Ám Ảnh Tuổi Thơ

"Cút khỏi nhà tao mau, từ đây về sau đừng bước chân vào nhà tao. Người ta tử tế tao nhận làm dâu, mày không có lý do nào không chấp nhận. Dâu con của tao có gì tao chịu!". Câu nói văng vẳng bên tai mà tôi còn in sâu trong trí nhớ, người mà tôi gọi bà ngoại đã từng cư xử như thế với mẹ tôi.

Bà thẳng thừng quăng bọc thức ăn ra đường nào trái cây, thịt, rau cải nằm lăn lóc trên lộ. "Tao không nhận bất cứ thứ gì của mày, không mẹ con gì hết". Mẹ nước mắt giọt ngắn giọt dài trông thương lắm. Làm sao mà chịu đựng nổi lời lẽ tổn thương như thế. Có lẽ lúc ấy mẹ đau lắm, còn bé nhưng tôi hiểu được điều ấy. Người thân của chính mình, người sinh thành mà lại nói ra những câu như thế thì còn gì gọi là tình nghĩa.

Người ta nói: "Cọp dữ không ăn thịt con". Có đúng như vậy hay không, lần đầu tiên một đứa trẻ lên bảy chứng kiến cảnh tượng đau lòng này. Ngày còn bé, tôi rất sợ. Sự việc ám ảnh đến bây giờ. Chỉ vì một người dưng, bà tôi lại cư xử với mẹ tôi như thế. Thử hỏi sự tôn trọng, kính yêu của một đứa cháu có với bà mình có còn hay không. Chỉ vì bảo vệ cái gia đình của cậu tôi-khi ấy chỉ 18 tuổi với người đàn bà mà bà tôi nhận là dâu-đã 45 tuổi, mà bà tôi nỡ dứt bỏ tình thân của con gái.

Tôi chỉ biết người phụ nữ ấy biết bói toán và có hai đời chồng, có ba đứa con riêng. Bà ấy dẫn một đứa con về ở nhà ngoại, con bé kém tôi ba tuổi. Vóc dáng mảnh khảnh, cao ráo trông không giống mẹ nó, có lẽ nó giống ba nó.

Bà tôi không đếm xỉa những gì mẹ và các cậu khuyên ngăn, sự chênh lệch tuổi tác, bất đồng về người phụ nữ tuổi hơn cậu một con giáp. Vậy mà cậu, bà tôi một mực mê người đàn bà ấy, bênh vực từng li từng tí, không nhận mẹ và các cậu là con chỉ vì người đàn bà không ra gì kia.

Có thể nói mẹ đã khóc rất nhiều vì gia đình của mình. Lúc mẹ sinh em, bà không thăm hỏi mà còn nói: "Nó sanh khó cho nó chết cho rồi".

Lần đầu tiên tôi nghe một người mẹ mà trù con mình như thế. Mãi đến tám năm sau, gia đình ngoại suy sụp, người đàn bà kia bài bạc, số đề... gia đình bên ngoại có của ăn của để ngày nào giờ đã bị bà ta gây nợ nần chồng chất. Sanh cho cậu được ba người con nhưng có lẽ tánh nào tật đó, không săn sóc gia đình, con cái nheo nhóc, trông những đứa trẻ được tạo ra thảm thương vì thiếu sự quan tâm đến tội.

Bà tôi sức khỏe yếu, gia cảnh lại khó khăn, mẹ lại nén lòng, quay về giúp đỡ. Tôi biết, mẹ thiệt thòi nhiều lắm và là một người con hiếu thảo với cha mẹ mình. Lẳng lặng như chưa từng có chuyện gì xảy ra, bà tôi giờ lại hối hận về những gì đã xảy ra. Mọi việc trong gia đình bà, từ chuyện lớn tới nhỏ, các khoản nợ... mẹ tôi phải ôm hết. Mẹ còn giấu cha để giúp đỡ bên ngoại và còn khuyên tôi: "Ruột thịt không lẽ bỏ bê".

Có thể nói cha tôi là người đàn ông tuyệt vời, thương mẹ và có hiếu với ông bà ngoại. Bàn tay thô, chai sần vì gia đình vẫn xòe rộng giúp đỡ bên nhà vợ. Có thể nói mẹ tôi có phước gặp cha, tình yêu quá lớn mới bao bọc được như thế. Bỏ qua những chuyện đã xảy ra mà bao dung giúp đỡ.

Riêng với chị em tôi vẫn cố tỏ ra bình thường với bên ngoại để cho mẹ vui, chứ đâu đó còn in đó những lời nói cay nghiệt mà người ta cư xử với gia đình mình. Hầu như mấy chị em không ai thích về ngoại, về nơi ấy dường như có cái gì đó không vui, không thoải mái và trừ khi Tết nhứt về đốt nhang rồi về. Nơi đó dường như là một nỗi ám ảnh của tuổi thơ mà khó xóa nhòa được.

Đã nhiều lần cố gắng vì sợ mẹ buồn, cố dung hòa tình cảm nhưng vẫn không thể. Thậm chí, biết rằng thái độ, cách cư xử sẽ làm mẹ buồn vì dù sao cũng con cháu nhưng sao lạnh nhạt với bên ngoại. Dường như lãnh cảm mất rồi, tình thương của người thân dành cho, tôi chỉ cảm nhận được từ bên nội: "Chạy xe từ từ nghe con", "Ăn cơm chưa" hay những lần ông bà nội đợi đứa cháu này mỗi khi đi làm về. Đó là những thứ giản dị mà ấm áp, chỉ nhiêu thôi là đủ. Người ta nói: "Gương vỡ lại lành", xin thưa chả có vết thương nào lành mà liền sẹo lại không có vết tỳ của nó.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn