Tam quoc dien nghia 66-70
Hồi 66
Quan Vân Trường một đao tới hội;
Phục hoàng hậu vì nước bỏ mình
Lại nói Tôn Quyền muốn đòi Kinh Châu, Trương Chiêu hiến kế nói rằng:
- Lưu Bị trông cậy chỉ có Gia Cát Lượng; anh Lượng là Gia Cát Cẩn, hiện đang làm quan ở Đông Ngô. Ta nên bắt cả già trẻ nhà Cẩn đem giam lại rồi sai Cẩn vào Xuyên báo cho Gia Cát Lượng phải khuyên Lưu Bị trả Kinh Châu, nếu không sẽ bắt tội cả nhà Gia Cát Cẩn. Lượng nghĩ đến tình anh em ruột, tất phải vâng lời.
Quyền nói:
- Gia Cát Cẩn là người quân tử thực thà, sao nỡ giam già trẻ nhà người ta?
Chiêu nói:
- Nói trước cho biết đó là mẹo, thì tự nhiên Cẩn yên tâm.
Quyền nghe lời, báo với Cẩn rồi bắt cả nhà giam vào trong phủ, và sai Cẩn sang Tây Xuyên. Cẩn đi được mấy ngày đã đến Thành Đô, sai người báo tin cho Huyền Đức. Huyền Đức hỏi Khổng Minh rằng:
- Lệnh huynh đến đây có việc gì?
Lượng nói:
- Đây tất lại là Tôn Quyền sai đến đòi Kinh Châu.
Huyền Đức nói:
- Nói lại làm sao bây giờ?
Khổng Minh nói:
- Chỉ nên nói như thế, như thế…
Bàn định đâu đấy, Khổng Minh ra đón Gia Cát Cẩn vào thẳng công quán chứ không về nhà riêng. Chào hỏi xong Cẩn hu hu khóc ngay lên. Lượng hỏi:
- Anh có việc gì, cứ nói cho em biết, can gì mà phải khóc?
Cẩn nói:
- Cả già trẻ nhà ta, không khéo phải tội cả.
Lượng nói:
- Có phải vì việc không trả Kinh Châu mà cả nhà anh bị bắt có phải không? Nếu thế thì em sao cho đành dạ! Thôi, anh cứ yên tâm, để em nghĩ kế trả lại Kinh Châu là xong.
Cẩn mừng lắm, theo ngay Khổng Minh vào ra mắt Huyền Đức trình tờ thư của Tôn Quyền. Huyền Đức xem xong, nổi giận lên, nói rằng:
- Tôn Quyền đi gả em cho ta, thừa cơ ta đi vắng, dám sai người sang trộm em về, ta đang muốn cất quân sang đánh báo thù việc ấy. Đông Ngô không biết nghĩ, lại còn đến đòi Kinh Châu hay sao?
Khổng Minh khóc lạy xuống đất mà nói rằng:
- Ngô hầu bắt cả nhà anh tôi mà chết, tôi cũng không sống được một mình. Xin chúa công thương tôi mà trả Kinh Châu cho Đông Ngô, cho tôi được vẹn tình anh em.
Huyền Đức nhất định không nghe. Khổng Minh kêu khóc năn nỉ, giờ lâu Huyền Đức mới nói rằng:
- Có phải thế, ta nể mặt quân sư hãy trả cho một nửa Kinh Châu là ba quận Trường Sa, Quế Dương và Linh Lăng.
Khổng Minh lại nói:
- Nhờ ơn chúa công đã đồng ý, thì xin viết thư cho Vân Trường, để giao ba quận đó cho anh tôi.
Huyền Đức bảo Gia Cát Cẩn rằng:
- Tử Du có đến Kinh Châu, nên nói mềm mỏng với em ta cho khéo. Em ta tính nóng như lửa, ta còn phải sợ, nên cẩn thận mới được.
Cẩn xin tờ thư, rồi từ biệt Huyền Đức, Khổng Minh lên đường, đến thẳng ngay Kinh Châu. Vân Trường ra tiếp vào ngồi chơi. Cẩn đưa tờ thư của Huyền Đức ra và nói rằng:
- Huyền Đức đã hứa trả cho Đông Ngô ba quận trước, xin tướng quân giao ngay cho, để tôi về thưa lại với chúa công tôi.
Vân Trường biến sắc mặt, nói rằng:
- Ta kết nghĩa với anh ta ở vườn đào, thề với nhau giúp nhà Hán. Kinh Châu là đất của nhà Đại Hán, có đâu ta dám đem một tấc nào cho ai. Tướng ở ngoài, dẫu vua sai cũng có khi không chịu. Anh ta tuy viết thư ra đây, nhưng ta nhất định không giao thì đã làm sao?
Cẩn nói:
- Ngô hầu bắt giam cả vợ con tôi, nếu tướng quân không trả, thì nhà tôi phải tội cả, xin tướng quân thương đến tôi một chút.
Vân Trường nói:
- Đó là quỷ kế của Ngô hầu, nói dối thế nào được ta?
Cẩn nói:
- Tướng quân thật không nghĩ đến tình nghĩa gì cả?
Vân Trường cầm lăm lăm thanh kiếm quát lên rằng:
- Đừng nói nữa, thanh kiếm này không có nể nang đâu nhé!
Quan Bình bước lên nói rằng:
- Xin cha bớt giận, còn phải nể mặt quân sư!
Vân Trường nói:
- Nếu không nể mặt quân sư, thì không cho ngươi trở về được Đông Ngô đâu!
Cẩn đỏ mặt thẹn thùng, từ giã xuống thuyền, lại trở vào Tây Xuyên nói với Khổng Minh. Nhưng Khổng Minh đã đi tuần kiểm nơi khác, không có nhà. Cẩn lại phải kêu với Huyền Đức, khóc lóc thuật chuyện Vân Trường đã không trả lại Kinh Châu còn muốn giết mình.
- Em ta nóng tính khó nói lắm. Tử Du hãy chịu khó trở về, để ta lấy nốt Đông Xuyên và Hán Trung, sai Vân Trường ra giữ chỗ ấy, rồi mới giao trả được Kinh Châu.
Cẩn không sao được, phải ra về, kể lại chuyện đầu đuôi với Tôn Quyền. Tôn Quyền nổi giận nói rằng:
- Tử Du đi đi lại lại, không được trò gì, hay là lại mắc phải mẹo Gia Cát Lượng rồi đây?
Cẩn nói:
- Có đâu! Em tôi kêu khóc mãi Huyền Đức mới trả ba quận, không ngờ Vân Trường lại ngang ngạnh không chịu.
Tôn Quyền nói:
- Có phải Huyền Đức đã hứa trả ba quận trước, thì ta thử sai quan sang cai trị xem sao?
Cẩn nói:
- Chúa công nói thế phải lắm!
Quyền cho Cẩn đem vợ con về. Một mặt sai quan đến ba quận nhận chức. Được vài ngày, các quan lại đều bị đuổi về, vào kêu với Tôn Quyền rằng:
- Vân Trường không cho ở bên ấy, tức khắc đuổi phải về luôn, ai chậm chạp thì y lăm le muốn giết.
Quyền giận lắm, sai người gọi Lỗ Túc đến trách mắng rằng:
- Tử Kính đảm bảo cho Lưu Bị mượn Kinh Châu, nay y đã lấy được Tây Xuyên rồi, mà vẫn không chịu trả. Tử Kính ngồi đấy mà nhìn được cho đành hay sao?
Túc thưa:
- Tôi đã nghĩ được một mẹo, đang định nói với chúa công.
Quyền hỏi mẹo gì, Túc thưa rằng:
- Tôi xin đóng quân ở bờ sông, mời Vân Trường đến ăn tiệc. Vân Trường chịu đến, thì lấy lời lẽ phải chăng bảo y phải trả, nếu không nghe thì phục quân đao phủ mà giết đi. Y không đến, thì ta tiến ngay quân sang đánh lấy lại Kinh Châu là xong.
Tôn Quyền nói:
- Ngươi nói cũng phải đấy, nên làm ngay đi!
Hám Trạch can rằng:
- Vân Trường là bậc hổ tướng ở đời, không dễ mà giết được đâu, nếu làm không xong thì lại hoá ra hại mình.
Quyền giận nói rằng:
- Nếu cứ sợ mãi thế, thì bao giờ lấy lại được Kinh Châu.
Bèn sai Lỗ Túc cứ việc làm kế ấy cho chóng. Túc trở về Lục Khẩu, mời Lã Mông, Cam Ninh đến bàn luận mở tiệc yến ở trong đình Lâm Giang ngay cửa bến Lục Khẩu, rồi viết giấy mời sai người ăn nói giỏi qua sông sang Kinh Châu.
Quan Bình hỏi cặn kẽ rồi dẫn vào thành ra mắt Vân Trường. Sứ giả trình tờ thư lên. Vân Trường xem xong báo sứ giả rằng:
- Tử Kính đã có bụng mời ta, ngày mai ta sẽ đến chơi, ngươi cứ về trước.
Sứ giả ra về Quan Bình nói:
- Lỗ Túc mời sang ăn yến, tất có bụng bất trắc, sao phụ thân cũng nhận lời?
Vân Trường cười nói:
- Lạ gì mẹo ấy mà ta chẳng biết! Đấy tất là Gia Cát Cẩn về nói với Tôn Quyền rằng ta không chịu trả ba quận,cho nên sai Lỗ Túc đóng quân ở Lục Khẩu, mời ta đến hội để đòi Kinh Châu. Nếu ta không đi, thì tất cười ta là nhát. Ngày mai ta chỉ dùng một chiếc thuyền nhỏ, mười người đi theo, cầm một thanh đao sang hội, xem Lỗ Túc dám gần ta không?
Quan Bình can rằng:
- Phụ thân sao lại đem tấm thân quý trọng như muôn lạng vàng, mà vào hang hùm sói làm vậy? Làm thế không phải là trọng công việc bá phụ đã uỷ thác cho cha.
Vân Trường nói:
- Tao ở trong đám muôn gươm nghìn giáo, tên đạn bời bời, một ngựa tung hoành như vào chỗ không người, có sợ gì đàn chuột Giang Đông!
Mã Lương cũng can rằng:
- Lỗ Túc tuy là người tử tế, nhưng đến lúc việc cấp, cũng phải sinh bụng khác, tướng quân chớ nên khinh thường mà đi.
Vân Trường nói:
- Ngày xưa, đời Chiến quốc, người nước Triệu là Lạn Tương Như, sức trói gà không nổi, thế mà ở đám hội Hàm Trì còn coi vua tôi nhà Tần chẳng vào đâu. Huống chi ta có sức địch muôn người… Vả ta đã trót hứa rồi, không nên sai hẹn.
Lương lại nói:
- Tướng quân có muốn sang chăng nữa, thì cũng phải giữ gìn.
Vân Trường nói:
- Chỉ sai con ta kén mười chiếc thuyền nhanh nhẹn, năm trăm tên thuỷ thủ cho giỏi, chực sẵn bên sông. Khi nào thấy phất cờ thì chèo thuyền sang đón ta về.
Quan Bình lĩnh mệnh, đi thu xếp thuyền bè.
Sứ giả về bẩm với Lỗ Túc rằng Vân Trường đã vui vẻ nhận lời, ngày mai sẽ đến. Túc bàn vơi Lã Mông rằng:
- Chuyến này y đến thì ta làm thế nào?
Mông nói:
- Nếu y đem quân đến, tôi xin cùng với Cam Ninh phục quân ở bờ sông, đốt pháo làm hiệu, đổ ra đánh giết. Vi bằng y không mang quân đến, thì chỉ cần phục năm mươi tên đao phủ nơi hậu đình, giết phăng ngay y ở tiệc là xong.
Bàn định xong xuôi, hôm sau Túc sai người đứng chực ở cửa sông. Cuối giờ thìn, thấy trên mặt sông có một chiếc thuyền bơi đến, chỉ có vài thuỷ thủ. Một lá cờ đỏ phấp phới trước gió, giữa có chữ “Quan” cực to. Khi thuyền đến gần, nhìn rõ Vân Trường đội khăn xanh, mặc áo bào lục, ngồi chễm chệ, bên cạnh có Chu Thương vác thanh long đao đứng hầu; lại có tám, chín người Quan Tây to lớn lực lưỡng, mỗi người đeo một thanh mã tấu.
Lỗ Túc có vẻ khiếp sợ, ra tiếp vào trong đình. Chào hỏi trà nước xong, Túc mời Vân Trường vào việc. Túc cầm chén mời rượu, không dám ngẩng mặt lên trông. Vân Trường thì cười nói như thường.
Rượu uống được nửa chừng, Túc mới nói:
- Tôi có một việc, muốn thưa với tướng quân, xin tướng quân xét cho: Khi trước tôi có nhận cho hoàng thúc mượn Kinh Châu của chủ tôi để ở tạm, hẹn đến khi lấy được Tây Thục thì trả lại. Nay lấy được rồi mà lại không trả, chả hoá ra nói sai ư?
Vân Trường nói:
- Đó là việc công nhà nước, trong tiệc rượu không nên nhắc đến làm chi!
- Chủ tôi chỉ có một đất Giang Đông, thế mà chịu cho mượn Kinh Châu, bởi vì thấy các ngài gặp cơn khốn bĩ, không có nơi nào nương nhờ. Nay đã lấy được Thục, đáng lẽ trả lại Kinh Châu mới phải, thế mà hoàng thúc còn tiếc chỉ trả một nửa, tướng quân lại không nghe, như thế thì sao cho phải lẽ?
Vân Trường nói:
- Việc ở Ô Lâm, anh tôi xông pha mũi tên hòn đạn, cố sức để cùng phá giặc, có lẽ đâu khó nhọc mà không được thước đất nào? Túc hạ lại còn muốn đòi đất ư?
Túc nói:
- Không phải thế, trước kia, hoàng thúc với tướng quân thưa ở Trường Bản, kế đã cùng, sức đã kiệt, toan trốn tránh đi ở nơi xa, chủ tôi thương hoàng thúc, cho mượn đất lấy chỗ trú chân để gây cơ nghiệp. Thế mà hoàng thúc quên ơn phụ nghĩa, đã lấy được Tây Thục, lại chiếm giữ cả Kinh Châu, tham lam không biết điều, chẳng bõ để cho thiên hạ chê cười đó mà thôi!
Vân Trường nói:
- Đó là việc anh tôi, tôi không được biết.
Túc nói:
- Tôi nghe tướng quân với hoàng thúc kết nghĩa vườn đào, thề cùng sống thác. Hoàng thúc cũng như tướng quân, tướng quân cũng như hoàng thúc, sao lại thoái thác làm vậy?
Vân Trường chưa kịp trả lời, Chu Thương ở dưới thềm quát lên rằng:
- Đất đai trong thiên hạ, người nào nhân đức thì được ở, có phải của riêng Đông Ngô đâu?
Vân Trường sầm mặt đứng ngay dậy, giằng lấy thanh long đao của Chu Thương đang vác, đứng ra giữa sân, đưa mắt cho Chu Thương và quát rằng:
- Đây là việc nhà nước, sao mi nói lôi thôi, bước ngay!
Chu Thương biết ý, chạy ra bờ sông, cầm lá cờ đỏ phất một cái, Quan Bình trông thấy hiệu cờ, mười chiếc thuyền bay đến vùn vụt như tên.
Vân Trường tay phải cầm đao, tay trái nắm chặt lấy tay Lỗ Túc, giả đò say rượu:
- Ông mời tôi đến ăn tiệc, đừng nhắc đến việc Kinh Châu làm chi e tổn thương đến ân tình cũ. Khi khác, mời ông đến chơi Kinh Châu, sẽ lại bàn bạc.
Lỗ Túc sợ hết hồn hết vía, bị Vân Trường dắt ra mãi bờ sông. Lã Mông, Cam Ninh định dẫn quân phục xông ra, nhưng thấy vậy sợ Lỗ Túc bị hại, đành im thin thít, không dám cựa quậy.
Vân Trường đến bên, lên thuyền, mới buông tay Lỗ Túc ra, từ biệt trở về. Túc đứng ngây người trông theo. Thuyền Quan Công lướt gió đi nhanh.
Có thơ khen Vân Trường rằng:
Coi rẻ Đông Ngô tựa trẻ thơ,
Một đao tới hội, mấy ai ngờ!
Anh hùng chí khí lừng trên tiệc
Hơn hẳn Tương Như ở Hàm Trì!
Vân Trường trở về Kinh Châu. Lỗ Túc bảo với Lã Mông rằng:
- Kế ấy không xong, làm thế nào?
Mông nói:
- Ta nên báo với chúa công, cất quân sang đánh một phen.
Túc lập tức sai người về báo với Tôn Quyền. Quyền nghe tin giận lắm, muốn mang hết cả quân trong nước đến lấy Kinh Châu.
Chợt có tin báo rằng:
- Tào Tháo lại đưa ba mươi vạn đại quân đến đánh báo thù.
Quyền thất kinh, sai Lỗ Túc đừng gây việc đánh Kinh Châu vội, hãy rút quân về cả Nhu Tu, Hợp Phì để cự nhau với Tào Tháo.
Nói về Tào Tháo toan khởi binh sang lấy Giang Nam, có quan tham quân là Phó Cán tự Ngạn Tài can rằng:
- Cán tôi nghe: dùng võ trước phải có uy, dùng văn trước phải có đức. Uy, đức giúp nhau, rồi mới nên được vương nghiệp. Khi trước, thiên hạ đại loạn, minh công dùng võ để dẹp yên, mười phần đã dẹp được tám chín phần rồi. Nay chỉ còn Ngô và Thục chưa phục. Nhưng nước Ngô có con sông dài hiểm trở, nước Thục thì có núi cao gập ghềnh, khó dùng uy mà đánh nổi được. Tôi thiết nghĩ nên sửa sang văn đức của mình, xếp áo giáp, cất vũ khí, cho quân sĩ nghỉ ngơi, chờ khi nào có dịp gì, ta sẽ lại hành động. Nay nếu cất vài mươi vạn quân đóng bên bờ sông Trường Giang, bên kia họ cứ giữ chỗ hiểm yếu không đánh, thì quân ta dù tài đến đâu cũng là vô dụng, mẹo mực dù khôn đến đâu cũng chẳng làm gì, uy của ngài chẳng hoá ra nhảm mất ru? Xin minh công xét cho kỹ.
Tháo nghe lời, mới bãi việc đánh phương nam, mở ra trường học, kén dùng những kẻ văn sĩ. Bởi thế quan thị trung là bọn Vương Xán, Đỗ Tập, Vệ Khởi, Hoà Hiệp, bốn người muốn tôn Tào Tháo lên làm Nguỵ vương.
Quan trung thư lệnh là Tuân Du can rằng:
- Không nên thế! Thừa tướng phong đến cửu tích, ngôi đã cực phẩm rồi, nay lại thăng đến ngôi vương nữa, e không hợp lý lắm.
Tào Tháo nghe biết, giận lắm, nói rằng:
- Người này lại muốn bắt chước Tuân Úc ngày xưa đây!
Tuân Du biết ý, lo nghĩ thành bệnh, được hơn mười ngày thì chết, thọ năm mươi tám tuổi. Tào Tháo cho làm ma chay tử tế, và cũng bãi việc phong vương.
Một hôm, Tào Tháo đeo gươm vào cung. Vua Hiến đế đang ngồi chơi với Phục hoàng hậu. Phục hậu thấy Tào Tháo vào, vội vàng đứng dậy, vua cũng sợ run cả người.
Tháo nói rằng:
- Tôn Quyền, Lưu Bị, mỗi người chiếm giữ một phương, không biết tôn trọng triều đình, bệ hạ nghĩ làm sao?
Vua nói:
- Việc đó mặc thừa tướng khu xử thế nào xong thì thôi!
Tháo nổi giận, nói:
- Bệ hạ nói thế, người ngoài không biết lại ngờ tôi khinh bệ hạ.
Vua nói:
- Thừa tướng chịu giúp cho trẫm thì may lắm, dù không, cũng xin rủ lòng tha cho trẫm.
Tháo trợn mắt lên nhìn vua, nét mặt hầm hầm bỏ ra.
Tả hữu tâu với vua rằng:
- Gần nay Nguỵ công muốn làm Nguỵ vương, không mấy lúc nữa tất có việc cướp ngôi.
Vua và Phục hậu cùng khóc. Phục hậu nói rằng:
- Cha thiếp là Phục Hoàn, vẫn có ý muốn giết Tào Tháo. Thiếp xin viết một phong thư sai người đưa cho cha thiếp để nghĩ kế mà trừ nó đi.
Vua nói:
- Ngày xưa Đổng Thừa làm việc không cẩn mật, đến nỗi xảy ra vạ to. Nay sợ lộ chuyện ra, thì trẫm với hậu cùng nguy cả.
Hậu nói:
- Nếu để vậy, thì khác nào sớm tối ngồi trên bàn chông, thà chết đi cho sớm. Thiếp xem trong bọn hoạn quan, chỉ có Mục Thuận là người trung nghĩa, nên sai đem bức thư này đưa cho cha thiếp.
Vua mời đòi Mục Thuận vào sau cánh bình phong, đuổi tả hữu ra ngoài, rồi vua và Phục hậu cùng khóc, nói với Mục Thuận rằng:
- Giặc Tháo muốn làm Nguỵ vương, nay mai tất có việc cướp ngôi. Trẫm muốn sai quốc trượng là Phục Hoàn trừ giặc ấy, nhưng lại sợ tả hữu là tâm phúc giặc cả, không biết cậy vào ai. Nay muốn sai người đưa thư của hoàng hậu cho Phục Hoàn, chắc ngươi là người trung nghĩa, tất không phụ trẫm.
Mục Thuận cũng khóc mà tâu rằng:
- Tôi được đội ơn dày của bệ hạ, há không một chết để báo đền? Bệ hạ đã sai, tôi xin đi ngay.
Phục hoàng hậu mới viết thư giao cho Mục Thuận. Thuận cài thư vào trong búi tóc, lẻn trong cung cấm đi ra, đến nhà Phục Hoàn, đưa thư, Hoàn thấy chữ Phục hậu, bảo với Mục Thuận rằng:
- Ở đây tâm phúc của Tào Tháo nhiều lắm, không trừ được ngay đâu. Phải đợi khi nào Tôn Quyền ở Giang Đông, hoặc là Lưu Bị ở Tây Thục, hai xứ ấy cất quân đến đánh mặt ngoài, Tào Tháo tất phải thân chinh ra địch, bấy giờ sẽ tìm những người trung nghĩa trong triều, đồng tâm hiệp lực, trong ngoài xúm lại mà đánh, thì mới có thể xong việc được.
Thuận nói:
- Hoàng trượng nên viết giấy đưa lại tâu với vua và hoàng hậu, cầu xin tờ mật chiếu, sai người lén đưa thư cho hai nơi Ngô, Thục, bảo họ cất quân đánh giặc để cứu vua.
Phục Hoàn viết thư giao cho Mục Thuận, Thuận lại giấu vào trong búi tóc, từ biệt về cung. Không ngờ đã có người báo cho Tào Tháo biết. Tháo đứng chờ ở trước cửa cung. Mục Thuận về đến đấy, Tháo hỏi:
- Mày đi đâu về?
Thuận đáp:
- Hoàng hậu có bệnh, sai tôi đi mời thầy thuốc.
Tháo hỏi:
- Thầy thuốc đâu?
Thuận đáp:
- Bẩm, chưa đến.
Tháo quát tả hữu khám xét khắp cả trong mình Mục Thuận, không thấy có vật gì. Tháo cho đi. Bỗng đâu cơn gió bay lật mất mũ của Mục Thuận. Tháo thấy vậy, gọi Thuận lại, khám trong mũ một giờ lâu, cũng không thấy gì. Tháo trả mũ, Thuận hai tay đỡ lấy rồi sẽ vén tóc gáy đội lật trở lên. Tháo sinh nghi ngay, sai tả hữu khám trong búi tóc, bắt được thư của Phục Hoàn. Tháo xem thư thấy nói tâu vua xin kết liên với Tôn Quyền và Lưu Bị làm ngoại ứng. Tháo giận lắm, bắt Mục Thuận về nhà kín tra hỏi. Thuận nhất định không khai điều gì. Ngay đêm hôm ấy, Tháo điểm ba nghìn giáp binh, vây cả nhà Phục Hoàn, bao nhiêu già trẻ bắt sạch. Khám trong nhà lại bắt được tờ thư chính tay Phục hoàng hậu viết. Lập tức cả ba họ nhà Phục bị hạ ngục. Trời tang tảng sáng, Tháo sai tướng ngự lâm quân là Khước Lự cầm cờ tiết vào cung, thu lấy ấn ngọc của hoàng hậu.
Khi ấy vua đang ngồi ở ngoài điện, thấy Khước Lự dẫn ba trăm giáp binh vào thẳng cửa cung, vua hỏi có việc gì, Lự tâu rằng:
- Chúng tôi phụng mệnh Nguỵ công vào thu ấn ngọc của hoàng hậu.
Vua biết là việc lộ rồi, ruột gan như cắt. Lự đến hậu cung, Phục hậu vừa ngủ dậy, Lự gọi người giữ ấn ngọc thu lấy rồi trở ra.
Phục hậu thấy việc cấp đến nơi, liền ẩn vào trong vách hai tầng ở sau buồng. Một lát, Hoa Hâm dẫn năm trăm giáp binh vào hậu điện tìm Phục hậu. Hỏi cung nhân, cung nhân nói không biết. Hâm sai quân phá cửa son mà tìm, cũng không thấy. Hâm đoán là ở trong vách, sai phá vách, quả nhiên có Phục hậu ở đấy. Hâm sấn vào nắm tóc lôi ra. Phục hậu kêu van. Hâm mắng rằng:
- Mi ra mà kêu với Nguỵ công!
Phục hậu xoã tóc đi chân không, hai tên lính áp tải hai bên.
Hoa Hâm vốn là người có tài danh. Khi xưa cùng với Quản Ninh. Bình Nguyên kết bạn thân với nhau. Người bấy giờ gọi bọn ba người là con rồng: Hoa Hâm là đầu, Bình Nguyên là bụng, Quản Ninh là đuôi. Một bữa, Ninh với Hâm bừa đất giồng rau, thấy một cục vàng, Ninh cứ bừa gạt cục vàng ấy đi, không thèm nhìn đến. Hâm thì nhặt lên xem, rồi mới vất đi. Lại một bữa, hai người đang ngồi đọc sách, bỗng ở ngoài cửa có tiếng hò reo, có một ông quan to ngồi xe đi qua. Ninh mặc, cứ ngồi chững chạc xem sách. Hâm thì bỏ sách, chạy ra xem. Từ đó Ninh khinh Hâm là người hèn hạ, không chơi với nữa. Về sau, Quản Ninh nhân thời loạn, lánh mình ở xứ Liêu Đông, thường đội mũ trắng, nằm ngồi một cái gác, chân không mấy khi bước xuống đất, trọn đời không chịu làm quan với nhà Nguỵ. Còn Hâm thì trước theo Tôn Quyền, sau về với Tào Tháo, đến nay lại có chuyện bắt hoàng hậu.
Người sau có thơ chê rằng:
Hoa Hâm tàn ác sinh mưu hung
Phá vách hoàng phi, nghĩ phải không?
Đảng ác một mai thêm cánh hổ
Tiếng nhơ muôn kiếp nhục đầu rồng!
Lại có thơ khen Quản Ninh rằng:
Liêu Đông đồn đại Quản Ninh lâu
Người vắng lầu không tiếng vẫn lưu
Khinh ghét Tử Ngư tham phú quý
Há như mây trắng vốn phong lưu.
Hoa Hâm điệu Phục hậu ra đến ngoài điện. Vua trông thấy đau xót sầu thảm, xuống bíu lấy Phục hậu mà khóc. Hâm nói rằng:
- Nguỵ công sai bắt, phải đi cho mau!
Phục hậu khóc nói với vua rằng:
- Không cứu nhau được nữa ru?
Vua cũng khóc mà nói rằng:
- Trẫm cũng chưa biết sống thác lúc nào đây!
Giáp sĩ dẫn Phục hậu đi ra, vua ôm bụng thương khóc. Thấy Khước Lự đứng ở bên cạnh, vua nói:
- Khước công! Thiên hạ có việc thế này bao giờ không?
Nói đoạn, khóc lăn ra đất.
Lự sai tả hữu vực vua vào cung. Hoa Hâm đem Phục hậu đến chỗ Tào Tháo. Tháo mắng rằng:
- Tao xử với mày tử tế, sao mày lại muốn hại tao? Nếu tao không giết mày đi, thì mày cũng đến giết tao mà thôi!
Lập tức sai lính đánh đập Phục hậu đến chết rồi vào cung bắt hai con bà, đánh thuốc độc chết nốt. Đến chiều Tháo sai đem cả họ nhà Phục Hoàn và nhà Mục Thuận hơn hai trăm người, đưa ra chợ chém sạch. Trong triều ngoài nội, ai ai cũng kinh hãi. Bấy giờ là tháng mười một năm Kiến An thứ 19.
Người sau có thơ than rằng:
Lòng đâu độc địa hỡi A Man?
Hàng mấy trăm người nỡ giết oan!
Vua, hậu thương thay khi tử biệt,
Không bằng chồng vợ chốn dân gian!
Vua Hiến đế từ khi mất bà Phục hậu, lo buồn mấy hôm không ăn được cơm. Tháo vào khuyên giải rằng:
- Bệ hạ đừng lo, tôi không có bụng nào đâu. Con gái tôi đã vào cung hầu bệ hạ làm quý nhân, hiền hậu hiếu thảo, nên lập làm chính cung hoàng hậu.
Bây giờ Tháo bảo thế nào mà vua chả phải nghe. Ngày mồng một tháng giêng năm Kiến An thứ 20, nhân dịp ăn mừng tiết Nguyên đán, vua lập Tào quý nhân lên làm hoàng hậu. Các quan trong triều, không ai dám nói.
Bấy giờ Tào Tháo uy thế mỗi ngày một thịnh, liền hội các đại thần, bàn việc đánh Ngô, Thục. Giả Hủ nói:
- Nên đòi Hạ Hầu Đôn, Tào Nhân về mà bàn việc ấy.
Tháo lập sức sai sứ đi triệu hai người về. Hạ Hầu Đôn chưa đến. Tào Nhân đến trước. Khi ấy Tháo đang say rượu nằm nghỉ. Hứa Chử cắp gươm đứng gác ngoài cửa cung. Tào Nhân vào ra mắt Tào Tháo. Hứa Chử không cho vào. Tào Nhân giận, nói:
- Ta là tôn tộc họ Tào, sao ngươi dám ngăn trở ta?
Hứa Chử nói:
- Tướng quân tuy là thân tình, nhưng là quan trấn thủ ngoài biên; tôi tuy sơ tình nhưng hiện đương làm nội thị. Chúa công say rượu đang nằm nghỉ, nên tôi không dám cho vào.
Nhân thấy nói thế, không dám vào nữa. Tháo biết chuyện, than rằng:
- Hứa Chử thế mới là trung thần!
Không được bao lâu, Hạ Hầu Đôn cũng đến cùng bàn việc đánh dẹp. Đôn nói:
- Ngô, Thục chưa có thể đánh được, ta nên lấy Hán Trung của Trương Lỗ trước, rồi dẫn quân đắc thắng lấy luôn Thục nhân thể. Như thế, chỉ đánh một trận là xong.
Tháo nghe lời, cất quân sang lấy Hán Trung.
Đó là:
Vừa sinh mưu ác khinh vua yếu,
Lại dẫn quân hùng đánh nẻo xa…
Chưa biết việc sau ra thế nào, xem đến hồi sau mới rõ.
Hồi 67
Bình Hán Trung, Tào Tháo thành công;
Bến Tiêu Diêu, Trương Liêu khét tiếng
Lại nói, Tào Tháo cất quân chinh tây, chia làm ba đội: tiền đội tiên phong là Hạ Hầu Uyên, Trương Cáp, Tháo tự lĩnh các tướng làm trung quân, hậu bộ là Tào Nhân và Hạ Hầu Đôn thì coi việc vận tải lương thảo.
Có thám tử báo tin cho Trương Lỗ, Trương Lỗ bàn với em là Trương Vệ để cự địch. Vệ nói:
- Ở Hán Trung ta, hiểm nhất là ải Dương Bình. Em xin ra men rừng tựa núi, lập mười doanh trại để chống nhau với quân Tào. Anh thì cứ ở Hán Ninh, phải chuẩn bị lương thảo cho nhiều để tiếp cho quân sĩ.
Lỗ nghe lời ấy, sai đại tướng là Dương Ngang, Dương Nhiệm cùng với em cất quân đi ngay hôm ấy đến cửa Dương Bình hạ trại.
Tiền quân là Hạ Hầu Uyên, Trương Cáp đến nơi, thấy ải Dương Bình đã có phòng bị, liền lập trại cách thành mười dặm. Đêm hôm ấy, quân sĩ mỏi mệt cùng nghỉ ngơi cả. Bỗng nhiên sau trại bốc cháy. Dương Ngang, Dương Nhiệm chia làm hai cánh quân kéo đến cướp trại, Hạ Hầu Uyên vội vàng lên ngựa, thì bốn mặt quân đã kéo ùa vào. Quân Tào thua to chạy tan nát cả. Hai người về ra mắt Tào Tháo. Tháo giận, mắng rằng:
- Hai người cầm quân đã nửa đời người, há lại không biết rằng quân đi xa khó nhọc, phải phòng giặc đến cướp trại ư? Làm sao không giữ gìn trước?
Tháo muốn chém hai người ấy để nghiêm quân pháp. Các quan kêu van mãi, hai người mới được khỏi tội.
Hôm sau, Tháo tự dẫn quân làm tiền đội kéo đi. Tháo thấy núi non hiểm hóc, cây cối rậm rạp, không biết đường nào mà đi, nghi có quân phục, liền dẫn quân về, bảo với Hứa Chử, Từ Hoảng rằng:
- Nếu ta biết nơi đây hiểm hóc thế này, thì chẳng đem quân đến làm gì.
Hứa Chử bẩm:
- Đã trót đến đây, chúa công chớ nên ngại khó nhọc.
Hôm sau, Tháo chỉ mang Hứa Chử, Từ Hoảng hai tướng đến xem trại Trương Vệ. Ba người vừa đi qua một trái núi, đã trông thấy trại. Tháo trỏ roi xuống, bảo rằng:
- Trại bền vững thế kia, phá làm sao cho được?
Tháo vừa nói dứt lời, bỗng ở sau lưng tiếng reo ầm ầm, tên bắn ra tua tủa. Dương Ngang, Dương Nhiệm chia quân làm hai ngả kéo đến. Hứa Chử kêu lên rằng:
- Từ Công Minh giữ gìn chúa công cho khéo, ta ra đánh nhau với giặc đây!
Nói đoạn, múa đao tế ngựa xông vào đánh hai tướng, hai tướng không địch nổi một mình Hứa Chử, phải quay ngựa chạy. Các tướng khác thấy thế, không dám tiến lên nữa.
Từ Hoảng bảo vệ Tào Tháo, vừa qua sườn núi trước mặt, gặp một quân kéo đến, trông ra thì là quân của Hạ Hầu Uyên, Trương Cáp. Nguyên hai tướng nghe thấy tiếng reo, nên dẫn quân đến tiếp, vì thế mới đánh đuổi được Dương Ngang, Dương Nhiệm mà cứu được Tào Tháo về trại.
Tháo trọng thưởng cho bốn tướng. Từ đó hai bên cầm cự nhau hơn năm mươi ngày, không đánh chác gì nữa.
Tháo truyền lệnh rút quân về. Giả Hủ nói:
- Thế giặc chưa rõ mạnh yếu thế nào, sao chúa công đã rút quân?
Tháo nói:
- Ta thấy quân giặc ngày nào cũng phòng bị, khó lòng đánh được. Nên ta giả đò thu quân về, để cho giặc trễ nhác không phòng bị nữa, rồi ta mới chia quân khinh kỵ lẻn đến đánh mặt sau, như thế mới có thể phá được.
Giả Hủ nói:
- Mẹo mực của thừa tướng thần diệu lắm, không ai sánh kịp!
Tháo sai Hạ Hầu Uyên, Trương Cáp mỗi người dẫn ba nghìn quân khinh kỵ tắt đường nhỏ đi lẻn vào phía sau ải Dương Bình. Còn mình thì dẫn đại quân nhổ trại rút về hết.
Dương Ngang thấy Tào Tháo rút quân về, muốn thừa cơ đuổi đánh. Dương Nhiệm nói:
- Tào Tháo quỷ kế lắm, chưa biết thực như thế nào, không nên đuổi theo.
Dương Ngang không nghe, nói rằng:
- Nếu ông không đi thì ta đuổi theo một mình vậy.
Dương Nhiệm cố can mãi không được. Ngang đem hết cả quân năm trại đuổi theo, chỉ để một ít ở lại giữ nhà. Hôm ấy sương sa mù mịt, giáp mặt không thấy nhau. Quân Dương Ngang đi đến nửa đường không đi được, phải đóng lại nghỉ.
Hạ Hầu Uyên dẫn quân đi lẻn đường sau núi, thấy hơi mù phủ lấp cả trời đất, lại nghe tiếng người nói ngựa hí ồn ào. Uyên sợ có quân phục, thúc quân cứ việc đi cho mau, thế nào đi lạc đường, đến trại Dương Ngang. Quân giữ trại tưởng là quân của nhà về, liền mở cửa cho vào. Quân Tào kéo ùa cả vào, té ra là một trại bỏ không, mới đốt lửa lên, quân năm trại bỏ chạy cả. Khi cơn mù đã tan, Dương Nhiệm mới dẫn quân đến cứu, đánh nhau với Hạ Hầu Uyên, chưa được vài hợp, Trương Cáp ở mặt sau đã kéo đến. Nhiệm vừa đánh vừa chạy về Nam Trịnh.
Dương Ngang đem quân trở về, thì Hạ Hầu Uyên, Trương Cáp đã chiếm mất trại rồi, đại quân của Tào Tháo tự mặt sau đánh đến. Hai mặt đánh ập lại, Dương Ngang muốn phá vòng vây chạy ra, gặp phải Trương Cáp giết chết. Còn quân sĩ chạy về cửa Dương Bình với Trương Vệ.
Trương Vệ thấy hai tướng bị thua, các trại đã mất, nửa đêm bỏ ngay ải Dương Bình trốn về. Tào Tháo lại được luôn cả ải Dương Bình nữa.
Trương Vệ, Dương Nhiệm về ra mắt Trương Lỗ. Vệ đổ cho tại hai tướng để mất cửa ải. Lỗ giận muốn chém Dương Nhiệm.
Nhiệm nói:
- Tôi can Dương Ngang đừng đuổi quân Tào nhưng y không nghe, nên mới bị thua thế này. Tôi xin lĩnh một đạo quân lại ra đánh nhau, phen này tôi quyết chém được Tào Tháo, nếu không được xin chịu tội.
Lỗ bắt viết tờ cam kết, rồi cho Dương Nhiệm dẫn hai vạn quân ra khỏi Nam Trịnh hạ trại.
Tào Tháo dẫn quân tiến lên, sai Hạ Hầu Uyên dẫn năm nghìn quân đi trước, ra đường Nam Trịnh dò thám, vừa gặp quân của Dương Nhiệm đến nơi. Hai bên dàn trận, Nhiệm sai bộ tướng là Xương Kỳ ra ngựa, giao phong với Hạ Hầu Uyên, chưa được ba hiệp Kỳ đã bị Uyên chém chết lăn xuống ngựa. Nhiệm vác giáo tế ngựa ra, đánh nhau với Uyên độ ba mươi hiệp. Uyên giả thua chạy. Nhiệm đuổi theo, Uyên dùng chước đà đao, chém Nhiệm chết nốt, quân sĩ tan vỡ chạy về.
Tào Tháo thấy Hạ Hầu Uyên chém được Dương Nhiệm rồi, lập tức tiến quân đến thẳng Nam Trịnh hạ trại.
Trương Lỗ tụ văn võ lại bàn bạc, Diêm Phố nói:
- Tôi xin cử một người có thể địch nổi các tướng của Tào Tháo.
Lỗ hỏi ai, Phố thưa rằng:
- Ở đây có Bàng Đức, trước theo Mã Siêu hàng với chúa công. Về sau Mã Siêu sang Tây Xuyên, y ốm không đi được. Hiện nay y nhờ chúa công an dưỡng, sao chúa công không sai đi?
Trương Lỗ mừng lắm, gọi Bàng Đức đến thưởng cho rất hậu, rồi điểm một vạn quân mã, sai Đức ra khỏi thành mười dặm cự nhau với quân Tào. Đức cưỡi ngựa ra khiêu chiến.
Tào Tháo trước Vị Kiều, đã biết Bàng Đức là người khoẻ, mới dặn các tướng rằng:
- Bàng Đức là dũng tướng ở Tây Lương, nguyên là thủ hạ Mã Siêu trước. Nay tuy theo Trương Lỗ nhưng chưa vừa ý. Ta muốn dùng người ấy, các ngươi nên đánh từ từ, đợi khi sức hắn yếu rồi, hãy bắt sống lấy.
Trương Cáp ra trước, đánh được vài hiệp thì lùi, Hạ Hầu Uyên cũng đánh vài hiệp rồi chạy. Từ Hoảng cũng thế, Hứa Chử đánh hơn năm mươi hiệp cũng chạy nốt. Bàng Đức một mình địch nổi bốn tướng không nhụt chút nào. Các tướng ai cũng khoe với Tào Tháo rằng Bàng Đức võ nghệ giỏi lắm. Tháo mừng rỡ, bàn với chúng rằng:
- Làm thế nào để cho người ấy về với ta?
Giả Hủ thưa:
- Tôi nghe Trương Lỗ có một mưu sĩ là Dương Tùng, tính tham lam, hay ăn của đút. Nay ta đem vàng lụa đút cho y để y dèm pha Bàng Đức với Trương Lỗ thì ta mới có thể dụ được.
Tháo nói:
- Làm thế nào cho người đi lẻn được vào thành Nam Trịnh?
Hủ nói:
- Ngày mai đánh nhau, ta giả đò thua bỏ chạy, để cho Bàng Đức chiếm lấy, rồi đến nửa đêm ta cướp trại, Bàng Đức tất chạy lui vào thành. Ta kén sẵn lấy một người khéo nói, ăn mặc giả làm quân giặc, khi Bàng Đức chạy thì đi lẫn vào thành.
Tháo nghe kế ấy, một tên quân sĩ khôn ngoan, đưa cho một cái áo giáp vàng, mặc vào trong mình, ngoài mặc áo hiệu quân Hán Trung, đứng chực sẵn ở dọc đường.
Hôm sau, Tháo sai Hạ Hầu Uyên, Trương Cáp phục sẵn hai đạo quân ở nơi xa, rồi sai Từ Hoảng ra khiêu chiến. Chưa được mấy hiệp, Hoảng thua chạy. Bàng Đức thúc quân đánh bừa vào. Quân Tào rút cả. Đức cướp ngay trại chứa đầy lương thảo. Đức mừng lắm, sai báo tin về Trương Lỗ biết, và mở tiệc trong trại ăn mừng.
Canh hai đêm hôm ấy, bỗng nhiên thấy ba mặt lửa cháy, rồi Từ Hoảng, Hứa Chử ở giữa, Trương Cáp ở tả, Hạ Hầu Uyên ở hữu cùng đổ cả lại cướp trại. Bàng Đức chưa kịp đề phòng lên ngựa chạy vào thành. Quân ba phía sau lưng đuổi tới, Bàng Đức lập tức gọi mở cổng thành dẫn quân vào. Bấy giờ, tên lính của Tào Tháo cũng trà trộn theo vào đến thẳng phủ Dương Tùng nói rõ rằng:
- Nguỵ công lâu nay vẫn mộ cao đức của ngài, nay sai tôi đem dâng cái áo giáp vàng làm tin, có tờ mật thư dâng lên ngài coi.
Tùng mừng lắm, xem thư xong, bảo với tên lính rằng:
- Về bẩm với Nguỵ công rằng ngài cứ yên tâm, tôi sẽ liệu tìm mẹo hay để giúp ngài.
Nói rồi cho tên lính về trước. Đêm hôm ấy Tùng vào ra mắt Trương Lỗ nói rằng:
- Bàng Đức ăn đút lót của Tào Tháo, đã cố tình để thua trận vừa rồi.
Lỗ giận lắm, gọi Bàng Đức đến toan chém. Diêm Phố ra sức can ngăn. Lỗ mới mắng rằng:
- Ngày mai ra đánh, nếu không thắng thì ta sẽ lấy đầu ngươi đi!
Bàng Đức căm tức lui ra.
Ngày hôm sau, quân Tào đến đánh. Bàng Đức dẫn quân ra địch. Tháo sai Hứa Chử ra. Chử giả đò thua chạy. Đức đuổi theo. Tháo cưỡi ngựa đứng trên đỉnh núi gọi rằng:
- Bàng Lệnh Minh, sao không hàng đi cho sớm?
Bàng Đức nghĩ nếu bắt được Tào Tháo thì bằng bắt một nghìn viên thượng tướng, liền tế ngựa lên núi, bỗng nhiên thấy ầm một tiếng như trời long đất lở, cả người lẫn ngựa Bàng Đức sa xuống hố. Quân phục bốn mặt đổ ra, kẻ câu liêm, người thừng chạc, bắt sống ngay được Bàng Đức trói đem lên núi.
Tháo vội vàng xuống ngựa, cởi trói cho Bàng Đức, rồi hỏi rằng:
- Ngươi có chịu hàng ta không?
Bàng Đức nghĩ đến nguồn cơn Trương Lỗ xử bất nhân với mình, bèn tình nguyện xin hàng. Tháo đỡ Bàng Đức lên ngựa, gióng cương về trại. Quân báo với Trương Lỗ, Lỗ lại càng tin lời Dương Tùng là thật.
Hôm sau, Tào Tháo kéo quân đến, bắc thang chung quanh ba mặt thành bắn tên vào. Lỗ thấy thế nguy cấp lắm, bàn với em là Trương Vệ nói:
- Nên đốt sạch cả kho tàng đi, rồi chạy ra núi Nam Sơn giữ ở Ba Trung cũng được.
Dương Tùng nói:
- Chi bằng mở cửa thành ra hàng là hơn.
Lỗ còn dùng dằng chưa quyết. Vệ nói:
- Chỉ nên đốt hết, rồi chạy đi thôi.
Trương Lỗ nói:
- Ta vẫn có ý về với triều đình, nhưng chưa có dịp, nay bất đắc dĩ mà phải chạy đi trốn, kho tàng là của triều đình, không nên hao phí như thế.
Bèn sai khoá cả lại tử tế, rồi canh hai đêm hôm ấy, dẫn cả gia quyến, mở cửa nam đánh ra.
Tào Tháo không cho đuổi theo, dẫn quân vào Nam Trịnh, thấy kho tàng phong khoá phân minh, có ý thương Trương Lỗ, sai người đến Ba Trung khuyên dỗ về hàng. Lỗ muốn hàng, Vệ không nghe, Dương Tùng mật sai người đưa thư cho Tháo, xui binh đến, để mình làm nội ứng. Tháo được thư, dẫn quân đến Ba Trung. Lỗ sai Trương Vệ dẫn quân ra địch, Vệ đánh nhau với Hứa Chử, bị Chử giết chết. Quân sĩ chạy về báo với Trương Lỗ. Lỗ định giữ vững trong thành không ra. Dương Tùng khuyên rằng:
- Nay nếu không ra đánh, tức là ngồi mà chịu chết mất. Tôi xin giữ thành, chúa công nên ra quyết một trận sống mái.
Lỗ nghe lời. Diêm Phố can không nên ra. Lỗ không nghe, cứ dẫn quân ra nghênh địch. Chưa kịp đánh nhau, hậu quân đã bỏ chạy. Lỗ vội vàng phải lui về. Lỗ về đến dưới cửa thành, Tùng đóng cửa không cho vào. Lỗ hết đường chạy, Tào Tháo lại đuổi đến sau lưng, gọi bảo rằng:
- Sao không chịu hàng đi cho sớm?
Lỗ không thể sao được nữa, phải xuống ngựa xin hàng. Tháo mừng lắm, nghĩ đến việc niêm khoá kho tàng lại không đốt, có lòng thương và đối đãi tử tế, phong cho làm Trấn nam tướng quân. Bọn Diêm Phố cũng phong cho làm liệt hầu. Hán Trung yên ổn rồi, Tháo truyền lệnh đặt các thái thú và quan đô uý cai trị các quận, thưởng cho các tướng sĩ, chỉ có Dương Tùng bán chúa cầu vinh, lập tức Tháo sai đem ra chợ chém đầu để răn kẻ khác.
Người sau có thơ rằng:
Quên ơn bán chúa khéo mua công,
Vàng bạc vơ nhiều có vững không?
Vinh chửa thấy đâu, liền thấy nhục,
Nghìn năm ai kẻ xót Dương Tùng!
Tào Tháo lấy xong Đông Xuyên, quan chủ bộ là Tư Mã Ý hiến kế rằng:
- Lưu Bị dùng mẹo lừa, cố cướp lấy Ích Châu của Lưu Chương, nhân dân Thục chưa quy phục. Nay chúa công đánh phá được Hán Trung, chấn động cả Ích Châu, nên tiến binh đến đánh cho mau thì đất này phải vỡ lở. Có câu rằng: “Dẫu có trí khôn, không bằng thừa thế”. Dịp này chúa công chớ nên để lỡ!
Tào Tháo than rằng:
- Người ta không biết thế nào cho vừa ý, đã được Lũng lại còn mong Thục ru?
Lưu Hoa nói:
- Tư Mã Trọng Đạt nói phải đấy! Nếu để chậm thì Gia Cát Lượng sáng suốt việc trị nước mà làm tướng văn, bọn Quan, Trương khéo trùm ba quân mà làm tướng võ; dân Thục yên rồi, chia ra giữ các nơi cửa ải, thì không sao lay chuyển được nữa đâu!
Tháo nói:
- Quân sĩ đi xa mỏi mệt lắm rồi, hãy nên cho nghỉ ngơi đã.
Liền đóng quân ở yên một chỗ.
Nói về nhân dân Tây Xuyên nghe tin Tào Tháo lấy được Đông Xuyên rồi, trong một ngày hai ba lần kinh hãi. Huyền Đức đâm lo, mời Khổng Minh bàn bạc. Khổng Minh nói:
- Tôi có một kế này, khiến cho Tào Tháo tự nhiên phải rút quân về.
Huyền Đức hỏi mẹo gì thì Khổng Minh nói rằng:
- Tào Tháo chia quân ra đóng ở Hợp Phì là có ý sợ Tôn Quyền. Nay nếu ta đem ba quận Giang Hạ, Trường Sa, Quế Dương trả cho Đông Ngô, sai một biện sĩ sang bày tỏ lợi hại, xúi Đông Ngô đánh Hợp Phì, Tào Tháo tất phải quay binh về mặt nam.
Huyền Đức hỏi ai có thể sang Đông Ngô, Y Tịch xin đi. Huyền Đức mừng lắm, viết thư và sắm đủ lễ vật, sai Y Tịch đến Kinh Châu trước nói chuyện với Vân Trường, rồi sang Đông Ngô. Y Tịch đến Mạt Lăng, vào ra mắt Tôn Quyền.
Quyền hỏi:
- Ngươi đến đây có việc gì?
Tịch thưa:
- Trước kia Gia Cát Tử Du có đến đòi ba quận Trường Sa vì quân sư tôi đi vắng, cho nên chưa giao lại được, nay xin đem trả lại. Còn Kinh Châu, Nam Quận, Linh Lăng cũng muốn trao trả nốt, nhưng ngặt vì Tào Tháo cướp lấy Đông Xuyên, khiến cho Quan tướng quân tôi không có chỗ ở. Hiện nay Hợp Phì bỏ trống, xin quân hầu cất quân đánh đi. Chủ tôi nếu lấy nốt được Đông Xuyên, sẽ xin trả hết cả xứ Kinh Châu.
Quyền nói:
- Ngươi hãy ra nghỉ ngơi quán xá, để ta còn bàn bạc.
Tịch cáo từ trở ra. Quyền hội các mưu sĩ bàn bạc. Trương Chiêu nói:
- Đây tất là Lưu Bị sợ Tào Tháo đến đánh Tây Xuyên, cho nên mới bày ra mẹo này. Tuy thế, ta cũng nên nhân lúc Tào Tháo ở Hán Trung, thừa cơ lấy ngay Hợp Phì đi cũng hay.
Quyền nghe lời ấy, bảo Y Tịch về trước, rồi bàn việc cất quân đánh Hợp Phì. Một mặt sai Lỗ Túc thu lấy ba quận Trường Sa, Giang Hạ, Quế Dương, đóng đồn tại cửa Lục Khẩu; đòi Lã Mông, Cam Ninh về, và sai người ra Dư Hàng gọi Lăng Thống.
Lã Mông, Cam Ninh đến trước, Mông hiến kế rằng:
- Hiện nay Tào Tháo sai Chu Quang trấn thủ ở Uyển Thành, mở mang cày cấy, cung cấp lương về Hợp Phì cho quân ăn. Ta nên đánh Uyển Thành trước, rồi sẽ đến lấy Hợp Phì sau.
Quyền đồng ý, sai Lã Mông, Cam Ninh làm tiên phong: Tưởng Khâm, Phan Chương làm đoạn hậu, Quyền dẫn Chu Thái, Trần Vũ, Đổng Tập, Từ Thịnh làm trung quân. Bấy giờ Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương mỗi người giữ một nơi xa, không theo đi đánh.
Quân sĩ sang sông qua Hoà Châu đến Uyển Thành. Chu Quang là thái thú Uyển Thành, sai người đến Hợp Phì cầu cứu, một mặt giữ vững thành trì không ra đánh.
Quyền đến dưới thành đứng ngắm, trên mặt thành bắn tên xuống như mưa, một mũi tên tin vào lọng Tôn Quyền, Quyền về trại, hỏi các tướng dùng kế gì để lấy được thành, Đổng Tập nói:
- Nên sai đắp ụ đất ngoài thành mà bắn vào.
Từ Thịnh nói:
- Nên bắc thang, bắc cầu vồng trông vào trong thành mà đánh.
Lã Mông nói:
- Những kế ấy lâu ngày mới xong, nếu quân ở Hợp Phì đến cứu, thì không sao đánh được nữa. Quân ta mới đến đây, sĩ khí đang mạnh, nên nhân lúc này đánh dấn ngay đi. Sáng sớm mai tiến quân, đến trưa đánh thành.
Quyền nghe lời ấy. Hôm sau, canh năm, cơm nước xong, ba quân tiến đến, trên thành bắn tên và đá xuống loạn xạ. Cam Ninh tay cầm một cái dùi sắt, xông pha tên đạn, nhảy lên mặt thành. Chu Quang sai quân châu cả cung nỏ vào Cam Ninh mà bắn. Ninh cầm gươm gạt tên ra, rồi quẳng dùi sắt ném Chu Quang ngã gục xuống. Lã Mông ra sức đánh trống, quân sĩ kéo ùa cả lên mặt thành, xúm lại giết chết Chu Quang. Quân Tào xin hàng cả. Đông Ngô lấy ngay được Uyển Thành, lúc ấy mới đang giờ thìn. Trương Liêu dẫn quân đến nửa đường, nghe tin Uyển Thành đã mất, liền quay trở lại Hợp Phì.
Tôn Quyền vào Uyển Thành. Lăng Thống cũng dẫn quân đến. Quyền trọng thưởng cho Lã Mông, Cam Ninh, mở tiệc ăn mừng, khao thưởng ba quân. Lã Mông nhường Cam Ninh ngồi trên, khen lấy khen để công lao Cam Ninh. Rượu ngà ngà say, Lăng Thống nghĩ đến thù Cam Ninh giết cha mình khi trước, lại thấy Lã Mông thì cứ nức nở khen Cam Ninh mãi, trong bụng tức lắm, trợn mắt nhìn Ninh hồi lâu, rồi bỗng rút ngay thanh gươm của tuỳ tùng, đứng dậy nói:
- Trong tiệc không có gì làm vui, xem ta múa gươm đây này!
Cam Ninh biết ý, đẩy hắt ngay án thư đứng đậy, lấy hai ngọn kích cầm chắc trong tay, bước ra nói rằng:
- Các ngài xem tôi múa kích!
Lã Mông thấy hai người có ý giết nhau, cũng đứng dậy, một tay cầm đao, một tay cầm mộc, đứng xen ngay vào giữa mà nói rằng:
- Hai ông tuy rằng tài, nhưng cũng chưa khéo bằng tôi.
Nói đoạn, tay đao, tay mộc, múa gạt hai người rẽ ra hai bên.
Có người vào báo ngay với Tôn Quyền. Quyền vội vàng đến chỗ tiệc. Các tướng trông thấy liền bỏ cả khí giới xuống. Quyền nói:
- Ta đã bảo hai người không được thù oán nhau nữa, sao hôm nay lại thế?
Lăng Thống khóc lạy xuống đất. Quyền khuyên giải hai ba lần mới thôi.
Hôm sau, Tôn Quyền dẫn quân đến lấy Hợp Phì, Trương Liêu vì mất Uyển Thành, trong bụng lo buồn. Chợt có Tào Tháo sai Tiết Lễ đưa một cái hộp gỗ đến, trên hộp có chữ đề rằng: “Giặc đến mới được mở”. Khi Tôn Quyền đến, Trương Liêu mở hộp ra xem, trong có bức thư viết: “Nếu Tôn Quyền đến, thì Trương, Lý hai tướng ra đánh, Nhạc tướng quân ở nhà giữ thành”. Liêu đưa cho Lý Điển, Nhạc Tiến xem.
Nhạc Tiến hỏi:
- Ý tướng quân thế nào?
Trương Liêu nói:
- Thừa tướng đi đánh nơi xa chưa về, quân Ngô chắc rằng đánh được ta. Nay ta nên cố sức đánh cho đổ nhuệ khí bên kia đi, để yên tâm mọi người, mới giữ được thành.
Lý Điển vốn không hoà với Trương Liêu, nghe xong, nín lặng chẳng nói lại làm sao. Nhạc Tiến thấy Lý Điển có dáng không bằng lòng, mới nói:
- Giặc nhiều ta ít, khó lòng đánh được, không bằng giữ vững là hơn.
Trương Liêu nói:
- Các ông chỉ nghĩ đến ý riêng, không tưởng gì đến việc công nhà nước. Có phải thế thì một mình ta ra địch, dù chết cũng đành!
Liền sai tả hữu gióng ngựa để ra. Lý Điển thấy vậy đứng phắt lên rằng:
- Tướng quân đã có bụng như thế, tôi sao dám vì chút tình riêng mà bỏ việc công nữa. Tướng quân bảo thế nào tôi xin nghe.
Liêu mừng nói rằng:
- Mạn Thành đã chịu giúp ta, ngày mai nên dẫn một toán quân phục ở mé bắc bến Tiêu Diêu, chờ khi nào quân Ngô đi khỏi, chặt cầu Tiểu Sư đi. Ta cùng với Nhạc Văn Khiêm ra đánh.
Lý Điển vâng lệnh, dẫn quân ra đó mai phục.
Bên này Tôn Quyền sai Lã Mông, Cam Ninh làm tiên phong, mình thì dẫn Lăng Thống đi giữa, còn các tướng lục tục kéo sau. Khi Lã Mông, Cam Ninh vừa đến thì gặp quân Nhạc Tiến, Cam Ninh ra ngựa, đánh nhau với Nhạc Tiến. Tiến giả đò thua chạy, Ninh vẫy Lã Mông dẫn quân kéo bừa lên. Quyền ở đội mau đến mé bắc Tiêu Diêu. Bỗng nghe tiếng pháo nổ liên thành, rồi mé tả có Trương Liêu kéo đến, mé hữu có Lý Điển kéo về cứu thì quân Trương Liêu đã đổ đến. Lăng Thống chỉ có hơn ba trăm quân, không sao địch nổi được quân Tào thế như núi đổ.
Lăng Thống kêu to lên rằng:
- Chúa công sao không sang cầu Tiểu Sư mà chạy về cho mau!
Thống nói chưa dứt lời thì Trương Liêu đã dẫn hơn hai ngàn kỵ binh ập đến nơi. Lăng Thống phải quay lại cố chết chống đỡ. Tôn Quyền tế ngựa lên cầu, thì mé nam đầu cầu đã gãy mất hơn một trượng, không có mảnh ván nào. Quyền sợ cuống cả chân tay lại. Có tên nha tướng là Cốc Lợi kêu to lên rằng:
- Chúa công hãy lùi ngựa lại, rồi quất mạnh cho ngựa nhảy sang, thì qua được cầu!
Tôn Quyền lùi ngựa ba trượng, rồi thả cương, quất thực mạnh, ngựa nhảy vọt một cái, quả nhiên sang được bên cầu.
Người sau có thơ rằng:
Đàn Khê ngựa Đích vết còn ghi,
Nay lại Ngô hầu ở Hợp Phì,
Mặt nước mênh mang bay vó ngựa,
Bến Tiêu nào khác cảnh rồng phi.
Tôn Quyền đã qua được cầu, Từ Thịnh, Đổng Tập chở thuyền lại đón. Lăng Thống, Cốc Lợi vẫn cầm cự với Trương Liêu. Lã Mông, Cam Ninh dẫn quân về cứu, bị Nhạc Tiến đuổi đánh sau lưng, lại có Lý Điển chặn ngang đường, quân Ngô thiệt hại quá nửa. Thủ hạ Lăng Thống ba trăm người, bị giết không còn mống nào. Thống cũng bị thương, vừa đánh vừa chạy đến đầu cầu, thì cầu đã gãy rồi, phải men bờ sông chạy trốn. Tôn Quyền ngồi trong thuyền trông thấy, sai Đổng Tập bơi thuyền vào đón Lăng Thống về. Lã Mông, Cam Ninh cũng cố chết trốn được về cả.
Trận đánh này người Giang Nam ai ai cũng khiếp, trẻ con nghe đến tên Trương Liêu cũng không dám khóc đêm.
Các tướng hộ về Tôn Quyền về đến trại. Quyền trọng thưởng cho Lăng Thống, Cốc Lợi, rồi thu quân về Nhu Tu, một mặt sửa sang lại thuyền bè, bàn tiệc tiến binh cả mặt bộ lẫn mặt thuỷ, một mặt thì sai người về Giang Nam, khởi thêm quân mà đến trợ chiến.
Trương Liêu nghe tin Tôn Quyền sắp thêm quân đánh, sợ Hợp Phì quân ít không chống cự nổi, vội sai Tiết Đễ, gấp rút đến Hán Trung báo với Tào Tháo, xin đem binh về cứu.
Tháo bàn với các quan rằng:
- Bây giờ có nên đánh Tây Xuyên nữa không?
Lưu Hoa thưa:
- Nay trong Thục đã hơi yên rồi, đâu đấy có phòng bị, không nên đánh nữa. Chi bằng hãy đem quân về cứu Hợp Phì, nhân thể đánh lấy Giang Nam.
Tháo sai Hạ Hầu Uyên ở lại đóng đồn ở núi Định Quân để giữ Hán Trung, Trương Cáp thì giữ cửa ải núi Đông Đầu, còn bao nhiêu tướng sĩ đều nhổ trại kéo về đánh Nhu Tu.
Đó là:
Quân kỵ mới yên xong Lũng Hữu,
Ngọn cờ lại trỏ xuống Giang Nam.
Chưa biết được thua thế nào, xem hồi sau phân giải.
Hồi 68
Cam Ninh trăm kỵ cướp Ngụy doanh;
Tả Từ quăng chén đùa Tào Tháo
Nói về Tôn Quyền ở Nhu Tu đang thu xếp quân mã, chợt có tin báo: Tào Tháo ở Hán Trung dẫn bốn mươi vạn quân về cứu Hợp Phì. Quyền bàn với các mưu sĩ, trước hết sai Đổng Tập, Từ Thịnh lĩnh năm mươi chiếc thuyền to, phục sẵn ở cửa Nhu Tu. Trần Vũ thì lĩnh quân mã đi lại tuần phòng ở bờ sông.
Trương Chiêu nói:
- Tào Tháo ở xa mới đến, ta phải đánh cho nhụt nhuệ khí của y đi.
Quyền hỏi các tướng ai dám ra đánh trước, thì Lăng Thống xin đi. Quyền hỏi:
- Ngươi đem độ bao nhiêu quân mã?
- Bẩm xin ba nghìn quân là đủ.
Cam Ninh nói:
- Chỉ cần một trăm quân kỵ là đủ phá được giặc, hà tất phải dùng đến ba nghìn?
Lăng Thống giận lắm, hai người cãi cọ nhau ở trước mặt Tôn Quyền. Quyền nói:
- Quân Tào thế to lắm, không nên khinh địch!
Bèn sai Lăng Thống dẫn ba nghìn quân ra do thám cửa Nhu Tu, hễ gặp giặc thì đánh. Thống lĩnh mệnh đi ra, vừa gặp Trương Liêu dẫn quân đến. Hai tướng đánh nhau, ước độ năm mươi hiệp, chưa phân thắng phụ. Quyền sợ Lăng Thống thua, sai Lã Mông ra tiếp ứng về trại.
Cam Ninh thấy Lăng Thống trở về, liền thưa với Tôn Quyền rằng:
- Đêm nay, tôi chỉ xin một trăm kỵ mã, đến cướp trại Tào Tháo. Nếu mất một người hay là một ngựa nào thì không dám tính công.
Tôn Quyền khen ngợi, cấp cho một trăm quân tinh nhuệ, và lấy năm mươi bình rượu, năm mươi cân thịt để thưởng cho quân sĩ.
Cam Ninh về đến trại, bảo một trăm người ngồi sắp hàng, lấy cốc bạc rót rượu, uống trước hai cốc, rồi bảo mọi người rằng:
- Đêm nay ta phụng mệnh đi cướp trại, mời các ông mỗi người uống một cốc đầy, để cùng gắng sức mà đánh giặc.
Quân sĩ người nào người nấy ngơ ngác nhìn nhau, có vẻ ngần ngại. Ninh rút gươm ra mắng rằng:
- Ta làm đại tướng còn chẳng tiếc thân, các người làm sao dám rụt rè!
Chúng thấy Cam Ninh phát giận, liền đứng cả dậy, nói:
- Chúng tôi xin cố sức.
Ninh mới đem rượu thịt cho mọi người ăn uống, rồi hẹn đến canh hai, lấy một trăm cái lông ngỗng cắm lên chỏm mũ quân sĩ làm hiệu, cùng mặc áo giáp lên ngựa, đến thẳng trại Tào Tháo, phá hàng rào ngoài, reo ầm kéo vào, xông thẳng tới trung quân đã dàn bày những cỗ xe chung quanh như hàng rào sắt, Cam Ninh không sao lọt vào được. Cam Ninh dẫn một trăm kỵ tả xung hữu đột. Quân Tào hoảng sợ, không biết giặc nhiều ít thế nào, giày xéo lẫn nhau. Quân Cam Ninh tung hoành trong trại, gặp đuốc sáng như sao sa. Cam Ninh từ cửa nam đánh ra, không ai dám địch. Tôn Quyền sai Chu Thái dẫn quân đến tiếp ứng. Cam Ninh mang đủ một trăm quân ky trở về Nhu Tu. Quân Tào sợ có mai phục, không dám đuổi theo.
Có thơ khen Cam Ninh rằng:
Vang lừng tiếng trống trước Tào dinh,
Sát khí ầm ầm giặc thất kinh,
Trăm kỵ tung hoành ai địch nổi?
Anh hùng đồn dậy tiếng Cam Ninh.
Cam Ninh dẫn quân về đủ cả, không mất một người nào. Khi gần đến cửa trại. Ninh sai quân đánh trống thổi sáo, miệng hô “Vạn tuế”, tiếng reo vui ầm ĩ. Quyền thân ra ngoài cửa tiếp vào. Cam Ninh xuống ngựa lạy phục dưới đất. Quyền dắt tay Ninh đỡ dậy và nói rằng:
- Tướng quân đi chuyến này, đủ khiến cho giặc Tháo phải khiếp sợ. Ta đây không phải bỏ ngươi đâu, chính muốn xem lòng can đảm của người đó thôi.
Liền thưởng cho một nghìn tấm lụa và một trăm thanh mã tấu thực sắc. Ninh lạy tạ, đem chia cả cho một trăm quân.
Quyền bảo các tướng rằng:
- Tào Tháo có Trương Liêu, ta có Cam Hưng Bá, đủ đối chọi với nhau.
Hôm sau, Trương Liêu dẫn quân đến khiêu chiến, Lăng Thống thấy Cam Ninh có công được thưởng, hăng hái nói:
- Tôi xin ra đánh nhau với Trương Liêu.
Quyền bằng lòng. Thống lĩnh năm nghìn quân ra cửa Nhu Tu. Quyền dẫn Cam Ninh ra trước trận đứng xem. Bên kia xông ra, tả có Trương Liêu, Lý Điển, hữu có Nhạc Tiến. Lăng Thống vác đao tế ngựa đến trận tiền. Trương Liêu sai Nhạc Tiến ra địch. Hai bên đánh nhau hơn năm mươi hiệp, chưa phân được thua. Tào Tháo nghe tin, cưỡi ngựa đến cửa cờ đứng xem, thấy hai tướng đánh nhau đang ham, bèn sai Tào Hưu bắn trộm một phát tên. Hưu bắn tin vào ngựa của Lăng Thống. Ngựa bị đau, nhảy chồm lên một cái, hất Lăng Thống ngã lăn xuống đất. Nhạc Tiến vội vàng vác giáo lại đâm. Nhưng ngọn giáo chưa phóng tới thì có tiếng dây cung tách một tiếng, một mũi tên trúng ngay vào giữa mặt Nhạc Tiến. Tiến cũng ngã lăn xuống ngựa. Quân đôi bên cùng ào cả ra, cứu tướng mình về trại, rồi khua chiêng thu quân.
Lăng Thống về đến trại, lạy tạ ơn Tôn Quyền. Quyền nói:
- Bắn tên cứu ngươi là Cam Ninh đấy!
Thống mới cúi đầu lạy Cam Ninh và nói:
- Không ngờ ông lại bỏ oán mà làm ơn cho tôi như thế!
Từ đó hai người kết bạn sống chết với nhau, không thù hằn gì nhau nữa.
Tào Tháo sai mang Nhạc Tiến về chữa thuốc. Hôm sau, chia quân làm năm đường lại đánh Nhu Tu. Tháo đi giữa, mặt tả thì Trương Liêu đội nhất, Lý Điển đội nhì, mặt hữu thì Từ Hoảng đội nhất, Bàng Đức đội nhì. Mỗi đội lính một vạn quân mã kéo ùa đến Nhu Tu. Bấy giờ Đổng Tập, Từ Thịnh hai tướng giữ mặt thuỷ, thấy năm đạo quân kéo đến, quân mình ai cũng có dáng khiếp sợ. Từ Thịnh nói:
- Đã ăn lộc chúa, thì phải hết lòng với chúa, việc gì mà sợ.
Nói đoạn, dẫn vài trăm tráng sĩ, đi thuyền nhỏ sang qua sông đánh vào giữa đám quân Lý Điển. Đổng Tập ở trên thuyền sai quân sĩ đánh trống hò reo để giúp oai. Bỗng nhiên trên mặt sông nổi cơn phong ba, sóng đánh lộn trời, nước sông cuồn cuộn. Quân sĩ thấy thuyền to nghiêng trành sắp lật, tranh nhau xuống xuồng trốn tránh.
Đổng Tập cầm gươm quát lên rằng:
- Tướng phụng mệnh của chúa, ở đây phòng giặc, sao dám bỏ thuyền mà đi?
Lập tức chém hơn chục tên quân chạy trốn xuống xuồng. Một lát, gió to quá, thuyền đắm, Đổng Tập và quân sĩ chết đuối cả dưới cửa sông. Từ Thịnh thì xông xáo trong đám quân của Lý Điển.
Trần Vũ nghe bên sông chém giết ầm rĩ, liền kéo một toán quân đến, vừa gặp Bàng Đức, hai bên ùa vào giao chiến.
Tôn Quyền ở trong ụ Nhu Tu, nghe quân Tào kéo đến bờ sông, mới cùng với Chu Thái dẫn quân ra đánh. Quyền trông thấy Lý Điển, Từ Thịnh đang đánh nhau túi bụi trong đám quân, liền thúc quân sấn vào tiếp ứng, lại bị Trương Liêu, Từ Hoảng hai cánh quân vây chặt. Tào Tháo đứng bên gò, thấy Tôn Quyền bị vây, kíp sai Hứa Chử tế ngựa cầm đao xông vào giữa trận, chia ngay quân Tôn Quyền ra làm hai đoạn, trước sau không cứu được nhau.
Chu Thái từ trong vòng vây đánh ra đến bờ sông không thấy Tôn Quyền bèn quay ngựa trở lại đánh vào trong trận, hỏi quân sĩ rằng:
- Chúa công ở đâu?
Quân sĩ trỏ vào chỗ quân vây xúm xít mà nói rằng:
- Chúa công đang bị vây gấp quá.
Chu Thái xông thẳng vào, tìm được Tôn Quyền. Thái nói:
- Xin chúa công theo tôi đánh ra!
Thế rồi, Thái đi trước, Quyền đi sau, cố sức xông xáo. Khi ra đến bờ sông, Thái ngoảnh lại, không thấy Tôn Quyền đâu, lại quay lại đánh vào trong vòng vây tìm được Tôn Quyền.
Quyền nói:
- Cung nỏ bắn ra ào ào, không sao ra được, thì làm thế nào?
Thái nói:
- Chúa công đi trước, để tôi đi sau thì mới thoát được.
Tôn Quyền bèn tế ngựa đi trước. Chu Thái đi kèm, che đỡ hai bên, mình bị đâm mấy nhát giáo, tên cắm suốt hai lần áo giáp, mới cứu được Tôn Quyền ra khỏi vòng vây. Đến bờ sông, may có Lã Mông vừa dẫn một toán quân thuỷ quân đến tiếp xuống thuyền.
Quyền nói:
- Ta may được Chu Thái, ba lần xông pha vào trận, cứu ra được khỏi trùng vây, nhưng Từ Thịnh còn mắc nghẽn trong ấy, làm thế nào thoát ra được?
Chu Thái nói:
- Tôi lại xin vào cứu.
Bèn múa đao lại đánh vào, cứu được Từ Thịnh đem ra. Hai tướng cũng bị trọng thương. Lã Mông sai quân bắn loạn xạ lên bờ, cứu được hai tướng xuống thuyền.
Trần Vũ đánh nhau to với Bàng Đức, sau lưng lại không có quân tiếp ứng, bị Bàng Đức đuổi mãi đến cửa hang, cây cối rậm rạp. Vũ định quay lại đánh nhau, nhưng vướng tay áo vào cành cây, không chống đỡ được, bị Bàng Đức giết chết.
Tào Tháo thấy Tôn Quyền chạy thoát rồi, thúc quân đuổi đến bờ sông, bắn nhau với quân Ngô. Quân Lã Mông bắn hết tên, đang lo không biết làm thế nào, may đâu có một tướng nguyên là con rể Tôn Sách, tên là Lục Tốn, dẫn một đoàn thuyền và mười vạn quân vừa đến, bắn ra một chập, đuổi lui quân Tào. Lục Tốn thừa thế lên bộ đuổi đánh, cướp lại được ngựa chiến vài nghìn đôi. Quân Tào bị thương không biết bao nhiêu mà kể. Trong đám loạn quân, tìm thấy thi hài Trần Vũ.
Tôn Quyền thấy Trần Vũ bị giết, Đổng Tập lại chết đuối, thương cảm vô cùng, sai người mò thây Đổng Tập, rồi hậu táng cho cả hai người.
Quyền lại cảm công lao Chu Thái cứu mình, mở tiệc yến để khoản đãi. Quyền cầm chén rượu, vỗ vào lưng Chu Thái nước mắt chứa chan, nói:
- Ngươi hai phen cứu ta, không tiếc gì tính mệnh, mình mảy bị thương, da thịt như băm như bổ. Ta còn bụng nào mà chẳng coi như cốt nhục, uỷ thác cho ngươi trọng quyền binh mã ru? Ngươi là công thần của ta, ta phải cùng với ngươi vinh phục, hay dở có nhau!
Nói xong, sai Chu Thái cởi áo cho các tướng xem, thấy mình mẩy Thái nham nhở như dao băm, Quyền trỏ tay vào các vết thương hỏi từng chỗ một. Thái thuật lại chuyện đánh nhau bị thương. Đến mỗi một vết thương, Quyền lại ban cho một cốc rượu. Hôm ấy Thái say quá. Quyền ban cho một cái tán vóc xanh, khi ra vào, đi lại, được giương lên cho thêm phần vinh hiển.
Quyền đóng ở Nhu Tu, cự nhau với Tào Tháo hơn một tháng nữa, vẫn không thắng nổi. Trương Chiêu, Cố Ung nói rằng:
- Thế Tào Tháo to lắm, không thể lấy sức mà đánh được. Nếu đánh nhau mãi thì hao binh tổn tướng lắm, chi bằng cầu hoà để yên dân là hơn.
Quyền nghe lời, sai Bộ Trắc sang trại Tháo cầu hoà, xin mỗi năm một lần vào nộp cống. Tháo xem chừng Giang Nam cũng chưa có thể lấy ngay được, ưng ý cho hoà, và bảo rằng:
- Tôn Quyền cứ rút quân về trước, ta sẽ thu quân về sau.
Bộ Trắc về thưa lại, Tôn Quyền chỉ để lại Chu Thái, Tưởng Khâm ở lại giữ Nhu Tu, còn mình thì triệt cả quân mã xuống thuyền về Mạt Lăng.
Tháo cũng để Tào Nhân, Trương Liêu ở lại giữ Hợp Phì, rồi rút quân về Hứa Đô. Các quan văn võ đều muốn Tào Tháo lên làm Nguỵ vương. Quan thượng thư là Thôi Diệm ra sức can ngăn. Các quan nói:
- Ngươi chẳng thấy Tuân Văn Nhược đó ư?
