Đắc nhân tâm, năng lực ý chí và khả năng khắc kỷ

Khả năng đắc nhân tâm chính là biểu hiện cá nhân của lực thu hút vô hình mãnh liệt và bất khả kháng trong con người, thứ giúp cho một người nào đó phát huy một sức ảnh hưởng phi thường lên những người khác.

*Lưu ý của người dịch: Bài viết mang hơi hướng tâm linh

Khả năng đắc nhân tâm chính là biểu hiện cá nhân của lực thu hút vô hình mãnh liệt và bất khả kháng trong con người, thứ giúp cho một người nào đó phát huy một sức ảnh hưởng phi thường lên những người khác. Hẳn tất cả những người trong chúng ta đều từng tiếp xúc với những con người thuộc dạng này. Họ mang trong mình những năng lực đáng kinh ngạc, nếu không muốn nói là màu nhiệm, trong việc gây ảnh hưởng, thuyết phục, thu hút, truyền cảm, lãnh đạo và khiến những người thuộc nhiều tầng bậc nhận thức và tính khí khác nhau tuân theo ý chí của họ. Số đông dường như phải rời bỏ con đường họ đang đi để làm hài lòng những người kia. Họ thu phục quần chúng khác mà chẳng cần gắng sức chút nào và những người khác cảm thấy bị kéo về phía họ mặc cho bản ngã của mình. Những ví dụ về năng lực đặc biệt này đã không ít lần được ghi nhận trong suốt chiều dài lịch sử.

Vậy năng lực này đến từ đâu? Làm sao để phát triển nó bên trong bạn? Liệu ai cũng có thể đạt được nó chăng? Liệu năng lực này đã từng hoặc có thể được sử dụng vào những mục đích cao thượng và tốt đẹp hơn việc dùng nó để sai sử tâm trí của kẻ khác để khiến họ quy tùng theo những mục đích ích kỷ phục vụ cho sự sinh tồn? Nếu có thể, vậy cách vận dụng cao thượng đó là gì? Tôi từng biết một quý ông theo đạo Công Giáo, ông tên là K, người đã dành sự quan tâm đặc biệt đến người lãnh đạo trẻ tuổi tại Benares. Ông K này tìm đến người sinh viên đại học trẻ tuổi, người có tài lãnh đạo bẩm sinh và được yêu quý, trọng vọng và được toàn thể sinh viên, giáo viên và các vị giáo sư dành cho sự cảm phục.

"Tôi hy vọng cậu có thể dạy tôi Thuật thôi miên để tôi có thể gây ấn tượng với người phụ nữ nọ"—đây chính là cách áp dụng của ông K. Kết quả đó là ông K nhận lại những lời quở trách thậm tệ và nghiêm khắc bởi nhà lãnh đạo trẻ kia, người sinh ra là một nhà Yogi và chưa bao giờ màng đến những con đường thấp kém, những suy nghĩ ti tiện và những truy cầu thế tục trong thế giới này. Tôi nhận thấy rằng gần như tất cả những cây bút hiện đại phương Tây và cả những người thầy viết về chủ đề này rất thường xuyên, hoặc độc đoán, chọn lối viết cảm tính về Thần bí học (Occultism), thực trạng này đầy rẫy đến mức khi một người thực sự có tư duy tìm hiểu về những văn phẩm của họ, anh ta cảm thấy mười phần chán ghét, bài xích và hoảng hốt trước chính cái tên Thần bí học.

"Trau dồi quyền lực là một tội lỗi," Vivekananda từng nói. Người nào học Yoga và Thần bí học mà chỉ nhắm đến việc phát triển, phô diễn và thể hiện những năng lực tâm linh siêu phàm và thần thông (Siddhies) thường chôn vùi đời mình trong dục vọng và bị mắc kẹt vào quy luật của máy cỗ máy tâm linh và những lực tư tưởng mang tính huỷ hoại cuối cùng sẽ nghiền nát anh ta thành tro bụi. Sự tiến bộ tâm linh của anh ta bị tụt lại một quãng đường dài và anh ta buộc phải cất lại từng bước đi chậm rãi và đau đớn. Tôi không thể lên án quá gay gắt khuynh hướng của con người hiện đại muốn "gây ấn tượng" với người khác, muốn "đánh vào tâm lý" người khác, muốn "nắm thóp tâm can" của đối phương để đạt được những thành tựu hoặc mục đích cá nhân của mình. Nếu bạn là một người như vậy, làm ơn hãy to đôi mắt để nhìn thấy sự ngu xuẩn nông cạn và thiên hướng thấp hèn của mình, nếu không thì cũng đừng ngạc nhiên nếu một ngày bạn chợt nhận ra mình đang đối diện với một kẻ vô lại đầy quyền lực, kẻ sẽ không ngần ngại nghiền nát bạn theo mọi cách mà hắn có thể làm.

"Gieo nhân nào gặt quả nấy." Tiếp theo tôi sẽ giới thiệu cho bạn những điều kiện tạo nên sứ mệnh chân chính phía sau tính cách "Đắc nhân tâm"—thứ mà một khi đã chín mùi sẽ tạo ra một thánh nhân từ bất kỳ con người yếu đuối nào.

Quyền năng này chẳng hề là sở hữu đặc biệt và duy biệt của một số cá nhân với thiên tư vượt bực. Mọi người đều có thể huân tập nó. Nó nằm bên trong bạn và cần một sức khuấy động mạnh mẽ như là nhân tố xúc tác để thức tỉnh nó. Có những con người sinh ra đã vĩ đại; những người khác đạt được điều đó nhờ vào những sự kiện bất ngờ; hạng người thứ ba trở nên vĩ đại thông qua nỗ lực một cách thông minh và có chủ ý.

Vậy, những tác nhân nào phía sau Sức ảnh hưởng cá nhân?

(1) Một số người nói rằng đó chính là sự kiểm soát đúng đắn năng lượng tình dục hay sự Trinh khiết chính là nguyên nhân.

(2) Những người khác nói rằng con đường thuần chay dẫn đến điều đó.

(3) Lại có người nói điều đó dựa vào năng lượng thể chất và sức mạnh tinh thần.

(4) Hạng người thứ tư tin rằng có một dòng từ trường phát ra từ cơ thể con người và ảnh hưởng đến tất cả những người bước vào "Vùng từ trường" này.

Xét đến quan điểm cuối cùng trước hết, cùng với những nhà khoa học thần kinh hàng dầu, tôi có thể nói rằng lực sống của con người khác với "lực từ trường" vì khi nói về lực từ trường ta liên hệ ngay đến nam châm.

Lại nữa, theo quan sát cá nhân và những chứng minh của người khác, tôi có thể nhận định rằng mặc dù những nhân cách có "lực hút như nam châm" đã rèn luyện năng lực thể chất của họ rất gắt gao và có kỷ luật, nhưng hiếm khi nào hoặc không bao giờ thân mình vạm vỡ với khối cơ bắp cuồn cuộn có phần khó coi kia có thể phát huy ra thứ năng lực này. Không, đó hẳn phải là một thứ gì khác ngoài năng lượng thể chất và sức mạnh cơ bắp đơn thuần. Một thể hình cân đối, năng động và đầy sức sống là đủ và mọi người đều có thể đạt được. Lại nữa, giá trị cốt lõi của một chế độ ăn không có thịt dựa vào nguyên lý rằng trái cây, các loại hạt, các loại ngũ cốc và rau xanh chứa những đặc tính phối hợp giúp xây dựng nên một sức khoẻ dẻo dai và phản xạ tốt, đem lại sức bền và năng lực tinh thần bền vững hơn những gì 'xác chết' động vật có thể đem lại.

Vật chất cũng ảnh hưởng đến ý thức trong những giai đoạn thấp của quá trình tiến hoá hữu cơ nhưng quá trình này phần lớn bị đảo ngược hoàn toàn ngay khi sự tiến hoá CÓ Ý THỨC bắt đầu. Do đó, mặc dù chế độ thuần chay rất được khuyến khích, nhưng từ góc nhìn nghiêm khắc của khoa học đối với sự phát triển của một sinh thể đã được cải hoá, tràn đầy sức sống và năng lượng, nó vẫn không thể là một điều kiện thiết yếu trong vấn đề này. Trên thực tế, những cá nhân có 'trường lực' lớn nhất cũng có 'bao tử của mình là mồ chôn động vật' như một nhà thần kinh học mô tả.

Xét đến quan điểm cuối cùng, Con đường của Thượng Đế (Bramhacharya) hay Tinh khiết đạo, những con đường mà những người xuất gia ở Ấn Độ tu tập, mang một tầm quan trọng trong tâm linh, nếu không muốn nói là tiên quyết đối với khả năng Đắc nhân tâm. Đối với một người bình thường, tôi sẽ nói rằng:

"Hãy hướng tới sự TIẾT DỤC, tinh khiết và sự kiểm soát theo hướng này." Chẳng cần phải 'tự hoạn' vì đó là lãng phí nguồn lực. Thứ lực này phải càng mạnh mẽ càng tốt. Những người xuất gia ở Ấn Độ đã học cách chuyển hoá có ý thức và vô thức thứ năng lượng dục này vào trong năng lực tinh thần và tâm linh của họ, và tâm trí của họ an trú tại tầng bậc nỗ lực của tinh thần và tâm linh, nơi chẳng hề tồn tại một mảy may tính dục hay sự thô lậu. Họ đã hoàn toàn vượt thoát khỏi những điều này, nhận định tương tự cũng đúng với những nhà tư tưởng, những triết gia và những người cống hiến xuất sắc cho xã hội, bất kể là đã kết hôn hay độc thân. Đối với tôi, chính cái tên triết học mang trong mình khí chất Tinh khiết, Trang nghiêm, và Thiêng liêng vậy.

Mặc dù có một mức độ sự thật tương đối ở trong bốn nhận định trên, tất cả đều bỏ qua một điều tiên quyết nhất. Câu hỏi được giới hạn lại đó là: "Điều gì làm cho một người vượt trội hơn người khác?" Nghiên cứu về tự nhiên cho chúng ta câu trả lời rằng hình thái trí thông minh cao hơn sẽ thống trị hình thái thấp hơn. Tất cả những nhà lãnh đạo của nhân loại như Napoleon, Alexander,... đều bỏ xa thời đại của mình. Nhưng họ lại nhắm tới những điều thấp thỏi và 'thành công' của họ vẫn là một dấu hỏi đứng từ góc độ của chúng ta. Ta hãy bước lên một tầng bậc cao hơn. Đức Phật, Đức Chúa, Đức Zoroaster,... những bậc thầy trong thời xa xưa, Vivekananda và một số ít những cá nhân khác trong thời hiện đại đã thể hiện ra những oai lực khủng khiếp trong việc thu nhiếp con người. Các bạn hãy tìm hiểu về cuộc đời và những ghi chép về họ để cố gắng tìm ra những tác nhân tựu thành phẩm chất siêu phàm trong họ.

Nếu được yêu cầu tổng kết lại những bí mật trong Quyền năng của họ, tôi xin nói rằng:

"Trí tuệ và Năng lực tinh thần của họ. 2. Ý chí và năng lực khắc kỷ đã thức tỉnh."

(Chính nhờ vào trí tuệ của họ mà họ có thể không ngần ngại nắm cả thế giới trong lòng bàn tay, lãnh đạo cả đàn ông và phụ không có chút khó nhọc, thấu triệt bản chất con người chỉ trong một cái nhìn và "tuỳ hiện tính cách theo căn cơ mỗi người," chỉ ra những nhu cầu tâm linh, tinh thần và thể chất cho từng hạng người khác nhau và nâng đỡ từng người tuỳ theo cấp bậc trên nấc thang tiến hoá.)

Nhờ vào lực tinh thần đã tràn đầy mà họ có thể thu rút cả thế giới về phía mình. Nhà tư tưởng với "cực dương" tạo ra một thứ lực thu hút đối với tất cả những thứ thuộc "cực âm" về phía ông. Gần như toàn bộ thế giới này đều thuộc "cực âm" so với những Bậc Đạo Sư và do đó họ bị thu hút về phía những bậc thầy kia. Những Bậc thầy này cũng chính là những viên đá thử vàng của nhân loại vậy.Nhờ vào Năng lực ý chí mạnh mẽ, có phần siêu phàm nhập thánh của họ mà họ truyền đạt những lời răn của mình vào trong tâm trí của người khác và đạt được uy quyền ngay lập tức đối với bất kỳ môi trường nào mà họ được đặt vào. Toàn bộ nhân loại hoàn toàn bị thu vào Ý chí của họ. Mọi năng lực khác của con người đều quy phục trước thứ Ý chí này. Và cho dù bạn có tranh luận thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải chấp nhận rằng chính năng lực này chứ không phải thứ năng lực nào khác làm chúng ta sinh lòng kính trọng đối với người khác. Đây chính là cột trụ trong nhân cách chúng ta. Trí tuệ là năng lượng định hướng. Ý chí là năng lượng thúc đẩy. Và Ý chí một khi được vận dụng dưới sự dẫn dắt của trí tuệ sẽ biến người phàm thành một 'Vị thánh' bằng xương bằng thịt.Nhờ vào năng lực Khắc kỷ phi thường mà họ có thể làm một người 'đầu đội trời, chân đạp đất', không hề bị lung lay trước những đợt sóng của những ý kiến trái chiều và những cuộc tấn công hiểm độc không ngừng nhắm đến họ. Hãy làm chủ chính mình, nói cách khác là làm chủ cái bản ngã ích kỷ, bất định và thấp thỏi của mình, và vượt ra khỏi bóng tối của sự nghi hoặc, lúc đó quyền làm chủ kẻ khác đã nằm sẵn trong tay bạn. Nhưng thế giới sẽ dạy cho bạn bài học nghiệt ngã và nghiền nát bạn thành tro bụi nếu bạn cố ý kiểm soát thế giới này trong khi vẫn còn là kẻ tôi tớ cho bản ngã thấp hèn của mình. Hãy trở nên vĩ đại. Hướng đến Chân, Thiện, Mỹ. Rồi sẽ có ngày cuộc đời sẽ nhìn nhận bạn.

Thánh Francis

Và dựa theo năng lượng thượng tầng của quy luật tối cao chi phối sự hiện hữu của chúng ta, chính sự nâng cao của ý thức, sự thành tựu và sự khởi phát của một Lý tưởng cao thượng chiếu sáng chân trời trí tuệ của chúng ta là những điều mang lại Sức mạnh và sự an định chứ nào phải nhờ vào sự công nhận của kẻ khác. Thật sai lầm khi người ta chú trọng đến danh vọng, những lời tán dương và ngưỡng mộ. Bạn chỉ thực sự đạt được những điều đó khi bạn chẳng hề màng đến chúng, khi tâm hồn bạn đã trưởng thành vượt khỏi tất cả những sự bám chấp vào những thứ tương đối nhờ vào ánh sáng của Tư duy vô hạn, khi bạn đã vươn tới cái Tuyệt đối và học được cách đọc được mật nghĩa của "THẾ GIỚI RỘNG LỚN HƠN" của cuộc sống. Đừng vội bỏ qua điều này. Đây chính là chìa khoá dẫn đến sự Thanh thản, Sức mạnh và An định. Tất cả những thứ Chân thật và Thường hằng, chính nằm tại cảnh giới của sự Tuyệt đối.

Giờ thì chúng ta hãy đến với phần thực hành của bài học này. Bốn điểm trụ cột mà bạn xin vui lòng ghi nhớ đó là: (1) Trí tuệ. (2) Năng lực tư duy. (3) Sức mạnh ý chí. (4) Sự tự kiểm. Bạn có thể thấy bất ngờ về việc tôi truyền giảng về "lịch sử cổ đại" thay vì dạy bạn cách để tiếp cận một người rồi biến anh ta thành nô lệ của bạn và khiến anh ta quỳ mọp dưới chân bạn và vâng theo những lời sai bảo. Cũng có thể bạn kỳ vọng tôi nói cho bạn cách lướt đi giữa hư không, bước xuyên qua những bức tường rắn chắc, thao túng vật chất theo ý muốn và như Apollonius xứ Tyana có thể biến mất trong chớp mắt khỏi phiên toà của Dinonysius và xuất hiện ở một nơi khác cách đó 19,000 dặm trong tích tắc. Không, không. Tôi mạo muội suy diễn rằng bạn được sinh ra vì một mục đích khác và bạn là một người truy tìm chân lý với một trái tim nhiệt thành.

Nếu bạn nỗ lực xây dựng bản thân trên nền tảng của những quy tắc đơn giản được nêu ra trong chuỗi bài học này, sớm muộn bạn sẽ vươn đến Bản ngã thượng tầng và cuối cùng trở thành một với nó. Hơn nữa, cuộc sống hằng ngày của bạn sẽ trở thành cơ hội để bạn thực hành những nguyên tắc này, qua đó cho phép bạn theo đuổi con đường của mình trong suốt cuộc đời một cách bình thản, nhiệt thành, độc lập và với sự chân chính của một con người, "người biết mình sinh ra để làm gì". Tôi không thể và cũng không nói ra những phương pháp "làm giàu nhanh chóng" trong công cuộc phát triển bản thân bởi vì đó là những thứ thối nát nhất mà con người tưởng tượng ra.

Vậy: (1) Trí tuệ và (2) Năng lực tư duy là kết quả tự nhiên của một bộ não có tổ chức.

Sự tập trung chính là chìa khóa cho sự phát triển này. Sự tập trung được giải thích đầy đủ trong Bài học 1. Qua bài thực hành sự tập trung không gián đoạn, theo cách chủ quan và khách quan, trong cuộc sống thường nhật của bạn, trong thời gian ngắn bạn sẽ nhận ra được Sức mạnh đang dần lớn lên của mình. Những bài tập mà tôi giao cho bạn trong bài học về Sự tự kiểm, Nuôi dưỡng ý chí và Nuôi dưỡng trí nhớ nếu được thực hành với sự bền chí sẽ giúp khả năng Tập trung tiến xa hơn nữa. Trên thực tế, chuỗi bài học này đòi hỏi Nỗ lực và sự Tập trung. "La Mã không được xây trong một ngày"—bạn cũng không thể đạt được sự vĩ đại thật sự trong một vài tháng ngắn ngủi. Không. Tất cả những gì tôi có thể làm là vạch ra con đường và chỉ ra bản chất của nỗ lực mà bạn phải dành ra và nếu bạn theo đuổi con đường này một cách thuần nhất, quá trình Tiến bộ và Sinh trưởng sẽ bắt đầu từ ngày đầu tiên. Trong vấn đề này, việc liên hệ đến những kiến thức ngoài lề là điều cần thiết.

Một vị Thần bí sư từng nói rằng: Thiên tư nếu không được tương trợ ắt sẽ chuốc lấy thất bại. Mục đích của Tánh Linh, thứ triển hiện vào tự nhiên thông qua quá trình tiến hoá, đó là hiện hữu trong trung tâm của tất cả cá thể, nhưng cách duy nhất để sự biểu hiện đó được khai mở hoàn toàn đó là khi những trung tâm đã tiến hoá hơn của sinh thể hợp tác một cách có ý thức với sự triển hiện đó. Sự tiến hoá chỉ bắt đầu và xảy ra thông qua quá trình tạo tác ra những trung tâm bên trong THỨC HẢI (GREAT CONCIOUSNESS) và bảo tồn cũng như mở rộng hoặc khuếch đại những trung tâm này. Cho nên chừng nào nhân loại chưa đạt đến sự "TỰ Ý THỨC", những thế lực vô thức của tự nhiên vẫn chi phối hoàn toàn quá trình tiến hoá, nhưng giai đoạn này đã được con người đạt đến dựa theo LUẬT QUÂN BÌNH (LAW OF AVERAGES) trong thế kỷ 17 và bây giờ bạn phải tự nắm sự tiến bộ vào tay mình và dùng ý thức để định hướng những tiềm lực nội tại theo những con đường này tuỳ theo từng giai đoạn thăng tiến của bạn. Do đó việc nghiên cứu độc lập và suy nghiệm thường xuyên chính là bí mật của một trí tuệ tinh tường và quảng đại.

Bạn sẽ nhận thấy rằng người có uy lực hơn bạn và có thể sai khiến bạn theo ý chí của anh ta luôn sở hữu một trí thông minh và sự hiểu biết vượt xa bạn và anh ta có thể đọc được bản tính của bạn như là đọc một cuốn sách mở toang, mặc dù bạn chẳng hiểu gì về anh ta. Hãy học cách thực tâm quan sát những diễn biến của những tâm thức khác nhau xung quanh bạn. Hãy suy xét tận tình những động cơ phía sau mỗi tính cách. Hãy học cách phản ứng nhanh chóng với những Tư duy và Cảm nhận của một người hơn là lời nói và hành động bên ngoài của anh ta. Những biểu hiện bên ngoài chỉ là biểu hiện khách thể của cái tôi chủ thể. Nghiên cứu về Tướng số học và Nhân tướng học là điểm khởi đầu tuyệt vời để nắm bắt được hiểu biết về bản chất con người.

Tâm thức là Một nhưng cùng lúc cũng là Nhiều. Trên góc độ chủ thể, nó chỉ là Một. Xét về khách thể, nó là Nhiều. Cho nên bằng cách nhìn nhận một cách công bình vào "bản thân mình" dưới ánh sáng an bình của trí tuệ và qua sự tự phản tỉnh trong yên lặng, bạn sẽ luôn tìm ra được dấu vết của những nền tảng hoạt động của tâm thức khác. Mỗi con người đều là một câu đố và quan trọng hơn hết chính BẠN lại của câu đố dành cho bạn. Giải được một trong hai cũng chính là đã giải được cả hai vậy.

"CON NGƯỜI, HÃY BIẾT LẤY CHÍNH MÌNH."

Bí ẩn của năng lực ý chí

Năng lực ý chí chính là sức mạnh ủng hộ phía sau hành động. Nó có thể biến tất cả những chức năng tinh thần khác thành bất động hoặc sống động. Nó chính là khả năng mang tính quyết định và chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lý trí xét đoán. Trong tầng bậc thấp của tâm thức, năng lực ý chí biểu hiện thành Tham vọng và ảnh hưởng qua lại với những thu hút ngoại cảnh cũng như các lực thúc đẩy. Trong tầng bậc này, ý chí không hề tự do. Nhưng khi nó thu hồi ý muốn hướng ngoại mà quay vào bên trong theo sự soi sáng của ánh sáng Trí tuệ xuất thế gian, chỉ lúc đó nó mới thực sự là Quyền năng ý chí. Trên bình diện vật chất, ý chí con người không thể thoát được kiếp nô lệ; trên tầng bậc tâm linh, ý chí chính là quyền lực tối cao. Có thể gọi đó là ý chí "đã thức tỉnh". Tôi tin rằng màn tranh đấu muôn thuở giữa người nhiệt huyết và người phóng khoáng chỉ có thể chấm dứt bởi một sự thấu hiểu về cấu tạo tâm linh của con người, nếu không những tranh luận của hai phe sẽ luôn là kẻ tám lạng nửa cân.

Mỗi phe chỉ nắm giữ một nửa sự thật, duy chỉ có ánh sáng của Siêu tâm thức học mới có thể cho phép ta nhìn ra toàn bộ sự thật. Tuy nhiên, điểm mà tôi muốn hướng đến đó là ý chí của bạn chỉ được tự do khi nó tự quyết định, khi nó đã vượt lên trên những thôi thúc của Bản thể cá nhân thấp kém và hành động dưới sự dẫn dắt của Bản thể vô ngã cao vượt. Chớ vội mà bỏ qua việc này để nó trở nên mục rỗng. Không ai sẽ hoặc có thể tôn tạo nên thứ Năng lực ý chí đích thực của một con người tâm linh siêu việt nếu họ không hiểu được ý thức về cái "TÔI LÀ". Cho nên xin hãy lắng nghe thật chăm chú và chiêm nghiệm về những điều sau đây.

Ý THỨC VỀ CÁI "TÔI LÀ"

Nếu bạn vừa xoay vào nội tâm và xem xét bản báo cáo từ ý thức của mình về thế giới nội tâm bên trong, bạn sẽ nhìn ra được "cái TÔI" của mình. Nhưng nếu bạn chịu xem xét sâu hơn nữa bạn sẽ thấy rằng "cái Tôi" này sẽ chia ra làm hai phương diện khác nhau, tuy chúng làm việc một cách thống nhất và nhịp nhàng nhưng vẫn có thể được tách biệt rạch ròi. Chức năng "cái Tôi chủ tể " ("I" ngôi thứ nhất) và chức năng "cái Tôi thụ động" ("me" ngôi thứ ba), cặp song sinh tâm thức này sản sinh ra những hiện tượng khác khác nhau. "Cái Tôi chủ thể" chính là lý "DƯƠNG", "cái Tôi thụ động" chính là lý "ÂM". Trong Tâm lý học hiện đại, "cái Tôi chủ tể" được mô tả với những thuật ngữ như Ý thức, Tâm thức chủ động, Tâm thức chi phối, Tâm thức ngoại vi. Và "cái Tôi thụ động" chính là Vô thức, Tâm thức bị động, Tâm thức nội hàm.

Chín mươi phần trăm con người nói về "me" khi họ nói "I". Bây giờ ta hãy suy xét xem "cái Tôi thụ động" này mang nghĩa gì. Nó chủ yếu bao hàm ý thức của chúng ta, về cơ thể và các giác cảm vật lý liên quan đến thanh, hương, vị, xúc, giác. Ý thức của con người chúng ta phần lớn bị giới hạn trong phần vật lý và phần thân thể của cuộc sống. Chúng ta "sống ở đó." Có một số người cho rằng "y phục" (xác thân) của họ cũng là một phần của họ. Nhưng khi ý thức thăng tiến trên nấc thang tiến hoá, con người bắt đầu buông xả ý niệm "cái tôi" gắn liền với thân xác và anh ta bắt đầu xem cơ thể của mình như là một người bạn đường đáng mến và như một phần "sở hữu" của anh ta.

Sau đó anh ta lại nhận trạng thái tâm, cảm xúc, cảm giác, yêu ghét, thói quen, phẩm chất và tính cách làm bản thân mình. Nhưng dần dà anh ta bắt đầu ngộ ra rằng ngay cả những tâm trạng này cũng không ngừng biến đổi, không ngừng sinh diệt và chịu sự chi phối của Nguyên lý Cung bậc và Nguyên lý Thái cực (Đọc thêm về 7 Nguyên lý của Hermes). Anh ta mù mờ nhận ra rằng anh ta có thể thay đổi chúng bằng nỗ lực ý chí nhất định và chuyển hoá chúng thành những trạng thái tâm hoàn toàn đối nghịch. Khi đó anh ta lại buông xả sự bám chấp của mình với cảm xúc và cảm nhận thông qua quá trình kiểm điểm nội tâm, tự chiêm nghiệm và tập trung cao độ, rồi anh ta xếp chúng vào bộ sưu tập "không phải là ta". Sau đó anh ta bắt đầu nhận ra rằng mình là thứ gì đó vượt ngoài cơ thể và cảm xúc này. Thứ gì đó như vậy với đầy đủ chức năng nhận thức. Người thông minh rất dễ có suy nghĩ rằng mặc dù cái tôi thuộc về vật lý và cảm xúc này là thứ gì đó tách biệt với anh ta và chịu sự điều khiển của anh ta, nhưng anh vẫn coi trí khôn kia là chính mình.

Đây chính là giai đoạn của "Sự tự ý thức." "Ta điều khiển cơ thể và cảm xúc này." Nhưng khi ý thức được khai mở người thông minh kia nhận ra rằng anh ta thực sự có thể đứng sang một bên và quan sát tâm thức của anh ta diễn tiến qua hàng loạt những quá trình tư duy. Việc nghiên cứu về Tâm lý học và Logic học sẽ cho phép bạn có thể đem quá trình hoạt động của tư duy ra để xem xét, phân tích, phân loại và bàn luận cũng dễ dàng như cách một vị giáo sư nói về trạng thái rắn, lỏng và khí của vật chất trong phòng thí nghiệm của ông. Cho nên người kia cuối cùng nhận ra rằng ngay cả những năng lực phi thường của trí thông minh cũng đành phải bị xếp vào bộ sưu tập "không phải là ta." Thường thì đây chính là ngưỡng tri kiến mà một người bình thường có thể chạm đến. Bạn có thể nhận ra và nói "Ta chẳng phải thân xác này, cảm xúc này, trí khôn này."

Cho nên các bạn có thể thấy phần ý thức bao hàm những chức năng vật lý, cảm xúc và trí thông minh được chứa trong "cái Tôi thụ động" hay nguyên lý tâm thức Âm. Thứ có thể tách biệt chính mình khỏi tất cả những điều trên chính là "cái Tôi chủ tể" hay phần Dương năng của tâm thức. Nhưng để điều này xảy ra đòi hỏi một bước tiến nữa. Ngay cả thứ mà bạn được dạy là Ý thức Tâm linh cuối cùng cũng phải bị xếp vào danh mục "không phải ta". Nói tóm gọn lại, phần tâm thức tâm linh là thứ chứa tất cả những điều thiện lành, cao quý và vĩ đại trong trường ý thức. Tạm thời có thể cho nó là "Siêu ý thức".

Nhưng, hãy nhớ điều này, thông qua quá trình tiến hoá vượt bậc, "cái tôi chủ tể" đã làm chủ trường ý thức này và nó xem thứ "Siêu ý thức" này là vật phẩm cuối cùng để xếp vào bộ sự tập "không phải là ta", dẫn đến việc nó tiêu trừ dần phần tri giác tương đối và tách biệt, khi đó Thể tính chân thực, ý thức về cái "TÔI LÀ", sẽ được ngộ nhập. Ý tôi ở đây là gì? Cái "TÔI LÀ" này không phải sự tự áp đặt ngu xuẩn của bản ngã tương đối. "Cái tôi chủ tể" tương đương với Ý THỨC THƯỢNG ĐẾ, toàn Thiện, toàn Giác và toàn Tri. Đó chính là sự giác ngộ ra Bản ngã vô cùng vô tận hay Thể tính. "Kẻ đã đánh mất tiểu ngã để đạt đến Đại Ngã".

Sau đây là lời giải thích: bản ngã nhỏ bé hay "cái tôi chủ tể" khi còn bị giam giữ bởi cá tính (sản phẩm của tầng thức "cái tôi thụ động") thì nó vẫn còn bị cầm tù trong cảnh giới tương đối. Nó chỉ có thể suy nghĩ qua một bộ não, hưởng lạc qua một thân xác bởi sự khoái lạc mà nó đạt được thực sự rất tạm bợ, ngắn ngủi và vô thường bởi thế giới tương đối này vốn mang bản chất thay đổi khôn cùng. Thứ chắc chắn duy nhất của thế giới này là sự vô thường vậy. Nên khi "cái tôi chủ tể" còn tư duy và tồn tại vì lợi ích của bản ngã cá nhân thì suy nghĩ và ý chí của nó sẽ còn bị hạn chế và không được tự do. Nhưng khi nó đã kết nối thành công với tầng thức tâm linh và dành tâm huyết cũng như sự ngưỡng vọng dành cho Đại Ngã—cái "TÔI LÀ" —nó sẽ phải buông xả hay cắt đứt mình khỏi bản ngã cá nhân và hoạt động dưới sự dẫn dắt của Đại ngã không tư lợi. "Ta không chấp nhận chịu nhốt mình trong mũ và giày của ta," Walt Whitman từng cảm thán.

Khi một nhà tu theo kinh Vệ Đà thốt lên "Aham Brahmasmo" —"Ta là cái tuyệt đối" —ông ta không ám chỉ cái tôi nhỏ bé. Không, không đúng. Ông ta không chấp nhận con đường đó. Đối với ông ta mỏ neo của ý thức đã không còn tồn tại nữa. Ông ta đã đánh mất tất cả tri giác về "cái tôi" tương đối và vị kỷ và đã tự mình thể nhập làm một với cái "TÔI LÀ" tuyệt đối—Đại Ngã vô tư kỷ, thường hằng, bất tử và toàn năng thuộc về vạn hữu và bao trùm vạn hữu. Cái "TÔI LÀ" này là Chân linh hay Atma. Chỉ tồn tại duy nhất một Thể tính—Thể tính của cái Tuyệt đối. Nó triển hiện một cách khách quan trong con người dưới dạng Biển ý thức mênh mông. Còn dạng chủ quan của nó chính là Thượng Đế. Giờ thì bạn đã biết được phần nào về Tầng ý thức "TÔI LÀ". Hãy theo sát nó. Nó chính là Bản ngã chân thật và cao thượng của bạn. Trong việc hiểu biết và thực hành Năng lực ý chí, "Cái Tôi chủ tể" hay Lý dương của tâm thức chính là nhân tố chủ chốt.

Để vận dụng được bất kì phần bản ngã nào bạn phải thấu hiểu về phần kia. Ý chí là năng lực của tâm hồn. "Cái tôi chủ tể" này có một lời hứa xa xôi với cái "TÔI LÀ". Quả thật nó sẽ đánh mất chính mình trên con đường đi tìm Đại Ngã, nhưng đứa trẻ cũng phải đánh mất mình để trưởng thành đến độ tuổi chững chạc. Đức Chúa Jesus đã hoà làm một với Cha ở trên trời (trong cảnh giới tâm linh) và do đó ngài có thể triển hiện những thần tích như dừng những cơn sóng dữ và hồi sinh người đã khuất. Thế nhưng bạn chỉ đang xem xét đến bản chất Năng lực ý chí của ngài. Hãy chiêm nghiệm về sự ẩn dật của ngài trong sự Tịch diệt để nhận chân được cảm hứng đối với công trình của ngài trong vũ trụ khách quan này.

Lại nữa, ta hãy chú ý đến sự lãnh đạm và sự kiểm soát hoàn toàn của ngài đối với bản ngã cá nhân của mình. Ngài có quan tâm xác thân ngài chết hay sống hay không? Ngài có sống vì khoái lạc của nhục dục hay không? Ngài có chiều theo thị chúng và hành động cũng như phát biểu để đạt được thành tựu thế gian hay sự công nhận thấp kém hay không? Không! Ngài đã lãng quên lợi lạc cho thân xác trong sự nhiệt huyết chân thành với sứ mệnh của Linh hồn Vĩnh cửu. Ngài chưa từng bị lung lay bởi thứ cảm giác đáng nguyền rủa của tị hiềm và nghi hoặc. Ngài lấy động lực để tiếp sức cho Năng lực ý chí của mình từ thế giới nội tâm. Chẳng có thứ gì bên ngoài cả, chẳng có thứ gì từ thế giới của dục vọng thấp hèn có thể xoay chuyển được quyết tâm bên trong của ngài hay làm tinh thần ngài nhiễu loạn. Bạn có đang hay có thể tự chuẩn bị cho mình để nối gót theo chân ngài không? Điều đầu tiên mà tôi muốn nói và cũng là một phương pháp không thể sai chạy có thể giúp bạn đánh thức Tiềm năng ý chí của mình đó là:

(a) Hãy dạy cho Ý chí của mình cách "Kháng cự và viễn ly." Hãy làm mạnh Năng lực ý chí của mình bằng hạnh viễn ly. Kháng cự không có nghĩa là sự chống cự hay sự thô bạo bên ngoài. Tôi nhận thấy rằng tất cả những người thầy Thôi miên học thời hiện đại đều khuyên học trò của họ phát triển Năng lực ý chí bằng cách thực hành nó lên người khác. Điều này giống như việc đặt chiếc xe trước con ngựa. Người Hindu chúng tôi có sự hiểu biết thấu đáo hơn. Kháng cự và Khắc chế bản năng dục vọng thấp hèn có nghĩa là để cho lựa chọn khó khăn hơn phát huy sức mạnh áp chế và cưỡng bách của nó đối với lựa chọn dễ dãi kia. Sơ Nivedita đã nói rằng: "Lý tưởng của người Ấn đó là con người phải chế ngự được bản tâm thấp kém của mình thuần thục đến mức họ lúc nào cũng có thể thâm nhập vào biển tư duy của mình và an trú tại đó mà không thể nào bị ngắt quãng hay đột ngột bị kéo lại với thế giới của tri giác."

(b) Đúng, những mối quan tâm của bạn phải hướng vào bên trong chứ không phải bên ngoài. Bạn phải vượt ra khỏi tất cả những thôi thúc ích kỷ. Ngay cả trong thế giới này, bạn có thể nhận ra rằng những con người xuất sắc, có danh vọng và tiếng tăm cũng đã đạt được sự thừa nhận đó bằng việc thực hành một chút sự khước từ bản thân, đó là một hình thức "nhẹ nhàng" hơn của con đường xuất thế rốt ráo được thực hành bởi các nhà tu Sannyasa (Người xuất gia ở đạo Hindu). Người nào có thể làm việc mà luôn nhắm thẳng đến mục tiêu của anh ta với sự kiên định và chối bỏ ý muốn phóng dật giữa mớ hỗn độn của thú vui hiện tại để nhìn về thành tựu của tương lai ắt sẽ phát triển được năng lực ý chí của mình. Cho nên trong quá trình rèn luyện Ý chí 'kháng cự', bước đầu tiên bạn phải nghiêm khắc khước từ những thôi thúc nuông chiều bản thân hay bất kỳ tham vọng và khuynh hướng tức thời nào mà không hoà âm với tiếng gọi của Bản ngã thượng tầng. Bạn phải thực sự bước khỏi lối mòn và "phủ nhận" bản thân mình để bỏ đi những "sự thoải mái" mà bạn đang hoặc đã từng cảm thấy quen thuộc.

(c) Người có ý chí mạnh mẽ nhất là người có sự kiểm soát chặt chẽ nhất đối với ý muốn của anh ta, và người có thể bắt mình làm những việc cần làm như thể đó là việc mà tự thân anh ta muốn làm. Đây chính là tính cách không thể phát triển trong ngày một ngày hai. Có những đứa trẻ và cả những người đàn ông và phụ nữ trưởng thành lầm tưởng tính bướng bỉnh của mình là Năng lực ý chí. Họ muốn một thứ gì đó và khi họ không đạt được họ liền vò đầu bứt tai, nghiến răng, dậm chân và nổi cơn tam bành. Người ta ngộ nhận rằng những 'sinh vật' bất kham này là những cá nhân với ý chí mạnh mẽ, trong khi tất cả những gì bạn có thể nói về họ đó là họ đích thị là những kẻ tôi tớ cho chính dục vọng của mình không hơn kém.

Bạn phải thực hành khước từ bản thân trong vô vàn cách khác nhau và tự buộc mình làm một số chuyện nào đó, từ nhỏ cho đến lớn, mỗi ngày một cách chuyên nhất để phát triển năng lực Kháng cự. Chẳng có lối tắt nào để đến được đó cả. Một số đứa trẻ vô tình phát triển đức tính này qua việc buộc mình phải học khi chúng có thể chơi, và bằng cách ép mình vào khuôn khổ học tập khô khan và nhàm chán, qua đó chúng đã huân tập được khả năng tập trung có chủ ý. Hãy luyện tập khước từ bản thân trong mọi cơ hội có thể. Hãy cắt bỏ những tiện nghi mà bạn nghĩ rằng "bạn phải có." "Hãy tắm nước lạnh khi bạn muốn tắm nước nóng. Hãy rời khỏi giường nhanh chóng vào buổi sáng. Hãy đến gặp những người mà bạn thường né tránh. Hãy đứng khi đi tàu điện khi như bạn muốn ngồi; hãy đi bộ khi bạn cảm thấy lái xe sẽ dễ chịu hơn. Hãy tạo ra những giao kèo với bản thân và thực hiện chúng."

Hãy tự hứa với mình rằng khi bạn thấy điều gì mình cần phải làm, ngay lập tức bạn sẽ bắt tay làm điều đó cho dù ý muốn trì hoãn nó có mạnh đến nhường nào, và sau tất cả điều này hãy tạo cho mình một thói quen suy nghĩ tự động rằng: "Ta đang làm tất cả những điều khó khăn này để huân tập Năng lực ý chí và mỗi khi ta thành công trong việc buộc tâm trí của ta làm hoặc không làm một việc, ta đã khiến cho thành công tiếp theo của ta dễ dàng hơn và Ý chí của ta mạnh mẽ hơn." Dĩ nhiên suy nghĩ trên chỉ là một gợi ý cho việc thực hành của bạn.

(b) Bạn không được đưa ra cho mình những nhiệm vụ quá khó khăn như Phát triển bản thân vì điều đó có thể quá nặng nề và vượt ngoài sức mạnh của Ý chí bạn hiện tại. Qua việc khước từ bản thân, bạn phát triển khả năng tự kiềm chế. Qua việc buộc mình làm những điều nào đó bạn phát triển khả năng tự khẳng định bản thân. Một con đường đi theo lối phủ định. Một con đường theo lối khẳng định. Cả hai đều cần thiết. Kẻ không thể kiểm soát và lãnh đạo bảo thân thì không bao giờ có thể phát triển và khẳng định được mình. Nhưng hãy chắc rằng bạn bắt đầu với những điều dễ dàng và sau đó khi bạn dần có được sự tự tin bạn có thể dành nỗ lực cho những nhiệm vụ khó khăn hơn.

(c) Năng lực của Dũng khí và sự Tự tin là những điều cực kì cần thiết.

Chẳng có thứ gì làm suy yếu ý chí nhiều như Nỗi sợ và sự Tự ti. Sự tự tin không phải là lời tự huyễn sáo rỗng. Thứ bên trong bạn nói rằng "TÔI CÓ THỂ" và được tương trợ một cách từ tốn và kiên định bởi suy nghĩ "Tôi sẽ làm" rồi dần chuyển sang hành động thực tế, quá trình này sẽ phát triển Năng lực Ý chức và mang lại những kết quả không thể ngờ tới.

(d) Hãy luôn giữ những từ này trước tâm trí thụ động của bạn:

Nhiệt thành. 2. Quyết tâm. 3. Dũng khí. 4 Tự tin.Theo-tới-cùng. 6. Kiên nhẫn. 7. Tôi có thể và tôi sẽ làm.

(e) Khuynh hướng chức năng Dương trong tâm trí của bạn hướng về sự phóng xuất, thể hiện hay phóng chiếu năng lượng; khuynh hướng chức năng Âm là tạo tác và hoài thai ra sản phẩm tâm thức như suy nghĩ, năng lượng tinh thần, thói quen mới,.... Đó là lý do tại sao Nguyên lý Âm còn được các nhà triết học cổ đại gọi là "tử cung của tâm trí". Nó cũng bao gồm khả năng tưởng tượng. Chức năng Dương thực hiện công việc của 'Ý chí' trong nhiều giai đoạn của nó.

Chức năng Âm nhận về những niệm tưởng và hoài thai ra đứa con tinh thần trong dạng thức của những suy nghĩ, ý tưởng, khái niệm, thói quen tư duy, vân vân. Những năng lực của năng lượng tạo tác của nó cực kỳ phi thường và đã được chứng minh và thực nghiệm trong những thí nghiệm Tâm lý học được thực hiện bởi những nhà khoa học thần kinh lững lẫy nhất của thời đại. Nhưng năng lượng tinh thần "dương" phải được phóng ra bởi "Cái tôi chủ tể" đến Tâm thức thụ động thông qua sự tập trung, sự đề xuất có chủ đích trước khi Tâm thức thụ động có thể bắt đầu hoạt động theo một đường lối để sản sinh ra nỗ lực tạo tác. Sự đề xuất này có thể được bạn đưa ra cho vô thức của mình hoặc nó có thể đến như một ý niệm từ bên ngoài.

Trừ khi bạn kiểm soát được Tâm thức thụ động của mình, nó sẽ luôn bị kiểm soát bởi những kẻ khác. Lúc đó bạn chẳng khác nào một tên nô bộc. Để huân tập được bảy đức tính này, bạn phải chọn ra một từ và để hình dạng của nó chìm vào tâm trí bạn. Hãy đặt mình vào một trạng thái bất động và thoải mái. Hãy nhắm mắt lại và hình dung hình dạng của chữ đó, ví dụ như: Q-U-Y-Ế-T-T-Â-M. Hãy sử dụng trí tưởng tượng quan sát nó bằng tinh thần. Khi thực hiện xong, tức là khi hình ảnh của từ được chụp lại trong tâm trí của bạn và nó được cố định lại một chỗ, bước tiếp theo đó là tưởng tượng ra những ý tưởng, tính chất, tính cách vật lý và tinh thần có liên quan đến từ dó.

Bước thứ ba của bạn đó là ra lệnh cho Tâm thức thụ động của mình một cách bình tĩnh, tập trung và tự tin phải tạo ra đức tính kia. Hãy nhớ rằng, tâm trí của bạn sẽ nổi loạn thời gian đầu, nhưng một chút kiên định sẽ đem lại thành công cho bạn. Hãy lặp lại những lời khuyên tự động mỗi ngày vào cùng một khung giờ. Hãy xem nó biểu hiện thành hành động. Hãy thực hành nhiều nhất có thể. Dĩ nhiên nỗ lực ban đầu của bạn sẽ rất bất toàn, nhưng đừng quá quan tâm, hãy đi tiếp, nắm chặt lấy câu thần chú "Tôi có thể và tôi sẽ làm" bất kể điều gì xảy ra và thành công là điều chắc chắn. Một khi bạn phát triển được bảy đức tính này, bạn có thể làm được mọi thứ.

(f) Chớ để bạn bè hay bất cứ ai—cho dù là ai đi nữa!—làm bạn chệch hướng khỏi mục tiêu của mình. "Đừng để tay trái biết việc tay phải làm." Đừng bao giờ thể hiện ra. Hãy để kết quả trả lời. Thiên Chúa luôn giỏi ẩn mình và tuyệt tác của Ngài là không thể nghĩ bàn! Bạn bè và người thân của bạn sẽ khinh thường bạn vì thiếu đi những đức tính này. Đừng bao giờ áp đặt ý chí của mình lên người khác, nhưng cũng chớ để người khác áp đặt điều gì trái với nhận định của chính bạn. Trên thực tế, không ai có thể làm điều đó trừ khi bạn là một kẻ yếu đuối với tâm trí bạc nhược.

(g) Hãy thường xuyên giao du với những người chân chính và có ý chí, bạn sẽ không còn cách nào khác ngoài việc trở nên mạnh hơn.

(h) Hãy đọc những tác phẩm văn học về chủ đề này và tiếp nhận tất cả những sự hỗ trợ từ kiến thức.

(i) Nếu trí tưởng tượng và lý tưởng duy tâm của bạn không phát triển, hãy huân tập chúng, bởi chính những thứ này biến con người trở thành thánh nhân. Những triết gia, học giả, nhà thơ và nhạc sĩ đều phát triển tốt những khả năng này. Nhưng khi trí tưởng tượng không được kiểm soát bởi trí tuệ cao hơn và khi lý tưởng duy tâm không được ủng hộ bởi một ý chí mạnh mẽ, khi đó bạn trở thành một kẻ ngồi không "mơ ngàn giấc mộng" và trạng thái tâm thức như vậy thực sự rất đáng trách và đáng thương hại!

(j) Năng lực ý chí trưởng thành nhờ vào niềm tin vào năng lực của mình, nhờ vào thực hành, và nhờ vào lòng tận tâm hướng về CHÂN HỒN UYÊN NGUYÊN.

(k) Trong nỗ lực vực dậy Ý chí của mình, đừng e sợ rằng sức khoẻ của mình sẽ đi xuống. Thực ra, Sức khoẻ hoàn hảo là thành quả của Ý chí hoàn hảo. Hãy phủ nhận quyền lực của bệnh tật và đau ốm đối với bạn. "Ta sẽ không bệnh tật. Cơ thể ta là nô bộc của ta. Ta sẽ luôn phát ra hào quang của sức khoẻ hoàn hảo." Hãy thuyết phục tâm thức thụ động của bạn—thứ chịu trách nhiệm cho cơ thể bạn—bằng những câu lệnh lặp đi lặp lại này, hãy yêu cầu và quả quyết.

Hãy luôn nghĩ về cơ thể mình như một thứ mạnh mẽ và kiên cố. Đừng bao giờ nói về sức khỏe, bệnh tật hay điểm yếu. Bạn phải vượt ra ngoài những mối quan tâm này. Đó là quyền tự nhiên của bạn. Chỉ khi nào bạn tự hạ thấp mình thì chúng mới có quyền lực làm phiền bạn. Hãy vượt ra ngoài bản ngã thấp kém của mình. Việc của bạn là chăm lo cho Bản ngã thượng tầng—đó là nơi "bạn" sống, di chuyển và lưu giữ bản thể của mình. Cũng nên dạy dỗ và rèn luyện ý chí của mình để nó bám sát con đường phủ định của sự tự kiềm chế bản thân cũng như theo con đường khẳng định của sự tự khẳng định bản thân. Hãy cân bằng cả hai. Cái sau đi theo cái trước. Bây giờ tôi sẽ chuyển sang chủ đề sự tự kiểm, hãy biết thật rõ ràng rằng Sự tự kiểm và Năng lực ý chí có mối liên hệ mật thiết với nhau. Bạn sẽ được giao những công việc thực sự khi thực hành Sự tự kiểm.

SỰ TỰ KIỂM

Rõ ràng việc nói và viết về chủ đề này thì thật dễ dàng nhưng để đạt được nó thì muôn trùng gian nan. Sự tự kiểm hoàn hảo đồng nghĩa với quyền lực vô hạn. Chỉ có Đức Phật Và Đức Chúa trong thế giới này mới có được sự Tự kiểm tuyệt đối. "Bất kì việc gì mà thiếu đi sự kiểm suy nghĩ thật sát sao thì lời nói và hành động chỉ giống như gieo những hạt yến mạch hoang dại mà thôi," Vivekananda nói. Tôi tiếp cận chủ đề này không giống như những cây bút viết về chủ đề này theo kiểu "Hãy làm như tôi nói chứ đừng như tôi làm."

Bạn có thể đạt được tiến bộ đáng trân quý theo hướng này bằng cách thành thạo những lời chỉ dẫn, thực hiện đầy đủ các bài tập và cuối cùng cũng là quan trọng nhất đó là "luôn mang theo những nguyên tắc này trong đầu" và áp dụng chúng hết sức có thể trong cuộc sống thường nhật. Không có gì có thể đưa bạn đến sự phát triển và tiến bộ nhanh chóng bằng việc thực hành trong những chuyện từ nhỏ đến lớn trong cuộc sống thường nhật, đó chính là dịp để những lý tưởng của bạn thể hiện trong cả hành động và ý thức. Chúng ta đều phạm sai lầm khi phân tách những giờ thực hành lý tưởng cao đẹp với việc sống một cuộc sống thấp kém trong khi ôm ấp những lý tưởng hoàn toàn trái ngược trong cuộc sống đời thường. Quá trình tự nhiên, như bạn có thể thấy, đó là sống với những lý tưởng cao đẹp nhất của bạn trong từng giây phút của cuộc sống.

Không có gì quan trọng hơn những công việc hàng ngày của một người và nếu họ không thể đem lý tưởng của mình vào ngay những điều nhỏ nhặt này thì thành công sẽ không bao giờ đến với họ. Một nhà khoa học thần kinh đã tóm gọn bí mật của việc Xây dựng nhân cách trong lời khuyên quý giá này về chủ đề Tập trung vào nhiệm vụ: nhiệm vụ đơn giản của việc tập trung tinh thần vào bất kỳ tác vụ, công việc hay nghề nghiệp nào mà một người thực hiện chính là bước đầu để đạt được sự tập trung hoàn hảo. Cho dù bạn đang làm gì, hãy làm chủ công việc của mình.

Nếu bạn là một người thợ giày, hãy sửa giày với một tay nghề thật tinh xảo; nếu bạn là một thợ cắt tóc, hãy giữ dao cạo và kéo của mình sáng bóng đến mức làm khách hàng phải tấm tắc ngợi khen; nếu là một thợ may hãy may những bộ áo vừa vặn như một chiếc găng tay; nếu là một người thủ ngân hãy giữ sổ sách của mình thật gọn gàng, ngăn nắp; nếu là một thợ xây, hãy xây ngôi nhà chắc chắn đến mức những chú chuột cũng phải ghét bạn; nếu là một ca sĩ, hãy mê hoặc thính giả với những âm điệu du dương; nếu là một diễn viên, hãy nhập vào linh hồn của nhân vật và khiến khán giả cảm nhận điều đó.

"Toàn thế giới là một sân khấu

Và tất cả đàn ông và đàn bà chỉ là những kịch sĩ,

Họ vào vai diễn rồi ra khỏi vai diễn

Và một người trong quãng đời của mình đóng rất nhiều vai."

Nếu bạn là lãnh đạo trong bất cứ lĩnh vực nào dù là tư tưởng hay quyết sách, hãy nhớ rằng cống hiến phải ngang bằng với bổng lộc, bởi vì cuộc sống và hạnh phúc của những người xung quanh bạn là thứ trách nhiệm nặng nề mà bạn phải gánh vác, cho dù bạn có biết hay không, hàng ngàn người có thể đang thầm chửi rủa sự yếu kém và tắc trách của bạn. Làm một người thợ giày giỏi còn tốt hơn vạn lần so với làm một nhà lãnh đạo tệ hại.

Tôi tin rằng nếu bạn tận tâm làm theo những lời khuyên trên chúng sẽ giúp bạn dần tiến gần hơn đến ngưỡng cửa của những giai đoạn cao hơn của địa vị chủ nhân. Hãy tâm huyết với công cuộc này. Hãy vững tin, kẻ mơ mộng về những quả ngọt trong thời gian ngắn và con đường nhung lụa dẫn đến sự tinh thông trong khoa học tinh thần sẽ phải sụt nhào vào sự thất vọng không hồi kết mỗi khi anh ta thất bại, và kẻ nào xao nhãng với nhiệm vụ hàng ngày của mình sẽ không bao giờ tiến xa. Thật ra chính sự thiếu kiên nhẫn của anh ta sẽ dẫn anh ta đến thất bại. Không có đời sống cá nhân nào là trọn vẹn trừ khi những công việc có ý nghĩa góp phần xây dựng nên cuộc sống đó. Một bậc thầy yogi, người đã viễn lý thế giới này, đã hoàn thành đại nghiệp của mình và vượt xa thời đại của ông ta. Những bậc ẩn sĩ và bậc thánh thật sự chính là Trụ cột Sức mạnh nâng đỡ thế giới này. Tôi nhắc lại điều này bao nhiêu lần cũng không đủ. Sự thật đơn giản rằng các bậc thánh này đang hít thở chung một bầu không khí với chúng ta chính là một ân phước và một sự lợi lạc vô hạn đối với toàn thể nhân loại vậy.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top