Bỏ lỡ

     Lần đó, sau khi học GDCD là tiết cuối, tôi ra xe chuẩn bị trở về thì vô tình gặp cô GDCD cũng về. Cô nói với tôi: "Chia buồn với gia đình em". Tôi nghe thấy lạ liền hỏi lại cô: "Sao vậy ạ?"
"Ủa em không biết gì hả? Ông ngoại em... mất rồi!"
Tôi giật mình. Lần trước tôi nghe nói là ông vẫn còn khỏe mà. Cũng lâu rồi tôi chưa thăm ngoại. Tôi nhìn cô với ánh mắt vô cùng kinh ngạc. Nhưng tôi lại nghĩ lại cô đang đùa.
      Đến khi về nhà rồi, tôi mới nghe cha tôi nói. Đó là thật. Ông ngoại tôi mất rồi, lúc tôi đang trong trường. Nghe nói là vì mắc nghẹn khi ăn, vốn dĩ ông bị cao huyết áp nên đã rất yếu rồi, lúc đó nhà lại không có ai nên mọi người không kịp nhận ra tình trạng khẩn cấp của ông, đến lúc phát hiện thì đã muộn, ông không qua khỏi và đã rời xa chúng tôi. Tôi thấy mẹ tôi hối hận nhiều. Mẹ cứ vừa khóc vừa nói "Giá mà hôm trước kịp ra thăm ông" vì mẹ không gặp ông cũng một khoảng thời gian rồi, cứ luôn đinh ninh là khi nào rảnh sẽ về thăm nhưng cuộc sống và công việc cuốn mẹ theo vòng xoáy để rồi quên mất. Khi ấy, nhìn mẹ mà tôi chợt nghĩ đến sau này. Có khi nào, khi lớn lên, tôi cũng sẽ vì bận rộn công việc, gia đình mà bỏ lỡ những khoảnh khắc gặp gỡ ba mẹ - thứ vô cùng quý giá biết bao?

      Lại một ngày nọ, khi tôi vừa mới lên cấp ba. Ngày hôm đó, do ham chơi nên tôi ở lại trường khá muộn để chơi bóng chuyền với bạn bè. Bình thường, nếu về tối thì tôi sẽ nhắn với cha để cha đón tôi. Hôm ấy cũng vậy. Tôi nhắn cho ba trước, một lát sau tôi nhận được tin trả lời "Hôm nay nhà bận, cha không rước được, con tự về nha". Tôi cảm thấy khá lạ. Bình thường mẹ rất lo cho tôi, sợ tôi về tối nguy hiểm nên luôn bảo cha rước tôi. Vậy mà hôm nay cha nhắn là không rước được. Tuy thấy kì quặc nhưng tôi cũng nhanh chóng bỏ qua mà tiếp tục cuộc chơi.
       Sau đó tôi về cùng một người bạn. Về đến nhà, tôi thấy trong nhà mình có rất nhiều người, xe để chật ních cả sân. Tôi dựng xe vào một góc rồi đi vào. Mẹ tôi kêu tôi đi thay đồ rồi ra ăn. Tôi không hiểu gì hết, nhưng vẫn nghe theo lời mẹ. Tôi lén nhìn vào trong nhà, thấy bà nội tôi - người mấy ngày nay sức khỏe đã rất yếu và có thể "đi" bất cứ lúc nào - đang nằm trên giường, nhắm mắt. Tôi có hơi nghi, lẽ nào... Nhưng tôi không dám hỏi, vì nếu không đúng thì chẳng phải lời nói của tôi sẽ giống như một lời rủa sao? 
     Đến tận khi ăn xong, được mọi người kêu ra làm nghi lễ cúng, tôi mới thực sự xác nhận suy nghĩ của mình. Bà nội tôi... đi rồi.
     Mới vài ngày trước thôi, nhờ mẹ tôi thấy bà sức khỏe yếu nên dẫn tôi vào thăm bà. Bình thường tôi rất ít khi vào thăm bà dù ở chung một nhà, có lẽ do tôi ngại vì lâu rồi không nói chuyện với bà, hoặc do tôi cũng hơi "ớn" khi thấy người bệnh và mùi trong phòng. Bà tôi lúc ấy đã chẳng nói được nữa, có lẽ là vì không còn sức để mà nói. Cũng không biết bà còn nhận ra tôi - đứa cháu gái yêu dấu của bà hay không. Tôi còn nhớ lần trước vào thăm bà, dù bà cũng nằm y như vậy nhưng khi thấy tôi, bà vẫn tỏ ra vui mừng và đôi lúc còn rơm rớm nước mắt khi nghe mẹ tôi kể về những thành tích học tập của tôi. Nhưng lần này thì khác. Vào khoảnh khắc tôi nhìn bà, tôi cảm thấy đôi mắt bà trông thật vô hồn. Bà nằm như thể đang chờ đợi một thứ gì đó, phải chăng là lưỡi hái của tử thần? Tôi cũng không rõ. Chỉ là, khi nhìn bà, tôi chợt thấy nghẹn lời. Tôi tự cho phép mình "liên tưởng" những suy nghĩ của bà khi ấy. Bà đang buồn vì hiểu ra rằng mình phải đối mặt với ranh giới giữa sự sống và cái chết, không còn được bên cạnh con cháu; hay bà đang ân hận vì bản thân đã để cho con cháu phải lo lắng, chăm sóc cho mình lâu như vậy? Tôi chợt thấy đau lòng thay cho bà.

    Tôi cũng là người ham đọc sách và hay tò mò nên đã đọc vài các quyển sách, bài viết nói về con người trước khi mất. Khi đứng giữa lằn ranh mỏng manh ấy, con người ta sẽ nghĩ về cái gì, sẽ cảm thấy như thế nào? Có rất nhiều ý kiến cho rằng lúc này, kí ức của người đó sẽ giống như một cuốn phim tua lại trong đầu như một sự "nhìn lại" cả cuộc đời chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng đây vẫn chỉ là suy đoán của giới khoa học vì chưa ai từng trải qua cảm giác rồi kể lại cho người khác được (hoặc có nhưng rất "khan hiếm" và không đủ để làm bằng chứng chứng minh luận điểm trên). Tôi tự hỏi, phải chăng bà tôi cũng trải qua cảm giác này khi ấy? 

Có lẽ tôi là một người suy nghĩ khá nhiều, thích đặt mình vào hoàn cảnh người khác để suy nghĩ và cảm thông.

   Lần trước soạn bài nói tiếng anh chủ đề Party, tôi có viết là "When I got home, there were a lot of people. I realized: my parents had prepared a birthday party for me. I was really happy and amazed.". Giờ nghĩ lại mới thấy, quả thật là có lần về nhà thấy có rất nhiều người, nhưng không phải là vì tiệc sinh nhật của tôi, mà là đám tang của bà nội tôi. Thật trùng hợp!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top