Nhớ Bánh In, Bánh Hộc Của Ngoại
Tết Sài Gòn không có vị Tết xưa, nơi quê hương miền Trung thương khó đã mang đến cho tôi thuở nhỏ.
Tết quê thường nhộn nhịp từ đầu tháng Chạp khi mùa vụ đã xong, bà con để dành những nguyên liệu ngon nhất, sẵn sàng cho các loại bánh mứt.
Cậu Út tôi lúc này cũng đã rảnh, kéo tôi ra ngắt lá mai cho kịp ra hoa. Mai vườn không to và nhiều cánh như mai cảnh nhưng bông nào bông nấy tươi rất lâu. Bởi vậy phải ngắt khéo để không chạm vào nụ hoặc chồi đang hé. Qua đợt mưa phùn, nắng lên là nở.
Xong thì chuyển sang nhặt cỏ và bón phân cho bụi đồng tiền, thược dược, hướng dương, vạn thọ... Mấy loại bông này không thơm ngát như hoa hồng nhưng cái mùi ngai ngái cứ vấn vương người tha hương. Tôi đi xa, không còn tìm được sắc hoa xưa, nếu có thì hương không còn, chẳng biết có phải do thổ nhưỡng hay người ta phun tưới hóa chất.
Vườn tược xong thì cậu Út mang bình điện lên thị trấn sạc. Thời này chưa có điện, bao nhiêu phương tiện giải trí nằm hết ở đây. Sạc đầy bình để Tết bật cassette nghe cải lương, nhạc bolero, nhạc Xuân và để thắp bóng đèn ở nhà chính cho mọi người thức đêm trò chuyện. Phần chờ đợi nhất của tôi là món bánh in, bánh hộc của ngoại. Tôi cá rằng ở Sài Gòn bây giờ kiếm đỏ con mắt không ra.
Hai món bánh này đều từ hạt nếp nhưng cách làm khác nhau. Với bánh hộc, ngoại làm rất công phu. Chọn hạt nếp ngon, mẩy còn nguyên vỏ để riêng ra cái thúng. Cho cái tréc (một loại chảo đất ngày xưa, có vòm vum lên như cái nồi) lên bếp, đổ cát sạch vô. Chảo vừa đủ nóng thì cho nếp vào. Lấy cái nón lá đậy lại, cho lửa nhỏ. Lúc này, nếp chín nổ lốp bốp rất vui tai. Ngày Đông, quây quần bên góc bếp nhìn ngoại làm, tôi thú lắm, con nít thành phố mà. Ngoại giữ chặt cái nón rồi xóc vài lần cho nếp chín và nở đều.
Nhấc xuống. Đổ ra cái rổ thưa để lóng hết cát ra, trút nếp sang cái sàng sảy và nhặt sạch vỏ. Công đoạn này phải huy động nhiều người thì việc mới xong. Hạt nếp xong thì thơm giòn, trắng tinh, trông như hạt bắp chiên bơ bây giờ nhưng không to bằng.
Ngoại pha nước đường và gừng lát thành hỗn hợp nâu cánh gián quyến rũ, đây là loại đường bát rất thông dụng ngày xưa, không có hóa chất như đường tinh luyện bây giờ. Cho nếp đã nổ chín vào trộn đều.
Chọn vài chiếc khuôn gỗ hình chữ nhật có nắp đậy hai đầu, rải một lớp bột rồi cho nếp vào, dùng tay ấn mạnh. Đổ ra, bánh hộc đã thành phẩm. Ông xắt một ít ra dĩa để cúng gia tiên, phần còn lại để dành tiếp khách và cho con cháu ăn Tết. Món này thường dùng kèm nước chè tươi, giúp ấm bụng và tiêu hóa tốt trong tiết trời giá lạnh.
Cắn miếng bánh có vị dẻo bùi của bỏng nếp, vị ngọt thanh của đường bánh, vị the nồng của gừng, thức quà quê giản dị nhưng khiến tôi nhớ mãi. Bánh hộc bây giờ không thể tìm thấy hình trên internet nhưng với thế hệ tôi và bố mẹ ai nấy đều nhớ như in. Khi thành phẩm trông như bánh cáy Thái Bình hoặc chè Lam xứ Bắc.
Bánh in cũng từ hạt nếp nhưng may quá chưa thất truyền. Hạt nếp ngon đã xát vỏ. Ngoại đem rang chín, vàng, thơm rồi xay nhuyễn, trộn với nước đường. Chọn ra nhiều loại khuôn vuông, tròn có hình cá chép, bông cúc, bông mai... Tráng một lớp dầu rồi cho bột nếp vô, lèn chặt khuôn rồi đổ ra. Gói bánh lại với giấy kiếng nhiều màu, chưng một ít lên bàn thờ tổ tiên, còn lại thì bày lên bàn chung với bánh hộc.
Bánh in có vị ngọt thanh của nếp và nước đường, nhà nào thích có thể thêm đậu xanh hoặc vani nhưng tôi vẫn thích vị nguyên thủy của ngoại làm.
Những ngày Tết xưa, nhà ngoại ăm ắp người. Là gia đình tôi và các dì cậu từ thành phố về. Tết xong, khi ai nấy đều lũ lượt lên xe thì ngoại tôi bịn rịn theo chân ra tận đầu làng, mẹ tôi không dám ngoảnh đầu lại vì bước đi không đành.
Vậy mà đã gần 20 năm ngoại về với tổ tiên, cũng ngần ấy thời gian tôi không được ăn Tết quê, không được nếm vị bánh hộc, bánh in nữa.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top