5. Diệp Văn Khiết
Uông Diểu tháo bộ thiết bị V ra, phát hiện áo lót của mình đã ướt sũng mồ hôi, như thể vừa tỉnh dậy khỏi một cơn ác mộng lạnh buốt. Anh ra khỏi Trung tâm nghiên cứu nano, xuống nhà lấy xe, đến nhà mẹ của Dương Đông theo địa chỉ mà Đinh Nghị đưa cho.
Kỷ nguyên Hỗn loạn, kỷ nguyên Hỗn loạn, kỷ nguyên Hỗn loạn...
Khái niệm này cứ vẩn vít trong đầu Uông Diểu. Tại sao Mặt trời của thế giới đó lại vận hành không theo quy luật nào? Một hành tinh, cho dù quỹ đạo là hình tròn hay hình elip, thì hoạt động quay xung quanh ngôi sao của nó nhất định phải mang tính chu kỳ, không thể vận hành hoàn toàn không theo quy luật gì như vậy được... Uông Diểu đột nhiên cảm thấy rất bực bội với bản thân, anh lắc mạnh đầu, muốn xua hết mọi thứ đó ra khỏi tâm trí, chẳng qua chỉ là một trò chơi thôi mà, nhưng anh đã thất bại.
Kỷ nguyên Hỗn loạn, kỷ nguyên Hỗn loạn, kỷ nguyên Hỗn loạn...
Khốn khiếp! Đừng nghĩ đến nó nữa!! Tại sao cứ nhất thiết phải nghĩ đến nó! Tại sao?!
Rất nhanh sau đó, Uông Diểu đã tìm được đáp án. Đã nhiều năm nay anh không chơi trò chơi điện tử nào rồi, độ này, kỹ thuật phần cứng và phầm mềm của trò chơi điện tử rõ ràng đã được nâng cấp rất nhiều, những trò anh đã chơi thời học sinh không thể nào so sánh được với cảnh tượng mô phỏng hiện thực và hiệu ứng phụ gia trong đó. Nhưng Uông Diểu cũng hiểu, sự chân thực của Tam Thể không nằm ở chỗ đó. Anh còn nhớ trong một bài giảng về lý thuyết thông tin hồi đại học năm thứ ba, giáo sư đã treo lên hai bức tranh lớn, một bức là Thanh minh thượng hà đồ của Trương Trạch Đoan phức tạp tinh tế, bức còn lại là ảnh chụp bầu trời mênh mông, trên nền trời xanh thẳm trống trải chỉ có một vạt mây trắng tựa như có lại tựa như không. Giáo sư đã hỏi trong bức tranh này, bức nào bao hàm lượng thông tin lớn hơn, đáp án là bức sau lớn hơn bức trước từ một đến hai bậc độ lớn (*)!
(*) Hai số hơn/kém nhau n bậc độ lớn nghĩa là gấp nhau 10n lần. Một đến hai bậc độ lớn nghĩa là gấp 10 đến 100 lần.
Tam thể chính là như vậy, lượng thông tin nhiều vô số kể của nó ẩn sâu bên dưới, Uông Diểu cảm nhận được, nhưng lại không thể nói rõ ra. Anh đột nhiên tỉnh ngộ, điểm đặc biệt của Tam Thể là ở chỗ, so với những trò chơi khác, người thiết kế ra nó đã đi ngược với lẽ thường... Những nhà thiết kết game thông thường đều cố gắng tăng lượng thông tin hiển thị lên hòng tạo ra cả giác chân thực; còn người thiết kế ra trò chơi Tam Thể này lại cực lực nén lượng thông tin lại hòng ẩn giấu sự thực lớn lao nào đó, giống như bức ảnh chụp bầu trời thoạt nhìn tưởng như trống trải kia vậy.
Uông Diểu thả lỏng sợi dây trói buộc suy nghĩ của mình, để mặc cho nó quay lại thế giới của Tam Thể.
Sao bay! Mấu chốt nằm ở những ngôi sao bay không có gì nổi bật kia, một ngôi sao bay, hai ngôi sao bay, ba ngôi sao bay... điều này có nghĩa gì?
Trong lúc ngẫm ngợi, chiếc xe đã tới cổng của tiểu khu mà anh muốn đến.
Ở cầu thang tòa nhà mình cần tìm, Uông Diểu trông thấy một phụ nữ đeo kính, gầy gó, tóc bạc, chừng sáu mươi tuổi đang xách một giỏ thức ăn lớn khó nhọc leo lên. Anh đoán có lẽ đây chính là người mình muốn tìm, vừa hỏi, quả nhiên bà già đó chính là mẹ của Dương Đông, Diệp Văn Khiết. Sau khi nghe Uông Diểu nói về nguyên nhân mình tìm đến, bà lộ vẻ cảm động tự đáy lòng. Diệp Văn Khiết là dạng trí thức cao tuổi mà Uông Diểu thường gặp, gió sương của năm tháng đã bào mòn mọi sự cương ngạnh và nóng nảy trong tính cách của họ, chỉ còn lại sự nhu hòa như nước.
Uông Diểu xách làn cùng bà đi lên lầu, vào nhà mới phát hiện, nơi này không quạnh quẽ như anh tưởng tượng: có ba đứa trẻ con đang chơi đùa, đứa lớn nhất chắc chỉ tầm năm tuổi, đứa nhỏ thì vừa mới biết đi. Bà Dương nói với Uông Diểu, lũ trẻ này đều là con nhà hàng xóm.
"Chúng nó thích sang đây chơi. Hôm nay là Chủ nhật, bố mẹ chúng nó phải đi làm thêm, bèn gửi chúng nó cho tôi... Nào, Nam Nam, cháu vẽ tranh xong chưa hả? Ừm, đẹp quá, đặt tên cho nó nhé! Vịt con trong nắng, được, bà để vào cho cháu, viết thêm ngày 9 tháng 6, tác phẩm của Nam Nam nữa nhé... Trưa nay các cháu thích ăn gì? Dương Dương? Gà rán? Được rồi, Nam Nam? Đậu Hà Lan mà hôm qua cháu ăn? Được, còn cháu? Mi Mi? Thịt hả? Không, mẹ cháu dặn rồi, đừng ăn nhiều thịt thế, không tiêu hóa được đâu, ăn cá nhé? Xem bà mua về con cá to chưa này..."
Chắc chắn bà ấy muốn có cháu trai hoặc cháu gái, nhưng dù Dương Đông còn sống, liệu cô ấy muốn có con không? Nhìn bà Dương chăm chú nói chuyện với lũ trẻ, Uông Diểu thầm nhủ.
Bà Dương xách giỏ vào bếp, lúc quay ra, bà bảo với Uông Diểu: "Tiểu Uông à, tôi đi ngâm rau trước đã, giờ rau cỏ nhiều dư lượng thuốc trừ sâu lắm, cho trẻ con ăn ít nhất phải ngâm hai tiếng trở lên... cậu có thể vào phòng của Đông Đông mà xem."
Đề nghị có vẻ như vô ý của bà Dương khiến cho Uông Diểu rơi vào trạng thái căng thẳng và bất an. Hiển nhiên, bà đã nhận ra mục đích thực sự của chuyến viếng thăm này mà Uông Diểu giấu trong lòng. Bà nói dứt lời, liền quay vào trong bếp, không nhìn Uông Diểu lấy một lần, dĩ nhiên cũng không thấy bộ dạng lúng túng của anh, thái độ thấu hiểu gần như toàn bộ của bà khiến Uông Diểu không khỏi cảm động.
Uông Diểu quay người đi qua lũ trẻ đang vui đùa, bước về phái căn phòng mà bà Dương vừa chỉ. Anh dừng chân trước cửa, đột nhiên bị nhấn chìm trong một thứ cảm giác kỳ dị, tựa như vừa quay lại thời thiếu niên nhiều mộng tưởng, một cảm giác mong manh trong veo như giọt sương sớm từ sâu thẳm trong hồi ức bỗng trào dâng, trong đó bao hàm cả sự thương cảm và nỗi đau ban sơ nhất, nhưng tất cả đều nhuốm một màu hồng.
Uông Diểu nhẹ nhàng đẩy cửa, bất ngờ lại ngửi thấy mùi hương nhàn nhạt. Đó là mùi của rừng già, khiến anh có cảm tưởng như bước vào một căn nhà nhỏ của người kiểm lâm trong rừng sâu. Vách tường che phủ bằng từng mảng từng mảng vỏ cây màu nâu, ba chiếc ghế đều là những gốc cây đơn sơ, bàn viết được ghép lại từ ba gốc cây tương đối lớn, còn cả chiếc giường kia nữa, rõ ràng cũng được trải bằng cỏ u la của vùng Đông Bắc. Mọi thứ đều rất thô sơ, tự nhiên, không hề cố ý biểu hiện ra một thứ mỹ cảm nào cả. Với chức vị của Dương Đông, thu nhập của cô rất cao, có thể mua nhà ở bất cứ khu vực cao cấp nào, nhưng cô vẫn luôn sống chung với mẹ ở đây.
Uông Diểu bước đến bên bàn làm việc bằng gốc cây, bài trí bên trên cũng rất đơn giản, chẳng có thứ gì liên quan đến học thuật cả, cũng không có đồ dùng của phái nữ; có lẽ là đã được mang đi hết rồi, cũng có thể là chúng chưa từng có ở đây. Thứ đầu tiên anh chú ý đến là một tấm ảnh đen trắng lồng trong khung gỗ, ảnh chụp chung của hai mẹ con Dương Đông, trong ảnh Dương Đông đang ở tuổi thiếu niên, người mẹ ngồi xuống vừa khéo cao đúng bằng cô. Gió rất lớn, thổi tung mái tóc của hai người đan vào nhau. Cảnh nền của bức ảnh rất kỳ lạ, bầu trời hình lưới, Uông Diểu xem xét tỉ mỉ kết cấu sắt thép chống đỡ tấm lưới ấy, suy đoán rằng đó là một ăng ten parabol hoặc thứ gì đó tương tự, vì kích cỡ quá lớn, viền của nó nằm ngoài khung hình.
Trong tấm ảnh, đôi mắt to của cô bé Dương Đông toát lên một nỗi kinh sợ khiến Uông Diểu thầm run rẩy, tựa như thế giới bên ngoài tấm ảnh làm cô bé vô cùng sợ hãi. Món đồ thứ hai mà Uông Diểu chú ý đến là cuốn sổ lớn dày cộm đặt ở góc bàn. Thoạt tiên, anh bị mê hoặc bởi chất liệu của cuốn sổ, mãi đến lúc nhìn thấy hàng chữ nguệch ngoạc kiểu trẻ con trên bìa sổ: "Sổ vỏ bạch hoa của Dương Đông" mới biết cuốn sổ này được làm bằng vỏ bạch hoa(*), thời gian đã làm vỏ cây trắng bạc biến thành vàng sậm. Anh đưa tay chạm vào cuốn sổ, do dự giây lát rồi lại rụt tay trở về.
(*) Một giống bạch dương.
"Cậu xem đi, đấy là tranh của Đông Đông hồi nhỏ." Bà Dương đứng ở cửa nói.
Uông Diểu nâng cuốn sổ bằng vỏ cây lên, nhẹ nhàng lật xem từng trang. Trên mỗi bức tranh đều có ngày tháng, rõ ràng là bà mẹ đã chú thích vào cho con gái, giống như anh thấy lúc vừa đến nhà. Uông Diểu phát hiện ra một điều hơi khó hiểu: nhìn ngày tháng trên bức tranh, lúc này Dương Đông đã hơn ba tuổi, đứa trẻ tuổi này thông thường đều có thể vẽ ra người hoặc vật thể có hình dáng tương đối rõ ràng; nhưng tranh của Dương Đông vẫn chỉ là những đường nét rối rắm tùy tiện, Uông Diểu thấy ở trong đó một nỗi giận dữ và tuyệt vọng dữ dội khi muốn biểu đạt điều gì đó mà bất lực, những đứa trẻ bình thường ở độ tuổi này không thể nào có thứ cảm giác ấy.
Bà Dương chầm chậm ngồi xuống mép giường, đờ đẫn nhìn cuốn sổ bằng vỏ cây trên tay Uông Diểu, chính ở nơi này, con gái bà đã tự kết thúc sự sống của mình trong giấc ngủ. Uông Diểu ngồi xuống bên cạnh bà, chưa bào giờ anh thấy khao khát mãnh liệt muốn được chia sẻ nỗi đau với người khác như lúc này.
Bà Dương cầm lấy cuốn sổ trên tay Uông Diểu, ôm vào lòng rồi khẽ nói: "Sự giáo dục của tôi dành cho Đông Đông có hơi lệch lạc, để nó tiếp xúc với những thứ quá trừu tượng và cực đoan sớm quá. Lần đầu tiên nó tỏ ra hứng thú với những lý thuyết trừu tượng đó, tôi đã bảo nó rằng phụ nữ rất khó bước vào thế giới ấy. Nhưng nó nói, bà Curie chẳng phải đã bước vào rồi đấy sao? Tôi lại nói cho nó biết, bà Curie căn bản vẫn chưa bước vào được, thành công của bà ấy chỉ là do siêng năng và cố chấp mà thôi, không có bà ấy, những người khác cũng hoàn thành những công việc đó, ngược lại bà Ngô Kiện Hùng(*) đi được xa hơn, nhưng đó thật sự không phải là thế giới của phụ nữ. Phương Thức tư duy của phụ nữ không giống với đàn ông, điều này không phải là phân biệt ai cao ai thấp, mà là một điều tất yếu của thế giới.
(*) Ngô Kiện Hùng (Chien-Shiung Wu) là một trong những nhà vật lý xuất sắc đương đại, có thành tựu rất lớn trong lĩnh vực nghiên cứu vật lý thực nghiệm. Bà là người đầu tiên chứng minh được bằng thực nghiệm suy đoán lý thuyết về sự vi phạm bảo toàn chẵn lẻ trong tương tác yêu của Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh, dẫn đến giải Nobel Vật lý 1957 cho hai nhà nghiên cứu này. (TG)
"Đông Đông không phản bác. Sau này, tôi thật sự phát hiện ra nó có những điểm đặc biệt, ví dụ khi giảng giải cho nó về một công thức, bọn trẻ con khác sẽ nói 'công thức này thật tài tình', còn nó lại nói 'công thức này thật đẹp, thật ưa nhìn', nét mặt nó lúc ấy giống như trông thấy một bông hoa dại xinh đẹp vậy. Bố nó để lại một đống đĩa hát, nó nghe một hồi, cuối cùng chọn ra một đĩa của Bach để nghe đi nghe lại, đó là thứ âm nhạc rất khó khiến người ta, đặc biệt là một đứa con gái nhỏ nghe đến nỗi mê mẩn. Mới đầu, tôi tưởng là nó chọn bừa, nhưng lúc hỏi nó cảm nhận thế nào, con bé đáp: nó thấy một người khổng lồ đang xây nên một căn nhà rất lớn, rất phức tạp, người khổng lồ đắp từng chút từng chút một, khi khúc nhạc kết thúc, căn nhà cũng đã xây xong..."
"Cô giáo dục con gái rất thành công." Uông Diểu cảm khái thốt lên.
"Không, tôi đã thất bại! Thế giới của nó quá đơn giản, chỉ toàn những lý thuyết kỳ ảo đó. Một khi những thứ đó sụp đổ, thì chẳng còn gì có thể giữ cho nó sống tiếp được nữa."
"Cô giáo Diệp, theo cháu cô nghĩ vậy cũng không đúng, hiện nay đã xảy ra một số việc mà chúng ta khó lòng tưởng tượng nổi, đây là một thảm họa lý thuyết xưa nay chưa từng có, những nhà khoa học lựa chọn làm thế cũng không chỉ có mình cô ấy."
"Nhưng chỉ có mình nó là phụ nữ, phụ nữ lẽ ra phải giống như nước, nới nào cũng có thể chảy qua được."
...
Lúc từ biệt, Uông Diểu mới nhớ ra mục đích còn lại của chuyến viếng thăm, bèn hỏi bà Dương về việc quan trắc bức xạ nền vũ trụ.
"Ừm, trong nước có hai nơi đang thực hiện, một là cơ sở quan sát ở Ürümqi, hình như là dự án của Trung tâm quan trắc môi trường không gian của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc. Một nơi nữa rất gần, chính là đài quan trắc thiên văn vô tuyến ngoại thành Bắc Kinh, do Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc kết hợp với Trung tâm vật lý thiên văn liên hợp của Đại học Bắc Kinh xây dựng. Cái đầu tiên là quan sát thực tế trên mặt đất, cái ở Bắc Kinh thì chỉ dựa trên số liệu nhận được từ vệ tinh, nhưng số liệu thì chuẩn xác hơn, toàn diện hơn. Bên đó tôi có một học sinh, để tôi giúp cậu liên hệ nhé." Bà Dương nói, rồi đi tìm số điện thoại, sau đó gọi điện cho người học sinh đó, hình như rất thuận lợi.
"Không vấn đề gì đâu, tôi cho cậu địa chỉ, cậu đến thẳng đó là được. Cậu ấy tên là Sa Thụy Sơn, ngày mai cậu ấy trực ca đêm... Hình như cậu không nghiên cứu ngành này thì phải?" Bà Dương đặt điện thoại xuống hỏi.
"Cháu làm về vật liệu nano, chuyện này là vì... một số công việc khác." Uông Diểu rất sợ bà Dương sẽ hỏi tiếp, nhưng bà cũng không hỏi gì thêm.
"Tiểu Uông à, sao sắc mặt cậu xấu thế, có phải sức khỏe không được tốt không?" Bà Dương nói với vẻ quan tâm.
"Không có gì đâu ạ, cháu cứ vậy suốt thôi." Uông Diểu ấp úng đáp.
"Cậu đợi chút." Bà Dương lấy trong tủ ra một chiếc hộp gỗ nhỏ, Uông Diểu thấy bên trên có đề là nhân sâm. "Một chiến sĩ già ở căn cứ ngày xưa đến thăm tôi hai hôm trước, mang cho cái này... Không, không, cậu cầm đi, đây là loại do người trồng, không quý giá gì đâu, tôi bị huyết áp cao, không dùng được. Cậu có thể cắt lát ngâm vào trà mà uống, nhìn sắc mặt cậu kìa, cứ như bị thiếu máu ấy. Người trẻ tuổi phải biết chăm sóc bản thân chứ." Uông Diểu chợt thấy ấm lòng, hai mắt ươn ướt, quả tim hai ngày nay đã căng ra hết mức của anh giống như được đặt lên một lớp lông thiên nga mềm mại. "Cô Diệp, cháu sẽ thường đến thăm cô."
Nói rồi, anh nhận lấy hộp gỗ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top