Gỏi Cá Đục Đánh Gục Cơn Sầu
Ở vùng biển, gỏi là món ăn phổ biến. Có thể lập một 'sơ đồ' gỏi như gỏi cá chuồn, cá hố, cá trích, cá cơm, cá rựa...
Nhưng theo các "tín đồ" gỏi vùng ven biển Phổ Châu, Phổ Thạnh (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) thì không gỏi nào "qua mặt" nổi gỏi cá đục.
Cá đục có quanh năm ở vùng biển lộng. Thậm chí bên chân sóng, loài cá này cũng sinh sôi, rủ nhau bơi thành đàn. Vậy nên chỉ bằng chiếc xuồng con với vài chục nhịp chèo là có thể đánh bắt cả ký cá đục cho một lần thả lưới. Loại cá này mình thon, thịt trắng, săn chắc, rất đậm đà trong món kho rim. Bởi thế mới có câu "Cá đục kho rim đi tìm cơm nóng". Nhưng để thưởng thức đến tận cùng vị ngọt thơm, thanh mát của cá đục thì món gỏi là một chọn lựa tuyệt vời.
Sau khi làm sạch, cá được xắt lát mỏng và ngâm ngay vào nước cốt dừa để cộng hưởng vị thơm rất riêng của cá. Vắt chanh vào cho cá chín tái. Rắc hành tím, đậu phụng và các thứ gia vị gồm muối, đường, bột nêm, ớt, tỏi, sả đã băm nhuyễn vào đĩa cá rồi trộn đều. Đĩa gỏi cá đục thơm lừng kích hoạt làm khứu giác hân hoan, còn vị giác thì tràn trề phấn khích. Cho bốn, năm lát gỏi vào chén với chút nước mắm chua ngọt, thả vào ít lá rau húng, ăn với bánh tráng nướng thì ngon đến ngất ngây. Miếng gỏi ngọt ngào. Lát hành hăng nhẹ. Lá húng nồng nàn. Đậu phụng giòn tan. Tất cả hòa quyện vào nhau làm một cuộc liên hoan hương vị trọn đầy. Một hớp rượu nhẹ sau khi ăn miếng gỏi càng làm tâm trí thăng hoa.
Vào những ngày đầu năm, dịp cuối tuần, nhiều nhóm bạn trẻ hoặc những gia đình nhỏ từ Quảng Ngãi, Bình Định hay "đổ bộ" đến vùng biển Châu Me thư giãn và ăn gỏi cá đục.
Ăn xong, khách xa tấm tắc khen, xin danh thiếp chủ quán, sau đó mới... xỉa răng. Chị Thu Phương, một chủ quán gỏi, nói em không cần ghi "see you again" vì đa số khách khi đã "bập" vào gỏi cá đục đều quay lại. Có ông khách Bình Định tặng quán em "câu thơ": Gỏi cá đục đánh gục cơn sầu. Mới hồi sáng đây, một anh ở thành phố Quảng Ngãi cũng tặng em "câu văn" nghe rất đã: "Đầu năm ăn gỏi, mệt mỏi tan nhanh".
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top