Nồi Thịt Kho Ngày Tết Của Mẹ
Hôm nay con gái đi học về líu lo: "Mẹ ơi, năm mới về là mua áo đầm mới hả mẹ?". Chợt cảm thấy vui vì mường tượng cảnh con gái xúng xính trong chiếc áo đầm voan trắng xinh như công chúa - gương mặt ánh lên vẻ phấn khích, tự hào.
Chợt nhớ về những cái Tết ngày xưa.
Ngày ấy, cứ mỗi độ Tết về lại thấy những lo âu hằn lên trên gương mặt mẹ. Chị em chúng tôi lúc đó cũng đủ lớn để nhận ra những nếp nhăn nơi khóe mắt, những tiếng thở dài đánh sượt trong đêm hay những lúc mẹ trở mình trên chiếc giường ọp ẹp.
Ngôi nhà không có đàn ông, chỉ có dáng mẹ gầy gò bên hai đứa con gái đang tuổi ăn, tuổi học. Ngày Tết, không như những đứa trẻ cùng xóm, chúng tôi không mong chờ những bộ quần áo mới, những bao lì xì đỏ vì với chúng tôi những thứ đó thật xa xỉ. Điều chúng tôi mong chờ nhất là mẹ sẽ được ở nhà cả ngày với chúng tôi - dù chỉ vỏn vẹn ba bốn ngày Tết.
Mẹ vốn chỉ là một bà nội trợ, nhưng từ khi người đàn ông trong đời mẹ (ba chúng tôi) không thể cùng đi suốt quãng đường thì mẹ phải bươn chải một mình để nuôi hai chị em tôi ăn học. Mẹ làm đủ nghề: làm thuê, bốc vác, buôn bán đủ thứ... Chữ nghĩa không nhiều nhưng mẹ luôn dạy chúng tôi cách đối nhân xử thế, cách chấp nhận hoàn cảnh nghèo khó để luôn cố gắng vươn lên.
Thương mẹ, chị em chúng tôi chưa từng đòi hỏi điều gì dù có lúc thấy tủi thân khi nhìn đám con nít hàng xóm có áo mới hay đồ chơi đẹp.
Mẹ là thế, chưa bao giờ mẹ cầu điều gì cho bản thân, ngay cả những lúc khó khăn túng thiếu, mẹ cũng không cầu trúng số như người khác. Mẹ bảo: "Tiền mình làm ra mới quý con à!".
Ngày Tết đối với mẹ con chúng tôi có lẽ xôm tụ nhất là nồi thịt kho tàu. Mẹ bảo: "Thiếu gì thì thiếu, không có nồi thịt thì không ra Tết". Tôi nhớ mãi hương vị nồi thịt kho mẹ nấu: mùi thơm lựng của nước dừa, mùi béo ngầy ngậy của thịt heo được kho săn và sánh lại với đường cùng mùi ngai ngái của nước mắm. Đặc biệt nồi thịt kho của mẹ luôn có những cái trứng vịt (mà chúng tôi được giao nhiệm vụ lột vỏ tỉ mỉ từng trứng) được chiên sơ cho vàng giòn lớp ngoài.
Bí quyết của mẹ là thay vì dùng nước màu để kho cho có màu nâu thì mẹ thay bằng một chai xá xị. Lúc đầu mẹ bảo tôi đi mua một chai xá xị về kho thịt, tôi còn tưởng mẹ nói nhầm vì cứ nghĩ nước ngọt thì chỉ để uống! Lúc ấy vì thèm thuồng (vả lại chai nước ngọt còn được khui sẵn, chỉ đậy hờ cái nắp phéng lên trên), về tới nhà thì chai xá xị đã "bốc hơi" gần phân nửa! Mẹ không hề la tôi mà chỉ lắc đầu cười, rồi mẹ bảo tôi đi mua thêm chai khác vì "Nêm không đủ vị nồi thịt sẽ không ngon!".
30 Tết, mâm cơm tổ tiên mẹ cúng chỉ vỏn vẹn đĩa thịt kho, vài trái khổ qua nhồi thịt và một đĩa mứt thèo lèo. Mẹ thành tâm khấn vái, hết lượt này đến lượt khác, chúng tôi đợi lâu đói xót cả ruột. Mẹ bảo: "Đợi cho tàn ba nén nhang!".
Giao Thừa, mẹ bắt chúng tôi dậy ra sân lạy, lại phải khấn theo lời mẹ: "Cầu cho con khỏe mạnh, học giỏi". Không biết có linh nghiệm không nhưng chúng tôi vẫn sì sụp lạy.
Có năm cuộc sống vô cùng khó khăn, vì càng lớn thì tiền ăn học cho chúng tôi càng tốn kém. Nhưng năm đó mẹ lại cho chúng tôi món quà bất ngờ: mỗi đứa một bộ đồ vải katê mới cứng. Khỏi nói là chị em tôi vui biết chừng nào. Nhưng niềm vui chợt tắt khi chúng tôi kịp nhận ra: chiếc xe đạp cũ kỹ - tài sản duy nhất của mẹ - đã không cánh mà bay. Thấy gương mặt ỉu xìu của chị em tôi, mẹ cười xòa: "Mẹ không đi bán dạo nữa, không cần xe đạp. Mẹ sẽ mở một gian hàng nhỏ trước cửa nhà mình!".
Cứ thế, nhiều năm trôi qua, nhờ sự tảo tần, tháo vát của mẹ, những cái Tết của chị em tôi dần thay đổi, cái Tết sau vui hơn cái Tết trước. Chỉ có thứ không thay đổi là nồi thịt kho của mẹ vẫn là hương vị đậm đà của ngày xưa.
Mâm cơm ngày 30 Tết của mẹ bên cạnh đĩa thịt kho, khổ qua hầm còn có thêm tôm khô, củ kiệu, lạp xưởng... Tôi thấy rõ niềm hạnh phúc của mẹ mỗi độ Xuân về - khi cuộc sống đã đỡ phần vất vả. Và mẹ lại thành tâm khấn cầu cho tụi con mạnh khỏe, thành đạt.
Đã 5 năm rồi tôi không đón Giao Thừa với mẹ, vì thời khắc ấy tôi cũng đang quỳ lạy, khấn cầu cho tổ ấm nhỏ của mình, khấn cầu cho mẹ luôn khỏe mạnh. Tôi đã đem bí quyết "về nồi thịt kho ngày Tết" của mẹ để tự hào làm một đứa con dâu đảm đang, tháo vát, vun vén cho cái Tết của nhà chồng. Nhưng không khi nào tôi quên được mùi vị của nồi thịt mẹ kho, để khi về thăm mẹ, tôi vẫn xuýt xoa: "Không ai nấu ngon bằng mẹ!". Lấp lánh trong đôi mắt mẹ là niềm hạnh phúc, là nụ cười mãn nguyện.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top