Gòn Ra Trái, Ta Lại Nhớ... Bánh Lọt Ngon Hảo Hạng Của Má

Bánh lọt má làm ngon lắm, nhưng nếu nhớ bánh một thì ta nhớ má đến mười. Ta nhớ dáng má ngồi đã khom nhiều, tay má đã run run khi dùng sạn ấn từng đợt con bánh lọt khỏi sàng xuống thau mà nhất định không cho người khác làm thay...

Trái gòn... có thể làm được bánh lọt sao? Đã từng có người hỏi tôi như thế, nếu chưa ăn, xin mời bạn về quê tôi. Trái gòn khô sẽ được đốt thành tro rồi ngâm nước, mang nước đó đi ngâm gạo làm bánh lọt. Con bánh trong đẹp mắt lại thơm, dai tự nhiên, ngon đáo để bạn ạ.

Ở quê, cây gòn nhiều lắm, trong mắt đàn ông quê, gòn rất... vô tích sự. Thân cây xốp, không ai thèm dùng đóng bàn, ghế, tủ, giường, thậm chí nếu bắc cầu cũng không được bao lâu là mục ruỗng, làm củi chụm bếp cũng tệ. Nhưng trong mắt phụ nữ xưa thì gòn cũng... có giá nhất định vì ngày xưa người quê thường dùng bông gòn làm gối. Hay đến cuối mùa mưa, đầu mùa nắng mỗi năm, gòn ra những trái non, để thết đãi đám trẻ con vùng quê nghèo như là một món ăn chơi giữa những lúc nghe ruột cồn cào mà mẹ chưa xong cơm chiều, giữa những trưa trốn ngủ ra vườn chơi nhà chòi... Đến tháng Ba, tháng Tư, gòn khô đen trái. Lúc đó, đàn bà con gái lại hí hửng vì có thể mang làm bánh lọt ngon hảo hạng cho chồng con ăn. Vậy là nhiều chị em phụ nữ canh gòn khô đen trái thì mang cù móc ra móc vài trái rớt xuống, lấy vỏ đốt thành tro.

Nhớ có lần theo má đi hái trái, ngước lên trời, thấy mỗi khi gòn ra trái là cây xơ xác, chỉ toàn là cành với trái, không hoa không lá, trụi lủi trụi lơ, ta đã chê cây không duyên không dáng, má cười bảo, cây gòn phải hy sinh để dồn sức nuôi những trái gòn cho đàng hoàng chứ, cũng giống như cây sua đũa, trái càng dài, càng to thì cây càng khẳng khiu, ít lá... Ta chợt nhận ra, đúng rồi, cây gòn hay cây sua đũa cũng giống... má ở cái cách vì con mình.

Nuôi bao đứa con, má ta gầy đét, từng ngày quần quật với bao việc không tên lớn nhỏ, từ việc cho ra tiền đến không ra tiền, nhưng hễ biết con cái thích ăn món gì má đều tranh thủ làm, dù mất nhiều công đoạn. Như cách làm bánh lọt từ tro trái gòn, mất khá nhiều thời gian và công sức nhưng vì ngon hơn nhiều so với bánh lọt thường nên má luôn cố gắng. Vỏ gòn sau khi đốt thành tro sẽ mang ngâm trong nước một ngày một đêm. Rồi dùng phần nước trong ngâm gạo. Ngâm khoảng một đêm thì má mang gạo đi xay thành bột (ở quê xưa, thông thường các nhà đều tự xay tay ở nhà, tùy lượng bột ít hay nhiều mà có thể mất từ 1 - 2 giờ đồng hồ. Nhà có 5 - 7 đứa con ở tuổi ăn tuổi lớn, coi như ngồi xay bột cả buổi mới xong). Xay xong thì phân nửa để nguyên bột trắng, phân nửa khuấy đều với nước cốt lá dứa (để có nước lá dứa, trước đó, má cũng phải còng lưng ngồi xắt và xay nhuyễn lá dứa để vắt lấy nước), khi nào có nhiều lá dứa thì má pha hết bột với nước lá dứa ăn càng thơm. Rồi má mang bột khuấy chín trên bếp ở dạng sền sệt. Sau đó, má lấy một cái sàng gạo để lên trên thau nước lạnh sạch rồi múc từng vá bột đổ lên sàng, dùng cái sạn ép bánh lọt xuống. Từng "đàn" bánh chui ra từ sàng và lọt xuống thau nước bên dưới đẹp mắt làm sao (tôi nghĩ cái tên bánh lọt ra đời từ chính vì cách làm này). Thế là má có được một thau bánh lọt vừa thơm vừa đẹp mắt. Mang ăn cùng với nước cốt dừa, cho nước đường và vài cục đá bào vào ngon hết ý. Ngày ấy, chúng tôi, có đứa ăn đến 3 - 4 ly, đến nỗi cái bụng căng to mà cái miệng vẫn chưa thấy ngán.

Hôm vừa rồi về quê, lại được má mang mấy vỏ gòn khô để dành từ lâu ra làm bánh lọt đãi con, đãi cháu. Tuy bây giờ không phải xay bột bằng tay vất vả như xưa nhưng nhìn cái cách má phải cố gắng dùng hết sức lực để ép bánh lọt từ sàng xuống thau mà thấy... đau nhói trong tim. Ta muốn làm thay cho má nhưng má nhất định không chịu, một hai bảo vẫn khỏe, nhưng má ơi, má biết không, mồ hôi trên trán má đã ướt đẫm từ lâu, tay má đã run run nhiều lần... Ôi, má của ta...

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn