Tam quoc dien nghia 15-17

Hồi 15

Thái Sử Từ ham đả Tiểu Bá Vương;

Tôn Bá Phù hăng đánh Nghiêm Bạch Hổ

Cuối hồi trước, đang nói chuyện Trương Phi rút kiếm ra sắp tự vẫn, Lưu Bị trông thấy vội vàng bước lên giật lấy kiếm, vứt xuống đất rồi nói rằng:

- Xưa có câu rằng: “Anh em như chân tay, vợ con như áo mặc”. Áo rách còn dễ may, chân tay gãy, chắp sao được? Ba anh em ta kết nghĩa với nhau ở vườn đào, đã thề cùng sống chết với nhau. Nay dù mất thành trì, vợ con đi nữa, sao nở để anh em nửa đường chết đi cho đành. Phương chi thành trì không phải của ta, vợ con ta bị hãm ở trong thành, nhưng ta chắc Lã Bố không nỡ giết, cũng còn nghĩ kế cứu được. Hiền đệ lầm một lúc, việc gì đã đến nỗi quyên sinh?

Lưu Bị nói xong rỏ nước mắt khóc. Quan, Trương cũng khóc cả.

Viên Thuật biết rằng Lã Bố đã cướp Từ Châu, sai người đến nói với Bố rằng: Hễ Bố cùng giúp đánh Lưu Bị sẽ đưa cho năm vạn hộc lương, năm trăm ngựa, một vạn lạng vừa vàng vừa bạc, một nghìn tấm vóc nhiễu.

Bố ưng ý lắm, sai ngay Cao Thuận dẫn năm vạn quân đến đánh mé sau Lưu Bị.

Lưu nghe tin ấy, nhân khi mưa dầm, rút quân bỏ Vu Thai chạy, muốn về lấy Quảng Lăng.

Khi Cao Thuận đến nơi, Lưu Bị đã đi rồi. Thuận vào ra mắt Kỷ Linh, đòi những đồ Viên Thuật đã hứa cho. Linh nói:

- Ông cứ về. Ðể tôi vào nói với chúa tôi.

Thuận từ giã Kỷ Linh, về thuật lại với Lã Bố. Bố còn đang hồ nghi, chợt có thư Viên Thuật đưa đến, trong thư nói rằng:

“Cao Thuận tuy có đến giúp, nhưng Lưu Bị chưa trừ được. Ðợi khi nào bắt được Lưu Bị, bấy giờ tôi sẽ đưa các đồ đã hứa đến cho ngài”.

Bố giận lắm, cho Viên Thuật là đồ thất tín, muốn kéo quân sang đánh, Trần Cung can rằng:

- Không nên! Viên Thuật giữ Thọ Xuân, binh nhiều lương rộng. Chớ nên khinh địch. Không bằng mời Lưu Bị lại về đóng ở Tiểu Bái để làm vây cánh cho ta. Về sau sai Lưu Bị làm tiên phong, trước đánh Viên Thuật sau đánh Viên Thiệu rồi có thể tung hoành thiên hạ được.

Bố nghe lời, sai người đem thư đi mời Lưu Bị.

Bấy giờ Lưu Bị đã kéo quân về đông lấy đất Quảng Lăng, bị Viên Thuật vào cướp trại, quân lính hao hụt quá nửa, gặp sứ của Lã Bố đến, đưa thư mời về Tiểu Bái. Lưu mừng lắm. Quan, Trương nói:

- Lã Bố là đứa vong ân bội nghĩa, không nên tin.

Lưu Bị nói:

- Nó lấy bụng tử tế đãi ta, việc gì phải nghi?

Ba anh em lại kéo quân về Từ Châu.

Lã Bố sợ Lưu Bị còn nghi hoặc, trước hết sai người đưa trả lại gia quyến. Cam phu nhân và My phu nhân về gặp Lưu Bị kể hết sự tình, nói rằng Lã Bố sai người giữ cửa nhà, không cho ai được vào, lại thường thường sai thị thiếp đưa đồ ăn, thức dùng đến, không bao giờ phải thiếu thốn. Lưu Bị mới bảo Quan, Trương rằng:

- Ta đã biết Lã Bố tất không hại gia quyến ta!

Lưu Bị vào thành để tạ Lã Bố. Trương Phi không chịu theo vào, đem hai chị về Tiểu Bái trước.

Lưu Bị vào ra mắt lạy tạ Lã Bố. Bố nói:

- Tôi không phải muốn cướp thành. Bởi vì Trương Phi ở đây, hay say rượu giết người, tôi e xảy ra chuyện bất trắc, nên tôi lại giữ hộ đấy thôi!

Lưu Bị nói:

- Tôi vẫn muốn nhường anh đã lâu.

Bố giả dạng nhường lại cho Lưu Bị. Lưu nhất quyết không chịu, về đóng ở Tiểu Bái.

Quan, Trương trong bụng không bằng lòng.

Lưu Bị nói:

- Nhún mình yên phận, để đợi thời, không thể cưỡng lại số mệnh được!

Lã Bố thường thường sai người đưa lương ăn và vải lụa đến. Từ bấy giờ hai bên lại hoà thuận với nhau.

Trong khi ấy thì Viên Thuật ở Thọ Xuân mở tiệc yến to, hội tướng sĩ lại ăn uống. Chợt có người báo rằng:

- Tôn Sách đi đánh thái thú Lư Giang là Lục Khang, thắng lợi trở về.

Thuật gọi Sách đến, Sách lạy ở dưới thềm. Thuật hỏi han chuyện trò xong rồi cho Sách ngồi dự tiệc.

Nguyên Tôn Sách từ khi cha mất, về ở Giang Nam, kính người hiền, tôn kẻ sĩ, sau nhân Ðào Khiêm cùng với cậu Sách, là thái thú Ðan Dương tên là Ngô Cảnh không hoà với nhau, Sách mới đem mẹ và gia thuộc về Khúc A, mình thì sang ở với Viên Thuật.

Thuật yêu Sách lắm, thường vẫn than rằng:

- Giá ta có được đứa con như Tôn lang, chết cũng không ân hận gì nữa.

Thuật cho Sách làm hoài nghĩa hiệu uý, sai đem binh sang đánh Tổ Lang ở Kinh Huyện.

Sách đánh được.

Thuật thấy Sách giỏi, lại sai sang đánh Lục Khang, cũng đánh được. Bấy giờ trở về.

Sách vào ăn tiệc. Khi tiệc đã tan, Sách về trại, nghĩ trong tiệc Thuật đãi mình khí ngạo bỉ một chút, trong bụng buồn bực, bèn lẩn đi bách bộ dưới bóng trăng ngoài sân. Nhớ đến sự ngày xưa, cha là Tôn Kiên thì anh hùng như thế mà mình thì lưu lạc thế này, bất giác hu hu cất tiếng khóc. Chợt có người ở ngoài đến cười to lên hỏi rằng:

- Bá Phù sao thế? Khi Tôn công còn, việc gì cũng dùng đến ta, nay người có việc gì không quyết, sao chẳng hỏi ta mà lại khóc thế?

Sách trông xem ai, thì là Chu Trị, tên chữ là Quân Lý, người ở Ðan Dương; nguyên là tùng sự của Tôn Kiên ngày xưa.

Sách gạt nước mắt mời ngồi nói rằng:

- Tôi khóc là vì tôi giận tôi không nối được chí cha tôi ngày xưa.

Trị nói:

- Sao không nói với Viên Công Lộ, mượn binh kéo sang Giang Ðông, mượn tiếng là đi cứu Ngô Cảnh, nhưng sự thực là để mưu đồ nghiệp lớn, sao lại cứ chịu mãi ở dưới người ta?

Hai người đang bàn nhau, chợt lại có một người nữa ở đâu chạy vào nói rằng:

- Các ông bàn nhau việc gì tôi đã biết rồi, nay tôi có trăm quân tinh tráng, xin giúp Bá Phù một tay.

Sách nhìn xem ai thì là mưu sĩ của Viên Thuật tên là Lã Phạm, tên chữ là Tử Hoành, người ở Nhữ Dương. Sách mừng lắm, mời cùng ngồi nói chuyện.

Lã Phạm nói:

- Tôi chỉ lo Viên Thuật không cho mượn quân.

Sách nói:

- Tôi có một vật báu để làm tin. Vật ấy là truyền quốc ngọc tỉ của cha tôi để lại cho.

Phạm nói:

- Công Lộ thèm được ngọc ấy đã lâu.

Hôm sau Sách vào ra mắt Viên Thuật, khóc nói rằng:

- Thù cha tôi chưa báo được, ngày nay cậu tôi là Ngô Cảnh lại bị thứ sử Dương Châu là Lưu Do bức bách. Mẹ già và vợ con ở cả Khúc A, e rằng sẽ bị hại. Vậy tôi xin mượn tướng quân vài nghìn hùng binh để sang sông cứu nạn, và để thăm nhà. Sợ minh công không tin, tôi xin đem ngọc tỉ của cha tôi để lại, để làm tin.

Thuật thấy ngọc tỉ vồ ngay lấy xem, mừng lắm nói rằng:

- Ta không phải cầu chi ngọc tỉ của ngươi, nhưng hãy tạm để đây, ta cho mượn ba nghìn binh, năm trăm ngựa, khi nào bình định rồi phải về ngay. Vả ngươi nay chức nhỏ ngôi thấp, khó giữ được quyền lớn, ta cất cho ngươi lên làm triết sung hiệu uý, điển khấu tướng quân.

Ngay ngày hôm đó cho lãnh quân đi.

Sách lạy tạ rồi dẫn quân mã, đem cả Chu Trị, Lã Phạm và tướng cũ của cha là Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Ðương, chọn ngày khởi binh.

Ði đến Lịch Dương, gặp một toán quân, có một người đi trước, dáng điệu phong lưu, nghi dung đẹp đẽ, trông thấy Tôn Sách, nhảy xuống ngựa vái một vái.

Sách nhìn xem ai, thì là Chu Du, tự là Công Cẩn, người ở Thư Thành, quận Lư Giang.

Vốn khi Tôn Kiên đánh Ðổng Trác, Du đem gia quyến về ở Thư Thành. Du với Sách hai người cùng một tuổi, chơi với nhau rất thân, kết làm anh em. Sách hơn Du có vài tháng. Du thờ làm anh.

Chú Chu Du là Châu Thượng, làm thái thú ở Ðan Dương. Bữa ấy Du sang thăm chú, đi đến đấy gặp Tôn Sách.

Sách mừng lắm, đem sự tình kể với Du. Du nói:

- Tôi xin hết sức khuyển mã, để cùng anh mưu toan nghiệp lớn.

Sách nói:

- Ta nay được Du, việc lớn tất phải xong.

Rồi bảo Chu Trị, Lã Phạm cùng đến gặp Chu Du.

Du bảo Sách rằng:

- Anh nay muốn làm việc to, có biết Giang Ðông có hai họ Trương không?

Sách hỏi:

- Ai vậy?

Du nói:

- Một người ở Bành Thành, tên là Trương Chiêu, tự là Tử Bố. Một người ở Quảng Lăng, tên là Trương Hoành, tự là Tử Cương. Hai người ấy đều có tài ngang trời dọc đất, nhân tránh loạn đến ở đấy, sao anh không đón mời hai người ấy.

Sách sai người đem đồ lễ đến mời Trương Chiêu, Trương Hoành. Hai người đều từ chối, không đến. Sách phải thân đến tận nơi, cùng hai người nói chuyện. Sách rất lấy làm bằng lòng, cố mời đi mời lại mãi, hai người mới chịu nhận lời. Sách cho Trương Chiêu làm trưởng sử, kiêm chức phủ quân trung lang tướng; Trương Hoành làm tham mưu, chánh nghị hiệu uý; cùng nhau bàn mưu sang đánh Lưu Do.

Lưu Do, tự là Chính Lễ, người ở Mâu Bình quận Ðông Lai, cũng là tôn thân nhà Hán, cháu quan thái uý Lưu Sủng, em quan thứ sử Duyện Châu Lưu Ðại; trước làm thứ sử Dương Châu, đóng ở Thọ Xuân, sau bị Viên Thuật đuổi sang Giang Ðông, cho nên đến Khúc A ở.

Bấy giờ Lưu Do nghe thấy quân Tôn Sách đến, vội vàng họp các tướng để bàn.

Bộ tướng là Trương Anh nói:

- Tôi xin lĩnh một cánh quân, đóng đồn Ngưu Chử, quân giặc dẫu có trăm vạn cũng không dám đến gần.

Nói chưa dứt lời, dưới trướng lại có một người kêu to lên rằng:

- Tôi xin làm bộ tiên phong!

Các tướng nhìn xem ai, thì là Thái Sử Từ, người ở Ðông Lai.

Từ, tự khi giải được vây Bắc Hải cho Khổng Dung, sang với Lưu Do. Do giữ lại ở dưới trướng.

Do bảo:

- Ngươi còn ít tuổi, chưa nên làm đại tướng, hãy nên ở tả hữu ta để nghe mệnh lệnh.

Từ không bằng lòng lùi ra.

Trương Anh lĩnh quân đến Ngưu Chử, chứa mười vạn hộc lương ở lầu các.

Tôn Sách dẫn quân đến. Trương Anh ra địch.

Hai bên hội quân ở trên bãi sông Ngưu Chử.

Trương Anh ra ngựa chửi mắng, Hoàng Cái ra đánh nhau với Trương Anh, chưa được vài hiệp, bỗng thấy trong quân Trương Anh bối rối, rồi thấy nói: “Trong trại có người phóng hoả!”

Anh vội rút quân về. Tôn Sách thừa thế đánh dấn. Trương Anh thế cùng phải bỏ Ngưu Chử chạy trốn vào trong núi sâu.

Người phóng hoả ở trong trại nguyên là hai viên kiện tướng. Một là Tưởng Khâm, tự là Công Ðịch, người ở Thọ Xuân xứ Cửu Giang, một là Chu Thái, tự là Ấu Bình, người ở Hạ Sái xứ Cửu Giang. Hai người gặp phải thời loạn, tụ quân trong sông Dương Tử, cướp bóc kiếm ăn; vốn nghe tiếng Tôn Sách là người hào kiệt ở Giang Ðông, hay cầu người hiền, mời kẻ sĩ, cho nên dẫn đồ đảng hơn ba trăm người đến theo. Sách mừng lắm, dùng làm trướng tiền hiệu uý, thu được cả tiền lương khí giới ở Ngưu Chử, lại thêm được hơn bốn nghìn quân hàng, liền tiến binh lên đóng ở Trần Ðình.

Trương Anh thua trở về, vào ra mắt Lưu Do. Do giận muốn đem chém, lại có các mưu sĩ là Trích Dung và Tiết Lễ can mãi mới tha, sai Trương Anh đem quân đóng ở thành Linh Lăng để chống giặc. Do tự lĩnh quân ra mé nam núi Thần Ðình cắm trại.

Tôn Sách đóng ở phía bắc núi ấy.

Hôm sau Sách gọi người ở đó hỏi rằng:

- Gần đây có miếu nào thờ vua Hán Quang Vũ chăng?

Người ấy thưa:

- Có miếu ở trên đỉnh núi.

Sách nói:

- Ðêm ta chiêm bao thấy vua Quang Vũ gọi ta vào tương kiến. Ta định lên miếu ấy cầu.

Trưởng sử là Trương Chiêu can rằng:

- Không nên đi! Mé nam núi này có trại Lưu Do. Ngộ hắn có phục binh thì làm thế nào?

Sách nói:

- Ta đã có thần thánh phù hộ, việc chi còn phải sợ?

Nói xong liền mặc áo giáp, cầm giáo, lên ngựa, rồi đem bọn Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Ðương, Tưởng Khâm và Chu Thái cả thảy 13 người cùng cưỡi ngựa lên núi. Ðến miếu, xuống ngựa, vào thắp hương lễ bái, Sách quỳ xuống khấn rằng:

- Tôi là Tôn Sách. Xin nguyện rằng nếu lập được nghiệp lớn ở đất Giang Ðông, khôi phục lại được cơ đồ của cha tôi ngày xưa, tôi xin sửa sang đình miếu bốn mùa lễ bái.

Sách khấn vái xong đi ra miếu, lên ngựa ngoảnh lại bảo các tướng:

- Ta muốn qua bên kia núi, dòm xem dinh trại Lưu Do đóng ra làm sao?

Các tướng ai cũng ngăn:

- Không nên!

Sách không nghe, cứ việc đi. Các tướng cũng phải đi theo. Ðến phía nam núi, đứng trên trông xuống rừng rú và trại Lưu Do đóng. Có quân canh đường, chạy về báo với Lưu Do. Do nói:

- Ðây là mẹo Tôn Sách đến dử mình đây, không nên ra đánh.

Thái Sử Từ nhảy lên nói rằng:

- Lúc này không bắt Tôn Sách thì còn đợi đến lúc nào?

Nói xong không đợi lệnh Lưu Do, tự mặc ngay áo giáp, lên ngựa cầm giáo ra ngoài trại, hô lên:

- Ai có gan thì theo ta!

Các tướng không ai nhúc nhích. Chỉ có một tiểu tướng bước ra nói:

- Thái Sử Từ thế mới gọi là tướng giỏi. Ta nên đi giúp một tay.

Nói rồi lên ngựa đi theo Thái Sử Từ. Các tướng đều tủm tỉm cười.

Tôn Sách ngắm độ nửa giờ mới quay ngựa trở về. Vừa đi qua được đỉnh núi nghe thấy đằng sau có người thét:

- Tôn Sách đừng chạy nữa!

Sách ngoảnh lại thấy hai tướng cưỡi ngựa đến, Sách gạt 12 tướng ra, một mình cầm ngang ngọn giáo, cưỡi ngựa đứng đợi ở dưới núi.

Thái Sử Từ hỏi to:

- Người nào là Tôn Sách?

Sách hỏi:

- Mày là thằng nào?

Từ đáp:

- Tao là Thái Sử Từ ở Ðông Lai, tao lại đây chỉ cốt để bắt Tôn Sách.

Sách cười nói:

- Ðây! Tôn Sách đây! Cho cả hai thằng chúng bay lại đánh một mình tao, tao không sợ. Nếu tao sợ, sao gọi là Tôn Bá Phù?

Từ nói:

- Tất cả chúng mày đều đến, tao cũng không sợ.

Nói xong thúc ngựa múa kích vào đánh Tôn Sách. Sách vác giáo lại địch. Hai ngựa giao nhau, đánh được hơn năm mươi hiệp, được thua chưa phân, lũ Trình Phổ đứng ngoài khen thầm rằng giỏi. Từ thấy Sách đánh giáo không hở miếng nào, giả cách thua chạy để dử cho Tôn Sách đuổi ra xa. Từ không đi đường cũ lên núi, lại rẽ về sau núi mà chạy. Sách vừa đuổi vừa thét to:

- Chạy không phải là hảo hán!

Từ trong bụng nghĩ thầm:

- Nó có mười hai người đi theo, ta chỉ trọi một mình. Ví dù bắt được nó, cũng bị chúng cướp mất. Phải dử cho nó đi một đường nữa, để cho chúng không biết đường nào mà tìm, bấy giờ ta sẽ ra tay.

Bởi thế vừa đánh vừa lùi. Sách cũng cứ đuổi, đuổi nhau mãi đến chỗ bằng phẳng, bấy giờ Từ mới quay lại đánh. Ðánh nhau được 50 hiệp nữa, Sách phóng ngọn giáo lại. Từ tránh ngay được, lại trở tay bắt được giáo. Từ lại phóng giáo lại, Sách cũng tránh được và giơ tay bắt lấy giáo, rồi nắm chặt lấy. Từ chạy lại giằng kích về, hai người kéo co nhau rồi cùng nhảy cả xuống ngựa, để ngựa chạy đi đâu không biết nữa.

Lôi kéo nhau chán rồi, hai người cùng buông cả giáo ra, túm lấy nhau mà đánh. Hai bên, bên nào áo chiến cũng rách tan nát. Sách nhanh tay vớ được cái kích ngắn gài ở lưng Từ; Từ giật ngay được mũ đầu mâu của Sách. Sách cầm kích đâm Từ; Từ lấy mũ che đỡ.

Giữa lúc ấy có tiếng reo ầm ầm kéo đến, quân tiếp ứng của Lưu Do, ước hơn nghìn người.

Sách đã lấy làm nguy, may đâu bọn Trình Phổ, mười hai tướng cưỡi ngựa cũng vừa tìm được đến.

Hai người bấy giờ mới buông nhau ra.

Từ lên một con ngựa khác, lại cầm lấy giáo trở về.

Ngựa của Tôn Sách, Trình Phổ bắt được, Sách cũng nhặt lấy kích rồi lên ngựa.

Một nghìn quân Lưu Do cùng mười tướng Tôn Sách hai bên đánh nhau. Ðánh lần quanh mãi đến tận dưới núi Thần Ðình.

Bấy giờ lại thấy tiếng reo, Chu Du kéo quân đến, Lưu Do lại dẫn đại quân xuống núi. Khi ấy trời đã vàng vàng tối, tự dưng nổi cơn mưa gió, hai bên cùng thu quân về.

Hôm sau, Tôn Sách dẫn quân đến trước trại Lưu Do, Do cũng đem quân ra đón.

Khi hai bên bày trận, Tôn Sách lấy cái kích nhỏ rút được của Từ hôm trước, đem buộc ở đầu giáo, cầm ra giễu ở trước trận, rồi sai quân hô to lên rằng:

- Giá Thái Sử Từ không chạy mau chân thì đã bị kích này đâm chết.

Từ cũng đem mũ đầu mâu của Sách ra trước trận sai quân hô lên rằng:

- Ðầu Tôn Sách đã ở đây rồi!

Hai bên nhạo báng lẫn nhau, reo ầm cả lên. Bên cậy khoẻ, bên khoe tài. Thái Sử Từ phóng ngựa ra định cùng Tôn Sách quyết phân thắng bại.

Sách sắp sửa ra, Trình Phổ nói:

- Chúa công lọ là phải khó nhọc. Tôi xin ra bắt nó.

Trình Phổ ra trận. Từ nói:

- Mày không đáng địch với tao. Về gọi Tôn Sách ra đây!

Trình Phổ tức lắm, vác giáo xông vào đánh Từ. Hai ngựa giao đấu được hơn 30 hiệp, bỗng thấy Lưu Do khua chiêng thu quân.

Từ hỏi Lưu Do:

- Tôi đã sắp bắt được tướng giặc sao lại thu quân về?

Do nói:

- Có người báo rằng: Chu Du đã đem quân đánh úp lấy Khúc A, vì có người ở Lư Giang, tên là Trần Vũ tiếp ứng cho hắn vào thành. Cơ nghiệp nhà ta đã mất, không nên ở mãi đây; phải kíp sang Mạt Lăng, hội cả quân mã của Tiết Lễ, Trích Dung lại để tiếp ứng.

Thái Sử Từ theo Lưu Do lui quân. Tôn Sách không đuổi cũng thu quân về. Trưởng sử Trương Chiêu nói:

- Bên nó bị Chu Du lừa lấy Khúc A, không dám ham đánh, đêm nay ta nhân thế nên đến cướp trại.

Sách ưng ý, đang đêm chia quân làm năm đường, kéo đến lấy trại Lưu Do. Quân Do thua to, chạy tán loạn cả. Thái Sử Từ một mình không chống nổi, dẫn hơn mười quân kị mã ngay đêm hôm ấy chạy sang Kinh Huyện.

Tôn Sách lại vừa được thêm một tay phụ tá nữa là Trần Vũ, tự là Tử Liệt. Vũ mình cao bảy thước, mắt vàng, con ngươi đỏ, hình dung cổ quái. Sách yêu lắm cho làm hiệu uý, sai đi tiên phong đánh Tiết Lễ. Vũ dẫn hơn mười kị mã, xông vào trong trận chém hơn năm mươi đầu giặc. Tiết Lễ thấy vậy đóng chặt cửa thành không dám ra nữa.

Sách đang đánh phá thành, có người báo rằng:

- Lưu Do hội với Trích Dung sang lấy Ngưu Chử.

Sách giận lắm, tự để đại quân kéo về Ngưu Chử. Lưu Do, Trích Dung hai người cùng cưỡi ngựa ra đón đánh. Tôn Sách nói:

- Tao nay đã đến đây, sao chúng bay không hàng ngay đi?

Ở sau Lưu Do bỗng có một người vác giáo cưỡi ngựa ra, đó là bộ tướng tên là Vu Mi, cùng Sách đánh nhau, chưa được ba hiệp, bị Sách bắt sống rồi quay ngựa trở về trận. Tướng Lưu Do là Phàn Năng, thấy Vu Mi bị bắt liền vác giáo đuổi theo, ngọn giáo đâm gần chạm đến lưng Tôn Sách, quân Sách thấy vậy mới kêu to lên rằng:

- Sau lưng có người đâm trộm!

Sách quay đầu lại, thấy Phàn Năng đã đến gần, quát to một tiếng, như tiếng sét. Phàn Năng khiếp đảm, ngã quay xuống vỡ đầu ra chết. Sách về đến cửa cờ, đem Vu Mi bỏ xuống đất, thì ra Vu Mi bị cắp ở nách đã chết kẹp từ bao giờ.

Cùng một lúc, cắp chết một tướng, quát chết một tướng, từ đấy ai cũng gọi Tôn Sách là Tiểu Bá Vương. (Hạng Vũ ngày xưa là Bá Vương)

Lưu Do thua to. Quân sĩ hàng Sách quá nửa. Sách lại chém được hơn một vạn thủ cấp.

Do và Trích Dung chạy sang Dự Chương, đi theo Lưu Biểu.

Tôn Sách đem quân về lại đánh Mạt Lăng. Ðến cạnh bờ hào, Sách đứng chiêu dụ Tiết Lễ hàng, chợt có một mũi tên ở trên thành bắn xuống trúng ngay vào đùi trái Tôn Sách. Tôn Sách ngã ngựa. Các tướng vội vàng đến cứu, đỡ Sách dậy đem về trại nhổ tên ra, lấy thuốc dấu dịt vào.

Sách nhân thể cho quân đi nói phao lên rằng bị tên bắn chết. Cả cánh quân làm lễ cử ai, nhổ trại kéo về.

Tiết Lễ tưởng Tôn Sách chết thật, đêm hôm ấy liền khởi cả quân trong thành cùng với kiêu tướng là Trương Anh, Trần Hoành, kéo ra thành đuổi đánh. Bỗng đâu quân phục bốn mặt trổ ra, Tôn Sách đứng đầu đi trước gọi to lên rằng:

- Tôn lang ở đây mà!

Quân giặc trông thấy mất vía vứt cả gươm giáo, phục xuống đất lạy, Sách truyền lệnh không được giết một người nào.

Trương Anh quay ngựa chạy về bị Trần Vũ đâm chết, Trần Hoành bị Tưởng Khâm bắn chết; Tiết Lễ chết ở trong đám loạn quân.

Sách vào Mạt Lăng, phủ dụ cho dân yên nghiệp rồi đem quân sang Kinh Huyện để bắt Thái Sử Từ.

Thái Sử Từ chiêu được hai nghìn quân tinh tráng và quân cũ của mình, toan đi báo thù cho Lưu Do.

Tôn Sách với Chu Du bàn nhau kế bắt sống Thái Sử Từ.

Chu Du ra lệnh bao vây ba mặt, để chừa một mặt cửa đông huyện cho Từ chạy. Cách huyện hai mươi lăm dặm, phục binh ba nơi, Từ ra khỏi thành chạy được đến đấy, người mệt, ngựa mỏi, tất nhiên bị bắt.

Nguyên những quân của Thái Sử Từ dụ được quá nửa là người ở rừng núi, chưa biết kỉ luật nhà binh. Vả thành Kinh Huyện lại không được cao. Ðêm hôm ấy Tôn Sách sai Trần Vũ, mặc áo ngắn cầm dao, trèo lên mặt thành trước đốt lửa. Từ thấy trên thành lửa cháy, lên ngựa chạy ra cửa đông. Tôn Sách đem quân lại đuổi, đuổi đến ba mươi dặm thì thôi. Từ chạy được năm mươi dặm, người ngựa đều đã mỏi mệt, giữa lúc ấy trong đám cỏ lau bên đường có tiếng reo nổi lên. Từ vội chạy, hai bên đường chằng chịt những dây, ngựa vướng cẳng ngã gục xuống. Thái Sử Từ bị bắt sống, giải về trại Tôn Sách.

Lúc quân lính sắp giải Từ đến nơi, Sách biết trước ra tận cửa dinh, quát đuổi quân lính, tự ra cởi trói, rồi đem áo cẩm bào mặc cho Từ, mời vào trong trại nói rằng:

- Ta biết Tử Nghĩa là một đấng trượng phu. Bởi Lưu Do ngu xuẩn, không biết dùng Tử Nghĩa làm đại tướng cho nên đến nỗi có trận thua này.

