TRUNG QUỐC CÓ VỤ ÁN GIẾT NGƯỜI NÀO KHIẾN CHO NGƯỜI NGHE CẢM THẤY THẬT ĐÁNG SỢ?
Dịch bởi: 37.2 độ C –
————
Một cậu bé mười tuổi, bị người ta lột da và treo ngược lên cây hạch đào trước cổng thôn, máu chảy đầm đìa, ruồi nhặng bâu đầy.
Đứa bé ấy tên là “Quý Oa”. Vào những năm 1980, trẻ con thường rất lêu lổng, nhất là ở nông thôn. Nếu như chúng không được đi học, chúng sẽ chạy đầy trên núi rồi xuống ruộng, chỉ cần buổi tối chúng biết đường về nhà.
Thời điểm xảy ra vụ án là vào giữa tháng 8, trong thôn, người người nhà nhà đều đang gặt lúa nước. Trừ đứa nhỏ thì ông bà, bố mẹ và chị gái đều ra đồng. Ban đầu, mẹ nó cũng muốn nó cùng ra đồng nhưng được hai ngày thì Quý Oa lại không thích nữa, ông nó liền bảo không cần đi nữa. Ngoài trời nóng nực, đừng để nó đày nắng.
Tại sao Quý Oa không vui? Vậy phải nói đến chuyện của ba ngày trước.
Bị tư tưởng trọng nam khinh nữ ảnh hưởng, người dân luôn nuông chiều và dung túng bé trai hơn bé gái. Cũng vì điều này mà nó ngày càng hống hách hơn, không sợ trời không sợ đất.
Thời gian nghỉ hè, Quý Oa cùng đám bạn thân suốt ngày luồn lách khắp nơi, dùng dây cung tự chế bắn chim, xuống nước bắt cá hoặc đi chọc tổ ong vò vẽ.
Ba ngày trước, bọn Quý Oa đến tận 9 giờ vẫn chưa về nhà, bình thường muộn nhất cũng chỉ tới 7 giờ. Mấy người lớn trong nhà hô hoán nhau đi tìm, mới phát hiện tổng cộng có bốn đứa mất tích.
Người dân đi tìm khắp nơi nhưng cũng chẳng thấy người. Thôn trưởng huy động ba đội, mang đèn pin và đuốc lần tới dãy núi bên cạnh tìm kiếm. Gần 12 giờ, cuối cùng cũng tìm thấy chúng ở một khu rừng, bốn đứa trẻ vừa mệt vừa đói, trạng thái tinh thần cũng không ổn. Khắp cơ thể đều là những nốt muỗi đốt.
Con trai bảo bối không thấy đâu, bốn nhà bọn họ cuống cuồng không chịu được. Đến khi đã tìm thấy rồi, tảng đá lớn đè nặng trong lòng cuối cùng cũng rơi xuống, nhưng thay vào đó là sự giận dữ. Họ lôi cổ từng đứa về nhà, không thèm hỏi thăm chuyện nhà khác nữa mà lập tức phạt chúng một trận đòn, để sau này chừa không dám chạy lung tung nữa.
Khu rừng đó cách thôn của họ không quá 3km, trong mấy đứa trẻ đó đã có hai đứa từng đi và biết đường. Theo lí mà nói sẽ không đến nỗi lạc trong đó không biết lối ra.
Ngày thứ hai, khi người dân đang gặt lúa ngoài đồng. Họ truyền tai nhau những gì bọn trẻ đã trải qua từ lời kể của chúng.
Không lâu sau bữa trưa ngày hôm đó, bọn Quý Oa lại cùng tập trung một chỗ, rủ nhau đi đào trứng chim. Vừa đi vừa chơi, cứ đi mà không để ý đã cách thôn khá xa, leo lên núi rồi lại đi bộ xuyên rừng 2km.
Trên đường, chúng đi qua một bãi tha ma. Có một đứa trong đó tên thường gọi là “Trâu” nói đó là phần mộ của nhà họ Mã. Trước giải phóng, Mã gia là một gia tộc địa chủ trong thôn. Thời của ông bà những đứa trẻ này chủ yếu là đều từng làm công cho Mã địa chủ, cũng từng bị bóc lột.
Lúc cải cách ruộng đất, gia thế của Mã địa chủ bắt đầu sa sút. Ruộng đất, gia súc toàn bộ bị tịch thu. Đầy tớ, người làm thuê đều trở mặt. Ông ta không thể chịu đựng được nữa, nên đã treo cổ tự vẫn tại nhà riêng.
Với tình hình xã hội lúc đó, địa chủ bị hàng ngàn người chửi rủa. Mấy người vợ lẽ của ông ta mang con về nhà mẹ đẻ. Nếu nhà mẹ đẻ cũng không chứa, thì đi nơi khác sinh sống. Bởi vì chỉ có như vậy họ mới có thể gắng gượng sống tiếp.
Mã địa chủ có 5 người con trai, người lớn nhất gần 40 tuổi, nhỏ nhất mới 5 tuổi. Vợ cả đã mất vì bệnh sốt rét hai năm trước khi ông ta tự vẫn. Mã địa chủ chết rồi, bốn người con trai cùng nhau đảm đương trọng trách nuôi nấng em trai.
Vì miếng ăn, bốn người vốn sống trong sung sướng từ nhỏ không thể không hạ mình, phải làm việc cùng với các người làm thuê cho bố ngày trước. Tuy nhiên, không biết là vì Mã gia đã tàn lụi hay là vì các vị công tử bột này sinh ra là mệnh “hoàng đế” không thể làm được việc cực nhọc. Nói tóm lại, chưa tới hai mươi năm, họ Mã đều bệnh rồi bệnh, chết rồi lại chết, nhân khẩu giảm mạnh.
Lúc Mã địa chủ chết, mấy người con trai liền dùng số tiền đã được giấu đi xây cho bố một ngôi mộ sạch đẹp. Tới lúc bọn họ tắt thở cũng đã suy tàn đến phận bần nông, chỉ có thể ở cạnh mộ của Mã địa chủ đào một cái hố qua loa mai táng.
Bấy giờ, việc duy nhất người dân có thể làm cho Mã địa chủ là lui tới mộ của ông ấy, tiểu tiện và đại tiện lên bia mộ, đào thi hài lên lấy roi đánh.
Sau khi người nhà họ Mã chết, đều đem chôn ở đây. Dần dần hình thành một bãi tha ma, bởi vì không có tiền làm bia, thời gian dài trôi qua. Người đời sau đều không phân biệt được phần mộ nào là của người nào. Chỉ còn một nửa tấm bia mộ bị vỡ của Mã địa chủ, khác biệt và dễ nhận thấy nhất là thân phận “Lão tử” trên bia.
Bọn Quý Oa từ nhỏ đã được nghe những lời đồn đại về Mã địa chủ, biết ông ta nổi tiếng đểu giả khốn nạn, chỉ là không ngờ hôm nay lại gặp được phần mộ này. Quý Oa hỏi ba người còn lại có dám tiểu tiện lên mộ của Mã địa chủ không.
“Sao lại không dám?”. Trâu trả lời trước.
“Chúng mày thì sao?”. Quý Oa lại hỏi.
Trong bốn đứa, Trâu 11 tuổi, Quý Oa 10 tuổi, hai đứa còn lại đều 8 tuổi. Nhỏ hơn nên nhát gan hơn, đều lắc đầu không dám.
Quý Oa không ép bọn chúng, mắng một câu “Bọn nhãi nhát gan” rồi cùng Trâu đi tới phần mộ. Tìm được một nửa tấm bia của Mã địa chủ, chúng liền tè lên.
Tè xong, Quý Oa vẫn chưa thoả mãn, nó trèo lên ngôi mộ, kéo quần xuống và để lại một đống phân. Sau đó mới cùng Trâu rời đi.
Chúng tiếp tục đi về phía trước, không tìm thấy trứng chim nhưng lại đánh được hai con chim ngói. Chúng cực kì vui vẻ mà không để ý đã chơi đến quên cả quên cả giờ giấc. Mãi tới lúc mặt trời dần khuất dạng, chúng mới nhớ đến việc phải về nhà.
Đi qua mộ của Mã địa chủ một lần nữa. Quý Oa nhìn thấy một con rắn hồng hoa lớn quấn lấy cành cây ở trước mặt, không hề động đậy. Quý Oa kêu bọn họ dừng lại cùng nhau bàn bạc, nói rằng con rắn này không biết đã chết hay chưa, không dám liều mình bước qua. Quý Oa đề nghị, lấy súng cao su tự chế của bọn họ bắn, xem ai bắn chuẩn hơn.
Cả bốn đứa đều có súng cao su, nhưng chủ yếu chỉ có Trâu và Quý Oa bắn còn hai đứa còn lại núp đằng sau. Bắn trúng đầu tiên là Quý Oa. Con rắn bị đau, nhoài người lên viên đá và bắt đầu bò.
“Mau bắn, mau bắn!!!”. Quý Oa hét lên “Bắn chết nó!”.
Chúng liên tục lấy trong túi quần hết những viên đá để bắn. Cho đến lúc con rắn nằm bất động mới lấy một cành cây dài tiến đến thăm dò, chắc chắn là nó đã chết ngoẻo rồi.
Lúc này, trời gần như đã tối hẳn. Bọn chúng nhanh chóng gấp rút đi về. Lúc băng qua khu rừng không biết lý do tại sao lại không thể nào ra khỏi rừng được.
Chúng cứ chạy mãi cho tới khi trời tối đen như mực, chạy đến nỗi kiệt sức mà vẫn không thể thoát ra ngoài. Lúc này chúng mới bắt đầu cảm thấy sợ hãi, hai đứa nhỏ nhất sợ tới khóc òa. Trâu là đứa lớn nhất, nhưng cũng không khá hơn là mấy, nó lùi về phía sau rồi rấm rứt khóc. Chỉ có Quý Oa là không sợ, để bọn kia không lo lắng, nó liền trấn an rằng người lớn nhất định sẽ tìm được chúng và đổ lỗi cho Trâu không thể dẫn đường cho chúng ra đường lớn được.
Dưới sự an ủi của Quý Oa, bốn đứa cuối cùng không đi tiếp mà ngồi quây vào cạnh một cây đại thụ rồi chờ người nhà đến giải cứu mãi cho đến lúc được tìm thấy.
Dân làng lúc nói chuyện cũng đề cập đến việc con của họ sau khi về nhà, mất hết tinh thần. Có một lão già nhắc nhở bọn họ, mấy đứa trẻ này đã đi tới nghĩa địa, lại ở trong khu rừng hoang vắng đó mấy tiếng đồng hồ, phải tránh những thứ bẩn thỉu vấy lên người.
Lúc này mọi nhà đều bận rộn với việc gặt lúa, không rảnh đưa bọn trẻ đi tìm thầy bói, đành để đó theo dõi hai hôm. Nếu không được nữa thì bố mẹ của chúng sẽ đi sang thôn bên cạnh tìm ai đó có thể giúp.
Trời chạng vạng tối, gia đình Quý Oa trở về từ cánh đồng, phát hiện không thấy con đâu. Quý Oa từ trước đến nay luôn gan dạ, bố của nó cho rằng bởi vì đứa trẻ này đã bình phục trở lại, bắt đầu chạy nhảy đi chơi rồi. Tuy nhiên, không bao lâu sau, một người dân trong thôn chạy đến báo với họ rằng có một đứa trẻ bị lột da treo ngược lên cây hạch đào trước cổng thôn. Người nhà họ sợ tới mức hai chân mềm nhũn.
Người dân tập trung hết ở trước cây hạch đào, mọi người bắt đầu đếm đầu người. Chỉ có Quý Oa là không thấy đâu, mẹ của nó nghe vậy liền ngất ngay tại chỗ.
Cái chết của Quý Oa thật thê thảm, cũng rất khủng khiếp. Người dân liền truyền tai nhau rất nhanh rằng “Linh hồn của Mã địa chủ quay về trả thù” và “Da của thần rắn”.
Lúc đó, kĩ thuật điều tra hiện trường chưa có, camera giám sát cũng không. Cảnh sát không thể tìm ra bất kì manh mối hữu ích nào, chỉ có thể dựa vào tài trí để dò hỏi và theo dõi từng manh mối.
Dò hỏi hồi lâu cũng ra một số manh mối.
Năm người con trai của Mã địa chủ, bốn người đã lần lượt chết vào hai mươi năm qua. Chỉ còn lại người con út, Mã Chí Tông.
Lúc Mã địa chủ còn sống thì cưng nhiều đứa con trai út nhất. Cái chết của Mã địa chủ đã giáng một đòn mạnh xuống Mã Chí Tông.
Mã Chí Tông lớn lên nhờ vào sự nuôi dưỡng của các anh. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ không ai muốn gả con gái cho hắn.
Mã Chí Tông từ nhỏ mặc quần áo không cần động tay, cơm bưng nước rót dâng tận miệng, dần dần hình thành tính lười biếng. Sau khi các anh mất, chị dâu và cháu trai cũng gần như không kiêng nể, không muốn tiếp tục thu nhận, nuông chiều hắn nữa.
Có một thời gian ngắn, mọi người thấy Mã Chí Tông biến mất, nhưng không ai quan tâm và đi tìm. Cho đến hơn một tháng sau, một vài người dân nói đã nhìn thấy Mã Chí Tông trên núi. Hắn sống trong một hang động, còn mặc áo khoác bông vào mùa hè. Mọi người đều nghĩ rằng đầu óc hắn có vấn đề và gọi hắn với biệt danh “Kẻ điên họ Mã”.
Kể từ đó, hang động chính là nhà của Mã Chí Tông. Hắn sống qua ngày bằng việc trộm ngô và khoai của người dân. Có những lúc hắn xuất hiện ở chợ phiên, tóc và râu đều để rất dài bất kể mùa đông hay xuân, lúc nào cũng mặc một thân áo bông, lớp áo trước ngực rất lớn chứa hơn chục viên sỏi trong đó. Nếu có ai đó dại mà khiêu khích thì hắn sẽ chống lại bằng sỏi đá. Thời gian dài, mọi người dù không bằng mặt nhưng cũng không lại gần.
Nói hắn điên thì điên thật, nhưng hắn cũng biết mình muốn ăn muối, mỗi lần đi chợ phiên, chủ yếu là đến cửa hàng hỏi ông chủ có muối ăn không.
Mã Chí Tông không có tiền, nhưng tất cả ông chủ đều sợ hắn. Mỗi lần thấy hắn tới, họ sẽ đều chủ động đưa cho một túi muối để hắn nhanh nhanh rời đi, vì người ta mà thấy hắn ở đó sẽ không dám vào cửa hàng. May là muối không đắt tiền, ai cũng có thể mua được.
Quý Oa luôn nghịch ngợm, và gây ra một số rắc rối trong thôn. Nhưng dù sao cũng chỉ là một đứa trẻ 10 tuổi, người dân cũng không cảm thấy quá phiền toái. Cảnh sát hỏi một hồi cũng không tìm thấy có đối tượng tình nghi nào có đủ hận thù với đứa nhỏ để giết và lột da nó cho đến khi vô tình nghe được chuyện của Mã Chí Tông có liên quan đến việc Quý Oa mấy ngày trước đã tiểu tiện và đại tiện lên bia mộ của Mã địa chủ và tự hỏi có phải chuyện đó do bệnh thần kinh của Mã Chí Tông tái phát không.
Nghĩ đến liền làm, dưới sự chỉ dẫn của thôn trưởng, cảnh sát đã đến hang động mà Mã Chí Tông ở. Khi tới nơi thì trời đã tối, mọi người đứng ngoài cửa hang chiếu đèn pin vào trong. Vừa nhìn vào bọn họ đã sợ phát khiếp.
Mã Chí Tông ngồi bệt xuống đất, trên mặt máu chảy đầm đìa, tay đang cầm thứ gì đó và gặm nhấm.
Tình tiết vụ án nhanh chóng được làm rõ. Người ta tìm thấy một tấm da người không còn nguyên vẹn trong hang động. Từ các đặc điểm của ngũ quan xác định là của Quý Oa. Trên tay Mã Chí Tông cầm một miếng da người, hắn đang ăn sống và máu trên mặt cũng là từ tấm da đó.
Một con dao giết lợn cũng được tìm thấy, nó được xác nhận là vũ khí gây án.
Trong lúc thẩm vấn, Mã Chí Tông rất bất hợp tác. “Đáng chết” là hai từ được hắn nói nhiều nhất. Những chi tiết khác đều rất mơ hồ.
Mã Chí Tông bị điên, điều đáng lo ngại nhất chính là hắn đã thoát khỏi biện pháp trừng phạt pháp lí cao nhất. May mắn là không bao lâu sau thì hắn cũng chết.
Trong báo cáo vụ án, cảnh sát đã viết Mã Chí Tông đã dùng sự trả thù cực đoan nhất vì hắn ta không hài lòng với Quý Oa khi đã xúc phạm người cha đã quá cố của hắn. Về việc tại sao Trâu vẫn không sao, các nhà phân tích nói rằng Quý Oa không những tiểu tiện trên bia mộ mà còn để lại một bãi phân.
Một vài người tiết lộ khi cảnh sát hỏi về Trâu, Trâu rất quen thuộc với đường rừng, đáng rẽ ra sẽ không bị lạc. Có người dân trong thôn nói bọn họ đã bị Quỷ Đả Tường (khi đi ở các vùng rừng, ngoại ô sẽ bị đi theo đường vòng tròn và không thể thoát ra, đã có nhiều người gặp phải). Mà “quỷ” ở đây chính là Mã địa chủ.
Trong những năm đó, không ai có tiếp xúc đối với Mã Chí Tông. Những người có họ hàng liên quan cũng không thích tên điên này. Trong những ngày xảy ra án mạng, mọi người đều đang làm việc ở cánh đồng, cũng không ai nhìn thấy Mã Chí Tông. Hang động mà hắn và nhà của Quý Oa không đi cùng hướng. Không ai hiểu tại sao ngày hôm đó hắn có thể làm ra hành vi đó.
Còn có người hỏi tại sao giết rồi lại còn lột da? Bởi vì vào thời gian này, rắn sẽ lột da. Người ta cho rằng Mã Chí Tông dùng cách lột da Quý Oa như một sự báo thù cho con rắn hồng hoa bị bọn trẻ giết hay còn gọi là “thần rắn” trong tâm trí hắn.
Không một cái gì trong số những nghi ngờ này được viết vào báo cáo vụ án. Hơn ba mươi năm trôi qua, sợ rằng nó là một bí ẩn không lời hồi đáp.
Nguồn: zhihu
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top