Hồi 103: Hang Thượng Phương, Tư Mã mắc nạn. Gò Ngũ thượng, Gia Cát dâng sao.

Hồi 103: Hang Thượng Phương, Tư Mã mắc nạn. Gò Ngũ thượng, Gia Cát dâng sao.

Tư Mã Ý bị Trương Dực, Liêu Hóa đánh rát một trận, quân sĩ chạy tán lạc hết, còn độc một mình một ngựa chạy chúi vào trong rừng rậm. Trương Dực thu nhặt hậu quân, Liêu Hóa thì cố miết đuổi theo Tư Mã Ý, dần dần đuổi kịp. Ý sợ cuống, chạy vòng quanh một cây to. Hóa chém theo một đao, không ngờ trúng vào thân cây. Khi rút được đao ra thì Ý đã chạy xa rồi. Liêu Hóa đuổi theo, nhưng ra đến cửa rừng thì mất hút, chỉ thấy mé đông có một cái chỏm mũ vàng rơi xuống đất. Liêu Hóa nhặt lấy, rối cứ nhắm phía đông đuổi theo. Nguyên là Tư Mã Ý vất chỏm mũ về mé đông, nhưng kỳ thực lại chạy về mé tây. Liêu Hóa đuổi một thôi đường, chẳng thấy tăm hơi đâu, ra đến cửa hang, gặp Khương Duy, mới cùng nhau về trại ra mắt Khổng Minh. Bấy giờ Trương Ngực cũng đem trâu ngựa giao nộp, được hơn một vạn tạ lương. Liêu Hóa nộp cái chỏm mũ vàng, được ghi làm công đầu. Ngụy Diên không bằng lòng, oan ức nói ra miệng. Khổng Minh làm ngơ như người không biết.

Tư Mã Ý trốn về được đến trại, trong lòng buồn rầu. Chợt có sứ mang chiếu thư đến nói rằng Đông Ngô cất ba mặt quân vào cướp, triều đình đang bàn sai tướng ra cự địch, ở đây phải giữ cho vững, chớ có ra đánh vội.

Tư Mã Ý tuân lời chiếu, giữ chắc thành trì không ra nữa.

Nói về Tào Tuấn chia quân làm ba mặt, ra chống nhau với quân Tôn Quyền; sai Lưu Thiệu dẫn quân cứu mặt Giang Hạ; Điền Dư dẫn quân cứu mặt Tương Dương; Tuấn cùng với Mãn Sủng dẫn đại quân cứu Hợp Phì. Mãn Sủng đến cửa Sào Hồ trông thấy chiến thuyền mé đông san sát, tinh kỳ nghiêm chỉnh lắm, Sủng vào trung quân tâu với Ngụy chủ rằng:

- Quân Ngô khinh ta mới đến, tất không phòng bị gì, đêm nay nên thừa cơ đến cướp thủy trại, chắc là được to.

Ngụy chủ nói:

- Ngươi nói chính hợp ý trẫm lắm!

Liền sai kiện tướng Trương Cầu dẫn năm nghìn quân, đem sẳn đồ đốt lửa, tự cửa Sào Hồ đánh vào; Mãn Sủng dẫn năm nghìn quân từ bờ phía đông đánh sang. Canh hai đêm hôm ấy, Trương Cầu, Mãn Sủng dẫn quân đến cửa Sào Hồ; khi gần đến thủy trại, quân sĩ reo ầm lên kéo vào. Quân Ngô bối rối, chưa kịp đánh đã vỡ chạy. Quân Ngụy phóng hỏa đốt cháy thuyền bè, lương thảo, khí giới, không biết bao nhiêu mà kể.

Gia Cát Cẩn dẫn bại quân chạy trốn ra Miện Khẩu, quân Ngụy được to kéo về.

Hôm sau, quân đi tiễu báo tin với Lục Tốn. Tốn hội các tướng lại bàn rằng:

- Ta nên dâng biểu tâu với chúa thượng, xin triệt quân vây ở Phàn Thành về chặn phía sau quân Ngụy. Ta dẫn quân đến đánh mặt trước, đầu đuôi giáp lại mà đánh, thì mới phá được.

Các tướng phục kế ấy. Lục Tốn viết biểu sai tên tiểu hiệu mang biểu đi ngầm đến Tân Thành. Nhưng mới đi đến bến đò đã bị quân Ngụy bắt được, giải vào Trung Nguyên nộp Ngụy chủ. Tào Tuấn sai khám, bắt được tờ chiếu của Lục Tốn, Tuấn xem xong than rằng:

- Lục Tốn ở Đông Ngô, bày mưu này thật là diệu toán!

Liền bắt giam tên tiểu hiệu và sai Lưu Thiệu phải cẩn thận đề phòng cánh hậu quân Tôn Quyền.

Gia Cát Cẩn bị thua một trận, lại gặp phải trời đang mùa nắng, người ngựa sinh bệnh chết nhiều. Cẩn đưa thư cho Lục Tốn muốn xin rút quân về nước. Tốn bảo với người đưa thư rằng:

- Ngươi về trình với tướng quân là ta đã có chủ ý.

Sứ giả về báo với Gia Cát Cẩn. Cẩn hỏi xem Lục Tốn thường ngày hay làm gì. Sứ giả thưa:

- Lục tướng quân mỗi ngày sai chúng ra cửa dinh trồng đậu, mình thì cùng với các tướng bắn kích ở cửa viên để làm vui.

Cẩn giật mình, thân đến trại Lục Tốn, hỏi rằng:

- Nay Tào Tuấn thân đốc đến đây, binh thế to lắm, đô đốc liệu chống chế ra làm sao?

Tốn nói:

- Tôi đã sai người dâng biểu cho chúa thượng, không ngờ bị quân Ngụy bắt được. Nay cơ mưu đã tiết lộ mất rồi, quân kia tất phòng giữ trước, ta đánh cũng vô ích, không bằng rút quân về. Tôi dâng biểu hẹn với chúa thượng, xin từ từ rút quân.

Cẩn nói:

- Đô đốc đã có bụng thế, nên rút quân về ngay, cớ sao lại còn trì hoãn?

Tốn nói:

- Quân ta muốn lui, phải thong thả mà rút mới được, nếu lui ngay, quân Ngụy tất thừa thế đuổi theo, thành ra mình rước lấy vạ mất. Túc hạ nên đốc thúc thuyền bè, làm ra dáng tiến lên chống giặc. Tôi thì đem quân mã kéo đến mặt Tương Dương, để cho quân Ngụy sinh nghi, không biết thế nào, rồi ta sẽ dần dần lui về Giang Đông. Như thế quân Ngụy không dám đến gần ta.

Cẩn theo lời ấy, từ biệt Lục Tốn về trại, thu xếp thuyền bè, sắp sửa kéo đi, Lục Tốn chỉnh đốn đội ngũ, dềnh dang ra ý muốn kéo sang Tương Dương.

Quân đi thám báo tin về Ngụy chủ, nói rằng quân Ngô đã động, xin đề phòng trước. Các tướng Ngụy muốn ra đánh, Ngụy chủ vốn đã biết tài Lục Tốn, bảo các tướng rằng:

- Lục Tốn lắm mưu, hoặc là dùng mẹo dụ địch chăng, chớ nên khinh tiến.

Cách được vài hôm, quân đi tiễu về báo rằng ba mặt quân Đông Ngô rút về cả rồi. Ngụy chủ sai người ra thám xem lượt nữa, quả nhiên như thế.

Ngụy chủ nói:

- Lục Tốn dùng binh, chẳng kém gì Tôn, Ngô, mặt đông nam chưa sao dẹp được!

Nhân thế sai các tướng chia ra giữ các nơi hiểm yếu... Tuấn dẫn đại quân đóng ở Hợp Phì, phòng khi có biến động gì chăng.

Khổng Minh ở trại Kỳ Sơn, muốn dùng cách lâu dài, sai quân Thục cày cấy chung với dân Ngụy, quân một phần, dân hai phần, tịnh không xâm phạm một ly nào của dân; dân Ngụy vui lòng, yên cư lạc nghiệp.

Tư Mã Sư nói với cha rằng:

- Quân Thục cướp của ta biết bao nhiêu lương gạo, nay lại cho quân làm ruộng với dân ta ở trên sông Vị, dùng cách lâu dài, thực là mối lo lớn cho nhà nước. Phụ thân sao không hẹn nhau với Khổng Minh đại chiến một trận, quyết sống mái, xem ra làm sao?

Ý nói:

- Ta phụng chỉ của vua sai giữ cho vững, không được khinh động.

Đang bàn bạc có người vào báo rằng:

- Ngụy Diên cầm cái chỏm mũ của đô đốc đánh rơi hôm nọ, đến ngoài cửa trại hò hét khiêu chiến.

Các tướng tức giận cùng muốn ra đánh.

Ý cười rằng:

- Thành nhân có câu: "Không biết nhịn điều nhỏ, thì loạn mất mưu lớn". Ta chỉ nên giữ vững là hơn.

Các tướng tuân lệnh không ra. Ngụy Diên chửi mắng hồi lâu, rồi lại trở về.

Khổng Minh thấy Tư Mã Ý không ra, bèn mật sai Mã Đại lập một trại ở trong hang Hồ Lô. Trong trại đào hố sâu, chứa cỏ khô và đồ dẫn hỏa thật nhiều. Xung quanh núi, làm nhiều những phòng chứa cỏ, trong ngoài đặt địa lôi phục. Rồi dặn Mã Đại rằng:

- Ngươi nên chặn lấp cửa đường sau hang Hồ Lô cho kỹ, phục quân sẵn trong hang. Nếu Tư Mã Ý đuổi vào cửa hang, thì phóng hỏa mà đốt cỏ và địa lôi. Lại phải sai quân sĩ ban ngày thì phất cờ thất tinh ở cửa hang, đến đêm thì đốt đèn thất tinh ở trên núi để làm ám hiệu.

Mã Đại vâng lệnh dẫn quân đi.

Khổng Minh lại gọi Ngụy Diên dặn rằng:

- Ngươi nên dẫn năm trăm quân đến trại Ngụy khiêu chiến, cốt nhử được Tư Mã Ý ra không cần gì đánh được, phải giả làm thua, cho Tư Mã Ý đuổi, rồi ngươi cứ trông chỗ nào cắm cờ thất tinh thì chạy đến, ban đêm thì trông đèn thất tinh cố sao nhử được Tư Mã Ý vào hang, ta khắc có mẹo bắt được.

Ngụy Diên tuân lệnh dẫn quân đi.

Khổng Minh lại gọi Cao Tường dặn rằng:

- Ngươi đem trâu gỗ ngựa máy, hoặc hai ba mươi con một đàn, hoặc bốn năm mươi con một đàn, cùng chứa lương thóc, cho dắt ra đi lại trong đường núi. Nếu để quân Ngụy cướp được, đó là công của ngươi.

Cao Tường lĩnh mẹo, đem trâu ngựa đi.

Khổng Minh sai vét quân ở trại Kỳ Sơn tản ra các mặt, giả danh là đi làm đồn điền. Đoạn dặn các tướng rằng:

- Nếu có quân nào đến đánh, thì cứ vờ thua, nhược bằng Tư Mã Ý đến thì hết sức đánh trại Vị Nam, để chặn đường về của y.

Khổng Minh phân phát quân đâu đấy, tự dẫn một toán quân đến cạnh hang Thượng Phương hạ trại.

Hạ Hầu Huệ, Hạ Hầu Hòa bẩm với Tư Mã Ý rằng:

- Nay quân Thục tản ra các mặt, lập trại làm ruộng, để dùng cách ở lâu dài. Nếu không nhân lúc này trừ ngay đi, để họ ở lâu ngày, thành ra sâu rễ bền gốc, thì khó lòng lay chuyển được nữa.

Ý nói:

- Đây là mẹo Khổng Minh đó thôi!

Hai người nói:

- Đô đốc cứ ngờ vực như thế, thì bao giờ trừ được giặc? Hai anh em tôi xin hết sức quyết một trận tử chiến, để báo ơn nước.

Ý nói:

- Có phải thế thì hai chúng ngươi chia đường ra mà đánh.

Hai người vâng lệnh, mỗi người dẫn năm nghìn quân, chia làm hai ngả kéo đi. Đang đi, bỗng gặp quân Thục đang kèm ốp trâu ngựa gỗ đi trong đường rừng. Hai người đổ lại đánh, quân Thục bỏ cả trâu ngựa mà chạy. Quân Ngụy cướp được, giải về trại nộp Tư Mã Ý. Hôm sau, lại bắt được hơn trăm quân mã, cũng giải về đại trại.

Ý gọi quân bị bắt vào, gạn hỏi việc hư thực. Quân Thục kêu rằng:

- Thừa tướng tôi đồ rằng đô đốc không ra, vậy cho chúng tôi đi tản ra bốn mặt làm ruộng, không ngờ bị bắt về đây.

Ý tha cả quân Thục cho về.

Hạ Hầu Hòa nói:

- Sao không giết đi?

Ý nói:

- Quân tiểu tốt ấy, giết cũng vô ích, không bằng tha cho chúng nó về rồi đồn đi rằng tướng Ngụy nhân từ, để cho nản lòng không muốn đánh nhau. Đó là mẹo Lã Mông lấy Kinh Châu khi xưa đấy!

Liền truyền lệnh cho các tướng rằng:

- Từ rày bắt được quân Thục, phải đối xử tử tế và tha cho về. Nhưng các tướng có công bắt thì vẫn được trọng thưởng.

Các tướng cùng vâng lệnh trở ra.

Nói về Cao Tường đem trâu ngựa vận lương đi lại trong hang Thượng Phương. Hạ Hầu Hòa thỉnh thoảng đến đánh, trong nửa tháng, được luôn vài trận. Tư Mã Ý thấy quân Thục thua luôn, lấy làm hởi dạ lắm. Một bữa lại bắt được vài mươi tên quân Thục. Ý gọi đến dưới trướng hỏi rằng:

- Khổng Minh nay ở đâu?

Chúng bẩm rằng:

- Thừa tướng tôi không có ở trại Kỳ Sơn, hiện nay ở cánh mé tây hang Thượng Phương mười dặm hạ trại. Nay hàng ngày đang vận lương để chứa ở trong hang.

Ý hỏi tường tận, rồi tha cho chúng về, đoạn gọi các tướng đến dặn rằng:

- Khổng Minh không ở trại Kỳ Sơn. Ngày mai, các ngươi nên hết sức, nhất tề đánh lấy trại Kỳ Sơn, ta dẫn quân tiếp ứng cho.

Tư Mã Sư nói:

- Cớ sao phụ thân lại muốn đánh mặt sau?

Ý nói:

- Kỳ Sơn là nơi căn bản của người Thục. Nếu thấy quân ta đến đánh, các trại tất nhiên xô lại cứu, ta sẽ lẻn đến hang Thượng Phương, đốt sạch lương thảo của Thục đi, khiến quân giặc đầu đuôi không cứu được nhau, tất chúng phải thua.

Tư Mã Sư chịu mẹo ấy.

Ý liền cất quân đi, sai Trương Hổ, Nhạc Lâm mỗi người dẫn năm nghìn quân theo sau tiếp ứng.

Khổng Minh khi ấy đang ở trên núi, trông thấy quân Ngụy đám thì dăm ba nghìn, đám thì một vài nghìn, đội ngũ lẻ tẻ, ngơ ngác trông trước trông sau, biết là đến lấy trại Kỳ Sơn. Bèn mật truyền lệnh cho các tướng rằng:

- Nếu Tư Mã Ý thân lại đây, các ngươi nên đến cướp trại Vị Nam của Ngụy.

Các tướng tuân lệnh.

Khi ấy quân Ngụy kéo đến trại Kỳ Sơn, quân Thục bốn mặt đổ ra, hò reo chạy tất tả, làm ra dáng đến cứu trại. Tư Mã Ý thấy quân Thục đến cứu trại Kỳ Sơn, liền dẫn hai con và cánh trung quân kéo đến hang Thượng Phương.

Ngụy Diên ở ngoài cửa hang, mong chờ Tư Mã Ý đã lâu. Chợt thấy một toán quân Ngụy kéo đến. Diên tế ngựa ra xem, thì chính quân Ý.

Diên quát to lên rằng:

- Tư Mã Ý đừng chạy!

Tư Mã Ý xông thẳng vào đánh, chưa được vài hiệp Diên quay ngựa chạy. Ý theo sau đuổi đánh. Diên cứ trông về phía có ngọn cờ thất tinh mà chạy. Ý trông thấy Ngụy Diên có mỗi một mình; quân mã lại ít, cứ vững dạ đuổi tràn, sai Tư Mã Sư ở mặt tả, Tư Mã Chiêu ở mặt hữu. Ý đi giữa, kéo quân đuổi riết. Ngụy Diên dẫn năm trăm quân lùi cả vào hang. Ý đuổi đến cửa hang, sai người vào do thám trước. Người đi thám về báo trong hang không có quân phục gì cả, chỉ thấy trên núi dựng lều cỏ.

Ý nói:

- Đây hẳn là nơi chứa lương.

Liền thúc quân mã vào cả trong hang. Vừa đến nơi, thấy trong các lều cỏ toàn chứa củi khô, mà Ngụy Diên thì không thấy đâu nữa. Ý đâm nghi, bảo hai con rằng:

- Ta vào đây, phỏng có quân giặc lấp mất cửa hang thì làm thế nào?

Nói chưa dứt lời, đã thấy tiếng reo nổi lên, lửa đâu ở trên núi ném xuống, đốt chặn ngang cửa hang trước, rồi tên lửa bắn ra, địa lôi phục bật nổ lên, củi khô ở trong các lều cỏ cháy đùng đùng, chỗ nào cũng nổ đôm đốp, ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt. Tư Mã Ý hồn bay phách lạc, chân tay luống cuống, nhảy xuống ngựa, ôm lấy hai con, khóc ầm lên rằng:

- Ba cha con ta chết cả ở chỗ này mất rồi!

Bỗng dưng trời nổi cơn giông to, mây đen kéo ngất trời, một tiếng sét nổ dữ dội, rồi đổ mưa xuống như trút nước. Lửa đang cháy tắt sạch, địa lôi phục câm tịt, những đồ dẫn hỏa cũng vô dụng.

Tư Mã Ý mừng rằng:

- Không nhân lúc này mà đánh ra, còn đợi đến bao giờ nữa?

Lập tức dẫn quân hăng sức phá toang ra, may lại có Trương Hổ, Nhạc Lâm dẫn binh đến tiếp ứng. Mã Đại ít quân, không dám đuổi theo. Cha con Tư Mã Ý cùng với Trương Hổ, Nhạc Lâm hợp binh làm một, kéo về trại Vị Nam, không ngờ về đến nơi đã bị quân Thục cướp mất trại rồi.

Quách Hoài, Tôn Lễ đang đánh nhau với quân Thục ở trên cầu phao. Tư Mã Ý dẫn quân đến, quân Thục rút chạy. Ý sai đốt cầu phao, đóng quân giữ ở mé bắc ngạn.

Quân Ngụy đang đánh trại Kỳ Sơn, nghe tin Tư Mã Ý thua to, mất cả trại Vị Nam, sinh ra rối loạn, vội vàng rút về. Quân Thục đổ ra đánh giết, quân Ngụy thua to, mười phần mất tám chín, còn tên nào sống sót, thì chạy trốn về mé bắc sông Vị.

Khổng Minh ở trên núi thấy Ngụy Diên dử được Tư Mã Ý vào hang. Một lát thấy ngọn lửa bốc lên, Khổng Minh trong bụng đã mừng, chắc phen này Tư Mã Ý phải chết. Không ngờ trời trút cơn mưa xuống, lửa tắt sạch cả. Tư Mã Ý chạy thoát được ra ngoài.

Khổng Minh than rằng:

- Mưu việc tại người, thành việc tại trời, không sao cưỡng được!

Đời sau có thơ than rằng:

Cửa hang gió cát với mây bay,

Mưa xối mây đen kéo lại đây.

Võ hầu kế diệu ví thành đạt,

Tấn triều sao chiếm núi sông này.

Tư Mã Ý ở trong trại Vị Bắc truyền lệnh rằng:

- Nay dinh trại Vị Nam đã mất rồi, các tướng ai còn nói đến đánh nhau nữa thì chém!

Các tướng vâng lệnh, chỉ việc giữ trại cho vững không dám ra.

Quách Hoài nói với Tư Mã Ý rằng:

- Mấy bữa nay Khổng Minh dẫn quân ra tuần tiễu, tất là muốn tìm đất hạ trại.

Ý nói:

- Nếu Khổng Minh ra núi Võ Công, men sườn mà sang mé đông, thì chúng ta nguy cả. Nhược bằng họ ra mé tây nam sông Vị, đóng đồn trên gò Ngũ Trượng thì ta mới không việc gì.

Sai người dò xem, quả nhiên Khổng Minh đóng ở gò Ngũ Trượng.

Ý mừng quá giơ tay lên trán mà rằng:

- Đó là hồng phúc của đại Ngụy Hoàng Đế ta!

Bèn sai các tướng giữ vững không ra đánh, đợi cho quân Thục sinh biến sẽ hay.

Khổng Minh dẫn một toán quân đóng ở gò Ngũ Trượng đã nhiều lần sai người ra khiêu chiến, quân Ngụy nhất định không ra. Khổng Minh bèn lấy một cái khăn, cái yếm và đồ trắng của đàn bà, đựng vào một cái hòm, rồi viết thư, sai người đưa đến trại Ngụy.

Các tướng không dám giấu giếm, dẫn người đưa thư vào ra mắt Tư Mã Ý. Ý sai mở hòm ra xem, thấy có yếm áo đàn bà và một phong thư. Trong thư nói rằng:

"Trọng Đạt đã làm đại tướng, thống lĩnh quân Trung Nguyên, không dám mặc giáp cầm gươm, để quyết sống mái mà chịu ngồi núp ở trong tối trong hang, để lánh lưỡi đao mũi tên, thế thì khác gì đàn bà? Nay sai người đưa khăn yếm quần áo trắng của đàn bà đến, nếu không dám ra đánh, thì phải lạy hai lạy mà nhận lấy; nếu còn biết xấu hổ, có chí khí người con trai, thì phải phê vào giấy này, y hẹn ra giao chiến".

Tư Mã Ý xem xong, trong bụng căm giận, nhưng cũng gượng cười nói rằng:

- Khổng Minh coi ta như đàn bà ru?

Liền chịu nhận đồ ấy, trọng đãi người đưa thư, và hỏi han chuyện Khổng Minh ăn ngủ, cùng là công việc nhiều ít làm sao.

Sứ giả bẩm rằng:

- Thừa tướng tôi thức khuya dậy sớm; hình phạt từ hai chục roi trở lên, cũng phải coi xét đến mà mỗi ngày chỉ ăn được vài thưng mà thôi. Ý bảo với các tướng rằng:

- Khổng Minh ăn ít làm nhiều, sống lâu làm sao được.

Sứ giả từ về, đến gò Ngũ Trượng ra mắt Khổng Minh, thuật lại việc Tư Mã Ý chịu nhận khăn áo đàn bà, và các lời hỏi han.

Khổng Minh than rằng:

- Ý thực là biết ta!

Chủ bộ Dương Ngung can rằng:

- Tôi thấy thừa tướng hàng ngày cứ phải coi xét sổ sách, thiết nghĩ không nên. Ôi! Việc trị nước phải có thể thống, trên dưới không xâm phạm tới nhau. Ví như đạo trị việc nhà, tất phải có đứa ở trại coi việc cày bừa, đứa ở gái coi việc thổi nấu, nghề nghiệp không thiếu việc gì, cần cái gì có cái ấy; ông chủ nhà chỉ việc thung dung ngồi một chỗ, nằm cao thảnh thơi, ăn uống mà thôi! Nếu việc nào cũng phải xuất thân làm lấy, thì sức lực mỏi mệt, tinh thần kém sút, mà không nên được việc gì. Đó có phải là trí khôn không bằng kẻ ăn người ở đâu, đạo làm chủ nhà phải thế. Cho nên cổ nhân có nói: "Ngồi mà bàn đạo lý, gọi là tam công; đứng ra mà làm việc, gọi là sĩ đại phu". Ngày xưa, Bính Cát lo việc con trâu thở, không lo gì đến kẻ đánh nhau chết dọc đường; Trần Bình làm tướng, không biết số tiền thóc ở kho bao nhiêu, nói rằng đã có người coi riêng từng việc. Nay thừa tướng thân xét đến cả việc nhỏ nhặt, mồ hôi toát ra cả ngày, chẳng nhọc nhằn lắm ru? Lời Tư Mã Ý nói, xin thừa tướng xét cho mới được.

Khổng Minh khóc, nói:

- Ta không phải là không biết thế đâu, nhưng vì chịu ơn tiên đế thác cô cho ta rất trọng, chỉ sợ người khác không được hết lòng như ta. Vậy ta mới phải chịu khó nhọc như thế.

Chúng nghe nói, ai nấy cũng cảm động, ứa nước mắt. Tự bấy giờ, Khổng Minh nghe trong mình tinh thần bàng hoàng, nên không dám tiến binh vội.

Các tướng Ngụy thấy Khổng Minh đưa khăn áo đàn bà cho Tư Mã Ý. Ý chịu nhận, không dám ra đánh. Các tướng cùng vỗ bụng căm tức, vào trướng bẩm rằng:

- Chúng tôi cùng là danh tướng nước Ngụy, chịu sao được người Thục sỉ nhục thế này? Vậy xin ra đánh để quyết một trận sống mái.

Ý nói:

- Ta có phải muốn chịu nhục đâu, bởi vì thiên tử giáng chiếu, sai giữ vững không cho ra đánh, nếu ta khinh động, thì trái quân mệnh mất.

Các tướng bực dọc không bằng lòng.

Ý nói:

- Các ngươi nếu muốn đánh, đợi ta tâu với thiên tử, rồi sẽ đồng lực ra đánh giặc, được chăng?

Chúng tôi xin vâng lời.

Ý sai sứ mang biểu đến Hợp Phì tâu với Ngụy chủ. Biểu rằng:

"Thần tài nhỏ trách nhiệm to, cúi đột chiếu chỉ sai thần giữ vững không đánh, để đợi quân Thục tự nhiên phải tan. Nhưng nay Gia Cát Lượng sai người đưa khăn yếm, coi thần như đàn bà, thần lấy làm sỉ nhục lắm. Thần kính tâu trước vời bệ hạ, sớm tối xin liều một trận đại chiến để báo ơn triều đình, mà rửa cái xấu hổ cho ba quân. Thần cảm kích không biết ngần nào".

Tào Tuấn xem xong, hỏi các tướng rằng:

- Tư Mã Ý trước xin giữ vững không đánh, nay lại dâng biểu xin đánh là cớ làm sao?

Vệ uý là Tân Tỷ tâu rằng:

- Tư Mã Ý vốn không có bụng muốn đánh, đây là Gia Cát Lượng sỉ nhục, các tướng căm tức, cho nên dâng biểu lên, là có ý muốn cầu chiếu chỉ để trấn bụng các tướng đấy thôi.

Tuấn lấy làm phải, sai Tân Tỷ cầm cờ tiết đến trại Vị Bắc, truyền lời dụ không được ra đánh. Nếu ai dám nói đến sự đánh, thì ghép vào tội trái chiếu chỉ nhà vua.

Các tướng đều phải tuân theo. Ý bảo với Tân Tỷ rằng:

- Ông thực là biết bụng tôi lắm!

Bởi thế, trong quân nói truyền đi, ai ai cũng biết. Các tướng Thục nghe tin ấy, vào bẩm với Khổng Minh.

Khổng Minh cười rằng:

- Đó là Tư Mã Ý trấn bụng ba quân đó.

Khương Duy hỏi:

- Thừa tướng sao lại biết là thế?

Khổng Minh nói:

- Ý vốn không dám đánh, xin đánh là thị oai với chúng đó thôi. Có câu rằng: "Tướng ở ngoài, dù vua sai có điều không nghe cũng được". Lẽ đâu cách xa nghìn dặm, mà phải xin lệnh đánh bao giờ? Đây vì Tư Mã Ý nhân các tướng tức giận, cho nên mượn ý Tào Tuấn để trấn bụng chúng và truyền lời ấy ra, để quân ta sinh trễ nải đó thôi.

Đang khi nói chuyện, chợt có tin Phí Vĩ đến. Khổng Minh mời vào hỏi chuyện. Vĩ thưa rằng:

- Tào Tuấn nghe Đông Ngô ba mặt tiến quân, cũng dẫn đại quân đến Hợp Phì, sai Mãn Sủng, Điền Dự, Lưu Thiệu chia quân làm ba mặt chống cự. Mãn Sủng bày mẹo, đốt sạch chiến thuyền và lương thảo khí giới của Đông Ngô. Đông Ngô không làm nên chuyện gì, phải rút quân trở về.

Khổng Minh nghe tin ấy, thở dài một tiếng, không ngờ ngất đi ngã gục xuống đất. Các tướng vội vàng cứu dậy, nửa giờ mới tỉnh.

Khổng Minh than rằng:

- Ta nghe trong mình bàng hoàng, bệnh cũ lại phát, dễ thường không thọ được nữa.

Đêm hôm ấy, Khổng Minh gượng bệnh ra trướng, ngẩng xem thiên văn. Xem xong, Khổng Minh kinh hãi lắm, vào trướng bảo Khương Duy rằng:

- Ta nguy đến nơi mất rồi!

Duy nói:

- Sao thừa tướng lại dạy thế?

Khổng Minh nói:

- Ta thấy trong ba ngôi sao Tam thai, ngôi khách tinh sáng lắm mà ngôi chủ tính thì u ám, các sao tướng phụ bóng tôi lờ mờ. Xem tượng trời như thế đủ biết mệnh ta.

Duy nói:

- Tượng trên trời đã thế, sao thừa tướng không dùng phép dâng sao giải hạn mà kéo lại được không?

Khổng Minh nói:

- Ta vốn biết phép ấy, nhưng chưa biết lòng trời làm sao. Ngươi hãy dẫn bốn mươi chín tên giáp sĩ, cầm cờ thâm, mặc áo thâm, đứng vòng quanh ngoài trường, ta ở trong cầu đảo sao bắc đẩu. Nếu như trong bảy ngày, ngọn đèn chủ không tắt, thì ta sống lâu thêm được một kỷ nữa. Nếu đèn tắt, ta không thọ được. Phàm những người tạp nhạp, không được cho vào. Những đồ gì ta cần dùng đến, cứ sai hai đứa tiểu đồng trang biện là đủ.

Khương Duy vâng mệnh, sắm sửa đâu đấy.

Bấy giờ, vào tiết trung thu, tháng tám. Đêm hôm ấy, sông Ngân vằng vặc, hạt thóc đầm đìa, canh khuya thanh vắng, tiếng la tiếng cồng im phăng phắc, tinh kỳ hắt hiu. Khương Duy ở ngoài trướng, dẫn bốn mươi chín tên giáp sĩ canh giữ xung quanh Khổng Minh ở trong bày hương hoa, lễ vật ở trên mặt đất, chia làm bảy ngôi đèn to và bốn mươi chín ngôi đèn nhỏ xung quanh, ở giữa đặt một ngọn đèn bản mệnh.

Khổng Minh lễ xong khấn rằng:

"Lượng sinh ra thời loạn, toan chịu già ở nơi rừng rú. Nhưng đội ơn Chiêu liệt Hoàng Đế ba lần cầu đến, lại thừa việc thác cô rất trọng, nên phải ra sức khuyển mã để đánh giặc nước. Không ngờ tướng tinh sắp đổ, số thọ hầu tàn. Vậy xin viết một bức lụa, kêu với trời cao, cúi mong lòng trời rủ thương, cho Lượng thêm ít tuổi nữa, để trên báo ơn vua, dưới cứu mạng dân, đem lại vật cũ mà giữ hương hỏa nhà Hán cho được lâu dài. Không dám xin càn, thực bởi tình thiết".

Lạy khấn xong, Khổng Minh vào trướng nằm nghỉ. Hôm sau lại gượng dậy coi việc, thổ ra huyết mãi không thôi. Ban ngày thì bàn định việc quân cơ, ban đêm thì giày sao cương, giẫm sao cẩu, làm phép nhương sao.

Tư Mã Ý ở trong trại, một bữa ngóng xem thiên văn, mừng lắm, bảo với Hạ Hầu Bá rằng:

- Ta xem tướng tinh đổi ngôi, Khổng Minh chắc chắn có bệnh, không mấy bữa nữa tất chết. Ngươi nên dẫn một nghìn quân đến gò Ngũ Trượng tiễu thám xem sao. Nếu quân Thục nháo nhác, không dám ra đánh, thì đúng là Khổng Minh bệnh nặng, ta sẽ thừa thế đánh vào.

Hạ Hầu dẫn quân đi.

Khổng Minh ở trong trướng cầu nhương đã được sáu đêm thấy ngọn đèn bản mệnh tỏa sáng, trong bụng mừng thầm. Khương Duy vào trướng, đang thấy Khổng Minh xoã tóc cắp gươm, giày sao cương, giẫm sao đẩu, làm phép trấn áp ngôi tướng tinh. Bỗng dưng nghe ngoài trại có tiếng hò reo, vừa toan cho người ra hỏi, thì đã thấy Ngụy Diên xồng xộc vào thẳng trong trướng, kêu rằng:

- Quân Ngụy kéo đến nơi rồi!

Diên bước mạnh quá, làm tắt mất ngọn chủ đăng. Khổng Minh quẳng gươm xuống đất than rằng:

- Sống chết có số, không làm sao mà nhương trừ được!

Ngụy Diên sợ hãi, lạy phục xuống đất xin chịu tội. Khương Duy nổi giận, toan rút gươm ra chém Ngụy Diên.

Đó là:

Muôn việc chẳng qua do số vận,

Người sao cưỡng được với lòng trời?

Chưa biết tính mệnh Ngụy Diên thế nào, xem hồi sau phân giải.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: