6 lý do tệ hại để sinh con
Vì ai đó mong bạn sinh con (không quan trọng là ai).
Tôi từng dành một thập kỷ để phỏng vấn những cô con gái trưởng thành của những bà mẹ không biết yêu thương và câu hỏi nhức nhối thứ hai—sau câu hỏi "Tại sao bà ấy không thương tôi?"— luôn là câu "Vậy tại sao bà ấy lại sinh ra tôi?" Đôi lúc, câu hỏi này hơi cường điệu. Nhưng nó cứ luôn nặng nề, lơ lửng ở đó, chờ đợi một câu trả lời sẽ không bao giờ có, một câu trả lời có thể bắt đầu lý giải tại sao một người mẹ lại đối xử với con gái của bà ta như vậy.
Tất nhiên, lý do sinh con của mọi người rất phức tạp. Trong hàng ngàn năm, mặc dù đã có những nỗ lực được ghi nhận trong việc tránh thai ở mọi xã hội bắt đầu từ thời Ai Cập cổ đại, con người vẫn có con vì mấy ai dám không sinh con. Trong các xã hội nông nghiệp và bộ tộc, trẻ em không chỉ là một lực lượng lao động tiềm năng mà còn là thành viên của thị tộc. Đẻ con trai là một cách để bảo vệ của cải từ thế hệ này sang thế hệ khác. Còn con gái, đặc biệt là những cô gái có giá trị hôn nhân cao, mang đến cách thiết lập các mối liên kết mới và củng cố, thu tóm quyền lực và của cải. Vâng, ngay cả như thế, người ta sinh con chỉ vì họ khao khát có con.
Việc sinh con có làm bạn hạnh phúc hơn hay không thì vẫn còn nhiều tranh cãi, như các nghiên cứu trái ngược chỉ ra. Dù hầu hết nghiên cứu đều chỉ ra mức độ hạnh phúc chủ quan tụt giảm ở những người có con, nhưng gần đây Angus Deaton và Arthur A. Stone lại cho rằng những kết quả đó bị sai lệch. Dù những người đang sống với con nhỏ cho biết gặp nhiều stress hơn, song họ cũng thông báo rằng hạnh phúc hơn. Có lẽ không phải ngẫu nhiên, họ cũng có xu hướng là những người có học vấn cao hơn, khỏe mạnh hơn, nhiều khả năng lập gia đình, mộ đạo hơn—tất cả những yếu tố đó cũng góp phần vào hạnh phúc. Tương tự thế, Chris Herbst và John Ifcher nghiên cứu xem liệu "khoảng cách hạnh phúc khi làm cha mẹ" được báo cáo trên các phương tiện truyền thông có tồn tại hay không. Họ phát hiện thấy trong khi mức độ hạnh phúc chủ quan đã suy giảm ở những người không con cái, chúng được cải thiện ở các bậc cha mẹ trong những năm gần đây. Họ phỏng đoán rằng có thể con trẻ đã mang đến một tấm đệm chống lại những xu hướng tiêu cực, trong số đó có sự bất ổn về kinh tế và sự thiếu kết nối xã hội trong một xã hội ngày càng ái kỷ.
Hơn nữa, nhờ biện pháp tránh thai đáng tin cậy và nhiều tập quán đang thay đổi, việc làm cha mẹ ngày nay chủ yếu là lựa chọn. Theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, 47.6% phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44 không có con trong năm 2014, tỷ lệ cao nhất kể từ khi theo dõi bắt đầu vào năm 1976. Chỉ dưới một nửa (49.6%) phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 29 là hiếm muộn, cũng như 28.9% ở những người từ 30 đến 34 tuổi.
Khi lựa chọn không sinh con dần được chấp nhận hơn ở thế kỷ 21—vâng, ngày nay họ gọi điều đó là childfree (lựa chọn tự nguyện không sinh con), chứ không phải là childless (hiếm muộn)—ngày càng nhiều người đang có sự lựa chọn ấy. Tôi không chắc về thuật ngữ "childfree" bởi ngụ ý của nó về "gánh nặng" của việc nuôi dạy con. Ngoài ra, nó có chút phóng đại. Ví dụ, tôi biết nhiều đàn ông và phụ nữ không có con vì nhiều lý do, nhưng tất cả bọn họ đều có mối quan hệ gần gũi với trẻ em—các cháu trai và cháu gái, con cái của bạn bè và hàng xóm. Theo tôi, đó hoàn toàn không phải là childfree.
Thật thú vị, sự thay đổi trong nền văn hóa—đang rời xa thái độ của những năm 1950 khi giả định về một cặp vợ chồng không con cái là nếu họ không sinh con thì tức là họ bị vô sinh—phần nào đã thúc đẩy một cuộc đối thoại cởi mở về việc làm cha mẹ. (Tôi nói "phần nào" một cách thận trọng vì phần lớn những cuộc thảo luận về việc làm mẹ vẫn được cổ vũ bởi huyền thoại văn hóa rằng mọi phụ nữ trên đời đều có bản năng làm mẹ và chăm sóc con cái.) Cả đàn ông lẫn phụ nữ đều thú nhận [công khai lẫn riêng tư] có hơi thất vọng với trẻ em và với việc nuôi dạy con. Với tư cách là một người cha của hai đứa con đang ngoài ba mươi tuổi, mà ông đã hạn chế liên lạc, phát biểu rằng: "Tôi nghĩ nếu mình được làm lại, tôi sẽ không sinh con. Nếu hồi đó tôi thành thật với chính mình, tôi đã nhận ra việc có con là vì tôi được mọi người kỳ vọng phải sinh con và vợ tôi muốn có con." Cũng tương tự vậy, một phụ nữ ở tuổi 80, là mẹ của một người con trai và con gái, cho rằng bà ước gì mình có được lựa chọn không sinh con, vì rốt cuộc, bà thấy thế giới công việc ngày nay thú vị hơn rất nhiều so với 20 năm bà dành để làm một người vợ nội trợ và làm mẹ. Tôi từng có những buổi trò chuyện mà các bậc làm cha mẹ, nghe giọng khá ganh tị, nhận thấy những người bạn và người quen không có con cái của họ trông trẻ hơn và ít căng thẳng hơn, lại còn có nhiều tiền bạc và nguồn lực hơn họ. Tất nhiên điều này không có nghĩa là họ không thương con mình, nhưng nó phản ánh về lựa chọn làm cha mẹ có thể đóng vai trò chủ động ra sao.
Tôi sẵn sàng thú nhận rằng mình đóng một phần trong cuộc thảo luận này và tin chắc rằng quyết định làm cha làm mẹ là một quyết định quan trọng nên được đưa ra một cách ý thức nhất có thể. Tôi nói điều đó không chỉ trên tư cách là một người con gái không được yêu thương đã nghe hàng trăm câu chuyện [chân thật nhất] của những đứa trẻ không được cha/mẹ yêu thương, mà còn với tư cách của một người quyết định không sinh con, nhưng rồi khi ngấp nghé tuổi 40, đã thay đổi quan điểm. Giờ đây tôi coi việc làm mẹ là thành tựu cao quý nhất đời mình—và đối với một nhà nữ quyền thì đây là một tuyên bố khá mạnh mẽ. Điều này không có ý nói rằng tôi lúc nào cũng thành công trong việc làm mẹ (chỉ cần hỏi con gái tôi) hay tôi không bao giờ phạm sai lầm. Tôi có mắc sai lầm, và tôi nhận ra những điều tôi làm sai chắc chắn đã định hình cuộc đời con tôi, và có lẽ là nhiều hơn những điều mà tôi đã làm đúng. Nghiên cứu luôn xác nhận rằng tổn thương mà bạn gây ra luôn nhiều hơn , có sức nặng lớn hơn và ảnh hưởng nhiều hơn những điều tốt đẹp mà bạn mang lại. Điều đó đơn giản là một phần của sự lập trình ở con người: "Cái xấu luôn mạnh hơn cái tốt."
Nguồn: Monkey Business Images/Shutterstock
Tuy nhiên, có những lý do chính đáng cũng như tồi tệ để sinh con. Dưới đây là một số lý do thực sự tồi tệ mà tôi lượm lặt được từ nhiều cuộc trò chuyện với những bà mẹ và con gái, các ông bố và con trai:
1. Để có người yêu bạn
Tôi có một số nữ thân chủ, tất cả đều có con nhỏ, đã thú nhận điều này. Trong hầu hết trường hợp, họ giải thích rằng việc có con dường như giúp họ xoa dịu nỗi đau vì không được bố mẹ yêu thương hay từ chối mối quan hệ với người yêu/người bạn đời. Một phụ nữ nhớ lại quyết định cô từng đưa ra cách đây nhiều thập kỷ để làm mẹ đơn thân mà không cần đến người cha, về cơ bản thì đó là tình một đêm. Cô gọi đó "là việc ích kỷ nhất tôi từng làm." Một người khác thì nhận xét "trẻ con thì không nên sinh ra trẻ con," thừa nhận rằng cô chưa chín chắn về mặt cảm xúc cũng như đủ trưởng thành để làm mẹ. Tất nhiên, vấn đề thực sự chính là gánh nặng của việc mang đến yêu thương bị đẩy sang đứa trẻ được cho là người sơ cứu tinh thần cho cha mẹ. Đó là một yếu tố dẫn đến thảm họa.
2. Vì ai đó mong bạn sinh con
Không quan trọng đó là ai—bố mẹ, người bạn đời, hay áp lực xã hội. Sinh con là một quyết định mà bạn cần làm chủ trên mọi phương diện vì đó là một cam kết to lớn. Việc nuôi dạy con tốt đòi hỏi rất cao và cần được truyền cảm hứng bởi những kỳ vọng của chính bạn chứ không phải ai khác. Những người vô tình trở thành cha mẹ theo kiểu này thường làm cha làm mẹ mà không thực hiện một cuộc đánh giá cá nhân về nhu cầu của họ hoặc, quan trọng hơn, khả năng của họ để chăm sóc và chịu trách nhiệm cho một con người phụ thuộc hoàn toàn vào họ. Những đứa trẻ của các bậc phụ huynh đó thường nói rằng mặc dù chúng được chăm lo về mặt vật chất—vâng, chúng có mái nhà che mưa che nắng, quần áo để mặc, thức ăn để sống—song nhu cầu tình cảm của chúng phần lớn bị bỏ qua.
3. Để hòa nhập.
Một số phụ nữ thú nhận rằng họ sợ người khác sẽ xa lánh hay kỳ thị nếu họ quyết định không sinh con. Có lẽ họ trông "kém giá trị hơn" so với phụ nữ đã có con. Nếu chúng ta thành thật với bản thân về cái gọi là "những chuẩn mực" văn hóa, ta sẽ nhận ra đây thực sự là nỗi lo chính đáng của nhiều người. Tuy nhiên, đó không phải là động cơ lành mạnh để cam kết làm cha mẹ. Một phụ nữ cùng với chồng đã quyết định không sinh con, đưa ra nhận định rằng: "Tôi là một trong bốn chị em gái và là người duy nhất không sinh con. Điều đó khiến tôi trở nên khác biệt, nhưng không phải theo cách tích cực, đặc biệt vì tôi có khả năng sinh con. Cả bố mẹ và chị em tôi đều coi sự lựa chọn của tôi là 'bằng chứng' cho thấy tôi ích kỷ và chỉ biết đến mình. Khi bố mẹ qua đời, tôi được thừa kế gia tài ít hơn các chị em của mình và di chúc thậm chí còn ghi rằng tôi không cần nhiều tiền của vì chỉ có một mình tôi."
4. Để mang lại mục đích cho đời bạn.
Mặc dù đúng là việc nuôi dạy một đứa trẻ có thể mang lại ý nghĩa và mục đích cho cuộc đời bạn, nhưng đó vẫn là một lý do tệ hại để sinh con. Bạn là người duy nhất có thể định nghĩa điều gì mang lại ý nghĩa cho cuộc đời mình. Đó không phải là một bổn phận được thực hiện bởi một ai khác, ngay cả với đứa trẻ do bạn sinh ra. Lý do này (cùng với lý do tiếp theo) có thể dễ dàng trở thành sự vướng mắc—bao gồm sự khước từ không gian mà đứa trẻ cần để được là chính nó và hoàn toàn phớt lờ ranh giới cảm xúc của trẻ—hoặc kiểm soát nhất cử nhất động. Nhiệm vụ của một đứa trẻ không phải để giúp cuộc đời bạn trông tốt đẹp hơn hay phong phú hơn so với thực tế.
5. Tạo dựng di sản của bạn.
Về phương diện lịch sử, triều đại, bảo vệ của cải vật chất và cần để lại thứ gì đó sau khi từ giã cuộc đời, tất cả đều từng là lý do để sinh con. Nhưng điều đó không khiến chúng có giá trị về mặt cảm xúc và tâm lý. Cũng giống như những người có con để đời họ có mục đích sống, những bà mẹ quan tâm đến di sản thường xem con cái là sự mở rộng của bản thân họ và, như nhiều cô con gái cho biết, gây áp lực rất lớn lên con cái để mẹ được nở mày nở mặt. Trong trường hợp này, mong muốn của đứa trẻ—và, suy nghĩ và cảm nhận của chúng cũng vậy—phần lớn đều bị bỏ qua. Một cô con gái từng chia sẻ với tôi "Điều cực kỳ quan trọng với mẹ tôi là tôi được thiên hạ ngưỡng mộ, nhờ đó mà bà cũng được nể phục vì đã nuôi dạy tôi. Bà chọn quần áo cho tôi, chọn bạn bè cho tôi, thậm chí trường đại học, dựa theo mức độ 'đáng ghen tị' của nó đối với mối quan hệ xã hội của bà. Tôi trở thành luật sư vì bà ấy muốn thế. Khi tôi nhận ra mình ghét nghề luật, mẹ đã hoảng sợ, đặc biệt khi tôi bỏ cái nghề danh giá thu nhập cao này—theo quan điểm của bà—để làm công việc dạy học hèn mọn ở trường công. Bà ấy cứ nhắc mãi chuyện này và coi thường tôi vì lựa chọn đó." Các ông bố cũng có con vì lý do tương tự, như lời kể của một người con trai đã trưởng thành, một trong số năm người con: "Áp lực phải thành công đối với tất cả những đứa con trai của cha tôi là rất lớn vì bất cứ sai phạm nào, bất cứ điều gì không phải là 'hạng nhất', đều làm xấu mặt ông. Điều này đúng trên lĩnh vực thể thao, trong lớp học, ngoài xã hội, và khi chúng tôi đều trưởng thành, về phương diện kiếm tiền. Ông ấy không yêu tôi vì con người của tôi; ông ấy chỉ quan tâm đến vẻ vang do con cái mang lại. Tôi nguyện sẽ không bao giờ làm điều này với con mình, những người mà tôi yêu vì chính con người chúng."
Trong thế giới , những bậc cha mẹ đó thường được dán cho cái nhãn là Ái kỷ (narcissist). Nhưng bất kể bạn dán cái nhãn nào thì những vết thương tình cảm mà họ gây ra cho con cái là rất nhiều.
6. Để giúp hôn nhân tránh đổ vỡ (hay để khiến đối phương kết hôn với bạn).
Bất chấp tất cả các bài báo trên truyền thông đại chúng, tất cả các nghiên cứu và những câu chuyện cảnh báo được nói đến trong tiểu thuyết và phim ảnh, người ta vẫn tin rằng một em bé có thể hàn gắn một mối quan hệ vốn đã gặp nhiều căng thẳng. Tất nhiên, không gì sai lệch sự thật hơn là giả thuyết này. Và mặc dù những bất đồng trong việc nuôi dạy con không nằm trong ba lý do hàng đầu khiến mọi người ly hôn—ba vấn đề đó là ngoại tình, lạm dụng ma túy hay rượu, và tiền bạc—chúng cực kỳ phổ biến. Vấn đề là thế này: Cũng như những người yêu nhau nhầm tưởng rằng họ sẽ vượt qua được bất đồng về tiền bạc, các cặp vợ chồng có xu hướng không bàn bạc quan điểm của họ về việc nuôi dạy con trước đó. Một người đàn ông kể với tôi: "Tôi không nói rằng những xích mích của chúng tôi về con trai là nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn, nhưng tôi muốn nói rằng chúng là giọt nước tràn ly. Vợ cũ của tôi luôn từ chối áp dụng các biện pháp kỷ luật thằng bé hồi còn nhỏ và sau này ở độ tuổi thiếu niên, và trong giai đoạn đầu tuổi trưởng thành, thằng bé không có khả năng chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, nhưng cô ấy chỉ nhắm mắt làm ngơ. Tôi không thể chấp nhận điều đó."
Một phụ nữ trẻ ngoài 40, hiện tại đã 'ly dị' người mẹ ruột 80 của cô, ngẫm lại: "Những căng thẳng trong cuộc hôn nhân của chúng tôi đã quá rõ ràng, nhưng khi nhìn lại, tôi không nghĩ rằng cả hai chúng tôi thực sự sẵn sàng trung thực về những gì đang diễn ra. Chúng tôi đã kết hôn được 7 năm nhưng đang ngày càng sống như hai đường thẳng song song. Chúng tôi không gây gổ, nhưng cũng chẳng gắn kết được với nhau, và tôi không nghĩ rằng chúng tôi hiểu được điều đó. Khi con trai của chúng tôi chào đời, tôi ngày càng ít quan tâm đến cuộc hôn nhân mà dồn hết quan tâm cho con trai. Chỉ mất vài năm để mọi việc sáng tỏ."
Tất nhiên, cũng vì đứa trẻ đó mà cha mẹ "phải" kết hôn. Một người con gái đã trưởng thành chia sẻ câu chuyện sau:
"Dù cha mẹ tôi đã lấy nhau và tiếp tục sinh thêm ba người con khác, thái độ của họ đối với tôi vẫn luôn khác. Tôi là đứa đã 'cướp đi' tuổi trẻ và tấm bằng đại học của mẹ khi bà mang bầu tôi vào năm thứ ba đại học. Tôi là đứa gây áp lực quá lớn lên cha trong khi ông chưa sẵn sàng gánh vác trách nhiệm. Hiện giờ tôi đã ngoài 40 mà họ vẫn chưa 'tha thứ' cho tôi vì một chuyện mà tôi chẳng liên quan. Dĩ nhiên, trừ khi bạn có thể bị đổ lỗi vì đã ra đời."
Tất nhiên, tin tốt là động lực ban đầu của bạn để sinh con không nhất thiết phải chi phối cách bạn nuôi dạy con cái nếu bạn sẵn sàng trung thực với bản thân và nỗ lực nhận ra cách mà những nhu cầu trong vô thức và chưa được thừa nhận của bạn—không phải của con bạn—đang ảnh hưởng đến hành vi của bạn ra sao. Như Daniel Siegel và Mary Hartzell, tác giả cuốn Parenting from the Inside Out (theo tôi là cuốn sách hay nhất về chủ đề tế nhị này) viết:
"Khi chúng ta làm cha mẹ một cách toàn tâm toàn ý, khi chúng ta tỉnh thức, thì nó cho phép con cái chúng ta trải nghiệm trọn vẹn bản thân chúng vào lúc đó. Trẻ em học được về bản thân chúng qua cách chúng ta giao tiếp với chúng. Khi chúng ta bận tâm về quá khứ hay lo lắng về tương lai, chúng ta chỉ đang hiện diện với con mình về mặt vật lý nhưng vắng mặt về tinh thần. Trẻ không cần chúng ta luôn có mặt mọi lúc mọi nơi, mà chúng cần ta hiện diện trong các tương tác kết nối. Làm cha mẹ tỉnh thức nghĩa là có ý định tốt trong những hành động của bạn."
Để cho lý do khiến bạn quyết định có con—đặc biệt nếu tất cả đều vì bản thân bạn, như sáu động cơ trên—chi phối hành vi của bạn là chọn vắng mặt. Bất kể lý do tại sao bạn quyết định trở thành một người cha/người mẹ, hãy cố gắng hiện diện nhiều nhất có thể trong những tương tác của bạn với đứa trẻ mà bạn mang đến với cuộc đời là một bài học quan trọng cần khắc ghi và luôn phải thường trực trong tâm trí.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top