Đến Nghệ An Nhất Định Phải Thử Món Canh Ngọn Lụi Miền Núi
Nếu có dịp dừng chân ở miền Tây xứ Nghệ, bạn sẽ được thưởng thức món canh "húa sán", hay còn gọi là canh ngọn lụi với hương vị đặc trưng của miền sơn cước.
Chắc hẳn những du khách miền xuôi như tôi khi đặt chân lên mạn phía Tây của Nghệ An đều dễ nhầm thứ ngọn nhỏ nhỏ, non non được bày bán ở góc chợ là măng.
Thế nhưng, đây lại chính là ngọn lụi, trong tiếng Thái là húa sán, một nguyên liệu để nấu món canh đặc trưng của miền núi.
Để tìm được ngọn lụi, người dân ở các huyện như Tương Dương, Con Cuông hay Kỳ Sơn đều phải vào tận rừng để chặt. Cây lụi mọc thành từng khóm như tre, nhưng thân nhỏ và mỏng. Chỉ cần tìm thấy cây lụi, người ta sẽ chặt lấy phần ngọn, buộc thành từng bó nhỏ rồi đưa xuống chợ bán với giá 10.000 đồng/bó.
Tôi tò mò về cách bóc vỏ ngọn lụi bởi cứ ngỡ dễ dàng như bóc ngọn măng. Thế nhưng, bóc ngọn lụi cần phải là người lành nghề. Ngọn lụi nhỏ, phải dùng con dao nhỏ để tách phần vỏ cứng bọc bên ngoài mà nếu không khéo léo, bạn sẽ bị đứt tay như chơi. Phần lõi của ngọn lụi chính là tinh túy để tạo nên món canh ngon của người Thái.
Ngọn lụi được chế biến thành nhiều món khác nhau như mọc, nậm-nhoọc, cháo... nhưng người Thái ở miền Tây xứ Nghệ phổ biến nhất với món canh hầm xương. Chỉ cần dùng nước hầm xương, rồi cho nắm ngọn lụi vào đun kỹ cho tới lúc mềm, có thể thêm cả rau ngót rừng hay nắm lá lốt, vậy là bao nhiêu hương vị của núi rừng gom đủ trong bát canh.
Bưng bát canh "húa sán" còn bốc hơi nóng để lên bàn, mùi thơm của ngọn lụi, của lá lốt quyện vào nhau khiến chúng tôi ngồi không yên.
Món canh ngọn lụi có lẫn vị đắng nhưng khi nuốt xuống họng sẽ đọng lại vị ngọt nhè nhẹ. Và dù bạn là người "khó tính" với món đắng thì tôi tin món canh lạ miệng này vẫn sẽ khiến bạn "xiêu lòng".
Người dân nơi đây còn bật mí rằng ngọn lụi chính là món ăn giúp các bà mẹ sau sinh thêm nhiều sữa và đặc sữa. Vậy nên, không ít người miền xuôi trong những năm gần đây đã săn tìm ngọn lụi để chế biến.
Quanh năm ở miền Tây xứ Nghệ đều có thể thưởng thức ngọn lụi nhưng ngon nhất là vào mùa Xuân. Ngày nay, ngọn lụi được bày bán ở ven đường hay trong các khu chợ và rất đắt khách.
Trên những chuyến xe, ngọn lụi nằm lọt thỏm trong những chiếc túi để mang hương vị miền sơn cước đến với thực khách miền xuôi.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top