Thôi Diệm nổi giận, nói:
- Đến lúc rồi! Đến lúc rồi! Thế nào cũng có khi biến. Mặc ý, muốn làm gì thì làm!
Có người đem lời ấy bẩm với Tào Tháo. Tháo tức giận, bắt Diệm bỏ ngục tra hỏi. Diệm mắt hổ râu xồm, chỉ chửi mắng Tào Tháo là giặc dối vua. Quan đình uý bẩm với Tháo, Tháo sai đánh chết Diệm ở ngay trong ngục.
Đời sau có thơ khen:
Thôi Diệm Thanh Hà
Tính khí cứng cỏi
Mắt hổ râu xồm
Ruột gan đá sỏi
Gian tà xa tránh,
Danh tiết có thừa
Trung với vua Hán
Tiếng để nghìn xưa!
Năm Kiến An thứ 21 (216), tháng năm, mùa hạ, quần thần dâng biểu tâu với vua Hiến đế, ca tụng công đức của Nguỵ công Tào Tháo to như trời biển, dẫu Y, Chu ngày xưa cũng không bằng, xin phong Tháo lên tước vương.
Vua Hiến đế sai Chung Do thảo tờ chiếu phong cho Tào Tháo làm Nguỵ vương, Tháo giả đò dâng thư lên từ chối ba lượt, vua lại ba lần hạ chiếu không cho từ, Tháo mới phụng mệnh, chịu tước Nguỵ vương. Từ đó, được đội mũ miện mười hai dải, ngồi xe bịt vàng, có sáu ngựa kéo, đi đâu dùng nghi vệ thiên tử, khi ra quân đóng hàng cảnh, khi vào quân đóng hàng tất; lập ra cung Nguỵ vương ở Nghiệp Quận, bàn việc lập thế tử.
Vợ cả Tháo là Đinh thị không có con, vợ thứ Lưu thị sinh được Tào Ngang. Hồi đánh Trương Tú, Ngang chết trận ở Uyển Thành. Một vợ nữa là Biện thị sinh được bốn con: con cả là Phi, thứ hai Chương, thứ ba Thực, thứ tư Hùng. Vì thế Tháo bỏ Đinh phu nhân mà lập Biện thị làm Nguỵ vương phi.
Tào Thực, tên tự là Tử Kiến, tính thông minh lắm, đặt ngòi bút là thành câu văn. Tháo muốn lập làm thế tử. Tào Phi là con trưởng, sợ mình không được lập, bèn hỏi kế quan trung đại phu là Giả Hủ. Hủ xui Phi cứ làm như thế, như thế. Từ bấy giờ, hễ Tháo đi đánh chỗ nào, các con đều đi tiễn. Tào Thực thì chỉ ca tụng công đức, nói năng văn vẻ. Riêng Tào Phi chỉ khóc mà lạy bố thôi, tả hữu ai cũng cảm động. Bởi thế, Tháo nghi Thực là người xảo quyệt không thực bụng bằng Phi.
Phi lại nói lót với những người hầu cận để họ nói những sự nhân đức của mình. Tháo trong bụng phân vân, chưa biết lập người nào làm thế tử, mới hỏi Giả Hủ rằng:
- Ta muốn lập thế tử để nối nghiệp, nên lập ai là phải?
Giả Hủ không đáp. Tháo hỏi tại sao. Hủ nói:
- Tôi còn đang nghĩ, cho nên chưa đáp ngay được.
Tháo hỏi:
- Ngươi nghĩ gì?
- Tôi đang nghĩ việc cha con Viên Bản Sơ và Lưu Cảnh Thăng trước đây.
Tháo cười ầm lên, mới quyết lập con cả là Tào Phi làm vương thế tử.
Mùa đông tháng mười năm ấy, cung Nguỵ vương làm xong. Tháo sai người đi khắp nơi, tìm kiếm những hoa cỏ quý lạ để trồng vào vườn hoa đằng sau. Sứ giả đến Đông Ngô ra mắt Tôn Quyền, truyền lệnh chỉ của Nguỵ vương và ra Ôn Châu lấy cam. Bấy giờ Tôn Quyền đang có ý tôn trọng Tào Tháo, bèn sai người chọn thứ cam quý to quả ở trong thành hơn bốn mươi gánh, đem gấp đến Nghiệp Quận dâng Tào Tháo.
Phu gánh cam đi đến nửa đường, mỏi mệt ngồi nghỉ dưới chân núi. Bỗng thấy một ông lão chột một một mắt khiễng một chân, đầu đội nón mây, mình mặc áo vải, đến chào hỏi và nói:
- Các bác quẩy gánh khó nhọc, để tôi gánh đỡ một vai có được không?
Chúng thấy nói thế mừng quá. Ông lão liền gánh đỡ cho một người năm dặm, mà gánh nào ông ấy đã gánh rồi, đều nhẹ bỗng như không cả. Ai nấy đều ngạc nhiên cho là sự lạ.
Khi từ biệt, ông lão bảo với người áp tải cam rằng:
- Bần đạo là người làng Nguỵ vương khi trước, họ Tả tên Từ, tự là Nguyên Phóng, đạo hiệu là Ô Giác tiên sinh. Khi nào ông đến Nghiệp Quận, thì nói giúp cho tôi rằng: “Tả Từ gửi lời hỏi thăm Nguỵ vương!”
Nói đoạn, vung tay áo đi mất.
Phu gánh cam đến Nghiệp Quận, đem cam vào dâng Tào Tháo. Tháo bóc thì quả nào cũng không có múi. Tháo lấy làm lạ lắm, hỏi người gánh cam. Chúng thuật lại chuyện Tả Từ. Tháo chưa tin. Chợt lính canh cửa vào báo rằng:
- Có một người xưng danh là Tả Từ, xin vào ra mắt đại vương!
Tháo cho gọi vào. Bọn gánh cam trông thấy, nói:
- Ngươi này chính là người chúng tôi gặp ở dọc đường.
Tháo mắng rằng:
- Ngươi dùng yêu thuật gì làm hư những quả ngon của ta?
Từ cười, nói:
- Chả có lẽ thế!
Từ mới lấy cam bóc ra thì quả nào cùng có múi, lại rất thơm ngon. Tháo bóc lấy thì quả nào cũng chỉ có vỏ không. Tháo càng nghi lắm, mời Từ ngồi tử tế hỏi chuyện. Từ đòi rượu thịt, Tháo sai dọn ngay lên. Từ uống hết năm bình rượu chưa say, và ăn hết cả một con dê chưa chán.
Tháo hỏi rằng:
- Ngươi có thuật gì mà lạ thế?
Từ nói:
- Bần đạo học đạo ở trong núi Nga Mi thuộc về Gia Lăng xứ Tây Xuyên được ba mươi dặm. Chợt nghe có tiếng trong vách đá gọi tên bần đạo, trông lại thì chẳng thấy gì, ba bốn hôm luôn như thế. Về sau bỗng dưng sét đánh sạt chỗ sườn núi ấy, bần đạo được ba quyển sách, gọi là: “Độn giáp thiên thư”. Quyển đầu là Thiên độn, quyển thứ hai là Địa độn, quyển thứ ba là Nhân độn. Học được Thiên độn thì có phép tung mây cưỡi gió, bay lên trên trời; học được Địa độn thì có phép xuyên qua núi, rúc qua đá; học được Nhân độn thì đi được trên đám mây, chơi khắp bốn bể, tàng hình biến hoá, ném gươm quăng dao lấy đầu người ta như bỡn. Đại vương phú quý đã tột bậc rồi, sao không theo bần đạo vào núi Nga Mi tu hành? Bần đạo sẽ truyền cho ba quyển thiên thư ấy.
Tháo nói:
- Ta cũng muốn từ quan về nhà, nhưng ngặt vì triều đình chưa có ai thay ta được.
Từ cười, nói:
- Lưu Huyền Đức ở Ích Châu là dòng dõi nhà Hán, sao không nhường ngôi này cho ông ấy? Nếu không, bần đạo sẽ quăng gươm ra lấy đầu ngươi bây giờ.
Tháo giận lắm, nói rằng:
- Thằng này chính là quân do thám của Lưu Bị!
Lập tức sai tả hữu bắt trói lại. Từ chỉ cười sằng sặc. Tháo sai vài chục tên ngục tốt đem Từ ra tra khảo. Ngục tốt ra sức đánh thật mạnh một chặp, lúc trông đến Tả Từ, thì thấy Từ đang ngáy khò khò, không biết đau đớn là gì. Tháo giận lắm, sai lấy lồng sắt cùm chặt và dùng khoá sắt khoá lại, tống giam Từ vào ngục, bắt người canh gác cẩn mật. Khi nhìn đến đã thấy gông xiềng đanh khoá rơi cả ra ngoài, Tả Từ đang nằm ngủ trên mặt đất, không hề thương tổn chút nào. Tháo lại bắt giam luôn bảy hôm, không cho Từ ăn uống. Nhưng Từ vẫn ngồi bằng tròn trên mặt đất, mặt mũi da dẻ lại càng hồng hào hơn trước. Ngục tốt bẩm với Tào Tháo, Tháo đòi ra hỏi.
Tả Từ nói:
- Ta nhịn ăn hàng chục năm cũng không việc gì, mà đã ăn thì một ngày nghìn con dê cũng hết.
Tháo không biết nghĩ cách gì mà trị cho được.
Một hôm các quan hội ăn yến tiệc ở ngọc cung. Trong khi mọi người đang uống rượu. Tả Từ chân đi guốc vào đứng sững trước tiệc. Các quan đều kinh hãi. Tả Từ nói:
- Đại vương mở tiệc yến hôm nay cực to, đủ cả của ngon vật lạ trên rừng dưới bể, nhưng còn muốn thứ gì nữa thì để bần đạo xin giúp.
Tháo nói:
- Ta muốn dùng gan rồng nấu canh, mày có lấy ở đâu được không?
Từ nói:
- Có khó gì việc ấy!
Liền cầm bút mực vẽ một con rồng lên tường trắng, rồi phất tay áo một cái, bụng rồng tự nhiên tách ra. Từ thò tay vào lôi lấy buồng gan, máu tươi vẫn còn chảy ròng ròng.
Tháo không tin, mắng rằng:
- Đó là mày giấu sẵn trong tay áo rồi!
Từ nói:
- Hiện bây giờ trời đông tháng rét, cỏ cây khô héo, đại vương muốn chơi thứ hoa gì, tôi cũng lấy được.
Tháo nói:
- Ta chỉ thích chơi hoa mẫu đơn thôi.
Từ nói:
- Dễ như bỡn!
Bèn sai lấy một chậu hoa trong để ngay trước tiệc, phun nước vào, một lát nảy ngay ra một cây mẫu đơn, nở được hai đoá hoa cực đẹp.
Các quan ai nấy đều ngạc nhiên, mời Từ cùng ngồi ăn yến. Một lát, người nấu bếp dâng cá gỏi lên. Từ nói:
- Gỏi phải có cá lư ở Tùng Giang mới ngon.
Tháo nói:
- Sông ấy cách đây hơn nghìn dặm, làm gì có được?
Từ nói:
- Muốn dùng cũng chẳng khó!
Liền bảo người đem cần câu đến, Từ ngồi câu ở ngay cái ao trước cửa cung, chỉ một lát, giật được mấy chục con cá cực to, vứt lên trên điện.
Tháo nói:
- Đây là cá có sẵn trong ao ta đó.
Từ nói:
- Đại vương chớ khinh tôi thế. Cá lư các nơi khác chỉ có hai vây, duy chỉ cá lư sông Tùng Giang là có bốn vây. Cứ lẽ ấy mà suy thì biết.
Các quan trông xem, quả nhiên cá có bốn vây thật.
Từ nói:
- Ăn gỏi cá lư sông Tùng Giang, lại phải dùng gừng tía mới tốt.
Tháo nói:
- Ngươi có lấy được không?
Từ nói:
- Dễ lắm!
Bèn sai mang cái chậu đồng ra, lấy áo trùm lên, một lát mở ra, gừng tía đầy một chậu, dâng lên trước mặt Tào Tháo. Tháo thò tay vào lấy, bỗng thấy trong chậu có một quyển sách nhan đề: “Mạnh đức Tân thư”. Tháo mở ra xem, đúng là sách của mình, không sai một chữ nào. Tháo lại càng nghi lắm.
Từ lấy một chén ngọc ở trên bàn, rót đầy rượu ngon, dâng lên Tháo mà nói rằng:
- Đại vương nên uống chén rượu này, sẽ sống lâu nghìn năm.
Tháo nói:
- Ngươi hãy uống trước đi!
Từ rút cái trâm ngọc trên mũ, vạch vào trong chén, chia rượu ra làm hai phần, uống trước một nửa, còn một nửa dâng lên Tháo.
Tháo mắng, hất đi không uống. Từ quẳng cái chén lên trên không, hoá ra một con chim cưu trắng, lượn quanh cung điện. Các quan ngẩng cả mặt lên xem, rồi không biết Tả Từ biến đi đâu mất.
Chợt lính canh vào báo rằng:
- Tả Từ đi ra khỏi cửa cung rồi.
Tháo nói:
- Thằng yêu quái này, phải trừ đi mới xong, nếu không tất nó hại mình.
Liền sai Hứa Chử dẫn ba trăm quân thiết giáp đuổi theo bắt về. Ra đến cửa thành, trông thấy Tả Từ đi guốc đang lững thững ở mé trước mặt. Chử tế ngựa đuổi gấp, nhưng không tài kịp. Khi đuổi mãi đến một gò núi, có một đứa trẻ chăn dê, đang đuổi một đàn dê đi ăn. Từ chạy vào giữa đàn dê, Chử lấy tên bắn theo, thì Từ biến mất. Chử giết hết cả đàn dê rồi trở về.
Đứa trẻ chăn dê ngồi khóc hu hu. Bỗng thấy đầu dê ở trên mặt đất, nói ra tiếng người, bảo đứa trẻ ấy rằng:
- Mày đem những đầu dê chắp vào cổ nó thì lại sống, không việc gì mà phải khóc!
Đứa trẻ sợ hết hồn vía, ú té chạy mất, lại nghe có người đằng sau gọi rằng:
- Chớ có sợ hãi mà chạy, ta trả cả đàn dê sống của mày đây!
Đứa trẻ trông thấy Tả Từ đã làm cho dê chết sống cả lại rồi. Đứa trẻ toan hỏi thì Tả Từ đã vung tay áo mà đi, đi nhanh như bay, chớp mắt đã không trông thấy đâu nữa.
Đứa trẻ thuật chuyện lại với chủ nhà. Chủ nhà không dám giấu, đến trình với Tào Tháo. Tháo sai vẽ hình ảnh, đưa các nơi để bắt Tả Từ. Được vài hôm, trong thành ngoài thành, bắt được ba bốn trăm người giống hệt lão chột mắt, khiểng một chân, đầu đội nón mây trắng, mình mặc áo vải xanh, chân đi guốc, náo động cả hàng phố. Tháo sai các tướng lấy máu dê, lợn rảy vào rồi điệu cả ra tràng thí võ cửa nam. Tháo dẫn năm trăm quân giáp binh vây bọc chung quanh, chém tuốt cả bấy nhiêu người. Người nào trong họng cũng có một vệt khí xanh, bay vụt lên trời, rồi tụ lại cả một chỗ, hoá ra một Tả Từ. Từ ngẩng mặt lên trên không, vẫy một con hạc trắng xuống, rồi vỗ tay cười ầm lên nói rằng:
- Chuột đất theo hổ vàng, gian hùng sắp chết đến nơi!
Tháo sai lấy cung tên bắn, bỗng nhiên nổi trận cuồng phong, sỏi cát bay mù mịt. Những thây bị chém, nhảy choàng dậy, tay xách đầu lâu, chạy cả lên đền diễn võ đánh Tào Tháo. Các quan văn võ ai nấy cùng bay hồn lạc phách, ngã lăn xuống đất, không ai cứu giúp được ai nữa.
Đó là:
Quyền thế gian hùng nghiêng cả nước,
Phép tài đạo sĩ lạ lùng thay!
Chưa biết tính mệnh Tào Tháo ra sao, xem đến hồi sau mới biết.
Hồi 69
Bói Chu Dịch, Quản Lộ biết cơ trời;
Đánh giặc Hán, năm người đều tử tiết
Lại nói khi ấy Tào Tháo thấy trong cơn gió to, trời tối sầm lại, những thây xác đứng cả dậy, khiếp sợ ngã lăn xuống đất. Một lát, gió yên, những thây người biến đâu mất cả. Tả hữu vực Tháo về cung, từ đấy Tháo kinh hãi thành bệnh.
Người sau có thơ khen Tả Từ rằng:
Cưỡi gió tung mây khắp mọi nơi,
Độn hình biến phép thoả lòng vui.
Khéo bày những thuật thần tiên lạ,
Dạy Tháo không nghe, ghẹo Tháo chơi.
Tào Tháo mắc bệnh, chữa thuốc mãi không khỏi. Có quan thái sử thừa là Hứa Chi từ Hứa Xương đến ra mắt. Tháo sai Chi bói dịch xem lành dữ làm sao.
Chi thưa:
- Đại vương có nghe tiếng Quản Lộ xem bói hay như thần hay không?
Tháo nói:
- Ta cũng có biết tiếng, nhưng chưa biết nghề nghiệp y thế nào, người thử kể rõ cho ta nghe.
Chi thưa:
- Quản Lộ tên tự là Công Minh, người ở Bình Nguyên, hình dung xấu xa, tính khí bông lông, hay rượu. Cha y làm quan trưởng ở làng Tứ Kỳ, quận Lương Gia. Y từ thuở nhỏ thường hay ngẩng mặt lên trời xem các vì sao, ham xem không ngủ, cha mẹ cấm cũng không được. Y thường nói: “Gà nhà chim đồng còn biết thời tiết, huống chi là người!” Thuở bé, chơi đùa với trẻ hàng xóm hay vẽ xuống đất làm thiên văn, chia bày ra chỗ thì mặt trăng, chỗ thì mặt trời, chỗ thì sao nọ sao kia. Vừa lớn lên, học sách Chu Dịch, hiểu được hết nghĩa thâm thuý, nhìn chiều gió mà biết điềm tốt xấu, và xem số tướng cũng thần tình lắm. Quan thái thú ở quận Lương Gia là Đỗ Tử Xuân nghe tiếng, mời Lộ đến chơi, bấy giờ trong đám khách hơn một trăm người, toàn là tay giỏi mồm mép cả. Lộ nói với Tử Xuân rằng: “Tôi còn ít tuổi, khí trong quả mật chưa vững, vậy xin ba thăng rượu ngon, uống rồi mới hầu chuyện được với khách”. Tử Xuân lấy làm kỳ dị, liền cho uống rượu. Lộ uống xong, hỏi rằng: “Những vị muốn đối lời với tôi có phải là khách của phủ quân kia không?” Tử Xuân nói: “Chỉ ta với ngươi mở cờ đánh trống đối địch với nhau thôi!” Nói đoạn, hai người bàn luận về nghĩa lý Kinh Dịch. Lộ bàn nói rắn rỏi, lời nào cũng sâu sắc. Tử Xuân hỏi căn hỏi vặn, Lộ đối đáp như nước chảy, từ sáng đến chiều, không tưởng gì đến ăn uống. Tử Xuân và bọn khách ai cũng chịu là giỏi. Bởi thế Lộ nổi tiếng, thiên hạ gọi là thần đồng. Về sau, có kẻ thường dân là Quách An, ba anh em cùng phải bệnh thọt chân, mời Lộ đến xem bói. Lộ nói: “Nhà ngươi có một ngôi mộ, thây trong mộ nếu không phải bác thì là thím ngươi. Khi trước gặp năm mất mùa đói kém, ngươi vì vài thưng gạo, đẩy người ấy xuống giếng, rồi lấy đá to đè vỡ cả đầu. Cái hồn ấy đau đớn, kêu oan với trời, cho nên anh em nhà người chịu quả báo, không sao cúng vái được đâu!” Anh em Quách An khóc lóc chịu tội. Quan thái thú ở An Bình là Vương Cơ biết Lộ tài bói, mời đến chơi nhà. Chợt có quan huyện Tín Đô cũng đến đấy. Quan huyện có người vợ thường hay nhức đầu, và có một con thường hay đau bụng, nhờ Lộ bói xem ra sao. Lộ nói: “Góc tây nhà, có hai cái tử thi đàn ông, một thây cầm mâu, một thây cầm cung tên, đầu ở trong vách, chân thò ra ngoài. Thây cầm mâu cốt đâm vào đầu cho nên nhức đầu; thây cầm cung tên bắn vào bụng cho nên đau bụng”. Quan huyện sai đào đất sâu tám thước, quả nhiên có hai cái áo quan có cái mâu, một quan có cái cung bằng sừng và tên đã mục ruỗng. Lộ sai đem hài cốt ra ngoài thành mười dặm mà chôn, vợ con quan huyện từ đấy khỏi bệnh. Quan huyện Quán Đào là Gia Cát Nguyên, đổi đi làm thái thú ở Tân Hưng. Lộ đi tiễn. Có tiếng đồn Lộ biết được cả những vật úp kín. Gia Cát Nguyên không tin mới lấy một cái trứng chim én, một tổ ong, một con nhện, bỏ vào ba cái hộp, sai Lộ bói xem có biết không. Lộ gieo quẻ xong, trên mỗi một hộp viết ba câu: “Một là: ngậm khí phải biến, thường ở góc nhà, sống mái thành hình, lông cánh bay ra, đây hẳn là trứng chim én. Hai là: nhà cửa treo ngược, cửa nhỏ rất nhiều, chứa tinh nuôi độc, nếu thu mới nở, đây hẳn là tổ ong. Ba là: chân dài nghêu ngao, nhả tơ giăng lưới, tìm lưới kiếm ăn, lợi về ban đêm; đây hẳn là con nhện”. Cả đám ngồi đấy ai cũng giật mình. Trong làng, có một bà lão mất trâu tìm đến xem bói. Lộ đoán rằng: “Có bảy người ăn trộm trâu, đang mổ ở bến Bắc Khê, đi tìm ngay thì hãy còn da thịt”. Bà ta đến đó, quả nhiên có bảy người đang nấu thịt trâu ăn uống với nhau trong một cái nhà gianh. Bà đi trình quan thái thú ở quận ấy là Lưu Mân, bắt gọn cả bảy người trị tội. Quan thái thú nhân đó hỏi bà lão: “Tại sao bà biết?” Bà ta liền kể chuyện Quản Lộ bói giỏi như thần. Lưu Mân không tin, mới đến phủ, lấy cái túi đựng ấn và một cái lông gà núi bỏ vào trong hộp, sai Lộ bói. Lộ bói một cái, đoán rằng: “Trong vuông ngoài tròn, toả ra năm sắc, chứa vật báu giữ điều tín, khi dùng ra thì có phép tắc, đây hẳn là cái túi đựng ấn”. Còn một cái đoán rằng: “Trong núi có con chim, hình như gấm, áo đỏ, lông cánh chỗ đen chỗ vàng, gáy không sai giờ, đấy hẳn là lông con gà rừng”. Lưu Mân thất kinh, chịu là giỏi, đãi làm khách quý hạng nhất.
“Một hôm, Lộ ra ngoại ô chơi, thấy một người tuổi trẻ, đang cày dưới ruộng. Lộ đứng bên đường ngắm một lúc lâu rồi hỏi tên tuổi người ấy. Người ấy nói tên là Triệu Nhan, mười chín tuổi. Nhan lại hỏi lại Lộ, Lộ đáp: “Ta là Quản Lộ đây, thấy trong đám lông mày người có tử khí, ba ngày nữa tất chết, ta tiếc cho ngươi mặt mũi sáng sủa thế mà không được thọ”. Triệu Nhan vội vàng về nhà thuật lại chuyện với cha. Cha thấy vậy, chạy theo tìm được Quản Lộ, khóc lạy xuống đất mà nói rằng: “Xin mời ông về chơi cứu cho con tôi”. Lộ nói: “Số trời đã thế, cứu làm sao được”. Ông lão kêu lên rằng: “Tôi đã già rồi, chỉ có một đứa con này, xin ngài rủ lòng thương mà cứu cho”. Triệu Nhan cũng khóc lóc xin cứu. Lộ thấy hai cha con thiết tha lắm, mới bảo Triệu Nhan rằng: “Ngươi về kiếm lấy một bình rượu ngon, một đĩa nem hươu, ngày mai đem vào trong núi Nam Sơn, tìm đến một gốc cây to, có hai người ngồi đánh cờ trên tảng đá lớn. Một người ngoảnh mặt về nam, mặc áo bào trắng, mặt mũi dữ tợn; một người ngoảnh mặt về bắc, mặc áo bào đỏ, mặt mũi đẹp đẽ. Ngươi nên chờ lúc hai người đánh cờ đang mê mải, thì quỳ dâng rượu và nem hươu lên, đợi ăn uống xong, sẽ khóc mà cầu thọ, thì chắc là được sống lâu. Nhưng chớ có nói là ta xui”. Ông lão giữ Lộ ở lại chơi. Hôm sau, Triệu Nhan đem rượu và nem vào núi Nam Sơn, đi độ năm sáu dặm, quả nhiên thấy có hai người ngồi trên tảng đá dưới gốc cây thông đánh cờ, không nhìn ra đến ngoài. Triệu Nhan quỳ dưới đất dâng nem rượu lên. Hai người đang ham đánh, thấy có rượu thì cứ uống hết nhẵn, bấy giờ Triệu Nhan mới lạy xuống cầu thọ. Hai người giật mình. Người mặc áo đỏ nói rằng: “Đây hẳn là Quản Tử xui đây, nhưng chúng ta đã trót ăn của nó, thì phải thương nó”. Người mặc áo trắng bèn giở quyển sổ bên mình ra xem, rồi bảo với Triệu Nhan rằng: “Mày năm nay mười chín tuổi, đáng chết, bây giờ tao thay chữ cửu vào chữ thập cho mày, thì mày sống lâu được chín mươi chín tuổi. Mày về bảo với Quản Lộ, từ rày không được tiết lộ thiên cơ ra nữa, nếu không chừa đi thì tất trời phạt!” Người mặc áo đỏ cầm bút viết một chữ, rồi có một cơn gió thơm phương phức, hai người hoá ra hai con hạc trắng bay vút lên trời. Triệu Nhan về hỏi lại Quản Lộ, Lộ nói: “Ông mặc áo đỏ là sao Nam đẩu, ông mặc áo trắng là sao Bắc đẩu”. Triệu Nhan hỏi: “Tôi nghe Bắc Đẩu có chín ngôi, sao ở đây chỉ có một người?” Lộ nói: “Tan ra thành chín, hợp lại mà một. Bắc đẩu thì chua tử, Nam đẩu thì chua sinh, nay đã được thêm số sống lâu, ngươi không phải lo gì nữa”. Hai cha con lạy tạ. Từ bấy giờ Quản Lộ cũng sợ tiết lộ thiên cơ, không dám bói lung tung nữa. Người ấy hiện đang ở Bình Nguyên, đại vương muốn biết việc hay dở, sao không chịu đến mà hỏi?
Tháo mừng lắm, lập tức sai người đến Bình Nguyên mời Quản Lộ. Lộ đến, Tháo sai bói việc Tả Từ. Lộ nói:
- Việc ấy chẳng qua là một phép ảo thuật, có việc gì mà phải lo!
Tháo yên tâm, từ đó dần dần khỏi bệnh. Lại sai Quản Lộ bói việc thiên hạ. Lộ gieo quẻ xong, nói:
- Ba tám tung hoành, lợn vàng gặp hổ, mé nam núi Định Quân, tất gãy một cánh tay.
Tháo lại sai bói xem mình truyền ngôi được dài hay ngắn. Lộ bói xong, nói:
- Trong cung sư tử, để yên thần vị, đạo vương đổi mới, con cháu rất quý.
Tháo hỏi lại cho rõ. Lộ thưa rằng:
- Số trời mờ mịt, khó biết trước được, để nghiệm về sau thì khắc biết.
Tháo muốn phong cho Lộ làm quan thái sư. Lộ nói:
- Tôi vốn mệnh bạc tướng cùng, không xứng chức ấy, tôi không dám nhận.
Tháo hỏi duyên cớ làm sao. Lộ thưa rằng:
- Tướng tôi trán không có chủ cốt, mắt không vững con ngươi, mũi không có sống cao, gót không có gân chắc, lưng không có chữ tam giáp, bụng không có chữ tam vương, chỉ trị được quỷ núi Thái Sơn, chớ không trị được người.
Tháo lại hỏi:
- Ngươi thử xem tướng ta ra làm sao?
Lộ nói:
- Ngồi cao trùm cả bọn nhân thần, cần gì phải xem tướng.
Tháo hỏi gặng hai ba lần, Lộ chỉ cười, nhất định không nói. Tháo sai Lộ xem tướng cho các quan văn võ. Lộ nói:
- Các quan đều là những bày tôi đời thái bình cả.
Tháo hỏi những việc hay dở, Lộ cũng không chịu nói hết.
Người sau có thơ khen Quản Lộ rằng:
Bình Nguyên Quản Lộ bậc anh tài,
Bắc đẩu, Nam thần tính chẳng sai,
Tám quẻ sâu xa tường việc quỷ,
Sáu hào huyền bí, xét cơ trời,
Xem người biết trước người không thọ,
Nghĩ bụng hay rằng bụng có tài,
Chỉ tiếc một nghề thần bốc ấy,
Sách đâu không để kế lâu dài?
Tháo lại sai bói việc Đông Ngô và Tây Thục. Lộ gieo quẻ xong, nói:
- Đông Ngô mới mất một viên đại tướng, mà ở Tây Thục thì có quân xâm phạm vào cõi ta.
Tháo chưa tin. Chợt ở Hợp Phì có tin về báo rằng: “Tướng Đông Ngô là Lỗ Túc giữ cửa ải Lục Khẩu mới mất”. Tháo chịu cho là Lộ bói giỏi, mới sai người vào Hán Trung dò la tin tức. Được mấy ngày, có tin về báo rằng: “Lưu Bị sai Trương Phi, Mã Siêu đóng đồn ở Hạ Biện, muốn cướp cửa ải của ta”. Tháo giận lắm, muốn cất quân thân chinh vào Hán Trung, bèn sai Quản Lộ bói một quẻ. Lộ nói:
- Đại vương chớ nên khinh động vội, sang xuân Hứa Đô tất có hoả tai.
Tháo thấy Lộ nói lắm câu nghiệm, cho nên chưa dám khinh động, bèn ở lại Nghiệp Quận, sai Tào Hồng dẫn năm vạn quân ra giúp Hạ Hầu Uyên, Trương Cáp cùng giữ Đông Xuyên. Lại sai Hạ Hầu Uyên lĩnh ba vạn quân tuần phòng ở Hứa Đô, để phòng việc bất trắc. Tháo lại cử trưởng sử là Vương Tất tổng đốc quân mã ngự lâm. Chủ bạ Tư Mã Ý nói:
- Vương Tất nghiện rượu, tính rộng rãi, e không kham nổi chức ấy.
Tháo nói:
- Vương Tất là người theo ta trong lúc xông pha, chông gai gian khổ, trung thành lại chăm chỉ, lòng như sắt đá, thật xứng đáng lắm.
Liền uỷ cho Vương Tất đem quân ngự lâm đóng ngoài cửa Đông Hoa thành Hứa Xương.
Bấy giờ có một người họ Cảnh tên Kỷ, tự là Quý Hạnh, quê ở Lạc Dương, trước đã có làm quan huyện ở phủ thừa tướng, về sau được nhấc làm thị trung thiếu phủ, cùng với quan tư trực là Vi Hoảng chơi thân lắm. Hai người thấy Tào Tháo tiếm phong tước vương, xe đi áo mặc, toàn dùng đồ thiên tử, trong bụng rất là bất bình.
Năm Kiến An thứ 23 (218), tháng giêng, mùa xuân, Cảnh Kỷ bàn với Vi Hoảng rằng:
- Giặc Tháo gian ác mỗi ngày một tệ hơn, sau này tất có việc cướp đoạt, chúng ta là tôi nhà Hán, lẽ đâu quên chúa mà giúp kẻ loạn thần?
Vi Hoảng nói rằng:
- Tôi có người tâm phúc tên là Kim Vĩ, vốn là dòng dõi tướng nhà Hán Kim Nhật Đê khi xưa, vẫn có bụng muốn trừ Tào Tháo, lại chơi rất thân với Vương Tất, nếu được người ấy đồng mưu, thì chắc xong việc lớn.
Cảnh Kỷ nói:
- Y đã chơi thân với Vương Tất thì sao chịu đồng tâm với ta?
Vi Hoảng nói:
- Hãy thử đến chơi nói chuyện xem làm sao.
Hai người bèn đến nhà Kim Vĩ. Vĩ ra tiếp vào hậu đường ngồi chơi. Hoảng nói:
- Đức Vĩ cùng với Vương trưởng sử chơi thân lắm, hai chúng tôi lại cầu một việc.
Vĩ hỏi:
- Các ông cầu việc gì?
Hoảng nói:
- Tôi nghe Nguỵ vương nay mai tất thay ngôi nhà Hán lên làm vua. Ông nói trưởng sử chắc được nhắc làm quan to, xin nhớ đến anh em mà dắt dìu nhau thì cảm ơn lắm!
Vĩ nghe nói, phất tay áo đứng dậy; đầy tớ vừa bưng trà lên, Vĩ hất đổ cả xuống đất. Hoảng giả cách giật mình, nói:
- Đức Vĩ là cố nhân của ta, sao bạc đãi anh em thế?
Vĩ nói:
- Ta chơi với các ngươi, vì các ngươi là con cháu các triều thần nhà Hán. Nay không nghĩ đến báo ơn vua, lại muốn giúp quân phản tặc, ta còn mặt mũi nào chơi với các ngươi!
Cảnh Kỷ nói:
- Chúng tôi cũng biết thế là không phải, nhưng bất đắc dĩ phải theo đó thôi!
Vĩ thấy nói càng giận lắm. Cảnh Kỷ, Vi Hoảng biết, đích là Kim Vĩ có bụng trung nghĩa, mới đem tình thực ra bảo rằng:
- Chúng tôi cốt muốn đánh giặc, đến đây để bàn chuyện với ngài, nhưng chưa biết bụng ngài thế nào nên chúng tôi nói thử đó!
Vĩ nói:
- Nhà ta đời đời làm tôi nhà Hán, đâu có chịu theo giặc! Các ông muốn giúp nhà Hán, thì đã có mẹo gì hay chưa?
Hoảng nói:
- Tuy là có lòng báo đền ơn nước, nhưng chưa có mẹo gì đánh giặc.
Vĩ nói:
- Ta muốn trước hãy giết Vương Tất, cướp lấy binh quyền, rồi kết với Lưu hoàng thúc làm ngoại ứng, mới có thể trừ được giặc Tháo.
Hai người vỗ tay khen mẹo ấy là hay.
Vĩ lại nói:
- Ta có hai người tâm phúc, có thù vì Tháo đã giết cha họ, hiện ở ngoài thành, nên dùng làm vây cánh.
Cảnh Kỷ hỏi là ai, Vĩ nói:
- Con quan thái y Cát Bình: trưởng là Cát Mạc, tự là Vân Nhiên, thứ là Cát Mục, tự là Tư Nhiên. Khi trước Tào Tháo vì việc Đổng Thừa, giết mất cha hai người ấy. Hai người phải trốn tránh nơi xa, được thoát nạn. Nay đã lẻn về Hứa Đô, nếu bảo giúp ta đánh giặc nhất định nghe ngay.
Cảnh Kỷ, Vi Hoảng mừng lắm. Kim Vĩ mật sai người mời hai anh em họ Cát. Một lát, hai người đến. Vĩ nói chuyện việc đánh Tào Tháo. Hai người căm tức, ứa nước mắt khóc, khí oán tức vùn vụt xông lên tận trời, thế giết giặc nước.
Kim Vĩ nói:
- Đến đêm hôm rằm tháng giêng, trong thành đốt đèn cực nhiều, vui chơi đêm nguyên tiêu. Cảnh Thiếu Phủ, Vi Tư Trực, hai ông nên đem gia đồng đánh đến trước dinh Vương Tất; xem lúc nào có hiệu lửa thì chia làm hai đường kéo vào, giết xong Vương Tất, theo ta vào cung, mời thiên tử lên lầu Ngũ Phượng, triệu trăm quan đến dụ việc đánh giặc. Hai anh em Cát Vân Nhiên thì ở ngoài thành đánh vào đốt lửa làm hiệu, reo gọi trăm họ để cùng giết giặc nước, và chặn quân cứu viện ở trong thành. Khi nào thiên tử ban tờ chiếu chiêu an đâu đấy rồi, thì tiến binh kéo đến Nghiệp Quận bắt Tào Tháo, rồi lập tức cầm chiếu ra triệu Lưu hoàng thúc về. Hôm nay hẹn sẵn, đến canh hai đêm hôm ấy thì khởi sự, chớ có như Đổng Thừa mà mang vạ cho mình.
Năm người nhìn lên trời thề thốt, uống máu ăn thề, rồi ai về nhà ấy, sắm sửa khí giới quân mã đợi lúc khởi sự.
Cảnh Kỷ, Vi Hoàng mỗi người có ba bốn trăm đầy tớ, cùng sắm sửa đồ khí giới. Anh em Cát Mạc cũng tụ tập được ba trăm người, dự bị sẵn sàng, nói dối là đi săn bắn.
Kim Vĩ đến chơi trước nhà Vương Tất, nói rằng:
- Hiện nay bốn bể hơi yên. Nguỵ vương uy khắp cả thiên hạ, nay gặp tiết nguyên tiêu, nên cho nhân dân đốt đèn vui chơi, để tỏ cái khí tượng đời thái bình.
Vương Tất cho là phải, cáo dụ nhân dân trong thành, chỗ nào cũng phải treo đèn, kết hoa để cho vui vẻ đêm nguyên tiêu.
Đến đêm nguyên tiêu ấy, khí trời tạnh tẽ, trăng sao vằng vặc. Khắp các phố phường đua nhau thả đèn hoa, kẻ đi người lại, vui vẻ chơi bời. Vương Tất cùng với các tướng ngự lâm uống rượu ăn yến ở trong dinh. Hết canh hai, bỗng nhiên trong dinh có tiếng hò reo, mé sau có lửa cháy. Vương Tất vội vàng chạy ra xem, thì đã thấy ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt, tiếng hò chém giết rầm rĩ, biết là có biến, vội lên ngựa ra cửa nam, thì gặp ngay Cảnh Kỷ, bắn cho một phát tên, trúng vào bả vai, suýt lăn xuống ngựa. Tất bèn chạy về phía cửa Tây, sau lưng có quân đuổi tới. Vương Tất sợ hãi, bỏ ngựa đi bộ, chạy đến nhà Kim Vĩ gõ cửa. Nguyên Kim Vĩ một mặt sai người vào trong dinh đốt lửa, một mặt xuất lĩnh đầy tớ ra đánh, chỉ để vợ con ở nhà. Lúc ấy, vợ con ở trong nhà nghe tiếng gõ cửa của Vương Tất tưởng là Kim Vĩ trở về, liền hỏi ra rằng:
- Đã giết được thằng Vương Tất rồi à?
Vương Tất giật mình, mới biết là Kim Vĩ cũng đồng mưu bèn chạy tắt sang nhà Tào Hưu nói rằng:
- Kim Vĩ, Cảnh Kỷ đồng mưu làm phản.
Tào Hưu vội vàng nai nịt lên ngựa, dẫn hơn một nghìn quân vào trong thành đánh giặc. Trong thành bốn mặt lửa cháy, chém cả vào đến lầu Ngũ Phượng, vua phải lánh vào trong thâm cung. Tướng tá tâm phúc nhà Tào cố chết giữ lấy cửa cung, nghe thấy người trong thành reo lên rằng:
- Giết cho sạch giặc Tào để phò nhà Hán.
Nói về Hạ Hầu Đôn phụng mệnh Tào Tháo, lĩnh ba vạn quân đóng đồn cách thành năm dặm để tuần phòng Hứa Đô. Đêm hôm ấy trông thấy trong thành lửa cháy, Đôn mới kéo đại quân về vây chặt lấy thành, sai một toán quân vào tiếp ứng cho Tào Hưu. Đánh nhau mãi đến sáng, bọn Cảnh Kỷ, Vi Hoảng không có người giúp đỡ. Chợt có tin báo Kim Vĩ cùng hai anh em ra cửa thành, thì quân Hạ Hầu Đôn bao vây và bắt sống, hơn một trăm đầy tớ đều chết sạch.
Hạ Hầu Đôn vào thành, dập tắt lửa, bắt hết cả họ hàng già trẻ năm nhà, sai người báo với Tào Tháo. Tháo truyền đem ra chợ chém hết. Còn bao nhiêu quan lại lớn nhỏ trong triều đều bị bắt giải đến Nghiệp Quận để tra xét.
Hạ Hầu Đôn ra lệnh điệu Cảnh Kỷ, Vi Hoảng ra nơi hành hình. Cảnh Kỷ thét mắng rằng:
- Tào A Man! Tao sống không giết được mày, thì chết tao cũng làm con ma dữ để giết mày thôi!
Quân sĩ lấy giáo xóc vào mồm Kỷ, máu chảy ròng ròng xuống đất. Kỷ mắng chửi hết hơi rồi chết.
Vi Hoảng thì đập mãi xuống đất mà nói rằng:
- Tức quá! Tức quá!
Đời sau có thơ khen hai người rằng:
Cảnh, Vi xứng đáng bậc danh hiền,
Đem nắm tay không chống cửa thiên.
Vận Hán nào ngờ cây đã cỗi,
Suối vàng tấm tức dạ trung kiên.
Hạ Hầu Đôn chém hết họ hàng năm nhà, rồi giải các quan đến Nghiệp Quận. Tào Tháo cho dựng ở giáo trường một lá cờ đỏ ở bên tả, một là cờ trắng bên hữu, hạ lệnh rằng:
- Bọn Cảnh Kỷ làm phản, phóng hoả đốt Hứa Đô, chúng bây cũng có người ra cứu lửa, cũng có người đóng cửa không ra. Hễ ai chữa cháy thì đến đứng ở dưới lá cờ đỏ, ai không ra thì đứng dưới lá cờ trắng!
Các quan nghĩ rằng chữa cháy tất không phải tội, bởi thế nhiều người chạy đến đứng trước là cờ đỏ. Trong ba phần chỉ có một phần đứng dưới cờ trắng. Tháo sai bắt hết cả những người đứng dưới cờ đỏ. Các quan kêu là không có tội. Tháo nói:
- Bụng chúng mày bấy giờ không phải là ra chữa cháy, kỳ thực là ra giúp giặc đó thôi.
Liền sai điệu cả ra cạnh sông Chương Hà chém tuốt. Hơn ba trăm viên bị hại. Những người đứng dưới cờ trắng, thì được Tháo thưởng cho và tha cho về Hứa Đô.
Bấy giờ Vương Tất đã bị thương mà chết. Tháo sai làm ma to tống táng, rồi cho Tào Hưu tổng đốc cả quân mã ngự lâm, Chung Do làm tướng quốc; Hoa Hâm làm ngự sử đại phu; cải định lại tước hầu có sáu bậc, mười tám cấp; tước quan trung hầu mười bảy cấp, được đeo ấn vàng thao tía; quan nội ngoại hầu mười sáu cấp, ấn bạc, thao thâm; ngũ đại phu mười lăm cấp, ấn đồng, thao buộc kim tuyến. Định tước phong quan, triều đình lại đổi một loạt nhân vật.
Tào Tháo bây giờ mới nhớ đến lời đoán trước của Quản Lộ, bèn trọng thưởng cho nhưng Lộ không chịu nhận.
Lại nói Tào Hồng dẫn quân đến Hán Trung, sai Trương Cáp, Hạ Hầu Uyên giữ nơi hiểm yếu, còn mình thì tiến ra cự địch. Bấy giờ Trương Phi và Lôi Đồng giữ ở Ba Tây, quân Mã Siêu thì đến Hạ Biện. Siêu sai Ngô Lan làm tiên phong, đem quân đi do thám, vừa gặp quân Tào Hồng đến. Ngô Lan muốn rút về. Có nha tướng là Nhâm Quỳ nói rằng:
- Quân giặc mới đến, nếu không đánh cho đổ cái nhuệ khí của nó đi, thì mặt mũi nào về trông thấy Mã Mạnh Khởi nữa?
Nói đoạn, vác giáo tế ngựa ra trận. Bên này, Tào Hồng cũng múa đao tế ngựa xông tới. Hai bên đánh nhau chưa được ba hiệp, Nhâm Quỳ bị chém lăn xuống ngựa. Hồng thừa thế đuổi giết, Ngô Lan thua to, chạy về ra mắt Mã Siêu.
Siêu giận mắng rằng:
- Mi chưa có lệnh của ta, sao đã dám khinh địch để đến nỗi bị thua?
Ngô Lan nói:
- Đó là Nhâm Quỳ không nghe lời tôi, cho nên mới thua như vậy.
Mã Siêu nói:
- Một mặt phải giữ vững cửa ải, không nên ra đánh nữa, một mặt phi báo về Thành Đô, đợi lệnh.
Hồng thấy Mã Siêu luôn mấy hôm không ra, sợ có mẹo lửa gì chăng, liền dẫn quân về Nam Trịnh. Trương Cáp lại ra mắt Tào Hồng hỏi rằng:
- Tướng quân đã chém được tướng giặc, sao lại rút lui?
Hồng nói:
- Ta thấy Mã Siêu không ra, có mưu khác. Vả lại ta ở Nghiệp Quận, thần bốc là Quản Lộ có nói ở chỗ này tất tổn mất một đại tướng, ta ngờ lời đó, cho nên không dám khinh chiến.
Trương Cáp cười nói rằng:
- Tướng quân cầm quân đã nửa đời người, sao nay lại tin bói toán để sinh nghi ra ngờ vực? Tôi tuy bất tài cũng xin đem quân mã đánh lấy Ba Tây. Nếu được Ba Tây, thì lấy Thục Quận cũng dễ như bỡn.
Hồng nói:
- Tướng giữ Ba Tây là Trương Phi, không phải tầm thường, chớ nên khinh địch.
Trương Cáp nói:
- Người ta đều sợ Trương Phi, tôi thì coi y như đứa con nít vậy! Phen này đi chắc bắt sống được y!
Hồng nói:
- Nếu sơ suất thì thế nào?
Cáp nói:
- Xin chịu quân lệnh!
Hồng bắt làm tờ cam đoan. Trương Cáp kéo quân đi.
Rõ là:
Tự cổ kiêu binh nhiều thất bại,
Thói thường khinh địch ít thành công.
Chưa biết được thua ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.
Hồi 70
Trương Phi khỏe, dùng mưu lấy Ngõa Khẩu ải;Hoàng Trung già, bày kế đoạt Thiên Đãng sơn
Lại nói, Trương Cáp, dẫn bộ binh chia làm ba trại, dựa vào sườn núi hiểm trở; trại thứ nhất gọi là Nham Cừ, trại thứ hai là Mộng Đầu, trại thứ ba là Đãng Thạch. Hôm ấy, Trương Cáp để lại mỗi trại nửa quân giữ nhà, còn bao nhiêu kéo đến lấy Ba Tây. Có thám mã báo tin về Ba Tây, nói Trương Cáp đã kéo quân đến. Trương Phi vội gọi Lôi Đồng lại bàn bạc. Đồng nói:
- Lãng Trung địa thế núi non hiểm trở, có thể mai phục được. Tướng quân dẫn quân ra đánh, tôi kéo kỵ binh ra giúp tất bắt sống được Trương Cáp.
Trương Phi giao cho Lôi Đồng năm ngàn tinh binh mang đi, còn mình thì dẫn một vạn quân dời khỏi Lãng Trung ba mươi dặm sau thì gặp Trương Cáp. Hai bên dàn trận, Trương Phi ra ngựa, gọi Trương Cáp giao chiến. Cáp cầm giáo tế ngựa xốc tới, đánh nhau hơn hai mươi hiệp. Hậu quân của Trương Cáp bỗng hò reo ầm ĩ: té ra trông thấy cờ quạt của quân Thục phấp phới mé sau núi, quân Cáp rối rít cả lên, Cáp không dám ham đánh, quất ngựa chạy về. Trương Phi đuổi theo chém giết tơi bời. Phía trước, Lôi Đồng dẫn quân đánh đổ ra. Trương Cáp thua trong, chạy mãi về trại Nham Cừ, rồi lại chia binh ra giữ ba trại như trước, chứa nhiều gỗ đá giữ vững không ra đánh nữa.
Trương Phi dẫn quân tiến đến cách trại Nham Cừ mười dặm hạ trại. Hôm sau dẫn quân đến khiêu chiến. Cáp ở trên đỉnh núi, thổi sáo, đánh trống, uống rượu, nhất định không xuống Trương Phi sai quân sĩ chửi mắng om sòm, Cáp cũng không ra. Phi phải trở về trại.
Hôm sau, Phi lại sai Lôi Đồng đến dưới núi khiêu chiến, Cáp cũng không ra. Lôi Đồng thúc quân lên, trên núi gỗ đá lao xuống ầm ầm. Lôi Đồng vội vã rút lui. Quân ở trại Đãng Thạch và trại Mông Đầu đổ ra, đánh bại Lôi Đồng.
Hôm sau, Trương Phi lại đến khiêu chiến, Trương Cáp vẫn cứ giữ trên núi không xuống. Phi sai quân sĩ chửi mắng rất tàn tệ, Cáp ở trên núi cũng chửi.
Trương Phi mãi không biết dùng mẹo gì dử cho được Trương Cáp xuống núi. Phi mới kéo tận trước núi cắm trại, ngày nào cũng rượu say tuý luý, ngồi chửi mắng, sỉ nhục Trương Cáp. Huyền Đức sai người đến khao quân, thấy Trương Phi uống rượu suốt ngày, liền về báo tin. Huyền Đức giật mình, hỏi Khổng Minh, Khổng Minh cười, nói:
- Trong quân chắc không có rượu ngon, ở Thành Đô rất nhiều rượu tốt, nên đem năm mươi vò, chất vào ba chiếc xe tải ra đó để Trương tướng quân uống.
Huyền Đức thất kinh, nói:
- Em tôi xưa nay chỉ vì uống rượu mà lỡ việc sao quân sư lại đưa thêm rượu cho nó?
Khổng Minh cười, nói:
- Chúa công kết anh em với Dực Đức bao nhiêu lâu nay, vẫn chưa biết người thế nào ru? Dực Đức tuy uống rượu nóng nảy, nhưng hồi trước vào lấy Xuyên tha được Nghiêm Nhan, đó không phải là việc kẻ dũng phu có thể làm được. Nay cự nhau với Trương Cáp hơn năm mươi ngày, ngồi trước núi uống rượu chửi mắng, không coi ai ra gì, đó là mẹo đánh được Trương Cáp, chứ không phải tham chén đâu!
Huyền Đức nói:
- Đã đành rằng thế, nhưng cũng không nên quá tin, phải sai Nguỵ Diên đi giúp mới được.
Khổng Minh sai Nguỵ Diên tải rượu đi, mỗi xe cắm một lá cờ, đề hàng chữ to “Rượu ngon dùng trong quân”. Diên vâng lệnh đem rượu đến trại Trương Phi, nói là chúa công ban cho rượu tốt. Phi nhận rượu xong, bảo Nguỵ Diên, Lôi Đồng rằng:
- Hai người, mỗi người dẫn một toán quân chia làm hai cánh tả hữu, hễ trông thấy trong quân ta phất ngọn cờ đỏ, thì cùng tiến quân ra mà đánh.
Dặn dò đâu đấy. Phi lại sai mang rượu bày la liệt trước trướng, cho quân sĩ mở cờ đánh trống để uống rượu.
Quân đi do thám báo lên trên núi. Trương Cáp ra đỉnh núi đứng xem, thấy Trương Phi ngồi ngất ngưởng uống rượu, sai hai tên lính đánh vật ở trước mặt để làm vui.
Cáp nói:
- Trương Phi khinh ta quá đỗi!
Mới truyền lệnh đêm nay xuống cướp trại Trương Phi, sai trại Đãng Thạch và trại Mông Đầu chia làm hai đường tả hữu đánh giúp. Đêm hôm ấy, Trương Cáp nhân có bóng trăng lờ mờ, dẫn quân xuống núi đến thẳng trước trại Trương Phi. Tự đằng xa trông lại, Cáp thấy trong trướng bóng đèn đuối sáng choang, Trương Phi đang ngồi gật gù uống rượu. Trương Cáp đi đầu thét trong một tiếng. Trước núi thúc trống trợ oai, Cáp đánh thốc vào trung quân. Thấy Trương Phi vẫn ngồi ở đó, không nhúc nhích chút nào. Cáp tế ngựa xông đến tận trước mặt, đâm một nhát giáo, té ra là một bó cỏ, Cáp vội vàng quay ngựa về, thì bốn mặt pháo nổ vang lên, rồi có một tướng đi trước chặn mất đường đi, trợn cặp mắt tròn, tiếng như sét đánh, đúng là Trương Phi, Phi khua mâu tế ngựa xông đến đánh Trương Cáp. Hai tướng đánh nhau trong ánh lửa, bốn năm mươi hiệp. Cáp chỉ ngóng quân hai trại đến cứu, không ngờ quân cứu đã bị Nguỵ Diên, Lôi Đồng đánh bại cả rồi, và thừa thế cướp được hai trại. Cáp không thấy quân đến cứu, lại thấy trên đỉnh núi mình có lửa cháy, thì ra trại Trương Cáp cũng đã bị hậu quân của Trương Phi cướp rồi. Cáp mất cả ba trại, phải chạy về ải Ngoã Khẩu.
Trương Phi được trận to, báo tin về Thành Đô. Huyền Đức mừng lắm, mới biết Trương Phi uống rượu là dùng mẹo để lừa cho Trương Cáp xuống núi.
Trương Cáp lui về giữ ải Ngoã Khẩu, ba vạn quân đã mất hai vạn, phải sai người đến Tào Hồng cầu cứu. Hồng nổi giận, nói:
- Ngươi không nghe ta, cố đòi tiến binh cho được, nay mất cả ải khẩn yếu rồi, còn đến đây cầu cứu à?
Nói rồi, không cho quân đi cứu, lại sai người thúc Trương Cáp phải ra đánh. Cáp nóng ruột, phải nghĩ kế, mới chia quân làm hai cánh, kéo ra mé sau núi mai phục và dặn rằng:
- Ta giả đò thua chạy, Trương Phi tất nhiên đuổi theo, chúng mày xông ra trận lấy đường về của y.
Hôm ấy, Trương Cáp dẫn quân tiến lên, vừa gặp Lôi Đồng.
Đánh nhau được vài hiệp Cáp thua chạy. Lôi Đồng đuổi theo, hai toán phục quân đổ ra chặn mất đường về, Cáp quay lại đánh, đâm chết Lôi Đồng. Quân thua chạy về báo với Trương Phi.
Phi dẫn quân lại đánh Trương Cáp, Cáp cũng giả đò thua chạy, Phi không đuổi. Cáp lại tiến đến, đánh chưa được vài hiệp lại chạy. Phi biết đó là mưu kế, thu quân về trại, bàn với Nguỵ Diên rằng:
- Trương Cáp dùng kế mai phục, giết mất Lôi Đồng của ta, lại muốn lừa cả ta nữa, ta nhân kế nó mà dùng kế mình.
Nguỵ Diên hỏi kế thế nào, Phi nói:
- Ngày mai ta dẫn quân đi trước, ngươi đem tinh binh đi sau. Đợi khi nào quân phục của nó đổ ra, thì ngươi chia quân nhỏ rồi phóng hoả đốt xem, để ta thừa thế bắt Trương Cáp, báo thù Lôi Đồng.
Nguỵ Diên lĩnh mệnh.
Hôm sau, Trương Phi dẫn quân tiến đi. Trương Cáp lại đến đánh với Trương Phi độ mười hiệp. Cáp giả tảng thua chạy. Phi đuổi theo, Cáp vừa đánh vừa chạy, dử cho Trương Phi đuổi đến cửa hang, Cáp đổi hậu quân làm tiền quân đóng lại đánh nhau, chỉ mong hai cánh quân phục ra để vây Trương Phi. Không ngờ quân phục đã bị Nguỵ Diên chặn đuổi vào hang, đem xe lấp kín đường núi, châm lửa đốt xe, cây cối đều cháy, khói toả bốn bề, không biết đường nào mà ra. Trương Phi cứ việc xông vào đánh. Trương Cáp cố sống cố chết mới chạy thoát được về ải Ngoã Khẩu, nhặt nhạnh tàn quân, giữ vững không dám thò ra nữa.
Trương Phi, Nguỵ Diên đánh cửa Ngoã Khẩu, luôn mấy hôm không hạ được, bèn lui hai mươi dặm hạ trại. Phi cùng với Nguỵ Diên dẫn vài chục tên quân kỵ đi tìm đường nhỏ, bỗng thấy có mấy người vừa trai vừa gái, người nào cũng đeo khăn gói đang trèo núi, víu cây mà đi. Phi trỏ roi ra bảo Nguỵ Diên rằng:
- Cướp cửa ải Ngoã Khẩu, phải cần đến mấy người kia!
Liền gọi quân sĩ đến bảo, gọi các người ấy lại và không được làm họ sợ hãi. Phi lấy lời ngọt ngào dỗ dành để họ yên lòng, rồi hỏi:
- Chúng mày đi đâu thế?
Họ thưa rằng:
- Chúng tôi là dân Hán Trung, nay muốn trở về làng, nhưng thấy đại quân đánh nhau, nghẽn mất đường cái Lãng Trung. Vậy chúng tôi phải đi qua Sương Khê, rồi đi từ đường núi Tử Đồng, qua sông Cối Nghi để vào Hán Trung mà về nhà.
Phi lại nói:
- Đường này về ải Ngoã Khẩu, xa gần thế nào?
Họ Thưa:
- Từ con đường nhỏ núi Tử Đồng đi ra, chính là sau lưng ải Ngoã Khẩu.
Phi mừng lắm, đem bọn người ấy về trại cho cơm rượu ăn uống tử tế, rồi sai Nguỵ Diên dẫn quân đến đánh cửa ải, còn mình thì đem quân khinh kỵ đến đánh phía sau ải.
Nói về Trương Cáp không thấy quân đến cứu, trong bụng đang buồn, bỗng có tin Nguỵ Diên đến khiêu chiến. Cáp mặc áo giáp lên ngựa sắp sửa xuống núi, chợt lại thấy mé sau núi có bốn năm chỗ khói lửa, không biết là quân ở đâu đến. Cáp dẫn quân ra đánh thì đã thấy Trương Phi đến nơi rồi. Cáp sợ hãi, vội chạy theo đường nhỏ, ngựa không đi được, đằng sau thì Trương Phi đuổi gấp quá. Cáp phải bỏ ngựa, trèo lên núi tìm đường tắt đi trốn, chỉ còn được mười người kéo bộ đi theo, chạy về Nam Trịnh, ra mắt Tào Hồng. Hồng thấy thế, nổi giận mắng rằng:
- Ta đã bảo đừng đi, ngươi cứ khăng khăng một mực, lập tờ văn trạng xin đi. Bây giờ mất sạch cả quân, không biết tự tử đi cho rảnh, còn mặt mũi nào trông thấy ta nữa!
Bèn quát sai tả hữu lôi Cáp ra chém. Hành quân tư mã là Quách Hoài can rằng:
- Ba quân dễ kiếm, một tướng khó tìm. Trương Cáp tuy là người có tội, nhưng là người Nguỵ vương yêu mến, giết đi không tiện. Nay nên cấp thêm cho y năm nghìn quân, sai y đến đánh cửa Hà Manh, để cho rung động các xứ, Hán Trung ta tự nhiên yên vững. Nếu không thành công, hai tội ta sẽ trị làm một.
Táo Hồng nghe lời, lại cấp cho Trương Cáp năm nghìn quân, sai ra lấy ải Hà Manh. Cáp vâng lệnh ra đi.
Lại nói tướng giữ ải Hà Manh là Mạnh Đạt, Hoắc Tuấn, nghe tin Trương Cáp dẫn binh đến, Hoắc Tuấn có ý muốn kiên thủ; còn Mạnh Đạt thì muốn nghênh địch, liền đem quân xuống đánh nhau với Trương Cáp, nhưng bị thua to chạy về. Hoắc Tuấn viết thư cáo cấp về Thành Đô. Huyền Đức mời Khổng Minh đến thương nghị. Khổng Minh hội các tướng lại bảo rằng:
- Cửa Hà Manh ta nguy cấp lắm, phải sai người ra Lãng Trung gọi Dực Đức về mới địch được Trương Cáp.
Pháp Chính nói:
- Dực Đức đóng ở Lãng Trung, giữ ải Ngoã Khẩu cũng là một chỗ khẩn yếu, không nên gọi về. Quân sư nên chọn một đại tướng ở nhà đi cũng xong.
Khổng Minh cười, nói rằng:
- Trương Cáp là danh tướng nước Nguỵ, không phải tay tầm thường, phi Dực Đức không ai địch nổi.
Bỗng có một tướng lớn tiếng, bước ra nói rằng:
- Quân sư sao khinh chúng tôi thế? Tôi tuy bất tài, nhưng quyết xin chém đầu Trương Cáp về nộp dưới trướng!
Mọi người trông ra xem ai, thì chính là lão tướng Hoàng Trung.
Khổng Minh nói:
- Hán Thăng tuy có sức khoẻ, nhưng đã già cả rồi e không phải đối thủ của Trương Cáp.
Trung nghe xong, vểnh ngược bộ râu bạc mà nói rằng:
- Tôi tuy già, nhưng hai cánh tay còn giương nổi được cung ba tạ, gân sức còn mang nổi nghìn cân, không địch nổi được gã thất phu Trương Cáp hay sao?
Khổng Minh nói:
- Tướng quân đã ngót bảy mươi tuổi, còn gì mà chẳng già yếu!
Trung bước rảo xuống thềm, lấy một thanh đại đao trên giá, múa tít như bay. Lại lấy cung treo trên vách, giương gãy luôn hai chiếc.
Khổng Minh nói:
- Tướng quân muốn đi, nên dùng ai làm phó tướng?
Trung nói:
- Tôi xin lão tướng Nghiêm Nhan cùng đi với tôi, nếu có sơ suất điều gì, xin nộp cái đầu bạc này trước.
Huyền Đức mừng lắm, lập tức sai Hoàng Trung, Nghiêm Nhan dẫn binh ra đánh Trương Cáp.
Triệu Vân can rằng:
- Trương Cáp phạm vào cửa Hà Manh, quân sư chớ coi là trò đùa! Nếu cửa ải mất, thì Ích Châu nguy ngay. Sao quân sư lại có hai tướng già ra cự với đám cường địch?
Khổng Minh nói rằng:
- Ngươi cho hai người ấy già cả không làm nổi được việc, ta chắc rằng Hán Trung tự tay hai người ấy mà lấy được.
Triệu Vân và các tướng ai cũng cười khẩy lui ra.
Nói về Hoàng Trung, Nghiêm Nhan đến cửa ải, Mạnh Đạt, Hoặc Tuấn trông thấy cũng cười thầm Khổng Minh không biết dùng người, chỗ cửa ải khẩn yếu thế này mà lại đi sai hai anh già đến!
Hoàng Trung bảo với Nghiêm Nhan rằng:
- Ông có thấy họ động tĩnh gì không? Họ cười chúng ta già cả, không làm nổi việc. Ta nên lập kỳ công để cho họ biết tay.
Nghiêm Nhan nói:
- Xin tuân lời tướng quân!
Hai người bàn định xong, Hoàng Trung dẫn quân xuống ải đánh nhau với Trương Cáp. Cáp trông thấy Hoàng Trung, phì cười ra nói rằng:
- Thằng giặc già lụ khụ kia! Mày không biết xấu hổ còn muốn vác mặt ra trận à?
Trung giận, mắng rằng:
- Thằng nhãi con! Mày khinh tao già, nhưng thanh đao trong tay tao chưa già!
Liền vỗ ngựa xông lên quyết chiến với Trương Cáp. Hai bên đánh nhau, mới được hai mươi hiệp, bỗng đâu có tiếng reo rầm rĩ, té ra Nghiêm Nhan từ con đường nhỏ lén đánh mé sau Trương Cáp. Hai cánh quân ập lại, Cáp không địch nổi, phải thua chạy lui về tám chín mươi dặm. Hoàng Trung, Nghiêm Nhan cũng thu quân lên ải. Hai bên cùng đóng quân lại, không đánh chác gì nữa.
Tào Hồng nghe tin Trương Cáp thua trận nữa, lại muốn trị tội. Quách Hoài can rằng:
- Trương Cáp mà bị ta làm bức quá, tất hàng với Tây Thục. Nay nên sai tướng khác ra giúp, nhân thế để kiểm thúc y, cho y khỏi sinh bụng khác.
Hồng nghe lời, liền sai Hạ Hầu Thượng là cháu Hạ Hầu Đôn và hàng tướng Hàn Hạo là em Hàn Huyền dẫn năm nghìn quân đến giúp. Hai tướng đến trại Trương Cáp, hỏi việc quân, Cáp nói:
- Lão tướng là Hoàng Trung khoẻ lắm, lại có Nghiêm Nhan giúp đỡ, không nên khinh địch.
Hàn Hạo nói:
- Ta ở Trường Sa, đã biết giặc già ấy ghê gớm lắm. Nó đồng mưu với Nguỵ Diên dâng thành trì cho Lưu Bị, giết mất anh ta, nay đã gặp nhau, ta phải báo thù mới được!
Nói đoạn, cùng với Hạ Hầu Thượng dẫn quân dời trại kéo đi.
Hoàng Trung mấy hôm liền đi thám thính dò la, biết hết đường lối. Nghiêm Nhan bảo rằng:
- Cách đây có ngọn núi Thiên Đãng là chỗ Tào Tháo chứa lương thảo. Nếu ta cướp được núi ấy, chẹn mất lương thảo thì Hán Trung có thể lấy được.
Hoàng Trung nói:
- Lời tướng quân hợp ý tôi lắm! Nên dùng kế này… thế này…
Nghiêm Nhan theo kế, dẫn quân đi trước.
Hoàng Trung nghe tin Hạ Hầu Thượng, Hàn Hạo kéo quân đến, cũng dẫn quân mã ra trại nghênh địch. Hàn Hạo đứng trước trận quát mắng rằng:
- Thằng giặc già bất nghĩa kia!
Nói đoạn, thúc ngựa vào đánh nhau với Hoàng Trung. Hạ Hầu Thượng bèn ra đánh ập lại. Hoàng Trung ra sức địch hai tướng, độ mười hiệp, Trung thua chạy. Hai tướng đuổi theo hơn hai mươi dặm, cướp được trại Hoàng Trung, Trung lại lập một cái trại khác.
Hôm sau, Hạ Hầu Thượng, Hàn Hạo lại dẫn quân đến. Trung ra trận đánh vài hiệp lại chạy. Hai tướng đuổi đánh xa hai mươi dặm lại cướp được trại nữa, gọi Trương Cáp bảo giữ trại sau. Cáp đến trại trước can rằng:
- Hoàng Trung chạy luôn hai hôm, tất có mẹo lừa gì đây!
Hạ Hầu Thượng mắng Cáp rằng:
- Ngươi nhát như thế, không trách thua mãi. Nay chớ có nói lôi thôi, để chúng ta lập công cho mà xem!
Trương Cáp thẹn đỏ cả mặt đi ra.
Hôm sau, hai tướng lại dẫn quân đến đánh. Hoàng Trung lại thua chạy lui hai mươi dặm. Hai tướng lần lần đuổi kịp. Hôm sau nữa, hai tướng vừa ra quân thì Hoàng Trung đã vội bỏ chạy, thua luôn bốn năm trận, rút về cửa ải. Hai tướng đến sát cửa ải hạ trại. Hoàng Trung giữ chặt không ra nữa.
Mạnh Đạt thấy vậy, ngầm đưa thư về báo rõ đầu đuôi việc đó với Huyền Đức rằng: “Hoàng Trung thua trận chạy mấy lần nay đã lùi về trên ải”. Huyền Đức vội vàng hỏi Khổng Minh. Khổng Minh nói:
- Đó là mẹo của lão tướng làm cho quân địch sinh kiêu đó!
Triệu Vân và các tướng không tin. Huyền Đức sai Lưu Phong đến tiếp ứng cho Hoàng Trung.
Lưu Phong dẫn quân đến, Hoàng Trung hỏi:
- Tiểu tướng quân đến đây có việc gì?
Phong nói:
- Phụ thân tôi thấy tướng quân thua mãi, nên sai tôi đến giúp.
Trung cười, nói rằng:
- Đó là mẹo của lão phu làm cho quân địch sinh kiêu đấy! Đêm nay chỉ đánh một trận là đủ lấy lại các trại, lại đoạt được thêm lương thảo, xe ngựa. Thế gọi là bỏ trại không để cho quân kia mượn mà chứa lương thảo đó thôi. Đêm nay, Hoắc tướng quân ở nhà giữ ải, Mạnh tướng quân ra khuân vác lương thảo và cướp lấy ngựa; tiểu tướng quân coi ta phá giặc cho mà xem!
Canh hai đêm hôm ấy, Trung dẫn năm nghìn quân mở cửa ải kéo xuống. Hạ Hầu Thượng, Hàn Hạo mấy hôm không thấy quân trên ải xuống, sinh ra trễ nhác, không bị gì cả. Bất thình lình bị Hoàng Trung đánh thẳng vào trại, người chưa kịp mặc giáp, ngựa chưa kịp thắng yên, hai tướng phải liều mạng chạy trốn. Quân mã giày xéo lẫn nhau, chết hại không biết bao nhiêu. Hoàng Trung đuổi tràn mãi đến sáng, cướp luôn được ba trại, lại được khí giới lương thảo rất nhiều. Hoàng Trung sai Mạnh Đạt vận hết cả lên cửa ải. Hoàng Trung lại thúc quân đuổi theo. Lưu Phong can rằng:
- Quân ta đã mỏi mệt, nên cho nghỉ ngơi rồi sẽ hay.
Hoàng Trung nói:
- Không vào hang hổ, sao bắt được hổ con?
Nói đoạn, tế ngựa đi trước, quân sĩ đều hăng hái tiến lên. Trương Cáp muốn ra cự địch, nhưng vì quân nhà thua chạy về rối rít, không sao giữ được vững, phải bỏ hết cả trại chạy mãi về đến gần sông Hán Thuỷ.
Trương Cáp tìm thấy Hạ Hầu Thượng, Hàn Hạo cùng bàn với nhau rằng:
- Ở đây có núi Thiên Đãng, là chỗ chứa lương thảo, vả lại giáp cận với núi Mễ Thương cũng là kho lương. Hai xứ ấy đều là nguồn nuôi sống quân sĩ cả. Nếu để sơ suất thì là không có Hán Trung nữa đấy, phải tìm cách giữ cho cẩn thận mới được.
Hạ Hầu Thượng nói rằng:
- Núi Mễ Thương đã có chú ta là Hạ Hầu Uyên chia quân ra giữ rồi, vả lại gần ngay núi Định Quân, không phải lo cho lắm. Núi Thiên Đãng anh ta là Hạ Hầu Đức trấn thủ, chúng ta nên đến đó nương nhờ và giữ núi ấy nhân thể.
Thế rồi, Trương Cáp cùng hai tướng quân đến luôn núi Thiên Đăng, ra mắt Hạ Hầu Đức, thuật lại chuyện trước.
Hạ Hầu Đức nói:
- Ở đây ta đã đóng mười vạn quân rồi, các ngươi nên dẫn quân đi lấy lại các trại cũ.
Trương Cáp nói:
- Ta chỉ nên giữ vững, chớ không nên khinh động nữa.
Bổng nghe tiếng chiêng trống rầm rĩ. Hoàng Trung đã kéo quân đến nơi. Hạ Hầu Đức cười lớn nói rằng:
- Lão tặc chỉ cậy sức khoẻ, không biết binh pháp là gì!
Trương Cáp nói:
- Hoàng Trung có mưu, không phải chỉ khoẻ mà thôi đâu!
Đức nói:
- Quân Xuyên từ xa đến đây, mỏi mệt luôn mấy hôm rồi mà còn dám đem quân vào nơi hiểm trở này, thế nào gọi là biết mưu.
Cáp nói:
- Tuy rằng thế, ta cũng không nên khinh địch, cứ giữ trại cho vững là hơn!
Hàn Hạo xin dẫn quân ra đánh. Hạ Hầu Đức cho Hạo dẫn ba nghìn quân xuống núi. Hoàng Trung đem quân lại đánh, Lưu Phong can rằng:
- Bây giờ trời gần tối, mà quân ta từ xa đến đây, đã mỏi mệt cả, nên cho nghỉ ngơi.
Trung cười, nói rằng:
- Đây chính là trời cho ta dịp hay để lập công to, nếu không đánh ngay đi, thì trái lòng trời.
Nói xong, đánh trống ầm ĩ kéo đến. Hàn Hạo dẫn quân ra địch. Hoàng Trung múa đao xông vào, mới một hiệp đã chém chết Hàn Hạo ngã quay xuống đất. Quân Thục reo ầm cả lên, kéo lên trên núi. Trương Cáp, Hạ Hầu Thượng vội vàng dẫn quân ra địch. Bỗng lại nghe ở mé sau núi, tiếng réo vang dậy, lửa cháy đùng đùng, sáng rực cả trời đất. Hạ Hầu Đức dẫn quân ra cứu lửa, thì gặp ngay lão tướng là Nghiêm Nhan, tay cầm đao chém một nhát, Hạ Hầu Đức chết lăn xuống ngựa. Nguyên Hoàng Trung sai Nghiêm Nhan dẫn quân đi mai phục ở chỗ núi hẻo lánh, chỉ đợi quân Hoàng Trung đến là nhất tề châm lửa vào những đống rơm cỏ cháy đùng đùng, sáng rực núi non. Chém xong Hạ Hầu Đức, Hạ Hầu Thượng trước sau không nhìn ngó được nhau, phải bỏ núi Thiên Đãng nhằm chạy về núi Định Quân với Hạ Hầu Uyên. Hoàng Trung, Nghiêm Nhan giữ vững núi Thiên Đãng, rồi báo tin thắng trận về Thành Đô. Huyền Đức được tin bèn hợp các tướng lại ăn mừng. Pháp Chính nói:
- Trước kia, Tào Tháo dẹp Trương Lỗ, bình định Hán Trung, không nhân dịp lấy luôn Ba Thục, mà lại để Trương Cáp và Hạ Hầu Uyên đóng giữ, rồi tự dẫn đại quân về miền Bắc, đó là thất sách lắm. Nay Trương Cáp mới bị thua, Thiên Đãng thất thủ, nếu chúa công lúc này cử đại binh thân đến mà đánh, thì có thể lấy được Hán Trung. Định xong Hán Trung, rồi luyện quân, chứa thóc, xem xét tình thế, tiến ra có thể đánh được giặc, lui về có thể giữ vững. Đây là dịp trời, chớ nên bỏ lỡ.
Huyền Đức, Khổng Minh đều cho là rất phải, liền sai Triệu Vân, Trương Phi làm tiên phong; Huyền Đức, Khổng Minh dẫn mười vạn quân, chọn ngày đánh lấy Hán Trung, truyền hịch cho các nơi phải phòng bị nghiêm ngặt hơn nữa.
Năm Kiến An thứ hai mươi ba (218), tháng bảy, ngày tốt Huyền Đức dẫn đại quân ra cửa Hà Manh hạ trại, vời Hoàng Trung, Nghiêm Nhan về trại thưởng cho rất hậu và bảo rằng:
- Người ta ai cũng bảo tướng quân già yếu, chỉ có quân sư biết tài năng tướng quân, nay quả nhiên lập được công lạ. Nhưng còn núi Định Quân ở Hán Trung cũng là chỗ chứa lương thảo, lại là bình phong của Nam Trịnh, nếu hạ được núi Định Quân thì suốt dọc Dương Bình không phải lo lắng gì nữa. Không biết tướng quân có dám đánh lấy núi đó không?
Hoàng Trung hăng hái vâng lời, lĩnh quân đi ngay. Khổng Minh ngăn lại nói rằng:
- Lão tướng quân tuy còn khoẻ, nhưng Hạ Hầu Uyên không phải như Trương Cáp. Y giỏi thao lược, biết binh cơ. Tào Tháo cậy y che chở mặt Tây Lương. Khi trước, đóng quân ở Tràng An, để cự nhau với Mã Mạnh Khởi, nay lại đóng ở đây để giữ Hán Trung. Tháo không uỷ thác cho ai, mà sai y, vì y không phải là tay tầm thường. Nay tướng quân tuy đánh được Trương Cáp, nhưng vị tất đã đánh thắng nổi được y. Ta muốn kén một người sang Kinh Châu thế cho Vân Trường về thì hoạ chăng mới địch nổi y được.
Trung vùng lên đáp lại rằng:
- Ngày xưa, Liêm Pha tám mươi tuổi, còn ăn một đấu gạo, mười cân thịt, chư hầu nghe tiếng đều phải sợ, không dám xâm phạm bờ cõi nước Triệu. Huống chi tôi, chưa đến bảy mươi tuổi ư? Quân sư đã cho tôi là già, tôi không cần đến phó tướng nữa. Chỉ xin một mình dẫn ba nghìn quân bản bộ đi chém lấy đầu Hạ Hầu Uyên đem về nộp dưới cờ, để quân sư coi!
Khổng Minh hai ba lần không cho đi. Hoàng Trung cứ khăng khăng rằng một mực xin đi. Khổng Minh mới bảo rằng:
- Tướng quân đã muốn đi, thì để ta cho một người đi làm giám quân, có bằng lòng không?
Đó là:
Sai tướng nên dùng lời khích tướng
Tuổi già lại khéo dụng mưu già!
Chưa biết ai làm giám quân, xem đến hồi sau sẽ rõ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top