Giá trị của sự bất định
Trong tiểu thuyết, nó thu hút chúng ta. Trong cuộc sống, nó có thể giúp ta sáng tỏ mọi chuyện. Nhưng làm sao để bộ não nghiện sự chắc chắn tận dụng được phần đối nghịch của nó?
* Đọc bài này khá nhức não nhưng mà hay lắm!
Tôi có thể sống cùng với sự hoài nghi, sự bất định và những điều còn chưa tỏ tường. Tôi tin rằng việc sống mà chưa tỏ tường thì thú vị hơn nhiều so với có câu trả lời nhưng chúng có thể sai ... Để tiến bộ, người ta phải để ngỏ cửa cho sự bất định.
– trích từ 'The Uncertainty of Science' (Sự bất định của Khoa học) (1963) của Richard P Feynman
[Chúng ta] đòi hỏi phải có một định nghĩa chặt chẽ đối với những lãnh vực của sự hoài nghi và bất định!
― trích từ The Hitchhiker's Guide to the Galaxy (Đường tới dải ngân hà) (1979) của Douglas Adams
Quán bar và nhà hàng nướng Noonan's North nằm trong một tòa nhà được đóng bằng những tấm ván màu xanh đơn giản, ngay gần phố Main Street ở thị trấn Holy Cross, Iowa. Ở địa phương, nơi này nổi tiếng với món sườn nướng BBQ và những đêm ăn tôm thỏa thích. Đây không phải là nơi mà một người có xu hướng lái xe hàng trăm dặm để đến ăn. Nhưng điện thoại của Max Hawkins đã yêu cầu anh đi đến đó – và anh đã làm theo.
Hawkins là một nhà khoa học máy tính (nay đã thành nghệ sĩ) dành hơn 2 năm để 'sống theo cách ngẫu nhiên'. Câu chuyện của anh ấy bắt đầu khi đang làm kỹ sư tại Google (công việc mơ ước của anh) ở San Francisco (thành phố mơ ước của anh), anh ấy nhận ra mình đã tối ưu hóa cuộc sống để phù hợp với sở thích của bản thân đến mức mà anh đột nhiên thấy đó là điều đáng báo động. Mỗi ngày của anh bắt đầu lúc 7 giờ sáng, đến quán cafe ngon nhất, sau đó đạp xe đi làm theo lộ trình tối ưu trong 15 phút. Một thuật toán đơn giản, được cung cấp thông tin từ dữ liệu GPS (hệ thống định vị toàn cầu) của anh ấy từ một tuần, có thể dự đoán với độ chính xác cao chỗ ở và chuyển động của anh ấy vào tuần tiếp theo vào cùng một thời điểm trong ngày. Anh nhận thấy điều này có phần thiếu tự chủ cá nhân.
Bất chấp việc đã làm cho cuộc sống phù hợp gần như chính xác với sở thích của bản thân, anh vẫn thấy tù túng – như thể anh ấy đã tối ưu hóa cuộc sống của mình đến độ vai trò của chính anh đã bị thay thế. Hawkins đáp lại bằng cách sử dụng các công nghệ mới để đưa nhiều sự đa dạng vào cuộc sống của mình. Trong hai năm, anh sống cuộc đời của mình theo một loạt các thuật toán ngẫu nhiên. Một chương trình tạo lập về chế độ ăn bảo anh nên ăn gì, một đại lý du lịch theo thuật toán đã lựa chọn thành phố – mà anh đã chuyển sang làm freelance – sẽ sống trong 2 tháng tới, một danh sách phát Spotify ngẫu nhiên cung cấp những bản nhạc cho cuộc hành trình và một công cụ lựa chọn sự kiện-Facebook ngẫu nhiên báo cho tài xế Uber biết nơi đón anh ta khi anh đến chỗ đó.
Các thuật toán đã đưa anh đến các lớp yoga nhào lộn ở Mumbai và đến một trang trại chăn nuôi dê ở Slovenia, nhưng chúng cũng đưa anh ta đến quán rượu ở thị trấn nhỏ Holy Cross, Iowa, và một buổi biểu diễn độc tấu sáo lớp tám, và đến chơi Noel với một gia đình nhỏ ở Fresno, California. Bất cứ nơi nào có thể giúp anh thoát khỏi lối mòn tiện nghi dễ đoán của một dân công nghệ giàu có ở San Francisco. Khi báo cáo lại kết quả từ biên giới của sự không chắc chắn trong các buổi nói chuyện với tựa đề như 'Nương cậy vào Entropy', Hawkins nói rằng các thuật toán không chỉ quyết định đi đâu, ăn gì và những hoạt động giải trí mà anh ta nên tham gia, mà thậm chí cả quần áo và kiểu tóc (cuối cùng anh ấy cần thêm vài bộ tóc giả) mà anh nên theo. Anh ấy thậm chí còn có một hình xăm ở ngực được chọn ngẫu nhiên từ những hình ảnh trên web.
Hawkins cho biết mình đã tìm được niềm hạnh phúc tuyệt vời theo nhiều cách bất ngờ và (ngược đời thay) cảm thấy mình sống trong hiện tại nhiều hơn do thoát khỏi thứ mà anh coi là chế độ độc tài theo sở thích bản thân và lối sống tối ưu hóa theo-sở thích. Anh nói về việc thoát khỏi 'những bong bóng' tí xíu của những nơi chốn ăn uống và những việc cần làm cứ liên tục lôi anh trở lại nhiều lần.
Nhìn ở góc độ nào đó thì sự khó chịu của Hawkins có vẻ kỳ lạ, thậm chí là ngược đời. Bộ não của chúng ta–theo một lý thuyết khoa học thần kinh quan trọng được gọi là 'quy trình dự đoán'– được thiết kế để giải quyết một vấn đề cơ bản: làm thế nào để giảm đến mức tối đa những điều bất ngờ trung bình dài hạn (dự báo sai) của chúng trong những tương tác của chúng ta với thế giới. Môi trường càng biến động thì chiến lược cốt lõi này càng trở nên kém hấp dẫn, dẫn đến lo âu, stress và cảm giác mất quyền kiểm soát. Nhưng Hawkins rõ ràng lại đang đưa rất nhiều thứ bất ngờ vào cuộc đời anh.
Tuy nhiên, ngay cả khi đứng từ góc độ quy trình dự đoán, sống trong phạm vi của những điều đã được dự kiến chỉ là một phần của một câu chuyện phức tạp hơn nhiều. Đối với những bộ não dự đoán giống hệt nhau được thiết kế để điều khiển những sinh vật có khả năng chuyển động và tò mò như bản thân chúng ta. Những sinh vật này phải lướt được qua những con sóng của sự bất định. Để làm điều đó, chúng thăm dò và thử thế giới theo những cách thức nhằm phát hiện ra những điều bất định mấu chốt đang nằm ở đâu, để qua các hành động trong tương lai mà chúng có thể xử lý được chúng và tiếp tục sống. Chúng tìm kiếm thông tin mới, và chúng tham gia vào các nghi thức phức tạp như nghệ thuật và khoa học mà vai trò của chúng phần nào nhằm để tiết lộ một cách an toàn và thách thức những giả định sâu kín nhất của chúng.
