Tam quoc dien nghia 51 - 55

Hồi 51

Tào Nhân đại chiến quân Đông Ngô;

Khổng Minh chọc tức Chu Công Cẩn.

Lại nói Khổng Minh định chém Vân Trường. Huyền Đức nói:

- Trước kia khi ba anh em tôi kết nghĩa, đã thề cùng sống chết có nhau. Nay Vân Trường tuy phạm pháp, nhưng tôi không nỡ trái lời thề trước. Vậy xin hãy tạm ghi tội lại đấy, để lập công chuộc tội.

Khổng Minh mới tha.

Nói về Chu Du quân điểm tướng, xét thưởng công lao rồi báo tin cho Ngô hầu biết. Bao nhiêu quân hàng Du đem cả sang sông Trường Giang mở tiệc rất to, khao thưởng ba quân, rồi tiến đánh Nam Quận. Tiền đội đến bờ sông, trước sau đóng năm trại. Chu Du ở trại giữa.

Du đang cùng tướng sĩ bàn kế đánh, thì có tin báo Huyền Đức sai Tôn Càn đến mừng. Du cho mời vào. Càn chào hỏi xong, nói rằng:

- Chúa công tôi sai đến bái tạ đức lớn của đô đốc, có chút lễ mọn dâng lên.

Du hỏi:

- Huyền Đức nay ở đâu?

Càn thưa:

- Hiện đã đóng quân ở cửa Du Giang.

Du giật mình hỏi:

- Khổng Minh có ở đó không?

Càn thưa:

- Chúa công tôi và Khổng Minh cùng có ở đó.

Du nói:

- Ông hãy về trước, tôi cũng thân đến tạ lễ.

Túc hỏi:

- Vừa rồi đô đốc làm sao mà giật mình thế?

Du nói:

- Lưu Bị đóng quân ở Du Giang, tất có ý muốn lấy Nam Quận. Chúng ta tốn bao nhiêu tiền lương, quân mã, nay Nam Quận chỉ trở bàn tay là lấy được. Thế mà bọn Lưu Bị mang lòng bất nhân, chực ăn cỗ sẵn. Thà ta chết rồi thì thôi, chớ ta còn đây, sao chịu cái nước thế!

Túc nói:

- Dùng kế gì để quân bên kia chịu rút lui?

Du nói:

- Ta đến chơi nói chuyện phải chăng cho họ nghe. Họ biết điều thì thôi, bằng không thì ta phải sửa trước Lưu Bị đi mới được!

Túc nói:

- Tôi xin đi theo.

Thế rồi Chu Du cùng với Lỗ Túc dẫn ba nghìn quân lính kỵ sang cửa Du Giang.

Trước hết nói Tôn Càn về ra mắt Huyền Đức, thuật chuyện Chu Du muốn lại tạ ơn. Huyền Đức hỏi Khổng Minh:

- Chu Du muốn đến đây là ý thế nào?

Khổng Minh cười, nói:

- Có phải vì một chút lễ nhỏ mà đến tạ đâu, chỉ vì Nam Quận đấy thôi.

Huyền Đức nói:

- Họ đem quân mã đến thì làm thế nào?

Khổng Minh nói:

- Họ đến thì chúa công cứ nói như thế, như thế…

Bàn định rồi, sai dàn chiến thuyền ra cửa Du Giang; trên bờ cũng bố trí quân mã nghiêm chỉnh. Một lát có tin báo Chu Du, Lỗ Túc dẫn quân đến. Khổng Minh sai Triệu Văn dẫn vài tên lính kỵ ra tiếp. Du trông thấy quân mã hùng tráng lắm, trong bụng áy náy không yên. Đến cửa ngoài dinh, Huyền Đức, Khổng Minh cùng ra đón vào trong trướng, chào hỏi xong xuôi, mở tiệc khoản đãi.

Huyền Đức nâng chén cảm ơn Chu Du đã giúp mình đem quân đánh lui Tào Tháo. Rượu được vài tuần, Chu Du hỏi rằng:

- Dự Châu dời quân đến đây, có ý muốn lấy Nam Quận chăng?

Huyền Đức đáp:

- Nghe tin đô đốc có ý lấy Nam Quận, nên tôi dẫn quân đến giúp. Nếu đô đốc không lấy, thì tôi lấy vậy.

Du cười, nói:

- Đông Ngô tôi muốn chiếm cả Hán Giang đã lâu. Nay Nam Quận đã ở trong tay rồi, lẽ đâu lại không lấy.

Huyền Đức nói:

- Được, thua cũng chưa biết đâu mà nói trước được. Khi Tào Tháo về, giao các xứ Nam Quận cho Tào Nhân giữ, thế nào chẳng có kế lạ để lại. Lại thêm Tào Nhân sức khoẻ vô địch, e rằng đô đốc không lấy nổi.

Du nói:

- Nếu tôi không chiếm được Nam Quận, bấy giờ ngài muốn thế nào tuỳ ý.

Huyền Đức nói:

- Có Tử Kính, Khổng Minh ở đây làm chứng, sau này xin đô đốc đừng có hối.

Lỗ Túc ngần ngừ chưa lên tiếng, Du nói:

- Đại trượng phu đã hứa ra một lời, can chi mà phải hối.

Khổng Minh nói:

- Đô đốc nói phải lắm. Ta hãy nhường Đông Ngô lấy trước, nếu không xong, chúa công sẽ lấy, có ngại gì đâu!

Du và Túc từ biệt Huyền Đức và Khổng Minh, lên ngựa ra về.

Huyền Đức hỏi Khổng Minh:

- Vừa rồi tiên sinh bảo tôi nói như thế, nhưng nghĩ cho kỹ thì thấy chưa hợp lý lắm. Tôi nay cô cùng, không nơi nương náu, muốn được một xứ Nam Quận này để lấy chốn dung thân. Nếu để Chu Du lấy trước, thì thành trì đã về tay Đông Ngô rồi, ta ở vào đâu cho được?

Không Minh cả cười, nói:

- Chúa công đừng ngại, cứ mặc sức cho Chu Du quần nhau với Tào Nhân. Nay mai sẽ rước chúa công vào ngồi chễm chệ ở trong thành Nam Quận.

Huyền Đức hỏi:

- Kế ấy thế nào?

Khổng Minh đáp:

- Chỉ cần như thế, như thế…

Huyền Đức mừng lắm, cứ đóng quân ở cửa Du Giang, không động tĩnh gì nữa.

Lại nói Chu Du, Lỗ Túc về đến trại. Túc hỏi:

- Làm sao đô đốc hứa cho Lưu Bị lấy Nam Quận?

Du nói:

- Ta gảy móng tay cũng lấy nổi Nam Quận, ta nói thế chẳng qua để lấy lòng họ đó thôi.

Và hỏi luôn các tướng:

- Ai dám đi lấy Nam Quận trước?

Một người xin đi bước ra: đó là Tưởng Khâm.

Du nói:

- Ngươi làm tiên phong, Từ Thịnh, Đinh Phụng làm phó tướng, dẫn năm nghìn quân mã tinh nhuệ sang sông trước. Ta sẽ dẫn quân theo sau tiếp ứng.

Nói về Tào Nhân ở Nam Quận, sai Tào Hồng giữ Di Lăng để làm thế ỷ dốc. Bỗng có tin báo quân Đông Ngô đã qua Hán Giang, Nhân nói:

- Cứ giữ vững không ra đánh là tốt hơn cả!

Có tên kiện tướng là Ngưu Kim đứng phắt lên nói rằng:

- Giặc đến dưới thành mà không ra đánh, thế là nhát. Vả lại quân ta mới thua, cần phải lấy lại nhuệ khí. Tôi xin mượn năm trăm tinh binh, quyết một trận sống mái.

Nhân nghe theo, sai Kim Ngưu dẫn năm trăm quân ra đánh. Đinh Phụng tế ngựa lại địch. Đánh nhau với nhau mới chừng năm hiệp, Phụng vờ thua bỏ chạy. Ngưu Kim dẫn quân đuổi theo đến giữa trận. Phụng hô quân bao vây chặt chẽ. Kim tả xung hữu đột, không sao ra được vòng vây. Tào Nhân ở trên mặt thành thấy thế, liền mặc giáp, lên ngựa, dẫn vài trăm tráng sĩ kéo ra, ra sức khua đao, đánh xốc vào trận Ngô. Từ Thịnh ra địch không lại. Nhân đánh vào giữa vòng vây, cứu được Ngưu Kim ra. Khi ngảnh lại, thấy còn vài chục quân kỵ chưa ra được Nhân lại quay ngựa đánh vào, cứu ra nốt. Vừa gặp Tưởng Khâm chận đường, Tào Nhân và Ngưu Kim cố sức đánh tan. Lại thêm Tào Thuần là em Tào Nhân cũng đem quân ra tiếp ứng, hai bên đánh lộn một trận, quân Ngô thua chạy, Tào Nhân thắng trận trở về.

Tưởng Khâm bị thua, về ra mắt Chu Du. Du nổi giận định chém. Các tướng kêu van, Khâm mới được tha. Du lập tức điểm binh, muốn quyết chiến với Tào Nhân. Cam Ninh nói:

- Đô đốc chưa nên vội vàng. Nay Tào Nhân sai Tào Hồng giữ Di Lăng, làm thế ỷ dốc. Tôi xin lĩnh ba nghìn tinh binh, đến chiếm Di Lăng trước, rồi đô đốc lấy Nam Quận sau.

Du nghe theo, sai Cam Ninh dẫn quân đánh Di Lăng. Quân thám báo tin cho Tào Nhân biết. Nhân bàn với Trần Kiều. Kiều nói:

- Nếu mất Di Lăng thì Nam Quận cũng khó giữ, phải đi cứu mau mới được.

Nhân sai Tào Thuần và Ngưu Kim đi lẻn đến cứu Tào Hồng, Tào Thuần sai người báo tin cho Tào Hồng biết trước, và báo Tào Hồng ra ngoài thành dử giặc.

Cam Ninh dẫn quân đến Di Lăng, Tào Hồng ra thành tiếp chiến: đánh nhau độ hai chục hiệp, Hồng thua chạy. Cam Ninh cướp được Di Lăng. Chiều tối hôm ấy, Tào Thuần, Ngưu Kim vừa dẫn quân đến nơi, liền hợp với quân Tào Hồng vây chặt Di Lăng.

Thám mã phi báo với Chu Du rằng Cam Ninh bị vây ở trong thành nguy cấp lắm. Du nghe giật mình.

Trình Phổ nói:

- Phải cấp tốc chia quân đến cứu mới được!

Du nói:

- Đây chính là chỗ xung yếu, nếu chia quân đi cứu lỡ Tào Nhân kéo đến đánh úp thành thì làm thế nào?

Lã Mông nói:

- Cam Hưng Bá là đại tướng Giang Đông, không cứu sao được?

Du nói:

- Ta muốn thân đi cứu, nhưng không biết có ai thay được ta ở đây không?

Mông nói:

- Để Lăng Công Tục trông coi. Tôi xin làm tiên phong, đô đốc chặn hậu. Chỉ độ mười ngày, chắc chắn thắng trận trở về thôi!

Du nói:

- Không biết Công Tục có chịu đỡ việc cho ta ở nhà không?

Lăng Thống thưa:

- Trong mười ngày, tôi có thể đảm đương được; ngoài mười ngày thì không sao kham nổi.

Du mừng lắm, để lại hơn một vạn quân, giao cho Lăng Thống, rồi kéo quân sang ngay Di Lăng.

Lã Mông nói với Chu Du rằng:

- Mé nam thành Di Lăng có con đường nhỏ, thông sang Nam Quận. Ta nên sai năm trăm quân chặt cây cối chận đường ấy trước. Quân địch bị thua, tất chạy ra đường ấy. Ngựa không đi được, tất phải bỏ ngựa chạy tháo thân, ta sẽ bắt được cả ngựa.

Du nghe lời, sai quân theo kế mà làm. Kéo đến gần thành. Du hỏi các tướng:

- Ai dám phá vòng vây xông vào cứu Cam Ninh?

Chu Thái xin đi, và lập tức cắp đao lên ngựa, đánh thốc vào giữa quân Tào, đế thẳng dưới thành. Cam Ninh trông thấy Chu Thái đến, mở cửa thành ra đón. Thái hỏi:

- Đô đốc tự khởi binh đến cứu đấy.

Ninh ra lệnh cho quân sĩ nai nịt chỉnh tề, ăn uống no nê, sẵn sàng nội ứng.

Tào Hồng, Tào Thuần và Ngưu Kim nghe tin quân Chu Du sắp đến, một mặt sai người sang Nam Quận báo tin cho Tào Nhân, một mặt chia quân ra cự địch. Khi quân Ngô đến, quân Tào ra đánh, Cam Ninh, Chu Thái ở trong thành, chia làm hai đường kéo ra. Quân Tào rối loạn, quân Ngô bốn mặt đánh giết kịch liệt. Quả nhiên Tào Hồng, Tào Thuần, Ngưu Kim chạy theo đường nhỏ, nhưng bị nghẽn đường, ngựa không sao đi được, phải bỏ luôn cả ngựa mà chạy, Quân Ngô bắt được hơn năm trăm ngựa chiến.

Chu Du thúc quân cấp tốc đuổi đến Nam Quận, vừa gặp Tào Nhân đến cứu Di Lăng. Hai bên hỗn chiến một trận. Trời gần tối, hai bên cùng thu quân về.

Tào Nhân vào thành, bàn bạc với các tướng. Tào Hồng nói:

- Nay mất thành Di Lăng, nguy cấp lắm rồi, sao không bóc cẩm nang của thừa tướng để lại cho mà xem, để gỡ nạn này.

Nhân nói:

- Lời các ngươi hợp ý ta lắm!

Rồi mở thư ra xem, có ý mừng rỡ, truyền lệnh:

- Canh năm thổi cơm ăn, sáng rõ thì quân mã lớn nhỏ bỏ ra ngoài thành. Trên mặt thành cứ việc dàn cắm tinh kỳ nghiêm chỉnh, hư trương thanh thế; quân thì chia làm ba cửa kéo ra.

Lại nói, Chu Du cứu được Cam Ninh, dàn quân ở ngoài thành Nam Quận, thấy quân Tào chia làm ba cửa kéo ra. Du trèo lên tượng đài quan sát, thấy trên mặt thành cờ quạt chi chít, nhưng không có người nào đứng giữ. Lại thấy quân sĩ người nào cũng thắt hầu bao. Du đoán Tào Nhân đang chuẩn bị chạy, liền xuống đài ra lệnh chia quân làm hai cánh tả hữu, nếu tiền quân thắng trận thì cứ việc đuổi đến, khi nào nghe tiếng chiêng khua mới được trở về. Lại sai Trình Phổ đốc thúc hậu quân. Còn Du thì tự mình đem quân vào lấy thành.

Hai bên dàn trận, trống đánh thùng thùng, Tào Hồng tế ngựa ra thách đánh. Du thân đến cửa mở, sai Hàn Đương ra địch Tào Hồng. Giao chiến độ ba chục hiệp, Hồng thua chạy. Tào Nhân lại ra tiếp chiến, bên này Chu Thái phóng ngựa đón đánh. Được chừng mười hiệp, Nhân cũng thua chạy nốt. Thế trận bên Tào rối loạn, Du thúc hai cánh quân đánh ùa ra, quân Tào đại bại. Du đuổi mãi đến thành Nam Quận, quân Tào không vào thành, chạy cả về phía tây bắc. Hàn Đương, Chu Thái dẫn tiền quân cố sức đuổi theo. Du thấy cửa thành ở toang, trên mặt thành lại không có ai liền truyền quân sĩ cướp thành. Vài chục quân kỵ mã vào trước, Du tế ngựa theo sau.

Bấy giờ Trần Kiều ở trên chòi canh trông thấy Chu Du vào thành, mừng thầm nói:

- Thừa tướng tính toán như thần!

Lập tức hiệu mõ nổi lên, quân phục hai bên bắn ra như mưa. Những tên vào trước ngã lăn cả xuống hào, Chu Du vội vàng quay ngựa chạy ra, thì bị một phát tên trúng cạnh sườn, nhào xuống ngựa. Ngưu Kim ở trong thành đánh ra toan bắt Chu Du. Từ Thịnh, Đinh Phụng lăn xả vào cứu thoát. Quân Tào ở trong thành đổ ra, quân Ngô giày xéo lẫn nhau, sa xuống hố không biết bao nhiêu mà kể. Trình Phổ vội vàng thu quân về. Tào Nhân, Tào Hồng chia làm hai cánh quân đánh bất ngờ chận đường quân Ngô. Tào Nhân thắng trận dẫn quân vào thành. Trình Phổ thu binh bại về trại. Đinh, Từ hai tướng dìu được Chu Du đem về trướng, gọi thầy thuốc lấy kìm rút mũi tên ra, rồi đắp thuốc vào. Du đau đớn quá, không ăn uống gì được. Thầy thuốc dặn rằng:

- Đầu mũi tên có thuốc độc, chưa khỏi ngay được đâu. Nếu trái ý điều gì mà nổi cơn tức giận lên, thì vết thương lại vỡ ra đó!

Trình Phổ truyền lệnh cho ba quân phải giữ gìn các trại cho vững, không đâu được khinh động. Được ba hôm Ngưu Kim dẫn quân đến khiêu chiến. Trình Phổ nín thinh, không động tĩnh gì hết, Ngưu Kim chửi mắng mãi đến chiều tối mới về. Hôm sau lại đến chửi mắng thách đánh. Trình Phổ sợ Chu Du biết uất lên, nên không dám báo cho biết. Ngày thứ ba, Ngưu Kim đến tận trước trại chửi bới, hò reo.

- Chúng ta phải bắt sống Chu Du!

Trình Phổ bàn với các tướng muốn tạm rút quân để về ra mắt Ngô hầu rồi sẽ định đoạt sau. Chu Du tuy bị đau, nhưng trong bụng vẫn có chủ trương. Du vẫn biết quân Tào đến sỉ nhục, nhưng không thấy các tướng vào bẩm. Một hôm Tào Nhân dẫn đại quân đánh trống reo hò ầm ầm kéo đến khiêu chiến, Trình Phổ giữ trại không ra. Du gọi các tướng vào trướng hỏi:

- Ở đâu đánh trống hò reo thế?

Các tướng bẩm:

- Đó là quân ta thao diễn đấy.

Du nổi giận lên nói rằng:

- Sao dám dối ta làm vậy? Ta vẫn biết quân Tào hàng ngày đến trước trại chửi mắng. Trình Đức Mưu đã cùng cầm binh quyền với ta, sao cứ ngồi đó mà nhìn cho được?

Lập tức sai gọi Trình Phổ đến hỏi,

Phổ thưa:

- Tôi thấy đô đốc còn yếu, mà thầy thì dặn đừng để cho đô đốc tức giận, bởi thế quân Tào đến thách đánh, không dám bẩm cho đô đốc biết.

Du nói:

- Các ông không muốn đánh, là ý thế nào?

Phổ thưa:

- Các tướng đều muốn tạm thu quân về Đông Ngô, đợi đô đốc khoẻ hẳn, sẽ định đoạt sau.

Du nghe xong, đang ngồi trên giường choàng ngay dậy, nói:

- Đại trượng phu đã ăn lộc của chúa, nên chết ở đám chiến trường, lấy da ngựa bọc thây mới sướng! Lẽ đâu vì một mình ta mà bỏ cả việc lớn nhà nước?

Nói đoạn, mặc áo giáp nhảy lên ngựa, các tướng thấy vậy ai cũng rùng mình. Du dẫn vài trăm kỵ mã ra cửa trại, thấy quân Tào đã dàn thế trận, Tào Nhân đang dừng ngựa dưới cửa cờ, trỏ roi mắng lớn:

- Thằng nhãi con Chu Du kia! Mi chắc sẽ chết yểu, không dám coi thường quân tao nữa!

Tào Nhân vừa nói dứt lời, Chu Du đã từ trong đám quân kỵ nhảy vọt ra, nói:

- Thằng thất phu Tào Nhân đã biết Chu lang chửa?

Quân Tào trông thấy Chu Du, ai cũng ngạc nhiên. Tào Nhân ngoảnh lại bảo các tướng rằng:

- Cứ chửi mắng tợn vào!

Quân sĩ xúm lại mắng nhiếc om sòm. Du giận lắm, sai Phan Chương ra đánh, nhưng Chương chưa kịp giao phong, thì Du bỗng rú lên một tiếng, mồm đổ máu tươi, ngã quay xuống ngựa. Quân Tào xô lại; các tướng đổ ra, đánh túi bụi một trận, cứu được Chu Du đem về trong trướng.

Trình Phổ vào hỏi:

- Quý thể đô đốc ra sao?

Du bảo thầm với Trình Phổ rằng:

- Đó là mẹo của ta đấy!

Phổ hỏi:

- Mẹo ấy thế nào?

Du nói:

- Ta vốn không đau đớn gì lắm; ta làm ra thế, là có ý để cho quân Tào cho là ta đau nặng, tất nhiên khinh địch. Nên sai quân sĩ vào trong thành trá hàng, nói rằng ta đã chết. Đêm nay Tào Nhân tất đến cướp trại, ta phục quân bốn mặt, chắc một trận bắt sống được Tào Nhân.

Trình Phổ nói:

- Kế ấy hay lắm!

Liền sai quân tướng khóc lóc ầm ĩ. Ai nấy giật mình, đồn tin đô đốc bị vỡ nhọt chết. Các trại đều để tang.

Tào Nhân ở trong thành, bàn với các tướng rằng:

- Chu Du cơn tức uất lên, nhọt tên bật vỡ, đến nỗi mồm thổ ra huyết, ngã lăn xuống dưới ngựa, chẳng mấy bữa tất chết!

Mọi người đang bàn bạc, thì có vài chục tên lính kỵ bên Ngô sang hàng, trong đó có hai tên nguyên là lính cũ bên Tào bị Đông Ngô bắt được. Tào Nhân vội gọi vào hỏi, chúng bẩm rằng:

- Chu Du hôm nay vỡ cái nhọt tên, về đến trại thì chết. Hiện các tướng đã cử ai, để trở. Chúng tôi bị Trình Phổ ức hiếp quá, cho nên đến hàng và báo tin ấy.

Tào Nhân mừng lắm, bàn định đến đêm đi cướp trại, và chém lấy đầu Chu Du đưa về Hứa Đô.

Trần Kiều nói:

- Kế ấy phải làm ngay không nên trì hoãn!

Tào Nhân sai ngay Ngưu Kim làm tiên phong; tự mình cầm trung quân; Tào Hồng, Tào Thuần làm hợp hậu. Bao nhiêu quân kéo đi cả, chi còn Trần Kiều và một ít quân ở lại giữ thành.

Đầu canh một, quân Tào trong thành kéo thẳng đến trại Chu Du, nhưng không thấy một người nào, chỉ có cờ giáo cắm dàn ra đó thôi. Tào Nhân biết là mắc mẹo, vội vàng rút lui. Bỗng đâu bốn mặt pháo nổ ầm ầm. Rồi mé đông Hàn Đương, Tưởng Khâm kéo vào; mé tây Chu Thái, Phan Chương đổ lại; mé nam Từ Thịnh, Đinh Phụng đánh sang; mé bắc Trần Vũ, Lã Mông ập đến. Quân Tào liểng xiểng, ba lộ quân tan vỡ, đầu đuôi không cứu được nhau. Tào Nhân dẫn vài mươi tên quân kỵ chọc thủng vòng vây, gặp ngay Tào Hồng, liền cùng nhau dắt một toán quân mã linh tinh mà chạy. Mãi tới canh năm gần tới Nam Quận, bỗng lại một hồi chiêng trống nổi lên, rồi Lăng Thống dẫn quân ra chận đường, đánh giết một hồi, Tào Nhân lẻn chạy theo đường tắt, lại gặp Cam Ninh bồi luôn cho trận nữa. Tào Nhân không dám về Nam Quận. Chạy tắt ra đường lớn Tương Dương, quân Ngô đuổi theo một quãng nữa, rồi trở về.

Chu Du, Trình Phồ thu cả quân mã, kéo nhau đến Nam Quận. Vừa đến nơi đã thấy trên mặt thành tinh kỳ đỏ rực cả, một tướng trên chòi canh gọi to lên rằng:

- Xin lỗi đô đốc, tôi phụng mệnh quân sư lấy được thành đã lâu rồi. Tôi là Triệu Tử Long ở Thường Sơn đây.

Chu Du giận lắm, liền sai đánh thành. Trên thành tên bắn xuống rào rào. Du truyền rút quân về để bàn bạc, và sai Cam Ninh dẫn một nghìn quân đến lấy Kinh Châu; Lăng Thống dẫn một nghìn quân đến lấy Tương Dương; rồi sẽ tính đến Nam Quận cũng vừa. Du đang cắt đặt mọi việc thì có thám mã lại báo rằng.

- Gia Cát Lượng lấy được Nam Quận, liền dùng binh phù của Tào Nhân cấp tốc điều quân giữ thành Kinh Châu đến cứu, rồi sai Trương Phi úp lấy Kinh Châu.

Lại có một thám mã về báo rằng:

- Hạ Hầu Đôn giữ ở Tương Dương, Gia Cát Lượng cho người đem binh phù đến, nói dối rằng Tào Nhân cầu cứu, dụ cho Hạ Hầu Đôn ra khỏi thành, rồi sai Vân Trường úp lấy Tương Dương. Thành trì hai nơi đều rơi vào Huyền Đức mà Huyền Đức không hề tốn một chút công sức nào!

Chu Du hỏi:

- Gia Cát Lượng làm thế nào mà lấy được binh phù?

Trình Phổ nói:

- Hắn tóm được Trần Kiều, thì binh phù lọt vào tay hắn chớ gì!

Chu Du nghe nói, kêu to một tiếng, nhọt đau vỡ tung ra.

Rõ là:

Mấy lớp thành trì đâu mất cả,

Đôi phen cay đắng bõ hay chưa?

Chưa biết tính mệnh Chu Du thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.

Hồi 52

Gia Cát Lượng khéo chối từ Lỗ Túc;

Triệu Tử Long lừa mẹo lấy Quế Dương.

Chu Du thấy Khổng Minh lấy được Nam Quận, lại nghe tin mất cả Kinh Châu, Tương Dương rồi, trách nào chẳng tức? Du tức quá, uất lên, nằm ngất đi hồi lâu mới tỉnh. Các tướng khuyên giải hai ba lần. Du nói:

- Nếu không giết được Gia Cát Lượng đi, thì làm sao ta hả dạ được? Trình Phổ hãy giúp ta, đánh lấy lại Nam Quận cho Đông Ngô.

Đang nói chuyện thì Lỗ Túc đến. Du nói:

- Ta muốn cất quân quyết một trận sống mái với Lưu Bị và Gia Cát Lượng để đoạt lại thành trì, Tử Kính giúp ta một tay.

Túc nói:

- Không nên! Hiện nay ta với Tào Tháo còn đang kình địch chưa biết được thua thế nào. Vả lại chúa công cũng chưa hạ được Hợp Phì. Ta với Huyền Đức không nên thôn tính lẫn nhau, quân Tào thừa cơ kéo đến thì nguy lắm. Huống chi, Huyền Đức lại quen thân với Tào Tháo. Nếu ta làm quá, hắn tất dâng thành trì cho Tào Tháo, hợp sức lại đánh Đông Ngô, thì làm thế nào?

Du nói:

- Chúng ta dùng mưu lập mẹo, hao binh tổn tướng, tốn kém tiền lương. Bọn hắn ngồi ăn cỗ sẵn thì ta chịu sao cho được?

Túc nói:

- Công Cẩn hãy nhẫn nại một chút, để tôi đem lời phải chăng bảo Huyền Đức, xem hắn nói thế nào, bấy giờ ta sẽ cất quân đi cũng không muộn.

Các tướng nói:

- Tử Kính nói phải lắm!

Lỗ Túc đem theo tuỳ tùng đến thẳng Nam Quận, gọi cửa.

Triệu Vân ra hỏi. Túc nói:

- Tôi muốn vào chơi thưa chuyện với Huyền Đức.

Vân đáp:

- Chúa công tôi với quân sư ở cả trong thành Kinh Châu, không có ở đây.

Túc không vào Nam Quận nữa, đi thẳng đến Kinh Châu. Nhìn thấy tinh kỳ nghiêm chỉnh, quân oai hùng tráng, Túc khen thầm:

- Khổng Minh thật không phải người thường!

Quân sĩ vào báo, Khổng Minh sai mở cửa thành mời Lỗ Túc vào nhà, chào hỏi xong, ngồi theo thứ tự chủ khách. Hết tuần trà. Túc nói:

- Chúa công tôi và đô đốc Công Cẩn sai tôi đến thưa chuyện với hoàng thúc: Trước kia, Tào Tháo đem trăm vạn quân giả danh muốn lấy Giang Nam, nhưng thực tế muốn trừ hoàng thúc. May có Đông Ngô tôi, đánh lui giặc Tào, cứu được hoàng thúc. Chín quận Kinh Châu, đáng lẽ về Đông Ngô mới phải. Thế mà hoàng thúc dùng quỷ kế, cướp cả Kinh, Tương, để cho Đông Ngô tôi tốn bao nhiêu tiền lương, quân mã, mà hoàng thúc ngồi chễm chệ hưởng lợi một mình, e rằng chưa được hợp tình hợp lý lắm!

Khổng Minh đáp lại:

- Tử Kính là người cao minh, sao cũng nói thế? Người ta thường có câu: “Của ai lại về tay người ấy”. Chín quận Kinh, Tương, nguyên là cơ nghiệp của Lưu Cảnh Thăng, chớ có phải của Đông Ngô đâu. Chúa công tôi vốn là em Cảnh Thăng. Cảnh Thăng tuy đã mất rồi, nhưng con ông ấy hiện vẫn còn đó. Thế là chú giúp cháu mà giữ lấy Kinh Châu, có gì mà chẳng được.

Túc nói:

- Nếu là công tử Lưu Kỳ chiếm lấy, thì nói còn có lẽ; nhưng nay công tử lại ở Giang Hạ, chớ có ở đây đâu.

Khổng Minh hỏi:

- Tử Kính có muốn trông mặt công tử không?

Lập tức sai người vào mời công tử. Một lát, hai người đỡ Lưu Kỳ tự phía sau bình phong đi ra. Kỳ chào Lỗ Túc, rồi nói:

- Tôi mấy bữa nay mệt mỏi, không thi lễ được, xin Tử Kính thứ lỗi cho!

Lỗ Túc giật mình, ngồi ngẩn mặt không nói được câu gì; hồi lâu mới nói:

- Nếu chẳng may công tử qua đời đi, thì thế nào?

Khổng Minh đáp:

- Công tử còn ngày nào, giữ ngày ấy; bằng không bấy giờ sẽ liệu!

Túc nói:

- Nếu công tử có mệnh hệ nào thì phải đem thành trì trả lại Đông Ngô nhé!

Khổng Minh nói:

- Lời Tử Kính đúng lắm!

Rồi mở tiệc chiêu đãi. Tiệc tan, Túc từ biệt về ngay đêm hôm ấy, thuật chuyện với Chu Du. Du nói:

- Lưu Kỳ còn đang trai trẻ, làm sao mà chết được? Thế thì bao giờ lấy lại được Kinh Châu?

Túc đáp:

- Đô đốc yên tâm, việc ấy cứ mặc tôi lo liệu, làm thế nào lấy được Kinh Châu về cho Đông Ngô thì thôi.

Du hỏi:

- Tử Kính có ý kiến gì hay thế?

Túc đáp:

- Tôi xem bộ Lưu Kỳ tửu sắc quá độ, bệnh đã vào cao hoang

[1]

, mặt mũi xanh xao, võ vàng, hơi thở yếu ớt, thường thổ ra huyết, khéo lắm cũng chưa chắc đã thọ được nửa năm nữa. Bấy giờ ta sẽ đến đòi Kinh Châu, Lưu Bị hẳn chẳng vin được cớ gì nữa!

Chu Du vẫn còn tức giận. Chợt có sứ của Tôn Quyền đến. Chu Du mời vào. Sứ thưa:

- Chúa công vây Hợp Phì, đánh mãi không hạ được. Nếu truyền lệnh đô đốc thu đại quân về, rồi mang một số đến Hợp Phì đánh giúp.

Du phải đem quân về Sài Tang dưỡng bệnh, rồi cho Trình Phổ dẫn quân sĩ, chiến thuyền đến Hợp Phì giúp Tôn Quyền.

Huyền Đức từ khi lấy được Kinh Châu, Nam Quận, Tương Dương trong bụng hả hê, bàn kế giữ lâu dài. Bỗng một người bước lên hiến kế. Huyền Đức trông ra là Y Tịch. Cảm ân tình khi xưa, Huyền Đức tỏ ý kính trọng lắm, mời ngồi hỏi chuyện. Tịch thưa:

- Ngài muốn tìm kế lâu dài, sao không cầu hiền sĩ mà hỏi?

Huyền Đức nói:

- Hiền sĩ ở đâu?

Tịch đáp:

- Ở Kinh, Tương này có năm anh em họ Mã, cùng có danh tiếng. Người em út tên là Mã Tốc, tự là Ấu Thường. Nhưng chỉ có người tên là Lương, tự Quý Thường có lông mày trắng là giỏi hơn cả. Làng xóm đã có câu ca dao: “Mã thị ngũ Thường, bạch my tối lương”. Sao ngài không cho mời người ấy đến bàn mưu định kế?

Huyền Đức liền sai người đi mời Mã Lương đến, Huyền Đức tiếp đãi sang trọng, rồi hỏi kế giữ Kinh, Tương.

Lương thưa:

- Kinh, Tương bốn mặt trống trải, không thể giữ được lâu. Nên để công tử Lưu Kỳ ở đó dưỡng bệnh, chiêu mộ những người cũ ra giúp việc. Chúa công tâu vua cho công tử làm thứ sử để yên lòng dân. Chúa công nên sang mặt nam đánh lấy bốn quận: Võ Lăng, Trường Sa, Quế Dương và Linh Lăng. Rồi thu góp tiền lương để làm căn bản, đó là kế lâu dài đấy.

Huyền Đức mừng lắm, hỏi:

- Trong bốn quận ấy, nên lấy quận nào trước?

Lương thưa:

- Linh Lăng ở gần mé tây Tương Giang, nên lấy trước; thứ đến Võ Lăng sau sẽ lấy Quế Dương ở mé đông Tương Giang; cuối cùng lấy Trường Sa.

Huyền Đức cho Mã Lương làm tùng sự; Y Tịch làm phó; mời Khổng Minh đến bàn bạc; đưa công tử sang Tương Dương, thay cho Vân Trường về Kinh Châu. Rồi cất quân đi lấy Linh Lăng, sai Trương Phi làm tiên phong, Triệu Vân đi đốc hậu. Khổng Minh, Huyền Đức đi làm trung quân, tổng số nhân mã một vạn rưỡi; để Vân Trường giữ Kinh Châu, My Chúc và Lưu Phong giữ Giang Lăng.

Thái thú Linh Lăng là Lưu Độ, nghe tin quân mã của Huyền Đức đến, bàn với con là Lưu Hiền. Hiền nói:

- Xin cha hãy yên tâm, hắn tuy có Trương Phi, Triệu Vân hùng dũng, nhưng ta cũng có thượng tướng Hình Đạo Vinh sức địch muôn người, có thể chống cự nổi.

Lưu Độ sai ngay Hình Đạo Vinh dẫn hơn vạn quân ra cách thành ba chục dặm, lập một cái trại dựa vào sườn núi ven sông. Thám mã báo:

- Khổng Minh dẫn một toán quân đến.

Đạo Vinh mang quân ra địch. Hai bên dàn trận, Đạo Vinh tay xách một cái búa khai sơn, quát to lên rằng:

- Quân nghịch tặc kia! Sao dám xâm phạm vào bờ cõi ta?

Chỉ thấy bên đối phương hiện ra một toán cờ vàng, trong đám cờ có một xe bốn bánh trên có một người đội khăn lượt, mặc áo cánh hạc, cầm quạt lông, vẫy Đạo Vinh báo rằng:

- Ta là Gia Cát Khổng Minh ở Nam Dương đây! Tào Tháo mang trăm vạn quân, bị ta dùng một mẹo nhỏ giết cho không còn mảnh giáp rút về, bọn ngươi địch với ta sao nổi? Nay ta đến chiêu an, sao không hàng đi cho mau?

Đạo Vinh cười, nói:

- Trận đánh ở Xích Bích là mưu của Chu Du, can gì đến ngươi mà ngươi dám đến đây khoác lác?

Nói đoạn vác búa xông vào đánh.

Khổng Minh quay xe chạy vào trong trận, cửa trận khép lại. Đạo Vinh vác búa tế ngựa xông vào, thế trận bên này bỗng chia thành hai ngả mà chạy. Đạo Vinh trông thấy phía giữa có một đám cờ vàng, đoán chắc Khổng Minh ở đó, nên cứ nhằm chỗ ấy mà đuổi; qua một trái núi, đám cờ vàng đứng dừng lại. Rồi cửa trận mở ra, xe bốn bánh biến mất, chỉ thấy một tướng cầm mâu tế ngựa ra quát to một câu: “Ta là Trương Dực Đức đây!” rồi xốc lại đâm Đạo Vinh. Đạo Vinh khoa búa đón đánh, được vài hiệp, nghe chừng địch không nổi, liền quay ngựa chạy. Dực Đức đuổi theo, tiếng hò reo ầm ĩ, quân phục hai bên đổ ra. Đạo Vinh cố chết mà chạy. Trước mặt lại gặp một đại tướng chẹn đường thét lớn:

- Mày có biết Triệu Tử Long ở Thường Sơn không?

Đạo Vinh biết thân chẳng địch nổi, lại không đường chạy, phải xuống ngựa xin hàng. Tử Long trói giải về nạp Huyền Đức và Khổng Minh. Huyền Đức sai điệu ra chém, Khổng Minh vội ngăn lại, rồi bảo Đạo Vinh:

- Hễ bắt được Lưu Hiền cho ta, thì ta cho hàng!

Đạo Vinh dạ dạ xin đi. Khổng Minh nói:

- Ngươi dùng kế gì bắt được nó?

Đạo Vinh thưa:

- Nếu quân sư tha cho tôi về, tôi sẽ dùng lời lẽ khéo léo lừa nó. Đêm nay, quân sư đến cướp trại, tôi làm nội ứng, bắt sống Lưu Hiền, đem về nộp quân sư. Lưu Hiền đã bị bắt, thì Lưu Độ tự nhiên phải hàng thôi!

Huyền Đức không tin. Khổng Minh nói:

- Hình tướng quân không sai lời đâu.

Liền tha cho Đạo Vinh về.

Về đến trại, Vinh thuật cả đầu đuôi câu chuyện cho Lưu Hiền nghe. Hiền hỏi:

- Thế thì ta nên tính làm sao?

Đạo Vinh thưa:

- Nên nhân kế ấy mà dùng kế ta. Đêm nay, cho quân phục hết ở ngoài trại; trong trại giả vờ cắm cờ quạt, đợi Khổng Minh đến cướp trại, thì đổ ra bắt sống lấy.

Lưu Hiền nghe theo.

Canh hai đêm hôm ấy, quả nhiên có một toán quân, mỗi người xách một bó cỏ, kéo đến cửa trại, nhất tề đốt lửa lên. Lưu Hiền, Đạo Vinh đổ ra đánh thì quân đốt lửa rút chạy cả. Hai người thừa thế đuổi theo đến hơn chục dặm, quân đốt lửa biến đâu hết. Hai người vội vàng quay về trại, thì thấy ánh lửa chưa tắt, trong trại một tướng kéo quân xông ra, trông xem là Trương Phi.

Lưu Hiền gọi Đạo Vinh:

- Không nên về trại nhà nữa, đến cướp trại Khổng Minh đi thôi.

Hai bên bèn quay trở lại; đi chưa được chục dặm, bất ngờ gặp Triệu Vân chẹn đường đánh ra, phóng giáo đâm ngay Đạo Vinh chết lăn xuống ngựa. Lưu Hiền vội vàng quay ngựa chạy về, lại gặp phải Trương Phi đuổi đến, bắt sống, trói lại đem về nộp Khổng Minh.

Lưu Hiền kêu rằng:

- Đó là Đạo Vinh xui tôi như thế, chớ không phải chủ ý của tôi.

Khổng Minh sai cởi trói, cho mặc áo tử tế, và cho uống rượu để hoàn hồn; rồi sai người đưa vào thành dụ cha ra hàng, nếu không hàng, sẽ phá tan thành trì, giết sạch cả nhà.

Lưu Hiền trở về Linh Lăng, kể lại với cha chuyện Khổng Tử nhân đức và khuyên cha ra hàng. Lưu Độ nghe theo, dựng cờ hàng trên mặt thành, rồi mở toang cửa thành, đem ấn tín đến nộp Huyền Đức xin hàng. Khổng Minh cho Lưu Độ giữ nguyên chức thái thú quận này, con là Lưu Hiền thì cho về Kinh Châu theo giúp việc quân. Nhân dân toàn quận Linh Lăng vui mừng, phấn khởi.

Huyền Đức vào thành yên dân, khao thưởng ba quân rồi hỏi các tướng rằng:

- Linh Lăng đã lấy xong, còn quận Quế Dương thì ai dám đi lấy?

Triệu Vân dạ xin đi, Trương Phi cũng hăng hái xin đi. Hai người tranh nhau, Khổng Minh nói:

- Tử Long xin trước, thì chỉ một mình Tử Long được đi thôi.

Trương Phi không chịu, nhất định đòi xin đi. Khổng Minh cho hai người rút thăm, ai rút trúng thì đi. Tử Long lại rút trúng. Trương Phi phát khùng lên nói:

- Tôi không cần phải người giúp đỡ, chỉ xin lĩnh ba ngàn quân đi, lấy thành trì dễ như bỡn.

Triệu Vân nói:

- Tôi cũng chỉ xin ba nghìn quân đi, nếu không lấy nổi thành, xin chịu quân lệnh.

Khổng Minh mừng lắm, bắt lập tờ quân lệnh, rồi kén ba nghìn tinh binh giao cho Triệu Vân mang đi. Trương Phi hằn học không chịu, Huyền Đức quát bảo lui ra. Triệu Vân dẫn quân mã đến thẳng Quế Dương.

Thám mã báo tin cho thái thú quận này là Triệu Phạm, Phạm vội họp tướng sĩ lại bàn bạc. Quản quân hiệu uý là Trần Ứng, Pháo Long xin lĩnh binh ra đánh.

Hai người đều xuất thân là tay săn bắn ở vùng núi Quế Dương. Trần Ứng tài lao đinh ba, Pháo Long thì từng bắn giết được hai con hổ một lúc. Hai người cậy mình có sức khoẻ, liền bẩm với Triệu Phạm:

- Nếu Lưu Bị tới, chúng tôi xin làm tiền bộ.

Triệu Phạm nói:

- Ta nghe Lưu Huyền Đức là hoàng thúc nhà Hán, lại có Khổng Minh lắm mưu; Quan, Trương cực khoẻ. Nay kéo quân đến đây, lại là Triệu Tử Long, khi hắn ở Trường Bản, xông xáo trong đám quân trăm vạn như vào chỗ không người. Quế Dương ta có được bao nhiêu quân mã mà địch cho lại, thà đầu hàng còn hơn.

Trần Ứng thưa:

- Tôi xin ra đánh, nếu không bắt được Triệu Vân, bấy giờ thái thú ra hàng cũng chưa muộn.

Triệu Phạm ngăn lại không được, đành phải cho đi.

Trần Ứng dẫn ba nghìn quân mã ra khỏi thành, đã thấy Triệu Vân đến. Ứng dàn xong trận, cầm đinh ba tế ngựa đi ra. Vân trỏ giáo mắng rằng:

- Chủ ta Lưu Huyền Đức, là em Lưu Cảnh Thăng, nay giúp công tử Lưu Kỳ giữ Kinh Châu, sai ta đến đây yên dân, sao ngươi dám chống lại?

Trần Ứng cũng mắng lại:

- Ta đây chỉ phục Tào thừa tướng, đâu có theo Lưu Bị?

Vân giận lắm, khua giáo tế ngựa đến đánh, Ứng cũng múa đinh ba đón đỡ, được bốn năm hiệp, Ứng liệu địch không nổi, quay ngựa chạy về.Vân đuổi theo. Ứng ngoảnh cổ lại thấy ngựa Triệu Vân đã gần kịp, liền lao đinh ba sang. Vân bắt được lao trả lại. Ứng vội né mình tránh khỏi, thì ngựa của Vân đã đến nơi rồi. Vân vươn tay núm được Trần Ứng, quẳng xuống đất, thét quân sĩ trói lại đem về trại. Quân địch tan tác chạy hết.

Vân về trại mắng Trần Ứng rằng:

- Cái thứ nhà ngươi thấm vào đâu, mà dám địch nhau với ta? Ta không thèm giết, tha cho ngươi về bảo Triệu Phạm mau mau ra hàng.

Ứng tạ tội, ôm đầu thui thủi trở về, nói hết lại với Triệu Phạm, Phạm nói:

- Nguyên ta vẫn muốn hàng, chỉ tại ngươi cố cưỡng muốn đánh mới đến nỗi này.

Nói rồi mắng Trần Ứng lui ra, mang ấn tín và dẫn vài mươi tên kỵ đến tận trại Triệu Vân xin hàng. Vân ra trại tiếp vào, mở tiệc thết đãi, tiếp nhận ấn tín. Rượu được vài tuần, Phạm nói:

- Tướng quân họ Triệu, tôi cũng họ Triệu, năm trăm năm trước đây dễ thường là một nhà với nhau. Tướng quân quê ở Chân Định, tôi cũng quê ở Chân Định, lại cùng làng. Nếu tướng quân không chê, cho tôi được kết làm anh em, thực là vạn hạnh.

Vân mừng lắm, cùng hỏi tuổi nhau. Vân đẻ trước Phạm bốn tháng. Phạm nhận Vân làm anh. Hai người cùng làng, cùng tuổi, lại cùng họ, mười phần tương đắc với nhau cả mười. Mãi đến chiều mới tan tiệc, Phạm từ giã trở về thành.

Hôm sau, Phạm mời Vân vào thành yên dân. Vân dặn quân sĩ cứ ở ngoài trại, chỉ đem năm chục lính kỵ mã vào thành. Cư dân đốt hương bày đồ bái vọng đứng đặc dọc đường nghênh tiếp. Vân phủ dụ đâu đấy, Phạm mời Vân vào dinh ăn tiệc. Khi rượu đã ngà ngà say. Phạm lại mời Vân vào nhà sau uống tiệc nữa. Vân bấy giờ đã say, Phạm bỗng nhiên gọi một người đàn bà ra nâng chén mời Triệu Vân. Vân trông thấy người ấy ăn mặc đồ trắng, nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành mới hỏi Phạm:

- Người này là ai?

Phạm thưa:

- Đó là Phàn thị, chị dâu tôi.

Tử Long dịu sắc mặt lại, tỏ vẻ kính trọng. Phàn thị chuốc rượu xong, Phạm mời ngồi xuống. Vân cảm tạ. Phàn thị lui vào nhà trong.

Vân bảo Phạm rằng:

- Hiền đệ sao dám phiền đến lệnh tẩu mời rượu vậy?

Phạm cười, đáp:

- Cũng vì có chút duyên cớ, xin anh chớ ngại. Anh ruột tôi đã quá cố cách đây ba năm, chị tôi ở goá một mình, chưa trót đời được. Tôi đã khuyên chị tôi cải giá. Chị tôi nói: “Hễ được người nào đủ ba điều kiện thì mới lấy: một là văn võ kiêm toàn, tiếng đồn khắp cả thiên hạ; hai là tướng mạo đường vệ, uy nghi khác người; ba là phải cùng một họ với anh tôi!” Anh thử nghĩ xem thiên hạ có mấy người lại hợp được cả ba điều kiện ấy không? Thế mà tôn huynh đường đường bậc anh hào, tiếng vang bốn bể, lại đồng họ với anh tôi, thật hợp với lời ước của chị tôi lắm. Nếu không hiềm chị tôi xấu xa, xin tướng quân cho được nâng khăn sửa túi, để kết thân mãi mãi với nhau, tướng quân nghĩ sao?

Vân nghe nói, nổi giận, vùng dậy thét lớn:

- Ta với ngươi đã kết làm anh em, thì chị dâu ngươi cũng như chị dâu ta, lẽ đâu làm việc loạn luân như thế!

Triệu Phạm hổ thẹn quá, đáp rằng:

- Ta đối đãi tử tế, sao lại dám vô lễ làm vậy?

Liền liếc mắt cho tả hữu, có ý muốn sát hại. Vân biết ý, đánh Phạm ngã lăn xuống đất, rồi ra thẳng cửa phủ, lên ngựa về trại.

Phạm gọi Trần Ứng, Pháo Long vào bàn bạc. Ứng nói:

- Hắn đã tức giận bỏ đi, vậy phải đánh nhau mới xong.

Phạm nói:

- Chỉ sợ đánh không nổi hắn thôi!

Pháo Long bàn rằng:

- Để hai chúng tôi đến trá hàng ở trong đám quân bên ấy. Thái thú nên dẫn quân lại khiêu chiến, chúng tôi rình bắt sống hắn ngay tại trận là xong.

Trần Ứng nói:

- Cần phải mang theo một số quân mã.

Long nói:

- Chỉ năm trăm quân kỵ là đủ rồi.

Đêm hôm ấy hai người dẫn năm trăm quân đến trại Triệu Vân xin hàng. Vân biết rõ là trá hàng, nhưng cũng cho gọi vào. Hai người vào trướng, nói rằng:

- Triệu Phạm muốn dùng kế mỹ nhân để lừa tướng quân, định đợi lúc nào tướng quân say rượu thì giết đi, lấy đầu đem đến nộp Tào Tháo, thật là bất nhân. Chúng tôi thấy tướng quân tức giận, sợ liên luỵ đến mình, cho nên đến xin hàng.

Vân giả cách mừng rỡ, mở tiệc khoản đãi ân cần. Hai người uống rượu say quá, Vân sai trói lại. Rồi tra hỏi bọn thủ hạ, quả nhiên là đến tráo hàng. Vân gọi cả năm trăm quân của Ứng Long vào, cho ăn uống no say, rồi ra lệnh:

- Trần Ứng, Pháo Long hai người muốn hại ta, không can gì đến bọn ngươi. Bọn ngươi phải theo kế ta, sẽ được trọng thưởng.

Quân sĩ lạy tạ. Vân lập tức sai chém hai người, rồi sai năm trăm quân dẫn đường, mình thì dẫn một nghìn quân đi sau, đang đêm đến thẳng thành Quế Dương gọi cửa, bảo rằng:

- Trần, Pháo, hai tướng đã giết được Triệu Vân rồi, xin thái thú ra thành thương nghị.

Quân trên thành đốt đuốc lên soi, thấy đúng là quân mã của nhà. Triệu Phạm vội vàng ra thành. Vân quát ngay tả hữu bắt trói lại. Rồi vào thành uý lạo trăm họ đâu đấy và báo tin về Huyền Đức.

Huyền Đức và Khổng Minh đến Quế Dương, Vân ra ngênh tiếp. Triệu Phạm bị trói đúng ở dưới thềm. Khổng Minh hỏi, Phạm thuật lại cả chuyện muốn gả chị dâu, Khổng Minh bảo Vân rằng:

- Đó là việc tốt lành, tướng quân sao gàn thế?

Vân thưa:

- Triệu Phạm đã cùng với tôi kết nghĩa anh em, nếu lấy chị dâu hắn, thì miệng đời chê cười là một. Người goá chồng bước đi bước nữa là thất tiết, là hai. Triệu Phạm mới hàng, chưa biết bụng dạ thế nào là ba, Chúa công mới dẹp yên được Giang Hán, ngủ còn chưa yên, Vân tôi đâu dám vì một người đàn bà mà bỏ việc lớn của chúa công?

Huyền Đức nói:

- Bây giờ, việc lớn đã xong xuôi cả rồi, cho người lấy nàng ấy, ngươi có thuận không?

Vân thưa:

- Thiên hạ chả thiếu gì con gái, chỉ lo công danh không lập được, chớ có lo gì không có vợ con!

Huyền Đức khen rằng:

- Tử Long thế mới thực là trượng phu!

Rồi trọng thưởng cho Triệu Vân, và tha Triệu Phạm cho làm thái thú quận Quế Dương như cũ.

Trương Phi kêu lên rằng:

- Chỉ một mình Tử Long lập được công, còn tôi là đồ vô dụng hay sao? Tôi xin lĩnh ba nghìn quân đến lấy Võ Lăng, quyết bắt sống thái thú Kim Toàn về nộp.

Khổng Minh mừng lắm, nói:

- Dực Đức muốn đi cũng được, nhưng phải tuân theo một điều kiện.

Đó là:

Quân sư nghĩ được nhiều mưu lạ,

Tướng sĩ tranh nhau lập chiến công.

Chưa biết Khổng Minh nói điều gì, xem hồi sau sẽ rõ.

Hồi 53

Quan Vân Trường tha Hoàng Trung không giết;

Tôn Trọng Mưu đánh Trương Liêu bị thua.

Khổng Minh bảo với Trương Phi rằng:

- Khi trước Tử Long ra lấy Quế Dương, phải lập tờ quân lệnh mới được đi. Nay Dực Đức muốn ra lấy Võ Lăng, cũng phải làm như thế.

Trương Phi liền lập tờ quân lệnh, và hớn hở lĩnh ba nghìn quân, cấp tốc đến Võ Lăng.

Kim Toàn nghe tin Trương Phi đến, liền tụ tập tướng sĩ kéo ra nghênh địch. Quan tòng sự là Củng Chí can rằng:

- Lưu Huyền Đức là hoàng thúc nhà Hán, nhân nghĩa tưới khắp cả thiên hạ. Thêm vào đó, Trương Phi khoẻ mạnh lạ thường, không thể địch nổi, chi bằng đầu hàng là hơn.

Kim Toàn nổi giận nói:

- Mày muốn thông đồng với giặc làm tay trong à?

Lập tức quát võ sĩ lôi ra chém. Tướng tá xúm lại kêu xin, nói:

- Chưa xuất quân đã chém người nhà, như thế không lợi!

Toàn mới mắng đuổi Chí ra, rồi dẫn quân ra ngoài thành, chưa được hai chục dặm thì gặp Trương Phi đến. Phi dừng ngựa, chỉ mâu quát mắng Kim Toàn. Toàn hỏi bộ tướng:

- Ai dám ra địch?

Người nào người nấy luống cuống, sợ hãi, không dám ra. Toàn phải tế ngựa múa đao ra đón đánh. Phi gầm lên một tiếng như sét đánh. Kim Toàn mất vía, không dám giao phong, quay ngựa chạy về. Phi dẫn quân đuổi theo đánh giết túi bụi. Kim Toàn chạy về đến dưới thành, thì bên trên tên bắn xuống như mưa. Toàn giật mình, trông lên thấy Củng Chí đứng ở trên mặt thành nói rằng:

- Ngươi không theo thiên thời, tự rước lấy bại vong, ta cùng bách tính đầu hàng Lưu hoàng thúc vậy!

Củng Chí nói chưa dứt lời thì một mũi tên bắn tin vào mặt Kim Toàn. Toàn ngã nhào xuống ngựa. Quân sĩ cắt ngay đầu, nộp Trương Phi Củng Chí ra thành xin hàng. Phi sai Chí mang ấn tín đến Quế Dương ra mắt Huyền Đức. Huyền Đức mừng lắm, cho ngay Củng Chí thay chức Kim Toàn.

Huyền Đức thân đến Võ Lăng phủ dụ nhân dân, rồi viết thư báo cho Vân Trường biết tin Tử Long, Dực Đức, mỗi người đã lấy được một quận. Vân Trường viết thư về nói:

“Còn lại một quận Trường Sa nếu huynh trưởng không coi em là kẻ bất tài, xin giao cho em được giành được công lao đó thì hay lắm!”

Huyền Đức mừng rỡ, bằng lòng để Vân Trường đi lấy Trường Sa. Về đến nơi, Vân Trường vào ra mắt Huyền Đức và Khổng Minh. Khổng Minh nói:

- Khi Tử Long lấy Quế Dương. Dực Đức lấy Võ Lăng, đều chỉ đem có ba nghìn quân thôi. Nay thái thú Trường Sa là Hàn Huyền, tuy chẳng ra gì, nhưng hắn có một viên đại tướng là Hoàng Trung, tự là Hán Thăng, quê ở Nam Dương tướng cũ của Lưu Biểu, cùng với Lưu Bàn (cháu Lưu Biểu) trấn thủ Trường Sa; về sau Hoàng Trung theo Hàn Huyền. Nay tuy gần sáu mươi tuổi, nhưng sức địch muôn người, chớ nên coi thường. Vân Trường có đi, thì phải đem nhiều quân mã mới được.

Vân Trường nói:

- Sao quân sư lại đề cao người khác mà làm giảm oai phong nhà mình thế? Cái thứ lính già ấy, có kể vào đâu! Tôi không cần đến ba nghìn quân mã, chỉ xin đem năm trăm quân của tôi, quyết chém đầu Hoàng Trung, Hàn Huyền về dâng dưới trướng.

Huyền Đức cố gàn lại, nhưng Vân Trường nhất định không nghe, chỉ đem năm trăm quân bản bộ đi.

Khổng Minh nói với Huyền Đức rằng:

- Vân Trường khinh thường Hoàng Trung, tôi e lỡ việc. Chúa công nên đi tiếp ứng cho.

Huyền Đức nghe lời, sau đó cũng dẫn binh tiến đến Trường Sa.

Lại nói, thái thú ở Trường Sa là Hàn Huyền, xưa nay tính khí nóng nảy, giết người như ngoé, ai cũng oán ghét. Bấy giờ nghe tin Vân Trường đến, Huyền liền gọi lão tướng Hoàng Trung vào bàn bạc.

Trung nói:

- Chúa công cứ yên tâm, chỉ một con dao với một cái cung này, một nghìn đứa lại thì một nghìn đứa chết!

Nguyên Hoàng Trung có sức khoẻ giương được cung hai tạ, bắn trăm phát tin cả trăm. Trung vừa nói chưa dứt lời, thì có một người ở dưới thềm bước ra thưa:

- Không cần đến lão tướng quân phải ra đánh, chỉ một tay tôi cũng bắt sống được Quan Vũ đem về.

Hàn Huyền trông xem ai, thì là quản quân hiệu uý là Dương Linh. Huyền mừng lắm, sai ngay Dương Linh dẫn một nghìn quân ra nghênh chiến. Linh đi độ năm chục dặm thấy bụi bay mù mịt, quân Vân Trường đã kéo đến. Dương Linh vác giáo ra ngựa, đứng trước trận mắng nhiếc thách đánh. Vân Trường giận lắm, chẳng nói nửa lời, tế ngựa múa đao xông ngay vào đánh. Dương Linh giơ giáo đón đỡ. Chưa được ba hiệp, Linh bị Vân Trường chém nhào xuống ngựa, rồi đuổi đánh quân Linh đến tận dưới thành.

Hàn Huyền thấy vậy kinh hãi vô cùng, liền sai Hoàng Trung ra đánh. Huyền lên mặt thành đứng xem. Trung cắp đao lên ngựa, dẫn năm trăm kỵ binh vượt qua cầu treo. Vân Trường thấy một lão tướng xông ra biết là Hoàng Trung, cũng dàn năm trăm quân của mình thành hàng chữ nhất, rồi cắp ngang thành long đao ghìm ngựa hỏi:

- Tướng kia có phải là Hoàng Trung đó không?

Trung đáp:

- Đã biết tiếng ta, sao dám xâm phạm bờ cõi của ta?

Vân Trường nói:

- Ta lại đây chỉ cốt lấy đầu ngươi đó thôi!

Nói đoạn, xông vào chiến đấu, hơn một trăm hiệp chưa phân thắng bại. Hàn Huyền sợ Hoàng Trung túng thế, vội khua chiêng thu quân. Hoàng Trung dẫn quân vào thành. Vân Trường cũng rút quân lui, cách thành mười dặm hạ trại.

Vân Trường nghĩ thầm rằng:

“Lão tướng này, tiếng đồn không sai, đánh nhau tới hàng trăm hiệp không sơ hở chút nào. Ngày mai ta sẽ dùng kế đà đao, quay lưng lại chém mới xong”.

Hôm sau, cơm sáng no nê, Vân Trường lại đến khiêu chiến. Hàn Huyền ngồi trên mặt thành, sai Hoàng Trung ra ngựa. Trung lại dẫn vài trăm quân kỵ mã vượt cầu treo ra đánh nhau với Vân Trường, tới năm sáu chục hiệp mà vẫn chưa phân được thua. Quân hai bên vỗ tay hoan hô ầm ĩ. Trống đang thúc dồn dập thì Vân Trường quay ngựa chạy về, Hoàng Trung đuổi theo. Vân Trường sắp sửa quay đao chém vật lại, bỗng nghe sau lưng “huỵch” một tiếng, vội ngoảnh lại thấy Hoàng Trung bị ngựa sa chân trước, ngã lăn xuống đất. Vân Trường liền quay ngựa lại, hai tay giơ thanh long đao thét lớn:

- Ta hãy tha tính mạng cho ngươi, mau mau về đổi ngựa khác ra đánh nữa.

Hoàng Trung vội vàng đứng dậy, nhảy lên ngựa chạy tế vào thành, Hàn Huyên kinh hãi, hỏi nguyên nhân, Trung thưa:

- Con ngựa này lâu nay không ra trận mạc, cho nên lỡ xảy ra làm vậy.

Huyền hỏi:

- Ngươi bắn tên trăm phát trăm trúng, làm sao không bắn?

Trung đáp:

- Ngày mai đánh nữa, tôi sẽ giả vờ thua, dử y đến bên cầu treo mà bắn.

Huyền đưa con ngựa xám của mình cho Hoàng Trung. Trung bái tạ trở ra, trong bụng nghĩ thầm:

“Hiếm người được nghĩa khí như Vân Trường! Hắn đã không nỡ hại ta, ta sao nỡ giết hắn? Mà không bắn, thì sợ trái tướng lệnh!”

Suốt đêm nghĩ đi nghĩ lại, Hoàng Trung không biết quyết định bề nào cho phải.

Sáng sớm hôm sau, có tin Vân Trường lại đến khiêu chiến. Trung lĩnh quân ra thành. Vân Trường hai hôm không đánh đổ được Hoàng Trung, bực dọc vô cùng, liền hăm hở ra sức đánh đỡ. Chưa đầy ba chục hiệp, Trung giả thua chạy. Vân Trường đuổi theo. Trung nghĩ ân tình hôm trước, không nỡ bắn ngay, bèn cài đao vào bao và giương cung bắn dây không. Vân Trường né tránh nhưng không thấy có tên bay đến, lại đuổi. Trung lại bắn dây không lần nữa. Vân Trường lại lánh, nhưng vẫn không thấy tên, cho là Hoàng Trung không biết bắn, càng vững dạ đuổi theo. Khi sắp đến đầu cầu, Hoàng Trung đứng trên cầu, giương cung đặt tên, bắn một phát, tin ngay vào quai mũ Vân Trường. Quân trước mặt reo ầm cả tên. Vân Trường giật mình, đeo cả tên chạy về trại. Bấy giờ Vân Trường mới biết Hoàng Trung có tài bắn xuyên lá liễu cách xa hàng trăm bước. Bữa nay sở dĩ bắn lên chỏm mũ mình là có ý báo ơn không giết hôm trước đó thôi.

Hoàng Trung về thành, ra mắt Hàn Huyền. Huyền quát tả hữu trói Trung lại. Trung kêu là vô tội. Huyền mắng rằng:

- Ta nhận xét ròng rã ba hôm nay, người còn dám dối ta à? Hôm đầu, ngươi không đánh hết sức, tất có bụng tây vị; hôm qua, ngã ngựa, hắn không giết, thế là thông đồng với nhau; hôm nay, hai lần ngươi bắn dây không, đến lần thứ ba lại chỉ bắn vào quai mũ, thế có phải là ngươi với hắn vẫn thông đồng với nhau không? Nếu không giết ngươi đi, tất để mối lo về sau.

Liền quát tay đao phủ lôi Hoàng Trung ra ngoài cửa thành chém đầu. Các tướng định vào kêu van, Huyền nói:

- Hễ ai kêu van cho Hoàng Trung, tức là đồng loã!

Quân vừa đưa Hoàng Trung ra đến cửa, sắp sửa khai đao, bỗng có một tướng khoa đao đánh thốc vào pháp trường, chém chết ngay tay đao phủ, cứu được Hoàng Trung, rồi thét lớn:

- Hoàng Hán Thăng là thành luỹ xứ Trường Sa, nay giết Hán Thăng thì khác gì giết cả trăm họ Trường Sa. Hàn Huyền là thằng tàn bạo bất nhân, khinh miệt hiền sĩ, ta nên giết đi mới phải! Ai đi theo ta thì lại cả đây!

Mọi người nhìn xem, té ra là Nguỵ Diên người ở Nghĩa Dương, mặt đỏ như gấc, mắt như sao băng. Nguyên Nguỵ Diên từ khi ở thành Tương Dương chạy theo Huyền Đức không kịp, liền đến theo Hàn Huyền. Huyền ghét Diên là người kiêu ngạo, không chịu trọng dụng, nên Diên ẩn náu ở đó. Hôm ấy, cứu được Hoàng Trung, Diên rủ trăm họ đi giết Hàn Huyền. Diên vừa hô một tiếng hơn một trăm người theo liền. Hoàng Trung cản lại không được. Diên đánh thẳng lên mặt thành, khoa đao chém đứt đôi Hàn Huyền rồi xách đầu dẫn bá tính ra hàng Vân Trường.

Vân Trường mừng lắm, vào thành phủ dụ dân chúng, rồi mời Hoàng Trung vào chơi; Trung cáo ốm, từ chối. Vân Trường sai người về mời Huyền Đức, Khổng Minh đến.

Nói về Huyền Đức, từ khi Vân Trường đi lấy Trường Sa, cùng với Khổng Minh đem gấp quân đi sau tiếp ứng. Đang đi, bỗng nhiên có một cơn gió nổi lên cuốn đổ lá cờ xanh. Một con quạ tự bắc bay về nam, kêu ba tiếng rồi bay mất.

Huyền Đức hỏi:

- Thế là điềm gì?

Khổng Minh đang cưỡi ngựa, bấm tay xem một quẻ đáp:

- Điềm này chắc chắn Vân Trường đã lấy được Trường Sa, và được thêm một đại tướng nữa, đến giờ ngọ nhất định có tin về báo.

Được một lát, quả nhiên có một tên lính chạy về báo rằng:

- Quan tướng quân đã lấy được Trường Sa, và được thêm hai hàng tướng là Hoàng Trung, Nguỵ Diên nữa. Hiện Quan tướng quân đang mong đợi chúa công đến để yên dân.

Huyền Đức mừng lắm, dẫn quân vào thành. Vân Trường ra đón vào trong nha, thuật lại chuyện Hoàng Trung cho Huyền Đức nghe. Huyền Đức thân đến tận nhà Hoàng Trung mời, bấy giờ Hoàng Trung mới chịu hàng và xin chôn cất Hàn Huyền ở phía đông thành.

Đời sau có thơ khen Hoàng Trung rằng:

Tướng quân khí khái lớn tày trời,

Đầu bạc phơ phơ dạ chẳng dời.

Dù chết cũng cam không oán giận,

Cúi đầu hổ thẹn chịu hàng người.

Tuyết pha gươm báu khoe tài mạnh,

Gió cuốn chân câu vẫn đánh hoài!

Danh tiếng nghìn thu còn nhớ mãi,

Tương đàm vằng vặc bóng trăng soi

Huyền Đức đãi Hoàng Trung tử tế lắm, Vân Trường lại đưa Nguỵ Diên vào ra mắt. Khổng Minh sai võ sĩ lôi ra chém. Huyền Đức giật mình hỏi:

- Nguỵ Diên là người có công, không tội tình gì, sao quân sư lại giết đi?

Khổng Minh nói:

- Ăn lộc của chủ mà giết chủ, thế là người bất trung; ở đất ấy mà lại dâng đất ấy, thế là quân bất nghĩa. Vả lại, tôi xem sau gáy hắn có cái phản cốt, mai sau tất sinh lòng phản nghịch, cho nên chém trước để trừ vạ sau này!

Huyền Đức ngăn lại, nói:

- Nếu chém hắn đi, tôi e những người theo hàng khác sợ hãi, mong quân sư hãy tha cho hắn.

Khổng Minh trỏ vào mặt Nguỵ Diên, bảo rằng:

- Nay ta hãy tha chết cho, ngươi hãy hết lòng báo chúa, không được manh tâm này khác. Nếu ăn ở hai lòng ta sẽ lấy đầu đó!

Nguỵ Diên dạ dạ mấy tiếng lui ra.

Hoàng Trung tiến cháu Lưu Biểu là Lưu Bàn, hiện đang nghỉ ở Duy Xuyên. Huyền Đức triệu đến, cho coi quận Trường Sa. Bốn quận bình định đâu đấy, Huyền Đức thu quân về Kinh Châu, đổi tên cửa Du Giang là huyện Công An. Từ đó Huyền Đức lắm tiền nhiều lương, hiền sĩ tấp nập theo về, chia quân mã đóng đồn bốn phía, trấn giữ các cửa ải.

Lại nói, từ khi Chu Du về Sài Tang dưỡng bệnh, sai Cam Ninh giữ quận Ba Lăng, Lăng Thống giữ quận Hán Dương; hai nơi này đều phải sắp sẵn chiến thuyền đợi lệnh. Còn Trình Phổ thì dẫn các tướng sĩ đến Hợp Phì.

Nguyên Tôn Quyền, từ sau trận Xích Bích, vẫn đóng quân tại gần Hợp Phì, đánh nhau với quân Tào, lớn nhỏ đánh hơn chục trận, thắng bại chưa phân. Quyền phải hạ trại cách thành năm chục dặm, không dám đóng gần thành. Nghe tin Trình Phổ kéo quân đến, Quyền mừng lắm, thân ra ngoài dinh uý lao quân sĩ. Có tin báo Lỗ Túc đến trước, Quyền xuống ngựa đứng đợi. Túc thấy thế cuống cuồng nhảy xuống ngựa, thi lễ. Các tướng thấy Quyền kính trọng Lỗ Túc như thế, ai cũng ngạc nhiên. Quyền mời Túc lên ngựa, dóng cương cùng đi và bảo nhỏ Túc rằng:

- Ta xuống ngựa đón tiếp như thế, ngươi đã thấy vẻ vang chưa?

Túc nói:

- Bẩm chưa ạ?

Quyền hỏi:

- Thế nào mới là vẻ vang?

Túc đáp:

- Chỉ mong chúa công uy đức bao trùm cả chín chúa, gây thành đế nghiệp, cho tôi được ghi tên vào tre lụa, mới là vẻ vang.

Quyền vỗ tay cười ầm lên. Vào tới trướng, Quyền mở đại tiệc khao thưởng các tướng sĩ, và bàn việc đánh Hợp Phì.

Chợt có tin Trương Liêu sai người đến khiêu chiến thư đến, Tôn Quyền mở thư xem, giận quá, nói:

- Trương Liêu khinh ta lắm! Hắn thấy Trình Phổ vừa đem quân đến nên cố ý cho người khiêu chiến. Ngày mai ta không cần đem quân mới ra chỉ dẫn quân cũ đánh một trận thật to, xem làm sao!

Lập tức truyền lệnh cho ba quân, canh ba đêm hôm ấy kéo kéo sang thành Hợp Phì.

Khoảng giờ thìn, quân mã đi được nửa đường thì vừa gặp quân Tào. Hai bên dàn trận. Tôn Quyền đội mũ chỏm vàng, mặc áo giáp vàng, nai nịt gọn ghẽ cưỡi ngựa ra trận. Bên tả có Tống Khiêm, bên hữu có Giả Hoa, cầm hai ngọn kích đứng hộ vệ. Dứt ba hồi trống, về phía trận quân Tào cửa cờ mở toang, ba viên tướng nhung phục chỉnh tề đứng đợi: Trương Liêu ở giữa, Lý Điển bên tả, Nhạc Tiến bên hữu. Trương Liêu tế ngựa ra, thách Tôn Quyền quyết chiến. Quyền múa thương muốn ra, thì Thái Sử Từ đã vác giáo tế ngựa ra trước. Hai tướng đấu nhau bảy tám mươi hiệp, chưa phân thắng bại, Lý Điển bảo với Nhạc Tiến:

- Trước mặt có người đội mũ chỏm vàng, đó là Tôn Quyền, nếu bắt sống được hắn, thì báo thù được cho tám mươi ba vạn đại quân của ta.

Điển nói chưa dứt lời, Nhạc Tiến một đao một ngựa nhanh như chớp, cất lẻn lướt thẳng đến chỗ Tôn Quyền, khoa đao chém xuống. Tống Khiêm, Giả Hoà vội vàng giơ hoạ kích ra đỡ; Tiến lia một nhát dao, hai ngọn kích gãy cụt. Hai người chỉ còn hai cái cán kích, cứ nhè đầu ngựa mà giọt. Tiến phải quay ngựa chạy về. Tống Khiêm giật ngọn giáo ở trong tay quân sĩ đuổi theo. Lý Điển giương cung bắn giữa bụng Tống Khiêm, Tống Khiêm nhào luôn xuống ngựa. Thái Sử Từ nghe phía sau có người ngã ngựa liền bỏ Trương Liêu chạy về trận. Liêu thừa thế đánh dấn vào, quân Ngô bối rối, chạy tán loạn, Liêu trông thấy Tôn Quyền, thúc ngựa đuổi theo, gần sát đến nơi, thì một toán quân thọc ra, đi đầu là Trình Phổ, chặn đánh một trận, cứu được Tôn Quyền, Trương Liêu thu quân về Hợp Phì.

Trình Phổ bảo vệ Tôn Quyền về trại, quân sĩ lục tục kéo về sau. Quyền thấy mất Tống Khiêm khóc ầm cả lên.

Trưởng sử là Trương Hoành nói rằng:

- Chúa công cậy thế hùng mạnh, coi thường quân giặc, để cho ba quân ai cũng rùng mình. Giá thử có chém được tướng, cướp được cờ, uy danh lừng lẫy chiến trường, cũng là việc của một người tướng mọn, chớ không phải việc chúa công! Xin chúa công hãy bỏ cái tính cậy khoẻ của Mạnh Bôn, Hạ Dục

[1]

lại, để nghĩ đạo vương bá mới phải. Vả lại, Tống Khiêm chết trong đám tên đạn cũng vì chúa công khinh địch gây ra. Từ rày trở đi, mong chúa công giữ gìn cẩn thận mới được.

Quyền tạ rằng:

- Đó quả là lỗi tại ta, sẽ xin sửa chữa.

Một lát, Thái Sử Từ vào trướng bẩm rằng:

- Tôi có một tên thủ hạ là Qua Định, có bà con với tên giám mã của Trương Liêu. Nhân tên này bị Liêu đánh mắng oán giận lắm. Chiều nay, hắn sai người đến báo tin đốt lửa làm hiệu, đâm chết Trương Liêu, để báo thù cho Tống Khiêm. Vậy tôi xin mang quân đến làm ngoại ứng.

Quyền hỏi:

- Qua Định ở đâu?

- Nó đã lẻn vào trong thành Hợp Phì rồi, tôi xin lĩnh năm nghìn quân mã đi đây.

Gia Cát Cẩn nói:

- Trương Liêu là người đa mưu, hắn tất phòng bị trước, không nên vội vàng.

Quyền vì thương xót Tống Khiêm, nóng muốn báo thù, liền sai Từ dẫn năm nghìn quân làm ngoại ứng.

Qua Định nguyên là người làng với Từ. Hôm ấy, đi lẻn vào đám quân Tào, theo về Hợp Phì, tìm thấy tên giám mã. Hai tên bàn nhau.

Qua Định nói:

- Tôi đã sai người đi báo tin cho Thái Sử Từ rồi. Đêm nay thế nào cũng đến tiếp ứng. Anh định kế hoạch ra sao?

Tên giám mã nói:

- Chỗ này cách trung quân khá xa, đêm khuya không kịp tới được. Chỉ nên ra đốt đống cỏ, rồi anh chạy ra kêu ầm lên là có bọn phiến loạn, tất nhiên quân sĩ trong thành sẽ bối rối, nhân đó giết chết Trương Liêu.

Qua Định nói:

- Kế ấy hay lắm!

Đêm đó, Trương Liêu thắng trận trở về, khao thưởng ba quân, rồi truyền lệnh cho tướng sĩ không được cởi áo giáp nằm nghỉ. Tả hữu bẩm:

- Hôm nay thắng trận, quân Ngô phải trốn xa cả, sao tướng quân không cởi giáp nghỉ ngơi?

Liêu nói:

- Không phải rồi! Khéo làm tướng đừng thấy được mà mừng, đừng thấy thua mà lo. Phỏng thử quân Ngô đoán ta không phòng bị, thừa cơ đến đánh úp thì ta lấy gì chống lại? Vậy đêm nay ta phải cẩn thận hơn mọi đêm mới được.

Liêu nói chưa dứt lời thì mé sau trại đã bốc cháy, tiếng kêu phản ầm ĩ, người đến báo tin như mắc cửi. Trương Liêu ra trướng lên ngựa, gọi hơn chục tướng tá tâm phúc đứng chặn ngang đường.

Tả hữu bẩm:

- Tiếng reo gấp lắm, hãy đến đó xem sao.

Liêu nói:

- Không có lẽ toàn thành làm phản, đó là quân phiến loạn cố ý làm kinh động quân sĩ đấy thôi. Nếu ai xôn xao thì chém!

Được một lát, Lý Điển bắt được Qua Định và tên giám mã dẫn lại. Liêu tra khảo biết rõ được mưu mô, lập tức chém hai tên ấy ở trước ngựa. Lại nghe thấy ngoài thành đánh trống khua chiêng, hò reo inh ỏi cả lên. Liêu nói:

- Đây hẳn là quân Ngô đến làm ngoại ứng, ta nên nhân kế của địch mà phá.

Liền sai người đốt một đám lửa ở trong thành, reo hò làm phản, rồi mở toang cửa thành ra, buông cầu treo xuống. Thái Sử Từ thấy cửa thành mở toang, chắc có nội biến, vội vác giáo tế ngựa xông vào trước. Bỗng trong thành nổ một tiếng pháo, tên bắn xuống như mưa, Từ vội vã rút lui thì mình đã bị trúng mấy mũi tên. Sau lưng lại có Lý Điển, Nhạc Tiến đuổi đánh; quân Ngô tổn hại quá nửa. Hai tướng thừa thế đuổi đến tận cửa trại. Lục Tốn, Đổng Tập đổ ra cứu Từ, lúc ấy quân Tào mới chịu rút về.

Tôn Quyền thấy Thái Sử Từ bị tên đau nặng, lại càng thương cảm. Trương Chiêu khuyên Tôn Quyền bãi binh. Quyền nghe lời, thu quân xuống thuyền kéo về Nam Từ, Nhuận Châu. Từ đau nặng quá, Quyền sai Trương Chiêu đến thăm. Từ kêu to lên rằng:

- Đại trượng phu sinh trong thời loạn, nên đeo ba thước gươm lập nên công trạng bất hủ, nay chưa thoả chí sao đã chết thế này?

Từ kêu xong thì mất, mới có bốn mốt tuổi.

Người sau có thơ rằng:

Thái Sử Từ Đông Lai,

Trung hiếu vẹn cả hai,

Danh tiếng vang thiên hạ,

Cung ngựa tỏ nghề tài,

Bắc Hải đền ơn khách,

Thần Đình mải đánh dai.

Lâm chung còn khảng khái,

Ai ai cũng cảm hoài!

Tôn Quyền nghe tin Từ mất, thương xót vô cùng, sai làm ma to, táng ở núi Bắc Cố, quận Nam Từ, rồi đem con Từ là Thái Sử Hanh về nuôi trong phủ.

Nhắc đến Huyền Đức ở Kinh Châu, nghe tin Tôn Quyền thua ở Hợp Phì rút về Nam Từ, liền mời Khổng Minh vào bàn bạc.

Khổng Minh nói:

- Ban đêm, tôi xem thiên văn, thấy mé tây bắc có một ngôi sao sa xuống đất, tất thiệt mất người hoàng tộc.

Đang bàn chuyện, thì có tin công tử Lưu Kỳ tạ thế. Huyền Đức được tin, thương khóc thê thảm. Khổng Minh khuyên giải rằng:

- Người ta sống chết có số, chúa công không nên sầu não có hại đến sức khoẻ. Xin hãy giải quyết việc lớn là cho người sang đó coi giữ thành trì và lo liệu việc tang.

Huyền Đức hỏi:

- Nên sai ai đi?

Khổng Minh thưa:

- Việc ấy không có Vân Trường không xong.

Liền sai Vân Trường cất quân đến trấn thủ Tương Dương.

Huyền Đức lại hỏi:

- Nay Lưu Kỳ đã mất, Đông Ngô tất lại đòi Kinh Châu, thì ăn nói ra sao?

Khổng Minh nói:

- Có người lại, tôi sẽ có cách đối phó.

Được nửa tháng, có tin báo Lỗ Túc ở Đông Ngô đến viếng tang.

Đó là:

Dàn mưu nghĩ mẹo sẵn sàng,

Chỉ chờ Ngô sứ bước sang đối lời.

Chưa biết Khổng Minh đối đáp ra làm sao, xem đến hồi sau sẽ rõ.

Ngô quốc thái đến chùa xem rể hiền;

Lưu hoàng thúc động phòng cưới vợ mới.

Khổng Minh nghe tin Lỗ Túc đến liền cùng Huyền Đức ra tiếp vào dinh. Chào hỏi xong, Lỗ Túc hỏi:

- Chúa công tôi nghe tin công tử mất, sai tôi đem chút lễ mọn đến kính viếng. Chu đô đốc tôi cũng ân cần gởi lời thăm hoàng thúc và Gia Cát tiên sinh.

Huyền Đức, Khổng Minh đứng dậy tạ ơn, nhận lấy lễ vật, rồi đặt tiệc khoản đãi.

Túc nói:

- Trước kia hoàng thúc đã hứa khi nào công tử mất thì trả lại Kinh Châu. Nay công tử qua đời rồi, chưa biết ngày nào hoàng thúc mới trao trả?

Huyền Đức nói:

- Mời ông hãy uống rượu, tôi xin thưa chuyện.

Túc uống gượng vài chén, lại hỏi. Huyền Đức chưa kịp trả lời, Khổng Minh sầm mặt lại nói:

- Tử Kính thật không biết điều, cứ đợi người ta phải nói! Từ khi Cao hoàng đế chém rắn khởi nghĩa, khai cơ lập nghiệp truyền đến bây giờ, chẳng may gian hùng nổi dậy, mỗi người chiếm cứ một phương. Nhờ có lòng trời, thiên hạ lại trở về chính thống. Chúa công tôi là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương, chú vua Hiếu Cảnh, lại là chú của đương kim hoàng đế, có lẽ đâu không được mảnh đất phong nào? Vả lại, Lưu Cảnh Thăng là anh chúa công tôi, thế thì em nối nghiệp anh, có việc gì là không được? Chủ của ông, chẳng qua là con một người tiểu lại ở Tiền Đường, xưa nay có công đức gì với triều đình đâu, nay cậy sức mạnh, chiếm giữ sáu quận tám mươi mốt châu rồi, sao lòng tham không đáy, còn muốn nuốt cả đất nhà Hán. Thiên hạ của họ Lưu, chủ tôi họ Lưu không được phần nào. Chủ ông họ Tôn, lại muốn tranh cướp, thế còn ra nghĩa lý gì? Huống chi, trận Xích Bích chủ tôi cũng tốn bao công sức, các tướng cũng đều khó nhọc cả, chớ có phải một mình Đông Ngô của ông làm nổi đâu? Nếu ta không mượn giúp cho gió đông nam, thì Chu Du sao có dùng được kế? Giang Nam bị phá, chẳng những hai nàng Kiều phải nhốt ở đài Đồng Tước mà ngay vợ con các ông cũng khó toàn được. Mới rồi chúa công tôi không nói ngay, cũng tưởng ông là người cao minh, chẳng cần nói nhiều, sao ông không biết nghĩ thế?

Bị Khổng Minh nói một hồi, Lỗ Túc ngồi im thin thít không nói được câu nói nào, một lúc lâu mới đáp:

- Tiên sinh nói cũng có lý, nhưng đối với tôi, có nhiều điều không tiện.

Khổng Minh hỏi:

- Không tiện ở chỗ nào?

Túc đáp:

- Khi xưa hoàng thúc bị khốn ở Nam Dương, chính Túc này dẫn tiên sinh đến ra mắt chúa công tôi. Về sau, Chu Công Cẩn định cất quân lấy Kinh Châu, tôi lại ngăn được. Đến việc hoàng thúc hứa đợi khi nào công tử qua đời sẽ trả Kinh Châu, tôi lại cũng gánh vác cho nốt. Nay hoàng thúc lại không giữ lời hứa, bảo tôi về ăn nói làm sao bây giờ? Chủ tôi và Công Cẩn tất nhiên là bắt tội tôi; tôi có chết cũng không oán hận, chỉ sợ Đông Ngô bực tức, dấy động can qua thì hoàng thúc cũng chả ngồi yên được ở Kinh Châu, thành ra chỉ bày trò cười cho thiên hạ đó thôi!

Khổng Minh nói:

- Tào Tháo cầm quân trăm vạn, hơi một tý cũng mượn tiếng thiên tử, tôi cũng còn chẳng coi ra gì, huống nữa là Chu Công Cẩn! Để ông khỏi mất thể diện, tôi xin khuyên chúa công tôi lập văn tự mượn Kinh Châu làm vốn, đợi khi nào lấy được chỗ khác, sẽ đem Kinh Châu trả lại Đông Ngô, ý kiến ông thế nào?

Túc hỏi:

- Tiên sinh đợi lấy được chỗ nào rồi mới trả Kinh Châu cho Đông Ngô tôi?

Khổng Minh đáp:

- Trung Nguyên chưa dễ đã lấy được; chỉ có Lưu Chương ở Tây Xuyên hèn yếu lắm, chủ tôi sẽ tính. Nếu lấy được Tây Xuyên, thì sẽ trả Kinh Châu cho Đông Ngô.

Túc không sao nói được, đành phải nghe vậy.

Huyền Đức viết một tờ văn tự, ký tên xong, Khổng Minh cũng ký tên làm chứng. Rồi nói với Lỗ Túc rằng:

- Tôi là người nhà hoàng thúc, không lẽ trong nhà lại bảo lĩnh cho nhau; vậy phiền Tử Kính cũng ký tên vào đây, đem về Ngô hầu xem cho chắc chắn.

