Kỷ Vật Vườn Nhà Ngoại
Mỗi lần về giỗ chạp ở nhà ngoại, tôi đều ra khu vườn quanh nhà hay nằm trên chiếc chõng dưới hàng tre ở đầu sân và thao thức với những kỷ niệm...
Nhà ngoại và nhà nội tôi ở cùng xóm trong một làng. Hồi nhỏ, có lẽ tôi ở nhà ngoại nhiều hơn nhà nội vì ở đó có dì, có chị và mợ (vợ cậu Hai) thường cho quà bánh. Ngôi nhà của cậu mợ tôi là một kiệt tác bằng tranh tre ở làng. Từng tấm phên bằng tre cật, chấm phá nhiều hoa văn trang trí bằng cách đan độc đáo của cậu - một thợ tre có hạng trong làng. Các nẹp phên và các cánh cửa tuy bằng tre nhưng đều được nuột bằng những sợi mây nước đã hong khô trên giàn bếp nên chuyển sang màu nâu bóng và sắc sảo chẳng khác làm bằng gỗ. Ngôi nhà ngang bên trái tuy nền có thấp hơn nhưng cũng rất đẹp được dùng để đặt bàn ăn, phòng ngủ cho phụ nữ và gian bếp. Đầu chái nhà ngang là nơi để mấy cái chum đựng lúa, cối xay và vật dụng làm vườn. Cạnh đó, phía trước hiên là chiếc cối đá giã gạo...
Hồi nhỏ, tôi đã được biết chiếc cối giã gạo bằng đá do ông bà ngoại mua về từ làng đá Khái Đông dưới chân Ngũ Hành Sơn, cách làng tôi mấy chục cây số. Còn mấy cái chum đựng lúa và ngũ cốc bằng xi măng là do chính bàn tay tài hoa của cậu tôi tự đúc lấy.
Rồi chiến tranh tràn đến làng tôi. Ngoài vài gia đình bám trụ, hầu như cả làng đều bỏ lại nhà cửa đi tản cư. Nhà cửa trong xóm cháy rụi sau những trận giao tranh. Sau năm 1975, chị Hai - dâu trưởng của cậu tôi - dắt con cái về làng cũ và dựng lại ngôi nhà lợp tôn trên nền cũ của ngoại. Anh Hai - chồng chị - đã mất tích trong chiến tranh cách đó vài năm.
Mỗi lần có dịp về làng, tôi đều ở lại với mẹ con chị Hai và lẩn thẩn dạo quanh khu vườn nhiều kỷ niệm ấy. Cái cối đá vẫn còn lăn lóc gần bụi tre vì ít khi dùng tới. Còn cái chum, chị tôi kê bên ảng nước để dự trữ nước mưa. Chị kể: Cũng thiệt lạ lùng, chiến tranh rứa, nhà cửa cháy hết, bom đạn không chừa một người nào mà hai cái này còn nguyên, không một vết xước! Tôi nói với chị: "Ngày em còn nhỏ ở nhà ngoại, không biết bao nhiêu lúa đựng trong chum này, bao nhiêu gạo mợ và dì giã trong chiếc cối kia đã thành cơm cho em ăn. Những dấu tay, những giọt mồ hôi của ngoại, của cậu mợ và các dì đã thấm trong đó". Nghe vậy, chị Hai nhờ người quen khiêng chiếc cối vào, rửa sạch, để cạnh cái chum bên ảng nước. Lại tìm được tấm tôn che lên để... tránh mưa nắng. Ai hỏi mua hay xin, chị cũng lắc đầu. Chị nói không để ở đây nữa thì sau này dành cho tôi thôi...
Đầu năm nay, chị Hai qua đời ở tuổi 81. Sau mấy tháng lần lữa, tuần rồi, đứa cháu lại mượn chiếc xe bò kéo cả cái chum và cái cối ấy ra nhà cho tôi, nó cứ sợ đợt này sửa nhà, thợ thầy vô ý làm bể.
Vậy đó! Tôi đã được thừa hưởng hai kỷ vật của nhà ngoại. Chiếc cối đá tồn tại đã hơn một thế kỷ nay và cái chum ít ra cũng gần 70 năm. Đó là những kỷ vật làm thủ công nên là độc bản. Nhưng quan trọng hơn, trong mỗi vật dụng đó còn là kỷ niệm mấy đời cơ cực của nhà ngoại, đã thấm đẫm bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của bao người thân yêu giờ đã khuất.
Và tôi đã được nuôi nấng, lớn lên ở đó, trong tình yêu thương vô bờ bến.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top