Hawkins quả thực đang làm một việc gì đó na ná như thế – kiểm tra những giả định sâu kín nhất của anh về bản thân và những việc muốn làm để khám phá trọn vẹn hơn một không gian của tiềm năng con người. Các phương pháp của anh ấy rất cực đoan, nhưng kế hoạch chung của anh ấy vừa quen thuộc lại vừa mang nét độc đáo của con người. Dường như những sinh vật như chúng ta đã thêm một số lớp mới toanh vào mối quan hệ của chúng ta với không gian của những dự đoán, của lỗi lầm và sự không chắc chắn của mình, biến không gian đó thành một đấu trường cụ thể mang đến những cuộc khám phá sâu sắc hơn và nhiều thử thách hơn so với những cuộc khám phá do phần lớn các sinh vật sống khác thực hiện. Chúng ta đã khám phá ra những cách để biến các mô hình tốt nhất của chúng ta (kể cả mô hình–về bản ngã của chúng ta) thành những đối tượng phù hợp cho việc điều tra nghiên cứu một cách rõ ràng.
Chúng tôi cho rằng cuộc sống con người–đã được–xem xét phản ánh cho một loại quan hệ mới với những kỳ vọng và sự bất định của chúng ta. Nhưng đó lại là thứ mà chúng ta bằng cách nào đó đã xây dựng trong phạm vi bất khả xâm phạm của một động lực nền tảng về mặt sinh học để giảm đến mức tối đa những dự báo sai dài hạn. Làm thế nào mà chiêu đơn giản này có thể thực hiện được?
Hiểu mối quan hệ của chúng ta với sự bất định chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này, vì chúng ta đang sống trong những thời điểm đầy thử thách bất thường. Biến đổi khí hậu, COVID-19 và trật tự mới của chủ nghĩa tư bản giám sát (công ty công nghệ thu lợi nhuận từ việc giám sát hành vi của con người) làm cho chúng ta cảm thấy như thể mình đang bước vào một thời đại bất ổn toàn cầu mới. Nơi mà với nhiều người ở phương Tây từng chỉ là những cái túi chứa đựng sự bất ổn (sự khó đoán định sâu sắc) trong một biển của những điều đáng tin cậy – mặc dù đôi lúc trong những kỳ vọng và cấu trúc bất như ý – thì gần đây có vẻ như nó chỉ là những cái túi chứa đựng sự ổn định trong một biển xoáy của sự thay đổi khó-mà-làm chủ được. Bằng cách hiểu rõ hơn về trạng thái muôn màu muôn vẻ và giá trị của sự bất định, và nhận ra giá trị gia tăng to lớn của việc biến những điều không chắc chắn và kỳ vọng của chúng ta thành những đối tượng cụ thể phù hợp với việc kiểm tra và thử thách, chúng ta có thể tận dụng tốt hơn sức mạnh của bộ não dự đoán của mình.
Sự bất định theo dự kiến (Expected uncertainty)
Mong muốn thoát khỏi một cuộc sống dễ đoán là chủ đề quen thuộc trong văn chương. Thủy thủ lang thang Ishmael trong tác phẩm Moby Dick (Cá voi trắng), và Harry Haller trong tiểu thuyết Steppenwolf (Sói thảo nguyên) khẳng định rằng ông 'thà chịu đựng cảm giác bị quỷ dữ thiêu đốt trong tôi còn hơn là sự ấm áp của một căn phòng được sưởi ấm tốt'. Trong tác phẩm kinh điển phản văn hóa The Dice Man (Kẻ chơi xúc xắc) (1971), bác sĩ tâm thần chán đời Luke Rhinehart đã giao các quyết định của mình cho việc tung xúc xắc, truyền cảm hứng cho độc giả bắt chước theo.
Tuy nhiên quyết định mở lòng đón nhận sự bất định, chỉ vì lợi ích của chính nó, hoàn toàn trái với lẽ thường. Loài người là sinh vật làm theo thói quen. Chúng ta ăn cùng một món cho bữa sáng, đi cùng một con đường đến nơi làm việc, và gặp cùng những con người đó tại cùng một quán rượu sau giờ làm việc. Năm 2010, một nhóm các nhà khoa học máy tính đã phân tích mô hình di chuyển của 50,000 người dùng điện thoại di động ẩn danh, và phát hiện thấy có thể dự đoán được vị trí trong tương lai của họ với độ chính xác 93% dựa trên hành vi trong quá khứ. Tuy nhiên, khi chúng ta thương lượng với thế giới dễ đoán hằng ngày của mình, chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải lướt qua từng con sóng bất định.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ bất định đều ngang nhau.
Một phép phân loại tiện dụng phân biệt giữa Sự bất định theo dự kiến, sự bất định bất ngờ, và sự biến động.
Sự bất định theo dự kiến là sự không chắc chắn nổi bật, dễ thấy đã được dự đoán bởi một mô hình tinh thần (sinh mẫu) hiện có – một tập hợp các kiến thức theo cấu trúc cho phép chúng ta đưa ra những dự đoán cục bộ theo những cách khác nhau tùy theo bối cảnh và nhiệm vụ hiện tại. Sự bất định bất ngờ nảy sinh khi – ví dụ – một sự thay đổi về môi trường khiến chúng ta trở nên không chắc chắn về mô hình sinh mẫu của mình.Còn sự biến động thì lại khác biệt một cách tinh tế: nó chỉ về một tình huống mà trong đó tần suất của những thay đổi trong những thứ ngẫu nhiên thuộc môi trường thay đổi chóng vánh. Do đó, sự biến động là loại bất định có khả năng gây ra nhiều lo lắng nhất. Đó là sự bất định về không gian của bản thân sự bất định.
Hãy bắt đầu với một trường hợp đơn giản về sự bất định theo dự kiến. Một nhân viên biết đường về nhà mình từ một địa điểm nào đó có thể định hình vị trí đó ngay cả khi biết rằng ngôi nhà trên thực tế nằm ở hướng khác. Bằng cách đến vị trí quen thuộc, cô ấy phá bỏ được sự bất định liên quan tới nhiệm vụ và có thể tiến hành một cách trôi chảy để giải quyết vấn đề của mình. Hành động can thiệp, được thiết kế để cải thiện tình trạng thông tin của cô, đôi lúc được gọi là 'epistemic' (tìm kiếm kiến thức) trái ngược với sự thực dụng (giải quyết-vấn đề).
Quy trình dự đoán hiểu được những hành động epistemic là các hành động được chọn để giảm thiểu sự bất ngờ theo dự kiến trong tương lai. Điều này gợi ý về sự liên tục sâu sắc và bất ngờ giữa các chiến lược đơn giản chẳng hạn như quay trở lại điểm quen thuộc đó, và những chiến lược phức tạp và độc đáo của con người, ví dụ như dùng Google Maps để giúp ta tìm thấy điểm đến của mình từ bất kỳ nơi đâu. Thứ hợp nhất những chiến lược mà bên ngoài trông có vẻ rất khác nhau này đó là mỗi chiến lược có thể được xem, theo những cách khác nhau và tại các khoảng thời gian khác nhau, như một cách để giảm bớt sự bất định theo dự kiến (và do đó là dự báo sai trong tương lai) bằng cách thu thập thông tin từ môi trường cục bộ. Khả năng của các hệ thống giảm thiểu lỗi-dự đoán để tìm ra giải pháp thuộc loại này cũng đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu mô phỏng, bao gồm một nghiên cứu mà trong đó những con chuột mô phỏng đã phối hợp giữa những hành động thực dụng và hành động trí tuệ để tìm thấy đường về nhà, trước tiên là dò những cột mốc quen thuộc trước khi khai thác kiến thức đang có của chúng để tìm đường về nhà.
Nhiều trường hợp thú vị hơn của loại rộng tương tự nảy sinh khi những hành động tinh thần thuần túy được thực hiện để 'suy nghĩ thấu đáo' trước khi hành động. Tất cả những hành động như vậy đều mang tính trí tuệ, và tìm cách cải thiện tình trạng thông tin của chúng ta trước khi hành động – nhưng lần này là bằng việc tận dụng những gì chúng ta đã biết. Ví dụ, tôi có thể tính ra số lượng bộ tản nhiệt mà mình cần mua để thay thế những bộ tản nhiệt trong phòng khách nhà mình bằng cách dùng mắt để đếm chúng. Trí tưởng tượng, đặc trưng bởi cách sử dụng sự chú ý có chọn lọc, là một phương tiện chính mà nhờ đó chúng ta tham gia vào quá trình 'thử và sai thay thế', vai trò của nó là giảm thiểu sự bất định theo dự kiến ở tương lai bằng cách thúc bách thông tin mới từ mô hình hiện có.
Sự bất định bất ngờ (Unexpected uncertainty)
Sự bất định theo dự kiến là bất cứ khi nào mà chúng ta biết được những điểm yếu trong trạng thái thông tin của mình, và chúng ta có thể thực hiện các hành động khắc phục cho phù hợp. Nếu tôi biết rằng mình không biết đường đi về nhà từ nơi mà tôi đang đứng, và biết cách lọt vào vị trí mà từ đó tôi có thể đạt được thành công một cách đáng tin cậy, thì khi ấy sự bất định của tôi là hoàn toàn theo dự kiến, và (trong trường hợp đó) có thể khắc phục được. Hoặc nếu tôi biết rằng con xúc xắc là công bằng thì khi ấy tôi cũng hiểu là không có người chơi nào, kể cả tôi, có thể tự tin về kết quả của một lần tung xúc xắc không thiên vị. Đây là điều đã được dự kiến và là sự bất định không khoan nhượng của một loại quen thuộc.
Ngược lại, sự bất định bất ngờ thường xảy ra khi môi trường (cấu trúc quy tắc) thay đổi mà chúng ta không có khả năng dự đoán sự thay đổi đó. Ví dụ, giả sử có ai đó (mà tôi không biết) đã đổi con xúc xắc thành một con xúc xắc gian lận, và bắt đầu chơi. Bây giờ thì ước đoán của tôi về sự bất định của tay chơi khác đột nhiên trở nên không chính xác, và tôi sẽ bắt đầu mất một khoản tiền lớn. Hoặc giả sử (mượn một ví dụ từ nhà khoa học thần kinh Amy Bland và Alexandre Schaefer) tôi biết rằng một nhà hàng nào đó có những món ăn mà tôi yêu thích khoảng 80% tổng số lần, nghĩa là tám trong 10 lần đến nhà hàng sẽ có xu hướng mang lại một kết quả tốt đẹp. Sự bất định về các món ăn của ngày hôm đó khi ấy là một sự bất định theo dự kiến: một sự bất định mà tôi có thể xử lý khi tôi lên kế hoạch cho những cuộc đi chơi của mình. Trái lại, nếu nhà hàng đột ngột thay đổi đầu bếp, vậy thì các ước đoán của tôi ngay lập tức trở nên không đáng tin cậy. Tôi đang bị đẩy vào vùng lãnh thổ của sự bất định bất ngờ – vùng đất đáng sợ mà Hawkins lại thấy vô cùng thỏa mãn.
Khi đối mặt với sự bất định bất ngờ, bộ não phản ứng lại bằng cách tăng tốc độ học hỏi của nó, khuyến khích các kiểu thay đổi chất dẻo (thần kinh) cần thiết để cập nhật mô hình dự đoán – ví dụ, bằng cách bắt đầu tìm hiểu về những thực đơn điển hình của đầu bếp mới. Theo thời gian, kết quả sẽ là một mô hình được sửa đổi, mà trong đó (bạn hãy tưởng tượng) tôi kỳ vọng các món ăn mà tôi thích sẽ chỉ được phục vụ khoảng 5 lần trong 10 lần đến nhà hàng. Đây có thể là tín hiệu của tôi để chuyển sang chế độ khám phá và thử ăn ở nhà hàng khác.
Dạng bất định này trên thực tế có thể rất có lợi cho những sinh vật như chúng ta. Đây là kiểu bất định có thể giúp chúng ta thoát khỏi những thói quen xấu và thoát khỏi 'các giá trị cực tiểu cục bộ - local minima'–những giải pháp đủ tốt nhưng vẫn kém hơn so với những gì mà ta có thể đạt được nhờ 'cố gắng khắc phục'.
Sự biến động
Kiểu bất định tiếp theo (và cuối cùng) này là thách thức nhất trong tất cả. Để nắm bắt được nó, hãy lưu ý rằng sự bất định theo dự kiến và sự bất định bất ngờ xuất hiện ở dạng bậc nhất và bậc hai. Những dạng bậc nhất là về những đối tượng đơn giản, chẳng hạn như cơ hội được ăn món chúng ta thích. Những dạng bậc hai là về bản thân những ước đoán với dạng bậc nhất. Tôi có thể tự tin hoặc không tự tin về phỏng đoán của mình rằng hầu hết những lần ghé đến nhà hàng sẽ mang lại một bữa ăn mà tôi yêu thích – ví dụ, nếu tôi chỉ được ăn món mình thích vài lần, hoặc nếu những người khác có cùng khẩu vị giống như tôi dường như có được những trải nghiệm rất khác biệt.
Nhưng cũng có những môi trường mang đến một thách thức đặc biệt cho bộ óc dự đoán của chúng ta. Những môi trường như vậy làm cho những ước đoán bậc hai trở nên không đáng tin. Chúng là 'những môi trường biến động' mà trong đó bản thân các quy tắc thống kê, khi được thăm dò theo cách thông thường của tôi, là không vững chắc. Vào tháng 6 năm 2020, các vấn đề liên quan đến COVID-19 gây ảnh hưởng đến thế giới đi cùng với hoàng loạt cuộc biểu tình và bất ổn sau khi George Floyd bị giết ở Minneapolis –những thay đổi đột ngột gây biến động mạnh là một mô hình có độ biến động cao. Ví dụ của Bland và Schaefer về một quản lý nhà hàng quyết định thay đổi thực đơn nhiều lần theo mỗi mùa thì ít kịch tính hơn, ngay cả khi vẫn giữ nguyên đầu bếp. Việc học hỏi diễn ra sau đó – khi tôi bắt đầu nhận thấy rằng các món ăn yêu thích của tôi ít có sẵn hơn, hoặc khi tôi bắt đầu thích nghi với cuộc khủng hoảng COVID-19 – bản thân nó không đáng tin cậy.
Điều này giống như chơi xúc xắc mà con xúc xắc có lúc thì công bằng, có lúc lại gian lận theo cách này hay cách kia, v.v... Đó là một thế giới mà tần suất của sự thay đổi trong 'cấu trúc nguyên tắc' nền tảng là cao. Đây là một thế giới kháng lại việc học hỏi thông tin rất cao, ngoại trừ việc học được rằng nó quả thực là một thế giới như vậy – và do đó chỉ định độ tin cậy thấp hơn cho tất cả các ước đoán của chúng ta về trạng thái mục tiêu.
Những môi trường như vậy đặc biệt khó khăn. Không kiểm soát được sự bất định theo dự kiến (bậc một) lúc đầu sẽ thúc đẩy chúng ta hướng đến sự linh hoạt dẻo dai và học hỏi, và có lẽ là chuyển sang một chế độ khám phá khi chúng ta tìm kiếm môi trường tốt hơn và ổn định hơn. Nhưng sự biến động đồng nghĩa với bản thân chiến lược này bị nghi ngờ, vì có rất ít điều hữu ích để học hỏi ở cấp độ đối tượng/mục tiêu ngoại trừ những thứ dễ thay đổi. Đây là một tình huống mà tâm trí con người và động vật thường thấy cực kỳ khó chịu. Trên thực tế, không chắc môi trường chuẩn (và đặc biệt là môi trường xã hội) trông như thế nào với những ai đang mắc chứng tự kỷ, từng được lập luận rằng có liên quan đến việc đánh giá quá mức tầm quan trọng của các sai lệch cảm giác nhỏ so với các khuôn mẫu được mong đợi, và do đó ước đoán rằng bản thân thế giới này cực kỳ bất ổn và khó đoán.
Chúng ta tin rằng, kinh nghiệm của con người phản ánh sự vận hành của những dự đoán và những ước đoán về sự bất định cùng nhiều chiều kích và ở nhiều cấp độ xử lý. Khi mọi việc suôn sẻ, một loạt các dự đoán và ước tính về độ tin cậy của chúng (sự không chắc chắn) cho phép chúng ta tận dụng mọi thứ mà ta đã trải qua, cả cuộc đời trải nghiệm và học hỏi, để nhanh chóng phát hiện ra những mẫu hình thuộc giác quan quan trọng đối với ta, đánh giá độ tin cậy của những kỳ vọng của chúng ta so với bằng chứng giác quan hiện tại, và để hành xử theo những cách giúp mang lại những mô hình có lợi mà ta mong muốn.
Nhưng ở đây cũng có nhiều mối nguy hiểm. Những dự đoán của chúng ta về thế giới có thể bị nhầm lẫn hoặc lầm lạc theo nhiều cách khác nhau. Những thành kiến bị che giấu của chúng ta có thể khắc tạc cách mà ta nhận thức và hành xử trong thế giới theo những cách khiến cho thế giới phù hợp theo quan điểm sai lầm của chúng ta. Trên thực tế, biến sai lầm của chúng ta thành hiện thực chỉ củng cố thêm cho niềm tin của chúng ta vào thành kiến đó. Trên thực tế, cái vòng luẩn quẩn như vậy đặc trưng cho nhiều dạng bệnh lý về chức năng ('tâm thần') và một số dạng rối loạn tâm thần.
Đói khát, vô gia cư, cô đơn và đau mãn tính đều là những ví dụ về những hoàn cảnh và trạng thái liên tục gây ra sự biến động (những chuyện bất ngờ–tiêu cực–khó quản lý). Tiếp xúc liên tục với những môi trường và tình huống biến động như vậy – nơi mà kết quả của hành động vốn dĩ không thể đoán trước – chắc chắn dẫn đến sự giảm sút niềm tin vào khả năng mang lại kết quả mà họ mong đợi. Đến lúc đó, bộ não dự đoán của chúng ta bắt đầu suy luận rằng mình không có khả năng kiểm soát thành công, và sau đó điều này tạo thành một phần có hại của mô hình dẫn dắt các hành vi của chúng ta trong tương lai.
Điều này có thể dẫn đến tình trạng bất lực tập nhiễm (learned helplessness). Bất lực tập nhiễm xảy ra khi con vật phải tiếp xúc với một kết quả bất lợi mà không thể tránh được. Nhiều nghiên cứu (khá tàn nhẫn) làm cho lũ chuột bị điện giật mà không có cơ hội trốn thoát. Điều đáng chú ý là, ngay cả khi có sẵn một lối thoát hiểm (một cái cửa), thì sau một thời điểm nào đó con chuột cũng chẳng buồn chạy trốn. Nó đã học được rằng nó thực sự bất lực, rằng nó không có khả năng hành động theo cách sẽ giúp nó tránh được những kết quả bất lợi này. Nền tảng tính toán của những trạng thái chẳng hạn như sự bất lực tập nhiễm được hiểu trong quá trình xử lý dự đoán (trong lĩnh vực 'tâm thần điện toán') như một kỳ vọng thâm căn cố đế (đã ăn sâu vào tâm thức) về sự mất khả năng kiểm soát kết quả, do môi trường biến động đến mức không thể dự đoán và định hình được. Niềm tin về mức độ kiểm soát và khả năng tránh được những kết quả bất lợi có thể làm nền tảng cho hành vi mang tính thích nghi trong một môi trường (khi cánh cửa đóng) không nhất thiết là chuyển sang những môi trường khác (khi cánh cửa mở).
Các chất gây nghiện thì khai thác một điểm dễ tổn thương khác, một lần nữa lại cho phép các chu kỳ không tối ưu chiếm lĩnh. Opioids 'chiếm quyền điều khiển' mạch phần thưởng trong não bộ mà các nhà nghiên cứu xử lý dự đoán thực hiện để ước tính những ước lượng về tỷ lệ giảm thiểu lỗi dự đoán – tức là, bộ não ước đoán xem nó hoạt động tốt ra sao trong việc làm giảm dự báo sai so với tỷ lệ giảm được theo kỳ vọng của nó trong bối cảnh hiện tại. Chiếm quyền kiểm soát quá trình này có nghĩa là não bộ bị lừa khi ước đoán rằng nó đang hoạt động tốt hơn nhiều so với kỳ vọng trong việc làm giảm lỗi dễ thấy (độ chính xác cao). Điều quan trọng là, bất kỳ bối cảnh nào mà điều này xảy ra đều được đánh dấu là bối cảnh mà chúng ta sẽ tìm cách để sống. Theo thời gian, khả năng lặp đi lặp lại của chất gây nghiện để tạo ra tác dụng này dẫn đến một (gọi chung là) 'thói quen' sử dụng – một thói quen mà gọng kìm không được nới lỏng chỉ đơn giản bằng việc con người nhận ra rằng trên thực tế, ma túy, chất gây nghiện không mang đến khoái lạc, thành công hay hạnh phúc. Đấy là tại vì, bất chấp phán đoán cao cấp đó, trong thời điểm sử dụng, mọi ước đoán bị ẩn giấu về việc giảm-sai sót tốt bất ngờ được kích hoạt. Điều quan trọng cần lưu ý là bộ não dự đoán ở đây không hề bị loạn chức năng, mà nó chỉ đang làm những việc mà nó được tiến hóa để làm – giảm sự bất định. Tuy nhiên, não bộ chưa được tiến hóa để kiểm soát những loại tín hiệu do chất gây nghiện tạo ra.
Dường như quá khó để hiểu được tại sao những thói quen rõ ràng là nguy hại lại có thể tự tồn tại mãi như vậy. Nghiện opioid rõ ràng là bất lợi cho sự phát triển của con người. Làm sao mà một bộ não dự đoán (không bị trục trặc) lại tiếp tục duy trì một mô hình dung dưỡng cho thói quen này, ở bất kì cấp độ nào, xem nó là điều tích cực, bất chấp vô số bằng chứng trái ngược? Đâu là lợi ích tiến hóa của chiến lược dự đoán nếu nó cho phép các mô hình của chúng ta liên tục ngắt kết nối với hoàn cảnh bên ngoài của chúng ta?
Để hiểu đầy đủ về sức mạnh tự củng cố của những thói quen như vậy, chúng ta cần một lần nữa nhìn xa hơn bộ não. Chúng ta cần quan tâm đến cách mà quá trình hoạt động nhằm giảm thiểu sự bất ngờ lại gài bẫy môi trường của chúng ta vào quá trình giảm thiểu-lỗi toàn diện. Ở cấp độ đơn giản nhất, những hành động như vậy có thể chỉ liên quan đến việc bỏ qua các nguồn lỗi ngay lập tức – như khi người nghiện rượu giữ vững niềm tin rằng họ đang sống tốt bằng cách không quan tâm đến số tiền họ thường xuyên chi tiêu cho rượu. Nhưng hành động của chúng ta cũng có thể có ảnh hưởng lâu dài đến cấu trúc của chính môi trường của chúng ta, bằng cách nhào nặn nó thành hình dạng của mô hình nhận thức của chúng ta. Thông qua quá trình này, những yếu tố dự báo trước sự nghiện ngập có thể tạo ra một thị trường cá nhân trong đó các yếu tố không tương thích với mô hình của họ bị loại trừ hoàn toàn–chẳng hạn, bằng cách chỉ chơi với những kẻ nghiện ngập giống họ, và do đó sẽ không thách thức hành vi nghiện ngập của họ.
Sự tuần hoàn của thói quen và môi trường sống được củng cố lẫn nhau này không phải là một đặc điểm độc đáo, riêng biệt của chứng nghiện chất kích thích. Năm 2010, nhà hoạt động internet Eli Pariser đưa ra thuật ngữ 'bong bóng lọc tin – filter bubble' nhằm mô tả sự phân mảnh của internet đang ngày càng gia tăng khi các cá nhân càng ngày càng chỉ tương tác với một tập hợp con hạn chế các nguồn tin phù hợp với thành kiến đã có từ trước của họ. Pariser đổ lỗi vấn đề bong bóng lọc tin cho các công ty công nghệ lớn ngày càng sử dụng các thuật toán dự đoán để cung cấp chính xác loại nội dung mà một cá nhân đã tương tác trong quá khứ. Từ quan điểm của bộ não dự đoán, những công nghệ cá nhân hóa như vậy không giống như một sự phát triển mới triệt để hơn là một sự mở rộng cho các thuật toán dự đoán mà trong tiềm thức chúng ta đang cài đặt cho bản thân với nỗ lực giữ cho các tương tác với môi trường của chúng ta nằm trong giới hạn dễ lường trước.
Quả thực, sự bành trướng của các vùng kỹ thuật số ở thế kỷ 21 có thể ít bị quy cho những áp đặt công nghệ mới hơn là do sự suy yếu của những ràng buộc về mặt địa lý, xã hội và chính trị đã giải phóng cho mỗi người để tạo dựng một môi trường cá nhân theo những cách cụ thể hơn bao giờ hết. Như nhà báo Bill Bishop đã tranh luận trong The Big Sort (2008), bằng cách vẽ biểu đồ di chuyển của công dân Hoa Kỳ đến những khu dân cư ngày càng có chung tư tưởng trong thế kỷ qua, động lực duy trì mối quan hệ với những người giống mình này từ lâu đã định hướng hành động của chúng ta thông qua không gian vật lý. Trong thế giới trực tuyến, hiện tại nó xảy ra thông qua hơn một triệu subreddits và vô số cộng đồng Tumblr, phục vụ tất cả mọi người từ dân trượt ván kỳ dị đến incels (những người độc thân không tự nguyện), những người tin rằng Trái đất là phẳng và những người thuộc cộng đồng furries (những sinh vật giống người nhưng lại mang những đặc điểm nhận dạng và hình dáng của thú vật).
Môi trường mà mỗi bộ não-giảm thiểu-sự bất ngờ tương tác không phải là lĩnh vực của những quy tắc chung và ổn định mà ta có thể dựa vào như một phép kiểm tra trung lập để kiểm soát được tất cả các mô hình dự đoán của chúng ta. Mà thay vào đó, nó được viết lại như một nguồn linh hoạt để trích xuất và tạo ra những quy tắc mà chúng ta dự đoán đó. Điều éo le là, môi trường càng trở nên linh hoạt hơn thì càng dẫn đến sự xuất hiện của những bong bóng tự vệ và những ngóc ngách-siêu nhỏ tự vệ, và do đó tạo điều kiện cho sự cố thủ của những mô hình cứng nhắc.
Có nhiều cách mà chúng ta có thể rơi vào cạm bẫy của bộ não dự đoán của chính mình tương ứng với nhiều cách mà chúng ta có thể bị mắc kẹt bởi những ước đoán của ta về độ tin cậy của những dự đoán khác nhau. Hawkins cảm thấy bị mắc kẹt bởi những thứ được tối ưu hóa của chính mình–những dự đoán chính xác ở cấp độ cao rằng anh ấy sẽ sống một kiểu cuộc đời nào đó. Nhưng bằng cách nhận ra dạng thức hạn chế của cuộc sống đó, cuối cùng anh ấy đã có thể thoát khỏi vòng kiểm soát của mô hình–về bản ngã của chính mình. Điều này cho thấy rằng có nhiều cách để hack bộ não dự đoán của mình để chí ít cũng thoát khỏi một số cạm bẫy mà chúng ta đã kiểm tra. Điều này là đúng trong trường hợp mà mọi người khao khát một cuộc sống đa dạng hơn và hấp dẫn hơn. Nhưng các nguyên tắc tương tự cũng làm nền tảng cho một số chứng bệnh tâm thần khủng khiếp nhất, giống như trong trường hợp của sự bất lực tập nhiễm, những kỳ vọng đã ăn sâu vào tâm khảm về sự biến động và không thể đoán định được của môi trường có khả năng chống lại sự thay đổi ngay cả khi đối tượng thấy mình đang ở trong những hoàn cảnh môi trường thuận lợi hơn. Một loạt các chứng rối loạn tâm lý và cảm xúc như trầm cảm, lo âu, nghiện ngập và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) có thể được hiểu thấu đáo trong những thuật ngữ đó.
Một phương tiện cấp tiến hơn để nới lỏng các mô hình dự đoán đã hằn sâu vào tâm thức con người, đã được dùng hàng ngàn năm qua ở nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới, đó là chất thức thần. Sau nhiều năm ngăn chặn nghiên cứu về chất thức thần–được Michael Pollan ghi nhận trong How to Change Your Mind (2018)– chỉ trong thập kỷ qua thì nghiên cứu như vậy mới được tiến hành. Bằng chứng đang xuất hiện cho thấy chất thức thần có thể cung cấp một phương tiện mới mạnh mẽ để điều trị một loạt chứng rối loạn cảm xúc, bao gồm nghiện ngập, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, PTSD, trầm cảm kháng–điều trị, cũng như có hiệu quả trong việc xoa dịu 'nỗi đau đớn hiện sinh' của việc chăm sóc cuối đời. Những quần thể dân số phi-lâm sàng cũng được hưởng lợi ích–với sự gia tăng của cảm giác 'liên hệ với tự nhiên', ý thức sinh thái và giảm lo âu.
Những loại thuốc này được cho là tạo ra sự biến đổi sâu sắc trong hiện tượng học, từ nhận biết cảm giác, tâm trạng và suy nghĩ (bao gồm cả nhận thức về thực tại), và thậm chí 'làm tan biến' nhận thức thông thường về bản ngã theo cách rất giống với sự mất đi bản ngã trong quan điểm Phật giáo về niết bàn. Nhà văn, triết gia và người tiên phong về chất thức thần Aldous Huxley đã viết thế này trong tác phẩm The Doors of Perception (Những cánh cửa nhận thức) (1954):
Rũ sạch những lối mòn của nhận thức bình thường, được nhìn thấy thế giới bên trong và bên ngoài trong vài giờ vô tận, không giống như thế giới được nhìn thấy qua đôi mắt của một con vật ám ảnh với chuyện sinh tồn hay một con người bị ám ảnh với ngôn từ và ý niệm ... [đây là] một trải nghiệm vô giá ...
Huxley khái niệm hóa về chất thức thần bằng cách dùng một phép ẩn dụ mà hiện tại có vẻ mang tính tiên tri đầy ấn tượng. Ông xem bộ não như một 'van giảm áp'– loại bỏ một lượng lớn các dữ liệu đầu vào thuộc cảm giác xuống chỉ còn một tia nước nhỏ cho phép việc tương tác thích nghi với môi trường. Khi dùng chất thức thần, van này được mở ra và quá trình lọc bị tạm hoãn. Xử lý dự đoán chính thức hóa linh cảm này.
Trên góc độ xử lý dự đoán, những dự đoán về cơ bản là bị nén, nơi mà các cấp độ cao hơn của hệ thống phân cấp – xử lý với những đặc điểm trừu tượng hơn hoặc bất biến của thực tại, và theo dõi khoảng thời gian lâu hơn – loại bỏ tín hiệu cảm giác về sự dư thừa: tức là, bất cứ điều gì không liên quan đến hành động thích nghi. Dưới ảnh hưởng của chất thức thần, 'van giảm áp' được mở ra. Từ góc độ xử lý dự đoán, những loại thuốc này có thể được hiểu là nới lỏng sự kìm kẹp của những kỳ vọng cứng nhắc và thâm căn cố đế về cách mà các tín hiệu cảm giác được tạo ra, cho phép não bộ tạo ra những giả thuyết mới lạ về thế giới và cách chúng ta quan hệ với nó.
Chất thức thần có thể được xem là tạm thời đưa não bộ vào 'trạng thái nóng' dễ uốn dẻo
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những loại thuốc này, nếu dùng đúng – và chú ý nhiều đến việc 'sắp đặt và bố trí'– có thể cung cấp một phương tiện lâu dài để nuôi dưỡng một phương thức giao tiếp mới với thế giới cho cả nhóm dân số–lâm sàng và phi–lâm sàng. 'Sự nới lỏng' của những niềm tin–cấp cao vốn gò ép và kiến tạo nhận thức thông thường dẫn đến sự tồn tại ở cấp độ thấp, ở mức độ nào đó, 'được giải thoát' khỏi ảnh hưởng hạn chế của các dự đoán nén. Hiệu ứng tri giác gây ấn tượng sâu sắc này ('tripping') có thể được hiểu là những dự đoán (nhiễu hoặc sai số ngẫu nhiên) phát triển ồ ạt ở cấp độ thấp trước dòng cảm giác phong phú nhưng mới mẻ và khó hiểu này do ít bị hạn chế và ràng buộc bởi ảnh hưởng cấp cao – giống như thể não bộ đảo qua nhiều giả thuyết hơn để lý giải tín hiệu cảm giác đến và hiểu thấu đáo dòng cảm giác hiện tại.
Nói một cách ẩn dụ thì các chất thức thần có thể được xem là tạm thời đưa não bộ vào 'trạng thái nóng'. Ta có thể dùng một phép so sánh tượng tự về việc ủ kim loại – nung nóng để tạo ra một trạng thái dễ uốn tạm thời. Khi được đưa vào trạng thái nóng do dùng chất thức thần, não bộ trở nên dễ uốn đủ để các mô hình–đưa ra–dự đoán của nó được nhào nặn lại. Trong điều kiện thích hợp–cùng với sự cân nhắc phù hợp về bối cảnh và tính toàn vẹn hậu-trải nghiệm–điều này có tiềm năng điều trị sâu sắc. Suy nghĩ về điều này trên phương diện đưa não bộ vào một trạng thái nhạy cảm và cực kỳ dẻo dai, gợi ra ý tưởng về cách mà chất thức thần có thể làm nền tảng cho những trải nghiệm mang tính trị liệu sâu sắc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng rất lớn đối với việc sử dụng và sắp đặt có trách nhiệm.