Từ thấy Sách đối đãi mình tử tế, xin xuống hàng, Sách cầm lấy tay Từ cười nói rằng:

- Khi đánh nhau ở Thần Ðình, giá thử ông bắt được tôi, thì có hại nhau không?

Từ cũng cười đáp rằng:

- Cũng chưa biết chừng!

Sách cười ầm lên, mời vào trướng, mời lên ngồi trên, sai mở tiệc yến khoản đãi.

Từ đứng dậy nói rằng:

- Lưu quân mới thua, lòng quân tan rã. Tôi xin về để thu nhặt tàn quân, để giúp minh công. Không biết minh công có tin không?

Sách đứng dậy tạ mà nói rằng:

- Bụng tôi vẫn ước như thế. Nay xin hẹn với ông, trưa mai tôi xin đợi ông trở lại.

Từ vâng lời rồi đi.

Các tướng ngạc nhiên nói rằng:

- Thái Sử Từ đi chuyến này tất không trở lại đâu!

Sách nói:

- Từ là người tín nghĩa, không trái ước với ta.

Các tướng chẳng ai tin. Hôm sau cắm một cây nêu để đo bóng mặt trời ở trước cửa trại, rồi các tướng cùng xúm cả chung quanh để đợi giờ ngọ. Cây nêu vừa đứng bóng, thấy Thái Sử Từ dẫn hơn một nghìn quân đến.

Các tướng đều chịu Tôn Sách là biết người.

Tôn Sách tụ được vài vạn quân, bình trị được Giang Ðông, vỗ yên dân chúng, người kéo về theo vô số. Dân Giang Ðông ai cũng gọi Sách là Tôn lang.

Nghe tin quân Tôn Sách đến, dân chúng đều sợ hãi bỏ chạy cả, nhưng khi Sách đến nơi, không cho phép người nào cướp bóc của dân, cho đến gà chó cũng không kinh động. Nhân dân thấy thế ai cũng mừng, đem trâu rượu đến trại để mừng. Sách lại đem vàng, đem lụa ra thưởng lại.Tiếng vui mừng, hân hoan vang khắp đồng nội. Phàm những quân cũ của Lưu Do, ai muốn theo thì cho theo, ai không muốn theo thì cấp thưởng cho về làm ruộng.

Dân Giang Nam ai cũng khen Tôn Sách là người nhân đức. Bởi vậy quân thế mỗi ngày một thịnh.

Bấy giờ Sách mới rước mẹ, cậu và các em cùng về Khúc A; sai em là Tôn Quyền cùng với Chu Thái giữ Tuyên Thành, Sách thì lĩnh binh sang Nam để lấy Ngô Quận.

Bấy giờ Nghiêm Bạch Hổ tự xưng là Ðông Ngô Ðức Vương, giữ ở Ngô Quận. Bạch Hổ sai bộ tướng giữ Ô Trình và Gia Hưng. Bấy giờ nghe tin quân Tôn Sách đến, Bạch Hổ sai em là Nghiêm Dư đem quân ra.

Hai bên gặp nhau ở Phong Kiều. Dư vác đao cưỡi ngựa đứng trên cầu. Sách muốn ra đánh, Trương Hoành can rằng:

- Chủ tướng là vận mệnh của ba quân, ai cũng trông cậy cả vào, không nên khinh thường quân tiểu khấu. Xin tướng quân tự cẩn thận.

Sách tạ nói rằng:

- Lời tiên sinh nói như vàng đá. Nhưng nếu tôi không chịu xông vào mũi tên hòn đạn thì tướng sĩ ai chịu dùng sức!

Bèn sai Hàn Ðương cưỡi ngựa ra.

Khi Hàn Ðương đi lên đến cầu, đã thấy Tưởng Khâm, Trần Vũ bơi thuyền nhỏ theo bờ sông, lượn sang được bên kia cầu, bắn tên tua tủa lên quân đứng trên bờ, hai người nhảy lên đánh giết, quân Nghiêm Dư phải lui chạy. Hàn Ðương kéo quân thẳng đến cửa thành. Giặc chạy cả vào trong thành. Sách chia quân, đường thuỷ đường lục cùng tiến, vây bọc cả lấy Ngô Thành. Vây luôn ba ngày không ai dám ra đánh.

Sách dẫn quân đến dưới cửa thành để chiêu dụ. Trên thành một viên tì tướng, tay trái cầm chắc thanh ván đỡ lên, tay phải trỏ xuống chửi mắng.

Thái Sử Từ ngồi trên ngựa giương cung đặt tên xong rồi ngoảnh lại bảo chư tướng rằng:

- Xem ta bắn trúng vào tay trái thằng kia nhé!

Nói chưa dứt lời, dây cung tách một tiếng, quả nhiên trúng giữa bàn tay trái tên tướng trên thành, lại xuyên qua tay cắm chắc vào tấm ván.

Người trên thành dưới thành ai cũng reo ồ lên.

Họ vội vàng cứu tướng ấy đem xuống thành. Bạch Hổ trông thấy thất kinh nói rằng:

- Quân nó có người tài như thế, ta địch sao được?

Bàn nhau muốn cùng hoà.

Hôm sau Bạch Hổ sai Nghiêm Dư ra thành, vào ra mắt Tôn Sách. Sách mời Dư vào trướng uống rượu. Rượu đã say, Sách hỏi Dư:

- Ý lệnh huynh muốn thế nào?

Dư nói:

- Muốn cùng với tướng quân chia đôi Giang Ðông.

Sách nổi giận mắng rằng:

- Ðàn chuột nhắt lại đòi ngang hàng với ta à!

Mắng rồi thét đem Nghiêm Dư ra chém.

Dư rút gươm đứng dậy. Sách phóng gươm trúng người Nghiêm Dư gục xuống, cắt ngay lấy đầu, sai người đưa vào thành.

Bạch Hổ biết chừng không địch nổi, bỏ thành chạy. Sách kéo quân đuổi theo.

Hoàng Cái đánh lấy được Gia Hưng, Thái Sử Từ đánh lấy được Ô Trình, mấy châu đều bình định cả. Bạch Hổ chạy về Dư Hàng, cướp bóc ở dọc đường, lại bị thổ dân ở đấy tên là Lăng Tháo đem người làng ra đánh, Bạch Hổ phải thu quân về Cối Kê.

Hai bố con Lăng Tháo lại đi đón Tôn Sách. Sách cho làm tòng chinh hiệu uý, cũng dẫn quân sang qua sông. Bạch Hổ tụ quân, dàn khắp ở bến sông phía tây. Trình Phổ đánh một trận lại thắng đuổi mãi đến thành Cối Kê.

Thái thú Cối Kê tên là Vương Lãng, muốn đem quân ra cứu Bạch Hổ, có người can rằng:

- Không nên cứu, Tôn Sách dùng quân nhân nghĩa; Bạch Hổ là một tướng bạo ngược. Nên bắt Bạch Hổ đem dâng Tôn Sách.

Lãng nhìn xem ai bàn kế ấy; thì là Ngu Phiên, tự là Trọng Tường, người ở Cối Kê, hiện đương làm quận lại. Lãng giận mắng Phiên. Phiên thở dài trở ra.

Lãng đem binh hội với Bạch Hổ, dàn quân ở cánh đồng Sơn Âm; hai bên đối trận. Tôn Sách cưỡi ngựa ra bảo Vương Lãng rằng:

- Ta cất quân nhân nghĩa đi dẹp Triết Giang, sao ngươi dám vào hùa với giặc?

Lãng mắng rằng:

- Bụng ngươi tham không có chừng, đã được Ngô Quận rồi còn muốn chiếm nốt bờ cõi ta. Nay ta quyết báo thù cho họ Nghiêm!

Tôn Sách giận lắm, sắp ra đánh nhau thì Thái Sử Từ ra lúc nào rồi. Vương Lãng múa đao tế ngựa, đánh nhau với Từ chưa được vài hiệp, tướng Lãng là Chu Hân nhảy ra đánh đỡ. Bên này Hoàng Cái cũng tế ngựa ra tiếp ứng, đánh với Chu Hân.

Hai bên đánh trống vang lừng, đánh nhau quyết liệt. Tự nhiên thấy đằng sau trận Vương Lãng bối rối. Một toán quân đâu từ sau lưng đánh lại. Lãng thất kinh kíp quay ngựa trở lại đón đánh.

Quân đánh tập hậu ấy là Chu Du và Trình Phổ, trong khi hai bên đánh nhau, đi tắt lẻn mặt sau.

Ðằng trước đằng sau đánh dập lại. Quân Lãng ít không chống xuể, cùng với Bạch Hổ, Chu Hân, cố đánh để mở lấy một đường máu chạy vào thành, cất cầu lên, đóng vững cửa thành lại.

Ðại quân Tôn Sách thừa thế, sấn đến mãi dưới thành, chia quân ra bốn cửa. Vương Lãng ở trong thành thấy Sách đánh kíp lắm, lại muốn kéo quân ra quyết đánh một trận sống chết cũng đành. Bạch Hổ can rằng:

- Thế quân Tôn Sách to lắm, túc hạ chỉ nên thành cao hào sâu giữ cho vững. Không đầy một tháng, quân kia hết lương tất phải chạy. Bấy giờ ta thừa thế ra đuổi, có thể chẳng phải đánh cũng phá tan được.

Lãng nghe kế ấy, giữ vững thành không ra.

Tôn Sách đánh luôn mấy hôm không phá được thành, bèn cùng chư tướng bàn mưu kế. Tôn Tĩnh nói:

- Vương Lãng cậy hiểm giữ thành, khó phá ngay được. Tiền lương đất Cối Kê quá nửa chứa ở Tra Ðộc. Ở đây cách đấy chỉ vài mươi dặm, không bằng ta hãy đem binh giữ lấy Tra Ðộc trước. Trong binh pháp có nói rằng: đánh chỗ không phòng bị, ra nơi không ngờ, là thế đó.

Sách mừng nói:

- Mẹo hay của chú đủ phá được giặc.

Liền hạ lệnh sai các cửa thành đốt lửa giả, cắm cờ hiệu để làm nghi binh, rồi đêm hôm ấy bỏ bao vây, kéo quân sang mặt nam.

Chu Du hiến một kế rằng:

- Chúa công kéo cả quân, Vương Lãng tất ra thành đuổi theo. Nếu hắn ra ta nên dụng kì binh mà đánh.

Sách nói:

- Ta đã sắp sẵn cả rồi. Lấy thành chỉ nội đêm nay.

Bèn hạ lệnh cho quân mã đi.

Vương Lãng nghe tin báo Tôn Sách rút quân mã đi, liền dẫn quân lên chòi canh trông xem, thấy dưới thành khói lửa vẫn ngùn ngụt, tinh kì đâu vẫn đấy, trong bụng còn nghi hoặc, Chu Hân nói:

- Tôn Sách chạy rồi, bày ra mẹo này để đánh lừa ta đấy thôi, nên đem quân ra đuổi đánh.

Nghiêm Bạch Hổ nói:

- Tôn Sách chuyến này đi, chắc là đến Tra Ðộc. Tôi xin đem bộ binh cùng Chu tướng quân đuổi theo.

Lãng nói:

- Tra Ðộc là chỗ ta chứa lương, cần phải đề phòng cẩn thận. Ngươi đi trước, ta theo sau để tiếp ứng.

Bạch Hổ cùng Chu Hân dẫn năm nghìn quân ra thành đuổi theo.

Bây giờ mới canh một. Ði khỏi thành được hơn hai mươi dặm, bỗng đâu trong rừng rậm, có một tiếng trống nổi, rồi lửa đuốc sáng rực cả lên. Bạch Hổ thất kinh, liền quay ngựa trở lại, thì có một tướng chắn ngang đường.

Chính là Tôn Sách.

Chu Hân múa đao lại đánh, bị Sách đâm một mũi giáo chết. Quân thấy thế xuống hàng cả.

Bạch Hổ cố chết mở một đường, rồi chạy về Dư Hàng.

Vương Lãng nghe tiền quân đã thua, không dám vào thành, dẫn bộ binh chạy ra góc bể đi trốn.

Tôn Sách thu quân trở lại, thừa thế lấy ngay thành trì, vỗ yên nhân dân.

Ðược mấy hôm có người mang đầu Bạch Hổ đến dâng. Tôn Sách nhìn người ấy, mình cao tám thước, mặt vuông, mồm rộng; hỏi tên họ là gì, thì người ấy xưng tên là Ðổng Tập, tự là Nguyên Ðại, người ở Cối Kê.

Sách mừng lắm, cho làm biệt bộ tư mã.

Từ đó xứ đông bình định được cả. Sách sai chú là Tôn Tĩnh giữ ở đấy; sai Chu Trị làm thái thú Ngô Quận, còn mình thì thu quân về Giang Ðông.

Em Sách là Tôn Quyền cùng với Chu Thái giữ ở Tuyên Thành. Chợt có giặc núi bốn mặt kéo đến. Bấy giờ đêm đã khuya, không kịp chống cự. Thái ôm Quyền lên ngựa để chạy. Giặc vác dao xông vào chém. Thái cởi trần ra, xuống ngựa đi bộ, cầm dao đánh nhau với giặc, một lúc giết luôn được hơn mười đứa. Sau có một tên giặc, tế ngựa vác giáo nhảy xổ vào để giết Chu Thái. Thái nắm ngay được giáo, đẩy giặc ngã xuống, cướp được ngựa giặc, đánh riết mở được đường ra, cứu được Tôn Quyền.

Giặc thấy vậy chạy cả. Thái bị cả thảy mười hai vết thương nặng, sưng lên, gần chết. Sách nghe tin lo lắm. Ðổng Tập nói:

- Tôi đã nhiều phen đánh nhau với giặc bể, bị thương, may có một người quận lại ở Cối Kê, tên là Ngu Phiên, tiến cử một thầy thuốc, chữa cho chỉ nửa tháng là khỏi.

Sách hỏi:

- Ngu Phiên có phải là Ngu Trọng Tường không?

Tập thưa:

- Phải.

Sách nói:

- Người ấy là hiền sĩ, ta nên dùng.

Liền sai Trương Chiêu, Ðổng Tập đến mời Ngu Phiên. Phiên đến, Sách thết đãi cực hậu, cho làm công tào. Nhân nói chuyện thầy thuốc, Phiên nói rằng:

- Người ấy là người ở Tiêu Quận, nước Bái, tên là Hoa Ðà, tự là Nguyên Hoá; thực là thần y bây giờ, tôi xin đưa đến để yết kiến.

Ðược mấy bữa Phiên đem Hoa Ðà đến.

Sách thấy người mặt còn trẻ, mà tóc bạc phơ phơ, tựa như một ông tiên, tiếp đãi làm một thượng khách, rồi mời xem bệnh cho Chu Thái. Hoa Ðà xem rồi nói: “Bệnh này chữa thực dễ”. Cho thuốc rịt một tháng Chu Thái khỏi hẳn.

Sách mừng lắm, hậu tạ Hoa Ðà rồi tiến binh tiễu trừ giặc núi. Giang Nam bình định cả. Sách chia cho các tướng giữ các cửa ải, một mặt viết biểu tâu về triều đình, một mặt kết giao với Tào Tháo, một mặt đưa thư cho Viên Thuật để đòi lại ngọc tỉ.

Viên Thuật từ khi nắm được tỉ phù, có ý muốn giữ lấy để xưng hoàng đế, khi tiếp được thư Tôn Sách, liền đưa thư đáp lại tìm cớ thoái thác không trả, rồi kíp triệu trưởng sử là Dương đại tướng; đô đốc là Trương Huân, Kỷ Linh, Kiều Di; thượng tướng là Lôi Bạc, Trần Lan, cả thảy hơn ba mươi người, bàn với nhau rằng:

- Tôn Sách mượn quân mã của ta để khởi sự, nay đã lấy hết được đất Giang Ðông, đã quên ơn ta, lại dám đòi lại ngọc tỉ, thực là xấc láo, có phương kế gì trị hắn đi chăng?

Dương đại tướng nói:

- Tôn Sách giữ chỗ hiểm Trường Giang, binh giỏi, lương nhiều, cũng chưa dễ trị được. Nay ta nên hãy đánh Lưu Bị trước để báo thù xưa vô cớ sang đánh ta. Rồi sau ta hãy sửa Tôn Sách, cũng không muộn. Nay tôi xin dâng một kế làm cho Lưu Bị phải bị bắt lập tức ngay bây giờ.

Thế là:

Chẳng tới Giang Ðông tìm hổ báo;

Lại sang Từ Quận bắt giao long!

Chưa biết kế của Dương đại tướng hiến ra làm sao, xem tới hồi sau sẽ rõ.

Hồi 16

Cửa nha môn, Phụng Tiên bắn kích;

Sông Vị Thủy, Mạnh Đức thua quân.

Dương đại tướng xin dâng một kế để bắt Lưu Bị. Viên Thuật hỏi kế ra làm sao. Ðại tướng nói:

- Lưu Bị đóng quân ở Tiểu Bái. Tuy rằng dễ lấy nhưng còn Lã Bố giữ ở Từ Châu. Lần trước ta đã hứa đem vàng, lụa, lương và ngựa cho Lã Bố, nay vẫn chưa đưa thì có lẽ nó giúp Lưu Bị. Chúa công nên sai người đưa lương cho nó, trước nữa mua chuộc lấy lòng nó, để ta có sang đánh Lưu Bị nó đừng động binh, hoạ chăng ta mới bắt được Lưu Bị, rồi sau ta đánh Lã Bố, đánh Lã Bố rồi sau lấy Từ Châu.

Thuật nghe lời, liền sai Hàn Dận đem hai mươi vạn hộc thóc và một bức mật thư đưa cho Lã Bố.

Bố mừng lắm, trọng đãi Hàn Dận, Dận về cáo với Viện Thuật. Thuật sai Kỷ Linh làm đại tướng, Lôi Bạc, Trần Lan làm phó tướng, đem vài vạn quân sang đánh Tiểu Bái.

Lưu Bị nghe tin bàn với chư tướng.

Trương Phi xin ra đánh.

Tôn Càn nói:

- Nay Tiểu Bái binh ít, lương hiếm, nên đưa thư về Từ Châu, cầu cứu Lã Bố.

Trương Phi nói:

- Lã Bố nào nó chịu cứu mình!

Lưu Bị nói:

- Càn nói phải đấy.

Liền đưa thư sang Từ Châu, thư rằng:

“Từ khi được nhờ tướng quân nghĩ đến cho tôi nương thân ở đất Tiểu Bái, tôi thực bái phục đức cao của ngài. Nay Viên Thuật muốn báo thù riêng sai Kỷ Linh đem binh đến huyện. Nguy ở sớm tối. Phi tướng quân không ai cứu được.

Xin tướng quân đem quân đến, cứu cho nạn gấp này, thì chúng tôi được hân hạnh lắm”.

Lã Bố xem xong thư, bàn với Trần Cung rằng:

- Mới rồi Viên Thuật đưa lương và gửi thư cho ta để cầu ta đừng cứu Lưu Bị. Nay Lưu Bị lại cầu cứu. Ta nghĩ Lưu Bị đóng ở Tiểu Bái vị tất có bao giờ hại được ta. Chứ Viên Thuật nếu đánh được Lưu Bị, chắc nó lại kết liên với các tướng ở Thái Sơn để đánh ta, ta sẽ không yên được với nó. Không bằng đi cứu Lưu Bị.

Nói rồi liền điểm quân đi.

Kỷ Linh cất quân kéo bừa đi, đi đến mé đông nam huyện Bái, lập doanh trại đóng quân, ban ngày cắm cờ đỏ ối cả trên núi dưới sông; ban đêm đốt lửa sáng choang cả trên trời dưới đất.

Trong huyện Lưu Bị chỉ có hơn năm nghìn người, miễn cưỡng ra ngoài huyện bố trí lập doanh trại. Chợt có người đến báo:

- Lã Bố dẫn quân đến mé tây nam, cách huyện có một dặm, lập trại đóng quân.

Kỷ Linh thấy Lã Bố đến cứu Lưu Bị, sai ngay người đưa thư trách rằng thất tín.

Lã Bố xem xong thư cười nói rằng:

- Ta có một kế làm cho Viên, Lưu không bên nào trách được ta.

Nói rồi sai sứ sang mời cả Kỷ Linh và Lưu Bị đến ăn yến.

Lưu Bị thấy Bố mời, muốn đi ngay, Quan, Trương can rằng:

- Anh không nên đi. Lã Bố có bụng bất lương gì chăng?

Lưu Bị nói:

- Ta đối đãi nó tử tế, tất nó không hại ta.

Lưu lên ngựa đi, Quan, Trương cũng đi theo đến trại Lã Bố. Khi vào chào Bố, Bố nói:

- Nay tôi đến đây để gỡ nạn cho ông. Ngày khác ông đắc chí, đừng quên tôi nhé!

Lưu Bị tạ ơn, Lã Bố mời ngồi. Quan, Trương cầm kiếm đứng đằng sau, chợt có người báo:

- Kỷ Linh đã đến.

Lưu Bị nghe thấy, giật nảy mình, muốn lánh mặt đi. Lã Bố nói:

- Nay ta mời hai ông đến để cùng bàn, không được nghi hoặc gì cả.

Lưu Bị chưa rõ tình ý làm sao, trong bụng nghi nghi hoặc hoặc.

Kỷ Linh xuống ngựa vào trại, trông thấy Lưu Bị ngồi trong trướng cũng mất vía, quay mình trở ra. Lã Bố bước lên kéo lại, như kéo đứa trẻ con. Kỷ Linh sợ nói rằng:

- Thế ra tướng quân định giết tôi à!

Bố nói:

- Ðâu lại thế!

Linh lại hỏi:

- Hay là tướng quân định giết thằng tai to kia?

Bố lại nói:

- Cũng không phải.

Linh lại hỏi:

- Thế thì ra làm sao?

Bố nói:

- Lưu Bị cùng ta như anh em một nhà vậy. Nay bị tướng quân sang đây đe doạ, nên ta đến cứu.

Linh lại sợ, nói rằng:

- Nếu thế thì tướng quân giết tôi rồi!

Bố nói:

- Có lẽ đâu thế. Tính tôi không hay đánh nhau, chỉ muốn làm cho thôi đánh nhau. Tôi nay định giải hoà cho hai ông.

Linh nói:

- Xin dám hỏi cách giải hoà thế nào?

Bố nói:

- Tôi có một phép, nhưng còn tuỳ lòng trời!

Nói rồi kéo Linh vào trong trướng, để hai người gặp nhau, Lưu Bị, Kỷ Linh đều có lòng nghi kị lẫn nhau.

Lã Bố ngồi giữa, mời Kỷ Linh ngồi bên tả, Lưu Bị ngồi bên hữu, rồi sai mở tiệc yến, uống rượu.

Rượu được vài tuần, Bố nói:

- Hai bên cùng nể mặt ta thì cùng bãi binh cả.

Lưu Bị không nói gì. Kỷ Linh nói:

- Tôi phụng mệnh chúa công tôi, đem sang đây mười vạn quân chỉ cốt bắt Lưu Bị, bãi binh thế nào được?

Trương Phi đứng sau lưng Lưu Bị nghe nói nổi giận, tuốt ngay kiếm ra quát to lên rằng:

- Binh ta tuy ít, nhưng ta coi các ngươi như đàn trẻ mà thôi, ngươi có bằng lũ giặc khăn vàng hàng trăm vạn không, mà dám toan hại anh ta?

Quan Công vội vàng ngăn nói rằng:

- Hãy xem chủ ý của Lã tướng quân định thế nào, bấy giờ về trại đánh nhau cũng không chậm.

Lã Bố nói:

- Ta mời hai bên đến để giải hoà, chứ không có mời đến đây để đánh nhau.

Bên này Kỷ Linh tức giận lắm, mà bên kia Trương Phi chỉ lăm lăm muốn đánh. Lã Bố cũng nổi giận lên mà truyền rằng:

- Quân đâu! Ðem kích ra đây!

Quân đem kích ra đưa cho Lã Bố. Kỷ Linh, Lưu Bị không biết thế nào, cùng sợ mất vía.

Bố nói:

- Ta can hai bên mãi không nghe. Vậy để tuỳ lòng trời định quyết việc này!

Không ai hiểu Lã Bố định làm gì. Lã Bố sai quân mang hoạ kích ra ngoài cửa nha môn, cắm tận đằng xa cùng kiệt, rồi ngoảnh lại bảo hai người rằng:

- Từ đây ra đó, cách một trăm năm mươi bước. Ta xin bắn một phát tên, nếu tin vào ngạnh kích thì hai bên phải bãi binh; nhược bằng bắn không trúng thì mặc ý hai bên đi mà đánh nhau. Ta định như thế, ai không nghe thì ta gồm sức với bên kia để đánh.

Kỷ Linh thấy kích cắm xa thế mười phần chắc cả mười rằng: Lã Bố tài đến đâu cũng không sao bắn tin được, liền ưng theo ý Lã Bố.

Lưu Bị thì vẫn đành muốn thế rồi.

Lã Bố mời hai bên ngồi xuống, mỗi người uống một chén rượu, rượu cạn chén rồi, Bố sai đem cung lại.

Huyền Ðức khấn thầm, chỉ muốn cho bắn tin là hay.

Lã Bố vén tay áo bào, đặt mũi tên, giương hết sức cung. Dây cung bật đánh tạch một tiếng, tên ra vùn vụt, mười mắt nhìn theo; chớp mắt một cái trúng ngay ngạnh kích. Các tướng trên trướng dưới thềm đều reo ầm vỗ tay.

Ðời sau có thơ khen rằng:

Ôn hầu bắn giỏi thật diệu kì!

Từng ở nha môn gỡ được nguy.

Trời rụng quả nhiên hơn Hậu Nghệ!

Vượn kêu hơn hẳn sức Do Cơ.

Dây gân hổ kéo cung căng thẳng,

Tên cánh diều bay vụt vụt đi.

Ðuôi báo lung lay xuyên ngạnh kích.

Hùng binh mười vạn có làm chi?

Lã Bố bắn trúng hoạ kích rồi miệng cười ha hả, vứt cung xuống đất, cầm tay Lưu Bị và tay Kỷ Linh nói rằng:

- Ấy là trời bắt hai bên phải bãi binh đó!

Nói rồi, truyền quân sĩ rót rượu, mời mỗi người uống một cốc to làm bằng sừng trâu rừng.

Lưu Bị trong lòng mừng rỡ. Kỷ Linh thì ngồi ngẩn nửa giờ, rồi nói với Lã Bố rằng:

- Lời tướng quân dạy thì tôi phải nghe, nhưng bây giờ về nói với chúa công tôi, sao chúa công tôi tin?

Bố nói:

- Ðể ta viết thư cho Viên Công Lộ thì xong chứ gì?

Rượu uống được vài tuần nữa, Kỷ Linh xin lĩnh thư về trước. Linh về rồi, Bố bảo Lưu Bị rằng:

- Không có tôi thì ông nguy nhé!

Lưu Bị lạy tạ rồi cùng với Quan, Trương trở về. Hôm sau quân mã ba nơi cùng kéo về cả.

Lưu Bị về Tiểu Bái, Lã Bố về Từ Châu, còn Kỷ Linh về Hoài Nam vào ra mắt Viên Thuật, kể hết Lã Bố bắn kích ở nha môn để giải hoà, rồi dânh trình thư của Lã Bố.

Thuật xem thư giận lắm nói rằng:

- Lã Bố lấy bao nhiêu lương thóc của ta, nay lại lấy trò trẻ con này để mà bênh Lưu Bị. Phen này ta quyết đem đại quân đi đánh Lưu Bị, xong rồi đánh Lã Bố nhân thể.

Kỷ Linh nói:

- Chúa công không nên vội vàng: Lã Bố dũng lực hơn người; vả lại có tất cả đất Từ Châu. Ví bằng Lã Bố, Lưu Bị cả hai người, đầu đuôi cùng cứu giúp lẫn nhau, chưa dễ đánh được hắn đâu. Tôi nghe vợ Lã Bố là họ Nghiêm có đứa con gái, đã đến tuổi cập kê rồi. Chúa công thì có con trai. Nên sai người sang Từ Châu cầu thân với hắn. Nếu Lã Bố thuận gả con cho con chúa công, tất y phải giết Lưu Bị, kế ấy gọi là kế: “sơ bất gián thân”

[1]

.

Viên Thuật nghe kế ấy, lập tức sai Hàn Dận đem lễ vật sang Từ Châu cầu hôn.

Dận đến Từ Châu, vào ra mắt Lã Bố, thưa rằng:

- Chúa công tôi mộ tiếng tướng quân, muốn cầu lệnh ái làm dâu để kết duyên Tần Tấn.

Bố vào bàn với vợ.

Nguyên Lã Bố có hai vợ, một thiếp. Vốn chỉ có họ Nghiêm làm vợ cả, Ðiêu Thuyền làm thiếp. Sau đến Tiểu Bái lới lấy con gái Tào Báo làm vợ hai. Họ Tào chết trước không có con; Ðiêu Thuyền cũng không có con nào. Duy chỉ có họ Nghiêm sinh được một con gái. Lã Bố yêu con gái ấy lắm.

Khi Bố vào bàn với vợ thì họ Nghiêm nói rằng:

- Tôi nghe Viên Công Lộ trấn Hoài Nam đã lâu, binh nhiều, lương lắm, có thể làm nên thiên tử nay mai. Nếu y thành được nghiệp lớn thì con ta mới có phận làm được hậu phi. Nhưng chẳng biết hắn ta có mấy con?

Bố nói:

- Chỉ có một mống mà thôi!

Vợ nói:

- Như thế thì nên gả đứt đi. Mai sau con ta dầu chẳng hậu phi, Từ Châu ta cũng chắc được vững bền không phải lo gì.

Bố nghe lời vợ, đãi Hàn Dận tử tế, nhận lời gả con.

Hàn Dận về trình với Viên Thuật.

Thuật lập tức sắm đủ đồ sính lễ, lại sai Hàn Dận đưa sang Từ Châu.

Lã Bố nhận lễ, mở tiệc thiết đãi, lưu ở nhà khách nghỉ ngơi.

Hôm sau Trần Cung đến tận nhà khách, vào chào Hàn Dận, ngồi rồi đuổi tả hữu ra, mà bảo với Dận rằng:

- Ai hiến kế ấy, để Viên Công cùng Phụng Tiên kết dâu gia? Có phải định lấy đầu Lưu Bị chăng?

Dận giật mình, đứng dậy tạ mà nói rằng:

- Xin Công Ðài đừng hở chuyện ấy.

Cung nói:

- Ta thì không nói ra, nhưng chỉ sợ việc châm tất có người khác biết thì hỏng mất mà thôi.

Dận nói:

- Thế thì làm thế nào, xin ông dạy cho.

Cung nói:

- Ðể ta vào hầu Phụng Tiên, nói để đưa ngay con gái y sang. Như thế được không?

Dận mừng lắm, tạ ơn mà nói rằng:

- Nếu được thế thì Viên công đội ơn ngài nhiều lắm.

Cung từ Dận, vào hầu Lã Bố mà nói rằng:

- Tôi nghe ông gả con gái cho con Viên Công Lộ, thực là hay lắm. Nhưng bao giờ mới cho cưới?

Bố nói:

- Hãy để thong thả sẽ bàn.

Cung nói:

- Ngày xưa, từ hôm dạm đến hôm cưới bao lâu có định lệ cả; thiên tử thì một năm; chư hầu thì nửa năm; đại phu thì một mùa; thứ dân thì một tháng…

Bố nói:

- Viên Công Lộ, trời cho được quốc bảo, nay mai sắp làm vua, thì theo lệ thiên tử có được không?

Cung nói:

- Không nên.

Bố hỏi:

- Thế thì theo lệ chư hầu?

- Cũng không nên.

- Thế thì theo lệ đại phu?

- Cũng không nên.

Bố tức hỏi rằng:

- Thế anh muốn bảo tôi theo lệ thứ dân hay sao?

- Không phải thế!

- Thế thì ý anh ra làm sao?

Cung thưa:

- Nay chư hầu trong thiên hạ tranh hùng với nhau. Ông cùng Viên Công Lộ kết thân, đã chắc không ai ghen ghét chưa? Nếu mà để lâu còn kén ngày lành tháng tốt, ngộ có người rình lúc giờ tốt ấy, phục binh ở nửa đường, toan chuyện bất lương, thì làm sao? Vậy bây giờ chúa công đã không cho thì thôi, mà đã ưng cho thì nhân lúc chư hầu chưa biết, đưa ngay con gái đến Thọ Xuân, cho ở riêng một biệt quán, rồi sẽ chọn ngày thành thân, thế có phải muôn phần vững cả, không ngại gì nữa?

Bố mừng nói rằng:

- Công Ðài nói chí phải.

Bố vào bảo với họ Nghiêm ngay đêm hôm ấy sắm sửa đồ cưới, thu xếp ngựa quý xe thơm; sai Tống Hiến, Ngụy Tục, cùng Hàn Dận, đưa con gái đi, tiếng trống tiếng nhạc rầm rĩ, đưa ra khỏi thành.

Bấy giờ bố Trần Ðăng là Trần Khuê, dưỡng lão ở nhà, nghe thấy tiếng nhạc, hỏi đầy tớ việc gì, đầy tớ kể chuyện cưới xin là thế. Khuê nói:

- Mẹo đó là mẹo “Sơ bất gián thân” đó. Lưu Bị nguy đến nơi!

Nói thế rồi tuy bệnh chưa khỏi cũng gắng gượng lại gặp Lã Bố và nói rằng:

- Tôi nghe tướng quân sắp chết, nên tôi đến viếng.

Lã Bố giật nảy mình hỏi:

- Vì sao lại thế?

Khuê nói:

- Bữa trước Viên Thuật cho đem vàng lụa đến biếu ông, là có ý để giết Lưu Huyền Ðức, ông mới lấy chuyện bắn kích giải hoà. Nay tự dưng đến cầu kết dâu gia, ấy là muốn lấy con gái ông để làm tin đó. Khi nào con ông đã về nhà y, y lại sang đánh Lưu Bị để lấy Tiểu Bái. Tiểu Bái mất thì Từ Châu cũng nguy. Vả lại khi đã kết thân với y rồi, hoặc có khi đến vay lương, có khi y đến mượn binh. Ông mà cho y mượn ra, thì ông đã vất vả về y, lại còn kết oán với người khác; nếu ông không giúp, thì thân thích lìa nhau và lại gây ra sự đánh nhau. Huống chi ông đã biết rằng Viên Thuật có ý muốn xưng đế. Muốn xưng đế là làm phản, thế ra ông còn kết thân với phản tặc, thiên hạ ai còn dung ông nữa?

Bố nghe nói thất kinh mà rằng:

- Trần Cung nó làm lỡ ta!

Vội vàng sai Trương Liêu đem binh đuổi theo, đến ngoài ba mươi dặm, lôi con gái trở về, và bắt Hàn Dận đem giam lại, rồi sai người sang nói với Viên Thuật rằng: Ðồ nữ trang sắm chưa đủ. Khi nào sắm sửa xong sẽ đưa con gái sang.

Trần Khuê lại xui Lã Bố cho giải Hàn Dận sang Hứa Ðô nộp cho triều đình. Lã Bố còn đang tần ngần chưa định bề nào, thì có người đến báo rằng:

- Lưu Bị ở Tiểu Bái chiêu quân tậu ngựa, không biết có tình ý gì.

Bố nói:

- Ðó là việc thường của người làm tướng thôi, có lạ gì?

Ðang nói chuyện thì Tống Hiến, Ngụy Tục chạy vào báo rằng:

- Hai chúng tôi vâng mệnh minh công sai sang Sơn Ðông mua ngựa, có tậu được hơn ba trăm ngựa tốt, đi về đến đầu địa giới huyện Bái, bị kẻ cướp ra cướp mất một nửa. Hỏi dò ra thì đám cướp ấy là Trương Phi, là em Lưu Bị giả làm giặc núi đến ăn cướp.

Lã Bố giận lắm, lập tức điểm binh đến Tiểu Bái đánh Trương Phi.

Lưu Bị nghe thất kinh, vội vàng dẫn quân ra đón. Khi hai bên bày trận rồi, Huyền Ðức cưỡi ngựa ra mà hỏỉ rằng:

- Huynh trưởng có việc gì đem quân đến đây?

Bố trỏ mắng rằng:

- Ở nha môn tao vừa bắn kích để cứu mày khỏi được nạn lớn, nay cớ sao mày lại cướp ngựa của tao?

Lưu Bị nói:

- Tôi nay thiếu ngựa có sai người ra bốn mặt tìm mua, chứ có đâu dám cướp của huynh trưởng?

Lã Bố giận mắng rằng:

- Mày sai em là Trương Phi ra cướp của tao một trăm rưỡi con ngựa tốt, bây giờ lại chối à?

Trương Phi vác mâu cưỡi ngựa ra nói rằng:

- Chính tao cướp ngựa đấy! Mày làm gì nổi tao?

Bố nói:

- Thằng giặc mắt tròn kia, mày đã bao nhiêu lần khinh tao?

Phi nói:

- Sao tao cướp ngựa của mày thì mày biết tức, mày cướp Từ Châu của anh tao, sao không nói?

Bố vác kích lại đánh Trương Phi. Phi cũng vác mâu lại địch. Hai người đánh nhau hơn một trăm hiệp, chưa phân được thua. Lưu Bị sợ lỡ việc ra, vội vàng khua chiêng thu quân về thành.

Lã Bố chia quân vây bốn mặt.

Lưu Bị về gọi Trương Phi trách rằng:

- Chỉ tại mày cướp ngựa của nó nên sinh sự thế này. Thế thì ngựa ở đâu?

Phi nói:

- Gửi cả vào các chùa.

Huyền Ðức sai ngay người đến trại Lã Bố, xin đem nộp trả ngựa rồi hai bên cùng bãi binh.

Lã Bố muốn cho, Trần Cung nói:

- Nay không giết Lưu Bị đi, ngày sau tất nó hại mình.

Bố lại nghe, không cho nữa lại càng ra riết đánh thành. Lưu Bị về bàn với Tôn Càn, My Chúc, Càn nói:

- Tào Tháo giận Lã Bố. Không bằng ta bỏ thành chạy sang Hứa Ðô, về với Tào Tháo, rồi mượn quân đánh Lã Bố, kế ấy là hơn cả.

Lưu Bị hỏi:

- Ai dám ra trước, phá vòng vây bây giờ?

Trương Phi xin đi.

Lưu Bị sai Trương Phi đi trước, Quan Công đi sau. Còn mình thì ở giữa, giữ gìn vợ con già trẻ, đương đêm canh ba, nhân bóng trăng sáng, ra cửa bắc chạy, gặp ngay Tống Hiến, Ngụy Tục. Hai tướng ấy bị Trương Phi đánh một trận phải lui.

Lưu Bị ra khỏi vòng vây.

Mặt sau Trương Liêu chạy đuổi. Quan Công đánh cho phải đứng lại.

Lã Bố thấy Lưu Bị đi rồi không đuổi theo nữa, vào thành yên dân, rồi sai Cao Thuận giữ Tiểu Bái; mình lại về Từ Châu.

Lưu Bị chạy sang Hứa Ðô, đóng trại ở ngoại thành, trước hết sai Tôn Càn vào ra mắt Tào Tháo, nói rằng:

- Vì bị Lã Bố đánh, xin đến nương nhờ.

Tháo nói:

- Huyền Ðức với ta như anh em.

Liền mời vào tương kiến.

Hôm sau Lưu Bị để Quan, Trương ngoài thành, dắt Tôn Càn, My Chúc vào yết kiến Tào Tháo, Tháo đãi làm bậc khách quý. Khi Lưu kể hết chuyện Lã Bố, Tháo nói rằng:

- Bố là đồ vô ơn, ta với hiền đệ phải hợp sức lại để trừ nó mới được.

Lưu Bị tạ ơn. Tháo mở yến thiết đãi, đến chiều tiễn ra về. Tuân Úc vào nói rằng:

- Lưu Bị là người anh hùng. Nay không trừ sớm đi, tất để lo về sau.

Tháo chẳng bảo làm sao, Úc ra, Quách Gia vào. Tháo hỏi:

- Úc xui ta giết Lưu Bị. Nên không?

Gia nói:

- Không nên, chúa công cất quân nghĩa binh, vì trăm họ trừ kẻ hung bạo, giữ điều tín nghĩa, để mời hào kiệt còn lo người ta chẳng đến, nay Huyền Ðức có tiếng anh hùng, vì cùng khốn, mới về với ta, nếu lại giết đi, chẳng hoá ra mình hại người hiền. Những người chí sĩ trong thiên hạ nghe thấy sinh ngờ còn ai bước chân vào cửa chúa công nữa, chúa công cùng với ai mà định việc thiên hạ? Trừ được cái lo một người, mà làm cản trở lòng trông ngóng của bốn bể. Cái cơ yên nguy, xin chúa công phải xét mới được.

Tháo mừng nói rằng:

- Người nói chính hợp bụng ta.

Hôm sau Tháo dâng biểu tiến Lưu Bị, xin cho lĩnh chức mục Dự Châu.

Trình Dục can rằng:

- Lưu Bị về sau tất không chịu ở dưới người khác đâu, không bằng giết trước đi.

Tháo nói:

- Nay đương lúc dụng anh hùng, không nên giết một người để mất lòng thiên hạ. Ta với Quách Gia cùng một ý kiến.

Tháo không nghe lời Trình Dục, lại lấy ba nghìn quân và một vạn hộc lương, giao cho Lưu Bị, sai ra Dự Châu nhận chức, tiến quân đóng ở Tiểu Bái, chiêu tập những binh cũ của mình để rồi đánh Lã Bố.

Huyền Ðức đến Dự Châu, sai người về hẹn với Tào Tháo định ngày cất quân cùng đi đánh Lã Bố. Khi Tháo sắp đi, có ngựa lưu tinh đến báo rằng:

- Trương Tế từ Quan Trung dẫn quân đến đánh Nam Dương, lỡ phải tên bay bắn chết. Nay cháu Tế là Trương Tú cầm quân, dùng Giả Hủ là mưu sĩ, kết liên với Lưu Biểu đóng quân ở Uyển Thành, muốn đem quân lại phạm cửa khuyết để cướp giá.

Tháo tức lắm, muốn đem binh ra đánh, lại sợ Lã Bố đến cướp Hứa Ðô, mới hỏi Tuân Úc xem có kế gì.

Tuân Úc nói:

- Việc ấy thực dễ, Lã Bố là đứa vô mưu, thấy lợi thì hoa mắt lên, minh công nên sai sứ sang Từ Châu, thăng quan thưởng hậu cho hắn, bắt hắn phải hoà với Lưu Bị. Lã Bố được thưởng tất không nghĩ xa xôi gì nữa.

Tháo ưng ý, liền sai phụng quân đô uý là Vương Tắc đem bằng sắc cùng tờ giải hoà sang Từ Châu. Một đường thì cắt ngay mười lăm vạn quân đi đánh Trương Tú, chia quân ra làm ba đường; cho Hạ Hầu Ðôn làm tiên phong, quân mã đến Vị Thuỷ đóng trại.

Giả Hủ thấy vậy khuyên bảo Trương Tú rằng:

- Quân Tào thế lớn lắm, ta không địch nổi. Chi bằng đem quân đầu hàng.

Tú nghe, sai Giả Hủ đến trại Tháo nói trước, Tháo thấy Giả Hủ ứng đối nhanh nhảu, có bụng yêu mến, muốn dùng làm mưu sĩ. Hủ nói:

- Tôi trước theo Lý Thôi, mắc tội với thiên hạ; nay theo Trương Tú, tôi nói gì, bày kế gì Trương Tú cũng theo, nên không nỡ bỏ.

Hủ nói rồi ra về; hôm sau đưa Tú vào yết kiến Tào Tháo. Tháo tiếp đãi thực hậu. Tú dẫn binh vào đóng trong Uyển Thành, lập doanh trại liên tiếp nhau, dài hơn mười dặm. Ở được vài ngày, Tú mỗi hôm mở yến một lần mời Tháo.

Một bữa Tháo uống rượu say, vào giường ngủ, hỏi nhỏ tả hữu rằng:

- Trong thành có kĩ nữ không?

Ðứa cháu, con của anh Tháo, tên là Tào An Dân, biết ý Tháo, vào thưa thầm rằng:

- Thưa chú, chiều hôm qua, cháu trông thấy ở cạnh quán xá có một người đàn bà, mười phần xinh đẹp. Cháu hỏi ra thì là vợ Trương Tế, thím Trương Tú.

Tháo nghe nói, liền sai An Dân đem năm mươi giáp binh ra đòi vào.

Ðược một lát, binh dẫn vào. Tháo trông ra quả nhiên là xinh đẹp, hỏi họ chi, thì người đàn bà thưa rằng:

- Thiếp họ Châu, vốn là vợ Trương Tế.

Tháo hỏi:

- Phu nhân có biết ta không?

- Thiếp được nghe uy danh thừa tướng đã lâu. Nay mới được bái kiến.

- Ta cho Trương Tú hàng cũng vì phu nhân đó, nếu không ta đã giết cả họ hắn rồi.

Châu thị lạy tạ nói rằng:

- Thực đội ơn tái sinh của ngài.

Tháo nói:

- Hôm nay trời xui được gặp phu nhân, thực là may quá. Ðêm hôm nay xin cùng chăn chiếu, rồi sẽ theo ta về kinh đô, yên hưởng giàu sang. Phu nhân có thuận không?

Châu thị lạy tạ. Ðêm hôm ấy cùng ngủ trong trướng. Hôm sau Châu thị nói:

- Thiếp ở lâu trong thành, Trương Tú tất sinh nghi, vả sợ miệng tiếng người ngoài.

Tháo nói:

- Ðến mai tôi xin cùng phu nhân ra ở trại ngoài thành.

Hôm sau Tháo ra nghỉ ở ngoài thành, sai Ðiển Vi canh giữ bên ngoài, ai vào phải báo trước, cho vào mới được vào.

Vì thế, tin tức trong ngoài không thông. Tào Tháo mỗi ngày cùng họ Châu vui thú, không tưởng gì đến về nữa.

Người nhà Trương Tú, có người mật báo với Trương Tú. Tú giận lắm nói rằng:

- Thằng giặc Tháo hắn làm nhục ta quá!

Bèn mời Giả Hủ đến bàn. Hủ nói:

- Việc ấy đừng tiết lộ ra vội. Ngày mai đợi lúc Tào Tháo ra trướng bàn việc, thời nên làm thế này… thế này…

Hôm sau Tào Tháo ngồi ở trong trướng. Trương Tú vào bẩm rằng:

- Những binh lính mới hàng, nhiều đứa đi trốn, xin thừa tướng cho đem đồn vào trung quân.

Tháo ưng thuận. Tú liền dời đồn vào, chia làm bốn trại rồi định ngày khởi sự.

Nhưng Tú còn lo Ðiển Vi khoẻ mạnh, khó lòng gần được, bàn với thiên tướng là Hồ Xa Nhi.

Hồ Xa Nhi sức đội được năm trăm cân, một ngày đi được bảy trăm dặm, cũng là một người tài.

Khi ấy Tú hỏi, Hồ Xa Nhi nói:

- Ðiển Vi chỉ giỏi về đôi thiết kích. Ngày mai chúa công cho mời hắn đến uống rượu, cho uống thực say hãy để về. Bấy giờ tôi sẽ lộn vào đám quân sĩ đi theo hắn, lẻn vào trong phòng, ăn trộm được đôi kích thì không sợ gì hắn nữa.

Tú mừng lắm, sai chuẩn bị cung tên, giáp binh, bảo trước các trại, đến hẹn sai Giả Hủ mời Ðiển Vi đến chơi, khẩn khoản mời rượu. Vi đến, tối say về. Hồ Xa Nhi đi lẫn trong đội quân, lẻn vào trong trại.

Ðêm hôm ấy, Tào Tháo cùng họ Châu đang uống rượu ở trong trướng, chợt nghe ở ngoài có tiếng xôn xao và tiếng ngựa kêu. Tháo sai người ra coi xem có việc gì, quân vào báo rằng: quân Trương Tú đi tuần đêm.

Tháo không nghi gì nữa.

Ðến canh hai ở sau trại lại có tiếng reo, rồi quân lại vào báo rằng:

- Trên những xe cỏ có lửa cháy.

Tháo truyền rằng:

- Ấy là chúng nó lỡ đánh rơi lửa, không ai được xôn xao.

Ðược một hồi thì bốn mặt lửa cùng cháy cả.

Bấy giờ Tháo mới hoảng sợ, vội vàng sai gọi Ðiển Vi.

Ðiển Vi say rượu đang ngủ, trong mơ màng chợt nghe tiếng chiêng trống và tiếng người reo hò, giật nảy mình vùng dậy, sờ đến đôi thiết kích thì không thấy đâu cả.

Ở ngoài giặc đã đến cửa. Vi vội vàng giật lấy đao lưng của lính canh, chạy ra, ở ngoài đã thấy vô số quân mã, cầm rặt giáo dài đánh bừa vào trại.

Vi phải nhất sống nhì chết mà lăn xả vào đám quân ấy, chém giết một lúc chết hơn hai mươi người, quân mã ấy mới lui, lại có quân bộ kéo đến. Hai bên giáo mác tua tủa như ngọn lau, mình Vi không một mảnh giáp, trên dưới bị vài mươi nhát đâm. Vi vẫn cứ lăn xả vào đánh; dao mẻ không dùng được, Vi bỏ dao, hai tay vớ ngay lấy hai người làm khí giới, quăng đập một lúc chết tám chín người. Giặc thấy thế không dám đến gần, chỉ đứng đằng xa bắn tên lại. Tên bắn như mưa, Ðiển Vi vẫn liều chết giữ cửa trại, nhưng quân giặc đã kéo được vào cửa sau, Ðiển Vi lại bị một mũi giáo đâm trúng giữa lưng. Vi kêu to một tiếng, máu chảy đầy đất rồi chết. Hắn chết được nửa giờ rồi mà vẫn không ai dám đi qua cửa trước.

Tào Tháo nhờ có Ðiển Vi chẹn giữ của trước mới lẻn ra sau trại lên ngựa trốn thoát, chỉ có Tào An Dân đi bộ chạy theo.

Lúc chạy, ngựa Tháo bị một mũi tên, nhưng may được con ngựa tốt, ngựa Ðại Uyên, càng đau càng chạy khoẻ.

Chạy gần đến bờ sông Dục Thuỷ thì giặc đuổi kịp. An Dân bị băm nhỏ ra như bùn, Tháo vội quất ngựa lội qua sông mà chạy. Vừa sang đến bờ bên kia, thì giặc bắn một tên, trúng vào mắt ngựa. Ngựa ngã gục xuống đất. May đâu, giữa lúc ấy thì con trưởng Tháo là Tào Ngang đem ngay con ngựa đang cưỡi nhường cho cha.

Tháo lên ngựa chạy. Tào Ngang bị tên lạc bắn chết, Tháo đi đường gặp các tướng mới thu thập tàn quân lại.

Bấy giờ, quân Thanh Châu do Hạ Hầu Ðôn quản lĩnh, thừa thế về các thôn quê cướp bóc nhân dân. Quan binh lỗ hiệu uý là Vu Cấm đem ngay quân bản bộ dẹp bắt, vỗ yên nhân dân.

Quân Thanh Châu chạy về đón Tào Tháo, khóc lóc lạy xuống đất kêu rằng:

- Vu Cấm làm phản đuổi giết quân mã Thanh Châu.

Tháo thất kinh. Ðược một hồi thì Hạ Hầu Ðôn, Hứa Chử, Lý Ðiển, Nhạc Tiến đều đến. Tháo truyền:

- Vu Cấm làm phản, chư tướng nên đem quân ra đánh.

Vu Cấm thấy cả bọn Tào Tháo đến, đem quân ra dàn thành góc trận, đào hào cắm trại.

Có kẻ thấy vậy bảo Cấm rằng:

- Quân Thanh Châu vu cho ông làm phản, nay thừa tướng đã đến, ông chưa ra nói cho minh bạch, sao lại lập trại trước?

Vu Cấm nói:

- Nay giặc đuổi ở sau lưng, đã sắp đến nơi. Nếu không phòng bị trước thì lấy gì mà đối địch với giặc. Minh biện là việc nhỏ, đánh giặc là việc quan hệ hơn.

Lập trại vừa xong thì quân Trương Tú hai đường kéo đến. Vu Cấm thân ra trước nghênh địch. Tú vội lui quân. Các tướng thấy Vu Cấm xông lên trước, bèn dẫn quân đánh ào lên, đuổi giết hơn một trăm dặm. Quân Tú thua to.

Tú thế cùng, nhặt nhạnh tàn quân về theo Lưu Biểu.

Tào Tháo thu quân điểm tướng. Vu Cấm vào hầu, kể hết cả chuyện quân Thanh Châu đi ăn cướp, làm mất lòng dân, nên y mới phải dẹp đi. Tháo hỏi:

- Sao ngươi không nói gì với ta, mà lập trại trước là ý thế nào?

Cấm lại đem lời đã nói trước mà giải thích minh bạch để Tào Tháo nghe. Tháo khen rằng:

- Tướng quân trong lúc bối rối, thế mà nghiêm được binh, bền được luỹ, mặc người gièm chê, chịu khó nhọc làm cho đang thua hoá ra được, dù danh tướng đời xưa, vị tất đã có ai hơn.

Tháo thưởng cho Vu Cấm một bộ đồ vàng, phong cho làm Ích Thọ đình hầu; lại trách Hạ Hầu Ðôn trị quân không nghiêm, rồi làm lễ tế Ðiển Vi.

Tháo thân ra cúng tế khóc than, rồi ngoảnh lại bảo các tướng rằng:

- Ta mất một con trưởng và một cháu yêu, cũng không thương là mấy, chỉ thương khóc Ðiển Vi mà thôi.

Các tướng ai cũng cảm thương.

Hôm sau Tháo hạ lệnh rút quân về Hứa Ðô.

Nay hãy nói chuyện Vương Tắc đem chiếu đến Từ Châu.

Lã Bố mời Tắc vào phủ, mở đọc chiếu thư, thì chiếu phong cho Bố làm Bình Đông tướng quân, cho ấn thụ, lại đưa thư riêng của Tháo.

Vương Tắc nói đi nói lại mãi với Lã Bố rằng Tào công kính trọng. Bố mừng lắm. Chợt có người báo Viên Thuật sai người sang. Bố gọi vào hỏi, người ấy nói rằng:

- Viên công nay mai sắp lên ngôi hoàng đế, lập ngôi đông cung, sai tôi sang thúc hoàng phi về Hoài Nam.

Bố nổi giận quát rằng:

- Phản tặc sao dám thế?

Liền giết kẻ sứ của Viên Thuật và đóng gông Hàn Dận, sai Trần Ðăng mang tờ tạ biểu và giải Hàn Dận cùng Vương Tắc đến Hứa Ðô để tạ ân vua và đáp thư Tào Tháo, và xin thực thụ chức mục ở Từ Châu.

Tháo biết việc kết hôn Viên Thuật với Lã Bố đã nhỡ nhàng rồi, mừng lắm, đem Hàn Dận ra chém ngoài chợ.

Trần Ðăng nói nhỏ với Tháo rằng:

- Lã Bố là giống sài lang, khoẻ mà vô mưu, khinh đường việc lui và tới, nên sớm liệu trừ đi.

Tháo nói:

- Ta vẫn biết Lã Bố là một loài sói lòng tham, không nên nuôi lâu. Nhưng phi cha con nhà ông thì không ai dò hết được tình hình hắn. Ông nên cùng với ta mưu toan việc ấy.

Ðăng nói:

- Thừa tướng định làm gì, tôi xin nội ứng.

Tháo mừng lắm, biểu tâu cho Trần Khuê là cha Trần Ðăng ăn lộc trung nhị thiên thạch và cho Ðăng làm thái thú ở Quảng Lăng.

Ðăng từ tạ rồi về, Tháo cầm tay Ðăng dặn rằng:

- Việc ở phương đông tôi giao phó cho ông đó.

Ðăng gật đầu xin vâng, về Từ Châu vào gặp Lã Bố. Bố hỏi chuyện. Ðăng cũng kể việc Tào Tháo cho cha ăn lộc và mình làm thái thú. Bố giận lắm nói rằng:

- Tao sai mày sang để cầu chức mục Từ Châu cho tao, tao chẳng được gì, mà bố con mày đều được hiển quý, thế là tao bị bố con mày đem bán để làm lợi cho mình.

Lã Bố nói xong rút kiếm toan chém Trần Ðăng. Ðăng cười ha hả mà nói rằng:

- Sao tướng quân lại tối hiểu như thế!

Bố hỏi:

- Như thế nào là tối hiểu?

Ðăng thưa:

- Tôi vào gặp Tào công, nói rằng: “Nuôi tướng quân như nuôi hổ, nên cho ăn no thịt, nếu không ăn no thì tất cắn người”. Tào công cười nói rằng: “Ta đãi Ôn Hầu như nuôi chim cắt, cáo thỏ chưa trừ được chưa dám cho ăn no vội, bởi vì đói thì còn dùng được, chớ no thì bay mất”. Tôi hỏi: “Cáo thỏ là gì?” Tào công nói: “Viên Thuật ở Hoài Nam, Tôn Sách ở Giang Ðông, Viên Thiệu ở Ký Châu, Lưu Biểu ở Kinh Châu, Lưu Chương ở Ích Châu, Trương Lỗ ở Hán Trung, tuyền là cáo thỏ cả”.

Bố nghe nói, ném gươm xuống đất, cười rằng:

- Tào công thực biết ta đó!

Giữa lúc ấy thì có người lại báo rằng:

- Viên Thuật đem quân đến lấy Từ Châu!

Lã Bố thất kinh.

Thế thực là:

Hôn nhân gây sự can qua,

Tưởng là Tần - Tấn, hoá là Việt - Ngô.

Chưa biết rồi ra thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.

Hồi 17

Viên Công Lộ cất bảy cánh quân;

Tào Mạnh Đức gặp ba ông tướng

Viên Thuật ở Hoài Nam đất rộng lương nhiều, lại có ngọc tỷ của Tôn Sách gửi làm tin, có ý muốn tiếm xưng đế hiệu, hội cả các bầy tôi bàn rằng:

- Xưa Hán Cao Tổ chẳng qua là một người đình trưởng ở Tứ Thượng, thế mà lấy được thiên hạ. Từ bấy giờ đến nay đã bốn trăm năm, khí số đã hết. Trong bốn bể loạn tứ tung như vạc sôi. Mà nhà ta thì bốn đời làm đến tam công, trăm họ ai cũng trông ngóng. Ta muốn ứng vận trời, thuận lòng người, lên ngôi cửu ngũ, các người nghĩ thế nào?

Chủ bạ là Diêm Tượng can rằng:

- Xưa Hậu Tắc nhà Chu, chứa đức chất công; đến đời Văn Vương, thiên hạ chia ba có hai phần, còn phải thờ nhà Ân. Nay minh công gia thế tuy rằng quý, nhưng chưa được thịnh bằng nhà Chu. Nhà Hán tuy rằng suy, nhưng chưa đến nỗi tàn bạo như vua Trụ nhà Ân. Việc ấy quyết không nên làm.

Thuật giận nói rằng:

- Ta họ Viên do từ họ Trần mà ra, mà họ Trần vốn là cháu vua Ðại Thuấn ngày xưa; thuộc về hành Thổ, lấy Thổ kế vào Hoả chính ứng vận trời. Vả lại có câu sấm rằng: Thay nhà Hán ấy là chỗ cao ở giữa đường. Tên tự ta là Công Lộ, thế thì chính ứng câu sấm ấy. Lại có ngọc tỷ truyền quốc, nếu ta không làm vua, thì hoá ra trái đạo trời mất. Ý ta đã quyết, ai còn can nữa ta chém.

Lập tức đặt hiệu gọi là Trọng Thị, lập ra các quan, đài, sảnh

[1]

; cưỡi kiệu long phượng, tế thần Nam Giao, Bắc Giao, lập con gái Phùng Phương làm hoàng hậu, lập con trai làm Ðông cung, rồi sai sứ sang Từ Châu để xin cưới con gái Lã Bố về làm Ðông cung phi.

Nhưng nghe nói Lã Bố đem giải Hàn Dận vào Hứa Ðô và đã bị Tào Tháo chém rồi, Thuận giận lắm, liền cử Trương Huân làm đại tướng quân thống lĩnh đại quân hơn hai mươi vạn, rồi chia làm bảy đạo sang đánh Từ Châu: 1. Trương Huân đi giữa; 2. Thượng tướng Kiều Dị đi bên tả; 3. Trần Kỷ đi bên hữu; 4. Phó tướng Lôi Bạc đi bên tả; 5. Trần Lan đi bên hữu; 6. Hàng tướng Hàn Tiêm đi bên tả; 7. Dương Phụng đi bên hữu. Ðạo nào cũng thống lĩnh tướng đội, chọn ngày cất quân; lại sai thứ sử Duyện Châu Kim Thượng làm thái uý coi vận tiền lương cho bảy đạo quân. Thượng không nghe, Thuận giết Thượng, lấy Kỷ Linh làm đô cứu ứng sứ để tiếp ứng cho bảy đạo quân.

Thuận tự lĩnh ba vạn quân, sai Lý Phong, Lương Cương, Nhạc Tựu làm thôi tiến sứ, để đi lại cứu ứng quân bảy đạo.

Lã Bố sai người đi do thám, biết tin đạo quân Trương Huân đi theo đường cái lớn đến lấy Từ Châu; đạo Kiều Dị thì lấy Tiểu Bái; đạo Trần Kỷ lấy Nghi Ðô; đạo Lôi Bạc thì lấy Lương Gia; đạo Trần Lan thì lấy Kệ Thạch; đạo Hàn Tiêm thì lấy Hạ Phì; đạo Dương Phụng thì lấy Tuấn Sơn. Cả bảy đạo quân mã, mỗi ngày đi được 50 dặm, đi đến đâu cướp phá đến đó.

Bố nghe thám về báo thế, cho đi mời các mưu sĩ lại để bàn. Trần Cung và cha con Trần Khuê cũng đến cả. Trần Cung nói:

- Cái vạ Từ Châu này chỉ là do cha con Trần Khuê gây ra, nịnh triều đình để cầu tước lộc, mà để vạ lây đến tướng quân. Nay nên đem hai người ấy chém đi, mang đầu sang nộp Viên Thuật, thì lập tức Thuật rút quân về ngay.

Lã Bố lập tức sai người lôi cha con Trần Khuê, Trần Ðăng ra chém, Trần Ðăng cười to lên nói rằng:

- Sao lại hèn thế? Bảy đạo quân Viên Thuật ta coi như cỏ rác mà thôi. Việc gì phải lo cuồng lên như vậy?

Bố truyền khoan chém rồi bảo Trần Ðăng rằng:

- Hễ mày có kế gì phá được giặc thì ta tha cho.

Ðăng nói:

- Nếu tướng quân nghe lời tôi, thì Từ Châu quyết không lo ngại gì cả.

Bố nói:

- Thử nói đi!

Ðăng nói:

- Quân Thuật tuy nhiều nhưng là quân ô hợp, không thân tín nhau. Nếu ta lấy chính binh mà giữ, lấy kì binh mà đánh, tất nhiên thành công. Tôi lại có một kế nữa: không những là giữ vững được Từ Châu lại còn bắt sống được Viên Thuật.

Lã Bố hỏi kế ra làm sao, Ðăng nói:

- Hàn Tiêm, Dương Phụng nguyên là cựu thần nhà Hán; nhân sợ Tào Tháo mà chạy; không có nơi nương tựa cho nên phải theo Viên Thuật. Thuật tất cũng khinh thường họ, mà họ hẳn cũng không vui lòng để cho Thuật sai khiến. Nếu bây giờ ta đưa thư cho hai người ấy, nhử họ làm nội ứng, rồi ta lại nhờ Lưu Bị làm ngoại hợp, chắc là bắt sống được Thuật.

Bố nói:

- Mày phải đem thư cho Dương Phụng, Hàn Tiêm nhé?

Ðăng xin vâng.

Bố liền dâng biểu đến Hứa Ðô, và đưa thư sang Dự Châu cho Lưu Bị, rồi mới sai Trần Ðăng dẫn vài quân kị, sang trước đường Hạ Phì để đón Hàn Tiêm.

Khi Hàn Tiêm dẫn quân đến, lập trại rồi, Ðăng vào yết kiến. Tiêm hỏi:

- Mày là người của Lã Bố lại đây làm gì?

Ðăng nói:

- Ta là công khanh nhà Hán, sao lại gọi là người của Lã Bố? Như tướng quân trước làm tôi nhà Hán, bây giờ lại làm tôi thằng phản tặc, thế là công cứu giá Quan Trung ngày xưa hoá thành công cốc. Tôi trộm nghĩ lấy làm tiếc cho tướng quân. Vả lại tính Viên Thuật là đứa đa nghi, tướng quân theo hắn rồi sau hại tới thân. Nay không sớm liệu đi, sau hối không kịp nữa.

Tiêm than rằng:

- Tôi cũng muốn về với nhà Hán, ngặt vì không có đường về.

Bấy giờ Ðăng mới đưa thư của Lã Bố ra. Tiêm xem xong nói rằng:

- Tôi xin lĩnh lời Lã Ôn Hầu. Xin ông cứ về trước, để tôi cùng Dương tướng quân sẽ trở giáo đánh lại Viên Thuật. Ông về nói với Lã Ôn Hầu hễ thấy lửa cháy làm hiệu thì đem binh đến tiếp ứng, tất là được.

Ðăng từ giã Tiêm về trình với Lã Bố.

Bố chia quân ra làm năm đạo: Cao Thuận dẫn một đạo tiến lên đến Tiểu Bái để chống với Kiều Dị; Trần Cung dẫn một đạo đến Nghi Ðô để địch với Trần Kỷ; Trương Liêu và Tang Bá dẫn một đạo đến Lương Gia để địch với Lôi Bạc; Tống Hiến, Ngụy Tục dẫn một đạo đến Kế Thạch để địch với Trần Lan; Lã Bố thì tự dẫn một đạo đi ra đường cái lớn để đón Trương Huân. Mỗi đạo đem đi một vạn quân, còn thừa để lại giữ thành.

Lã Bố ra khỏi thành được ba mươi dặm đóng trại. Quân Trương Huân kéo đến, liệu chừng địch với Lã Bố không nổi, lùi lại hai mươi dặm đóng đồn để đợi quân bốn đạo tiếp ứng.

Canh hai đêm hôm ấy Hàn Tiêm, Dương Phụng đem quân kéo lại đốt lửa làm hiệu, quân Lã Bố ùa vào trại Trương Huân. Quân Huân cuống cuồng. Lã Bố thừa thế đánh dấn vào. Huân thua chạy. Lã Bố đuổi vừa đến sáng, gặp quân Kỷ Linh tiếp ứng cho Trương Huân vừa đến. Hai bên vừa sắp sửa đánh nhau, thì Hàn Tiêm, Dương Phụng hai đạo cùng đánh xổ đến. Kỷ Linh cũng thua chạy nốt. Lã Bố đuổi theo đánh. Bỗng thấy ở mé sau núi có một toán quân kéo ra.

Ở ngoài có một hàng cờ bay phấp phới, trong một đội quân mã, vác những cờ vẽ rồng vẽ phượng, cùng là kiếm vàng búa bạc, mao trắng, việt vàng; ở dưới thì tán tía lọng vàng. Viên Thuật mình mặc áo giáp vàng, nách đeo đôi đao, cưỡi ngựa đứng trước cửa trận, gọi mắng Lã Bố là đứa phản chủ.

Bố giận vác kích xông vào.

Tướng Thuật là Lý Phong, vác giáo ra địch. Đánh nhau chưa được ba hiệp, bị Lã Bố đâm vào cánh tay. Phong bỏ giáo chạy. Bố thúc quân vào đánh giết. Quân Viên Thuật cuống cuồng chạy trốn. Lã Bố dẫn quân đuổi theo, cướp giật được ngựa và áo giáp vô số.

Viên Thuật dẫn bại quân chạy, mới được vài dặm, sau núi có một toán quân kéo ra, chẹn ngang đường đi. Một tướng đứng đầu toán quân ấy là Quan Vân Trường, gọi to lên rằng:

- Phản tặc, không chịu chết đi, còn chạy đâu?

Viên Thuật cắm đầu cắm cổ chạy, quân sĩ tán loạn bị Quan Công đánh một trận thật dữ dội. Viên Thuật thu nhặt được ít tàn quân chạy về Hoài Nam.

Lã Bố thắng trận, mời Quan Công, Hàn Tiêm, Dương Phụng về cả Từ Châu, mở một tiệc yến to ăn mừng. Quân sĩ cùng được khao thưởng cả.

Hôm sau Quan Công từ tạ xin về.

Lã Bố tâu xin cho Hàn Tiêm làm mục ở Nghi Ðô; Dương Phụng làm mục ở Lương Gia. Lúc Bố muốn lưu hai người lại ở Từ Châu, Trần Khuê nói:

- Hai người ấy không nên để ở Từ Châu. Cứ cho họ sang giữ ở Sơn Ðông thì tôi chắc chỉ trong một năm, bao nhiêu thành quách đất Sơn Ðông đều về tay tướng quân cả.

Bố nghe Khuê, tạm cho hai người ra đóng ở Nghi Ðô, Lương Gia để đợi ân mệnh.

Trần Ðăng thấy vậy mới hỏi cha rằng:

- Sao cha không để hai người ấy ở Từ Châu, làm tay trong cho mình để giết Lã Bố.

Khuê nói:

- Thế ngộ hai người cùng hiệp sức giúp Lã Bố thì có phải hoá ra thêm nanh vuốt cho hổ không?

Ðăng phục cao kiến của cha.

Viên Thuật thua về Hoài Nam, sai người sang Giang Ðông, hỏi Tôn Sách cho mượn quân để báo thù. Sách giận mà nói rằng:

- Ngươi lấy không ngọc tỷ của ta, tiếm xưng đế hiệu, làm phản nhà Hán, xấc láo không biết đạo, ta đang muốn đem quân sang hỏi tội ngươi, đời nào lại đi giúp đứa phản tặc?

Bèn viết thư cự tuyệt Viên Thuật.

Thuật xem thư giận nói rằng:

- Thằng trẻ con miệng còn hơi sữa mà dám xấc à, ta phải đánh trước nó đi mới được.

Trưởng sử là Dương đại tướng ngăn can mãi Thuật mới thôi.

Tôn Sách từ khi đưa thư, sợ Viên Thuật đem quân đến, điểm binh giữ cửa sông. Chợt có sứ Tào Tháo đến, đem chiếu chỉ cho Sách làm thái thú ở Cối Kê, và sai khởi binh sang đánh Viên Thuật.

Sách bàn bạc với các tướng, muốn khởi binh, Trưởng sử là Trương Chiêu can rằng:

- Thuật tuy rằng mới thua, nhưng binh nhiều lương đủ, chưa dễ đánh được, không bằng đưa thư cho Tào Tháo, bảo hắn cứ sang đánh trước, rồi ta làm hậu ứng. Hai bên cùng hiệp lại đánh, quân Thuật phải thua, vậy ta chắc được vạn phần, vạn nhất có thua, có Tào Tháo cứu đỡ.

Sách nghe lời, sai sứ giả cứ như thế sang trình với Tào công.

Tào Tháo về đến Hứa Ðô thương nhớ Ðiển Vi lập miếu để thờ, rồi phong cho con Ðiển Vi là Ðiển Mãn làm Trung Lang, đem về phủ nuôi.

Bấy giờ có quân báo Tôn Sách sai sứ giả đem thư đến.

Tháo xem xong thư, lại có người báo rằng:

- Viên Thuật thiếu lương ra cướp ở Trần Lưu.

Tháo muốn thừa cơ sang đánh, sai Tào Nhân giữ lấy Hứa Ðô, còn bao nhiêu tướng sĩ bắt phải đi cả. Quân mã bộ cả thảy mười bảy vạn người, xe lương hơn một nghìn chiếc, một mặt sai người ra hẹn với Tôn Sách, Lưu Bị, Lã Bố.

Khi quân đi đến địa giớ Dự Châu, Lưu Bị dẫn quân ra đón. Tháo sai mời vào trại, Lưu Bị vào dâng hai cái đầu.

Tháo giật mình hỏi:

- Ðầu nào?

Lưu Bị nói:

- Ðây là đầu Dương Phụng, Hàn Tiêm.

Tháo hỏi:

- Sao lại giết hai người ấy?

Lưu Bị thưa:

- Lã Bố sai hai người quyền coi Nghi Ðô, Lương Gia và tâu xin cho được thực thụ chức mục hai nơi ấy. Không ngờ hai người thả quân cho ăn cướp của dân, ai cũng ta thán. Bởi thế tôi có làm một tiệc rượu, mời hai người đến bàn việc. Trong khi uống rượu, tôi ném chén làm hiệu sai Quan, Trương là hai em tôi đem hai người giết đi, bắt hết quân hàng phục. Vì thế nên nay lại thú tội với thừa tướng.

Tháo nói:

- Ông trừ hại cho nhà nước, ấy là công to, sao lại gọi là tội?

Tháo thưởng cho Lưu Bị, rồi hai bên cùng hợp binh lại, đến địa giới Từ Châu.

Lã Bố ra đón.

Tháo lấy lời ngọt ngào dỗ dành Lã Bố, phong cho làm tả tướng quân, hứa rằng: khi nào về Hứa Ðô sẽ đổi ấn khác.

Bố mừng lắm.

Tháo chia quân Lã Bố ở tả, quân Lưu Bị ở hữu, còn mình tự lĩnh đại quân ở giữa; sai Hạ Hầu Ðôn, Vu Cấm làm tiên phong.

Viên Thuật biết quân Tào đã đến nơi, sai Kiều Dị đem năm vạn quân làm tiên phong.

Hai bên gặp nhau ở giáp giới Thọ Xuân. Kiền Dị tế ngựa ra trước, đánh nhau với Hạ Hầu Ðôn, chưa được ba hiệp, bị Ðôn đâm chết.

Quân Thuật thua chạy về thành. Giữa lúc ấy lại có người báo rằng:

- Tôn Sách đem thuyền đánh mặt tây; Lã Bố đem binh đánh mặt đông; ba anh em Lưu, Quan, Trương dẫn binh đánh mặt nam; Tào Tháo thì dẫn mười bảy vạn quân đánh mặt bắc.

Thuật nghe báo vội vàng họp cả văn võ lại để bàn. Dương đại tướng nói:

- Ðất Thọ Xuân luôn mấy năm nay nước lụt rồi nắng to, dân gian đói khát cực khổ. Nếu bây giờ lại cất quân thì nhiễu dân quá, tất dân oán mình, giặc đến khó lòng mà cự được, không bằng đóng quân ở Thọ Xuân, không đánh nhau với quân địch, đợi quân địch cạn lương tất nhiên sinh biến. Bây giờ bệ hạ hãy nên đem quân ngự lâm qua sông Hoài, trước là sang chỗ lúa chín, sau nữa là hãy tạm lánh thế mạnh của quân địch.

Thuật nghe lời, cho Lý Phong, Nhạc Tựu, Lương Cương và Trần Kỷ, cả thảy bốn tướng với mười vạn quân để giữ Thọ Xuân, còn bao nhiêu tướng giỏi, cùng là vàng bạc châu báu trong kho, thu xếp nhặt nhạnh hết đem qua sông Hoài Nam.

Quân Tào Tháo mười bảy vạn mỗi ngày ăn lương tốn lắm. Các quận lại mất mùa, chuyển vận không kịp. Tháo thúc quân đánh mau.

Lũ Lý Phong cứ đóng chặt cửa thành không ra. Quân Tháo đánh thành hơn một tháng, lương ăn gần hết.

Tháo đưa thư sang vay Tôn Sách được mười vạn hộc lương. Quan coi lương là Vương Hậu thấy ít quá không đủ phát cho quân, vào bẩm với Tháo, hỏi xem nên làm thế nào?

Tháo nói:

- Ðem hộc nhỏ mà phát cho chúng nó, tạm cấp cứu lấy một lúc.

Hậu lại hỏi:

- Thế ngộ quân sĩ kêu ca thì nói thế nào?

Tháo nói:

- Ta đã có cách.

Hậu vâng lệnh, lấy hộc nhỏ đong lương phát cho quân. Tháo cho người đi dò các trại, chỗ nào cũng thấy quân ta thán rằng: “thừa tướng đánh lừa quân”. Tháo thấy vậy mật cho người ra đòi Vương Hậu vào bảo rằng:

- Nay ta muốn mượn ngươi một cái, để dẹp yên lòng quân, ngươi đừng nên tiếc.

Hậu hỏi:

- Thừa tướng muốn dùng cái gì?

Tháo nói:

- Ta muốn mượn cái đầu ngươi để dẹp yên lòng quân.

Hậu thất kinh, kêu oan, Tháo lại nói:

- Ta cũng biết ngươi không có tội, nhưng không giết ngươi thì lòng quân sinh biến, sau khi ngươi chết, vợ con ngươi ta nuôi cho, ngươi đừng lo.

Vương Hậu muốn nói nữa, nhưng Tháo đã gọi ngay đao phủ vào lôi Hậu ra ngoài cửa chém rồi bêu đầu lên một cái sào dài, yết thị rằng: “Vương Hậu cố tình làm đấu nhỏ, để ăn cắp lương vua, nay chiếu quân pháp trị tội”. Bởi thế quân sĩ không oán gì nữa.

Hôm sau Tào Tháo hạ lệnh cho các tướng rằng:

- Hạn cho ba ngày, hễ không cố sức phá được thành, các tướng phải chém cả.

Tháo thân đến tận dưới thành, đốc thúc quân sĩ vận chuyển đất đá để lấp hào. Trên thành tên đá bắn xuống như mưa. Có hai tì tướng sợ hãi lui ra, Tháo rút ngay kiếm chém liền ngay ở dưới thành, rồi xuống ngựa để đỡ lấy đất lấp hố. Bởi thế tướng sĩ lớn nhỏ, ai cũng phải cố lăn vào. Trên thành chống cự không nổi, quân Tào tranh nhau lên thành, chặt gãy khoá cửa thành, ào ào kéo vào.

Lý Phong, Trần Kỷ, Nhạc Tựu, Lương Cương đều bị bắt sống. Tháo sai đem cả bốn tướng ra chợ chém, đốt sạch cả đền đài cung miếu, và bao nhiêu những đồ phạm cấm trong thành Thọ Xuân, cho quân cướp lấy sạch.

Tháo bàn muốn tiến binh sang sông Hoài đuổi theo Viên Thuật. Tuân Úc can rằng:

- Mấy năm nay đói kém, lương thực khan thiếu, nếu lại tiến binh thì nhọc quân và hại dân, vị tất đã có lợi, không bằng tạm về Hứa Ðô, đợi sang xuân lúa chín, quân lương đủ dùng, bấy giờ ta sẽ liệu.

Tháo ngầy ngừ chưa quyết, chợt có kị mã đến báo rằng:

- Trương Tú nương nhờ Lưu Biểu, nay lại tung hoành lắm. Các huyện Nam Dương, huyện Giang Lăng lại làm phản, Tào Hồng chống với giặc không nổi, thua luôn mấy trận, nên sai đến cáo cấp.

Tháo đưa ngay thư cho Tôn Sách, sai vượt qua sông bày trận làm nghi binh để Lưu Biểu không dám tiến quân; Tháo thì ngay hôm ấy rút quân về, để bàn việc sang đánh Trương Tú.

Lúc đi, sai Lưu Bị lại về đóng đồn ở Tiểu Bái, cùng Lã Bố kết làm anh em, phải cứu giúp lẫn nhau, không được xâm phạm nhau nữa.

Lã Bố đem quân về Từ Châu, Tháo nói thầm với Lưu Bị rằng:

- Tôi sai ông đóng ở Tiểu Bái cũng là mẹo đào hố sẵn để bắt hổ đó. Ông nên cùng với cha con Trần Khuê bàn bạc, đừng để lầm lỡ điều gì, tôi sẽ làm ngoại viện.

Dặn dò xong rồi từ biệt nhau.

Tào Tháo dẫn quân về Hứa Ðô, có người báo rằng:

- Ðoàn Ổi đã giết được Lý Thôi, Ngũ Tập giết được Quách Dĩ, mang đầu lại dâng. Ổi lại bắt được họ hàng Lý Thôi, già trẻ hơn hai trăm người, giải vào Hứa Ðô đem nộp.

Tháo sai đem chia ra các cửa thành chém bêu đầu; nhân dân ai cũng hả dạ.

Vua lên điện hội tập các triều thần văn võ, mở tiệc yến thái bình ăn mừng, phong cho Ðoàn Ổi là đảng khấu tướng quân; Ngũ Tập làm đảng lỗ tướng quân, đều đem quân ra trấn thủ Trường An.

Hai người tạ ơn rồi trở ra.

Tháo tâu rằng:

- Trương Tú làm loạn, Tháo xin cất quân ra đánh.

Vua thân ngự loan giá tiễn Tháo.

Bấy giờ về tháng tư năm thứ ba niên hiệu Kiến An. Tháo lưu Tuân Úc ở lại Hứa Ðô, sai binh khiển tướng tự thống lĩnh đại quân kéo đi.

Khi quân đi qua một nơi lúa đã chín, dân thấy quân đến chạy trốn không dám ra gặt lúa. Tháo sai người đi hiểu dụ hết cả phụ lão thôn quê cùng các quan sở tại rằng:

- Ta phụng chiếu vua, đem quân đánh giặc, trừ hại cho dân. Nay đang mùa lúa chín, bắt đắc dĩ phải khởi binh. Quân tướng lớn nhỏ đi qua những ruộng, ai dẫm lên lúa đều bị chém. Quân pháp thực nghiêm, nhân dân không việc gì phải lo sợ cả.

Trăm họ nghe lời hiểu dụ, chỗ nào cũng vui mừng ca tụng, kéo cả ra đường bái vọng.

Quan quân đi qua các ruộng lúa đều phải xuống ngựa, lấy tay đỡ từng bông lúa mạch, lần lượt truyền tay nhau mà đi, không ai dám dẫm bừa.

Tháo cưỡi con ngựa đang đi, bỗng có một con chim gáy ở trong bụi lúa bay vụt ra. Ngựa Tháo giật mình lồng lên, nhảy ngay vào trong đám lúa, xéo nát cả một vùng lúa mạch.

Tháo lập tức gọi hành quân chủ bạ truyền phải luận tội mình xéo lúa.

Chủ bạ nói:

- Sao lại có thể kết tội thừa tướng?

Tháo nói:

- Ta đặt ra phép, ta lại tự phạm, thì sao chúng phục?

Liền rút gươm toan tự vẫn. Các tướng vội vàng ngăn lại.

Quách Gia nói:

- Cứ như nghĩa sách Xuân Thu ngày xưa, thì pháp luật không áp dụng với người tôn quý. Thừa tướng thống lĩnh đại quân, sao lại tự sát?

Tháo dùng dằng một hồi rồi nói rằng:

- Có phải sách Xuân Thu có nghĩa thế, thì ta hãy tạm tha tội cho ta khỏi chết.

Rồi lấy kiếm cắt tóc mình vất xuống đất mà nói rằng:

- Cắt tóc để thay đầu!

Rồi sai người cầm nắm tóc ra, truyền bảo ba quân rằng:

- Thừa tướng xéo phải lúa, đáng lẽ chém đầu làm hiệu lệnh. Nay hãy cắt tóc để thay!

Quân tướng nghe thấy đều rợn tóc gáy, không ai dám sai phép quân.

Ðời sau có thơ rằng:

Mười vạn quân hùng lắm bụng sao?

Một người ra lệnh cấm thế nào?

Thay đầu, cắt tóc, nghiêm quân pháp,

Trí trá Tào Man ấy mới cao!

Trương Tú nghe thấy Tháo dẫn binh đến, đưa ngay thư sang Lưu Biểu, nhờ làm hậu ứng, một mặt cùng với Lôi Tự, Trương Tiên hai tướng, đem quân ra ngoài thành nghênh địch.

Hai trận quây tròn lấy nhau. Trương Tú cưỡi ngựa ra, trỏ vào Tháo mắng rằng:

- Ngươi là đứa giả nhân giả nghĩa, không biết liêm sỉ, sánh với cầm thú không khác gì!

Tháo giận lắm sai Hứa Chử ra. Tú sai Trương Tiên ra tiếp chiến. Ðánh nhau được ba hiệp, Chử chém Trương Tiên chết.

Quân Tú thua to, Tháo đem quân đuổi đánh đến dưới thành Nam Dương. Tú vào thành đóng cửa không dám ra.

Tháo vây đánh thành, thấy hào rộng nước sâu, khó đến được gần thành, sai quân sĩ đổ đất lấp hào; lại dùng những đẫy vải dựng đất và những củi gỗ cỏ rác, chồng chất lẫn lộn cả ở bên thành, để làm bậc trèo vào; lại làm thang cao để dòm vào trong thành.

Tháo cưỡi ngựa đi diễu chung quanh thành ba hôm để nhìn xem địa thế, rồi truyền quân sĩ chất củi gỗ cỏ rác ở góc cửa tây, hội họp chư tướng, theo góc ấy trèo vào thành.

Giả Hủ ở trong thành, trông thấy quang cảnh như thế bảo với Trương Tú rằng:

- Ta biết ý Tào Tháo rồi, nay nên biến kế hắn thành kế của ta.

Thế thực là:

Ðã khôn gặp phải người khôn nữa;

Hay dối trêu ngay kẻ dối hơn.

Chưa biết kế Giả Hủ ra làm sao, xem đến hồi sau mới rõ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: