tam su nguoi ban ve so

Tâm sự người bán vé số

TT - Cha mẹ tôi quan niệm không có của cải thì ráng cho con đi học để đỡ vất vả hơn mình. Hiểu lòng cha mẹ nên sau khi tốt nghiệp trường trung học y tế, tôi vừa đi làm vừa đi học để thi tiếp vào đại học.

Nhưng rồi năm 1994, cha tôi đột ngột bị tai biến liệt nửa người, cùng lúc đứa em gái bị tai nạn giao thông rồi chuyển sang tâm thần luôn. Nợ nần bao vây, bán dần đồ đạc để chữa trị cũng không đủ, đành bán luôn căn nhà để trả nợ. Mẹ tôi và tôi dọn đến căn chòi lá cuối hẻm cụt dơ bẩn, lầy lội, không điện, không nước. Từ đó họ hàng, bạn bè xa lánh vì chúng tôi quá nghèo.

Má tôi và tôi chọn cách bán vé số vì có thể vừa kiếm tiền vừa sắp xếp thời gian nuôi bệnh được. Không thể vay mượn ai, tôi đi bán máu được 200.000 đồng để làm vốn. Từ 5g-22g, tôi và má lang thang khắp các nẻo đường, quán xá. Lúc đầu, do mặc cảm tôi cứ giấu xấp vé số, đến chỗ vắng người mới dám lấy ra mời nên không bán được mấy dù đi hàng chục cây số. (Mãi sau này, tôi tự nhủ nhà mình nghèo do lâm bệnh chứ đâu phải bê tha trác táng, và bán vé số là nghề lương thiện thì sao phải mắc cỡ, thế là tôi dần bán được). Nhiều bữa về nhà người rã rời, không có tiền mua gạo, mua thuốc, còn phải chịu những cơn đập phá la hét của em tôi, có khi phải thức trắng đêm để vỗ về, năn nỉ nó.

Có những hôm bán ế, không đủ tiền góp, má tôi và tôi phải chờ đến đêm mới rón rén về nhà, sáng phải đi thật sớm để tránh chủ nợ. Đã vậy má tôi còn bị giật mất xấp vé số cả triệu bạc, nhằm ngay lúc ở nhà em tôi lên cơn bệnh, đập phá đồ người ta phải bồi thường. Tôi lại đi bán máu, nghĩ nhất định phải kiếm được tiền để người thân không bị đói. Sống trong đau khổ triền miên, tôi đã có ý định tự sát nhưng rồi trách nhiệm làm con, làm chị đã lôi kéo tôi thức tỉnh. Vì nếu tôi chết rồi là hết suy nghĩ, hết buồn, nhưng cha mẹ và em tôi sẽ ra sao? Thế là tôi lại gượng cười, gượng nói. Lúc đi bán, tôi là người rất vui vẻ, lúc về nhà tôi rất hồn nhiên, nhưng thật ra đang chôn chặt một tâm sự đầy bão tố.

Ngày tháng qua đi, nay đã 13 năm. Tôi cũng không hiểu vì sao tôi đã vượt qua được chặng đường thê thảm đó. Bây giờ phường cấp cho chúng tôi căn nhà tình thương và ba tôi đã đi lại được. Ông đã kiên trì tập cầm, tập đứng, tập đi, té xuống lại đứng lên đi tiếp, dù vã mồ hôi, dù đau hay đổ máu vì té vẫn không bỏ cuộc. Em gái tôi cũng tỉnh trí nhiều.

Dù nhà tôi vẫn rất nghèo và tôi vẫn thường xuyên phải bán máu của mình để bù những lúc thiếu hụt, nhưng tôi không còn buồn vì tôi đã đứng vững trong nghịch cảnh. Tôi chỉ thiết tha mong mọi người đang có cuộc sống hạnh phúc ấm no, có lúc nào đó hãy nghĩ đến những người nghèo, vì nhiều khi chỉ một ánh mắt cảm thông, một nụ cười nhân ái mà bạn vô tình đã cứu lấy một gia đình.

LÊ THỊ ÁNH THU (Vĩnh Long)

Chia xẻ của bạn đọc

tôi lớn lên trên miền cao nguyên đầy nắng gió. cha mẹ tôi nghèo lắm,tôi được đi học nhưng không được đầy đủ như bạn bè. tôi vẫn thường trách sao nhà mình nghèo thếm khổ thế. hồi nhỏ khi phải đi mót những hạt cà phê, những trái bắp nhỏ... tôi vẫn thường trách ba mẹ tôi sao lại nghèo thế? sao ba mẹ tôi không giỏi, không giàu như những người kia...Giờ nghĩ lại sao tôi hối hận quá! cha mẹ tôi tuy nghèo nhưng không bao giờ để tôi thất học. dù trong nhà không có gì cha mẹ cũng bắt tôi đi học bằng được để bây giờ tôi mới được làm một cô sinh viên đại học như thế này chứ. tôi may mắn biết bao! tôi có một gia đình, tôi có ba mẹ tôi, có chị tôi,có cuộc sống tuy không đầy đủ nhưng an bình. khi đọc bài viết về chị Thu tôi thương chị quá và càng tự trách mình nhiều hơn. Trong khi tôi may mắn như vậy nhưng tôi còn không biết trân trọng và cảm thấy hạnh phúc mà còn đòi hỏi. tôi thật sự cảm phục chị. nếu là tôi không biết tôi có chịu được những nỗi bất hạnh đó không? không biết tôi có đủ nghị lực để sống tiếp hay không? cảm ơn chị đã cho tôi biết sống, cho tôi biết cảm ơn cuộc đời! cầu mong cho hạnh phúc sẽ tìm đến chị và gia đình chị, vì chị xứng đáng!

Lời tòa soạn: Câu chuyện kể của một phụ nữ đã nghèo lại gặp cảnh thắt ngặt nên phải đi bán máu nhiều lần để trang trải. Nhưng địa chỉ ghi bên dưới bài viết lại là một căn nhà mặt tiền đường ở thị xã Vĩnh Long. Vì thế, ban tổ chức cuộc thi Chuyện đời tự kể đã nhờ cộng tác viên đến gặp tác giả. Hóa ra địa chỉ trong thư là nhà cũ đã bán, chị Thu và gia đình lùi về phía sau, cất chiếc chòi trong hẻm. Và đây là bài viết của chị Minh Tâm - cộng tác viên của Tuổi Trẻ.

Chị Thu

Trong căn nhà tình thương, ngoài hai chiếc giường tre ọp ẹp, không còn vật gì đáng giá. Khi tôi đến, chị vừa đi bán về. Khuôn mặt sạm nắng, nhễ nhại mồ hôi, đôi mắt ngập đầy nỗi buồn nhưng tia nhìn của người phụ nữ 47 tuổi này có vẻ tĩnh tại. Chị thổ lộ: "Giờ đã bớt khổ, chị và ba, mẹ đi bán vé số cũng đủ đắp đổi qua ngày".

Đứa em gái của chị đã phát bệnh khi sắp thi vào đại học - ngồi cuối giường ngây ngô nhìn chúng tôi, thỉnh thoảng lại khóc hoặc cười ré lên. Mỗi ngày sau khi đi bán vé số về, chị tắm rửa, lo cho em. Mặc cho tạo hóa khắc nghiệt, chị cứ bền bỉ tìm cách vượt qua: "Chị mong em chị rồi sẽ hết bệnh, giống như ba chị, lúc đó tưởng đâu ba sẽ liệt suốt đời nhưng ông trời còn thương".

Hôm nào chị cũng dành dụm từng đồng mua sách báo cũ từ chủ vựa phế liệu, đọc xong bán mua lại mớ sách khác. Những gì chứng kiến hằng ngày, mạch cảm xúc của mình chị đều ghi lại trong nhật ký. Chị tập tành gửi báo, chỉ để khuây khỏa, vơi bớt nỗi lòng nhưng bất ngờ được báo Vĩnh Long đăng, thế là chị viết tiếp.

Chị tâm sự: "Hôm nào chị cũng để dành một tờ vé số, chỉ mong trúng 5 triệu đồng mua xe máy cà tàng đi làm trở lại như thuở xưa, rồi mở quán cà phê cóc cho mẹ, chứ để mẹ già phải lội bộ, bán từng tờ vé số, đau lòng lắm!". Nghe mơ ước của chị mà thắt lòng, tôi cầu mong chị trúng độc đắc chứ không phải chỉ 5 triệu đồng, bởi chị xứng đáng được hưởng điều đó lắm!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #phongbino