Làm thế nào để SỐNG THANH THẢN giữa dòng đời NHIỀU THỊ PHI
Dạo gần đây mình gặp nhiều chuyện (trong công việc, trong cuộc sống cá nhân, trong sức khỏe,…) khiến mình rất hoang mang về việc liệu sống thật, sống thẳng, sống ngay, sống cho đi,… có thật sự hữu ích cho bản thân và những người yêu thương mình hay không. Nhưng chính trong những ngày tháng khó khăn chồng chất đó, mình lại có được cơ duyên để gặp những người đặc biệt và những sự kiện đặc biệt làm cho mình tin vào con đường của mình theo một cách khác. Những gì mình viết bên dưới có lẽ hơi khác thường, nhưng đó là những thứ mình chắt lọc được từ nhận thức hạn hẹp của bản thân về những điều vốn chưa được khoa học chứng minh là đúng. Dĩ nhiên, mình có thể dùng chút ít vốn hiểu biết về khoa học hiện đại để giải thích nhưng mình cảm thấy cũng không cần lắm, vì mục tiêu của mình là chia sẻ chứ không phải là thuyết phục. Vậy thì hãy tạm coi đây là những niềm tin cá nhân tích cực giúp mình bước qua cuộc đời này nhẹ nhàng hơn và an vui hơn. Nếu bạn không đồng ý hoặc không tin những gì mình chia sẻ thì chỉ cần đơn giản bỏ qua những gì mình viết (cứ xem như một người điên ngồi bên vệ đường nói lảm nhảm cũng được). Ngoài ra, những điều mình chia sẻ dù có hơi hướm Phật giáo nhưng mình không phải là Phật tử nên cũng xin phép không tranh luận về vấn đề tôn giáo hay các định nghĩa mang tính tôn giáo.
1. LUẬT NHÂN QUẢ là một trong những quy luật cơ bản nhất của tự nhiên
Có lẽ đây là điều có dễ hiểu nhất đối với những người chỉ tin vào khoa học (theo định nghĩa thông thường). Mỗi hành động hoặc mỗi lời nói lớn nhỏ của chúng ta dù vô tình hay cố ý (tạm gọi là NHÂN) đều dẫn đến một HỆ QUẢ nào đó (tốt là kết quả, còn xấu là hậu quả, tạm gọi tắt chung là QUẢ). Rồi cũng chính cái hệ quả đó sẽ là tiền đề cho những hành động hoặc lời nói tiếp theo của chúng ta để dẫn đến một hệ quả khác hơn nữa. Cuộc sống đơn giản là sự đan xen của không chỉ một mà rất nhiều chuỗi liên tục NHÂN 1 – QUẢ 1 – NHÂN 2 – QUẢ 2 – NHÂN 3 – QUẢ 3 – …
Ví dụ: Nếu bạn vô tình xử lý một tình huống không khéo (NHÂN 1) làm cho người khác hiểu lầm bạn (QUẢ 1). Từ đó người khác đi nói xấu bạn (NHÂN 2) làm bạn phải cảm thấy tổn thương vì bị hiểu lầm (QUẢ 2). Bạn cố gắng đi giải thích nhưng lại vô tình làm cho người kia tiếp tục hiểu lầm rằng bạn đang nói xấu người đó (NHÂN 3) thành ra người đó mang mối oán ghét sâu đậm hơn với bạn mà bao nhiêu năm sau vẫn tiếp tục nói (QUẢ 3). May mắn ở chỗ NHÂN là do LỰA CHỌN của mỗi chúng ta nên có thể thay đổi được.
Ví dụ tiếp theo trên: Bạn có thể lựa chọn im lặng thay vì thanh minh hay cãi nhau với người đó (NHÂN 4). Người đó nói mãi rồi cũng chán, cũng thỏa mãn được nhu cầu giải tỏa cảm xúc tiêu cực của mình, còn bạn cuối cùng cũng trả được “nợ” (NHÂN 1) và được an vui (QUẢ 4).
KẾT LUẬN:
"Bí quyết để được thanh thản và an vui là ý thức rõ từng lựa chọn (bao gồm lời nói và hành động) của bản thân để càng nhiều chuỗi NHÂN QUẢ có thể chuyển từ hướng tiêu cực sang tích cực. Ngược lại cũng phải ý thức rõ từng lựa chọn để những chuỗi NHÂN QUẢ tích cực không vô tình bị chuyển hướng sang tiêu cực.
(Mình tạm mượn từ NGHIỆP trong Phật giáo để gọi ngắn gọn cái NHÂN tiêu cực – có thể không đúng 100% với Phật giáo, đây chỉ là mượn từ để nói cho dễ.)"
2. TIỀN KIẾP – HẬU KIẾP – LINH HỒN – CÁC THẾ GIỚI SONG SONG nhiều khả năng là có thật
Học chuyên Toán từ bé, tốt nghiệp đại học là một nhà kinh tế, mình vốn chỉ tin vào “bằng chứng khoa học”. Nhưng dần dần, gặp nhiều người đặc biệt, nhiều việc không tưởng,… mình bắt đầu thay đổi niềm tin. Bạn nào giống mình lúc trước, có thể xem như phần này mình đang nói nhảm mà bỏ qua. Nếu bạn phản bác mình, mình sẽ không tranh cãi, không phải vì coi thường bạn, mà là vì mình không muốn tạo thêm NGHIỆP.
Giả sử tiên đề “tiền kiếp, hậu kiếp, linh hồn và các thế giới song song” là đúng mà không cần chứng minh (hoặc đúng nhưng chưa thể chứng minh). Từ tiên đề đó, có thể suy ra rằng các chuỗi NHÂN QUẢ không chỉ gói gọn trong một kiếp mà còn xuyên suốt nhiều kiếp. Vấn đề là ở chỗ kiếp sau chúng ta có thể vẫn không biết, không tin, không chắc,… về sự tồn tại của tiên đề này. Chính vì thế, chúng ta lại có thể tiếp tục sống mà không quan tâm đến luật NHÂN QUẢ hoặc không hiểu tại sao mình phải chịu đau khổ trong kiếp ấy.
Vậy thì, trong kiếp này, hãy cứ tạm tin vào những điều sau để vừa sống nhẹ nhàng hơn (tốt ngay hôm nay) vừa tránh để tạo NGHIỆP cho kiếp sau (tốt cho tương lai):
– Nếu phải chịu khổ thì tự an ủi bản thân rằng có thể đây là hậu quả của NGHIỆP mình gây ra (có thể trong kiếp này hoặc kiếp trước). Bây giờ mình phải trả vì có vay thì phải có trả, tránh được lần này, không tránh được lần khác, không trả bằng cách này thì vẫn phải trả bằng cách khác. Cho nên, thay vì tập trung vào cái khổ của mình, thì hãy tập trung vào giúp những người còn khổ hơn mình bớt khổ xem như một cách mình trả nợ.
– Nếu cảm thấy mình chịu khổ một cách vô lý và không muốn tin rằng mình đang phải trả nợ cho kiếp này hay kiếp trước, thì cứ xem như người gây đau khổ cho mình đang “vay nợ”. Rồi họ sẽ phải trả theo cách này hay cách khác (dù mình không đòi và cũng chẳng muốn đòi). Điều quan trọng đừng để việc người khác tạo NGHIỆP thành cái cớ khiến mình lại vô tình cũng tạo thêm NGHIỆP cho bản thân.
– Còn dĩ nhiên, nếu thấy mình đang sung sướng thì trân trọng điều đó và tìm cách chia sẻ mà không đòi hỏi sự báo đáp. Gieo nhân lành chắc chắn sẽ hái quả ngọt, bằng cách này hay cách khác.
3. Thay vì tránh xa THÀNH CÔNG – GIÀU CÓ – DANH VỌNG thì hãy tìm cách có những điều đó mà không tạo ra NGHIỆP
Có lẽ phần này hơi khác với triết lý nhà Phật nhưng mình không hề có ý phản bác Phật giáo, chỉ là một cách suy nghĩ khác, là quan điểm cá nhân dựa trên những hiểu biết hạn hẹp của mình. Đối với mình, cuộc sống này vốn dĩ chỉ là một trò chơi hay một thao trường để rèn luyện bản thân. Nếu chúng ta có thể thành công chân chính để giúp người khác thành công chân chính, tại sao lại không làm?
Nếu chúng ta có thể làm giàu chân chính để giúp người khác làm giàu chân chính tại sao không làm? Nếu chúng ta có quyền lực, địa vị, tiếng tăm để tạo nên những khác biệt tích cực cho nhiều người, tại sao không làm?
Dù có kiếp trước, kiếp sau hay không thì chúng ta cũng chỉ nhớ, biết, hiểu về kiếp này. Hơn nữa, kiếp trước chúng ta không ở trong hoàn cảnh này, không gặp những con người này. Đến kiếp sau chúng ta sẽ ở một hoàn cảnh khác, sẽ gặp những con người khác. Vậy thì, trong một kiếp này, sống sao cho cuộc sống thú vị một chút âu cũng là điều nên làm.
4. Điều cần tránh xa là những CON NGƯỜI TIÊU CỰC và những CẢM XÚC TIÊU CỰC
Người tiêu cực không hẳn phải là người xấu, thậm chí có thể là một người rất tốt, nhưng vì lý do gì đó họ tiêu cực với chúng ta. Chính vì thế, chúng ta cũng chẳng có lý do gì để ghét họ, thậm chí còn có thể yêu quý họ vì những việc tốt họ làm. Nhưng vì họ tiêu cực với chúng ta, nên chúng ta phải tránh xa họ để tránh cho cả bản thân mình và cả họ nữa không vô tình tạo NGHIỆP.
Ví dụ 1: Khi mình phát hiện ra bất kỳ ai ghét mình, mình thường block họ trên Facebook. Không phải vì mình ghét họ mà để tránh hai bên có thêm những cảm xúc tiêu cực về nhau hay va chạm, vô tình tạo NGHIỆP cho cả hai. Chứ nếu gặp họ ngoài đời thì mình vẫn bình thường, vì theo tâm lý học, con người ta dễ có thái độ thù địch nhau ở trên Facebook hơn là khi gặp trực tiếp.
Ví dụ 2: Thậm chí, những người hay viết những điều tiêu cực về người khác, thì mình cũng block (nếu không quen biết hoặc quen biết ít) hoặc unfollow (nếu quen biết nhiều) để bản thân mình vô tình không bị ảnh hưởng. Ngay cả những người mình yêu quý ngoài đời mình cũng có thể block hoặc unfollow trên Facebook như thường nếu cảm thấy người đó trên Facebook mang lại cho mình nhiều tiêu cực hơn tích cực. Cho nên, nếu bạn phát hiện ra mình block hay unfollow bạn thì thay vì trách giận mình ngay và làm điều gì đó tự tạo NGHIỆP cho bản thân thì có thể tìm cách nói chuyện với mình qua email hoặc trực tiếp ngoài đời. Về phía mình, mình tin bớt một người (là mình) đọc / like / ủng hộ những thứ tiêu cực, phiến diện bạn vô tình viết thì nhờ đó bạn cũng bớt được một NGHIỆP. Facebook là một công cụ chứ không phải là tất cả cuộc sống của chúng ta.
Cảm xúc tiêu cực (thù hận, oán ghét, giận dữ, ganh tị, tham lam,…) là khởi nguồn của hành động hoặc lời nói tiêu cực (NGHIỆP). Cho nên, có càng ít và kiểm soát được càng nhiều cảm xúc tiêu cực là cách hữu hiệu nhất để không vô tình tạo NGHIỆP. Nhưng để tránh những cảm xúc tiêu cực chúng ta phải chấp nhận việc có những cảm xúc tiêu cực là chuyện bình thường. Ví dụ: một người vô tình dẫm phải chân bạn thì dù biết người không cố ý bạn vẫn rất đau và bực; một người vô tình nói lời không hay về bạn thì bạn vẫn bị tổn thương; lượm được một số tiền lớn thì bạn vẫn sẽ muốn giữ cho riêng mình;…
Nhờ chấp nhận việc có những cảm xúc tiêu cực, chúng ta sẽ không quá mất thời gian ngăn chặn những cảm xúc đó nổi lên, hoặc quá lo lắng khi nhận ra bản thân mình đang tiêu cực. Thay vào đó, chỉ cần đơn giản học cách sử dụng logic nhiều hơn và kiểm soát bản thân tốt hơn là được.
KẾT LUẬN:
"Chúng ta không hoàn hảo lại càng không phải thánh nhân. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể tránh khỏi những lúc cảm xúc tiêu cực nổi lên. Nếu muốn không vô tình hay cố ý tạo NGHIỆP chỉ vì những cảm xúc nhất thời thì nên tránh những nguồn cơn của NGHIỆP."
5. TRÁNH PHÁN XÉT để CẢM THÔNG và BAO DUNG nhiều hơn
Con người chúng ta không ai hoàn hảo cả. Nếu chỉ vì người khác không sống hay làm việc đúng ý ta (có thể họ không nhận ra hoặc thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sống,…) mà ta lại vội đi phán xét thì ta đã vô tình tạo NGHIỆP cho bản thân. Còn ai cố tình làm sai, thì chính họ đã sẽ phải chịu hậu quả bằng cách này hay cách khác. Cho nên, cảm thông và bao dung là cách tốt nhất để vừa không vô tình tạo NGHIỆP mà lại vừa được sống an vui.
Để có thể cảm thông và bao dung thì chúng ta lại cần phải logic và khách quan, nhìn thấy mọi thứ đều có 2 mặt tốt/xấu, trắng/đen pha trộn vào nhau. Chúng ta không mù quáng để chỉ nhìn thấy cái tốt, nhưng lại càng không nên để cho bản thân mình tập trung nhiều hơn vào cái xấu.
Có những nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng, chúng ta nhìn thấy trong người khác chính bản thân mình. Muốn biết một người nghiêng về phần tốt nhiều hơn hay nghiêng về phần xấu nhiều hơn, câu hỏi đơn giản nhất là hỏi họ về những người xung quanh họ. Nếu họ nói rất nhiều về những cái tốt của những người xung quanh họ, thì nhiều khả năng bản thân họ cũng đang sống tốt. Còn ngược lại, nếu họ nhìn thấy rất nhiều cái xấu trong người khác, thì nhiều khả năng họ cũng chưa nhận thức rõ mình đang nghiêng về cái xấu nhiều hơn. Ở đây, tôi dùng từ “nghiêng về” vì đối với tôi, con người không tốt, không xấu, chỉ là chúng ta tự nhận thức và lựa chọn nghiêng về bên nào nhiều hơn mà thôi.
KẾT LUẬN
"Thứ làm chúng ta – CON NGƯỜI – hơn con vật ở chỗ chúng ta có TRÍ TUỆ. Trách nhiệm của chúng ta là dùng TRÍ TUỆ đó làm chủ cảm xúc và những lựa chọn của mình, để sống không phải một con người hoàn hảo mà là một con người luôn nỗ lực tốt hơn, để cho đi không phải là sự phán xét mà là thông cảm và bao dung, để chết biết rằng nhờ có mình mà cuộc sống ít nhiều tốt đẹp hơn, còn bản thân mình thì nhẹ nhàng bước vào một chuyến hành trình mới. Đơn giản là vậy nhưng gần nửa đời người rồi bản thân mình cũng mới chỉ hiểu một phần."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top