sang đến tiệm của bà hủ tiếu, bà bánh mì liền chìa tờ báo ra:
- Bà xem, tui có đọc mà đang không biết phải nó không?
Bà hủ tiếu nhận tờ báo, đọc đúng bản tin bà bánh mì mở sẵn. Bản tin cho hay, trong lúc lượm trái cây lăn xuống đường giúp một người phụ nữ bị ngã xe thì cậu bé tầm mười tuổi bất ngờ bị một chiếc xe máy tông vào. Cậu bé hiện vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Bản tin còn cho biết hiện tại vẫn chưa liên hệ được với thân nhân của cậu bé.
Đi kèm bản tin là hình ảnh cậu bé, do chụp xa, không rõ mặt nhưng bà bánh mì có cảm giác đó là thằng nhóc bán vé số. Bà bánh mì đánh liều, hỏi luôn:
- Bà có thấy giống thằng nhóc hay qua đây không?
- Ảnh nhỏ quá, tui nhìn không rõ.
- Mấy nay không thấy nó qua chỗ mình, không chừng là nó...
Giọng bà bánh mì có chút ngập ngừng. Không đợi bà bánh mì nói hết câu, bà hủ tiếu liền xổ ra một tràng:
- Thôi bà ơi, người dưng nước lã hơi đâu phải bận lòng. Chắc gì nó giúp người ta, có khi nó lao vào hôi của ai mà biết được!
Giọng bà hủ tiếu đanh sắc. Khi đó, có lẽ vì đang bận soạn hàng nên bà hủ tiếu không nhìn thấy nét chưng hửng trên khuôn mặt của bà bánh mì.
***
Hé nhìn qua cửa sổ, thấy bà hủ tiếu đang nằm trên chiếc nệm được trải dưới nền, bà bánh mì mừng rỡ:
- Trời ơi, đúng bà rồi! Mở cửa cho tui mau lên.
Bà hủ tiếu khó nhọc nhìn ra ngoài, nhận thấy người quen bèn gắng gượng ngồi dậy. Khi cánh cửa chính vừa được bật chốt từ bên trong, bà bánh mì vội ùa vào, giọng sốt sắng:
- Bà sao rồi, đã thuốc thang gì chưa? Ở cái chỗ gì mà quần quật cả sáng mới tìm ra.
- Bị bong gân thôi bà ơi, cũng đỡ rồi. Ngày mai tui bán trở lại.
Như sực nhớ ra, bà hủ tiếu nhìn bà bánh mì hỏi dồn:
- Bà đi vầy rồi ai bán hàng?
- Sáng nay tui mang xe ra nhờ được người coi rồi, lát quay về bán lại. Mà bán thêm một bữa không giàu, nghỉ một bữa cũng không nghèo đi. Mấy hôm không thấy bà dọn hàng, lòng tui lo lo lạ. Vừa hôm qua, hỏi thăm vòng vòng mới hay bà bị té.
Bà bánh mì nói xong rồi đưa ra túi trái cây:
- Tui mang đến bà ăn cho nhanh khỏe. Có tuổi hết rồi, đi đứng phải cẩn thận bà ơi.
Đôi mắt bà hủ tiếu rưng rưng nhưng cũng cố tỏ ra bình thường:
- Bà bày vẽ làm gì cho tốn tiền.
- Mà chưa hết đâu - bà bánh mì nói như reo - có cái này cho bà nữa đây.
Bà bánh mì chậm rãi lấy ra chiếc bánh bông lan nãy giờ nằm im trong túi.
- Đây, người ta nhờ tui gửi cho bà.
- Ai vậy? - bà hủ tiếu ngạc nhiên.
Bà bánh mì chưa vội trả lời mà thủng thẳng:
- Cái thằng đúng là ma! Ờ, thằng nhóc bán vé số đó!
Lần này thì bà hủ tiếu không giấu nổi sự ngạc nhiên lẫn thảng thốt:
- Nó gửi cho tui thật à? Sao nó lại gửi cho tui?
- Thật chớ sao không thật!
Xong rồi bà bánh mì kể:
- Chiều hôm qua nó ghé bán vé số, nhìn sang chỗ bà rồi hỏi tui: "Sao mấy nay không thấy bà Tư đi bán bà ha?". Tui nói với nó chuyện tui cũng mới biết tin bà té, cái khuôn mặt nó rầu rầu: "Thương bà Tư quá hà!". Nghe vậy, tui mới hỏi nó: "Sao thương, cưng? Bả người dưng nước lã thôi mà".
Bà bánh mì ngừng một lúc rồi hỏi:
- Bà biết nó nói sao không?
Bà hủ tiếu nãy giờ chăm chú nghe, được hỏi thì giọng có phần sốt sắng:
- Sao bà?
- Nó bảo: "Có mấy nơi con đến người ta toàn đuổi đi không à, sợ làm phiền khách. Còn bà Tư thì để con bán vé số chỗ tiệm. Bà Tư là người tốt".
Bà hủ tiếu cầm chiếc bánh bông lan, chưa vội ăn mà ngồi bần thần một lúc.
- Vừa mới sáng nay thôi - bà bánh mì lên tiếng - khi nó ghé đến gửi bánh cho bà, tui mới giả vờ hỏi nó: "Sáng nay bà ghé thăm bà Tư nè, cưng có đi cùng không?".
- Rồi nó nói sao? - bà hủ tiếu lại sốt sắng.
- "Con muốn đi lắm, mà con phải đi bán" - bà bánh mì thuật lại - Mà chưa hết đâu, lúc tui biểu "thì đi một chốc rồi về. Bà cũng đi một chốc rồi về, đi với bà nha".
Bà bánh mì cười thành tiếng:
- Tui nói giỡn chút, ai ngờ khuôn mặt nó lúng túng đến tội. Nhưng bà biết không, một lúc sau thì giọng nó đầy dứt khoát: "Dạ, hông được đâu. Con phải đi bán, bán không hết về dì Ngọc quýnh".
- Dì Ngọc là ai?
- Tui cũng thắc mắc như bà vậy đó. Ban đầu thằng nhóc có vẻ ngập ngừng lắm, mãi sau nó mới nói thật cho tui nghe. Ờ, là vợ hai của ba nó...
- Ủa, chớ má nó đâu? Đó, tui chẳng đã nói với bà, diễn là nghề của nó rồi, không tin được ai đâu - giọng bà hủ tiếu có phần gay gắt.
- Không phải! Nghe nó kể mà tui thấy thương quá thể!
- Vậy chớ không phải nó đang sống với má sao? - Bà hủ tiếu hỏi.
- Má nó chết hồi năm ngoái, chưa hết năm ba nó rước bà Ngọc về. Con mẹ có thương yêu thằng nhỏ gì đâu, ngày nào vé ế, mang ít tiền về thằng nhỏ kiểu gì cũng bị đòn. Mà thằng nhỏ có hiếu ghê đó bà.
Không đợi bà hủ tiếu lên tiếng, bà bánh mì tiếp tục:
- Dạo trước, hai má con nó vẫn đi bán vé số kiếm sống. Má nó dặn dò sao, sau này thằng nhỏ làm y sì vậy. Nó còn nói với tui, khi làm vậy nó vẫn thấy má luôn bên cạnh. Thỉnh thoảng nó nhớ má, chỉ biết khóc một mình không đó.
Sực nhớ ra, bà bánh mì giục:
- Mà bánh này không để lâu được đâu, bà ăn luôn đi. Trời ơi cái thằng này, có ai bày cho không mà biết điều ghê hén. Cái thằng đúng là ma...
Bà bánh mì còn nói nữa, như một niềm vui bất tận mà không mảy may đến đôi mắt đang đỏ hoe của bà hủ tiếu.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top