Nền văn minh đã hủy hoại bộ não của ta như thế nào?
Xã hội săn bắt hái lượm có thể dạy chúng ta điều gì về công việc, thời gian và hạnh phúc?
Vài tháng trước, tôi và đồng nghiệp cùng thảo luận xem cảm giác sợ hãi vào ngày chủ nhật – sự lo lắng mà nhiều người chúng ta trải qua khi cuối tuần sắp kết thúc và một tuần làm việc mới đang đến gần - bắt nguồn từ đâu. Đồng nghiệp của tôi nói rằng anh quá rõ thủ phạm là ai. Anh cho rằng đó là sự căng thẳng hiệu suất và cảm giác mất an toàn trong công việc mà chủ nghĩa tư bản mang lại và đang ngày một bào mòn chúng ta. Nhưng chủ nghĩa tư bản cũng có mặt từ thứ hai đến thứ bảy, vậy vì sao chỉ có ngày chủ nhật gây ra nỗi lo lắng đặc biệt như thế?
Tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa hơn liên quan đến tâm lý học hiện đại về nhận thức thời gian. Một công dân của thế kỷ 21 có hai chế độ tư duy: tư duy năng suất và tư duy giải trí. Khi chúng ta đang sử dụng kiểu tư duy đầu tiên, chúng ta luôn cố gắng để tối ưu hóa thời gian và kết quả, chứng minh năng suất của chúng ta đối với thế giới và trên hết là đối với chính bản thân mình. Ở chế độ giải trí, nhịp điệu này sẽ chậm lại và cho phép chúng ta xem một bộ phim hay thưởng thức một ly rượu mà không cần đắn đo xem hành động của chúng ta có gây ảnh hưởng gì đến danh tiếng hay khiến ta bị đánh giá về hiệu suất hay không. Trong những giờ phút cuối cùng của một tối chủ nhật, hai trạng thái tâm lý này chơi kéo co trong đầu ta. Khi tư duy năng suất bắt đầu hoạt động, cảm giác tội lỗi vì đã buông lỏng cả ngày trỗi dậy. Sự lo lắng về áp lực làm việc tăng dần khi tư duy giải trí dần rút lui.
Giá như ta có thể điều hướng cuộc sống của mình một cách dễ dàng. Tuy nhiên, liệu sự dễ dàng có phải là điều mà đa số chúng ta thật sự muốn? Vào năm 2012, nhà xã hội học John P. Robinson xem lại những khảo sát kéo dài hơn 40 năm nghiên cứu về hạnh phúc của người Mỹ và hỏi xem họ thường cảm thấy "vội vã" và "dư thừa thời gian" vào những lúc nào. Ông kết luận những người hạnh phúc nhất là nhóm người "không bao giờ và không bao giờ" – những người nói họ hiếm khi cảm thấy vội vã và buồn chán, và điều này không có nghĩa là họ lười biếng. Lịch làm việc của họ đáp ứng nhu cầu năng lượng của họ. Sự chú ý mà họ bỏ ra cho công việc không khiến họ mệt mỏi. Trong một bài luận tóm tắt nghiên cứu của mình cho Scientific American, Robinson đưa ra một phương trình hạnh phúc: "Hạnh phúc có nghĩa là vội vàng vừa đủ."
Tuy bài viết của ông tập trung vào hạnh phúc, nhưng phát hiện đáng chú ý nhất của ông lại là về sự bất mãn của người Mỹ. Chúng ta có thể liên tục phàn nàn về lịch làm việc rối ren của mình, nhưng thứ có thể bóp chết niềm vui dường như lại là việc không làm gì cả. Ông nói người ít hạnh phúc hơn hẳn nhóm người "vội vàng vừa đủ" là những người có quá nhiều thời gian dư thừa. Ông nhận thấy, đồng thời những nghiên cứu về nơi làm việc khác cũng chỉ ra, rằng người Mỹ cảm thấy lo lắng trầm trọng khi không hoàn thành nhiệm vụ, dù họ có được trả lương hay không. Đứng cuối bảng xếp hạng - được miêu tả là "sự bất hạnh không thể nào so sánh được" – là nhóm người khá khó hiểu: những người dù lịch trình không kín nhưng luôn cảm thấy vội vã. Đó là nỗi khổ về mặt tâm lý của một người không có định hướng nhưng lại mong muốn lấp đầy sự nhàn rỗi của mình – để tìm một mục đích – và nó trở thành nguồn cơn của sự căng thẳng. Tôi nhận ra tình trạng "luôn luôn và luôn luôn" chính là sự lo âu lạ kỳ nhất của thời hiện đại: những ngày chủ nhật đáng sợ bị kéo dài cả tuần.
Nhu cầu kỳ lạ để được bận, hoặc có kế hoạch rõ ràng dù ta đang nằm dài trên ghế vào một buổi chiều cuối tuần này bắt nguồn từ đâu?
Liệu nó được khắc trong DNA của chúng ta hay nó là một phát minh của nền văn hóa công nghiệp như kẹp giấy và vi mạch? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải hiểu về cuộc sống của loài người trong phần lớn chiều dài lịch sử, trước khi nền văn minh và khái niệm "tuần làm việc" xuất hiện. Chúng ta cần quan sát những người săn bắt hái lượng và mối quan hệ của họ với công việc, thời gian và niềm vui.
Nhà nhân chủng học James Suzman đã dành 30 năm để nghiên cứu người Ju/'hoansi – một bộ tộc sống biệt lập ở Namibia và Botswana đến tận cuối thế kỷ 20 trước khi cuộc xâm lược của chính quyền địa phương phá hủy lối sống của họ. Trong cuốn sách Work: A Deep History, From the Stone Age to the Age of Robots (Công việc: Một lịch sử sâu xa, từ thời kỳ đồ đá đến thời đại robot), Suzman miêu tả người Ju/'hoansi là một tộc người khỏe mạnh và vui vẻ, hoàn toàn hài lòng với chuyện làm ít việc nhất có thể và tất nhiên có những phong tục hạn chế cạnh tranh và hướng đến địa vị. Bằng cách kết hợp nghiên cứu nhân chủng học, xã hội học và tâm lý học, ông đặt câu hỏi tại sao chúng ta cảm thấy cuộc sống đang ngày một khó khăn hơn – và dường như ít hạnh phúc hơn – so với những cộng đồng nhỏ nơi nền văn minh chưa xuất hiện. Nếu có cách nào có thể giải quyết được những áp lực của thời hiện đại, có thể người Ju/'hoansi có câu trả lời.
Công việc, theo nhận xét của Suzman, là thứ giúp phân biệt sự sống, nhất là con người, so với vật chất vô cơ. "Chỉ sinh vật sống mới tích cực tìm kiếm và thu nhận năng lượng để sống, phát triển và sinh sản". Tuy nhiên, chính lịch sử hàng triệu năm của lao động và sự nhàn rỗi mới là chìa khóa tạo nên sự khác biệt của loài người - nó đem đến những bước tiến vượt bậc và kéo theo những bất mãn đi kèm.
Khoảng 2.5 triệu năm trước, tổ tiên của chúng ta, người Australopithecus, có cách sống khá gần với loài linh trưởng hiện đại, ví dụ như tinh tinh. Họ dành khoảng 8 giờ mỗi ngày để kiếm ăn và ăn. Những khi không cần ăn và tiêu hóa những thực phẩm thô sơ thời ấy, ví dụ như thân cây và rễ cây, khỉ đột và tinh tinh ngủ từ 9-12 tiếng mỗi ngày. Với thói quen như vậy chúng không có nhiều thời gian trống vào ban ngày để thực hiện bất kỳ hoạt động giải trí nào khác ngoài chải chuốt một cách lười biếng.
Lửa thay đổi mọi thứ. Các nhà nhân chủng học không biết bằng cách nào mà một triệu năm trước con người chế tạo ra lửa rồi sử dụng nó, nhưng rõ ràng lửa đóng một vai trò lớn trong việc định hình nên con người. Bằng cách làm mềm thịt và rau, lửa sơ chế thức ăn giúp việc ăn và nạp năng lượng ít tốn thời gian hơn. Bằng cách xua đuổi thú săn mồi, lửa giúp tổ tiên chúng ta trèo khỏi ngọn cây và có thể an tâm ngủ ngon trên mặt đất; nhiều giấc ngủ REM hơn còn giúp cải thiện trí nhớ và tăng khả năng tập trung. Lửa cũng giúp não bộ con người phát triển. Giờ đây chúng ta tiêu tốn 1/5 năng lượng toàn cơ thể cho não – một mức lớn hơn nhiều so với những loài linh trưởng khác.
Lửa tăng thể tích não và thời gian rảnh rỗi của loài người, khiến chúng ta buồn chán và từ đó tạo ra các hoạt động giải trí, nghề thủ công và nghệ thuật. Tổ tiên Homo sapiens đã sử dụng từ phút giây rảnh rỗi với niềm hân hoan.
Người Ju/'hoansi dành trung bình 17 giờ một tuần để tìm thức ăn – chừng 2.140 calorie mỗi ngày – và dành thêm 20 giờ nữa để làm việc nhà, theo Suzman thu thập dữ liệu từ những nhà dân tộc học khác và từ chính tay ông nghiên cứu. Họ có nhiều thời gian chết hơn hẳn so với một nhân viên toàn thời gian phổ thông ở Hoa Kỳ, những người dành 44 tiếng/tuần để làm việc – không bao gồm thời gian làm việc nhà và chăm sóc trẻ em. Trong khoảng thời gian rảnh rỗi, hàng thế kỷ qua người Ju/'hoansi hoàn toàn tự do, không bị thôi thúc phải nhồi nhét nó bằng những hoạt động mà chúng ta xem là "hiệu quả". Vào ban ngày, họ đi dạo với trẻ em để dạy chúng cách đọc dấu vết trên sa mạc và tìm dấu chân động vật. Nhưng họ cũng la cà, buôn chuyện và tán tỉnh. Vào những buổi tối vây quanh đống lửa, họ ca hát, nhảy múa và kể chuyện. Năm 1960, một nhà nhân chủng học nghiên cứu về các bộ tộc săn bắn hái lượm khác - người Hadza ở miền bắc Tanzania – miêu tả rằng họ chỉ có một thú tiêu khiển duy nhất: một trò đánh cược giúp họ thắng hoặc thua vài mũi tên.
Vậy vì sao chúng ta lại chuyển từ lối sống đó sang nền văn hóa nơi các hoạt động giải trí tồn tại vì lợi ích công việc – các hoạt động dùng trong thời gian chết (ví dụ như dùng mạng xã hội) có thể được đo đếm bằng các chỉ số hiệu suất và những trò chơi dành cho trẻ em (như thể thao) trở thành điểm cộng cho hồ sơ xin việc? Suzman không có câu trả lời cho câu hỏi này. Tuy nhiên ý tưởng của ông làm nổi bật một vấn đề cấp độ vĩ mô về cuộc sống cá nhân: Cuộc sống hiện đại khiến người Mỹ khó mà quên đi công việc của họ.
Suzman kêu gọi thay đổi tính chất của công việc. Ông dựa trên bài viết của nhà xã hội học người Pháp Émile Durkheim, người đã chỉ ra một điểm khác biệt quan trọng giữa xã hội nguyên thủy và xã hội phức tạp được gọi là "khả năng thay thế". Đối với những người săn bắt hái lượm, các tù trưởng và thầy pháp cũng có thể là người lượm hoa quả và thợ săn. Nhiệm vụ chồng chéo lên nhau giúp việc bảo toàn ý thức cộng đồng trở nên mạnh mẽ hơn đồng thời củng cố những phong tục tập quán giảm nhẹ sự khác biệt cá nhân về sức mạnh, kỹ năng và tham vọng. San sẻ lao động là san sẻ giá trị.
Nhưng trong một nền kinh tế công nghiệp, luật sư không làm phẫu thuật não và nhân viên sửa chữa thì không thu hoạch lúa mì – những công việc khác nhau mà chúng ta làm yêu cầu những kỹ năng khác nhau, những mệnh lệnh khác nhau và mức lương khác nhau. Khi sự chuyên môn hóa được nâng cao và hiệu suất vượt trội được tưởng thưởng, một niềm tin cần phải cạnh tranh xuất hiện: Những người đạt thành tích cao tin rằng họ có thể và luôn phải nỗ lực để có mức lương cao hơn, ngôi nhà lớn hơn, có nhiều thể diện hơn hoặc đột phá điều gì to lớn hơn. Cảm giác thong thả khi nghỉ ngơi bị thay thế bởi sự bồn chồn. Sự năng suất tăng lên – dù nó đã mang lại những tiến bộ vượt bậc về khoa học và công nghệ - những nó cũng chịu trách nhiệm cho thứ Durkheim gọi là "bệnh khát vọng vô hạn", một căn bệnh mãn tính. Một khảo sát gần đây do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện đã khảo sát xem người Mỹ ở mọi độ tuổi nghĩ bí mật của hạnh phúc là gì và "một công việc họ thích" xếp hạng cao hơn hôn nhân, con trẻ hay bất kỳ mối quan hệ xã hội nào khác. Sự nghiệp, chứ không phải cộng đồng, là một cột mốc quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.
Bạn có thể nghĩ rằng tư duy giải trí đã không còn cơ hội để lật ngược tình thế, nhưng Suzman nhấn mạnh một sự thay đổi có thể giúp chúng ta: mối quan hệ của chúng ta với thời gian, cụ thể là tương lai. Suzman cho biết người săn bắt hái lượm nhỏ ở vùng khí hậu nhiệt đới hiếm khi dự trữ thực phẩm quá vài ngày. Tin tưởng vào môi trường nơi họ sống. Người Ju/'hoansi chỉ làm đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản của họ, sau đó dừng lại để nghỉ ngơi thay vì lập kế hoạch cho tương lai.
Ngược lại, chúng ta – người văn minh hiện đại - rất rõ ràng về chuyện cần làm trong tương lai. Sự thay đổi này bắt nguồn từ cuộc cách mạng nông nghiệp khi con người phải tuân theo chu kỳ canh tác giữa gieo giống và thu hoạch và sau đó là sự trỗi dậy của tiền tệ. Tuy nhiên ngày nay một tương lai đảm bảo đã không còn là một vụ mùa hay một khoản vay dài hạn. Nó là trọng tâm của nền giáo dục và là sự phát triển của các doanh nghiệp. Nó giả định rằng sinh viên và công nhân trẻ sẵn sàng dành nhiều thập kỷ để trau dồi các kỹ năng mà họ sẽ được đền bù xứng đáng sau này. Các giá trị được tôn vinh tại Mỹ gần đây là tầm quan trọng của sự gan dạ, hy vọng sự tiến bộ và ước mơ về một xã hội chuyển dịch – cho rằng tương lai luôn luôn thay đổi và chúng ta luôn mong muốn những điều tốt đẹp hơn. Trong khi đó, suy nghĩ tiêu cực về tương lai là đặc điểm phổ biến của chứng rối loạn lo âu với khoảng 20% người Mỹ mắc phải.
Nhìn từ góc độ lớn hơn, kỳ vọng cao về tương lai chắc chắn đã khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Dù cư dân thế kỷ 21 vẫn thường xuyên phàn nàn, nền văn minh hiện đại đã tạo ra rất nhiều phát minh có ích. Tôi rất thích vaccine, nước rửa tay và máy lạnh. Nhưng ở cấp độ cá nhân Suzman cho rằng người Ju/'hoansi có thể dạy cho ta - những người bị nền văn minh làm cho chóng mặt – nhiều điều.
Hóa ra những người săn bắt hái lượm đã phải nghĩ ra cách để ngăn chặn các tác nhân dẫn đến tình trạng làm việc quá sức – sự đố kỵ về địa vị, sự bất bình đẳng và tình trạng thiếu thốn. Khi một thợ săn Ju/'hoansi trở về với một con thú săn béo bở, bộ tộc đối mặt với nguy hiểm rằng anh ta có thể nghĩ rằng mình mạnh mẽ và vượt trội hơn những người khác. "Chúng tôi không chấp nhận điều đó," một tộc nhân nói, "Nên chúng tôi luôn nói rằng chiến lợi phẩm của anh ta là vô giá trị. Điều này giúp trái tim của anh ta dịu lại và khiến anh trở nên dịu dàng." Tập tục này được các nhà nghiên cứu gọi là "xúc phạm miếng thịt của người thợ săn."
Đó không phải là phong tục duy nhất nhằm ngăn cản sự cạnh tranh gây bất ổn về địa vị và hạn chế tập trung quyền lực. Suzman cho biết bộ lạc cũng nhấn mạnh rằng "chủ nhân thật sự của số thịt, người chịu trách nhiệm phân phối chúng, không phải là người thợ săn, mà là người sở hữu mũi tên giết chết con mồi." Bằng cách tưởng tượng một cách ngẫu nhiên cho người đóng góp mũi tên, bộ tộc Ju/'hoansi làm yên lòng những người thợ săn của mình và bảo vệ được chủ nghĩa quân bình trong bộ lạc. Một kết quả đáng hoan nghênh là "lâu lâu những người già, cận thị, có tật ở chân hay lười biếng cũng có thể trở thành tâm điểm của sự chú ý".
Đọc về những chiến lược này khiến tôi cảm nhận được nhiều điều cùng một lúc – ngạc nhiên trước sự khéo léo của người Ju/'hoansi, bất ngờ vì họ chế giễu những ai có thành tích xuất sắc, và lo rằng tôi thất bại trong việc tưởng tượng những nỗi đau tôi cần chịu đứng để đảm bảo sự hài hòa hiện có nghĩa là não của tôi đã phải ở quá lâu trong chế độ năng suất, quá nhiều tối chủ nhật không an lòng. Tuy nhiên một điều mà Suzman đã phát hiện ra về cha ông chúng ta là giải trí chưa bao giờ là chế độ mặc định sẵn, thậm chí ở nền văn hóa buồn chán nhất. Cái giá phải trả của nền văn minh, nguồn cơn của những ngày chủ nhật sợ hãi và bài học từ người Ju/'hoansi dạy chúng ta rằng: Bảo vệ sự nhàn rỗi của mình cũng là một công việc. Vì sự tiến bộ phụ thuộc vào việc chúng ta đặt hy vọng vào một thế giới ở tương lai xa, những người không thể ngừng lên kế hoạch sẽ lao động cả đời cho một cuộc sống không cách nào trọn vẹn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top