Thương Lắm, Bụi Ơi!
'Mùng Một, mùng Hai là Tết phai. Mùng Ba, mùng Bốn Tết tàn' - Nguyễn Ngọc Tư. Tôi không biết có đúng hay không và có lẽ cũng do tôi chưa đủ lớn để trải nghiệm tất cả những vui buồn của cuộc đời, nhưng với tôi Tết thật sự chỉ đơn giản là những ngày cuối năm đượm mùi của bụi bám trên những đồ vật thân quen, bụi kí ức.
Vào dạo này, vừa hết kì nghỉ Tết Nguyên Đán, quay trở lại lao đầu vào việc học tôi lại nhớ về những ngày Hăm Bảy, Hăm Tám... những ngày trước Tết. Có lẽ, con người ta hay tiếc nuối, thích hoài niệm về những điều đã qua.
Tết của tôi mở đầu là mấy việc vặt, lau chùi quét dọn tối cả mặt mũi. Chỉ nghĩ thôi mà tôi đã sợ. Lũ bụi quỷ quái ấy không biết từ đâu ra mà sẵn sàng hiện diện ở mọi nơi, bàn, ghế, tủ, xó bếp, trong nhà kho... Tết đến là mẹ tôi lại lấy tất cả ra lau, rửa, phủi bụi sạch sẽ từng món đồ dù là nhỏ nhất. Như cái tủ chén là một ví dụ, nhà tôi chỉ có bốn người nên dùng rất ít chén dĩa, còn lại chỉ để nguyên trong tủ quanh năm. Tết đến, tất cả từ chén, muỗng, đũa, thau, nồi dù có dùng hay không cũng được rửa sạch sẽ và tươm tất đón năm mới. Còn vô số những ngóc ngách ở khắp nhà cũng buộc phải sạch, gọn gàng và mới mẻ.
Gia đình tôi tin vào những tín ngưỡng, văn hóa truyền thống Việt Nam. Trong những ngày đầu năm, mọi thứ đều đầy đủ, tươi mới sẽ hứa hẹn một năm ấm no, sung túc. Vậy đó mà năm nào Tết về tôi cũng lại đối mặt với kẻ thù mang tên "bụi".
Nếu đã gọi là "kẻ thù", bụi đáng ghét như vậy thì sao tôi còn nhớ thương? Bởi lẽ, bụi mang màu xưa cũ của kí ức, những điều đã qua. Cuối năm, khi sắp xếp những vật đã cũ, gói ghém cho xong việc của năm cũ tôi ngạc nhiên nhận ra tâm hồn mình khi đó thật mới mẻ, như trẻ lại, có lúc như trưởng thành hơn. Thật lạ nhỉ? Ngẫm lại, mỗi lần dọn nhà đón Tết, có bao lần tôi bất chợt thốt lên tên đứa bạn cũ khi quét bụi mấy cuốn album ảnh ngày bé, có khi tôi lại đem đi khoe với mẹ hình của tôi, của mẹ và gia đình mình khi xưa... Tôi xem ảnh của những cái Tết ấu thơ rồi bùi ngùi xúc động, tôi và mấy anh chị em giờ đã lớn, cha mẹ và cô chú thì thêm tuổi, ông bà lưng đã còng xuống nhiều, và có những người thân tôi không còn gặp được nữa.
Dọn nhà kho, tôi bắt gặp tờ báo cũ có ảnh mẹ bế tôi thi "Bé khỏe, bé ngoan" lúc chưa đầy một tuổi, tờ báo thiếu nhi mà lần đầu tên tôi được in lên đó. Túi quần áo cũ của tôi khi bé vẫn được mẹ giữ gìn cẩn thận qua bao năm tháng, lấy ra nhìn, ngắm nghía rồi hai mẹ con tôi cùng cười. Những cánh cửa tủ chén, tủ quần áo, tủ lạnh thì lấp đầy bằng những hình dán đủ màu sắc, đủ kích cỡ mà tôi và đứa em gái đã tinh nghịch sáng tạo nên suốt những ngày tháng thơ ấu...
Mỗi lớp bụi bay đi là khi lòng rưng rưng thấy mình lâu nay vô tâm đến thế. Vậy mới hiểu tại sao mẹ vẫn miệt mài làm việc, vẫn thích dọn dẹp mỗi khi Tết về dù vất vả bao nhiêu, hiểu rằng mẹ đã giữ gìn, cất giữ những kỉ vật vô giá ấy như cách mẹ vun vén hạnh phúc gia đình. Chạm vào từng vật để lau chùi như chạm vào kỉ niệm, chạm vào những câu chuyện không đầu không đuôi nhưng khắc sâu vào tâm khảm tôi để khi nhớ về không khỏi chạnh lòng. Từng mảnh kí ức cũ vỡ vụn như những hạt bụi bé xíu vì đã lâu tôi không còn để tâm, bỗng dưng được ghép lại thành một bức tranh rực rỡ và đẹp lạ kì.
Tôi tự hỏi phải chăng cuộc sống hối hả nên con người ta ngày càng vô tâm với mọi thứ xung quanh? Những thứ tưởng như thân thuộc, hiện hữu mỗi ngày trong ngôi nhà nhỏ đã bị bỏ quên bởi những nỗi lo trong cuộc sống thường nhật. Để rồi trong những ngày kết lại một năm cũ, tôi lại bồi hồi tìm về những gì đã qua và sống lại trong kỉ niệm, biết yêu thương gia đình và trân trọng từng giây phút mình được sống. Tôi thấy mình như lớn lên với những nghĩ suy về cuộc đời qua từng hạt bụi nhỏ. Không biết từ khi nào, tôi đã trót yêu mùi bụi rồi!
Càng lớn tôi mới nhận ra ăn Tết không chỉ là những cuộc vui từ sớm đến khuya, những bữa ăn no nê, mấy món quà đắt giá mà Tết là khi ta nhận ra mình đã lớn, khi ta nhìn lại một chặng đời đã qua để tiếp tục hành trình phía trước và là lúc ta nhận ra những giá trị bình dị, giản đơn mà ta bỏ quên từ lâu lắm.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top