Bông Giờ Trên Rẻo Núi Cao

Ngay từ lúc chưa đến mùa, người dân xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn (Bình Định) đã râm ran đón chờ.

Họ bảo, sau những cơn mưa tháng Mười, trên rẻo núi đá cao, nơi không có bóng người, những bông giờ sẽ nở. Mùa bông chỉ có chưa đầy một tháng.

Bông giờ còn có tên là bông dật dờ, bông vật vờ... được đọc theo nhiều kiểu phương ngữ khác nhau. Bông mọc từng cụm ép vào nhau như bông gừng, bông huệ, bông lục bình trôi trên sông nước. Từng cánh bông mỏng nhẹ màu vàng, cam, đỏ thẫm hoặc tim tím ôm vào nhau. Bông giờ có mùi hương rất đặc biệt. Nó là sự pha trộn giữa nhiều loại mùi thơm như mùi nghệ, mùi gừng, sả... rất dễ chịu khiến người ta cứ đứng hít hà.

Cứ đến tháng Mười hằng năm, người dân ở Nhơn Hải lại trông chờ những rổ bông giờ tươi rói của những người đi hái về. Sau mưa, những con đường lèn qua dãy núi đá cao trơn trượt, đầy gai nhọn. Có hôm đi mãi mà không gặp được "nàng" bông giờ nào hé nở, đành xách rổ về không. Mà ngặt nỗi, phải sau những cơn mưa lớn, những bông hoa giờ mới chịu vươn mình bung nở.

Năm nào người bạn ở Nhơn Hải cũng gửi tặng tôi một rổ bông giờ nho nhỏ, dù đắt dù hiếm. Rổ bông đầy màu sắc hấp dẫn có thể được chế biến thành nhiều món. Ngon nhất là nồi canh bông giờ nấu với chút rau rừng, giá đỗ và mấy con cá ngọt như cá liệt, cá ngân...

Món canh được chế biến đơn giản. Cá làm sạch ướp chút hành, ớt và gia vị. Bông giờ tẽ từng đụm bông nhỏ ra, rửa sạch bụi cát để ráo. Rau ngót rừng, giá đỗ, hành ngò rửa sạch. Nấu nồi nước sôi, cho cá vào, chờ sôi lên lần nữa rồi thả các loại rau vào, nêm nếm vừa ăn. Nồi canh lại sôi, thả bông giờ vô tiếp rồi tắt bếp. Không nấu lâu sẽ dễ mất đi mùi thơm đặc trưng ban đầu.

Ngoài ra, bông giờ còn có thể đem xào, kho với cá đồng nhỏ nhỏ như cá rô, cá trắng... ăn hoài không ngán.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn