Đây là cách não bộ tạo ra "bạn", tâm trí hay linh hồn của bạn
Suy cho cùng, chúng ta chẳng có tâm trí nào cả. Cơ thể chúng ta chỉ đang tồn tại như một sinh vật bậc cao, một cỗ máy tự lái phức tạp với vô vàn cảm biến mà thôi.
Bạn là ai? Hay bạn là gì? Có vô vàn cách để định nghĩa bản thân mỗi con người chúng ta. Trong đó, phổ biến nhất mọi người hay chia mình thành hai phần, cơ thể và tâm trí. Có thể tưởng tượng cơ thể chúng ta như một cỗ máy, một phần cứng, còn tâm trí giống như hệ điều hành, chứa các phần mềm được cài đặt để điều khiển phần cứng ấy.
Nhưng các liên kết thần kinh và hoạt động của não bộ chúng ta thực sự phức tạp hơn nhiều so với cách một cỗ máy vận hành, ngay cả khi chúng đã có trí tuệ nhân tạo. Điều này khiến nhiều người chưa thể thoát khỏi các quan niệm tâm linh cổ điển cho rằng chúng ta được chia thành hai phần là phần hồn và phần xác. Trong đó, linh hồn mới là thứ định nghĩa bản thân bạn là ai và nó có thể tồn tại độc lập với cơ thể.
Lisa Feldman Barrett, một giáo sư tại Đại học Northeastern, Hoa Kỳ hoàn toàn không nghĩ vậy. Bà hiện là một trong những nhà tâm lý và khoa học thần kinh xuất chúng nhất thế giới, nằm trong top 1% những tác giả có nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất hành tinh.
Theo Lisa Barrett, tâm trí và cơ thể chúng ta là hai bộ phận không thể tách rời, và não bộ là thứ cuối cùng đang tạo ra bản thân bạn. Một cách liên tục không ngừng nghỉ, hoạt động của não bộ đang định nghĩa bạn là ai, hoặc bạn là gì. Không thể có một "bạn" mà không có não bộ hoặc cơ thể.
Bài viết dưới đây là cách mà giáo sư Barrett giải thích những khái niệm này, theo một cách dễ hiểu nhất mà chúng ta có thể tiếp cận.
Tâm trí của bạn là gì? Có lẽ đó là một câu hỏi kỳ lạ, nhưng nếu thực sự nghiêm túc trả lời, bạn có thể mô tả nó như một phần của bản thân tạo nên con người của bạn — nơi chứa đựng ý thức, ước mơ, cảm xúc và ký ức của bạn.
Trong một thời gian dài, các nhà khoa học đã tin rằng những khía cạnh như vậy của tâm trí có những vị trí cụ thể trong não bộ, chẳng hạn như một mạch các neuron kết nối với nhau dành riêng cho nỗi sợ hãi, một vùng dành cho trí nhớ, ham muốn, mơ ước...
Nhưng trong những năm gần đây, các nghiên cứu mới ngày càng tiết lộ một sự thật rằng bộ não con người thực sự là bậc thầy của sự lừa dối, những trải nghiệm và hành động của bạn không tiết lộ hoạt động bên trong của nó. Trên thực tế, tâm trí của bạn là một quá trình xây dựng liên tục của não bộ, cơ thể bạn và thế giới xung quanh.
Mỗi khoảnh khắc bạn nhìn, suy nghĩ, cảm nhận và điều hướng thế giới xung quanh mình, nhận thức của bạn sẽ được xây dựng dựa trên 3 thành tố.
Một là những tín hiệu mà bạn nhận được từ thế giới bên ngoài, ví dụ như sóng ánh sáng đi vào nhãn cầu cho phép bạn nhìn thấy một khu vườn đầy hoa, sóng âm làm rung màng nhĩ cho phép bạn nghe thấy âm thanh, áp lực trên da khi bạn ôm người mình yêu thương, các chất hóa học có mùi vị chạm vào các thụ thể trong mũi hoặc lưỡi cho phép bạn ngửi và nếm.
Tất cả các tín hiệu này được gọi chung là dữ liệu giác quan.
Thành tố thứ hai tạo nên trải nghiệm của bạn là các dữ liệu giác quan xuất phát từ ngay trong cơ thể bạn, chẳng hạn như máu chảy trong mạch, lồng ngực bạn nở ra khi bạn hít một hơi làm căng phồng phổi, dạ dày của bạn sôi lên những lúc bạn đói...
Tuy nhiên, hầu hết các dữ liệu giác quan từ bên trong cơ thể đều xảy ra một cách âm thầm mà bạn không mấy để ý đến chúng. Cơ thể của chúng ta cũng không phát triển các cơ chế cảm nhận vào bên trong cơ thể, chẳng hạn như trong não bộ của bạn không có các dây thần kinh cảm nhận áp lực hoặc đau – đó là lý do tại sao các ca mổ não có thể được thực hiện ngay trong khi bệnh nhân đang tỉnh táo.
Đây là một chiến lược sinh tồn, vì các loài sinh vật cần cảm nhận thế giới bên ngoài tốt hơn nếu muốn sống sót trong một môi trường đầy hiểm nguy.
Cuối cùng thành tố thứ ba ảnh hưởng đến trải nghiệm nhận thức của chúng ta chính là những kinh nghiệm trong quá khứ mà chúng ta từng trải nghiệm. Không có kinh nghiệm quá khứ, tất cả các dữ liệu giác quan mà bạn nhận được sẽ chỉ là những tín hiệu vô nghĩa.
Giống như bạn không thể nghe và hiểu được ngoại ngữ nếu chưa từng học chúng. Bạn cũng sẽ không hiểu được chính tiếng mẹ đẻ của mình nếu não bộ không sử dụng kinh nghiệm của nó với những lần tiếp xúc trước đó khi bạn học nói, học đọc hoặc học viết.
Bộ não của chúng ta luôn luôn đối soát để nhớ lại những gì nó đã thấy, đã nghe, đã cảm nhận được trong quá khứ để giải thích những dữ liệu giác quan mà nó nhận được ở hiện tại. Sau đó, nó sử dụng giải thích này để giúp bạn ra các quyết định hoặc dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Tất cả các quá trình này được bộ não của bạn xử lý hoàn toàn trong vô thức, và nhanh đến nỗi bạn không thể nhận ra chúng nếu không cố gắng để ý kỹ hoặc thiền định để làm chậm và quan sát tâm trí của mình.
Thế nhưng, ba thành phần nhận thức có thể chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Chúng ta còn cần một trục thứ tư đó là thời gian. Theo đó, tâm trí con người giống như bộ não và cơ thể chúng ta luôn được nhúng vào những hoạt động giao tiếp liên tục, trong từng khoảnh khắc với thế giới bên ngoài.
Chẳng hạn như khi bộ não của bạn ghi nhớ, nó sẽ tạo lại các mảnh vụn của quá khứ và kết hợp chúng một cách liền mạch. Chúng ta gọi quá trình này là "ghi nhớ", nhưng những gì mà não bộ đang thực sự làm là lắp ghép các mảnh ký ức đó vào một bức tranh đã có và vẫn đang hoàn thiện từng khoảnh khắc.
Trên thực tế, bộ não của bạn có thể xây dựng cùng một kí ức theo những cách khác nhau, ở từng thời điểm khác nhau. Chẳng hạn như khi bạn xem một bộ phim tới lần thứ ba và nhận ra những ý nghĩa mới trong từng khung cảnh của nó. Và sự thay đổi nhận thức theo thời gian này thậm chí còn có thể xảy ra ở cấp độ vô thức, một cách tự động mà bạn không thể nhận ra.
Mọi hành động tái nhận thức này đều là một quá trình xây dựng qua thời gian liên tục. Kết quả là bạn không chỉ nhìn mọi thứ xung quanh mình bằng mắt, mà còn bằng não bộ hay tâm trí của mình. Tương tự vậy cho tất cả các giác quan khác của bạn.
Bộ não của bạn so sánh dữ liệu giác quan mà bạn có ở hiện tại với những dữ liệu giác quan mà bạn có trước đây trong cùng một tình huống tương tự, khi bạn có mục tiêu tương tự. Những so sánh này kết hợp tất cả các giác quan của bạn cùng một lúc, bởi vì não của bạn tạo ra tất cả các cảm giác cùng một lúc và thể hiện chúng như những mô hình hoạt động thần kinh tổng hợp, cho phép bạn trải nghiệm và hiểu thế giới xung quanh mình.
Bộ não cũng có một khả năng tuyệt vời là kết hợp các mảnh ghép của quá khứ theo những cách mới lạ. Chúng không chỉ phục hồi nội dung cũ, chúng còn tự tạo ra nội dung mới. Ví dụ: bạn có thể nhận ra những thứ bạn chưa từng gặp trước đây, chẳng hạn như hình ảnh một con ngựa với một đôi cánh.
Có thể bạn chưa bao giờ nhìn thấy Pegasus trong đời thực, nhưng giống như những người Hy Lạp cổ đại, bạn có thể xem một bức tranh vẽ Pegasus lần đầu tiên và hiểu ngay nó là gì, bởi vì - thật kỳ diệu - bộ não của bạn có thể tập hợp những ý tưởng quen thuộc như "ngựa", "cánh chim" và "bay" thành một hình ảnh tinh thần nhất quán. Và bạn biết khi con ngựa có cánh thì nó là một sinh vật thần thoại có thể bay được.
Bộ não của bạn thậm chí có thể áp đặt cho một đối tượng quen thuộc các chức năng mới không thuộc bản chất vật lý của đối tượng. Chẳng hạn hãy nhìn vào bức ảnh dưới đây. Máy tính ngày nay có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo và máy học để dễ dàng phân loại vật thể và biết nó là một chiếc lông vũ.
Nhưng đó không phải tất cả những gì mà bộ não con người có thể làm được. Nếu bạn tìm thấy vật thể này trên mặt đất trong rừng thì chắc chắn đó là một chiếc lông vũ. Nhưng nếu bạn quay ngược thời gian và trở về thế kỷ 18, nó có thể được coi là một cây bút.
Đối với một chiến binh của bộ tộc Cheyenne, nó là một biểu tượng của danh dự. Đối với một đứa trẻ giả làm mật vụ, đó là một bộ ria mép giả tiện dụng.
Bộ não của bạn phân loại các đối tượng không chỉ dựa trên các thuộc tính vật lý của chúng mà còn theo chức năng của chúng, hay cách mà đối tượng được sử dụng. Quá trình này sẽ diễn ra mỗi khi bạn nhìn vào một tờ giấy có khuôn mặt của một nhà lãnh đạo trên đó và thấy những con số được ghi tượng trưng cho giá trị hàng hóa mà bạn có thể dùng nó để đổi lấy. Đến đây, còn ai chưa thể nhận ra chúng ta đang nói về những tờ tiền?
Khả năng đáng kinh ngạc của não bộ này được gọi là xây dựng danh mục đặc biệt. Trong nháy mắt, bộ não của bạn sử dụng kinh nghiệm trong quá khứ để xây dựng một danh mục, chẳng hạn như "biểu tượng của danh dự" gắn với chiếc lông vũ đó trong cùng một thư mục.
Để gom hai đối tượng vào một thư mục, chúng ta không chỉ dựa vào những điểm tương đồng về mặt vật lý của chúng, mà còn dựa trên những điểm tương đồng về chức năng — cách bạn sử dụng đối tượng trong một tình huống cụ thể.
Những phạm trù như vậy được gọi là trừu tượng. Máy tính không thể "nhận ra" một chiếc lông như một phần thưởng cho sự dũng cảm, bởi vì thông tin đó không nằm trong thư mục mà một chiếc lông đang được liệt kê. Đó là một phạm trù trừu tượng chỉ được xây dựng trong não của người có nhận thức.
Máy tính không thể làm điều này. Hoặc có thể nói thận trọng là vẫn chưa làm được. Chúng có thể gán các đối tượng cho các thư mục có sẵn dựa trên các ví dụ trước đó (một quy trình được gọi là học máy có giám sát) và chúng có thể phân cụm các đối tượng thành các thư mục mới dựa trên các tính năng được xác định trước, thường là các đối tượng vật lý (học máy không giám sát).
Nhưng máy móc không tạo ra các thư mục trừu tượng như "lông vũ dùng để giả vờ làm mật vụ". Và chúng chắc chắn không làm điều đó đủ nhiều để hiểu và hành động trong một thế giới xã hội vô cùng phức tạp.
Giống như trí nhớ của bạn là một công trình, các giác quan của bạn cũng vậy. Mọi thứ bạn nhìn, nghe, ngửi, nếm và cảm nhận đều là kết quả của sự kết hợp giữa những yếu tố bên ngoài và bên trong đầu bạn.
Trong quá trình xử lý các dữ liệu đó, bộ não luôn luôn phải quyết định dữ liệu nào phù hợp và dữ liệu nào không, tách tín hiệu có ý nghĩa ra khỏi các tín hiệu gây nhiễu. Các nhà kinh tế học và các nhà khoa khác gọi quyết định này là vấn đề của "giá trị".
Bản thân giá trị là một tính năng trừu tượng được bộ não xây dựng lên. Nó không thuộc về bản chất của dữ liệu giác quan phát ra từ thế giới, vì vậy, nó không thể được phát hiện và đo lường trực tiếp từ bên ngoài thế giới.
Giá trị là một thuộc tính của thông tin liên quan đến trạng thái của sinh vật đang nhận thức, ở đây là chính bản thân bạn. Tầm quan trọng của giá trị được thấy rõ nhất trong các bối cảnh sinh thái.
Giả sử bạn là một con vật đi lang thang trong rừng và bạn nhìn thấy một hình ảnh mờ nhạt ở phía xa. Bạn sẽ nghĩ đó là thức ăn hay chỉ là một tín hiệu nhiễu? Bộ não bạn sẽ phải ra quyết định rằng có đáng để mạo hiểm hoặc tiêu tốn sức lực chạy ra đó xem hình ảnh mờ nhạt đó thực chất là gì hay không?
Câu trả lời phụ thuộc một phần vào tình trạng cơ thể của bạn: Nếu bạn không đói, hình dạng mờ nhạt đó có ít giá trị hơn. Nó cũng phụ thuộc vào việc liệu bộ não của bạn có dự đoán đó là một con thú muốn ăn thịt lại bạn hay không?
Con người không tìm kiếm thức ăn một cách thường xuyên như các loài vật, ngoại trừ khi chúng ta đi vào một khu chợ. Nhưng quy trình ước tính giá trị tương tự cũng áp dụng cho mọi việc bạn làm trong cuộc sống.
Người đang tiến đến gần là bạn bè, một người vô hại hay kẻ thù có thể làm tổn thương bạn? Một bộ phim mới vừa mới ra rạp, bạn có nên đi xem hay không? Bạn có nên làm việc vào cuối tuần hay đi café với bạn bè của mình, hoặc có thể bạn cần ngủ nướng một chút? Mỗi phương án là một kế hoạch cho hành động và bản thân mỗi kế hoạch đó là một ước tính giá trị mà bạn đang thực hiện.
Cùng một mạch não liên quan đến việc ước tính giá trị cũng sẽ mang lại cho chúng ta cảm giác cơ bản nhất của chúng ta, mà bạn gọi là tâm trạng, còn các nhà khoa học gọi là "affect".
"Affect" không phải là ảnh hưởng mà để chỉ những trải nghiệm tiềm ẩn của cảm giác hoặc tâm trạng bên trong bạn. Nó chỉ có 2 chiều kích rất đơn giản: bạn đang cảm thấy dễ chịu hay khó chịu, có động lực hay mất cảm hứng. Tâm trạng không phải cảm xúc (Cảm xúc là cấu trúc phạm trù phức tạp hơn).
Theo đó, tâm trạng chỉ là một bản tóm tắt ngắn gọn về niềm tin của não bộ về trạng thái trao đổi chất của cơ thể, giống như nó đang đọc một cái khí áp kế vậy.
Mọi người sử dụng tâm trạng của mình để cho biết liệu điều gì đó có liên quan đến họ hay không - nghĩa là liệu thứ đó có giá trị hay không. Ví dụ: nếu bạn cảm thấy bài báo này hoàn toàn xuất sắc, hoặc tác giả của nó thật điên rồ, hoặc ngay cả khi bạn đã dành năng lượng để đọc đến đây, thì nó có giá trị đối với bạn.
Đến đây, khi đã hiểu được tất cả các khái niệm như "giá trị" và "affect", bạn có thể bắt đầu hiểu bộ não đang điều khiển cơ thể mình theo cơ chế sinh tồn đơn giản nhất. Theo đó, bộ não giống như một trung tâm chỉ huy các hệ thống phức tạp bên trong cơ thể, phối hợp và làm việc với nhau.
Nó điều khiển quá trình vận chuyển, phân phối các nguồn tài nguyên cần thiết như nước, muối, glucose và oxy tới từng vị trí và từng thời gian mà nó nghĩ rằng cơ thể bạn đang cần tới. Quá trình điều khiển này được gọi là "allostasis": liên quan quan đến việc dự đoán nhu cầu của cơ thể và cố gắng đáp ứng nhu cầu đó trước khi chúng phát sinh.
Nếu bộ não của bạn làm tốt công việc này thông qua quá trình allostasis, các hệ thống trong cơ thể bạn sẽ nhận được những gì chúng cần vào đúng thời điểm. Và để làm tốt được điều đó, não bộ của bạn cần duy trì một mô hình cơ thể bạn và nhúng nó vào trong thế giới mà nó đang cố gắng tìm hiểu.
Mô hình này bao gồm những thứ có ý thức, như những gì bạn nhìn thấy, suy nghĩ và cảm nhận; hành động bạn thực hiện mà không cần suy nghĩ, như đi bộ; và những thứ vô thức bên ngoài nhận thức của bạn.
Ví dụ, não của bạn mô hình hóa nhiệt độ cơ thể của bạn. Mô hình này điều chỉnh nhận thức của bạn về việc nóng hay lạnh, các hành động tự động như đi vào bóng râm và các quá trình vô thức như thay đổi lưu lượng máu và mở lỗ chân lông.
Trong mọi khoảnh khắc, bộ não của bạn đoán (dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ và dữ liệu từ các giác quan) điều gì có thể xảy ra tiếp theo bên trong và bên ngoài cơ thể bạn. Sau đó, nó sẽ phân phối các nguồn lực xung quanh, khởi động các hành động của bạn, tạo ra cảm giác của bạn và quay trở lại cập nhật mô hình của nó.
Có thể coi mô hình này chính là một dạng tâm trí cơ bản nhất của bạn – như một sinh vật bậc cao. Quá trình allostasis là cốt lõi của mô hình đó. Bộ não của bạn không phát triển để suy nghĩ, cảm nhận và nhìn. Nó phát triển để điều chỉnh cơ thể của bạn. Suy nghĩ, cảm xúc, giác quan và các năng lực tinh thần khác của bạn chỉ là hệ quả của quá trình allostasis mà thôi.
Vì allostasis là yếu tố cơ bản của tâm trí bạn, hãy xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không có cơ thể. Các nhà khoa học đang cố gắng tạo ra và nuôi lớn những bộ não trong ống nghiệm. Câu hỏi đặt ra là khi không có cơ thể, không có các giác quan, allostasis sẽ vận hành như thế nào?
Khi không có allostasis, bộ não ấy sẽ không thể tạo ra những khái niệm như giá trị hoặc tâm trạng. Do đó, một bộ não ở trong ống nghiệm sẽ không thực sự có tâm trí như cách chúng ta đang có.
Cuối cùng, cơ thể chính là một phần của tâm trí bạn – không phải theo lối nói ẩn dụ, rườm rà nào cả, mà theo đúng nghĩa đen dựa trên nguyên lý hoạt động của não bộ.
Suy nghĩ và ước mơ của bạn, cảm xúc của bạn, thậm chí là trải nghiệm của bạn ngay bây giờ khi bạn đọc những từ này chỉ đơn thuần là hệ quả của sứ mệnh trung tâm allostasis, thứ giữ cho bạn tồn tại. Rất có thể, bạn chưa từng trải nghiệm tâm trí của mình theo cách nào tương tự như thế này, nhưng dưới lớp vỏ bọc (bên trong hộp sọ), đó chính xác là những gì đang diễn ra.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top