Chương 7: "Nháo"




Chương 7: Nháo

- Một nháo, hai khóc, ba dọa tử tự

Ta ngồi gác chân lên ghế, bâng quơ hỏi Đại Phúc:

- Đại Phúc, ở kinh thành nơi nào là ồn ào, có nhiều kẻ ưa đánh nhau nhất?

Đại Phúc ngơ ngác nhìn ta, lấy tay sờ lên trán và nói:

- Tam thiếu, bị bệnh hả, tự dưng lại đòi đánh nhau.

- Có ngươi ấm đầu thì có, hỏi sao trả lời vậy đi.

Ánh mắt hắn dừng trên người ta như cố nghiên cứu xem ta có bị đập đầu vào đâu không. Sau khi chắc chắn là ta không có vấn đề gì thì hắn lên tiếng:

- Ở kinh thành thì chỉ có một là sòng bạc, hai là thanh lâu. Thế Tam thiếu muốn đi nơi nào?

- Ừm, ngươi ra phố, kiếm cho ta khoảng ba, bốn tên ăn mày, to con một chút, biết đánh nhau về đây. À, nhớ cho bọn họ ăn mặc sạch sẽ vào.

Đại Phúc lần này quay người hẳn lại, hắn dùng con mắt đầy nghi ngờ nhìn ta nhưng không nói gì mà đi thẳng ra cửa.

- Tiểu Tần, đi gọi Vi lão vào gặp ta?

- Dạ, Tam thiếu.

Một lát sau, Vi lão thong thả đi vào, cúi chào như thường lễ và ngồi xuống.

- Vi lão, con đã bảo rồi, là không cần hành lễ mà, haiz.

- Không được, trên dưới phải có, lễ nghĩa không thể buông thả được. Chủ tớ ngồi ngang hàng đã là không được rồi, đừng có làm khó ta.

Ta ngán ngẩm nhìn Vi lão, cũng không nói thêm gì, ta đã xem ông như bậc cha chú trong nhà, cha chú cứ hành lễ thì "con cháu" đành nhận thôi. Nghĩ thông suốt ta vào thẳng vấn đề:

- Trong cửa hàng còn lại bao nhiêu tiền, ta muốn lấy khoảng mười vạn lượng.

Vi lão ngẩng đầu lên nhìn ta hồi lâu, lão quay mặt đi rồi lại cất lời:

- Lão phu sẽ chuẩn bị ngay.

Ngần ngừ thêm chút nữa, Vi lão nhìn sâu vào mắt ta và lên tiếng:

- Đáng lẽ lão phu không nên hỏi chuyện riêng của Tam thiếu, nhưng không biết lão phu có giúp gì được không?

- Haha, Vi lão yên tâm, ta không có rắc rối gì đâu, chỉ là ta cần gây rắc rối cho một số người thôi.

- Chẳng lẽ là chuyện của lão gia?

- Chính xác, Vi lão cũng biết rồi, lần này là ta "thoái hôn" mà lên kinh thành nên ...

Ta dừng lại một chút, nhìn đôi mắt sáng lên vì chờ đợi của Vi lão mà cười thầm. Xem ra không chỉ mình ta muốn thiên hạ đại loạn, Vi lão nghiêm túc thế mà cũng "ham vui" chả kém ai.

- Vi lão, ta trông lão có vẻ thích thú nhỉ, hay là có ý gì với Đại tiểu thư nhà Lâm gia.

- Tam thiếu cứ đùa, thôi, lão phu cáo từ, ngân lượng sẽ được đưa đến ngay.

Vi lão bước ra đến cửa thì quay lại, ánh mắt đầy vẻ quan tâm nhìn ta và nói:

- Tam thiếu cẩn thận nhé.

- Ưm, cảm ơn Vi lão.

Gần trưa thì Đại Phúc dẫn vào ba tên to cao, khỏe mạnh, vừa bước vào sảnh đường thì cả ba đã dõng dạc lên tiếng:

- Tham kiến công tử.

- Ừ, đứng lên đi. Các ngươi đã ăn uống gì chưa?

Tên lớn tuổi nhất, có vẻ là đại ca của bọn họ dõng dạc trả lời:

- Bẩm công tử, Đại Phúc huynh đệ đã dẫn bọn tiểu nhân đi ăn rồi ạ.

- Ừ, vậy các ngươi chờ ở đây, lát nữa theo ta. Hôm nay mỗi người sẽ được nhận năm lượng bạc, sau khi hoàn thành công việc, ta sẽ đưa thêm cho mỗi người hai mươi lạng nữa. Các ngươi đồng ý không?

- Đa tạ Tam thiếu.

Ta mỉm cười hài lòng, xem ra chúng học hỏi rất nhanh.

- Công việc của các ngươi rất đơn giản, ta bảo gì làm nấy, quan trọng nhất là không được đánh người và phải che cho ta nếu ta bị đánh. Rõ chưa?

Ba tên có vẻ hơi ngơ ngác, tên đại ca lên tiếng:

- Bẩm Tam thiếu, Phúc huynh đệ bảo mời bọn tiểu nhân về đánh nhau, bây giờ không đánh nhau thì làm gì ạ?

- Ta đã bảo rồi, dọa người có thể làm nhưng không được đánh nhau. Nếu có người đánh ta thì các ngươi phải che cho ta, còn lại không được phản kháng, hiểu chưa?

Mặc dù vẫn còn thắc mắc song bọn chúng rất thức thời lên tiếng:

- Dạ, đã rõ thưa Tam thiếu.

Nhìn thấy Đại Phúc đi vào, ta vẫy tay gọi hắn:

- Đi đâu bây giờ mới về hả?

Liếc nhìn ba tên đứng bên cạnh, Đại Phúc cúi người xuống nói:

- Dạ bẩm Tam thiếu, Vi lão à...Vi quản gia bảo tiểu nhân đưa cho Tam thiếu ạ.

Nhận từ tay Đại Phúc xấp ngân phiếu mười vạn lượng, ta cũng hơi run tay. Từ lúc tới thế giới này đến giờ, mọi thứ ăn, ở, ngủ, nghỉ, tiền bạc đều có người chi trả, ta lại ít khi ra ngoài nên đây là lần đầu tiên cầm nhiều tiền như vậy. Nếu tính tỉ giá thì nó cũng khoảng tương đương năm trăm triệu.

Dẫu sao cũng là Thiếu gia họ Cao, mới cầm nhiêu đã run tay thì thật mất mặt. Cố kìm chế lại ta phất tay: "Đi". Nhìn sang thấy Đại Phúc đang nhịn cười ta thấy hơi quê quê.

Sòng bạc "Gia Bảo", mệnh danh là "Đệ nhất đổ" ở kinh thành, nhìn khung cảnh bên ngoài hơi u ám, thỉnh thoảng có tốp dăm ba tên đi tuần phía trước. Đại Phúc nhanh chân tiến lên phía trước thì bị hai lính gác chặn lại, cất tiếng hỏi:

- Đi đâu đến đây, vị tiểu huynh đệ, chỗ này không phải người không có tiền như chú vào đâu.

Đại Phúc phất tay thoát khỏi cái khoát vai của tên lính canh, dõng dạc nói:

- Thiếu gia nhà ta muốn đánh bạc, ngươi ngăn được à, còn không mau tránh ra.

Nhìn Đại Phúc đóng giả tên vô lại, ta thầm cười trong bụng, xem ra tên này có máu làm diễn viên đây. Hóp bụng, ưỡn ngực, ta bước tới gần tên lính canh, quẳng qua hắn mười lượng bạc sau đó ngang nhiên đi vào.

Tưởng rằng sẽ như trong phim, bọn chúng sẽ khúm núm mời mọc, xin lỗi thiếu gia là ta. Thế nhưng chỉ thấy một bàn tay chộp lấy thỏi bạc, còn bọn lính canh vẫn đứng yên. Ta thật bất ngờ, một là trên phim nó diễn láo, hai là sòng bạc này "không được bình thường".

Lẽ dĩ nhiên là trường hợp thứ hai, nếu không thì bảy tỉ khán giả trên thế giới này đều bị lừa à. Mới phân tâm một lúc thì đã có một người bộ dạng quản gia đi đến, tay vẫn cầm thỏi bạc lúc nãy ta quăng. Đại Phúc nhanh chóng đứng lên trước mặt chắn cho ta, cùng lúc người quản gia đó đi tới.

Nhìn thấy vẻ địch ý của Đại Phúc, vị quản gia dừng bước, cúi người về phía ta và nói:

- Xin thứ lỗi cho thuộc hạ của quý bảng vô lễ, không biết là vị Thiếu gia nào giá đáo ạ?

Thấy ta phất tay, Đại Phúc trở về bên cạnh ta nhưng vẫn giữ vẻ đề phòng như trước. Tuy ta không biết võ công nhưng nhìn cách ra tay của người này chứng tỏ nội hàm của ông ta cũng không phải dạng xoàng, đặc biệt là khi Đại Phúc lộ vẻ địch ý. Thế nhưng ông ta khách sáo như vậy thì chả có gì phải sợ, ta tiến lên ra vẻ khờ nghệch hỏi:

- Tới sòng bạc đương nhiên là đánh bạc nếu không thì ta đi dạo phố à, dở hơi!

Có vẻ như ngạc nhiên trước câu trả lời của ta, ông ta nhíu mày, cố gắng quan sát ta lần nữa. Dường như chả có gì bất thướng, ông ta lại cất lời:

- Thứ lỗi cho tại hạ mắt không thấy thái sơn, không biết hôm nay Thiếu gia định đi phòng mấy ạ?

- Phòng mấy, phòng nào, Thiếu gia ta thích phòng nào thì đi phòng đó, liên quan gì đến ông?

Ngay lúc đó, có một tên cao lớn đi đến và thì thầm vào tai vị quản gia này, chỉ thấy hắn hơi híp mắt và nhìn tên kia gật đầu một cái. Ta cũng tò mò không biết tên kia nói gì nhưng vẫn làm ra vẻ côn đồ, nóng vội muốn xông tới.

Thấy ta có vẻ muốn nổi nóng, vị quản gia này mới nở nụ cười và nói:

- Tam thiếu gia của Cao gia đại giá quang lâm mà không báo với "Gia Bảo Đổ" một tiếng. Thật là có lỗi, có lỗi. Người đâu, nhường lối để ta dẫn đường cho Tam thiếu.

Nghe hiệu lệnh, mười hai tên lính canh dàn hàng dọc nhường ngay một lối đi, và cùng cất tiếng: "Mời Tam thiếu". Có vẻ đây không phải là lần đầu tiên đổ trường gặp tình huống như vậy.

Càng đi vào trong ta càng thấy phục lão bản của đổ trường, từ cách huấn luyện lính canh nghiêm túc, đến cách xin lỗi lấy lòng cùng khả năng thu thập thông tin kinh ngạc. Đây chả phải đổ trường bình thường. Ánh mắt ta và Đại Phúc gặp nhau, có vẻ như cả hai có cùng một suy nghĩ.

Theo giới thiệu thì người dẫn đường của chúng ta là vị quản gia họ Hứa, làm ở đây đã tám năm. Trong khi lão thao thao bất tuyệt về đổ trường thì ta cũng thầm khâm phục lần nữa đối với tâm tư kín đáo của vị lão bản.

Đổ trường thiết kế theo kiểu xoắn ốc, gồm năm tầng và hai sảnh chính. Sảnh một là dưới tầng trệt dành cho khách bình dân, sảnh hai dành cho con nhà giàu có, quyền quý. Càng lên cao thì tầm nhìn càng rõ, trong khi người ở dưới không thể quan sát phía trên.

Đổ trường chia thành năm tầng riêng biệt và thân phận càng cao thì tầng được lên càng nhiều. Với thân phận ăn chơi như Cao thiếu gia chỉ lên được tới tầng hai, chứng tỏ đây càng không phải đỗ trường bình thường. Xem ra lần này ta và Đại Phúc đã đánh giá thấp "Gia Bảo đổ" rồi, có khi không nên chuyện lại rước thêm họa vào thân thì khổ. Cơ mà đã đến đây rồi thì tùy tình huống mà liệu vậy.

Hứa quản gia dẫn ta đến sảnh tầng hai, lão quay sang nhìn ta và hỏi:

- Không biết Cao thiếu gia muốn đổ trong phòng hay trong sảnh ạ?

Lão biết ta mới tới đây lần đầu nên cũng tự giải thích thêm.

- Trong sảnh có lắc thẻ, xốc đũa, bốc que, cùng bài ngũ hành ngoài việc không khí sôi động, có nhiều khách quan hơn thì không khác khi trong phòng riêng là mấy. Có điều ngoài này hơi hỗn tạp còn trong phòng có ghế và phục vụ riêng, chi phí cao một chút song được cái thoải mái ạ. Không biết Cao thiếu ưng ý cái nào?.

Ta liếc nhìn Đại Phúc, hắn hiểu ý ta nên liền nhanh nhẩu cất tiếng:

- Tất nhiên là phòng riêng rồi, người thấy Thiếu gia nhà ta thiếu tiền à. Nói cho ngươi biết Thiếu gia ta có mười vạn lượng đấy nhá, cả đời ngươi cũng chả dành dụm nổi đâu. Đi, dẫn đến phòng tốt nhất cho Thiếu gia ta.

Tiểu Phúc vừa dứt lời thì có hàng trăm ánh mắt săm soi vào ta, làm ta cảm giác như kỹ nữ khỏa thân vậy. Nổi cả da gà. Dù do mình cố ý phô trương thì cũng không thể nào hưởng thụ nổi tình cảnh này, thế nên ta nhanh chóng cất bước theo Hứa quản gia.

Nói là phòng riêng nhưng cũng khá rộng, ba chiếc bàn được đặt ở ba nơi riêng biệt. Bên cạnh mỗi bàn có bày đồ ăn và thức uống thượng hạng, còn có những cô nương xinh đẹp trợ hứng mỗi khi có người thắng và vài lời an ủi khi người trong bàn thua. Hiện tại bàn số hai có bốn người, nháy mắt với Đại Phúc, ta dẫn cả bọn ngồi vào chỗ trống trong bàn số hai.

Phong tục ở Diêu quốc khá cởi mở, phụ nhân trừ khi có chồng thì chỉ ngồi với chồng hay hạn chế tụ họp, còn lại tập tục không cấm thiếu nữ, đặc biệt là những tiểu thư, thiếu gia hội họp với nhau. Thế nên hiện tại ở bàn số hai có hai vị tiểu thư và hai vị công tử, có vẻ như họ đã quen biết nhau.

Nói thêm một điểm mà ta cho là đặc biệt về chế độ hôn nhân ở Diêu quốc. Tập tục Diêu quốc không hạn chế nam nữ gặp nhau, thậm chí còn rất cởi mở. Tuy nhiên nếu như phạm tội ngoại tình, đặc biệt là đối với phụ nữ thì nhẹ là bị xử phạt đánh toàn thân, khắc chữ vào mặt, nặng thì bị xử chém. Còn đối với nam, nếu chưa có vợ mà ngoại tình với người đã có chồng thì bị đi đày biệt xứ, xung quân mãi mãi; còn đã có vợ mà còn ngoại tình thì bị xử chém. Ngoài ra, mọi tài sản sẽ thuộc về người vợ hoặc chồng bị hại, và họ có quyền bỏ người vợ hoặc chồng cũ.

Luật này không áp dụng đối với hoàng tộc, hoàng thân quốc thích, tước hiệu (vương gia, quốc công, ...) do Hoàng đế phong tặng hay truy tặng, đồng thời quan tam phẩm trở lên cũng được hưởng đặc quyền này. Không kể Hoàng tộc, thì đối với hoàng thân quốc thích, tước hiệu vương gia (phong cho người không phải hoàng tộc) và tước hiệu Quốc công: ngoài bản thân người phong tặng được miễn, con cháu của họ trong vòng ba đời thuộc dòng chính cũng được đặc xá. (Dòng chính là con, cháu của chính thê; con, cháu bình thê hay thiếp không được hưởng đặc quyền này).

Hình thức xử phạt đối với những trường hợp này là bị giáng làm dân thường, tịch thu tài sản và bị cấm đặt chân vào Diêu quốc.

Đối với những trường hợp được đặc xá, có một ngoại lệ duy nhất là nếu mang thai trước khi thành thân thì bị xử chém không cần hỏi lí do. Bởi theo quan niệm ở đây là làm ô danh dòng máu cao quý, tư cách quý tộc, phụ ân trên của Hoàng đế.

Đối với dân thường thì luật khoan hồng hơn, chỉ bị phạt đánh một trăm trượng và phải lao dịch mười năm tại địa phương. Nếu đối tượng phạm tội và tòng phạm thành thân với nhau thì sẽ do cha của đứa bé thụ hình. Hình phạt được thực thi sau khi sinh con được hai năm. Hơn nữa người phạm tội không được kết hôn với bất kì người nào khác (ngoài cha đứa bé).

Bởi quy định này nên hầu như ít có tình trạng ngoại tình hay mang thai trước ở Diêu quốc, mặc dù tập tục và luật tương đối cởi mở với việc nam nữ gặp gỡ hay tụ tập.

Chuyện tại sao lại có những quy định này chúng ta sẽ bàn vào một lúc khác.

Trở lại chiếc bàn số hai, khi thấy ta ngồi vào dường như bốn người họ rất ngạc nhiên. Và ngay lập tức ta được hiểu nguyên do tại sao.

Đằng sau xuất hiện một tên ăn mặc bảnh bao, sang trọng xem ra có vẻ là công tử con nhà quan lại nào đó. Tay phải hắn ôm bình rượu còn tay trái thì ôm một cô gái. Thấy ta ngồi vào chỗ, hắn liền sấn ngay vào nắm lấy cổ áo, giọng trầm trầm phả cả mùi rượu:

- Chỗ này của bản công tử. Cút đi chỗ khác!

Giọng lèm bèm của hắn khiến ta khó chịu, Đại Phúc giằng tay hắn ra hỏi cổ áo ta và đẩy hắn té xuống đất. Ta làm bộ như không nhìn thấy, chỉ nhấc chiếc ghế lên trúng mặt hắn. Hắn giận dữ quát lên:

- Ngươi, ngươi dám đánh ta. Ngươi có biết ta là ai không hả?

Ta cố gắng nhìn hắn bằng ánh mắt ngây ngô nhất và mở miệng nói:

- Xin lỗi, ta đang tìm tên của huynh trên này, nhưng chiếc ghế chả có gì cả. Cảm phiền huynh tìm ở những chiếc ghế xung quanh.

Đám đông tụ tập đang im lặng bỗng ồ lên cười rũ rượi, có tên còn bò lăn ra cửa nữa. Hai vị tiểu thư cũng không nén được cười thành tiếng, có vẻ như thấy mình hơi thất thố nên hai nàng lập tức điều chỉnh lại tư thế của mình.

Còn đương sự thì khỏi phải nói, mắt trừng lớn, tai đỏ, mặt phồng lên như người ta muốn đánh rắm mà không thể được. Thật là khó chịu mà, tội nghiệp huynh ấy!

Vị công tử của chúng ta lập tức đứng thẳng dậy, tay chỉ vào mặt ta và không ngừng nói :

- Ngươi, ngươi,...

- Ta đã nói với huynh là ghế ta ngồi không có viết mà, huynh chỉ mấy chiếc xung quanh ấy, đừng làm phiền ta.

Ta dựng lại ghế và bình thản ngồi xuống, trong khi hung thần đằng sau vẫn đứng đấy. Ta lén quan sát thấy có một số người thở dài, một số nhìn ta bằng ánh mắt thương tiếc, hai vị tiểu thư nhìn như muốn nói lại thôi. Quả thật là phức tạp.

Bỗng có hai tên cao lớn đi vào, ta liền nghe thấy tiếng nói :

- Tiểu Cúc, Tiểu Mai, mau vào đây đánh tên này cho ta, hắn dám xúc phạm bổn công tử.

Ta quay đầu lại nhìn, suýt nữa phụt cả nước trà đang uống. Hai tên cao lớn, khôi vĩ, người đầy cơ bắp được đặt hai cái tên mĩ miều, đúng là khôi hài. Đại Phúc và ba hộ vệ không nhịn nổi cười rũ rượi, nếu tu dưỡng không đủ chắc ta cũng ngả xuống ghế vì cười quá.

Hai tên kia thấy vậy lăn xả ngay vào ta, được căn dặn trước, ba hộ vệ chỉ lo che chắn chứ không đánh trả. Thế nên hai tên kia càng đánh càng hăng, may mà hộ vệ thịt dày lại đông nên ta chỉ tổn thương chút ít. Vị công tử kia không chen chân vào được, thấy Đại Phúc đứng bên cạnh liền nhào vô đấm đá túi bụi. Tiếng la của Đại Phúc át cả tiếng đấm đá, cộng với đám đông đang chú ý về phía ta nên ta cũng thầm cầu nguyện cho tên công tử đó.

Chừng khoảng mười phút thì người của sòng bạc mới xuất hiện, họ cố tình tới chậm khi hai bên đã tàn cuộc, vậy thì họ khỏi can thiệp hay làm mất lòng cả hai. Về phía ta, ngoài ba hộ vệ bị thương ra thì ta chỉ bị xây xát một chút; còn vị công tử chưa biết tên kia bị Đại Phúc đánh như đầu heo. Tên Đại Phúc còn giả vờ cố lết về phía ta như thể là hắn mới bị hành hạ vậy. Đúng là tay sai, à quên trợ lí số một của ta mà, rất hiểu ý ta.

Tiểu Cúc và Tiểu Mai thấy công tử mình như vậy liền la lối om sòm. Đòi Hứa quản gia xử lí chúng ta, trả lại công bằng cho công tử nhà hắn.

Sau khi tới, Hứa quản gia liền cho lính canh mời tất cả khách quan ra sảnh chơi tiếp, còn mình thì đóng cửa phòng lại. Hứa quản gia đằng hắng một cái, hết nhìn ta lại nhìn vị công tử kia, so ra thì bên ta bị thương nhiều người hơn, song tên công tử "đầu heo" bên kia bị nặng hơn. Haha, giờ Hứa quản gia cũng không biết giải quyết sao, vì rõ ràng bên kia động thủ trước. Nhìn "đầu heo" bên kia mà ta bấm bụng muốn chửi tên vô lại Đại Phúc, đánh thế kia thì "đầu heo" nửa tháng đừng hòng ra đường.

Hứa quản gia đang không biết làm sao thì một tên lính canh đi vào thì thầm điều gì đó. Hứa quản gia liếc nhìn ra ngoài cửa, xong quay lại nói :

- Hai vị công tử tranh chấp cá nhân, không khỏi làm ảnh hưởng đến sinh ý của đổ trường. Đổ trường cũng không chấp nhất gì, chỉ mời hai vị rời khỏi đây ngay. Còn việc cá nhân xin lên quan xử lí.

Hai tên hộ vệ thấy vậy liền gào lên :

- Hứa Ngưu, ông nên biết công tử nhà ta là ai, xử lí thế mà được sao. Sòng bạc này không muốn làm ăn nữa hả ?

Hứa Ngưu liếc nhìn hai tên hộ vệ, ánh mắt toát lên sát khí, lão ghét nhất là ai nhắc tên cúng cơm của mình. Không khí chợt im bặt, Tiểu Cúc và Tiểu Mai thấy lạnh cả người. Như biết mình thất thố, Hứa Ngưu thu liễm lại ánh mắt và lạnh lùng nói :

- Đỗ trường có kinh doanh được hay không là do quan phủ quyết định, không liên can đến công tử nhà hai vị. Nếu hai vị còn không đi đừng trách lão đây không khách khí. Nhất, Nhị tiễn khách.

Hai lính canh hùng dũng bước tới trước mặt hai hộ vệ, tay xách hai tên ấy cùng "đầu heo" huynh tống tiễn thẳng ra cửa. Hứa quản gia vừa xoay người thì ta liền bước tới, ngây ngây ngô ngô nói :

- Thứ lỗi, ta không biết là huynh ấy lại vội tìm tên của mình như thế nên .... Thứ lỗi, ta không cố ý phá hoại đồ đạc. Ở đây có một nghìn lượng xem như là chi phí đồ đạc bị phá và ảnh hưởng sinh ý của đổ trường. Cáo từ !

Sau khi dúi tờ ngân lượng vào tay Hứa quản gia thì ta cũng đi ra khỏi phòng. Ba hộ vệ dìu nhau theo sau, còn tên Tiểu Phúc thì đã nhanh chân đi ra trước mở cửa. Xem ra ngoài cái miệng thì hắn chả bị gì cả.

Sáng hôm sau ngoài phố tràn ngập tin: Tam thiếu gia của Cao gia ở cửa tiệm Cao gia Liễu là phá gia chi tử, đi đánh bạc mang theo mười vạn lượng. Đến sòng bạc lại giành chỗ đánh bạc nên bị người ta đánh, trên đường đi về thì bị cướp tiền, đang nằm nhà chữa vết thương.

Rồi hầm hà vô số chuyện từ thời ba tuổi của vị "Cao thiếu gia" này bị moi ra: nào là đó là kẻ "ngốc nghếch", "vô tài", "ăn bám", còn cả "bán thân bất toại", "bình thuốc", "bị từ hôn",... chuyện xảy ra mấy năm trước cũng được nhắc đến cẩn thận. Thậm chí có người còn diễn lại lời nói ngây ngô của ta ở phòng trà nữa. Tóm lại, chỉ một buổi sáng, tên tuổi của vị Tam thiếu nhà họ Cao đã lan khắp kinh thành, với nhiều danh hiệu, mà danh hiệu nổi tiếng nhất là "Khù khờ gây rối".

Đó là thành quả của hơn sáu mươi lạng bạc ban thưởng cho ba "hộ vệ cái bang" và những bang chúng của họ.

"Nháo" đã xong, giờ phải nghĩ tới "Khóc" mới được.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top