Ví dụ, hiện có nhiều bằng chứng cho thấy các chất thức thần như lysergic acid diethylamide (LSD), psilocybin (yếu tố hoạt hóa trong nấm ma thuật) và ngay cả dimethyltryptamine (DMT– 'nguyên tố tâm linh' được tìm thấy trong ayahuasca) khi được dùng một cách thận trọng, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhiều dạng trầm cảm mãn tính kháng-điều trị. Để xem điều này phù hợp ra sao với bức tranh của chúng ta, cần lưu ý rằng những người bị trầm cảm nặng thường đã tạo nên một kỳ vọng chính xác về hành vi và lối phản ứng của họ – một mô hình–về bản ngã mang tính dự đoán, chủ động hạn chế cuộc khám phá thế giới đầy vui tươi, và đóng vai trò như một lời tiên đoán tự ứng nghiệm về tình trạng bất lực và muốn sống thu mình của họ. Bằng cách tạo ra một trạng thái 'nóng' tạm thời, chất thức thần dường như có khả năng can thiệp vào mô hình–về bản ngã cấp độ cao của chúng ta, cởi trói cho chúng ta để tiếp xúc với thế giới và cảm nhận về sự tồn tại của ta theo những cách thức mới mẻ và thường là hữu ích. Những cánh cửa sổ mở ra cho ta thấy những cách tồn tại khác không bị mất đi khi những tác dụng trực tiếp của thuốc giảm bớt mà thay vào đó có thể đóng vai trò trung gian để chúng ta xem xét lại cuộc đời mình, những mục tiêu và ý thức về bản ngã của chúng ta, về người khác và tự nhiên.
Chất thức thần mang đến một phương tiện để chỉnh sửa lại những kỳ vọng thâm căn cố đế về – ví dụ– sự biến động trong môi trường của chúng ta. Những cách khác để hack bộ não dự đoán của chúng ta bao gồm việc cố tình cài đặt những kỳ vọng hữu ích, như ta thấy ở trường hợp dùng 'giả dược thành thật' (khi bệnh nhân biết rằng viên thuốc mà họ uống là giả dược). Trong những trường hợp đó, những dự đoán về khả năng giảm đau dường như được kích hoạt, bất chấp việc người đó hoàn toàn biết rõ rằng chẳng có thành phần hoạt chất nào trong thuốc cả. Những viên giả dược thành thật (hay 'nhãn mở') đã được chứng minh là có hiệu quả trong nhiều trường hợp từ hội chứng ruột kích thích cho đến tình trạng mệt mỏi do ung thư. Và ước đoán về công dụng của chúng càng cao thì ảnh hưởng càng lớn–các chất trơ được đưa vào cơ thể bằng bơm tiêm thường hiệu quả hơn so với đưa vào bằng dạng viên thuốc uống, có lẽ tại vì chúng ta tự động ước đoán rằng đây là một hình thức can thiệp mạnh hơn.
Tuy nhiên, tất cả những điều này đều là những dạng can thiệp khá sống sượng lên những dự đoán và kỳ vọng (bản ngã) của chúng ta. Còn những dạng can thiệp ít sống sượng hơn bao gồm những thực tập có quy củ như thiền định và chánh niệm, nhằm để huấn luyện lại những kỳ vọng bị bó hẹp của chúng ta (ví dụ, về sự thường hằng). Một công cụ hữu ích ở đây là huấn luyện sự chú ý để chủ động buông bỏ việc lấy mẫu của chúng ta đối với các thông tin cảm giác, và rời xa những niềm tin đã thiết lập của chúng ta, từ bỏ kỳ vọng về sự ổn định ở cấp độ cao. Khi việc này thành công, chúng ta có thể sống trong khoảnh khắc hiện tại trong khi vẫn ứng phó với những tình huống bất trắc của cuộc sống hằng ngày. Những thực hành như vậy phản ánh điều gì đó quan trọng mà ta dễ bỏ qua – năng lực rất người của chúng ta để biến những trạng thái tinh thần của chúng ta thành những đối tượng để suy ngẫm và hành động. Điều này dẫn chúng ta đi thẳng đến vấn đề cốt yếu của Hawkins, và mấu chốt trong quá trình đó khiến anh ấy phải cố gắng cực độ để nhìn vượt ra ngoài mạng lưới những kỳ vọng bình thường về cuộc sống hằng ngày của anh.
Các thuật toán của Hawkins là những công cụ thiết kế nhằm đẩy anh ra khỏi lề thói sinh hoạt hằng ngày của mình và cho phép những khuôn mẫu và trải nghiệm mới xuất hiện. Anh cố ý tạo ra chúng nhằm để đạt được một mục tiêu nhất định – mục tiêu phá vỡ khuôn mẫu của lối sống đã được tối ưu hóa rất cao của anh. Mấu chốt của loại hành động triệt để cấp tiến này nằm ở một quá trình, mặc dù hiếm khi được nhắc đến, đối với chúng ta dường như lại nằm ở trung tâm của những gì tạo nên thứ rất đỗi con người về mối quan hệ của chúng ta với không gian của sự không chắc chắn. Quy trình 2 bước bắt đầu bằng cách hiển thị các mô hình dự đoán và các kỳ vọng có liên quan của chúng ta, biến chúng thành các đối tượng có thể kiểm tra, xem xét được bởi bản thân ta và người khác. Sau đó nó tiếp tục bằng cách nghĩ ra các thủ thuật, những kế hoạch và mánh khóe để nhấn mạnh, thách thức và đôi khi phá vỡ các mô hình đó một cách hiệu quả.
Bước đầu tiên đến 'miễn phí' với văn hóa biểu tượng. Ngôn ngữ nói, văn bản viết và một loạt các thực hành liên quan biến các khía cạnh của mô hình sinh mẫu của riêng chúng ta thành những đối tượng (vật chất) cộng đồng – từ ngữ, sách, những sơ đồ – thích hợp để chia sẻ, tinh chỉnh và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Khi Hawkins nói về cảm giác bị mắc kẹt bởi tính dễ đoán của các thói quen hằng tuần được tối ưu hóa cao của mình, anh ấy làm rõ cái cách mà mô hình của anh ấy về 'một cuộc đời tốt đẹp' đang mang đến một loạt các lựa chọn và trải nghiệm mà giờ đây anh cảm thấy không hài lòng. Đây là một chiến công đáng chú ý, và đáng để chúng ta suy ngẫm.
Những mã biểu tượng linh hoạt, một khi đã có, cho phép chúng ta lùi ra khỏi các mô hình sinh mẫu và những dự đoán dựa theo-mô hình của mình, biến chúng thành các đối tượng công khai thích hợp để xem xét, đặt câu hỏi, thử thách và chủ ý 'phá bỏ'. Một điều ta có thể gần như chắc chắn rằng đa số những con vật không bao giờ thành công trong việc nhìn nhận ra mô hình cuộc sống của chúng. Các mô hình của chúng chỉ dẫn cho hành động, nhưng bản thân chúng không phải là đối tượng của hành động. Nhưng một khi nắm được quyền chỉ huy đối với các mã biểu tượng thì ta đã tháo cũi xổ lồng, và các mô hình của chúng ta cùng những kỳ vọng dựa trên–mô hình của ta có thể trở thành đối tượng để xem xét kỹ. Đây có thể là phần thưởng tri thức duy nhất mang tính chuyển hóa được trao tặng bởi nền văn hóa vật chất.
Nhưng còn nhiều điều nữa. Một khi các mô hình tốt nhất của chúng ta xuất hiện ở dạng đối tượng/vật thể thì chúng ta có thể làm được nhiều thứ chứ không chỉ đơn giản là xem xét chúng. Chúng ta có thể thực hiện các hành động được thiết kế nhằm phá bỏ và xây dựng lại các mô hình. Việc cố ý dùng chất thức thần để nới lỏng vòng kìm kẹp của mô hình-về bản thân cấp cao của chúng ta thuộc về loại này. Và một số dạng thực hành thiền định nhằm mục tiêu nới lỏng sự chuyên chế bạo tàn của những kỳ vọng về sự thường hằng của chúng ta. Việc tạo ra tất cả các thuật toán ngẫu nhiên trong cuộc sống của Hawkins cũng vậy.
Có lẽ đáng chú ý nhất là, các hoạt động nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật của chúng ta thường đóng loại vai trò này. Ví dụ, những sơ đồ, những bản miêu tả và mô hình cho phép chúng ta thao tác độc lập các khía cạnh khác nhau của một thiết kế, và chú ý có chọn lọc đến những yếu tố khác nhau. Điều này cho phép chúng ta khám phá những kết quả khác nhau tùy thuộc vào những lựa chọn khác nhau theo những cách làm giảm bớt sự gắn bó của những kỳ vọng dựa trên–mô hình của chúng ta – giống như việc xáo trộn một đống chữ cái trong trò chơi sắp chữ để giúp ta khám phá ra các từ mới. Để thực hiện những hoạt động như vậy, những niềm tin và mô hình hiện tại của tôi cần tồn tại vượt lên trên những xu hướng xác suất theo cách mà tôi định hình thế giới trên cơ sở những kiến thức đã được lưu trữ. Chúng cần tồn tại dưới dạng các đối tượng cụ thể để thu hút sự chú ý, chia sẻ và đặt câu hỏi.
Nghệ thuật cũng thường nằm trong nhiệm vụ tiết lộ–mô hình/phá bỏ–mô hình này. Đó có thể là một cách hiện thực hóa và đối mặt với những giả định cấp cao của chính chúng ta, về bản thân, thế giới và những thứ khác, nhưng làm vậy trong một khuôn khổ lùi ra xa khỏi những mối bận tâm hằng ngày (hãy nghĩ đến việc đang ngồi ở rạp hát xem vở Death of a Salesman) và do đó không bị xem như mối đe dọa thực sự, ngay cả khi nó mang tính lật đổ. Khoa học lý thuyết, hay rõ ràng hơn, nhằm mục đích hệ thống hóa những mô hình tốt nhất của chúng ta về cách vận hành của tâm trí và thế giới, chuyển giao chúng như những đối tượng để chia sẻ, giám sát và 'phá vỡ một cách hiệu quả'.
Dù câu chuyện là gì, tâm trí con người có thể đi đến những nơi mà không có tâm trí động vật nào làm được. Chúng ta có thể bắt gặp các mô hình dự đoán của riêng ta như những đối tượng. Hawkins bắt đầu tìm cách thoát khỏi vòng kìm kẹp của mô hình–cuộc đời của anh. Nhưng điều đáng chú ý là vẫn có một chế độ có thể dự đoán trước, và một chế độ mà bản thân anh ấy hiểu (quả thật, là một chế độ do anh ấy thiết kế). Ví dụ, anh ấy biết rằng thuật toán sẽ đưa anh đến một nơi nào đó mới mẻ cứ mỗi hai tháng, chứ nó sẽ không đột ngột đưa anh đến ở một thị trấn hay thành phố mới mỗi tuần, sau đó (ngẫu nhiên) mỗi ngày, sau đó (ngẫu nhiên) không phải trong 10 năm.
Thật thú vị khi suy đoán rằng nhờ thiếu sự biến động mà anh ấy mới thu được nhiều điều từ thực nghiệm của mình, đồng thời tránh được những loại lo lắng và sợ hãi mà gần đây nhiều người trong chúng ta đang trải qua khi đại dịch COVID-19 lần đầu tiên bắt đầu đảo lộn hoàn toàn mô hình cuộc sống của chúng ta. Bộ não dự đoán mong đợi sự kiểm soát, nếu nó thất bại trong việc kiểm soát thì nó sẽ thúc đẩy việc học hỏi. Thường thì việc phát hiện ra sự biến động cao trong môi trường sẽ thúc đẩy việc học hỏi và khám phá. Thế nhưng trong tình trạng phong tỏa, chúng ta lại được khuyên ở yên một chỗ và không làm gì.
Chuyện này rất kỳ lạ với chúng ta. Phản ứng của chúng ta là cố gắng kiểm soát thế giới nhỏ bé của mình – nướng bánh, những trò xếp hình, tập thể dục. Điều này rất giống với một phản ứng được thấy ở những cá nhân mắc chứng tự kỷ, đó là tạo ra và sống trong một môi trường được kiểm soát tốt hơn. Và đó là một phản ứng tốt, một cách để khôi phục chút cảm giác làm chủ khi đối mặt với sự biến động lớn. Nhiều công trình ấn tượng trong 'tâm thần học điện toán' hiện đang được dành cho việc hiểu rõ hơn về mối quan hệ của chúng ta với sự bất định, và có nhiều cách mà nó có thể trở nên sai lầm. Dường như loài người chúng ta là những hệ thống quản lý sự bất định–và khi việc kiểm soát sự bất định gặp trục trặc, cho dù là do những xáo trộn bên ngoài hay bên trong, chúng ta đều có thể dễ dàng mất khả năng kiểm soát bản thân, thế giới và những thứ khác.
Có lẽ bình luận tiết lộ nhiều điều nhất trong nhiều cuộc nói chuyện của Hawkins là một nhận xét được nói ở cuối buổi 'Nương cậy vào Entropy'. Anh ấy nhận xét về những tình huống và nơi chốn xa lạ nhất và 'chẳng phải-là-anh' trở thành thứ 'bình thường mới' nhanh ra sao, đến nỗi anh ấy có thể dễ dàng tưởng tượng về cuộc sống như một con người ở nơi chốn xa lạ đó. Chúng tôi phỏng đoán rằng, đây là bộ não dự đoán đang tái khẳng định bản thân nó, cải cách những khía cạnh của mô hình-về bản thân cao cấp của chúng ta để kiểm soát được cái bình thường mới.
Thông điệp rút ra từ Hawkins rất đơn giản: đừng để cho những sở thích riêng của bạn biến thành một cái bẫy. Tuy nhiên, ở một loại siêu cấp độ, anh vẫn bị mắc kẹt (theo chiều hướng tốt)– thuật toán ngẫu nhiên của anh chỉ đơn giản là đang thỏa mãn ưu tiên lựa chọn cấp cao mới nhất của anh theo những cách nhằm tránh được cấu trúc ưu tiên bậc nhất của anh ấy. Chúng ta không thể không cảm nhận được giá trị gì đó trong thử nghiệm này. Giống như nghệ thuật và khoa học, nó làm cho những thứ vô hình trở nên cụ thể hữu hình, tiết lộ lực hấp dẫn mạnh mẽ của những kỳ vọng của chúng ta.
Nó cũng là một bài học thực tế về giá trị bất ngờ của sự bất định bị kiểm soát.
Cre : Rubi
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top