Túc nói:

- Tôi tin Lưu hoàng thúc là người nhân nghĩa, chắc không nỡ phụ nhau.

Nói xong, bèn ký tên và nhận lấy văn tự. Tiệc tan Lỗ Túc từ biệt ra về. Huyền Đức, Khổng Minh tiễn ra tận bến thuyền. Khổng Minh dặn rằng:

- Tử Kính về nói với Ngô hầu cho khéo, đừng có nghĩ càn. Nếu không nhận văn tự đó, chúng tôi trở mặt, thì cả tám mươi mốt châu Giang Nam cũng bị mất nốt đó! Nay chỉ cốt hai nhà hoà thuận với nhau, chớ nên để cho giặc Tào chê cười.

Túc cáo biệt, xuống thuyền về thẳng Sài Tang, trước ra mắt Chu Du. Du hỏi:

- Tử Kính đòi Kinh Châu ra sao?

Túc đáp:

- Có văn tự đây.

Nói rồi, đưa văn tự trình Chu Du. Du giẫm chân xuống đất nói rằng:

- Tử Kính mắc lừa Gia Cát Lượng rồi! Tiếng là họ mượn đất, kỳ thật họ chực nuốt không. Họ nói lấy được Tây Xuyên sẽ trả, giả thử mười năm chưa lấy được thì mười năm cũng không trả hay sao? Văn tự thế thì có giá trị gì, mà ông cũng ký tên bảo lĩnh? Nếu họ không trả chắc sẽ liên luỵ đến ông. Và chúa công bắt tội, thì ông làm thế nào?

Túc ngồi ngẩn ra một lúc, rồi đáp:

- Huyền Đức chắc không phụ tôi đâu.

Du nói:

- Tử Kính thật thà quá, không biết Lưu Bị như con cú dữ, Gia Cát Lượng là đồ gian giảo, bọn họ chả ngay thật như bụng dạ ông đâu.

Túc nói:

- Nếu thế, tôi biết nghĩ làm sao bây giờ?

Du nói:

- Tử Kính là người có ân với ta, nhớ khi tặng cho ta vựa thóc, lẽ đâu ta chẳng cứu? Ông hãy khoan tâm, để thư thả vài hôm, đợi người đi do thám Giang Bắc về đây xem thế nào, ta sẽ có kế.

Lỗ Túc tỏ vẻ sợ hãi, không được yên tâm.

Qua vài hôm, quân do thám về báo:

- Trong thành Kinh Châu cắm nhiều cờ trắng, ngoài thành mới xây một nấm mồ mới, quân sĩ đều mặc đồ tang.

Du ngạc nhiên, hỏi:

- Ai chết thế?

Quân do thám đáp:

- Cam phu nhân mới mất, bên ấy đang sửa soạn ma chay.

Du bảo Lỗ Túc rằng:

- Kế ta nhất định thành công! Phen này quyết làm cho Lưu Bị phải bó tay chịu trói, Kinh Châu lấy lại dễ như trở bàn tay.

Túc hỏi:

- Kế ra làm sao?

Du đáp:

- Lưu Bị chết vợ, tất nhiên phải lấy vợ khác. Chúa công có cô em gái can trường lắm, luôn luôn có vài trăm thị tỳ cắp gươm hầu bên cạnh, trong phòng lại bày la liệt đủ thứ vũ khí, ngay đàn ông cũng không giỏi bằng. Ta dâng thư lên chúa công, xin cho người sang Kinh Châu làm mối, rồi lừa hắn đến Nam Từ, không gả người cho mà bắt giam lại. Đoạn sai người đến đòi Kinh Châu, đánh đổi Lưu Bị. Khi nào lấy được Kinh Châu, ta sẽ lại liệu. Như thế Tử Kính cũng không phải lo gì nữa!

Lỗ Túc bái tạ.

Chu Du bèn viết thư, chọn thuyền tốc hành đưa Lỗ Túc sang Nam Từ ra mắt Tôn Quyền. Đến nơi trước hết Túc trình bày việc Kinh Châu, và đưa tờ văn tự lên.

Quyền nói:

- Sao ngươi hồ đồ thế? Cái thứ văn tự này dùng được việc gì?

Túc nói:

- Đô đốc có thư đệ trình, bảo dùng kế đó thì sẽ lấy lại được Kinh Châu.

Quyền xem xong gật đầu mừng thầm, nghĩ bụng:

“Ai có thể đi được nhỉ?”

Rồi sực nhớ ra, Quyền nói:

- Chỉ có Lã Phạm mới làm nổi việc này.

Liền cho gọi Lã Phạm vào và bảo rằng:

- Ta nghe Lưu Huyền Đức mới goá vợ, ta có người em gái, muốn kén y làm rể, kết thân với nhau, đồng tâm phá Tào, để giúp nhà Hán. Ngoài Tử Hành ra, không ai có thể làm mối được, mong người sang ngay Kinh Châu cho ta.

Lã Phạm vâng mệnh, thu xếp thuyền bè mang theo mấy tên tuỳ tùng thẳng tới Kinh Châu.

Lại nói, Huyền Đức từ khi mất Cam phu nhân, ngày đêm buồn rầu. Một hôm, đang ngồi nói chuyện với Khổng Minh, sực có tin báo Đông Ngô sai Lã Phạm đến. Khổng Minh cười, nói:

- Đây lại là mưu đồ của Chu Du về chuyện Kinh Châu thôi! Tôi ngồi nghe ở sau bình phong. Sứ giả có nói việc gì, chúa công cứ việc nhận lời; và giữ họ nghỉ ngơi ở nhà khách, rồi sau sẽ hay.

Huyền Đức cho mời Lã Phạm vào. Chào hỏi xong, trà nước đâu đấy. Huyền Đức hỏi:

- Tử Hành lại đây chắc có việc gì dạy bảo?

Phạm nói:

- Tôi nghe hoàng thúc thất ngẫu

[1]

, nay có một nơi xứng đáng lắm, nên mạnh dạn sang đây làm mối, chưa biết ý hoàng thúc thế nào?

Huyền Đức nói:

- Nửa đời goá vợ là sự rất không may, nay nấm mồ còn chưa xanh cỏ, sao dám vội bàn chuyện lấy vợ khác?

Phạm nói:

- Người ta có vợ như nhà có kèo, không nên nửa chừng bỏ đạo nhân luân. Chúa công tôi có một cô em gái có nhan sắc, lại hiền hậu, có thể nâng khăn sửa túi ngài được. Nếu hai kết thân Tần Tấn với nhau, thì giặc Tào chắc không dám nhìn ngó đến phía đông nam này nữa. Việc này công tư đều nên cả, xin hoàng thúc chớ ngại! Song, Ngô quốc thái tôi yêu thương cô gái út lắm, không muốn gả chồng xa, chỉ muốn mời hoàng thúc sang Đông Ngô làm lễ thành thân.

Huyền Đức hỏi:

- Việc này Ngô hầu có biết không?

Phạm đáp:

- Chưa bẩm với Ngô hầu, có đâu tôi dám đến đây.

Huyền Đức nói:

- Ta đã nửa đời người, đầu tóc hoa râm, em gái Ngô hầu đang độ son trẻ, e không xứng đôi phải lứa.

- Em Ngô hầu tuy là con gái, nhưng chí khí hơn cả nam nhi. Cô ấy thường nói: “Không phải người anh hùng nhất thiên hạ, ta không thèm lấy”. Hoàng thúc tiếng tăm lừng lẫy cả bốn bể, chính là thục nữ sánh với người quân tử, có ngại gì tuổi nhiều hay ít?

Huyền Đức nói:

- Vậy ông hãy ở chơi đây, đến mai sẽ xin nói lại.

Hôm ấy, Huyền Đức mở tiệc khoản đãi Lã Phạm, rồi lưu lại nhà khách. Đến tối Huyền Đức bàn với Khổng Minh. Khổng Minh nói:

- Ý tứ của họ thế nào, tôi đã biết cả rồi. Tôi vừa bói dịch được quẻ đại cát. Chúa công cứ việc nhận lời đi. Mai tôi sai Tôn Càn đi theo Lã Phạm sang thưa chuyện với Ngô hầu; hứa hẹn xong rồi ta sẽ chọn ngày sang cưới.

Huyền Đức nói:

- Chu Du lập mưu muốn hại ta, sao ta lại đem mình vào nơi nguy hiểm?

Khổng Minh cười, nói:

- Chu Du tuy giỏi dùng mưu, nhưng che sao được mắt tôi. Tôi chỉ dùng một mẹo nhỏ, khiến Chu Du không thò được ngón gì, mà em gái Ngô hầu lại về tay chúa công, Kinh Châu cũng vững như bàn thạch.

Huyền Đức vẫn còn hoài nghi; Khổng Minh sai ngay Tôn Càn cứ việc sang Giang Nam nói việc hôn nhân. Tôn Càn vâng mệnh cùng với Lã Phạm sang ra mắt Tôn Quyền.

Quyền nói:

- Ta muốn gả em gái cho Huyền Đức, chớ không có bụng dạ nào khác.

Tôn Càn lạy tạ, về thưa chuyện lại với Huyền Đức nói Ngô hầu chỉ mong chúa công sang làm lễ thành hôn. Huyền Đức ngại ngùng không muốn đi. Khổng Minh nói:

- Tôi đã định sẵn ba kế, việc này phi Tử Long đi không xong!

Bèn gọi Tử Long đến cạnh, ghé tai dặn rằng:

- Ngươi bảo vệ chúa công sang Đông Ngô, nên nhận lấy ba cẩm nang này, trong có ba kế rất hay, cứ theo thứ tự mà làm.

Nói đoạn, đưa ba cẩm nang cho Vân giấu kỹ trong người. Đoạn Khổng Minh sai người sang Đông Ngô dâng lễ cưới trước, lễ vật đầy đủ không thiếu thứ gì.

Tháng mười mùa đông, năm Kiến An thứ 14, Huyền Đức cùng với Triệu Vân, Tôn Càn thu xếp chục chiếc thuyền tốc hành, mang theo năm trăm quân sĩ, dời Kinh Châu sang Nam Từ. Mọi việc ở Kinh Châu đều giao cho Khổng Minh trông coi.

Huyền Đức trong lòng áy náy không yên. Khi thuyền đã đến Nam Từ, Vân tự nhủ:

- Quân sư trao cho ba kế hay, dặn cứ thứ tự làm theo, nay đã đến đây, phải mở túi thứ nhất ra xem mới được!

Vân bèn mở túi thứ nhất ra xem. Xem xong, Vân gọi năm trăm quân sĩ, dặn bảo các việc. Lại nói với Huyền Đức vào ra mắt Kiều quốc lão trước. Cụ này là cha hai nàng Kiều, nhà ở Nam Từ.

Huyền Đức mang dê và rượu vào bái kiến quốc lão, thuật lại việc Lã Phạm sang làm mối Tôn phu nhân. Năm trăm quân sĩ, người áo thắm, kẻ quần điều, tấp nập ra phố mua bán đồ vật, nói toang lên rằng Huyền Đức vào làm rể Đông Ngô. Mọi người trong thành đều biết chuyện cả.

Tôn Quyền thấy Huyền Đức đến, sai Lã Phạm ra đón tiếp, mời đến nhà khách nghỉ ngơi.

Đây nói Kiều quốc lão gặp Huyền Đức xong, vào ngay trong cung chúc mừng bà Ngô quốc thái.

Quốc thái hỏi:

- Có việc gì mà mừng?

Kiều quốc lão đáp:

- Cô em đã gả cho Huyền Đức làm phu nhân, nay chàng rể đã sang đây rồi, sao còn giấu tôi?

Quốc thái ngạc nhiên nói:

- Quả thật tôi không biết gì hết!

Lập tức một mặt quốc thái cho gọi Ngô hầu vào hỏi xem hư thực ra sao, một mặt cho người ra phố xá nghe ngóng tình hình.

Mọi người về đều nói rằng:

- Quả có việc ấy thực! Chàng rể mới đã nghỉ ở nhà khách, năm trăm quân sĩ đi theo đang tíu tít mua sắm dê lợn, hoa quả để sửa lễ kết hôn. Bên nhà gái thì Lã Phạm, bên nhà trai thì Tôn Càn, hai người làm mối, hiện đã ở cả nơi nhà khách tiếp đãi nhau.

Quốc thái giật mình. Một lát, Tôn Quyền vào, quốc thái cứ đấm bụng khóc ầm lên. Quyền hỏi:

- Sao mẫu thân phiền não thế?

Quốc thái nói:

- Mày thật không coi tao ra gì nữa rồi! Khi chị ta lâm chung, dặn lại mày những câu gì?

Quyền thất kinh, hỏi:

- Mẫu thân có điều gì cứ cho con biết, sao lại khổ sở như vậy?

Quốc thái nói:

- Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng, vẫn là lẽ thường xưa nay. Tao là mẹ mày, có việc gì cũng phải nói với tao trước mới phải chớ! Nay mày đem em gả cho Lưu Huyền Đức, sao mày lại giấu tao? Con gái phải quyền ở tao chớ!

Quyền giật mình, hỏi:

- Mẫu thân nghe chuyện ấy ở đâu vậy?

Quốc thái nói:

- Trừ phi không làm thì không biết thôi! Nay trăm họ trong thành, ai ai cũng biết cả, mày lại còn giấu giếm gì?

Kiều quốc lão nói:

- Lão biết việc này đã mấy hôm nay rồi, nay vào mừng đấy!

Quyền nói:

- Không phải đâu! Đó là kế của Chu Du, vì muốn lấy Kinh Châu, cho nên mượn tiếng như thế, cốt lừa Lưu Bị đến đây, bắt giam lại, đổi lấy Kinh Châu; nếu không nghe thì giết đi. Đó là mưu kế chớ không phải sự thật!

Quốc thái nổi giận, mắng Chu Du rằng:

- Ngươi làm đại đô đốc sáu quận, tám mươi mốt châu, không nghĩ được một mưu gì để lấy Kinh Châu mà phải mượn tiếng con gái bà, dùng kế mỹ nhân? Lưu Bị bị giết, con bà chưa chồng, mà té ra mang tiếng goá bụa, còn ai lấy nữa, có phải lỡ cả một đời con gái bà không? Thế cũng đòi lập mưu với lập mẹo!

Kiều quốc lão nói:

- Nếu dùng kế ấy, dù có lấy lại được Kinh Châu, cũng bị thiên hạ chê cười!

Tôn Quyền ngồi im thin thít. Quốc thái thì cứ chửi mắng Chu Du không ngớt miệng, Kiều quốc lão can rằng:

- Việc đã lỡ ra thế này rồi, nhưng xét Lưu Huyền Đức cũng là tôn thân nhà Hán, chi bằng gả đi, kẻo mang tiếng xấu.

Quyền nói:

- E không vừa đôi phải lứa.

Kiều quốc lão nói:

- Lưu hoàng thúc là hào kiệt thời nay; nếu kén được người rể ấy cũng xứng đáng, không nhục gì cô em đâu!

Quốc thái nói:

- Ta chưa biết mặt Lưu hoàng thúc ra sao, ngày mai mời đến chùa Cam Lộ cho ta xem mặt. Nếu vừa ý ta thì gả quách con ta cho hoàng thúc cũng được.

Tôn Quyền vốn là người chí hiếu, thấy mẹ nói thế, liền vâng lời, trở ra gọi Lã Phạm bảo:

- Ngày mai mở một tiệc yến ở nhà phương trượng chùa Cam Lộ, để quốc thái xem mặt Lưu Bị.

Lã Phạm nói:

- Sao không sai Giả Hoa phục sẵn ba trăm quân đao phủ ở hai bên hành lang. Hễ thấy quốc thái có ý không bằng lòng, thì nổi một tiếng hiệu cho quân phục đổ ra mà trói Lưu Bị lại.

Quyền y lời, bảo Giả Hoa sắp sẵn mọi việc đâu đấy, chỉ chờ xem ý quốc thái ra sao thôi.

Lại nói, Kiều quốc lão từ biệt quốc thái trở về, sai người báo tin cho Huyền Đức:

- Ngày mai, Ngô hầu và quốc thái thân đến gặp mặt, vậy phải để ý cẩn thận!

Huyền Đức bàn với Tôn Càn và Triệu Vân. Vân nói:

- Buổi hội ngày mai, dữ nhiều lành ít. Tôi xin dẫn năm trăm quân đi bảo vệ.

Hôm sau, Ngô quốc thái và Kiều quốc lão đến trước chùa Cam Lộ, vào nhà phương trượng ngồi chơi. Tôn Quyền dẫn một ban mưu sĩ cùng đến, sai Lã Phạm ra nhà khách mời Huyền Đức.

Huyền Đức mặc áo giáp nhỏ ở trong, ngoài khoác cẩm bào. Các tuỳ tùng đeo kiếm đi theo, lên ngựa thẳng tới chùa Cam Lộ. Triệu Vân mặc giáp, nai nịt gọn ghẽ, dẫn năm trăm quân bảo vệ. Huyền Đức đến cửa chùa xuống ngựa, vào ra mắt Tôn Quyền trước. Quyền thấy Huyền Đức diện mạo phi thường, đã có ý hoảng sợ. Hai bên chào hỏi nhau rồi, vào nhà phương trượng ra mắt quốc thái. Quốc thái thấy Huyền Đức mừng lắm, nói với Kiều quốc lão:

- Người này thật đáng rể ta lắm!

Quốc lão nói:

- Huyền Đức có dáng như rồng như phượng, uy nghi đường bệ. Vả lại, nhân nghĩa dội khắp thiên hạ. Quốc thái được rể hiền như thế, thật đáng chúc mừng!

Huyền Đức lạy tạ, cùng ăn yến ở trong nhà phương trượng. Một lát, Tử Long đeo gươm đi vào, đứng bên cạnh Huyền Đức, Quốc thái hỏi người nào? Huyền Đức bẩm:

- Đó là Triệu Vân ở Thường Sơn.

Quốc thái nói:

- Có phải tướng cứu được A Đẩu ở trận Đương Dương Trường Bản đó không?

Huyền Đức nói:

- Bẩm chính phải!

Quốc thái khen:

- Thế mới thực là tướng quân!

Nói rồi ban cho Triệu Vân một cốc rượu. Vân bảo Huyền Đức rằng:

- Tôi vừa đi xem xét ngoài hành lang, tất nhiên có chuyện chẳng lành; chúa công nên kêu với quốc thái.

Huyền Đức liền đến quỳ trước mặt quốc thái, khóc mà nói rằng:

- Quốc thái nhược bằng muốn giết Lưu Bị, thì Bị xin ra đây để chịu chết!

Quốc thái hỏi:

- Sao lại nói thế?

Huyền Đức thưa:

- Quân đao phủ mai phục hai bên hành lang, không có ý giết Bị thì để làm gì?

Quốc thái nổi giận mắng Tôn Quyền rằng:

- Nay Huyền Đức đã là rể ta, thì cũng như con ta, sao dám phục quân để mưu hại?

Quyền chối không biết, gọi Lã Phạm ra hỏi. Phạm lại đổ cho Giả Hoa. Hoa nín lặng. Quốc thái sai tả hữu lôi ra chém. Huyền Đức can rằng:

- Trong việc vui mừng không nên chém đại tướng. Nếu chém đại tướng thì việc kết thân sẽ bất lợi, Bị này khó lòng ở đây lâu để hầu hạ quốc thái.

Kiều lão công cũng khuyên can. Quốc thái mới mắng đuổi Giả Hoa ra. Quân đao phủ, tên nào tên nấy ôm đầu lủi thủi chạy cả.

Huyền Đức trở ra ngoài thay áo. Đến trước sân chùa, Huyền Đức thấy có một hòn đá to, liền rút thanh gươm của tên lính hầu, ngẩng mặt lên trời khấn rằng:

- Tôi là Lưu Bị, nếu trở về được Kinh Châu, lập nổi nghiệp vương bá, thì xin chém hòn đá này một nhát vỡ ra làm đôi. Nhược bằng số tôi chết ở đây, thì đá không vỡ.

Huyền Đức khấn đoạn, cầm thanh gươm chém xuống, nảy toé lửa, hòn đá vỡ ra làm hai mảnh.

Tôn Quyền ở mé sau trông thấy bèn hỏi rằng:

- Huyền Đức giận gì hòn đá thế?

Huyền Đức nói:

- Tôi đã ngót năm chục tuổi đầu, không trừ được giặc giã cho nước, trong lòng buồn bực lắm. Nay nhờ quốc thái thương yêu cho làm rể, thật là một việc kỳ ngộ. Tôi lấy làm thoả chí bình sinh. Vừa rồi tôi khấn trời bói một quẻ, nếu phá được Tào, hưng được Hán, thì chém vỡ hòn đá. May sao, quả nhiên như nguyện!

Quyền nghĩ thầm:

- Phải chăng Huyền Đức bịa ra để nói dối ta chăng?

Bèn cũng cầm một thanh gươm bảo Huyền Đức rằng:

- Tôi cũng xin trời một quẻ, nếu phá được giặc Tào cũng chặt hòn đá này vỡ làm đôi.

Rồi Quyền khấn lầm rầm:

- Nếu lấy lại được Kinh Châu, hưng vượng Đông Ngô, thì xin chém hòn đá này làm hai mảnh!

Quyền liền vung kiếm, chém một nhát, hòn đá lại toác làm hai mảnh nữa.

Đến bây giờ vẫn còn di tích hai hòn đá có vết chữ thập, gọi là “Hòn đá căm hờn”.

Người sau thăm nơi thắng cảnh đó vịnh thơ rằng:

Tảng đá trơ trơ trước Phật đài,

Gươm đưa một nhát, toác làm đôi,

Quả nhiên hai nước cùng hưng vượng,

Thiên hạ chia ba bởi mệnh trời!

Hai người cùng bỏ gươm xuống, dắt nhau vào tiệc, lại uống thêm vài tuần rượu nữa. Tôn Càn đưa mắt cho Huyền Đức, Huyền Đức mới từ tạ rằng:

- Tôi không uống được nhiều rượu, xin cáo thoái.

Tôn Quyền tiễn ra trước cửa chùa, hai người đứng ngắm phong cảnh sông núi. Huyền Đức khen rằng:

- Đây mới thực là giang sơn bậc nhất trong thiên hạ!

Đến nay trong chùa Cam Lộ có bức hoành để mấy chữ: “Thiên hạ đệ nhất giang sơn”.

Người sau có đề một bài thơ rằng:

Núi non chen chúc, ốc xanh trồng,

Phong cảnh nhìn xem cũng lạ lùng.

Nào chỗ anh hùng chơi thuở trước

Hẳn nơi sườn núi tựa dòng sông?

Trong khi hai người đang đứng ngắm nghía, bỗng nhiên trời nổi gió to, dưới sông sóng dâng cuồn cuộn. Chợt thấy một chiếc thuyền nhỏ, đi trên mặt nước, vững vàng như đi trên cạn. Huyền Đức than rằng:

- Đất bắc cưỡi ngựa, miền nam bơi thuyền, quả nhiên có thế thật!

Tôn Quyền nghe nói, nghĩ rằng:

- Huyền Đức có ý khinh ta không biết cưỡi ngựa chăng?

Lập tức sai người dắt ngựa đến, nhảy phắt lên tế xuống chân núi, rồi lại phi lên tận đỉnh núi, cười bảo Huyền Đức rằng:

- Người miền nam không biết cưỡi ngựa sao?

Huyền Đức nghe nói làm vậy, cũng vén áo nhảy lên ngựa, phi xuống núi rồi lại phi lên. Hai người kìm ngựa đứng trên đỉnh núi, giơ roi cười khúc khích với nhau. Vì thế chỗ ấy gọi là gò Trụ mã.

Người sau có thơ rằng:

Rặng đá quanh co ngựa ruổi rong,

Dừng cương đỉnh núi ngắm non sông,

Đông Ngô, Tây Thục nên vương bá,

Trụ mã nghìn thu vững tựa đồng!

Khi ấy hai người lại sóng đôi ngựa trở về. Nhân dân Nam Từ, ai nấy đều nức nở khen ngợi. Huyền Đức về nhà khách, bàn với Tôn Càn. Càn nói:

- Chúa công nên nói với Kiều quốc lão, xin thành hôn cho mau, kẻo lại sinh chuyện gì chăng?

Huyền Đức nghe lời, hôm sau lại đến nhà Kiều quốc lão. Quốc lão mời vào, thi lễ và nước nôi xong, Huyền Đức bẩm rằng:

- Nhiều người bên Giang tả đều muốn hại tôi, tôi e không ở lại đây lâu được!

Quốc lão nói:

- Ông hãy yên tâm, để tôi nói với quốc thái chu toàn cho.

Huyền Đức lạy tạ ra về.

Kiều quốc lão vào gặp quốc thái nói Huyền Đức sợ người mưu hại, cứ nằng nặc đòi về.

Quốc thái nổi giận, nói:

- Con rể ta đó, ai dám giết nó nào?

Lập tức sai người ra mời Huyền Đức dọn dẹp vào ở tạm phòng sách, chọn ngày làm lễ cưới.

Huyền Đức vào bẩm với quốc thái rằng:

- Còn Triệu Vân ở ngoài không tiện, quân sĩ không có ai đôn đốc.

Quốc thái cho vào ở cả trong phủ, kẻo ở ngoài nhà khách lại sinh chuyện. Huyền Đức mừng thầm.

Vài hôm sau, quốc thái kén được ngày lành tháng tốt, mở tiệc rất to, rồi cho Tôn phu nhân cùng với Huyền Đức làm lễ thành hôn. Đến chiều tối khách khứa tan đâu vào đấy, hai hàng đuốc hoa đỏ ối soi dẫn cho Huyền Đức nhập phòng. Dưới ánh đèn thấp thoáng, Huyền Đức chỉ thấy gươm giáo tua tủa, hai bên thị nữ, kẻ thì cắp gươm, người thì vác kích. Huyền Đức sợ mất hồn.

Thế là:

Hoảng trông thị nữ đeo gươm đứng,

Cứ tưởng Đông Ngô đặt phục binh.

Chưa biết duyên cớ ra sao, xem hồi sau sẽ hiểu.

Hồi 55

Huyền Đức khéo léo, nói khích Tôn phu nhân;

Khổng Minh hai phen trêu tức Chu Công Cẩn.

Lại nói Huyền Đức trông thấy trong phòng Tôn phu nhân hai bên giáo mác tua tủa, thị tỳ lại toàn đeo gươm đứng hầu, hồn vía rụng rời. Mụ quản gia bước ra thưa:

- Quý nhân đừng sợ hãi, phu nhân tôi từ thuở bé vốn thích nghề võ. Thường thường vẫn sai thị tỳ đấu gươm giúp vui, cho nên có quang cảnh ấy.

Huyền Đức nói:

- Đó không phải là những đồ của phu nhân chơi, ta khiếp sợ lắm, hãy bỏ đi thôi.

Mụ liền vào bẩm với Tôn phu nhân:

- Tân lang trông thấy khí giới có vẻ không an tâm, xin hãy cho cất cả đi.

Phu nhân cười tủm tỉm nói rằng:

- Chinh chiến đã quá nửa đời người, cũng còn sợ gươm giáo à?

Nói đoạn sai bỏ cả đi và bảo thị tỳ cởi gươm ra đứng hầu. Đêm hôm ấy, Huyền Đức thành thân với Tôn phu nhân, tâm đầu ý hợp lắm. Huyền Đức lại phát vàng lụa cho các thị tỳ để gây cảm tình; rồi sai Tôn Càn về Kinh Châu báo tin mừng. Từ bữa ấy yến tiệc luôn mấy hôm, quốc thái yêu mến vô cùng.

Tôn Quyền sai người đến Sài Tang, báo tin cho Chu Du biết rằng:

- Việc đó do mẫu thân ta chủ trương cả, mẫu thân ta đã đem em gái ta gả cho Lưu Bị rồi, không ngờ chuyện giả hoá thật! Bây giờ định liệu làm sao?

Chu Du được tin, giật mình, đứng ngồi không yên, liền nghĩ ra một kế, vội viết mật thư sai người dâng lên Tôn Quyền. Quyền mở thư xem, trong thư nói:

“Việc mới rồi, không ngờ xảy ra điên đảo như vậy. Nay đã chuyện giả hoá thật, phải lợi dụng việc này mà dùng kế khác mới xong. Lưu Bị đã là bậc kiêu hùng, lại có Quan, Trương, Triệu Vân làm tướng, Gia Cát Lượng bày mưu lập mẹo, chắc không phải là người chịu hèn mãi đâu. Theo ý tôi, chi bằng hãy giam lỏng hắn ở Đông Ngô. Ta sửa sang cửa nhà cho lộng lẫy, làm nhụt chí khí của hắn đi, đưa vào nhiều gái đẹp, và những đồ quý báu khiến hắn mê mải cuộc vui, nhạt tình cũ với Quan, Trương, quên Gia Cát Lượng, mỗi người một nơi. Rồi ta sẽ đem quân sang đánh, thế nào việc lớn cũng thành công. Nếu thả về ngay, e rằng giao long gặp được mưa gió, không khi nào chịu chết già trong ao tù nữa đâu. Xin chúa công xét cho kỹ”.

Quyền xem thư xong, đưa cho Trương Chiêu, Chiêu thưa:

- Mẹo của Công Cẩn cũng hợp với ý tôi. Lưu Bị xuất thân hàn vi, long đong bốn bể, chưa được nếm mùi phú quý bao giờ. Nay nếu cho hắn ở cửa cao nhà rộng, lắm tiền nhiều bạc, hầu con gái đẹp, ra vào nâng giấc, tất nhiên hắn sẽ không tưởng gì đến Khổng Minh, Quan, Trương nữa, khiến bọn đó đâm ra oán tức. Có thế thì ta mới tính được Kinh Châu. Chúa công nên theo mẹo Công Cẩn mà làm ngay đi.

Quyền mừng lắm, lập tức sai sửa sang toà đông phủ, trồng cây cối hoa cảnh cực đẹp, bày biện đồ đạc tươm tất, rồi mời Huyền Đức và em gái sang ở cả đó. Lại kén hàng chục con hát cực hay và cả đồ vàng ngọc, gấm vóc đem lại. Quốc thái tưởng là Tôn Quyền có lòng tốt, lấy làm hả dạ lắm. Quả nhiên Huyền Đức mê mải về nhạc hay sắc đẹp, không tưởng trở về Kinh Châu nữa.

Triệu Vân và năm trăm quân sĩ ở riêng một nhà cạnh đông phủ, nhàn rỗi cả ngày, chỉ ra ngoài thành phóng ngựa săn bắn chơi bời. Ngày tháng thấm thoát, đã gần hết năm. Vân sực nhớ Khổng Minh trao cho ba cái túi gấm, có dặn thoạt tiên đến Nam Từ thì mở túi thứ nhất, cuối năm, mở túi thứ hai, đến khi nào nguy cấp không có đường chạy, thì mở nốt cái thứ ba. Trong túi có mẹo xuất quỷ nhập thần, bảo toàn được chúa công về tới nhà. Nay đã sắp hết năm rồi, chúa công thì cứ ham mê nữ sắc, không trông thấy mặt lúc nào, sao không mở túi thứ nhì xem kế mà làm?

Vân liền mở túi ra xem, biết được mưu mẹo như vậy. Ngay hôm ấy, Vân đến phủ xin gặp Huyền Đức. Thị tỳ vào báo:

- Triệu Vân có việc khẩn cấp đến bẩm với quý nhân.

Huyền Đức gọi vào hỏi. Vân làm ra vẻ lo sợ, nói:

- Chúa công cứ ở trong cung thẳm, không tưởng gì đến Kinh Châu nữa à?

Huyền Đức nói;

- Có việc gì mà ngơ ngác như thế?

Vân đáp:

- Sáng nay, Khổng Minh sai người sang Tào Tháo muốn trả thù hận Xích Bích, đã khởi năm mươi vạn tinh binh đánh đến Kinh Châu. Việc nguy cấp đến nơi, chúa công phải về ngay mới được!

Huyền Đức nói:

- Ta cần phải bàn với phu nhân đã.

Vân nói:

- Nếu chúa công bàn với phu nhân, chắc phu nhân chả để cho đi. Bất nhược đừng nói, chiều nay về luôn, kẻo chậm thì lỡ việc.

Huyền Đức nói:

- Ngươi hãy ra ngoài, để ta sẽ liệu.

Vân cố giục gĩa hai ba lần, rồi lui ra.

Huyền Đức trở về gặp Tôn phu nhân liền rơm rớm nước mắt. Phu nhân nói:

- Phu quân có điều chi phiền não làm vậy?

Huyền Đức nói:

- Tôi nghĩ mình tôi, một thân nương nhờ đất khách. Khi cha mẹ còn, đã không thờ phụng được thì chớ, tết nhất đến nơi, lại không tề tựu được tổ tiên, làm cho tôi áy náy trong lòng.

Phu nhân nói:

- Thôi, phu quân đừng giấu tôi nữa. Tôi đã biết rõ cả rồi. Lúc nãy, Triệu Tử Long báo tin Kinh Châu nguy cấp, phu quân muốn về nên mượn cớ đó thôi.

Huyền Đức quỳ xuống nói:

- Phu nhân đã biết, tôi đâu dám giấu giếm? Tôi mà không về, nếu mất Kinh Châu sẽ bị thiên hạ chê cười. Tôi mà về thì lại không dứt được tình nghĩa với phu nhân. Vì thế tôi phiền não lắm.

Phu nhân nói:

- Tôi thì phận gái chữ tòng, chàng đi thiếp cũng một lòng xin theo.

Huyền Đức nói:

- Đành rằng phu nhân có lòng tốt như thế, nhưng quốc thái và Ngô hầu sao chịu cho phu nhân đi? Phu nhân có thương tôi, xin hãy yên tâm tạm ở lại đây, để tôi đi một mình cho tiện.

Nói đoạn, nước mắt ròng ròng.

Phu nhân khuyên giải rằng:

- Phu quân đừng phiền não nữa, để tôi nói khó với mẫu thân tôi, chắc sẽ cho tôi về với phu quân nhân thể.

Huyền Đức nói:

- Mặc dầu quốc thái cho phép, nhưng thế nào Ngô hầu cũng ngăn trở.

Tôn phu nhân ngồi nghĩ một lúc, rồi nói:

- Để đến giữa hôm mồng một tết, tôi với phu quân mượn cớ ra bờ sông tế tổ, rồi ta cùng lẻn đi cả, có được không?

Huyền Đức nói:

- Nếu được thế, tôi sống chết cũng không quên ơn phu nhân. Nhưng xin chớ để lộ chuyện ra ngoài.

Hai vợ chồng bàn định đâu đấy, Huyền Đức mật gọi Tử Long vào dặn:

- Ngày mồng một tết, người dẫn quân ra trước chực sẵn ở dọc đường. Ta lấy cớ tế tổ sẽ cùng phu nhân đi một thể.

Vân vâng lời.

Ngày nguyên đán, tháng giêng, mùa xuân, năm Kiến An thứ 15, Ngô hầu hội cả văn võ trong triều. Huyền Đức và Tôn phu nhân vào bái yết bà quốc thái.

Phu nhân thưa:

- Phu quân con nhớ đến mồ mả tôn tổ, cha mẹ, ở cả Trác Quận, ngày đêm thương cảm khôn nguôi. Nay muốn ra bờ sông tế vọng, xin cáo để mẫu thân được biết.

Quốc thái nói:

- Đó cũng là đạo hiếu, lẽ nào mẹ chẳng đồng ý. Con không được biết bố mẹ chồng, thì phải cùng với chồng con ra tế bái cho xứng đạo làm dâu con ạ!

Hai vợ chồng lạy tạ trở ra. Muốn giấu không cho Tôn Quyền biết, phu quân ngồi xe, chỉ mang một ít đồ dùng lặt vặt, Huyền Đức lên ngựa, dẫn vài tên quân kỵ mã đi theo ra thành, hội với Triệu Vân. Năm trăm quân sĩ tiền hô hậu ủng, rời khỏi Nam Từ, cấp tốc đi miết.

Hôm ấy, Tôn Quyền say quá, tả hữu vực vào nhà trong, văn võ tan đâu về đấy. Đến lúc các quan biết tin Huyền Đức và phu nhân đi, thì trời đã tối. Muốn báo cho Tôn Quyền biết nhưng Quyền lại đang ngủ say. Khi Quyền tỉnh dậy thì trời đã tang tảng sáng.

Hôm sau, Quyền nghe tin Huyền Đức trốn mất, vội vàng đòi văn võ vào bàn bạc.

Trương Chiêu nói:

- Nếu để người này chạy thoát được, nay mai tất sinh loạn, nên sai người đuổi cho mau.

Quyền sai ngay Trần Vũ, Phan Chương lựa năm trăm tinh binh, không kể ngày đêm phải đuổi kịp bắt Huyền Đức về.

Hai tướng được lệnh nhận quân đi.

Tôn Quyền giận Huyền Đức không biết ngần nào, cầm nghiên mực bằng ngọc trên án thư đập tan ra từng mảnh.

Trình Phổ nói:

- Chúa công dù có nổi trận lôi đình, tôi tin chắc hai tướng cũng không bắt nổi Lưu Bị.

Quyền nói:

- Ai dám trái lệnh ta?

Phổ nói:

- Quận chúa từ nhỏ ưa chuộng nghề võ, tính khí nghiêm nghị, các tướng đều sợ cả. Nay đã thuận theo Lưu Bị, tất nhiên đồng tâm đi với nhau. Các tướng đuổi theo, nếu gặp quận chúa, thì còn ai dám hạ thủ nữa.

Quyền giận lắm, rút ngay thanh gươm đang đeo, gọi Tưởng Khâm, Chu Thái đến bảo rằng:

- Hai tướng đem thanh gươm này đi lấy cả đầu em ta lẫn đầu Lưu Bị mang về đây. Nếu trái lệnh sẽ bị chém đầu!

Hai tướng lĩnh mệnh, lại dẫn một nghìn quân mã đuổi theo.

Nói về Huyền Đức, gò cương ra roi, đi như rút đường. Đêm hôm ấy, nghỉ tạm ở dọc đường chừng hai trống canh lại vội vàng khởi hành, gần đến đầu địa phận Sài Tang, ngoảnh lại, thấy mé sau bụi bay mù mịt, đoán chắc là có quân đuổi theo. Huyền Đức đâm hoảng, hỏi Vân:

- Quân đuổi đến nơi, làm thế nào bây giờ?

Vân nói:

- Chúa công hãy đi trước, để tôi đi chặn hậu.

Vừa qua chân núi trước mặt, một toán quân mã xông ra chẹn đường, hai tướng đi đầu quát to lên rằng:

- Lưu Bị xuống ngựa chịu trói cho mau! Ta phụng lệnh Chu đô đốc đợi ở đây đã lâu rồi!

Thì ra Chu Du vẫn có ý sợ Huyền Đức chạy trốn, nên đã sai Từ Thịnh, Đinh Phụng dẫn ba nghìn quân mã đóng đồn chực sẵn ở nơi xung yếu, hàng ngày cho người lên gò cao trông chừng, đoán chắc nếu Huyền Đức đi theo đường bộ thế nào cũng qua lối này. Khi ấy hai tướng trông thấy có một toán quân mã của Huyền Đức đi đến, liền cầm võ khí ra chặn đường.

Huyền Đức hoảng sợ, dừng ngựa lại hỏi Triệu Vân rằng:

- Trước mặt có quân chặn đường, sau lưng có quân đuổi theo, hết đường rồi, làm thế nào bây giờ?

Vân thưa:

- Chúa công chớ ngại. Quân sư có ba điều diệu kế ở trong túi gấm này. Hai lần mở trước đều đã trúng cả. Nay còn điều thứ ba, dặn lúc nào nguy cấp lắm mới mở. Chính lúc này nên mở ra xem sao.

Nói rồi, Vân mở nốt túi thứ ba dâng lên, Huyền Đức xem xong, đến ngay trước xe Tôn phu nhân khóc mà nói rằng:

- Tôi có mấy lời tâm phúc, đến đây phải thành thật tỏ bày cùng phu nhân.

Phu nhân nói:

- Phu quân có điều gì, cứ nói thực cho tôi được biết!

Huyền Đức nói:

- Trước kia Ngô hầu đồng mưu với Chu Du gọi gả phu nhân cho tôi, thực ra không phải có ý muốn tác thành cho phu nhân đâu, mà chính là định cấm tù Bị này để cướp Kinh Châu đó thôi. Khi Kinh Châu về tay rồi, họ sẽ giết tôi đi. Rõ ràng họ dùng phu nhân làm cái mồi thơm để dử tôi đó. Sở dĩ tôi không sợ chết, dám cả gan đến đây, vì biết chắc phu nhân có chí khí nam nhi, có lòng yêu thương đến tôi. Vừa rồi, thấy Ngô hầu có ý muốn hại, nên tôi nói dối là Kinh Châu có việc, để tính đường trở về. Nay được phu nhân không nỡ bỏ nhau, theo tôi đến đây. Không ngờ Ngô hầu sai người đuổi theo sau lưng. Chu Du lại cho người chặn đường trước mặt. Ngoài phu nhân ra không ai gỡ được nạn này. Nếu phu nhân không rủ lòng cứu cho, thì tôi xin chết ngay ở trước xe để đáp ơn đức của phu nhân!

Phu nhân nổi giận nói:

- Anh tôi đã không coi tôi là ruột thịt thân thiết thì còn mặt nào trông thấy nhau nữa. Thôi! Việc hôm nay phu quân cứ để mặc tôi!

Lập tức Tôn phu nhân sai đẩy xe lên trước, cuốn rèm lên, rồi mắng Từ Thịnh, Đinh Phụng rằng:

- Hai người muốn làm phản hay sao?

Hai tướng vội vàng xuống ngựa, bỏ gươm giáo xuống, bẩm rằng:

- Chúng tôi đâu dám làm phản, nguyên phụng tướng lệnh của Chu đô đốc, đóng tại đây đợi chờ Lưu Bị đó thôi.

Phu nhân giận lắm, nói:

- Thằng giặc Chu Du kia! Đông Ngô ta có phụ gì mày? Huyền Đức là hoàng thúc nhà Hán, lại là chồng ta. Ta đã nói với mẹ và anh cho vợ chồng ta về Kinh Châu rồi. Nay các người dẫn quân chặn đường định cướp đồ đạc của vợ chồng ta hay sao?

Hai tướng vâng dạ liên hồi, thưa rằng:

- Chúng tôi đâu dám thế, xin phu nhân nguôi giận. Việc này là chúng tôi phụng mệnh của đô đốc chớ có can gì đến chúng tôi đâu.

Phu nhân thét:

- Các ngươi chỉ biết sợ Chu Du, còn không biết sợ ta à? Chu Du giết nổi các người, ta đây dễ thường không giết nổi Chu Du hẳn?

Nói rồi chửi mắng Chu Du thảm hại, rồi đẩy xe tiến lên.

Từ, Đinh hai tướng nghĩ rằng mình là người bề dưới, đâu dám kháng cự với phu nhân, vả lại trông thấy Triệu Vân có vẻ căm tức lắm, nên buộc lòng phải thét quân sĩ mở đường cho đi.

Xe vừa đi được năm sáu dặm, thì Trần Vũ, Phan Chương đuổi đến nơi. Từ Thịnh, Đinh Phụng thuật lại chuyện trước. Hai tướng kia nói rằng:

- Các ngươi tha cho đi là hỏng rồi. Chúng ta phụng mệnh Ngô hầu đuổi theo bắt họ về đây!

Rồi bốn tướng họp binh làm một ra sức đuổi theo. Huyền Đức đang chạy, bỗng nghe mé sau có tiếng reo nổi lên ầm ầm, lại nói với phu nhân rằng:

- Quân mé sau lại đuổi đến thì làm thế nào?

Phu nhân nói:

- Phu quân cứ đi trước, để tôi với Tử Long đón đánh mặt sau.

Huyền Đức dẫn ba trăm quân, nhắm bờ sông đi trước. Tử Long dùng ngựa đứng bên cạnh xe, dàn quân ra đợi các tướng kia đến. Bốn tướng đến nơi, trông thấy phu nhân vội vàng xuống cả ngựa, chắp tay đứng im. Phu nhân hỏi:

- Trần Vũ, Phan Chương đến đây có việc gì?

Hai tướng bẩm rằng:

- Chúng tôi phụng mệnh chúa công, mời phu nhân và Huyền Đức trở về.

Phu nhân nghiêm nét mặt quát:

- Bọn ngươi toàn là đồ thất phu, chia rẽ anh em ta, để chúng ta không hoà thuận với nhau. Ta đã gả bán cho người, hôm nay đi về, không phải là đi theo trai. Ta vâng lệnh mẹ ta để cho vợ chồng ta trở lại Kinh Châu, dù anh ta có đến đây nữa, cũng phải theo lễ phép. Các người cậy có quân, muốn giết ta hay sao?

Tôn phu nhân mắng mỏ một chập, khiến bốn tướng chỉ đứng nhìn nhau. Ai nấy tự nghĩ rằng: Người ta với chủ mình vạn năm vẫn là anh em với nhau, mà việc này còn có quốc thái làm chủ. Ngô hầu lại là người chí hiếu, sao dám trái lời mẹ? Mai này nghĩ lại, thì muôn sự té ra chúng mình không phải cả. Chỉ bằng ta hãy làm một việc có chút tình tử tế là hơn.

Vả lại trong đám ấy không thấy Huyền Đức, chỉ thấy có Triệu Vân mắm môi trợn mắt, lăm le muốn đánh. Bởi thế, các tướng dạ ran mấy tiếng, rồi rút quân về.

Tôn phu nhân sai đẩy xe đi thẳng.

Từ Thịnh nói với các tướng rằng:

- Chúng ta hãy cùng đến trình việc đó với Chu đô đốc.

Bốn tướng còn đương do dự, bỗng thấy, một toán quân xồng xộc chạy đến, trông ra thì là Tưởng Khâm và Chu Thái.

Hai tướng hỏi ngay:

- Các ông có thấy Lưu Bị không?

Bốn người đều nói:

- Buổi sáng có qua đây, đến bây giờ đã đi xa rồi.

Tưởng Khâm nói:

- Sao không bắt trói lại?

Bốn tướng thuật lại chuyện phu nhân mắng mỏ vừa rồi. Tưởng Khâm nói:

- Chính vì thế Ngô hầu ban cho một thanh kiếm mang theo đây, truyền cho giết cô em trước, Lưu Bị sau. Hễ sai lệnh sẽ bị chém đầu!

Bốn tướng nói:

- Họ đi xa rồi, làm thế nào?

Tưởng Khâm nói:

- Hắn chỉ có một ít quân bộ, mình đi gấp cũng không được. Từ, Đinh hai tướng nên phi báo với đô đốc, sai đường thuỷ bơi thuyền tốc hành đuổi mau. Bốn chúng ta thì đuổi trên bộ. Bất kỳ đường nào, hễ đuổi kịp thì cứ việc chém phăng đi, không cho nói lôi thôi gì hết!

Đinh, Từ liền phi báo với Chu Du, còn bốn tướng dẫn quân men bờ sông đuổi riết.

Lại nói, Huyền Đức và quân sĩ rời Sài Tang đã xa, đến bến Lưu Lang, mới hơi vững dạ, đi dọc bờ sông tìm thuyền, chỉ thấy dòng sông mênh mông không một bóng thuyền nào. Huyền Đức cúi đầu nghĩ ngợi. Triệu Vân nói:

- Chúa công ở trong hang hổ trốn nạn ra đây, nay đã gần đến địa giới nhà rồi, tôi chắc thế nào quân sư cũng liệu trước, không phải lo ngại đâu!

Huyền Đức nghe xong, sực nhớ đến chuyện phồn hoa sung sướng ở Đông Ngô vừa rồi bỗng dưng ứa hai hàng nước mắt.

Người sau có thơ than rằng:

Sông này Ngô Thục kết nhân duyên,

Cửa ngọc nhà vàng bóng dáng tiên.

Thiên hạ chịu nhường cô gái đẹp,

Đổi làm sao nổi chí Lưu lang?

Huyền Đức sai Tử Long ra mé trước tìm thuyền, chợt tin báo phía sau cát bụi bay mù trời. Huyền Đức lên cao trông xem, thấy người ngựa kéo đến đông như kiến cỏ, liền than rằng:

- Chạy tất tưởi cả ngày, người ngựa mỏi mệt chưa thở được, lại có quân đuổi theo, thật là chết không còn chỗ chôn đây.

Tiếng reo mỗi lúc một gần. Huyền Đức đang luống cuống không biết tính thế nào, chợt thấy một dãy hơn vài chục chiếc thuyền mui bồng đậu ở bờ sông. Tử Long nói:

- Trời ơi! May quá, có thuyền đây rồi, xin chúa công xuống thuyền ngay để sang sông, rồi ta sẽ lại liệu.

Huyền Đức cùng Tôn phu nhân, Tử Long và năm trăm quân sĩ xuống cả thuyền. Chỉ thấy một người khăn lượt áo the ở trong khoang vừa cười vừa bước ra nói:

- Xin chúc mừng chúa công! Gia Cát Lượng chờ ở đây đã lâu rồi!

Những người giả làm lái buôn ở trong thuyền đều là thuỷ quân ở Kinh Châu cả.

Huyền Đức mừng lắm.

Một lát, bốn tướng đã đuổi kịp đến nơi. Khổng Minh cười trỏ đám người trên bờ, nói:

- Ta biết trước đã lâu rồi. Các ngươi về nói với Chu lang từ rầy đừng dùng cái kế mỹ nhân ấy nữa nhé!

Trên bờ, cung tên bắn xuống tới tấp, nhưng thuyền ra xa rồi. Bốn tướng cứ đứng ngây mặt nhìn theo.

Thuyền Huyền Đức và Khổng Minh đang đi, bỗng thấy nước sông réo lên ầm ầm. Ngoảnh đầu lại xem, thấy chiến thuyền Đông Ngô kéo đến như lá tre. Chu Du ngồi dưới lá cờ tướng, bên tả có Hàn Đương, bên hữu có Hoàng Cái, thế như ngựa bay, sao chạy, ào ào lướt tới.

Khổng Minh sai lái giạt vào bờ phía bắc, rồi bỏ thuyền lên cả bộ, xe ngựa kéo đi. Chu Du đuổi đến nơi cũng ùa lên bộ đuổi theo. Toàn bộ thuỷ quân để đi trước, Hoàng Cái, Hàn Đương, Từ Thịnh, Đinh Phụng kèm sau.

Du hỏi:

- Đây là xứ nào?

Quân sĩ bẩm:

- Trước mặt là địa đầu Hoàng Châu.

Chu Du trông theo, thấy quân mã Huyền Đức chưa đi xa mấy, liền sai quân sĩ ráng sức đuổi đánh.

Đang đuổi miết, bỗng thấy hồi trống nổi lên, một toán quân ở trong sườn núi kéo ra, đại tướng đi đầu là Quan Vân Trường. Du luống cuống, vội quay ngựa chạy. Vân Trường xốc tới, Du tế ngựa chạy chí chết. Đang chạy, Hoàng Trung, Nguỵ Diên hai bên đổ ra đánh giết, quân Ngô thua to. Du lật đật xuống được đến thuyền, thì quân sĩ ở trên bờ đồng thanh hô lớn:

Chu Du mẹo giỏi yên thiên hạ,

Đã mất phu nhân, lại thiệt quân!

Du nổi giận, nói:

- Lại phải lên bờ, quyết một trận sống mái xem sao?

Hàn Đương, Hoàng Cái cố sức can ngăn. Du tự nghĩ rằng:

“Kế của ta không thành công, còn mặt mũi nào trông thấy Ngô hầu nữa!”

Nghĩ đoạn gầm lên một tiếng, vết đau vỡ tung ra, ngã quay xuống thuyền. Các tướng xúm lại cấp cứu, thì Du đã mê man bất tỉnh nhân sự rồi.

Đó là:

Hai phen khôn quá thành ra vụng

Nay lại hờn căm, lại thẹn thùng!

Chưa biết Chu Du thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: